https://tapchinghiencuuphathoc.vn/giai-oan-cat-ket-duoi-goc-nhin-duy-thuc-ky-1.html

Tiếp theo Kỳ 1 Tạp chí NCPH Số tháng 1.2022 và hết Tác giả: Thích Đạo Tâm Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 3.2022

CHƯƠNG 3. Nghi thức cúng giải oan kết theo góc nhìn Duy Thức Học

3.1. Giới thiệu tổng quan Khoa cúng giải oan kết

Bộ Thủy Lục chư khoa là một bộ tập thành gồm 6 quyển, là những khoa cúng, nghi lễ dùng đề độ âm, độ dương. Khoa cúng Giải Oan Kết là khoa nằm ở quyển 5. Xét về sách Thủy Lục Chư Khoa, vốn là phép ứng phó đạo tràng, là việc độ âm bảo dương. “Tương truyền, khoa cúng đàn thập cúng trong đó có khoa giải oan cắt kết là do Tổ Huyền Quang, Lưỡng Quốc Trạng Nguyên soạn từ thời Trần, để thông qua việc cúng lễ, nơi tập trung đông Phật tử, dân làng và con cháu hiếu chủ mà tuyên truyền, quảng bá tư tưởng lục độ Ba La Mật của Phật giáo Đại thừa, giúp cho họ bỏ ác tu thiện… Đàn cúng giải oan cắt kết là hiển giáo, lấy việc làm cụ thể để diễn đạt cho cái trừu tượng không có hình tướng, mượn lời nói để giải thích cho những chỗ cốt lõi của đạo không thể dùng lời nói mà diễn đạt được”(1).

Về nội dung của Khoa có thể tạm phân làm 5 phần:

Phần thứ nhất: là tán Lô hương, đây là phần chung của hết thảy nghi thức tụng niệm, hay các khoa cúng. Ở khoa này nói về Điển tích, trong khoa viết “Da du tử mẫu lưỡng vô ương, hỏa nội đắc thanh lương”, là một điển tích của Phật giáo đại thừa. Hương là “tín nguyện” của chư Phật (Tâm Hương hoặc Ngũ Phần hương). Là một hình thức gửi gắm những tâm nguyện.

Phần hai: là phần Bạch Phật, và nêu nguyên nhân, lý do của việc thực hành khoa giáo nghi lễ này, nguyên do vong linh căn trần đối đãi mà kết oan nghiệp, nhờ Phật mở bày pháp môn Lục độ giải đi những Vô thủy Phiền não. Khoa chép rằng: “Ngưỡng bạch năng nhân quảng đại mãn giác phương viên quán thế giới dĩ vô thường, vận từ cứu khổ thị dĩ hoàng cung dáng đản, tuyết lĩnh tu hành sách tố mã dĩ lăng vân nghệ thanh sơn nhi thế phát dung thước sào vu quan đỉnh quải thù cương ư mi gian, tu tịch diệt nhi chứng chân thường, đoạn trần lao nhi thành chính giác, khúc thùy phương tiện, cảm ứng dung thông, duy nguyện mẫn chúng sinh chứng minh thử công đức. Kim giả trai chủ… đại vì chân linh ư Tam bảo ngự tiền giải vô thủy phiền não”.

Nghĩa là: “Ngưỡng bạch đức Năng nhân rộng lớn, bậc giác ngộ vuông tròn, quán thế giới vô thường, vận từ bi cứu khổ, vì vậy hoàng cung giáng đản, Tuyết lãnh tu hành, cưỡi ngựa trắng vượt trời mây, đến núi xanh nguyền cắt tóc... Nay có trai chủ…, đàn tràng nở sáu độ, tịnh tín xin một lòng”(2)

