Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu So sánh sự tương đồng, điểm dị biệt giữa triết học Phật giáo và triết học Ấn giáo

So sánh sự tương đồng, điểm dị biệt giữa triết học Phật giáo và triết học Ấn giáo

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tác giả: Thích Nữ Như An
Học viên Thạc sĩ Phật học K.III – Học viện PGVN tại Tp.HCM

CHƯƠNG I: DẪN NHẬP:

Có thể nói, triết học là một bức ký họa chân dung của các tôn giáo lớn trên thế giới xuyên qua đời sống nhân sinh thực tại. Vì vậy, khi tìm hiểu những sự tương đồng và dị biệt giữa tư tưởng triết học tôn giáo Đông – Tây, tôn giáo mình đang theo và có niềm tin hay tôn giáo bạn thì chúng ta cần phải có một quan niệm vô tư, gạt bỏ những thành kiến chủ quan, cố chấp thì mới thật sự thấy được cái hay của nền triết lý tôn giáo khác.

Như chúng ta đã biết, thế giới ngày nay đang từng bước hướng dần về đời sống hiện đại hóa; điều đó cũng đồng nghĩa đánh dấu cho nhiều sự khủng hoảng trong các lĩnh vực của cuộc sống, cũng như tác động đến đời sống của con người, hay thế giới tự nhiên và đặc biệt là trong vấn đề môi trường, đạo đức, văn hóa…; vì thế, hướng đến triết học tôn giáo như là một định hướng quan trọng nhằm tìm ra giải pháp giải quyết các cuộc khủng hoảng nghiêm trọng như trên là một việc vô cùng cần thiết. Thảo luận về các nền triết học tôn giáo là một mệnh đề rộng lớn; trong phạm vi bài, tác giả xin phép chỉ đề cập các khái niệm và những nét chính của triết học Phật giáo và Ấn Độ giáo.

Về nền triết học giữa Phật giáo và Ấn Độ giáo là điều hấp dẫn cho nhiều học giả nghiên cứu từ xưa đến nay. Vì chỉ có triết học mới phân tích về thế giới và con người một cách chính xác nhất.

Chương II: KHÁI QUÁT VỀ ẤN ĐỘ GIÁO VÀ PHẬT GIÁO:

2.1. Tóm tắt bối cảnh lịch sử Ấn Độ giáo:

Ấn Độ giáo, hay còn gọi là Bà la môn giáo cổ xưa; là Tôn giáo truyền thống bắt đầu từ trung thế kỷ lưu truyền tới ngày nay. Ấn Độ giáo là tên gọi chung của một hệ thống tín ngưỡng tôn giáo, quan niệm luân lý triết học, nghi thức chế độ xã hội và phương thức sinh hoạt…, đều dựa trên cơ sở của đạo Bà-la-môn đã hấp thụ mà hình thành nên. Tên gọi Bà-la-môn, là danh từ chỉ một đẳng cấp, một hạng người tại Ấn Độ thuộc về giai cấp các tu sĩ, triết gia, học giả và các vị lĩnh đạo tôn giáo.

Điều kiện tự nhiên: Vào lúc bấy giờ (thời Ấn Độ cổ đại), thì Ấn Độ được xem là một bán đảo thuộc khu vực Nam Á. Phía Tây và phía Đông giáp với Ấn Độ Dương, còn về phía Bắc chính là dãy núi Hy Mã Lạp Sơn (Hymalaya) nằm cạnh hai dòng sông Hằng và sông Ấn, vì thế mà hình thành nên mảnh đất phù sa màu mỡ, và được xem là nơi khởi nguồn của nền văn hóa tỏa sáng vang danh nhất châu Á. Riêng về phía Nam Ấn thì cao nguyên khô cằn, khô hạn, nắng nóng suốt năm và dân chúng sinh sống tại đây rất nghèo nàn do vùng đất này khó khăn cho việc phát triển kinh tế. Chính vì điều đó đã hình thành nên vùng đất khí hậu không đồng nhất với nhâu, vì nơi thì nắng nóng khô cằn, nơi kia thì tuyết phủ quanh năm lạnh lẽo.

Về kinh tế: Về kinh tế thì chủ yếu là nền nông nghiệp lúa nước là chủ đạo của người dân Ấn Độ lúc bấy giờ (thời cổ đại). Tuy nhiên, do trong quá trình sản xuất có sự cải tiến, nên họ biết khai thác mở rộng các công trình thủy lợi, đào các con kênh để cho nước vào ruộng, vì thế việc canh tác có sự tiến triển tốt. Các việc trồng trọt hay chăn nuôi… cũng nhờ thế mà phát triển mạnh. Vào thời kỳ này, bởi do sự phát triển của nghành sản xuất thủ công nghiệp, vì thế mà có sự tách rời ra giữa nông nghiệp và thủ công nghiệp ở một số nơi trong đất Ấn.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Triet Hoc Phat Giao Va Triet Hoc An Giao 1

Về chính trị: Khoảng 3.000 năm đến 2.000 năm trước CN, nhiều Thành phố đô thị ở Hạ Lưu sông INDUS của Ấn Độ đã bị thiên tạo vùi lấp. Khảo cổ học hiện đại đã tìm được nhiều di vật của các chủng tộc cổ xưa. Vào giữa thiên nhiên kỷ thứ II trước Công Nguyên, khi người Aryan từ phía Bắc tràn vào, vượt qua cao nguyên Pamia đổ bộ vào lưu vực sông Ấn, rồi tiến hành cuộc đấu tranh trường kỳ với các dân tộc bản địa chủ yếu ở đó và cuối cùng đã chinh phục được họ. Người Aryan, tín ngưỡng chủ yếu của họ là sung bái thần thiên nhiên và tổ linh đã được nhân cách hóa, thực hành tế lửa và tế xô ma (thần rượu) khi đến tuổi trưởng thành phải khởi hành nghi thức nhập môn, sau khi chết tiến hành hỏa tang. Họ định cư ở lưu vực sông Ấn và sau khi hòa lẫn với các dân tộc bản địa ở đó, dần dần xã hội nông nghiệp đã hình thành, họ sùng bái đa thần, thực hành cúng tế rắc rối, phiền phức. Kể từ thế kỷ thứ VI đến thế kỷ thứ V trước CN cuộc đấu tranh trong giới tư tưởng Ấn Độ vô cùng quyết liệt đã xuất hiện trào lưu tư tưởng Sa Môn đối lập với trào lưu tư tưởng tự do và các phái biệt đương thời.Trong đó nổi tiếng nhất là người sáng lập ra đạo Phật là đức Thích Ca Mâu Ni Phật. Tuy chủ trương không thống nhất nhưng cũng nhất trí trong việc phủ định quyền uy của Veda là sự thống trị về chính trị, tư tưởng của Bà la môn. Như theo sách “Mười Tôn Giáo Lớn Trên Thế Giới” đề cập: “Họ không sung bái các thần trong Vêda và không chấp nhận sự thống trị của Bà La Môn, phản đối việc dung số lượng lớn động vật để làm vật hi sinh cúng tế, xây dựng, lên miếu mạo của mình, sung bái thần linh và động vật để làm vật hy sinh cúng tế, xây dựng lên miếu đá-dạ xoa (quỷ) cây cối,thần rồng (thần rắn), Linga…”[1].

