Tác giả: Thích Minh Nghiêm Học viên Cao học khóa II, Học viện PGVN tại Huế

Tóm tắt: Thấy được những giá trị kiến trúc với tư cách là một di sản, người ta có thể nhìn ra được dấu vết sự phát triển trong quá khứ, tìm được những giá trị văn hóa, những giá trị lịch sử hàng trăm năm chưa phai nhạt. Nhận thấy được cốt lõi giá trị của di tích, chứng nhân lịch sử và đặc biệt là về mặt giá trị tinh thần đối với mọi người nên tìm hiểu một số kiểu dáng kiến trúc của chùa Huế như chữ đinh (丁), chữ công (工), chữ nhất (一), chữ tam (三), nội công ngoại quốc (国), chữ khẩu (口), bởi kiến trúc chùa Huế rất phong phú và đa dạng về nội dung lẫn hình thức.

Từ khóa: Giá trị đặc trưng, ý nghĩa kiến trúc chùa Huế.

MỞ ĐẦU

Về mặt địa lý của đất Thuận Hóa Cố đô có rất nhiều nét ưu việt và cũng có những khắc nghiệt về thiên nhiên sông núi. Nhắc đến Huế người ta thường nghĩ đến dòng sông Hương, núi Ngự Bình đó là những kiệt tác mà thiên nhiên đã ban tặng cho Huế. Xứ Huế có những giá trị vật thể và phi vật thể như kinh thành Huế, lăng tẩm, đền đài, những di tích danh lam thắng cảnh uy nghi, tráng lệ mà người xưa đã dày công xây dựng và gìn giữ cho đến ngày nay. Ngoài những điều mà thiên nhiên tạo hóa đã đem lại cho Huế không thể không nói đến những ngôi chùa cổ kính trang nghiêm, đầy sự huyền bí, thoát tục nơi đây.

Huế được mệnh danh là nôi của Phật giáo, nơi quy tụ gần 300 ngôi chùa lớn nhỏ, mang trong mình vẻ đẹp hài hòa giữa thiên nhiên và nét đẹp tâm linh sâu lắng mà hiếm nơi nào có được.

1. Chữ đinh (丁), chữ công (工), chữ nhất (一)

Chữ đinh () là kiểu dạng kiến trúc miền Trung, căn nhà thì được xây dựng ba gian và hai chái. Kiểu chữ đinh thường được chia thành nhà căn trên và nhà căn dưới, căn trên thì nằm ngang, căn dưới thì thẳng dài vuông góc như chữ đinh trong Hán tự (), nên người ta hay gọi là kiểu kiến trúc chữ đinh. Đôi khi cũng có nhiều người gọi kiểu chữ đinh, thành chữ J và chữ T (cũng là một dạng biến thể) căn trên thì nằm ngang, căng dưới thì dọc theo hông và liền kề sao để cho hai đòn dông của hai nhà thẳng góc tạo thành hình dạng. Có khi căn trên và căn dưới cách một mái ngang, kiểu như một dạng của biến thể để cho cân xứng.

Kiểu dạng chữ đinh () cũng thể hiện lối tư tưởng của người xưa nhằm mở rộng không gian sử dụng và căn trên ngang luôn là căn chính của một ngôi nhà hay là ngôi từ đường, ngôi chùa… căn trên luôn có ba gian và hai chái tùy mục đích sử dụng của mỗi cơ sở nhưng thường 3 gian: gian giữa để thờ Phật, thần… hai gian hai bên thì thờ ông, bà, cha, mẹ, đôi khi cũng sử dụng làm chỗ để ngủ hoặc nghỉ ngơi mà đặc biệt cho nam giới vì thế kiến trúc chữ đinh thể hiện tư tưởng phong kiến rất là rõ ràng.

Vì điều kiên khí hậu của miền Trung có hai mùa rõ rệt là mùa khô và mùa mưa nên kiều kiến trúc này rất được mọi người ưu chuộng, để cho không gian được thoáng đãng khí hậu, được dung hòa, mát về mùa nắng, ấm về mùa lạnh.

