Thích Nữ Hiền Nguyện Học viên lớp Cao học, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 11/2021

Tóm Tắt: Phật giáo dưới thời Thiệu Trị không nổi bật như thời vua Minh Mạng, bởi ông là người kế thừa tất cả những thành tựu của vua cha trên mọi lĩnh vực kể cả tôn giáo. Thời gian trị nước của Thiệu Trị cũng khá khiêm tốn chỉ 7 năm. Tuy nhiên, ông vẫn có những đóng góp và tạo những dấu ấn riêng của mình trong việc xây dựng, trùng tu hay đặt tên cho những ngôi chùa. Vì vậy, ngày nay khi nhắc đến tên những ngôi chùa, những bảo tháp hay văn bia có liên hệ đến Thiệu Trị nhiều người nhớ đến ông, tôn kính ông như một sự tri ân. Từ khóa: Chùa Từ Đàm, chùa Trấn Quốc, sắc tứ Quan Âm, vua Thiệu Trị, danh lam, cổ tự,…

1. Đôi nét về vua Thiệu Trị

Vua Thiệu Trị, tên thật là Nguyễn Phúc Tuyền, húy là Miên Tông sinh năm Đinh Mão (1807) là con trưởng của vua Minh Mạng. Khi vua Minh Mạng băng hà đã truyền ngôi vua cho ông, trở thành vị vua thứ ba của triều Nguyễn. Ngay từ nhỏ, ông đã tỏ ra chăm chỉ và hòa nhã, sớm tiếp thu được những kinh nghiệm quản lý quốc gia của người cha tài hoa của mình là vua Minh Mạng. Việc đầu tiên khi lên ngôi là nhà vua khắc phục những hậu quả của vua cha để lại, như khắc phục hậu quả của giải pháp bỏ đê ở Bắc bộ. Giải quyết vấn đề Chân Lạp cuối đời Minh Mạng, thành Trấn Tây là mối lo cần giải quyết. Bên cạnh đó, vua cho xây dựng và nâng cao lực lượng thủy quân...Ngoài việc chăm lo triều chính, ông còn có niềm đam mê với thơ văn, có rất nhiều bài thơ viết về cảnh chùa chiền… về văn cũng đa dạng như Thiệu Trị ngự chế văn tập gồm 200 bài chiếu, chế, dụ, biểu, châm, ký, minh, tựa, bạt, bi ký, câu đối của vua. Suốt cuộc đời ông sống nhẹ nhàng như tính cách của ông. Tài hoa trong thơ ca là thế, nhẹ nhàng hiền hòa trong tính cách là thế nhưng tiếc thay ông mất khi tuổi đời còn rất trẻ. Ngày 27 tháng 9 năm Đinh Mùi, tức ngày 4 tháng 10 năm 1847 vua băng hà, hưởng thọ 41 tuổi, miếu hiệu là Hiến Tổ Chương. Thời gian trị vì quá ngắn ngủi nhưng vua cũng để lại những cống hiến quý báu cho sự nghiệp dựng xây vương triều Nguyễn.

2. Dấu ấn của vua Thiệu Trị với ba ngôi danh lam cổ tự Việt Nam

Danh lam cổ tự Việt Nam khá nhiều hơn 123 ngôi chùa theo thống kê của nhóm giáo sư Hà Văn Tấn vào năm 2013. Tuy nhiên, dưới thời vua Thiệu Trị có ba ngôi chùa mang dấu ấn rất riêng đối với vị vua này về tên gọi. Một điểm hết sức thú vị đó là ba ngôi chùa lại ở ba miền của đất nước đó là chùa “Trấn Quốc” ở miền Bắc, chùa “Từ Đàm” ở miền Trung và chùa “Sắc tứ Quan Âm” ở cực Nam của tổ quốc là Cà Mau.