Sự xuất hiện trào lưu tư tưởng Sa Môn và cuộc vận động tôn giáo mới đánh dấu tín ngưỡng của đạo Bà la môn đã bắt đầu dao động trong quần chúng ở một số khu vực. Căn cứ vào sử liệu, PusaêMitôrô đã từng cử hành qua hai lần cúng tế-tế ngựa của đạo Bà La Môn với quy mô to lớn, Vương Triều Carôvira kế tiếp. Vương triều Ica cũng thờ đạo Bà la môn. Ở Ấn Độ khi Nam Bắt Triều phân lập, Vương Triều Sata Oahan và Vương Triều an Tarô ở miền Nam đều thờ đạo Bà Là Môn là quốc đạo. Họ đã biên soạn pháp điển thi hành rộng rãi chế độ dòng giống, sau khi Vương Triều Gupta hưng khởi, văn hóa đạo Bà La Môn phồn vinh hơn bao giờ hết.

Khi các Vương Triều Gupta thống trị, đã biên soạn những pháp quy cơ bản của đạo Bà La Môn và Ấn Độ về sau đã hoàn thành phần cuối của sử thi “Ramayana”“Mahabharata”. Nền triết học của đạo Bà La Môn cũng đã bắt đầu được hệ thống hóa.

Văn học Veda: Veda là một hệ thống triết học được coi như là một học thuyết cổ nhất Ấn Độ. Theo tài liệu “Sử Cương Triết học Ấn Độ” đề cập về niên đại kinh Veda như sau: “Thánh kinh Veda lưu truyền trong quần chúng bắt đầu từ khoảng 1.200 năm đến trước Tây lịch, nghĩa là cách nay độ 4.000 năm”[2].

Bộ kinh Veda được người Aregan viết bằng tiếng Phạn, gồm 4 tập, gồm: 1). Rig Veda, 2).SaMaVeda, 3).Yayur Veda, 4).Atharva Veda

Xã hội: Chia bốn giai cấp:

*Bà La Môn (Brahmanas) là các vị giáo sĩ, phụ trách về nghi lễ, cúng bái, các vấn đề về tâm linh. Họ cho rằng họ là do sinh ra từ miệng của Phạm Thiên, nên thân phận cao quý và nắm giữ nhiều quyền hành trong xã hội.

*Sát Đế Lợi(Kastayas) là hàng vua chúa quý phái, tự cho mình sinh ra từ cách tay Phạm Thiên, nắm giữ quyền hành thống trị dân chúng.

*Vệ Xá(Vaisyas) là hàng thương gia chủ điền, tin mình sinh ra từ bắp vế Phạm Thiên, nhiệm vụ của họ là mua bán trồng trọt…

*Thủ Đà La, à hàng hạ tiện, nô lệ tin mình sinh ra từ gót chân Phạm Thiên, nên suốt đời gánh chịu mọi khổ đau, làm tôi mọi các tầng lớp trên.

+Giáo luật: có các cấp bậc sơ, trung và thượng là ba cấp bậc tăng lữ mà Bà la môn. +Thuyết Tứ hạnh kỳ: 1).Phạm Quý Kỳ, 2).Gia Trú Kỳ, 3).Lâm Hành Kỳ, 4).Độn Thế Kỳ. Căn cứ sách Ấn Độ Phật Giáo Sử Luận có ghi: “Theo quan niệm Bà-la-môn ai tuân thủ theo một cách nghiêm túc thuyết Tứ hành kỳ trên sẽ được mọi người trong xã hội cung kính và họ tin vào vị ấy chắc chắn sẽ được giải thoát cứu cánh trong tương lai” [3].

2.2.Giới thiệu sơ lược về Phật giáo:

Người khai sáng ra đạo Phật chính là đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Trước khi tu tập chứng quả vị Phật, thì Ngài là một vị Thái Tử, họ là Cù Đàm, hiệu Tất Đạt Đa, con của vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma Da. Về truyền thuyết thì khi mới sinh ra, Ngài thoát ra từ bên hông phải của hoàng hậu, bước đi bảy bước trên bảy đóa sen, có chín con rồng phun nước tắm cho Ngài và được rất đông chư Thiên thị hiện đón chào và nâng đỡ Ngài; còn về mặt lịch sử thì Ngài là nhân vật lịch sử có thật…, sau khi Ngài đản sinh, thì được các nhà Tiên tri tiên đoán, rằng tương lai sẽ làm bậc Chuyển Luân Thánh Vương còn không thì sẽ đi tu chứng quả vị Chính đẳng Chính giác. Ngài Đản sinh được bày ngày thì hoàng hậu mất. Sau Khi Ngài lớn lên thì được vua cha cưới vợ là công chúa Da Du Đà La và có người con là La Hầu La. Mặc dù sống trong cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan, nhưng trong thâm tâm Ngài luôn nặng mang một nỗi niềm ưu tư vì nhân thế. Ngài nhiều lần xin vua cha đi dạo bốn cửa thành, nhận thấy các cảnh già, bệnh, chết và hình ảnh vị sa môn tu hành thoát tục, nên Ngài quyết từ bỏ hoàng cung, tầm sư học đạo, vào núi tuyết ẩn tu, sáu năm khổ hạnh rừng già và 49 ngày nhập định tư duy thiền quán dưới cội cây Bồ đề và cuối cùng Ngài chứng quả vị Phật, không còn sinh tử luân hồi, đồng thời mở ra cánh cửa giải thoát cho tất cả chúng sinh, đó chính là khai sáng ra đạo Phật. Chân lý giúp ngài giác ngộ đó chính giáo lý Duyên khởi và triết lý Trung đạo.

Sau khi chứng quả vị Phật, ngài thành lập Tăng đoàn đầy đủ bảy chúng, gồm Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Thức xoa, Sa di, Sa di ni, Ưu bà tắc và Ưu bà di.

