Tác giả: Thượng tọa Thích Tiến Đạt
Trung tâm Tư liệu Phật giáo Việt Nam
Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 07/2025
-
1. Tác giả và văn bản
-
Bách Trượng thanh quy, còn gọi là Sắc tu bách trượng thanh qui. Nguyên là bản Thanh qui (đời gọi là cổ thanh qui) do Thiền sư Bách trượng Hoài Hải (720-814) soạn. Lúc Thiền tông mới hình thành, trong Thiền lâm vẫn chưa có chế độ, nghi thức, cho nên bản thanh qui này mới đặt ra các chế độ pháp đường, tăng đường, phương trượng... qui định các chức vụ mà chúng tăng đảm trách là Đông Tự, Liêu Nguyên, Đường Chủ, Hóa Chủ... là những phép tắc tất yếu khi mà Thiền tông Trung Quốc thoát li các chùa Luật để duy trì những sinh hoạt Tăng đoàn độc lập vào khoảng thế kỉ VIII, IX Tây lịch. Nội dung sách chia làm hai quyển thượng và hạ, gồm có chín chương. Quyển thượng có năm chương là Chúc li, Báo ân. Báo bản, Tôn tổ, và Trú trì. Quyển hạ có bốn chương là Lương tự, Đại chúng, Tiết lạp và Pháp khí.
Văn bản Bách Trượng thanh quy giới thiệu trong bài viết này là bản in được khắc ở Việt Nam đầu thế kỷ XX. Bản ván khắc của bộ sách này được tàng bản tại chùa Phúc Long, Bắc Ninh. Qua lời dẫn của Sa môn Thanh Hanh viết năm 1916 cho bộ sách đã một lần nữa khẳng định, vai trò của việc tập hợp in ấn kinh sách tu học của các chốn tổ. Bộ Thanh quy này tổng có 9 quyển, với 231 tấm, thêm 5 tấm ghi tên những cá nhân công đức khắc in. Như vậy, tổng số ván là 236 tấm.
Quyển thủ: 23 trang Quyển 1: 11 trang
Quyển 2: 27 trang
Quyển 3: 28 trang
Quyển 4: 29 trang
Quyển 5: 90 trang
Quyển 6: 53 trang
Quyển 7: thượng 72 trang, hạ 55 trang
Quyển 8: 49 trang
Quyển 9: 6 trang và 19 trang địa dư
Theo lời bài dẫn của Sa môn Thanh Hanh viết, Toàn bộ “Thanh Quy” có chín chương. Đầu tiên là chương “Chúc Ly”, đến cuối cùng là chương “Pháp Khí”, đã được lưu thông rộng rãi. Lớn lao thay bậc thầy tiêu biểu của thiên hạ! Chỉ có một người là Bách Trượng Đại Trí mà thôi. Than ôi! Từ đời Lương đến đời Thanh, vì thời đại thay đổi, sự việc khác đi, mở ra thu lại không nhất định, văn chất trong ấy có tăng giảm, nên hoặc không thể không biến đổi thông suốt để tận hết lợi ích cho tất cả. Đến như các “cương” to “mục” lớn, chưa có chỗ nào mà không lấy phép tắc ở Thanh quy này. Bởi, quốc gia cai trị dân chúng ắt dùng Luật lệ, Phật pháp khuôn phép cho Tăng (ni) thì lấy Thanh quy. Nay đang lúc Phật pháp suy vi cuối thu, giới luật ngưng bỏ. Mà để cứu vãn tệ đoan của thời nay, không gì gấp hơn việc (hành theo “Thanh Quy”) này vậy.
Bản khắc do Phó Tân và Phó Tiết, Phó Mai, Phó Dần, Phó Vinh làng Thanh Liễu vâng khắc.
Bản ván khắc lưu tại chùa Phúc Long, xã Phù Lãng, tổng Phù Lãng, huyện Quế Dương, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh nước Đại Nam để lưu thông.