Phần thứ ba: nêu rõ nguyên nhân của sự trói buộc, luân hổi, khổ đau: Trong khoa viết: Kính nghe! Diệu tính vốn lặng trong, thường ở yên không có đi có đến. Ở trong chân như không thay đổi mà tùy theo điều kiện mà hiện ra là sắc hay là không (vật chất hay tinh thần). Chỉ vì trong một loáng khởi lên vọng tâm mà khuấy động biển giác vốn lặng trong làm cho tam tế chuyển ra thành nghiệp. Lục thô khởi do trí trói buộc mà bị khổ. Tướng tựa vào tính khởi mà tình sinh, trí cách ngàn trùng, tâm chạy theo vật đổi. Tướng biến dẫn đến hình thể khác ra vạn trạng, cho tới lấy nợ, trả nợ đều là theo mê vào mê. Hoặc, nghiệp, khổ gộp lại thì ác xấu tỏa ra. Căn, trần, thức gắn kết như keo sơn. Mắt nhìn thấy sắc, nhãn thức tham đắm mà ái nhiễm lớn lên không ngừng. Tai nghe tiếng, nhĩ thức phân biệt mà phải trái nối dài, cho đến mũi, lưỡi, thân, ý kết giao với xúc, pháp, vị, hương. Thức dựa vào căn, căn dựa vào trần ba duyên hòa hợp. Tình sinh ái, ái sinh ham muốn, nên bị vạn kiếp luân hồi. Một ngày thành oan gia thì nhiều đời khó mà giải thoát. Cảnh trần bên ngoài khuấy động, phiền não trong tâm nhiễm trược càng tăng. Không dời cảnh trên mà không bị trầm luân và không có giải thoát. Trong giáo pháp thanh tịnh mà tự sinh ra trói buộc. Đức Phật tại Hội Lăng Nghiêm nói rộng nghĩa Đại thừa rồi lấy chiếc khăn hoa ra buộc kết vào lại cởi nút ra vì mọi người mà giải thích về lục căn và lục kết. Cho nên nói rằng Đức Thế Tôn là bậc thày tự tại, từ chỗ không có lời nói mà mượn lời để nói. Ở trong hư không kết buộc trong cái không mà giải cái không đó. Nay nhờ sức từ bi của Phật sẽ vì chân linh mà giải kết” - (蓋聞妙性湛然常住而 無去無來…仗佛力慈悲當為眞靈解結)

Phần thứ tư: Nội dung sáu bạ kết, oan kết nhiều đời cũng do Lục căn, Lục trần, Lục thức câu hữu lẫn nhau thành nghiệp, mà phải luân hồi sinh tử vô thủy kiếp, được cắt và đoạn trừ bởi Lục độ ba la mật. mỗi một bạ được tuyên đọc, giải nghĩa, nguyên nhân do căn tiếp trần, sinh thức, thức, thức vọng chấp ngã, chấp pháp ... vô minh luân hồi.

Bên cạnh đó, các đường thỉnh của sáu bạ kết này (Nhãn, Nhĩ, Tỵ, Thiệt, Thân, Ý) còn được kết hợp với tư tưởng của triết học Phương đông như Phong Thủy, Y học (Ngũ Tạng- lục phủ). Ví dụ: về Nhãn thức khoa nói: “án giải nhãn căn thuộc Đông phương giáp ất mộc, Nội can ngoại nhãn, án giải nhãn căn thanh tịnh định quang vương Phật phóng thập đạo hào quang cắt đoạn Tham tâm...”. Như vậy, Nhãn căn, về phương thì ở Đông phương, về can chi thì thuộc Giáp Ất, bên trong cơ thể con người là gan, phương Đông thuộc mộc, gan cũng thuộc về Mộc bên ngoài là mắt- do vậy người bị bệnh gan thường biểu hiện ra ngoài là vàng da vàng mắt, các bạ khác cũng tương tự, tùy theo căn mà nói, cho thấy chư Tổ xưa kia không chỉ là thông thạo nội điển mà về ngoại điển cũng thông hiểu tận tường, đây thuộc Ngũ minh trong giáo dục Phật giáo.

Phần thứ năm: là phần tổng kết, tuyên sớ.

Về Phần hình thức

Đàn tràng được bầy, dùng một tấm vải trắng dài khoảng 8 - 10m rộng khoảng 0,40m. Căng ngang trước đàn và dán lên đó các hình người có ghi Lục căn, Lục trần, Lục thức, Lục độ Ba La Mật, Thập nhị nhân duyên, phù kết và một hình người nhưng lớn hơn treo ở tại đoạn giữa ghi là Mạt na thức và hai đầu vải thắt, buộc lại mỗi bên ba nút (lục kết- để cởi giải từng nút kết). Khi cắt hết các thứ tượng trưng trên thì tấm vải được cắt tại điểm giữa thành hai đoạn.

Bạ kết đầu: Khi Pháp sự cắt kết thì cắt nhãn căn, sắc trần, nhãn thức, cắt giải phụ tài, cắt vô minh và hành trong 12 nhân duyên và cắt một chân của hình Mạt na và cởi ra một nút thắt ở đầu vải.