Ngài truyền bá chính pháp trong suốt 49 năm (hoặc 45 năm), sau đó 80 tuổi nhập Niết bàn. Giáo lý của ngài để lại cho đời có tam tạng (Kinh, Luật và Luận), trong đó tiêu biểu như Duyên khởi, Tứ diệu đế, Nhân quả, Vô thường, Vô ngã…

Về niên đại “Đản sinh” của đức Phật có nhiều sử liệu và năm không đồng đều. Tuy nhiên, niên đại mà được đa số các nhà nghiên cứu ghi nhận và đồng tình thì chính là 624 trước Công nguyên. “Theo cách tính của Phật giáo Bắc tông, đức Phật thọ 80 tuổi, tức là năm 624 TCN là năm đức Phật Đản sinh. Ngài xuất gia năm 19 tuổi (năm 605 TCN), thành đạo năm 31 tuổi (năm 593 TCN), hoằng pháp 49 năm và nhập Niết Bàn năm 544 TCN. Theo cách tính của Phật giáo Nam tông, đức Phật thọ 80 tuổi, tức là năm 624 TCN là năm đức Phật Đản sinh. Ngài xuất gia năm 29 tuổi (năm 595 TCN), thành đạo năm 35 tuổi (năm 589 TCN), hoằng pháp 45 năm và nhập Niết bàn năm 544 TCN” [4].

Chương III: TRIẾT HỌC PHẬT GIÁO VÀ TRIẾT HỌC ẤN ĐỘ GIÁO:

3.1. Về triết học Phật giáo:

3.1.1. Nhân sinh quan:

Nhân sinh quan là được hiểu là cuộc sống hay sự sống của con người; đồng thời chính là một bộ phận của thế giới, bao hàm về lẽ sống con người, mục đích, hoài bão, khát vọng, lợi ích, ý nghĩa, giá trị sống, v.v…của con người trong đời sống xã hội. Phật giáo quan niệm về nhân sinh cũng trên lập luận về kinh tế, chính trị, xã hội cùng với tiền đề tư tưởng văn hóa Ấn Độ cổ xưa trước CN. Con người qua cái nhìn của Phật giáo chính là chỉ thân năm uẩn của chúng ta là do Duyên sinh cộng với các yếu tố như đất, nước, lửa, gió cùng nghiệp thức và tinh cha huyết mẹ hợp lại mà thành thân này. Và nếu như thế thì thân con người phải chịu sự chi phối của quy luật vô thường (sinh, lão, bệnh và tử). Tuy nhiên, vẫn có giải pháp cho con người hướng đến chuyển hóa phiền não khổ đau, để thành tựu sự giải thoát, đó chính là tu tập Phật pháp.

Đạo Phật trú trọng vào con người, bởi vì chỉ có con người mới có khả năng thực hành tu tập đi đến đời sống an tịnh, nên Phật giáo lấy con người làm trung tâm, làm đối tượng hướng đến mục tiêu giải thoát cao cả.

3.1.2. Thế giới quan:

Thế giới quan là chỉ cho những vấn đề về sự vật hiện tượng, quy luật, nguyên tắc, phương hướng, cũng như tổng thể bức tranh trong đó bao gồm con người và cõi nước. Để hình thành được thế giới quan thì phải có nhiều yếu tố. Chẳng hạng như hình thái xã hội cũng như các quan điểm về triết học, chính trị, khoa học, đạo đức, tôn giáo v.v…góp phần hình thành nên thế giới quan, mà trong đó con người sống dựa vào các quan điểm trên như về đạo đức, thẩm mỹ, triết học…nhằm giúp con người tiến hóa ngày một thăng hoa hơn trong tư duy, ứng xử, hành động,tri thức, văn hóa cũng như niềm tin tôn giáo hay đời sống tâm linh.

Thế giới quan Phật giáo là những khái niệm Phật dạy liên quan đến thế giới, các cõi như 6 cõi luân hồi (Thiên, nhơn, a tu la, địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh), và thêm các cõi như cõi âm (ma quỹ), cõi Tây Phương Cực Lạc, cõi Niết-bàn, cõi Đông Phương của Phật Dược Sư, cõi Ta Bà v.v…,và cũng bao gồm luôn xã hội, đất nước, quả địa cầu mà tất cả con người, cùng các hữu tình chúng sinh đang sống.

Các yếu tố cấu tạo thành thế giới này thì chính là đất, nước, lửa, gió và nằm trong quy luật cũng như sự vận hành của Duyên khởi, Nhân quả, Nghiệp báo mà hình thành.

Trong nhiều Kinh, luật, luận Phật giáo thường đề cập vô số cõi, chẳng hạng như Tiểu thiên thế giới, Trung thiên thế giới, Đại thiên thế giới và Tam thiên thế giới. Tiểu thiên thế giới là chỉ cho một ngàn hành tinh, còn Trung thiên thế giới là một triệu hành tinh, về Đại thiên thế giới là một tỷ hành tinh và Tam thiên thế giới là ba ngàn hành tinh. Cho nên Phật giáo có câu nói mừng Phật đản sinh là:

“Bảy đóa sen vàng nâng gót ngọc,
Ba ngàn thế giới đón Như Lai”[5].

Hoặc trong “Kinh Hoa Nghiêm” Phật cũng dạy: “…trong một niệm tôi thấy ba đời; vô lượng vô biên thế giới tồn tại trên một nguyên tử (vi trần); và từ một vi trần vi trần tôi nhìn thấy hằng hà sa thế giới; cả thế giới nằm trong một kẻ hở của lỗ chân lông…”[6].

Phật giáo dạy trong vũ trụ này có rất nhiều thế giới (vô số thế giới), ba ngàn thế giới chứ không phải chỉ có một thế giới duy nhất. Mặt trăng cũng là một thế giới, mặt trời cũng là một hành tinh thế giới, chén nước cũng là thế giới, vì trong 1 chén nước Phật dạy có tám muôn bốn ngàn con vi khuẩn sinh sống trong đó, nên các thế giới nhiều vô hạn và không thể nào liệt kê hết dược. Người sống chúng ta trong xã hội là một cõi, nhưng những người chết họ cũng sống một cõi khác biệt chúng ta, nên thế giới quan Phật giáo vốn đa dạng mà Khoa học không lý giải hết được.

3.1.3. Nhận thức luận:

Nhận thức luận là nói về khả năng nhận thức của con người trong đời sống, dựa trên nhận thức phân biệt của 8 thức mà Phật giáo thường đề cập trong Duy Thức học. Vấn đề này cũng được hiểu là con người, với cái nhìn triết lý Phật giáo, qua các pháp trong vũ trụ, phải dùng tâm để nhận thức thì mới cảm nhận được vạn pháp thế gian có hai mặt hiện tượng và bản thể. Nếu con người với tâm giác ngộ, thì nhìn vạn vật đều thanh tịnh, bởi vì đây là cái nhìn của bậc Thánh; còn như nhìn vạn vật nhiều biến đổi, nhiều phiền muộn khổ đau, và tâm con người luôn sống trong buồn, thương, giận, ghét, đố kỵ…thì phải biết rằng đó là nhận thức của phàm phu sinh tử. Và con người phàm trần này bởi vì trong lúc các căn tiếp xúc các trần sinh tâm tham đắm mà nhìn thế giới với cái nhìn đầy tham ái chấp thủ, chính vì thế mới tạo nghiệp ( thiện hoặc bất thiện) để chiêu cảm ra một tương lai hoặc hạnh phúc hoặc khổ đau…

Nếu với nhận thức luận này, con người luôn nhìn vào chính nội tâm của mình, để nhận ra đâu là trạng thái tâm lý tốt và đâu là tâm lý xấu, để từ đó mà khắc phục chuyển hóa tâm cho thanh tịnh, thì cõi đời này nhân loại sẽ bớt khổ đau.