Chùa Từ Đàm, Thừa Thiên Huế

2.1. Chùa Từ Đàm

Ngôi chùa lịch sử Từ Đàm xưa thuộc núi Hoàng Long nằm trên khoảng đất cao, nay tọa lạc ở số 01 đường Sư Liễu Quán, phường Trường An, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Chùa cách trung tâm thành phố Huế khoảng 2km về phía Nam. Mặt chùa hướng Đông Nam. Bên trái chùa, có chùa Linh Quang và đền thờ cụ Phan Bội Châu. Bên phải chùa là con đường mang tên địa danh lịch sử Điện Biên Phủ. Chùa được Tổ sư Minh Hoằng - Tử Dung [1:148-149] dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVII (khoảng 1695) đời vua Lê Hy Tông. Năm 1703, chúa Nguyễn Phúc Chu ban cho tấm biển “Sắc tứ Ấn Tôn Tự”. Dưới thời vua Thiệu Trị (1841) vua sắc chỉ đổi tên “Ấn Tôn Tự” thành “Từ Đàm Tự” vì tránh tên húy của vua Thiệu Trị (Nguyễn Phúc Miên Tông) và tên gọi này được giữ cho đến ngày nay. Sự kiện này, còn thấy rõ trên bức hoành phi hiện treo ở nhà thờ Tổ, ghi bằng chữ Hán: “Từ Đàm Tự”. Lạc khoản đề Thiệu Trị nguyên niên, tam nguyệt” (tháng ba năm Tân Sửu, 1841). Chùa Từ Đàm chính là ngôi chùa lịch sử, nơi diễn ra nhiều sự kiện của Phật giáo xứ Huế nói riêng và cả nước nói chung. Từ một ngôi chùa cổ kính của Thiền phái Lâm Tế, chùa Từ Đàm được xây dựng làm chùa Hội quán Tỉnh hội Phật giáo. Năm 1936, chư sơn môn phái Lâm Tế đồng thuận giao chùa Từ Đàm cho hội ấy để làm nơi thờ phụng và làm trụ sở của hội.

Ngày 18 tháng 12 năm 1938, Tỉnh hội Phật học Thừa Thiên cho đại trùng tu chùa Từ Đàm, đồng thời cho đúc pho tượng Phật Thích Ca cùng các pháp khí để tôn trí trong chính điện, đến năm 1940 thì hoàn tất. Các hạng mục khác như giảng đường, nhà tăng và một số nhà làm việc của Tỉnh hội cũng được xây dựng trong quãng thời gian ấy.

Năm 1943, Gia đình Phật Hóa Phổ ra đời; đến năm 1951, đổi thành Gia đình Phật tử, và đặt trụ sở tại chùa Từ Đàm. Cùng năm này (1951), Đại hội thành lập Tổng Hội Phật giáo Việt Nam đã diễn ra tại chùa. Lá cờ Phật giáo thế giới đầu tiên cũng được treo tại miền Trung ở chùa Từ Đàm trong ngày đại hội Phật giáo thống nhất toàn quốc. Trong ca khúc nổi tiếng "Từ Đàm quê hương tôi" của Nguyên Thông có nói đến sự kiện quan trọng này: "Ôi! anh linh bóng chùa Từ Đàm, nơi Bắc Nam nối nguồn Đạo Vàng ... Từ Đàm ơi! " (Theo Từ điển Di tích Văn hóa Việt Nam, Hà Nội, 1993). Vào những năm 1960, chùa Từ Đàm là trung tâm của các hoạt động đấu tranh chống lại chính sách tôn giáo dưới thời của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Hiện nay, Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế đặt tại chùa Từ Đàm. Tấm biển “Sắc tứ Ấn Tôn Tự” vẫn lưu giữ ở chùa.
Chùa Trấn Quốc, Hà Nội - Ảnh: Minh Khang

2.2. Chùa Trấn Quốc

Chùa Trấn Quốc nguyên là chùa Khai Quốc, dựng từ thời Tiền Lý (Lý Nam Đế, Lý Bôn hay Lý Bí 541-547), tại thôn Y Hoa, ở trên bãi Yên Hoa, gần bờ sông Hồng. Khoảng niên hiệu Đại Bảo (1440 - 1442) đời vua Lê Thái Tông, chùa đổi tên là An Quốc, đời Lê Kính Tông (1600 - 1618) bãi sông bị lở sát vào chùa, nhân dân phường Yên Hoa (sau này là Yên Phụ) mới dời chùa vào đảo Cá Vàng ở giữa Tây Hồ tức là địa điểm hiện nay. [2:68] Đời vua Lê Hy Tông (1680 - 1705) đổi tên chùa Trấn Quốc với ý nghĩa mong muốn đây sẽ là nơi giúp dân xua đi thiên tai, đem lại cuộc sống bình yên cho toàn dân. Đầu đời nhà Nguyễn, chùa lại được trùng tu, đúc chuông, đắp tượng. Năm 1821, vua Minh Mạng đến thăm chùa, ban 20 lạng bạc để tu sửa. Năm 1842, vua Thiệu Trị đến thăm chùa, ban 1 đồng tiền vàng lớn và 200 quan tiền, cho đổi tên chùa là Trấn Bắc. [4] Nhưng cái tên chùa Trấn Quốc có từ đời vua Lê Hy Tông đã được nhân dân quen gọi cho đến ngày nay. Hiện nay, chùa vẫn còn giữ 14 tấm bia trong đó có tấm bia của Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính dựng vào năm 1639 và tấm bia của tiến sĩ Phạm Quý Thích dựng 1815. Chùa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia.