Bạ hai: Pháp sự cắt nhĩ căn, thanh trần, nhĩ thức, cắt giải, phụ mệnh, cắt thức và danh sắc trong 12 nhân duyên và một chân thứ 2 của hình người ghi chữ Mạt na.

Bạ kết 3, 4, 5, 6 cắt các căn, trần, thức... còn lại và mỗi bạ kết cắt xong thì cởi tháo ra một nút vải thắt buộc.

3.2. Ý nghĩa Khoa cúng theo Duy Thức Học Pháp Tướng

Vạn pháp giai không, duyên sinh như huyễn, do tri kiến sai lầm ngộ nhận của chúng sinh là có, rồi chấp thủ làm cho tham ái hiển bày. Vì vậy vấn đề đoạn trừ chấp ngã, chấp pháp là mục tiêu tối hậu của pháp tướng Duy Thức Học.

Khoa cúng giải kết là một hình thức biểu diễn, trưng bày hệ thống Tâm Vương trong Duy Thức học. Do mỗi chúng sinh nhận giả thành chân, sống với các Tâm Thức là Phi lượng, đới chất cảnh, độc ảnh cảnh... rồi chấp ngã, chấp pháp, tạo nên vô số chủng tử Bất thiện làm nhân cho sinh tử, luân hồi khổ đau.

Kinh Lăng Nghiêm Phật dạy: “Căn, trần cùng một thể, triền phược và giải thoát không hai (mê thì triền phược, ngộ thì giải thoát). Các thức hư vọng cũng như hoa đốm giữa hư không. Vì có trần cảnh, nên ở nơi căn mới khởi ra phân biệt. Vì đã có cái năng phân biệt ở nơi căn nên mới hiện ra cái tướng bị phân biệt là cảnh. Căn (kiến) và cảnh (tướng) đối đãi nhau vọng hiện, chứ không thật có (vô tính)”.

Bạ kết thứ nhất: Bài kệ nêu lên:

“Vô thủy luân hồi thiên vạn kiếp Giai do phiền não bất giải thoát Ngã kim đoạn trừ phiền não căn Lục ba la mật vi giải kết”.

Bài kệ nói nguyên nhân đưa đến cảnh khổ của chúng sinh bị luân hồi từ xưa tới nay và phương pháp giải trừ những mối oan kết bằng cách lấy pháp lục độ của Bồ Tát để cắt bỏ tham, sân, si để đạt đến giải thoát và giác ngộ.

Khoa nêu lên: Nay có vong linh... Lúc còn sống ở trên đời tâm khởi tham lam. Tiền tài của mình không giúp đỡ cho người khác, vàng bạc châu báu mưu toan thu vén về mình. Không biết rằng của cải ấy là vật lưu thông trong thiên hạ, mà thu vén gom góp về chôn dấu, không đem cứu giúp người nghèo. Chứa góp tiền tài càng nhiều thì mối oan kết càng sâu. Nay lấy bố thí để độ cho san tham, để giải mối kết buộc oan gia.

Khoa lại nói: “Phụng thỉnh: Đại thánh Phổ Quang giải oan kết Bồ tát, cập tả hữu trợ giáo giải trệ hòa oan sứ giả. Thủ trì bảo ấn, đệ nhất giải thích Đông phương, giáp ất mộc dần mão, trấn cung mộc đức, hoá sinh huệ đao cắt đoạn, nội can ngoại Nhãn, Định quang vương Phật nội không ngoại không, trung thanh tịnh quang không đồng nhập tỳ lư pháp tính, nhất thiết vạn vật giai không sắc trần vọng diệt tham nghiệp tiêu không”.

Bạ thứ nhất là nói về Tham tâm chướng kết, và Nhãn thức. Nhãn thức là nương nơi nhãn căn sinh ra sự hiểu biết phân biệt của sắc trần.

Bạ cắt kết thứ 2:

“Vô thủy luân hồi thiên vạn kiếp Giải do phiền não bất giải thoát Ngã kim đoạn trừ phiền não căn Lục Ba La Mật vi giải kết”.