3.1.4. Triết lý Duyên khởi:

Học thuyết Duyên khởi còn có tên gọi khác là Duyên sinh, bao hàm sự liên kết các chi phần trong 12 Nhân duyên (Vô minh, hành, thức… lão tử). Đây là giáo lý vô cùng quan trọng của Phật giáo.

Bởi khi xưa, đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhờ giác ngộ lý Duyên khởi này mà ngài chứng được quả vị Chánh Đẳng Chánh Giác, như sách “Phật Học Khái Luận” có giải thích:

“Duyên khởi là giáo lý mà từ đó đức Thế Tôn giác ngộ Vô Thượng Bồ Đề”.[7] Và căn cứ theo kinh Trung Bộ I, đức Phật cũng có dạy: “Ai thấy Duyên khởi là thấy Pháp, ai thấy Pháp là thấy Phật (Ta)” [8].

Duyên khởi này chỉ ra tất cả hiện tượng vật lý hay tâm lý hình thành nên đời sống đều nằm trong sự liên kết chặt chẻ với nhau; như triết lý ‘Tam thế lưỡng trùng nhân quả’ hay còn gọi là ‘Nhân-duyên-quả’ được “Phật Học Khái Luận” đề cập:

“Tam thế lưỡng trùng nhân quả” Nhân-duyên-quả. Chúng luôn hiện hữu và tương tác nhau không thể tách rời, như trong kinh Phật dạy: “Do cái này có mặt nên cái kia có mặt; Do cái không có mặt nên cái kia không có mặt, Do cái này sinh nên cái kia sinh, Do cái này diệt nên cía kia diệt”[9].

Đức Phật dạy trong 12 chi phần nhân duyên này, nếu hành giả tu tập đoạn trừ (chặt đứt) một mắc xích chi phần nào, thì các chi phần còn lại đều sẽ tan rã, người này hiển nhiên sẽ giải thoát được sinh tử luân hồi. Ví dụ như Vô minh diệt, thì 11 chi phần còn lại cũng sẽ tiêu diệt và tan rã theo, và cũng đồng nghĩa người này được vào dòng Thánh.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Tu Dieu De 2

3.1.5. Tứ Diệu Đế:

Là bốn chân lý, bốn sự thật cao cả mà Phật dạy mỗi chúng sinh ai cũng nằm trong bốn sự thật này. Bốn chân lý chắc thật là: Khổ, tập, diệt, đạo. Trong khổ đế thì Phật dạy có tam khổ và bát khổ mà tất cả chúng sinh không ai thoát khỏi, chỉ trừ bậc Thánh. Và sở dĩ có khổ là do “Tập đế” mà hình thành nên các việc làm tốt hoặc xấu của mỗi người trong quá khứ cũng như hiện tại mà chiêu cảm nên sự báo ứng như thế nào. Con người nếu sống trong đau khổ mà giác ngộ lo tu, chuyển hóa phiền não tham, sân, si thì sẽ thành tựu được Niết bàn an lạc (Diệt đế). Tuy nhiên, để một phàm phu có thể thành Phật thì cần phải tu tập Phật pháp (Đạo đế) qua 37 phẩm trợ đạo và đặc biệt là Bát chính đạo…

Với giáo lý Tứ Diệu Đế, bằng nội dung và triết lý cao sâu chắc thật, tạo nên nét đặc thù trong Phật giáo, đặt biệt là giúp ích cho rất nhiều chúng sinh chuyển hóa được khổ đau, có được đời sống an vui, hết não phiền.

3.1.6. Nghiệp báo và luân hồi:

Nghiệp là việc làm (hành động) thể hiện qua thân, khẩu và ý. Phật giáo không chấp nhận có một đáng sáng tạo hay thượng đế ban phước giáng họa cho con người. Vì đạo Phật chủ trương mọi thứ tạo tác quyết định cho cuộc đời mỗi con người là đều do con người tự tạo lấy và cũng chính con người sẽ thừa tự cái nghiệp mà bản thân đã gieo trồng trong quá khứ, hay hiện tại hoặc tương lai. Hễ ai gieo nghiệp thiện thì quả báo tốt lành sẽ đến với họ, và ai gieo nghiệp bất thiện thì tương lai lãnh lấy quả khổ. Hạnh phúc hay khổ đau đều do chúng ta tự quyết định cho cuộc đời mình, chứ không phải do thượng đế hay thần linh ban phước giáng họa

3.1.7. Trung đạo:

Trong “Kinh Tăng Chi Bộ”, đức Phật dạy Tỳ kheo Sona như sau về pháp tu Trung đạo:

“…này Sona, khi tinh cần tinh tấn quá căng thẳng, thời đưa đến giao động; khi tinh cần tinh tấn quá thụ động, thời đưa đến biếng nhác. Do vậy, Thầy phải an trú tinh tấn một cách bình đẳng”[10].

Đoạn kinh trên với ý nghĩa lời Phật dạy, để tu tập thành Phật thì phải tu tập theo tư tưởng trung đạo này. Là đối với các pháp chúng ta đừng quá khắc khe hay khổ hạnh ép xác v.v..;đồng thời cũng không nên phóng túng chìm đắm trong đó. Có nghĩa là phải có sự cân bằng, đừng tinh tấn quá mà tu chưa đắc đạo thì đã gãy gánh hoặc bỏ cuộc giữa chừng và cũng không nên lười biếng giải đãi mà tu tập khó thành tựu sự giải thoát. Và triết lý trung đạo này cũng được trong “Đức Phật Lịch Sử” có đề cập:

“Có hai cực đoan, này các Tỳ-kheo, mà người xuất gia không nên hành trì. Ðó là hai cực đoan nào? (Một mặt) đắm mình vào dục lạc, thấp kém, tầm thường, hạ liệt, không xứng đáng bậc Thánh, không ích lợi. (Mặt khác) chuyên tâm khổ hạnh ép xác, gây khổ đau, không xứng đáng bậc Thánh, và cũng không ích lợi. Này các Tỳ-kheo, Như Lai đã tránh xa hai cực đoan này, và tìm ra Trung Ðạo chính là con đường khiến cho ta thấy và biết (tác thành nhãn và trí), con đường đưa đến an tịnh, thắng trí, Giác Ngộ, Niết-bàn”[11].