Dạng chữ đinh () cũng có một số biến thể như chữ công (), dạng kiến trúc này căn trước và căn sau là khoảng nhà rộng được nối liên tục bằng những đường vách dài, hành lang dài từ trước đến sau, có giữa một khoảng sân để trang trí thêm cây cảnh chậu cảnh, hoặc cảnh phong thủy, hồ cá, chậu cá… tùy theo sở thích của người sử dụng.

Dạng biến thể thứ hai đó là chữ nhất (), dạng kiến trúc chữ nhất là tất cả các kiến trúc chính điều nằm trên một trục thẳng nhất định, nhưng cũng phân ra căn trước, căn sau có đối xứng, cũng có khoảng sân vườn để trang trí…

Dù có xây dựng như thế nào kiểu dạng kiến trúc chữ đinh và một số biến thể thì cũng nằm trên một thể thống nhất không thể tách rời, đều toát lên vẻ đẹp của kiến trúc chùa Huế với ba tiêu chuẩn không thể thiếu, đó là vững chắc, tiện nghi, dung hợp với kết cấu và không bao giờ thiếu cảnh sân vườn.

Kiến trúc các kiểu chữ trên được các nghệ nhân kiến trúc thiết kế và áp dụng theo từng địa hình, từng điạ thế mà các vị vua, quan và chư vị Tổ sư muốn xây dựng kiến trúc cho các ngôi chùa. Bởi thế, các ngôi chùa ở Huế hiện nay vẫn giữ được nét kiến trúc này.

Chùa có lối kiến trúc chữ đinh (), thường là chính điện được nối thẳng góc với nhà tiền đường ở phía trước, hay là trước tiền đường nối đến nhà hậu Tổ.

Chùa có lối kiến trúc chữ công (), là chùa có tiền đường đến chính điện, tiếp đó là nhà hậu Tổ, có chùa dài hơn thì đó là nhà tăng (hậu đường), hai bên là hành lang song song theo chính điện.

Chùa có lối kiến trúc chữ nhất (一), như đã nói ở trên thì tất cả mọi kiến trúc của chùa đều nằm trên một trục thẳng nên gọi là chùa chữ nhất. Tiền đường – chính điện - hậu Tổ - nhà tăng… chùa có lối kiến trúc này như: chùa Linh Mụ, các công trình chính nằm trên một trục chính như là bốn trụ biểu, đình Hương Nguyện, tháp Phước Duyên, cổng tam quan, Đại Hùng Bảo điện, điện Địa Tạng, điện Quan Âm, tháp Tổ. Còn một số chùa khác trên địa phận vẫn giữ được nét giống chữ đinh hoặc biến thể của chữ đinh.

Chùa Linh Mụ, TT.Huế. Ảnh: St

Qua các kiểu kiến trúc chữ đinh (), dễ dàng nhận biết dù có biến thể cách nào đi chăng nữa thì lối kiến trúc này vẫn hình thành trên một trục chính nhất định theo tư tưởng quan niệm Phật giáo như là đại diện cho bánh xe Nhất Thừa (Phật Thừa) chỉ cho vạn sự, vạn vật điều được bao trùm. Phật giáo luôn hướng mọi người đến sự giác ngộ, tỉnh thức, an nhiên trong hiện tại, muốn có sự an yên đó thì chúng ta ai ai cũng phải học đạo, thực hành đạo của đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni.

Ngài đã từng nói rằng: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”. “Nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật tính”. Để thấy được tất cả mọi loài chúng sinh đều có phật tính, phật tính chỉ có một không sai khác, làm thế nào để hiển bày được cái tính của Phật, vì Ngài biết sống và quay trở về với tính Phật nên Ngài thành Phật chính đẳng giác, chúng sinh cũng có tính Phật nhưng mê muộn, tham, sân, si nên làm mờ đi cái phật tính vốn có của mình nên chưa thể thành Phật. Chúng sinh luôn thực hành các pháp của Như Lai để chứng đắc, quay trở về biết sống với tính Phật trong cuộc sống hiện tại và đi trên con đường tối thượng an lạc giải thoát.