2. Giới thiệu bản dịch các bài tựa, dẫn, bạt

Mùa an cư kiết hạ năm 2025, các trường Hạ của Phật giáo Hà Nội sẽ nghiên cứu học bộ Bách Trượng thanh quy. Nhân đó, mà xin được dịch và giới thiệu các bài dẫn, tựa, bạt, tán của bộ sách này để thấy được. Vai trò của bộ sách này theo Sa môn Thanh Hanh thì: Nước Việt Nam ta, từ thời Đinh, Lê, Lý, Trần đến nay, từng thấy các sách thường hay dẫn lời trong “Thanh Quy” mà chưa thấy được toàn thư. Trong lòng khẩn thiết thâm trọng, mong mỏi bái cầu có lúc sẽ gặp. Vui mừng thay! (Nhờ) thời tiết nhân duyên tìm thỉnh khắp nơi, sau đó mới được. Và “Bộ Bách Trượng Thanh Quy, đại khái là nêu chính kiềm (chế) tà (vạy); lập phép tắc cho môn vật, để trị ngay toàn bộ đại chúng. Bèn nhân thời đại (mà chế) để ngừa cái tâm của người đời sau”.
2.1 Bài tiểu dẫn việc khắc ván bộ “Bách Trượng Thanh Quy Chứng Nghĩa Ký” lần đầu tiên ở Việt Nam
Sa-môn Thanh Hanh
Xét thấy trong “Thiền Lâm Bảo Huấn”, ngài Viên Thông Nột có nói: “Xưa kia, Thiền-sư Đại Trí ở núi Bách Trượng xây dựng tùng lâm, lập ra quy củ, (là) muốn cứu vãn cái tệ bất chính trong thời Tượng quý”. Ngài Phật Nhãn bảo ngài Cao Am: “Bộ Bách Trượng Thanh Quy, đại khái là nêu chính kiềm (chế) tà (vạy); lập phép tắc cho môn vật, để trị ngay toàn bộ đại chúng. Bèn nhân thời đại (mà chế) để ngừa cái tâm của người đời sau”.
Vọng tâm của người ta giống như nước chảy; quy củ lễ pháp là đê điều (để chặn). Đê điều nếu không kiên cố, ắt đến nỗi bị xuyên thủng. Lòng người mà chẳng được ngăn ngừa thì dẫn tới rối loạn buông thả. Cho nên, bỏ tình dứt vọng, ngăn ác dừng tà, chẳng thể (cho phép) một giây một phút nào quên mất quy củ. Song thì, quy củ được lập ra, sáng rỡ tựa trời trăng, người nào vọng trông đều chẳng mê; rộng mở như đại đạo, ai đó đi trên ắt không lạc. Bậc tiên Thánh kiến lập tuy khác, song trở về nguồn đâu phải hai. Ngài Vạn Am nói: “Tôi dạo (khắp) các chốn tùng lâm và diện kiến các bậc tiền bối. Nếu chẳng phải ngữ lục của cổ nhân thì không xem, chẳng phải hiệu lệnh của Bách Trượng ắt không làm. (Các Ngài) đâu phải riêng ưa theo lối cổ, mà bởi người ngày nay chẳng đủ làm khuôn phép vậy”. Tôi trộm nghĩ rằng, bậc Cổ đức cao Tăng suy tôn đến như thế, muôn đời chẳng dám trái.
Song, nghiên cứu về việc trước thuật “Thanh Quy”, thì bắt đầu từ đời Lương đã có bản do vị Tăng tên Pháp Vân, vâng theo chiếu chỉ biên soạn. (Bản này) cũng là Tổ thuật từ trong Tam tạng Thánh giáo (mà có). Nay (vì sao lại) ẩn đi (bản đời) Lương mà hiển lộ (bản đời) Đường? Bởi vào thời Lương, Phật Pháp chưa thịnh hành. Đến triều Đường, giáo pháp đã hoàn bị, Tăng chúng đã đông nhiều, tổ Bách Trượng (mới) biên soạn lại. Cho nên đặc biệt nêu tên của Tổ vậy.