3.1.8. Vô ngã và Niết bàn:

Triết học Phật giác khác biệt hoàn toàn với với tất cả các tư tưởng triết học khác trên thế giới. Dù Phật giáo thường được kính ngưỡng là một tôn giáo như bao tôn giáo khác; tuy nhiên, giáo lý mà Phật dạy không tìm thấy được ở bất kỳ tôn giáo nào. Sự khác biệt không chỉ có mọi hình thức sinh hoạt bên ngoài, mà còn là nội hàm triết lý giáo lý Phật dạy. Đặc biệt sau khi đức Phật giác ngộ dưới cội cây Bồ Đề, ngài tuyên thuyết rằng tất cả pháp đều là vô thường và vô ngã (không có thực thể hay cái ngã trường tồn).

Với giáo lý vô ngã Phật dạy rằng, không thể tìm thấy gì bên trong cũng như bên ngoài các hiện tượng Duyên khởi, thuộc về thể chất cũng như tinh thần. Vấn đề Vô ngã chính là trọng tâm của Phật giáo. Vì theo triết lý Vô ngã, tất cả pháp hiện hữu đều do nhân duyên hòa hợp tạo thành, và khi hết duyên tự khắc mọi thứ sẽ tan hoại không tồn tại. Tất cả pháp chúng vốn dĩ vô thường và rỗng không, kể cả thân con người cũng do năm uẩn cùng đất nước lửa gió tạo thành. Và con người sở dĩ có đau khổ là vì chấp thân này và các pháp đều có cái ngã vĩnh hằng, rồi từ chỗ đó khi vô thường băng hoại đi mọi thứ thì chúng ta đau khổ. Đây được gọi là chấp ngã và chấp thủ, cũng xuất phát từ chấp có năm uẩn mà ra. Nên trong kinh Phật dạy rằng:

“Năm uẩn là gánh nặng
Kẻ gánh nặng là người
Cầm lấy gánh nặng lên
Chính là khổ ở đời
Đặt gánh nặng ấy xuống
Chính là lạc ở đời” [12].

Vô ngã chính là không có cái ngã “không có cái ta”, theo Phật giáo Đại thừa luôn chủ trương các phạm trù tu hành nhằm “phá ngã” để thành tựu tất cả tâm thiện và sự thanh tịnh tuyệt đối. Bởi vì hễ còn có bản ngã thì sẽ phát sinh ra “ngã sở” cùng nhiều sự hễ lụy đưa đến phiền não tham, sân, si nhiều đau khổ. Phàm con người tu tập đạt được trạng thái tâm vô ngã thì cũng đồng nghĩa với thành tựu sự giải thoát Niết bàn an vui tịch tĩnh. Bởi Phật giáo thường dạy “Vô ngã chính là Niết bàn”. Niết bàn là cảnh giới cao nhất mà Phật giáo thường đề cập, nhất là trong các hệ thống kinh điển Đại thừa. Vì rằng Niết-bàn chính là chỉ cho cảnh giới giải thoát, cảnh giới mà người tu chứng mới cảm nhận được hoặc tương lai sinh về cảnh giới này nếu hiện tại tu đắc đạo. Thực ra để hiểu đúng về Niết bàn thì có nhiều nghĩa, ngoài những quan điểm sau khi kết thúc cuộc sống trần thế mới sinh về, thì Niết bàn cũng được hiểu là sự an lạc ngay trong hiện tại. Nếu một người tu tập chuyển hóa mọi phiền não như tham, sân, si v.v..và ngay trong hiện tại tâm người này an lạc không phiền não khổ đau, tự tại giữa cuộc đời sinh tử…thì cũng đồng nghĩa là đang sống trong cảnh giới của Niết-bàn; như trong “Vô Ngã là Niết Bàn” có giải thích:

“Chính vì bản ngã mà nổi chìm trong biển phiền não sinh tử. Vậy chỉ cần trừ cái ngã chấp thì phiền não không còn đất đứng. Khi phiền não đã trừ thì kiến hoặc, tư hoặc, vô minh hoặc cũng đứt mà vượt qua bờ giác. Khi phiền não chấm dứt thì dù bất cứ đang ở đâu, bất cứ giờ phút nào cũng là Niết bàn, không cần phải cất bước đi đến một nơi nào cả tìm cõi Niết bàn”[13].

Niết-bàn hay cõi Phật thật ra không ở đâu xa, mà là ngay nơi kiếp sống sinh tử này. Nếu tâm con người thánh thiện, mọi kiết sử phiền não được chuyển hóa (được đoạn trừ) thì ngay nơi cuộc sống này chính là Niết bàn vẫn hiện diện vậy.

3.2. Về triết học Ấn Độ giáo:

Nói đến tư tưởng triết học thì không ít người quan tâm đến, vì tư tưởng triết học ra đời không ngoài đáp ứng nhu cầu về các vấn đề của thời đại nhân đạo, nhân văn, khoa học. Vấn đề này cũng được “Ấn Độ Phật Giáo Sử Luận” đề cập như sau:

“Đây là một cuộc cách mạng tư tưởng tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu bức thiết của con người đương đại và là một bước ngoạt vô cùng quan trọng trong lịc sử triết học Ấn Độ. Nó đánh dấu một thời vàng son mới của một hệ thống triết học mang tính nhân đạo và nhân văn”[14].

3.2.1.Thực tại tối cao:

Vào lúc bấy giờ xã hội tại đất nước Ấn Độ còn thô sơ, họ đặt niềm tin mãnh liệt vào các vị thần (thần linh, thần quyền, thần mặt trăng, thần cây.., hoặc Phạm thiên).

Cũng bởi do môi trường sống khắc nghiệt, vì để sinh tồn nên con người dựa vào thần, như một sự hy vọng được ơn trên phù hộ hoặc ban phước lành cho đời sống của họ được hạnh phúc lợi lạc. Đây cũng được xem là đời sống tín ngưỡng tâm linh nơi họ. Chính vì thế mà trong Thánh kinh Veda thường hay đề cập về các vị thần với nhiều bài thơ, ca…để ca ngợi các vị thần.

3.2.2. Nghiệp báo và luân hồi:

Theo quan niệm của người Ấn Độ giáo cho rằng, vòng chuyển hóa của con người xem như là một vòng xe hay xa hơn một bánh xe đang lăn mãi…! Vậy nghiệp là gì mà có tầm quan trọng như thế?