Nhất Thừa trong Phật giáo là muốn biểu thị không có sự phân biệt đối xử người làm việc này, người làm việc kia đã sống trên cõi đời này thì phải thương yêu trân trọng lẫn nhau, cùng sống một lối sống chan hòa, vui tươi không có đố kỵ, không có ngăn cách. Không có sự tranh đấu, tranh chấp giữa tông phái này tông phái khác, môn phái này môn phái khác, đạo chính hay đạo tà. Nhìn bao quát hơn trong Nhất Thừa của đạo Phật không có sự khác biệt, phân biệt người giàu kẻ nghèo, người học thức người ngu dốt, người xuất gia hay không xuất gia… Nhất Thừa muốn hướng mọi người đến một hướng, một con đường, một mục đích cao thượng đó chính là xóa bỏ mọi sự ràng buộc, đấu tranh, tranh chấp, thị phi phải trái, đúng sai… đó chính là từ bi, trí tuệ thực sự trong mỗi cá nhân hay một tập thể cần phải nhận diện được trong cuộc sống hiện tại và tương lai mai sau. Đem lại hòa bình cho cả thế giới cũng như nhân loại.

2. Chữ tam (三)

Kiểu dạng kiến trúc chữ tam (), là kiểu dạng các kiến trúc xếp thành ba đường song song với nhau, giữa chúng là những khoảng cách đồng điều hợp lý giãn ra theo chiều dài của địa hình khu đất đó, khoảng cách này đôi khi cũng khá là lớn nên đôi khi nhìn thì thấy rời rạc, nhưng tỷ lệ với khu đất thường là tương xứng. Nhìn trông giống chữ tam trong tiếng Hán nên gọi là kiểu chữ tam (). Kiểu kiến trúc này thường là nhà căn trên, nhà chính và nhà căn dưới xếp thành ba đường song song. Hai bên nhà chính đó là tường khép kín. Kiểu trúc này tạo ra một không gian mở rộng thoáng đãng, nhưng kết cấu đầy chặt chẽ để dễ kiểm soát.

Kiến trúc chữ tam () thì công dụng không khác công dụng của chữ đinh, chữ công, chữ nhất là bao những người sử dụng muốn không gian ở giữa, không gian trung tâm được tối ưu hóa khả năng sử dụng, không những vậy còn tạo ra cảm giác an toàn. Ở giữa những khoảng hở đó thường thiết trí xen kẽ các không gian cảnh quan mở như cây cảnh, thảm cỏ, sân vườn… nên khi nhìn chủ đạo của các kiến trúc công trình chính thì thấy chặt chẽ hơn, đối xứng hơn. Hiện tại thì lối kiến trúc chữ tam () thì rất ít được sử dụng, lối kiến trúc này chỉ phần nhiều giành cho lăng tẩm, đền đài, cung điện, chùa… chùa có lối kiến trúc chữ tam này hầu như rất ít nhưng ở Hà Nội hiện vẫn có hai ngôi chùa đó là chùa Tây Phương, chùa Kim Liên. Chùa Huế thì hầu như không thể hiện quá rõ nhưng vẫn còn có nét kiến trúc chữ tam, chùa Linh Mụ (điện Đại Hùng - điện Địa Tạng - điện Quan Âm ở giữa mỗi khoảng cách xen kẽ sân vườn và thảm cỏ).