Nay có vong linh... Ngày xưa ở cõi Diêm Phù (thế giới ta đang sống) tham đắm việc tà dâm, khiến cho loạn tâm, thất tính cho tới mất mạng, xác tan, không biết rằng cái sắc đẹp của người con gái còn tệ hại hơn cả hỗ dữ và rắn độc. Cho nên sát hại cuộc sống của loài khác để nuôi béo sắc thân của mình. Mối oan kết đã sâu thì việc trả nợ khó hết được. Nếu không “trì giới” thì sao thoát khỏi oan hồn. Nay lấy “trì giới” mà độ cho tà dâm để cửi mối kết buộc oan gia phụ mệnh(3).

Khoa lại nói: “Phụng thỉnh: …đệ nhị giải kết Bắc phương Nhâm Quý thuỷ, tý hợi khảm cung thuỷ đức hoá sinh tuệ đao cắt đoạn nội thận ngoại nhĩ, Nhĩ căn thanh tịnh Định Quang Vương Phật…”.

Bạ kết thứ hai, là nhắc nhở về Tham dục, tà dâm tạo ra oán kết, và nhắc nhở về Nhĩ thức. Nhĩ thức là nương nơi nhĩ căn sinh ra tác dụng phân biệt của thanh trần. Trì giới, là nhắc nhở mỗi chúng ta cần giữ gìn sự thanh tịnh, tránh xa các đều tội lỗi.

Bạ kết thứ 3: Bài kệ như trên

Nay có vong linh... xưa kia lúc sống trên đời hay Sân nộ mở miệng ra thì oán trời, hận đất, cất tiếng thì mắng thánh chê hiền, trợn mắt trau mày mà nhìn người, bội nghĩa, vô ơn, lừa thầy phản bạn, mang tâm phẫn chí chấp ngã chấp nhân (chấp có cái ta, chủ nghĩa cá nhân). Nếu không lấy tâm nhẫn nhục thì khó tránh khỏi quả báo hàm oan. Nay lấy nhẫn nhục mà độ sân huệ để cửi bỏ mối oan gia phụ tâm(4).

Và cũng có đường thỉnh: “... đệ tam giải thích, Tây phương Canh Tân, Kim thân dậu đoài cung kim đức hoá sinh, huệ đao cắt đoạn nội phế ngoại tỵ, Tỵ căn thanh tịnh…”.

Bạ kết này là nói về Tỵ Thức. là thức nương nơi tỵ căn sinh ra phân biệt được hương trần.

Bạ thứ 4: Kệ như trên

Nay có vong linh... Xưa kia sống ở trên đời, buông thả thân, tâm, chưa từng lễ Phật, niệm kinh, bỏ phí công lao, sức lực. Tấm thân, sớm chiều vạ vật, cả ngày lười biếng dong chơi tạo nên cái tâm thái quá phụ lực. Ngày nay không chuyên cần tích cực, khi nào mới thoát khỏi oan gia. Lấy tinh tiến (tích cực) độ cho tâm lười biếng (giải đãi) để giải trừ mối oan gia phụ lực(5).

Lại nói: “Phụng thỉnh… đệ tứ giải thích, Nam phương Bính, Đinh, hoả tỵ ngọ ly cung hoả đức hoá sinh huệ đạo cắt đoạn nội tâm ngoại thiệt, Thiệt căn thanh tịnh…”.

Bạ này là nói tới Thiệt thức: nương nơi thiệt căn sinh ra tác dụng phana biệt của vị trần.

Bạ kết thứ 5: Bài kệ như trên

Nay có vong linh... Lúc còn sống ở trên đời, cách sống đối với mọi người, lòng nghĩ thường hay tráo trở, tính nóng như lửa tới tận trời, cất bước mà bao loài bị chết, buông lòng thỏa ý làm càn. Lúc nào cũng nghĩ tới ác nhân, luôn luôn tính toan làm việc xấu : Không lấy tọa thiền, khó mà giải thoát oan khiên. Lấy thiền định độ tâm tán loạn để cửi bỏ mối oan gia phụ đả.(6)

Lại thỉnh: “Phụng thỉnh:…đệ ngũ, giải thích trung ương Mậu, kỷ, Thổ thìn tuất sửu mùi, thổ đức hoá sinh huệ đạo cắt đoạn, nội tỳ ngoại thân, Thân căn thanh tịnh..”. Bạ này nói về Thân căn, xúc trần sinh Thân thức.