* Nghiệp: tiếng Sanskrit gọi là Karma, Pali gọi là Kamma, có nghĩa là hành động có tác ý. Nói cách khác, nghiệp luon luôn được bắt nguồn từ những tạo tác của tâm

Ấn Độ giáo quan niệm, mỗi một sinh vật đều có cuộc sống, đều có linh hồn, linh hồn dựa vào một loại nghiệp lực không thể nhìn thấy được nghiệp là do tính chất của những hành vi có ý thức tới khi thân xác của mootj sinh vật chết đi thì linh hồn nay có thể sống lại được ở trong một cơ thể khác trong quá trình sống lại dựa vào nghiệp lực của các linh hồn đã khơi lên những tác dụng mang tính chất quyết định. Đối với con người, hình thái chuyển kiếp của một con người được quyết định bởi hành vi sống ở trên đời bản thân người ấy. Luân hồi theo tư tưởng của Ấn giáo là vô thủy vô chung, xoay vòng không có điểm khởi và nơi kết thúc, cần trải qua sự tu hành gian khổ đặc biệt, thì mới có thể thoát khỏi sự trói buộc của nó, từ đó đạt được sự giải thoát.

3.2.3.Tự ngã và Đại ngã:

Tự ngã Atman là một thực thể nội tại trong mỗi cá nhân. Hơi thở là nguồn sống vật chất thì Atman là hơi thở siêu nhiên, là nguồn sống thiêng liêng. Atman là thực thể làm cho con nguời vượt lên trên vạn vật. Có thể nói Atman là thành phần của Brahman trong con người. Brahman là cái ngã vũ trụ đại đồng, còn Atman là cái ngã cá nhân. Braman chỉ có một, Atman là số nhiều, nhưng cái nhiều ấy chỉ là giả tưởng vì bản chất cả hai chỉ là một. Học thuyết Bà la môn cho rằng khi thân xác chết thì Tự ngã (Atman) lại trở về hợp nhất với Đại ngã (Brahman). Và khi thuyết minh sự tương tục của linh hồn sau khi chết, bảo rằng tự ngã như viên đạn, nhờ hoả lực của nghiệp đưa đến một nơi nhất định, rồi lại từ nơi ấy nhờ hoả lực mới đưa đến một nơi khác. Như thế căn cứ vào sự bất diệt của linh hồn mà nhận có luân hồi.

3.2.4.Giải thoát luận:

Cũng như Phật giáo hay các tôn giáo khác là triết học Ấn Độ luôn tìm cách khai mở chính thế giới nội tâm của con người, giúp con họ giải thoát trọn vẹn về mặt tâm linh thoát khỏi cảnh đau khổ của kiếp người.

Và như vậy, cũng chính điều này nên triết học Bà La Môn luôn gắn liền với tôn giáo, từ thời Áo nghĩa thư về sau, tất cả các trường phái triết học và tôn giáo Ấn Độ không chỉ lấy tư tưởng giải thoát làm mục đích tối cao cho tư tưởng triết học của mình mà còn tận tâm tận lực bằng mọi cách thức, phương pháp khác nhau để cố gắng đưa con người ta đạt tới sự giải thoát.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Triet Hoc Phat Giao Va Triet Hoc An Giao 2

3.2.5. Vũ Trụ quan:

Ấn Độ giáo tín đồ của họ không chỉ danh băn khoăn về sự kiện kinh Vệ đà nói đến một hiện hữu cũng như thân phận của mình mà còn ưu tư về thế giới mà họ đang sống là gì nữa? Nó là loại thế giới gì? Sức mạnh và sự cấu tạo ra sao? Và hiện thực họ nhìn chung quanh, thấy cây, núi non, đồng bằng và sông ngòi. Họ thấy mưa gió, họ biết đến tất cả những sinh vật cùng chia sẻ với họ trên trái đất này họ kết luận đó là “vũ trụ”.

* Nguyên lý vũ trụ của tư tưởng Vệ đà được dựa trên nền tảng 4 học thuyết: 1). Học thuyết Rta: Nếu nên nguyên lý độc lập hình thành vũ trụ; 2.Học thuyết Phạm thiên: Vũ trụ được hình thành qua bóng dáng của Phạm Thiên. Đấng sáng tạo và hủy diệt vũ trụ; 3). Học thuyết Purusa: Kinh Vệ đà cho rằng trong một cuộc tế lễ đầu tiên của vũ trụ, người nguyên thủy (Purusa) được tạo ra bởi Phạm Thiên có nghìn tay nghìn mắt xem như là tế vật, chặt hết tất cả tứ chi và cái đầu, để rồi mỗi phần cơ thể đó hình thành con người và muôn loài; 4). Học thuyết giới tín: Trong Kinh Vệ đà nói đến một hiện tượng sinh sản giới tín từ sự tối ngẫu giữa trời và đất mà sinh ra con người.

Theo tư tưởng Vệ đà sự hình thành và phát triển vũ trụ bao gồm 3 cõi địa giới, không giới, thiên giới. Mỗi người sinh ra trên cõi đời này đều bị chi phối và thấy khó mà biết được những việc quan trọng bằng kinh nghiệm của mình vì ảo tưởng. Thế giới này là ảo tưởng có nghĩa là lúc nào cũng thay đổi thành một cái gì khác và sự thay đổi cứ liên tiếp diễn không ngừng nghỉ. Không ai biết thế giới này là gì vì thế giới này chẳng bao giờ đứng yên lâu để có thể nghiên cứu và giải thích, nó lúc nào cũng đang bắt đầu, cho nên người ta đễ dàng trở thành say mê luyến chấp vào cái thực ra tầm thường.

Người Ấn Độ giáo không có ý nói thế giới này không quang trọng nhưng họ nhấn mạnh và sự thật là thế giới mà ta nhìn thấy không phải là thế giới thật sự đó luôn luôn làm cho ta bối rối, thảo nào họ chẳng đưa ra những câu hỏi ẩn chưa sự nghi vấn và sự phủ định, như trong “Những Tôn Giáo Lớn Trong Đời Sống Nhân Loại” có đề cập:

“Tại sao tôi không được sung sướng? Tại sao tôi làm quá nhiều lầm lỗi? Tại sao tôi thường quá sợ hãi?”[15].

3.2.6. Nhân sinh quan:

Người Ấn Độ giáo đã tìm thấy câu trả lời thỏa mãn trong niềm tin và sự đầu thai. Mỗi người đều có rất nhiều kiếp sống và sẽ tiếp tục có nhiếu kiếp sống đủ để khám phá ra mình thực sự là ai. Họ quan niệm đời sống như một dòng nước chảy không ngừng, không có sự khởi đầu và cũng không có tận cùng. Tất cả mọi thứ đều có một phần của dòng : đất đá, cây cối, muôn thú, con người…mọi thứ hiện hữu đời này qua đời khác cho đến khi có kiến thức về sự đồng nhất của cái ta và Bà-la-môn. Mỗi người sẽ có nhiều cơ hội để đi đến tự biết mình khi cần thiết. thuyết đầu thai đem hi vọng cho tất cả mọi người. không ai có thể bị trừng phạt trong một thời gian vô hạn vì một số lỗi lầm có hạn.