Toàn bộ “Thanh Quy” cóchín chương. Đầu tiên là chương “Chúc Ly”, đến cuối cùng là chương “Pháp Khí”, đã được lưu thông rộng rãi. Lớn lao thay bậc thầy tiêu biểu của thiên hạ! Chỉ có một người là Bách Trượng Đại Trí mà thôi. Than ôi! Từ đời Lương đến đời Thanh, vì thời đại thay đổi, sự việc khác đi, mở ra thu lại không nhất định, văn chất trong ấy có tăng giảm, nên hoặc không thể không biến đổi thông suốt để tận hết lợi ích cho tất cả. Đến như các “cương” to “mục” lớn, chưa có chỗ nào mà không lấy phép tắc ở Thanh quy này. Bởi, quốc gia cai trị dân chúng ắt dùng Luật lệ, Phật pháp khuôn phép cho Tăng (ni) thì lấy Thanh quy. Nay đang lúc Phật pháp suy vi cuối thu, giới luật ngưng bỏ. Mà để cứu vãn tệ đoan của thời nay, không gì gấp hơn việc (hành theo “Thanh Quy”) này vậy.
Trộm nghĩ, nước Việt Nam ta, từ thời Đinh, Lê, Lý, Trần đến nay, từng thấy các sách thường hay dẫn lời trong “Thanh Quy” mà chưa thấy được toàn thư. Trong lòng khẩn thiết thâm trọng, mong mỏi bái cầu có lúc sẽ gặp. Vui mừng thay! (Nhờ) thời tiết nhân duyên tìm thỉnh khắp nơi, sau đó mới được. Thật giống như bảo châu vô thượng trong búi tóc, đã nằm rõ ràng ở trên tay. Do vậy, khuyến khích các Pháp lữ trong Sơn môn, cùng một tâm lực, khắc lại lưu thông. Thêm có các Đàn việt chân tín, ra tâm tùy hỷ việc Pháp, trợ giúp cho công việc thành tựu tốt đẹp. Nay dẫn vài lời.
Ngày tốt, tháng Bảy, Hoàng triều Khải Định năm đầu (1916)
Môn nhân chùa Vĩnh Nghiêm Sa-môn Thanh Hanh
Bái dẫn.
2.2 Bài Tựa Ban Đầu Bộ Bách Trượng Thanh Quy
Hàn lâm Học sĩ, Khai quốc hầu là Dương Ức - thuật
Thiền-sư Đại Trí ở núi Bách Trượng, nhận thấy Thiền tông bắt đầu nơi Thiếu Thất, đến Tào Khê rồi kể từ đó trở lại đây, (thiền giả) phần nhiều ở chùa Luật. Tuy có trụ viện riêng, nhưng đối với các việc thuyết pháp hay trụ trì... chưa phù hợp quy tắc chung. Cho nên Tổ thường để tâm đến việc đó.
Có người nói: “Đạo của Phật tổ, là muốn giáo hóa rộng rãi khắp nơi, mong mỏi (đạo ấy) đến tột cùng đời vị lai cũng không diệt mất. Há chẳng phải là nên làm tùy tùng cho các bộ giáo điển A-cấp-ma chăng?”. Có người lại bảo: “Luận Du- Già, kinh Anh Lạc là giới luật Đại-thừa, vì sao chẳng thuận tòng nương theo?”. Tổ nói: “Chỗ ta tôn sùng chẳng chỉ hạn cục ở Đại-thừa hay Tiểu-thừa, cũng chẳng khác với Đại-thừa, Tiểu-thừa. Cần phải lập ra phép tắc (dựa trên nguyên lý) điều tiết dung hòa để ‘rộng’ nhưng ‘giản’, nhiệm vụ là cốt sao làm cho thích hợp. Do vậy có ý kiến sáng tạo, riêng lập ra chỗ ở cho Thiền Tăng. Hễ là người đầy đủ đạo nhãn, có đức hạnh đáng tôn trọng, (thì) kêu “Trưởng-lão”. Như ở Tây Vực gọi người đạo cao lạp trưởng là A Xà-lê..., vậy đấy. (Người này) tức là người chủ trì việc giáo hóa, ở nơi phương trượng. (Phương trượng này) giống như cái thất của ngài Tịnh Danh, chứ không phải phòng ngủ riêng. Việc không lập các điện thờ khác, (mà) trước tiên dựng nhà Pháp đường, là biểu thị Phật tổ đích thân dặn dò tiếp nhận, đương thời lấy