Năm bạ kết trên nói tới tiền ngũ thức. Từ Nhãn thức đến Thân Thức, mỗi thức là sự hiểu biết riêng biệt từng phần; chúng chỉ là những hiểu biết trung thành chưa tạo chuyện rắc rối khi tiếp xúc cảnh trần. “Năm thức này lấy A Lại Da thức làm căn bản y, tức là nương thức A lại da để sinh khởi; lấy thức Mạt na làm nhiễm tịnh y, tức là nương thức Mạt na mà có nghiệp dụng thiện ác; lấy ý thức làm phân biệt y, tức là nương ý thức để sinh tác dụng phân biệt”(7)

Năm sắc căn thức tiếp nhận những gì mà năm căn thu vào để tạo nên những bóng dáng của thực tại trong tâm thức, những hình ảnh này xẽ được ý thức thứ 6 tiếp thu và chuyển vào thức Mạt na thứ 7, rồi từ đó chúng được gửi vào tàng thức thứ 8 là nơi cất chứa tất cả những gì mà 5 sắc căn thức nhận thức. Tiến trình này tương tục tiếp diễn không ngừng để tạo nên những hạt giống nghiệp nơi thức thứ 8.

Bạ kết thứ sáu, mối kết buộc là do ngu si, do tâm vọng động mà tạo nên, do thức phân biệt, do miệng chửi rủa, mắng nhiếc người mà tự kết buộc. Nay lấy trí tuệ Ba La Mật là trí tuệ xuất thế gian để độ cho ngu si. Trí tụê như ánh sáng tới thì tối tăm u ám đều hết. Người tỉnh ngộ thì hết mê mộng, oan kết tự hết.

Lại thỉnh: “... đệ lục giải thích thượng phương không giới hư vô nguyên thuỷ, thuỷ đức hoá sinh huệ đao cắt đoạn nội thụ tính tình ngoại hiện thức tính, Ý căn thanh tịnh…”

Bạ thứ 6 nói về ý căn. Ý căn là nơi mà Ý thức nương vào phát tác dụng phân biệt pháp trần.

Ý thức có công năng hoạt động rất lớn, là dộng cơ và cũng là tác giả tao ra dẫn nghiệp và mãn nghiệp chiêu cảm quả báo đời sau: Cho nên luận “Bát thức quy củ” nói: “Động thân phát ngữ độc vi tối, dẫn mãn năng chiêu nghiệp lực khiên”. Trong tám thức duy có thức thứ 6 này rất lanh lẹ và không ngoan hơn hết, …suy nghĩ làm việc phải thức này đứng đầu; còn tính toán tạo tác việc ác, thì nó cũng hơn cả. bởi thế nên trong Duy thức nói: “Công vi thủ, tội vi khiên”. Thức này cũng có công năng chấp ngã và chấp pháp(8)

Như vậy đến thức thứ sáu, bây giờ đã có vấn đề, vì sự việc, hiên tượng đã bị phân biệt, suy diễn, phán đoán rồi. Và từ vấn đề rắc rối so đo phân biệt đến mức phải chấp Ngã (chủ thể) cho nên có Thức Thứ Bảy (Mạt Na Thức); Mạt na thuộc tâm pháp. Thức Mạt Na có nhiều tên gọi khác nhau như; Ý căn, Nhiễm tịnh y, Truyền tống thức, ý thức. Thức Mạt na là nguyên nhân chính của sinh tử luân hồi do bản chất chấp ngã của nó. Thức thứ 6 cũng chấp ngã nhưng dễ đoạn trừ vì chỉ là chấp ngã phân biệt hoặc câu sinh ngã chấp dán đoạn. Ngã chấp của thức Mạt na khó đoạn trừ vì đó là câu sinh ngã chấp không gián đoạn.(9)

Nhưng sự việc chấp này sẽ dễ dàng quên đi nếu không có chỗ ghi giữ lại, cho nên có Thức Thứ Tám (A Lại Da Thức), là nơi lưu giữ hồ sơ. Nếu không thì làm sao ta có thể nhớ được những chuyện quá khứ từ khi còn nhỏ, và cụ thể biết được, là chuyện gì đó tưởng rằng quên, nhưng hễ ai nhắc đến, liền tức khắc ta trở về nhớ lại ngay, chứng tỏ đã có nơi để cất giữ. Đó là A Lại da thức, đây là nơi lưu giữ các chủng tử do hành động tạo (nghiệp) huân tập. Trong ba tính thức này Vô phú - vô ký, thức này là ông chủ; vì khi chúng hữu tình chết thì thức này vẫn còn và tùy theo chủng tử Thiện hay Ác trong đó mà đi đến các cảnh giới (Y báo- Chính báo) tương ứng với chủng tử ấy. Thân tứ đại mất thì nó đi sau, nhưng đi đầu thai nó lại đến trước.