2.3. Quan Âm cổ tự

Chùa tọa lạc ở số 84/14 - Rạch Chùa, phường 4, thành phố Cà Mau, do cư sĩ Tô Quang Xuân người miền Trung vào xây dựng đầu thế kỷ XIX. Chùa xưa vốn là một thảo am giữa miền cây cỏ hoang vu bên bờ sông Quan Lộ, còn gọi là chùa Phật Tổ ở xứ cực Nam của Tổ quốc. [3] Chuyện kể rằng, lúc ấy vùng đất Cà Mau vẫn còn là vùng đất hoang vu, có những đoàn người đi khai hoang vùng đất này, trong đoàn người đi khai hoang ấy có một chàng trai trẻ tên Tô Quang Xuân. Một hôm, chàng xách búa đi đốn củi, búa vừa bổ vào thân cây bồ đề thì phát hiện có một quyển kinh Phật cũ kỹ nằm ngay phía trong vỏ cây như thể đã được ai cố tình đặt vào đó. Đêm về, chàng trai lại nằm mộng thấy quanh mình là một ánh hào quang. Một vị thần xuất hiện cho biết, chàng là người có căn tu. Sau đó, không lâu, Tô Quang Xuân lập một am nhỏ bên cạnh gốc cây bồ đề già để tu luyện và bốc thuốc chữa bệnh cho dân nghèo. Tương truyền Tô Quang Xuân có đạo hạnh hơn người, cảm hóa được cả thú dữ. Ông đã dùng Phật pháp để cảm hóa người ác hướng thiện và dùng y đức làm thuốc trị bệnh cứu nhân.

Chùa Quan Âm Cổ Tự, Cà Mau- Ảnh: St

Cảm kích trước đức độ của người thầy thuốc, vua Thiệu Trị cho Tô Quang Xuân về trụ trì chùa Kim Chuông để có dịp đàm đạo Phật học. Nhưng chẳng bao lâu, Tô Quang Xuân qua đời. Năm 1842, cảm kích trước đức hạnh của Tô Quang Xuân vua Thiệu Trị đã ban sắc phong là Hòa thượng Thích Trí Tâm và sắc cho chùa tên là “Sắc Tứ Quan Âm Tự”. Chùa như hiện nay là do Hòa thượng Thích Thiện Trường và Thích Thiện Đức tôn tạo vào năm 1963. Trải qua nhiều lần trùng tu, ngôi chùa trở thành ngôi danh lam nổi tiếng, chính điện chùa được bài trí trang nghiêm và các pho tượng Phật đều được tạc bằng gỗ hoặc được đắp bằng ô dước trộn vôi. Nhà hậu tổ ở phía sau chính điện. Sau chùa có khu mộ tháp gồm hai ngôi của sư tổ đời thứ 37 và 45 thiền phái Lâm Tế và ngôi của “Ông Cọp” có tấm bia ghi “sư cậu pháp”. Quan Âm cổ tự là ngôi chùa đầu tiên của tỉnh Cà Mau được công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Kết luận

Thời gian cứ dần trôi, quá khứ đã đi qua không bao giờ trở lại, có những thứ con người không muốn nhắc đến và cố tránh né nó như một vết thương nhưng vẫn có những thứ cần phải quan tâm và đề cập như một lời nhắn nhủ, nhắc nhở cho hậu thế. Sự hiện diện của ba ngôi danh lam cổ tự ở Bắc - Trung - Nam đã chứng minh điều đó.

Ngày nay, khi nhắc đến chùa Từ Đàm người ta sẽ nhớ đến ngôi danh lam cổ tự diễn ra những sự kiện lịch sử của Phật giáo, còn nhớ đến tên gọi gắn liền với tên của vị vua của một triều đại Phong kiến. Nhắc đến “Trấn Quốc tự” lai vãng đâu đó hình ảnh một ông hoàng đã từng ngự giá nơi đây và cuối cùng “Sắc tứ Quan Âm tự”, sẽ khiến chúng ta nhớ về một câu chuyện rung động lòng người, những ân điển của một vị vua đối với bổn tự.

Thích Nữ Hiền Nguyện Học viên lớp Cao học, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 11/2021

*** TÀI LIỆU THAM KHẢO: [1] Thích Hải Ấn & Hà Xuân Liêm (2005) Lịch sử Phật giáo xứ Huế, Nxb Văn hóa Sài Gòn, Sài Gòn [2] Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự, Phạm Ngọc Long (2013), Chùa Việt Nam, Nxb Thế Giới, Hà Nội [3] Võ Văn Tường (1992), Việt Nam Danh Lam Cổ Tự, Nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội. [4] Quốc sử quán triều (2006), Đại Nam thực lục, tập 6, bản dịch của Viện Sử học, Nxb Giáo Dục, Hà Nội.