đó làm tôn quý. Học chúng tụ họp thì chẳng hiềm nhiều ít, chẳng phân cao thấp, đều vào hết Tăng đường. Căn cứ theo hạ lạp mà sắp đặt, thiết kế giường dài kê liền nhau, đặt giá áo để treo vắt đạo cụ. Khi nằm ắt phải đặt gối nghiêng bên mép giường, hông phải thì chạm chiếu theo thế cát tường. Bởi họ ngồi thiền đã lâu, nằm xuống (chỉ là) tạm nghỉ ngơi mà thôi. (Như thế) vẫn đầy đủ cả bốn uy nghi vậy. Trừ vào thất thưa hỏi điều lợi ích, thì tùy theo sự chăm chỉ hay lười biếng của người học, mà phân hoặc trên hoặc dưới, (chứ) không câu chấp theo chuẩn mực thông thường. Còn lại đại chúng trong toàn chùa thì sáng tham thiền, tối tụ họp. Trưởng-lão thượng đường lên tòa, chủ trì công việc, (còn) đồ chúng đứng ngay ngắn theo hàng lối như chim Nhạn bay, lắng nghe lĩnh nhận. Việc chủ khách hỏi đáp để phát dương tông chỉ trọng yếu, là nói nương vào pháp mà trụ. Cơm cháo tùy nghi, hai thời đều bình đẳng khắp cả, cốt phải ở chỗ tiết kiệm. Như thế biểu thị cho “pháp” và “thực” cùng vận hành. Khi chấp tác thì trên dưới đều dốc sức. Lại đặt ra mười chức vụ, (đó là) mỗi một liêu xá dùng một người làm thủ lĩnh để quản lý con người và công việc, khiến cho mỗi chức sự đều có riêng người trông nom. Hoặc có kẻ giả danh trá hình, trà trộn trong chúng thanh tịnh, đến nỗi gây ra rối loạn huyên náo, thì Duy-na ngay lúc ấy kiểm tra cử phạt, rút xuống khỏi chỗ quải đáp, đuổi luôn ra ngoài viện, (làm như vậy) cốt cho chúng được thanh tịnh yên ổn. Hoặc ai đó phạm lỗi, thì họp chúng bàn luận một cách công khai, tiến hành trách phạt, liền cầm gậy mà đánh, xua đuổi ra theo cửa bên, nhằm biểu thị sự sỉ nhục.
Nêu rõ một điều chế định này có bốn lợi ích:
1. Không làm ô nhiễm chúng thanh tịnh, để khiến người sinh tâm cung kính tin tưởng.
2. Không hủy hoại hình ảnh của Tăng, nhằm tuân theo Phật chế định.
3. Không phiền nhiễu đến cửa quan, tránh khỏi tranh chấp thưa kiện.
4. Không tiết lộ ra ngoài, vì giữ gìn kỷ cương của tông môn.
Đại chúng ở chung, Thánh phàm ai biết. Vả lại, khi đức Như-Lai ứng hiện nơi đời, còn có bè đảng nhóm sáu Tỷ-khiêu, huống chi nay đời Tượng pháp, Mạt pháp, há lại hoàn toàn không có. Chỉ thấy một vị Tăng có lỗi liền thành lệ chê trách như sấm sét. Sao chẳng biết rằng khinh thường đại chúng là hủy hoại giáo pháp, sự tổn hại đó rất lớn vậy.
Nay thiền môn nếu không có chút phương hại gì, thì nên y theo cách thức quy ước tùng lâm của tổ Bách Trượng, liệu lượng công việc mà phân xử. Vả lại, lập ra phép tắc là để đề phòng kẻ gian, không phải lập ra vì bậc Hiền sĩ. Nhưng thà rằng có khuôn phép để không (cho người) vi phạm, chứ chẳng thể có vi phạm mà (lại) không răn dạy. Chỉ có Thiền-sư Đại Trí, lợi ích hộ trì Phật pháp Ngài mang đến, thật lớn lao thay! Độc nhất lưu hành trong thiền môn, bắt đầu kể từ Ngài. Cốt yếu nhất của “Thanh quy” là muốn chỉ cho khắp cả hàng hậu học, khiến họ không quên mất cái gốc của mình. Còn các điều quy phép tắc, đều được biên tập rõ ràng đầy đủ.