Đây là quan điểm vô ngã của Phật giáo. Không chấp nhận một “linh hồn” theo cách hiểu của ngoại đạo là bất diệt, tức khi sống như thế nào thì mất đi mãi mãi xẽ là như thế. Theo quan điểm của Phật giáo, khi mất đi tùy theo nghiệp lực, chủng tử được huân tập goi là nghiệp mà A Lại Da tàng chứa mang theo, nó xẽ quyết định và không vĩnh hằng cố định. Có thể kiếp này là người, nhưng kiếp sau lại là súc sinh hoặc là sinh thiên, hoặc nếu biết tu hành chuyển thức thành trí có thể đạt an vui giải thoát đắc Niết bàn.

Thức này được Kinh Dược Sư nói theo một cách dễ hiểu là: “Mỗi người có một thần câu sinh, người ấy là gì, tội hay là phúc thần đều chép đủ”, người Việt gọi đơn giản là quỷ thần hai vai như các người xưa thường nói:

“Dối mình dối được trời nào Có ông vua bếp ghi vào trong tâm”

KẾT LUẬN

Như vậy từ đầu tới cuối của khoa cúng đều là tư tưởng Đại thừa liễu nghĩa, tư tưởng của Duy thức học. Khi sáu căn tiếp xúc với 6 trần cảnh, nếu khởi vọng niệm phân biện thì đó là gốc của vô minh, triền phọc (kết buộc), từ sau căn – sáu trần- sau thức huân tập hàng ngày các chủng tử bất thiện được Mạt na thức đưa vào tích chứa trong A Lại Da thức, để rồi chúng xẽ là nhân cho khổ đau và sinh tử luân hồi. Nhưng nếu chúng ta biết thực hành các pháp tu tạo ra thiện pháp thì cũng chính từ sáu căn đó mà giác ngộ là thành Phật.

Tất cả các pháp đều không thật có, vì không độc lập, không tự tính, chúng chỉ là các duyên hợp với nhau nên giả danh, không thật. Lấy ví dụ, cái thấy của nhãn thức khi tiếp xúc đối tượng là một bông hoa đẹp hay con người đẹp, điều này chẳng phải là thật, vì hoa và người là do vô số nhân duyên mà thành, không thể tồn tại, không thể bất biến, cho nên vô thường, biến dịch, thậm chí đến ngay cái con mắt là chủ thể thấy được cũng nhờ nhiều duyên, như: ánh sáng, khoảng cách, không gian...mới có thể thấy được. Hơn nữa nếu không có thức thứ sáu phân biệt ta chỉ có con mắt thịt, thì không thấy biết gì cả, dù sự vật vẫn ở trước mắt ta; chẳng hạn như người không để tâm {cách nói là để ý (thức) vào} thì khi nhìn bông hoa mà chẳng biết mình đang nhìn, cho nên nếu ai chợt hỏi hoa gì màu chi thì chẳng thể trả lời được. Nhưng thức thứ sáu (phân biệt) cũng chỉ phát khởi được từ năm thức trên (Nhãn thức… Thân thức). Suy ra như thế, các Thức khác còn lại cũng đều sai lầm cả. Duy chỉ có chân thức (Thánh trí, Phật) là thật. Nhưng làm sao đạt được sự thật này?

Khi nhận định được hiện tượng thế giới là không thật, vì chúng chỉ đứng trên mặt đối đãi qua bao lớp trùng trùng duyên khởi, nên ta sẽ không bám vào sự vật tiếp xúc, do vậy, ta biết tự nơi con người trên phương diện vật lý chỉ là những duyên tố kết tựu mà thành, không một tế bào nhân tố nào độc lập có thể tự tồn. Ta thấy, ta nói năng, đi đứng, ngồi, nằm đều nhịp nhàng linh động trong dòng máu lưu nhuận chạy lan khắp cơ thể, để nương nhau cùng các cơ năng khác làm việc. Do vậy cái gọi thân ta, con người ta đều là giả, đều mong manh trong một bộ máy chứa đựng hàng trăm hàng ngàn bộ phận. Nhưng bộ máy vật lý này không thể hoạt động nếu không có dòng sống tâm thức, đó là phương diện tâm lý. Chính điều này mà mỗi cử động thấy, nghe, vui, buồn… là một tràng nhân duyên vô cùng phức tạp, buộc phải hội đủ mới thành một vấn đề như thiện, ác. Và vậy những tâm sở khởi đi do Tâm vương tác động cũng không ra ngoài cái thân vật chất, và cái thân vật chất không thể thăng hoa, cao thượng tu hành nếu không có các Tâm sở thiện và các pháp khác trợ duyên vậy.