Qua góc nhìn quan niệm của Phật giáo lối kiến trúc chữ tam (). Khi nhắc đến số ba trong Phật giáo mọi người nghĩ đến đó là ba ngôi báu của đạo Phật đó là Phật Bảo, Pháp Bảo, Tăng Bảo. Phật là bậc đã thành tựu được quả vị giải thoát, giác ngộ hoàn toàn, viên mãn, người có lối sống tỉnh thức. Người đã giác ngộ được Phật tính và Ngài đã đem sự giác ngộ, chân lý cuộc sống đó truyền bá cho tất cả mọi người và sự nghiệp của Ngài được thành tựu viên mãn. Pháp như là đạo tỉnh thức, là con đường tình thương và sự hiểu biết con đường này được đức Phật chỉ lối đã truyền dạy cho những giáo lý căn bản và những điều thực tu thực chứng, thực nghiệm của bản thân, ngoài ra cũng có những điều luật để ngăn cấm và phòng hộ để cho người học Phật thực hành đúng lộ trình không ngoài mục đích giải thoát, an vui. Tăng là toàn thể tăng già hòa hợp, toàn thể đại chúng, nguyện làm theo những điều của đức Phật chỉ dạy và bước theo dấu chân của Ngài.

Vì trong cuộc sống này, dù lối hình kiến trúc nào đi chăng nữa muốn xây dựng được và tồn tại thì cũng phải phù hợp được khế lý, khế cơ. Nếu nói đến khế lý, khế cơ và khế thời thì ta cũng liên tưởng vì sự nghiệp hoằng dương chính pháp và đem từ bi, trí tuệ cho tất cả chúng sinh, hữu tình cũng như vô tình. Đức Phật cũng đã dùng phương tiện để lấy đạo Nhất Thừa của Ngài phân chia thành Tam Thừa để thuận tiện cho chúng sinh, căn cơ lẫn trình độ của mỗi chúng sinh, ai ai cũng dễ dàng tiếp cận và dễ hiểu được đạo giải thoát an vui của Ngài. Tam Thừa cũng chỉ cho số ba có lẽ các chư vị Tổ sư cũng muốn dựa theo lối kiến trúc chữ tam để truyền tải từ hình thức đến nội dung cho mọi người, là một phương tiện thiện xảo thiết thực để mọi người cố gắng tu tập và thực hành con đường giải thoát. Đó cũng chính là mục đích tối thượng khi xây dựng ngôi chùa có lối kiến trúc chữ tam ().

3. Nội công ngoại quốc (国), chữ khẩu (口)

Lối kiến trúc nội công ngoại quốc (), là lối kiến trúc bên trong là chữ công (), bên ngoài có khung bao quanh giống chữ khẩu (), nói một cách chi tiết và đúng hơn thì đó là chữ vi (khung bao quanh tường, thành vách), nên người ta hay gọi là nội công ngoại quốc ().

Lối kiến trúc nội công ngoại quốc () các công trình kiến trúc chính điều nằm ở trục chính là chữ công và các công trình phụ khác ở phía bên ngoài là chữ khẩu. Kiểu kiến trúc này thường là tiền đường, chính điện, hậu Tổ, sau hậu Tổ là nhà hoặc các nhà khác. Hai bên bắt đầu từ tiền đường là tăng phòng, sau nhà hậu Tổ là hai nhà hành lang. Đôi khi trong thiết kế các công trình trong chùa còn một số nhà khác như: nhà tăng, nhà bếp, nhà chuông, trống… theo như lối kiến trúc nội công, ngoại quốc, chức năng và không gian sử dụng có phần tối ưu hơn. Có trang trí cây cảnh, hồ cá… và những bức tượng thập bát La Hán xen kẽ trong mỗi khoảng hở của lối kiến trúc này làm cho một phần không gian không bị khô cứng và đối xứng hơn.

Lối kiến trúc nội công ngoại quốc () có biến thể là nội đinh ngoại quốc, bên trong là kiến trúc chữ đinh, bên ngoài là kiến trúc chữ khẩu nên người ta gọi như vậy, thay vì nội công ngoại quốc. Thực sự hai kiến trúc này thì cũng tương tự nhau. Ở Huế loại kiến trúc này hầu như không có vì kiểu nội công ngoại quốc này mở rộng không gian sử dụng để phục vụ cho việc sinh hoạt, truyền đạo mật độ tín đồ phật tử đông, nên đa số kiểu này ở một số chùa miền Bắc có quy mô lớn như: chùa Trăm Gian, chùa Bộc, chùa Nhất Trụ, chùa Bích Động, chùa Dư Hàng…

Kiến trúc chữ khẩu (), là lối kiến trúc mà các công trình được xây dựng bao quanh như là hình vuông, nhìn giống như chữ khẩu (), trong Hán tự nên gọi là kiến trúc chữ khẩu.