Ôi! May rõ được ý chỉ, san định để truyền đăng, làm thành sách dâng lên. Nhân đó viết bài tựa dẫn.
2.3 Bài tựa khắc lại bộ “Thanh Quy Chứng Nghĩa Ký”
Một bộ Thanh quy này, bậc Cổ đức đã lưu truyền từ ngàn trăm năm cho đến nay vậy. Đây là khuôn mẫu trong giáo pháp nhà Phật. Từ xưa, các bậc Tôn túc trải các đời, không ai (lại) chẳng tuân theo, (đều) lấy đó làm phép tắc. Chưa từng (có vị nào) không tùy theo địa phương, nương theo thời đại (của họ) mà thi hành. Đến đời Đường, Thiền-sư Bách Trượng, lại bổ sung tham khảo hiệu đính, thì (Thanh Quy) càng tỏ rõ, sự thực hành (theo đó) càng thêm hưng thịnh. Đất Việt ta từ lâu, các kinh sách đã khắc, cũng chẳng phải ít. (Nhưng) riêng một bộ Thanh quy chưa có, thật là việc đáng hận! Tôi nhân ngoài thời khóa đọc sách, (cũng) giở tìm ở các tàng bản và trong các hòm chữ “Thích”, ngẫu nhiên được một quyển “Thanh Quy Chứng Nghĩa Ký” do chùa Mã Não ở Tây Hồ khắc in. Mở đọc đến ba lần, như được của báu rất quý.
Trộm nghĩ, sách này hết sức phù hợp với thời cận đại, bổ ích cho người xuất gia, (cũng như) tại gia trong tông môn ta; bèn đem chỉ khắp cho hàng hậu học. (Thứ) khiến tất cả đều biết được bến bờ vào đạo, không gì bằng bộ “Thanh Quy Chứng Nghĩa” này vậy. Tiếc rằng quyển Trung bị mối xông rất nặng, chưa được hoàn bị. (Mới) hỏi han bạn thiền các nơi để tìm kiếm bản tốt. Nhưng sách này ở đất Việt ta còn tồn cũng chỉ lác đác; lại nghe bên Tây Hồ trải qua binh lửa, ván in cũ đã bị hủy hoại, càng không biết từ đâu để mà tìm được. Nếu không nhanh chóng khắc ván để lưu thông, hoặc e sẽ mai một không truyền lại được.
Cuối mùa Xuân năm Tân dậu (1861), (tôi) qua bái yết ngài Khoáng Công, có đề cập đến bộ sách này, nhân đó cùng nhau hợp lực tìm kiếm khắp nơi, may mắn tìm được một bản tốt. Do vậy, cùng mộ hóa thường trụ các chùa cùng các bạn thiền, (mọi người) đều vui mừng trợ giúp tịnh tài; lại giao cho thợ dùng gỗ lê gỗ táo để khắc in, khiến cho lưu truyền rộng rãi, mong được lâu dài. Hy vọng người xuất gia vâng làm, cẩn thận giữ gìn khuôn phép ngay ngắn; (qua đó) sẽ thấy được Phật pháp hưng thịnh, Tăng chúng có chỗ cậy nhờ. Đặc biệt viết vài lời tựa dẫn, lấy đó làm chí nguyện phát khởi nhân duyên.
Ngày rằm, tháng Tám nhuận, năm Nhâm tuất, niên hiệu Đồng Trị năm đầu (1862).
Hậu học đất Lĩnh Nam là Ứng Du, hiệu Dĩnh Cần viết tại thiền thất Sùng Lan, đất Hải Tràng.
