Giáo hội phải có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi, danh dự của tu sĩ Phật giáo. Nhất là Giáo hội địa phương cần phải hành động tích cực, phản ứng nhanh hơn, nắm bắt tình hình liên quan đến tu sĩ, cùng với các cấp chính quyền để có giải pháp kịp thời nhằm ngăn chặn những hành động không đáng có trong tương lai, bảo vệ tốt cuộc sống tu hành của tu sĩ Phật giáo.

Tác giả: TT.TS.Thích Lệ Quang Trưởng ban Ban Giáo dục Phật giáo quận Tân Bình, TP.HCM

Tóm tắt: Phật giáo trong mấy tháng qua đang đứng trước “giông bão” của truyền thông bẩn, tìm mọi cách để chống phá Giáo hội Phật giáo, chùa chiền, chống phá tu sĩ Phật giáo, nhằm mục đích làm suy yếu niềm tin của tu sĩ đối với tín đồ Phật giáo. Sự chống phá đó không những về mặt bôi nọ, xuyên tạc, nói xấu, lăng mạ…, mà nó còn dẫn đến những hành động, cú đấm vào hai tu sĩ đang khất thực trên đường.

Hành động đó gây nên sự bức xúc trong dư luận trên không gian mạng với những quan điểm trái chiều về một hành động không thể chấp nhận được đối với một xã hội thượng tôn pháp luật. Nhiều người đã đặt ra câu hỏi, Giáo hội cần làm gì để bảo vệ tu sĩ?

Từ khoá: Giáo hội cần làm gì, tu sĩ, bảo vệ tu sĩ, tu sĩ khất thực bị đánh.

Những hiện tượng tiêu cực, những phát ngôn “gây sốc”, những việc làm mang màu sắc mê tín, dị đoạn…của một số người đã tạo nên những cái nhìn không tốt về Phật giáo, gây nên những phản ứng thuận nghịch đối với tín đồ về niềm tin trong Phật giáo. Chính những hiện tượng trên không gian mạng, khiến cho người phật tử, ít nhiều cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.

Giáo hội cần làm gì trước thực trạng tu sĩ khất thực bị đánh?

Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, việc giới tăng lữ Phật giáo bị bạo hành, lăng mạ, nói xấu, phỉ báng, đối xử tệ bạc, hành hung…trong các triều đại xã hội phong kiến là điều không phải không có.

Sự mâu thuẫn trong tư tưởng, quan điểm tôn giáo, cũng như những nhận thức sai lầm về Phật giáo trong quá khứ đã dẫn đến nhiều sự tranh luận, luận chiến, có khi gây nên những thù địch trong giới cầm quyền phong kiến, mà hậu quả của nó là giới tăng lữ Phật giáo cũng bị đối xử tệ bạc, phỉ báng, hành hung của những ông vua tàn ác, bạo ngược, thích làm điều ác.

Điều đó được nhìn thấy trong xã hội phong kiến thời Tiền Lê, khi vua Lê Long Đĩnh (1005 – 1009) lên ngôi, ông đã có nhiều trò chơi tàn ác, bạo ngược, đối xử tệ bạc không những đối với những người tù phạm, mà còn đối với giới tăng lữ Phật giáo. Theo Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim ghi rằng: “…Một hôm lấy mía để lên đầu nhà sư (Quách Ngang) mà róc vỏ, rồi thỉnh thoảng giả tảng nhỡ tay bổ dao vào đầu sư chảy máu ra, trông thấy thế lấy làm vui cười…”[1].

Đến 1963, trong phong trào đấu tranh đòi quyền tự do của Phật giáo, chư tăng, ni Phật giáo đã bị đàn áp dã man, bắt bớ, tù đày, nhiều người đã hy sinh để bảo vệ Phật giáo trước sự đàn áp của chính quyền Ngô Đình Diệm: “Một số Tăng sĩ đã ngã quỵ, một số khác bị bóp cổ và đánh đập trọng thương. Đàn bà, con trẻ cũng không thoát khỏi cảnh tàn sát” [2]. Thật vậy, Tăng sĩ Phật giáo đã trải qua nhiều thời kỳ gian khó, để tự bảo vệ lấy chính mình trong những giai đoạn lịch sử của dân tộc.