Lối kiến trúc chữ khẩu () các công trình chính điều có kích thước các cạnh bằng nhau hoặc gần bằng nhau, có chiều dài và chiều rộng tương đương nhau, dài và rộng có thể chênh lệch nhau nhưng phải tạo thành hình vuông hoặc là hình chữ nhật tạo thành bốn góc vuông với nhau và cân bằng. Đặc biệt là không khuyết góc, không lồi lõm.

Kiến trúc chữ khẩu () vẫn có biến thể của nó đó chính là chữ khẩu mở rộng, các công trình kiến trúc vẫn hiện diện nét vuông vứt và cân xứng với nhau nhưng không còn liên kết khép kín với nhau được nên gọi là chữ khẩu mở rộng. Vốn có sự biến thể như vậy là nhu cầu sinh hoạt cao, mở rộng diện tích và cũng do bị ảnh hưởng thời tiết bị hư hoại nên phải sửa chữa, trùng tu…

Kiểu kiến trúc chữ khẩu () là kiểu kiến trúc đặc trưng nhất của miền Trung. Được tất cả người dân ở đây dùng cho nhiều công trình như: nhà ở, đình làng, miếu, chùa chiền… không những có sự tiện nghi sử dụng mà có giá trị phong thủy và những nguyên nhân của thời tiết khí hậu…

Chùa Huế được xây theo lối kiến trúc chữ khẩu (), rất nhiều và chiếm đại đa số. Bố cục của kiến trúc chữ khẩu thường là: chính điện, nhà hậu, nhà tăng, nhà khách tạo thành một khối thống nhất vuông vắn, cân đối, đối xứng nhau. Khối chính điện luôn nằm ở mặt trước, hai bên là nhà khách và nhà tăng, phía sau là nhà hậu. Một khoảng giữa trong hình chữ khẩu đó thường thì chưng bày cây cảnh, bố trí sân vườn, tạo nét cân bằng và gần gũi với thiên nhiên. Nói về kiến trúc chữ khẩu thì sẽ không thiếu đi những nét biểu trưng khác của chùa Huế đó chính là những mảnh vườn luôn được chú trọng, chăm sóc tỉ mẫn.

Ngoài các công trình chính tạo nên chữ khẩu (), còn có các công trình phụ khác như cổng tam quan, lầu chuông, lầu trống, nhà thiền trù, thư quán… bố trí xung quanh theo kiến trúc chữ khẩu, theo kiểu phân tán để dựa trên các công năng và ý đồ sử dụng. Các hành lang và các khoảng sân nhỏ cây cảnh… kết nối các khối công trình thành một tổ hợp kiến trúc đa dạng, sống động.

Chùa Huế có kiểu kiến trúc chữ khẩu () nổi bật như: chùa Từ Hiếu, chùa Diệu Đế, chùa Báo Quốc, chùa Quy Thiện, chùa Thiền Tôn, chùa Tây Thiên, chùa Phổ Quang, chùa Ba La Mật, chùa Quốc Ân, chùa Chánh Giác... toàn bộ các công trình lớn nhỏ khác nhau được bố trí hài hòa, từ cách thờ tự cho đến cách sinh hoạt lẫn thứ tự xây dựng luôn theo một bố cục nhất định phù hợp và giữ được kiểu kiến trúc chính, đó là chữ khẩu ().

Cổng chùa chùa Diệu Đế. Ảnh: Nhật An

Tổng quan của kiến trúc chữ khẩu thể hiện sự vuông tròn, viên dung không có điểm đầu và điểm cuối. Vô tình ta bắt gặp được trong hệ thống của “tam giáo đồng nguyên”.