Hiểu được thế, sẽ không còn chấp vào thân này là thật, vì không thể tìm đâu thấy nó là độc lập là tự tại để làm chủ lấy mình, trong khi phải nhờ hội đủ các duyên bên trong mới tồn tại, và vì không thật nên phải sinh diệt vô thường; phải già đi, bệnh và hư hoại (chết). Các pháp bên ngoài thân, được thân nhận biết cũng lại vô thường biến đổi. Cuối cùng hiểu rằng, tự pháp là bất sinh bất diệt, chỉ do ta tạo ra dính mắc mà thôi.

Sau khi đã hiểu và tự hành được vậy người hành giả sẽ chuyển được năm Thức trước thành Thành Sở Tác Trí. (đạt được hiểu biết đúng như hiện lượng không dính mắc). Thức thứ sáu (ý thức) thành Diệu Quan Sát Trí (đạt được hiểu biết tự tại không kẹt chấp phân biệt vào tỷ lượng ..Thức thứ bảy (Mạt Na Thức) thành Bình Đẳng Tính Trí (đạt được hiểu biết chân như vô ngã). Thức thứ tám (A Lại Da Thức) thành Đại Viên Cảnh Trí (đạt được cảnh trí vô ngại, rốt ráo vượt lên tất cả, đó là cảnh giới Như thật của Phật).

Bộ Thành Duy Thức Luận (成唯識論 ) của ngài Huyền Trang dịch, đã tổng kết: “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức” Tức là cái vũ trụ tưởng đâu là ở bên ngoài, độc lập khách quan, cũng chỉ là biến hiện của Tâm mà thôi. Cái tâm linh giác ngộ đó, mọi chúng sinh đều có sẵn, và không hề thua kém chút nào so với Phật Thích Ca, bởi vì đều chung một Tâm bất nhị, nhưng vì mê muội chạy theo thế giới vật chất nhỏ bé tầm thường, mà chúng ta không “ngộ” được mà thôi, và vì không giác ngộ nên chúng trôi lăn trong vòng sinh tử luân hồi đầy đau khổ.

Từ vô thủy chúng sinh theo dòng sinh diệt, bỏ tính chân như sáng suốt, chấp ngã, chấp pháp mà sinh ta phiền não sai lầm. Nên không phải căn cũng gọi là căn, không phải trần cũng gọi là trần, không phải thức cũng gọi là thức mà không biết rằng tất cả các pháp đều là Như Lai tạng tính. Nếu chính nơi căn, trần, thức ấy chúng sinh nhận rõ các pháp đều duyên nhau mà phát khởi chấp mắc thì gọi là trói buộc. Nếu không có sai khác, thì tất cả đều là tính chân như sáng suốt, là Như Lai tạng tính vốn trạm nhiên, thường trụ. Ngay chính từ chỗ mê mà hết mê, tức là giác ngộ, là cởi nút buộc, là giải thoát. Không cần tìm đâu xa ngay trong phiền não có Bồ Đề. Nên dù giải thoát hay trói buộc cũng không ngoài Như Lai tạng tính, nó cũng không hai, không khác.

Trong Kinh Lăng Nghiêm Phật dạy: “Mở nút đầu tiên là phá trừ ngã chấp, chứng được nhân không. Mở nút thứ hai là phá trừ pháp chấp, sau mới chứng được pháp không”. Đúng như cuối khoa cúng Tổ đã dạy: “Các vị Bồ Tát, hoặc Thánh Tăng đi thuyết pháp ở nơi này hay nơi khác, thuận hành, hay nghịch hành tất cả đều là Phật sự, nâng chân lên, đặt chân xuống mỗi bước đi đều là đạo tràng”. Cho nên việc lập đàn giải oan cắt kết chỉ là phương tiện để tuyên truyền tư tưởng Phật giáo Đại thừa và dạy cho mọi người sống một cuộc sống vô ngã vị tha để diệt trừ chấp ngã, chấp pháp mà thành chính giác(10).