Tuy nhiên, vào thời đại ngày nay, khi đất nước đã hoàn toàn độc lập, thống nhất, mọi người sống trong cảnh hoà bình, ấm no, được quản lý và bảo vệ trước tinh thần thượng tôn pháp luật của Nhà nước Việt Nam. Nhưng, hiện nay, tu sĩ Phật giáo lại bị xúc phạm, bị đánh một cách công khai, quyền tự do bị đe doạ một cách ngang nhiên xem thường pháp luật. Sự bức xúc gây xôn xao trên cộng đồng mạng, đó là cảnh một người đàn ông đi biển số xe TP.HCM đang đánh hai nhà sư Phật giáo đi khất thực gần một khu chợ.

Hành vi tấn công bằng bạo lực một cách công khai như thế, không thể chấp nhận được trong một xã hội xem trọng luật pháp, nhất là đối với tu sĩ Phật giáo. Sự việc xảy ra cho chúng ta một cái nhìn về thực trạng hiện nay đối với tu sĩ Phật giáo đang thực hành hạnh khất sĩ cũng như các tu sĩ khác trong sự quản lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Nó phản ánh hai vấn đề của xã hội:

Thứ nhất, xác định tu sĩ thật hay tu sĩ giả? Chúng ta cần xác định tính chính danh của tu sĩ là “thật” hay “giả”. Trong trường hợp là tu sĩ thật được xác định là Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, có giấy tờ, Tăng tịch hợp pháp, có trú xứ rõ ràng, đi khất thực đúng theo quy định của hệ phái, Giáo hội cho phép.

Điều này, đồng nghĩa với việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần có trách nhiệm, bổn phận bảo vệ họ. Nếu là tu sĩ “giả”, khất thực không đúng quy định của hệ phái và Giáo hội thì vấn đề ở đây thuộc về trách nhiệm quản lý của hệ phái khất sĩ cũng như của Giáo hội về con người tu sĩ. Trong trường hợp này Giáo hội cần làm gì?

Thứ hai, phản ứng của cộng đồng về tình hình Phật giáo hiện nay về vai trò và trách nhiệm của Giáo hội trong việc bảo vệ và quản lý tu sĩ “thật” hay “giả” như thế nào? Xử lý những người có hành vi tấn công bằng bạo lực đối với tu sĩ Phật giáo như trong đoạn clip vừa qua ra sao?

Hành động tấn công tu sĩ như thế là không thể chấp nhận được, mọi vấn đề đúng hay sai phải do chính quyền, công an địa phương giải quyết theo pháp luật, không thể dùng hành động đánh người bừa bãi, không coi pháp luật, nhứt là tu sĩ Phật giáo, xem nhẹ quyền con người trong xã hội.

Một số người bất bình cho hành động nêu trên, như nhạc sĩ Quý Luân kêu gọi cộng đồng mạng Facebook truy tìm kẻ đánh người, trình báo cơ quan chức năng để xử lý, không thể để một hành động xem thường luật pháp. Tuy nhiên, một số khác cho rằng phía Giáo hội địa phương có phản ứng như thế nào trước hiện tượng xảy ra đó và giải pháp nào giải quyết tình hình nóng bỏng gây bức xúc hiện nay?

Trong khi đó, một số tăng, ni sai phạm thì cũng cần phải được giải quyết rõ ràng ở góc độ của tổ chức, ngược lại dư luận hoặc những điều sai quấy đối với tăng, ni thì giáo hội cũng “dường như” chưa quan tâm đến? Hay chúng ta quan niệm rằng tu là “nhẫn nhịn”? xã hội và một số cá nhân ứng xử, đối xử với tu sĩ thế nào cũng được, đó mới gọi là “tu nhẫn nhục”?

Vì sao Phật giáo Việt Nam có những đặc điểm riêng với một số nền văn hóa Phật giáo khác? Bởi vì, Phật giáo Việt Nam trên tinh thần tiếp thu và kế thừa Phật giáo thời Lý – Trần, một nền Phật giáo lấy tinh thần nhập thế tích cực, với đặc tính tự lực, tự cường, hoà hợp đoàn kết, vì mọi người có thể hy sinh tất cả và đặc biệt là khi Tổ quốc lâm nguy sẵn sàng hy sinh bản thân để bảo vệ Tổ quốc. Bảo vệ dân tộc cũng chính là tự bảo vệ lấy chính mình.