2.4 Lời Bạt
Thiền-sư Bách Trượng trước tác bộ Thanh quy gồm chín chương. Nói chung, những chỗ bàn luận xiển thuật đều là (nói đến) phép tắc của người xuất gia. Lại được Bật-sô Nghi Nhuận dẫn việc quá khứ đã được bàn định (của Cổ đức), làm sớ giải thông suốt để chứng minh. Văn giản yếu, nghĩa càng rõ; khiến kẻ hậu học, một khi xem qua là rõ như nhìn chỉ nơi bàn tay. Bộ sách này có công rất lớn trong Phật giáo vậy.
Tôi thường nghĩ: Bàn về tính Không, giảng nói giáo pháp, đó là Phật giáo. Nhưng trước tiên (nếu) chẳng từ chỗ chân thật hạ thủ công phu, thì tiến đức sẽ không có cửa, tương lai do đâu mà liễu ngộ. Cho nên, có đạo ấy, ắt có việc ấy. Trong Thanh quy (nói đến) đều là sự, tức công hạnh vậy. Nếu quả thật có thể thực hành đến chỗ chân thật, thì đã có thể vượt phàm vào Thánh, có vậy mới không cô phụ xuất gia tu hành. Người xưa nói: “Nếm được cái khổ trong sự khổ, mới là bậc thượng nhân”. Một bát cơm của Sa-môn vốn chẳng phải tự nhiên mà có. Nguyện cùng đại chúng tham cứu bộ sách này.
Hậu học Khoáng Nhàn kính cẩn viết lời Bạt tại chùa Hoa Lâm, đất Lĩnh Nam.
2.5 Tán:
Văn tự Tây Phương xưa nay “không”
Thiền-sư Hoài Hải soạn Thanh quy
Một quyển thụ trì ngang đánh hét
Chớ uổng một kiếp làm thây ma.
Sáu thời thiền tụng một khám đèn
Bèn nói: Siêng tu tinh tiến Tăng
Chẳng lấy Thanh quy làm công khóa
Sao hay y bát trao Tuệ Năng.
Đầu non Bách Trượng trải Bệ La
Năm xưa trượng thất của Duy-Ma
Xuất gia đừng nói nhàn vô sự
Nên biết tùng lâm việc quá đa.
Bến bờ phương ngoại phải tìm đây
Người hiệu đính cũng chứng thiền tâm
Hoa nam, nghiên bắc luôn giở quyển
Đầy tai oang oang tiếng Phạn âm.
Cư sĩ Tử Hư, hiệu Nhan Huân ở Nam Hải đọc duyệt, hiệu đính và đề thơ tán.
3. Tạm kết

Trong lời bài tựa khắc lại bộ Thanh Quy chứng nghĩa ký có nói” Đất Việt ta từ lâu, các kinh sách đã khắc, cũng chẳng phải ít. (Nhưng) riêng một bộ Thanh quy chưa có, thật là việc đáng hận! Tôi nhân ngoài thời khóa đọc sách, (cũng) giở tìm ở các tàng bản và trong các hòm chữ “Thích”, ngẫu nhiên được một quyển “Thanh Quy Chứng Nghĩa Ký” do chùa Mã Não ở Tây Hồ khắc in. Mở đọc đến ba lần, như được của báu rất quý. Qua lời của bậc học đất Lĩnh Nam là Ứng Du, hiệu Dĩnh Cần có thể thấy, bộ Thanh Quy này rất quan trọng và hiếm. Mặc dù vậy, công việc sưu tầm một bản tốt cũng gặp rất nhiều khó khăn. Đến khi tìm được một bản tốt thì cùng mộ hóa thường trụ các chùa cùng các bạn thiền, (mọi người) đều vui mừng trợ giúp tịnh tài; lại giao cho thợ dùng gỗ lê gỗ táo để khắc in, khiến cho lưu truyền rộng rãi, mong được lâu dài. Hy vọng người xuất gia vâng làm, cẩn thận giữ gìn khuôn phép ngay ngắn; (qua đó) sẽ thấy được Phật pháp hưng thịnh, Tăng chúng có chỗ cậy nhờ.
Tác giả: Thượng tọa Thích Tiến Đạt - Trung tâm Tư liệu Phật giáo Việt Nam
Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 07/2025
Bình luận (0)