Khi nói về quan niệm trời tròn đất vuông của Nho giáo và thuyết luân hồi, nhân quả, thập nhị nhân duyên của Phật giáo, quan niệm âm dương của Lão giáo. Qua đó chúng ta thấy được sự ảnh hưởng tư tưởng của ba tôn giáo đã thành hình trong mô hình kiến trúc chữ khẩu của các ngôi chùa ở Huế, không những về kiến trúc mà còn rất nhiều nội dung khác.

Theo quan niệm của Phật giáo nói đến sự viên dung, tròn đầy với mười hai nhân duyên (vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sinh, lão tử) là một vòng tròn khép kín, chuyển từ chi phần này đến chi phần khác của Phật giáo nói lên tất cả đều do nhân duyên mà phát khởi, nhân duyên hội họp gọi là sinh, nhân duyên tan rã gọi là diệt. Cũng vậy, có ngày ta sinh ra trong cuộc đời thì có ngày mất đi theo định luật luân hồi, luôn chấp nhận định luật vô thường của vạn sự vạn vật. Sự thay đổi đó theo từng ngày, từng giờ và từng sát na (đơn vị đo thời gian của đạo Phật), bởi không có khởi nguyên ban đầu và sự kết thúc nên vòng tròn khép kín đó muốn nhắc nhở cho mọi người luôn luôn cố gắng tu thân tích đức, làm những việc thiện cho đời và giúp ích cho xã hội, rộng hơn nữa là cho thế giới hòa bình chúng sinh an lạc. Ngoài ra còn biểu hiện sự trường tồn vĩnh cửu, tinh thần bất khuất trước khó khăn, ngoại cảnh và ngoại duyên để nỗ lực phấn đấu, cố gắng tinh tiến để đi trên đạo lộ giải thoát. Thể hiện mục tiêu không cùng của đạo Phật đó là sự chuyển động không ngừng của phật pháp, sự luân chuyển liên tục không gián đoạn đó thể hiện như quá trình thuyết pháp, truyền pháp của đức Phật đến thế gian không bao giờ cùng tận. Luôn biến hóa để thích nghi, để chỉ đường đi đến sự giác ngộ tĩnh giác.

KẾT LUẬN

Chùa là nơi thờ Phật, là nơi tu tập, thực hành theo hạnh nguyện của đức Từ phụ Bổn sư Thích Ca Mâu Ni của hàng đệ tử xuất gia cũng như tại gia và truyền bá Phật giáo cho mọi tầng lớp trong xã hội. Chùa là một phần rất quan trọng trong đời sống tinh thần của mỗi người dân của xứ Huế. Người dân ở đây rất coi trọng việc xây dựng chùa cũng như cách thiết trí bố cục kiến trúc cảnh vật xung quanh sao cho phù hợp với phong thủy, thuận theo và gần gũi với thiên nhiên.

Hàng trăm ngôi chùa ở Huế đều nằm ở địa thế thoai thoải ở sườn dốc, sườn đồi, sườn núi có cây cao bóng mát cảnh thiên nhiên chứa đựng được cái hồn của đạo Phật tĩnh lặng, an lạc và giải thoát. Chính vì vậy, chùa Huế có được những giá trị nghệ thuật kiến trúc đặc sắc mà chẳng phải nơi nào cũng có thể có được.

Tác giả: Thích Minh Nghiêm Học viên Cao học khóa II, Học viện PGVN tại Huế ***

TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Trần Lâm Biền (2015), Hỏi và đáp về văn hóa Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc và tạp chí văn hóa nghệ thuật, Hà Nội. 2. Nguyễn Đăng Duy (1999), Phật giáo với văn hóa Việt Nam, Nxb Hà Nội. 3. Chu Quang Trứ (2001), Di sản văn hóa dân tộc trong tín ngưỡng và tôn giáo ở Việt Nam, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội. 4. http://www.hauhocquangkien.com/2012/07/kien-truc-chua-viet.html truy cập: ngày 9/8/2022.1