Qua đây có thể thấy rằng nghi thức cúng lễ Giải oan kết trong nghi lễ Phật giáo, là phương tiện thiện sảo để hiển bày giáo lý Phật đà. Thông qua góc nhìn của Duy thức lại được soi sáng những tư tưởng về Tâm, Thức. Từ đây người thực hành nghi lễ và tham dự nghi lễ này, cũng tự soi lại chính mình mà tu sửa, rồi thức tỉnh tu tập cải biến tâm mình không tạo nên những oan kết mà phải khổ đau luân hồi. Như vậy, thông qua độ tử (độ cho người mất), mà hướng tới độ sinh (độ kẻ còn sống). Khi tâm thức này được thiện thì cuộc sống an vui, ý nghĩa cải tạo được gia đình xã hội, và hướng tới giải thoát.

Tiếp theo Kỳ 1 Tạp chí NCPH Số tháng 1.2022 và hết Tác giả: Thích Đạo Tâm Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 3.2022 ***

CHÚ THÍCH: (1) HT Thích Quảng Tùng, GIẢI OAN CẮT KẾT NÉT ĐẶC SẮC CỦA TƯ TƯỞNG PHẬT GIÁO ĐẠI THỪA, Bản tham Luận tại Đại Lễ Phật Đản LHQ tại Hà Nội (2) Quang Minh dịch nghĩa- phiên âm- chú thích, Thủy Lục Chư Khoa, Nxb Hồng Đức,2013, tr227 (3) HT Thích Quảng Tùng, Giải Oan Cắt Kết Nét Đặc Sắc Của Tư Tưởng Phật Giáo Đại Thừa, Bản tham Luận tại Đại Lễ Phật Đản LHQ tại Hà Nội (4) HT Thích Quảng Tùng, Giải Oan Cắt Kết Nét Đặc Sắc Của Tư Tưởng Phật Giáo Đại Thừa, Bản tham Luận tại Đại Lễ Phật Đản LHQ tại Hà Nội (5) sdd (6) sđd (7) Thích Thiện Toàn, Nghiên Cứu Về Duy Thức Học, Nxb Hồng Đức, 2018, tr 25 (8) HT Thích Thiện Hoa, Duy Thức học, Thành Hội Phật Giáo TP Hồ Chí Minh ấn hành, PL 2536- 1992, tr 30. (9) Thích Thiện Toàn, Nghiên Cứu Về Duy Thức Học, Nxb Hồng Đức, 2018, tr 31. (10) HT Thích Quảng Tùng, Giải Oan Cắt Kết Nét Đặc Sắc Của Tư Tưởng Phật Giáo Đại Thừa, Bản tham Luận tại Đại Lễ Phật Đản LHQ tại Hà Nội TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. HT Thích Thiện Hoa, Duy Thức Học, Thành Hội Phật Giáo TP Hồ Chí Minh ấn hành, PL 2536- 1992. 2. Thích Quang Tư (dịch và chú), Duy Thức Tam Thập Tụng Giảng Ký, Diệu Đế Quốc Tự - Huế, 2004 3. Thích Thiện Toàn, Nghiên Cứu Về Duy Thức Học, Nxb Hồng Đức, 2018. 4. Thích Thiệện Siêu, Luận Thành Duy Thức, Nxb Tôn giáo 1999. 5. HT Thích Quảng Tùng, Giải Oan Cắt Kết Nét Đặc Sắc Của Tư Tưởng Phật Giáo Đại Thừa, Bản tham Luận tại Đại Lễ Phật Đản LHQ tại Hà Nội. 6. https://thuvienhoasen.org/a7317/duy-thuc-hoc 7. HT Thích Thiện Nhơn (Biên soạn- Lưu Hành Nội Bộ), Đại Cương Luận Thành Duy Thức, PL 2548- Dl 2004. 8. Thủy Lục Chư Khoa (quyển 5)- Giải Kết Khoa (Hồng Phúc – Hòe Nhai Tự tàng bản), Đồng Khánh nhị niên trùng tuyên 9. Lục Căn Lục Kết (Diễn nôm khoa) 10. Quảng Minh (dịch nghĩa- phiên âm- chú thích), Thủy Lục Chư Khoa, Nxb Hồng Đức, 2013.