Trong mọi hoàn cảnh khó khăn của xã hội, Phật giáo sẵn sàng ra tay giúp đỡ, góp phần cùng với xã hội gánh vác những trọng trách khó khăn của xã hội.

Nhưng tại sao chúng ta không phát huy tinh thần tự lực tự cường đó để bảo vệ chính mình? Hình ảnh hai nhà sư bị đánh, bị lăng mạ, mà chúng ta chưa có phản ứng, làm cho một số tín đồ, những người có quan tâm đến Phật giáo bức xúc, bình luận? Có phải Giáo hội địa phương, nơi xảy ra vụ việc còn quá chậm, thụ động trước vụ việc đó, nơi mà Ban Trị sự cấp huyện/Quận/tỉnh/Thành phố quản lý còn thờ ờ?

Chúng ta cần làm rõ vấn đề một cách minh bạch trên tinh thần thượng tôn pháp luật, hơn nữa là trân trọng hình ảnh một tu sĩ Phật giáo, hình ảnh đẹp của một tu sĩ đứng “chịu trận” trước sự phỉ báng công khai, điều này khó có thể chấp nhận được đối với một xã hội văn minh, dân chủ như hiện nay. Theo chúng tôi, Giáo hội nên có một phản ứng tích cực làm rõ vụ việc để tín đồ Phật giáo có một niềm tin vào sự quản lý của Giáo hội.

Việc giới tăng sĩ Phật giáo bị đánh là vấn đề quan trọng cần phải cùng với các cấp chính quyền làm rõ động cơ, mục đích của đối tượng đánh người, nhằm răn đe những hành động về sau đối với tu sĩ. Chúng ta cần phải có một lời giải thích vấn rõ ràng, minh bạch, để giải đáp những bức xúc của tín đồ Phật giáo đối với hành động đánh tu sĩ vừa qua.

Tóm lại, trước những hành động thô bạo, xem thường pháp luật đối với tu sĩ khất thực Phật giáo đang lan truyền trên mạng xã hội, gây nên làn sóng bức xúc đối với tín đồ Phật giáo, làm mất đi hình ảnh đẹp của tu sĩ Phật giáo là một việc làm không thể chấp nhận được. Giáo hội cần phải có hành động cần thiết để quản lý và bảo vệ tu sĩ một cách tốt nhất trong bối cảnh hiện nay.

Đây không phải là việc mà một cá nhân có thể giải quyết được, nó đòi hỏi tiếng nói của một hệ thống, tổ chức Giáo hội, là cơ quan quản lý tu sĩ. Giáo hội phải có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi, danh dự của tu sĩ Phật giáo. Nhất là Giáo hội địa phương cần phải hành động tích cực, phản ứng nhanh hơn, nắm bắt tình hình liên quan đến tu sĩ, cùng với các cấp chính quyền giải pháp kịp thời, ngăn chặn những hành động không đáng có trong tương lai, bảo vệ tốt cuộc sống tu hành của tu sĩ Phật giáo.

Tác giả: Thượng tọa Thích Lệ Quang Trưởng ban Ban Giáo dục Phật giáo Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh ***

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nhiều tác giả, Lửa thiêng nhiệm mầu, Giáo hội Phật giáo TP.HCM, 2013.

2. Trần Trọng Kim, Nho giáo, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2008.

3. Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, quyển 1, Trung tâm học liệu xuất bản, 1971.

4. Viện Sử học, Đại Việt sử ký toàn thư, tập I, II. NXB. Văn hoá thông tin, 2004.

CHÚ THÍCH

[1] Trần Trọng Kim (1971), Việt Nam sử lược, quyển 1, Trung tâm học liệu xuất bản, tr. 91.

[2] Nhiều tác giả (2013), Lửa thiêng nhiệm mầu, Giáo hội Phật giáo TP.HCM, tr. 71.