Có một định luật vũ trụ hoạt động suốt cuộc đời. Gieo gì phải gặp náy ở một lúc nào đó và ở một chỗ nào đó, đó là định luật: Mỗi hành động, mỗi ý định hành động, mỗi thái độ đều mang ý nghĩa riêng của nó “Người trở thành thiện do hành động thiện, người trở thành ác do hành động ác” mỗi người có thể cắt đứt quá khứ bằng cách trải rộng tâm mình và giành được kiến thức về cái ngã thực sự của mình.

Muốn hiểu rõ vè truyền thống triết học này ta cần biết rõ ràng tính cách của chúng là tôn giáo, chúng nhắm đến một kinh nghiệm tâm linh trực tiếp về tự nhiên và tính chất kinh ghiệm đó là tôn giáo. Điều này đúng nhất cho Án Độ giáo hơn mọi truyền thống phương Đông khác, trong đó sjw liên hệ giữa tôn giáo và triết học rất mạnh. Người ta cho rằng, tại Ấn Độ mọi tư duy đều là tư duy Tôn giáo và Ấn Độ giáo không chỉ có một đời sống tâm linh hành ngàn năm tại Ấn Độ, mà nó ảnh hưởng mạnh đến đời sống xã hội và văn hóa con người. Triết họcVệ Đà cho rằng: “Brahman là căn bản của vũ trụ – con người. Tất cả có sự vật và con người đều là hình thái của Brahman. Sống nhờ Brahman, chết về với Brahman” [16].

3.3. Sự tương đồng và dị biệt giữa tư tưởng triết học Phật giáo và Ấn Độ giáo:

3.3.1. Sự tương đồng:

Phật giáo và Ấn Độ giáo đều có các điểm tương đồng về Nhân sinh quan; Thế giới quan; Nhận thức luận; Nghiệp báo và luân hồi; Quan niệm về các vị thần (Ấn Độ giáo liệt kê ra rất nhiều vị thần và phía Phật giáo nhất là trong các kinh điển Đại thừa Phật cũng nói nhiều về các vị thần, điển hình như trong kinh Địa Tạng Bổn Nguyện có nêu danh như thần sông, thần biển, thần đất, thần chủ ngày, thần chủ đêm, thần hư không, thần trên trời …). Còn các điểm tương đồng nữa như là sự Ẩn dật tu hành; Giải thoát cho con người thoát khỏi mọi khổ đau để hướng đến cữu cánh giải thoát.

3.3.2. Điểm khác biệt:

Phật giáo cho rằng không có đấng phạm thiên hay thượng đế hình thành con người và vũ trụ, mà tất cả là Duyên sinh, Vô thường và Vô ngã. Nghiệp của Phật giáo cũng khác nghiệp của Ấn giáo, vì theo Phật giáo là con người là chủ nhân ông quyết định hạnh phúc hay đau khổ là do chính mình, chứ không do ai ban phước giáng họa cho mình. Đọa lạc sinh tử hay chứng qủa thành Phật là điều do mọi hành động tạo thiện hoặc bất thiện của con người, chứ không do ai sắp đặt cho ta.

Ấn Độ giáo thì quan niệm rằng con người và vũ trụ là do Phạm Thiên tạo ra và con người sẽ chịu mọi hạnh phúc hoặc khổ đau thì đều do Phạm Thiên định đoạt, và con người chỉ có thể cam chịu vì sự thưởng phạt đó.

Phật giáo nói tất cả đời sống của một kiếp người đều gói gọn trong Tứ Diệu Đế, Phật dạy giáo lý này để cho chúng sinh hiểu rằng cuộc đời là đau khổ, khổ vì sinh, già, bệnh chết, ái biệt ly, oán thù gặp gỡ, cầu muốn không toại ý, thân năm uẩn chịu sự bức bách của tứ đại…làm con người đau khổ; và sở dĩ con người khổ đều có nguyên nhân (tập đế), là những sự tham, sân, si, kiết sử phiền não trói buộc, nên chúng sinh mãi khổ đau. Vì thế để diệt tận khổ đau và thành tựu sự an lạc (Diệt đế), nên Phật giáo khuyến tấn mọi người hãy tinh tấn thực hành tu tập 37 phẩm trợ đạo (Đạo đế), đặc biệt là Bát chánh đạo, thì tương lai nhất định thoát khỏi khổ đau sinh tử.

Và điều này thì Ấn Độ giáo không có được, có thể họ biết cuộc đời là khổ, nhưng họ không hiểu nguyên nhân dẫn đến khổ để diệt trừ và họ cũng không biết con đường 37 phẩm trợ đạo, bát chánh đạo như Phật giáo để thực hành tu tập đạt kết quả rốt ráo…

Phật giáo lấy sự trung đạo làm cốt lõi để tu tập, vì ngày xưa Đức Thích Ca Mâu Ni Phật nhờ thực hành con đường trung đạo mới thành tựu quả vị Vô Thượng Bồ Đề, và sau này được Ngài Long Thọ triển khai rộng rải triết lý trung đạo này trên bước đường hoằng pháp của ông.

Phía Ấn giáo thì cực đoan, phải tu khổ hạnh ép xác v.v…nên không đưa đến sự chứng đạo tối thượng như Phật giáo.

Điểm khác biệt tiếp theo là về sự Bình đẳng. Phật giáo chủ trương mọi thứ đều bình đẳng, không có sự phân biệt giai cấp, vì máu ai cũng đỏ và nươc mắt ai cũng mặn có gì khác biệt trong con người sinh, già, bệnh, chết này. Hơn nữa sự bình đẳng của đạo Phật, không chỉ chủ trương xóa bỏ chế độ các giai cấp tầng lớp trong xã hội, hoặc sự bình quyền giữa Nam và Nữ, mà còn là sự bình đẳng tuyệt đối về Phật tánh. Vì Phật dạy tất cả chúng sinh ai cũng có Phật tánh và điều có khả năng tu tập thành Phật giống như ngài.

Ấn Độ giáo thì đặt đễ bốn giai cấp khó mà xóa bỏ dù bất kỳ thời đại nào, đặt biệt chế độ trọng nam khinh nữ lại càng khốc liệt hơn. Nếu ở phương Tây phụ nữ được xem trọng bao nhiêu thì ngược lại ở Ấn Độ họ bị xem thường bấy nhiêu; đồng thời chịu nhiều thiệt thòi trong đời sống.

Vô ngã là Niết bàn; Phật giáo chủ trương tất cả là vô thường và vô ngã, không có gì là trường tồn, không có gì tồn tại độc lập một cách bất biến, mà tất cả là nhân duyên giả hợp mà có, một khi các duyên hết thì mọi thứ sẽ băng hoại, dù là con người hay vũ trụ này, đều nằm trong triết lý Duyên khởi. Bởi vì Phật giáo cho rằng, con người, nếu muốn đến được bến bờ giác ngộ, chứng đắc quả vị Phật, thì trước tiên phải diệt trừ cái bản ngã, bởi còn cái ngã là còn tham ái, chấp thủ, tham, sân, si và dẫn đến tạo nhiều nghiệp sinh tử luân hồi, khó mà đạt đến quả vị giải thoát, vì thế nên phải tu tập cho thành tựu vô ngã. Và ai thành tựu được vô ngã thì người ấy chính là đang ở trong cảnh giới Niết bàn tịch tĩnh, cũng đồng nghĩa là thành tựu sự giác ngộ.

Ngược lại tinh thần vô ngã của Phật giáo, thì Ấn Độ giáo quan niệm Tiểu ngã và đại ngã. Tiểu ngã (tự ngã) khi tu tập đạt đến viên mãn thì tự khắc tiểu ngã thoát phàm nhập vào thế giới vô tận của Đại ngã, cả hai hòa nhập thành một thể thanh tịnh, là con người quy hướng về với Phạm thiên, gọi là giải thoát theo quan điểm của họ.

Chương IV: KẾT LUẬN:

Nói tóm lại, qua những gì đã trình bày trên cho thấy giữa hai nền tôn giáo, Phật giáo và Ấn Độ giáo tuy có nhiều điểm tương đồng và cũng như các điểm dị biệt; đặc biệt là về mặt tư tưởng triết học của hai nền tôn giáo này.

Trong khi Phật giáo chủ trương cuộc đời là vô thường, khổ và vô ngã, thân năm uẩn (sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn) đều là giả hợp không có bản ngã đọc lập bất biến, cố định hay trường tồn vĩnh cửu, mà tất cả đều do nhân duyên hợp lại mà thành, và khi hết duyên mọi thứ sẽ tan hoại trả về cho tứ đại (đất, nước, lửa, gió) mà cho dù là thân này cũng như vũ trụ đều nằm trong sự vận hành của quy luật ấy. Phật giáo cho rằng cứu cánh của sự tu tập, chứng quả Vô Thượng Bồ Đề thì mọi người phải thành tựu tâm vô ngã trước. Vì khi tâm con người còn chấp ngã, thì sẽ còn dính mắc chấp thủ vạn pháp thế gian và tạo nghiệp sinh tử khổ, chính vì thế khó mà đắc đạo được. Đồng thời Phật dạy con đường đưa đến chứng đắc Phật quả đó là Trung đạo, lìa bỏ con đường trung đạo mà tu thì người này sẽ không thành tựu được gì. Và Phật giáo luôn đưa ra quan điểm về bình đẳng, cùng khẳng định tất cả chúng sinh đều có Phật tánh như nhau, mọi người đều có khả năng tu tập thành Phật.

Ngược lại với Phật giáo, thì Ấ Độ giáo cũng là tôn giáo với nội dung, mục đích, ý nghĩa giúp con người thoát khỏi khổ đau. Tuy nhiên vì họ có những quan điểm cực đoan, nên so với Phật giáo thì nhiều khác biệt hoàn toàn. Ví dụ quan điểm tu của họ là phải khổ hạnh, ép xác tiêu cực, dẫn đến cực đoan và khó phát sáng được trí tuệ giải thoát. Nếu Phật giáo dựa trên mọi bình diện sống đời bình đẳng, không phải do thượng đế ban phước giáng họa, thì ngược lại Ấn Độ giáo cho rằng có đấng quyền năng hay Phạm Thiên tùy theo việc tốt xấu của con người mà thưởng và phạt tương xứng. Phật giáo thì Từ bi rốt ráo và Ấn Độ giáo cũng có lòng thương chúng sinh nhưng nhiều giới hạn…Sự giải thoát không còn sinh tử luân hồi của Phật giáo thì rốt ráo Niết bàn, nhưng theo Ấn Độ giáo, sự giải thoát của họ vẫn còn hữa ngã, vì con người rồi sẽ về với Phạm Thiên hòa nhập giữa tiểu ngã và Đại ngã thành một thể duy nhất, và cho rằng là sự giải thoát tối cao.

Tác giả: Thích Nữ Như An
Học viên Thạc sĩ Phật học K.III – Học viện PGVN tại Tp.HCM

***

Thư mục tham khảo
1. Hoàng Tâm Xuyên, Mười Tôn Giáo Lớn Trên Thế Giới, NXB Chính trị quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2011, tr.155.
2. Thích Quảng Liên, Đại Cương Triết học Ấn Đ, NXB Tôn giáo, Hà Nội, 2005, tr. 33
3. Thích Viên Trí, Ấn Độ Phật Giáo Sử Luận, NXB Phương Đông, 2006, tr. 29
4. Tham khảo ý trong bài viết: Đức Phật đản sinh vào năm nào?, https://phatgiao.org.vn.Truy cập ngày 16/04/2022
5. Thích Thiện Hạnh, Thái tử Tất Đạt Đa giáng trần,
https://tapchinghiencuuphathoc.com/thai-tu-tat-dat-da-giang-tran.Truy cập ngày 20.09.2022
6. Thích Tâm Thiện, Vấn Đề Cơ Bản Của Triết Học Phật Giáo, NXBTP.HCM, 2.000, tr.203
7. Thích Chơn Thiện, Phật Học Khái Luận, NXB TP.HCM, 1999, tr.165
8. Thích Chơn Thiện, Phật Học Khái Luận, NXB TP.HCM, 1999, tr.166
9. Thích Chơn Thiện, Phật Học Khái Luận, NXB TP.HCM, 1999, tr.168
10. Kinh Tăng Chi Bộ III, Thích Minh Châu dịch, Viện Nghiên Cứu Phật Học Viện Nam ấn hành 1996, tr.155.
11. Đức Phật Lịch Sử, Trần Phương Lan dịch, NXBTP.HCM, 2000, tr.162-163
12. Thích Tâm Thiện, Vấn Đề Cơ Bản Của Triết Học Phật Giáo, NXBTP.HCM, 2.000, tr.66.
13. Thích Thiện Siêu, Vô Ngã Là Niết Bàn, NXB Tôn giáo, Hà Nội, 2000, tr.70
14. Thích Viên Trí, Ấn Độ Phật Giáo Sử Luận, NXB Phương Đông, 2006, tr. 38
15. Những Tôn Giáo Lớn Trong Đời Sống Nhân Loại, Thích Tâm Quang dịch, NXB Tôn giáo, Hà Nội, 2007, tr. 32.
16. Thích Quảng Liên, Sử Cương Triết Học Ấn Độ, NXB Tôn giáo, Hà Nội, 2005, tr.31.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường