TS.Lê Thị Thu Dung - Viện Kiểm sát Nhân dân Tp.Hải Phòng Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 5/2022

Mở đầu: Hôn nhân cùng giới tính hay còn gọi là hôn nhân đồng tính là một chủ đề nóng trong xã hội. Hiện nay có nhiều người đồng tính có hôn nhân thực tế nhưng chưa được pháp luật thừa nhận. Có người đồng tính dũng cảm bước ra ánh sáng, chấp nhận dư luận để sống cuộc đời thực của mình, nhưng cũng còn có nhiều người họ vẫn sống trong bóng tối nội tâm, chịu sự dày vò của bản thân sống trong đau khổ. Họ ở thế yếu, cần sự thông cảm, sẻ chia từ phía gia đình và xã hội. Người đồng tính có quyền cơ bản nhất của con người và công dân, họ có quyền được mưu cầu hạnh phúc chính đáng. Dưới góc độ nghiên cứu Phật học, tác giả tiến hành nghiên cứu đề tài với 3 nội dung chính: 1) Đồng tính và hôn nhân đồng tính trong xã hội hiện đại; 2) Phật giáo quan điểm nhân văn về gia đình và xã hội; 3) Công nhận hôn nhân đồng tính trong xã hội là từ bi và nhân đạo.

Từ khóa: Quan điểm Phật giáo về hôn nhân, gia đình; Nhân văn Phật giáo, Phật giáo và giáo dục giới tính; Phật giáo và hôn nhân đồng tính; Sự tiến bộ của Phật giáo

1. Đồng tính và hôn nhân đồng tính trong xã hội hiện đại

Đồng tính luyến ái, gọi tắt là đồng tính, là thuật ngữ chỉ việc bị hấp dẫn trên phương diện yêu đương hoặc việc quan hệ tình dục giữa những người cùng giới tính với nhau trong một hoàn cảnh nào đó hoặc một cách lâu dài. Với vai trò là một thiên hướng tính dục, đồng tính luyến ái là một mô hình bền vững của sự hấp dẫn tình cảm, tình yêu, và/hoặc hấp dẫn tình dục một cách chủ yếu hoặc duy nhất đối với người cùng giới tính. Đồng tính luyến ái cũng chỉ nhận thức của cá nhân dựa trên những sự hấp dẫn đó và sự tham gia vào một cộng đồng có chung đặc điểm này.(1) Hiện nay, các nhà khoa học chưa biết điều gì quyết định xu hướng tình dục của một cá nhân, nhưng họ đưa ra giả thuyết rằng nó được gây ra bởi sự tương tác phức tạp của các ảnh hưởng di truyền, nội tiết tố và ảnh hưởng từ môi trường và xã hội.

Hôn nhân truyền thống thường là sự kết hợp giữa một người đàn ông được gọi là chồng và một người phụ nữ được gọi là vợ. Ngoài ra còn tồn tại một số biến dị của hôn nhân khác như: Hôn nhân đa thê là việc một người đàn ông có thể kết hôn với nhiều vợ cùng lúc, hôn nhân đồng tính là việc hai người cùng giới tính kết hôn, hôn nhân tạm là việc 2 người chung sống như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn, tảo hôn là việc người chưa đủ tuổi nhưng vẫn kết hôn, hôn nhân cận huyết là 2 người có họ hàng gần kết hôn với nhau... Tuy nhiên, hôn nhân 1 vợ - 1 chồng vẫn là loại hình hôn nhân cơ bản nhất, được pháp luật công nhận ở mọi quốc gia và mọi thời đại, trong khi các biến dị khác (hôn nhân đa thê, Hôn nhân tạm, hôn nhân đồng tính) thì chỉ được chấp nhận ở một số ít quốc gia trong một số giai đoạn lịch sử.

Trong lịch sử, đã có nhiều giai thoại lẫy lừng về những người phụ nữ cải trang thành đàn ông để chinh phục hoài bão của mình. Điển hình, vào thế kỷ XV, Joan of Arc(2) đã khoác lên mình tấm áo nam nhân để có thể thống lĩnh quân đội nước Pháp. Hay Rena Kanokogi, người đã cải trang thành đàn ông để tham dự giải judo YMCA tại New York. Kanokogi đã xuất sắc hạ gục tất cả trai tráng tham gia cuộc thi nhưng sau đó lại bị buộc phải trả lại huy chương khi cơ quan chức năng phát hiện ra cô là phụ nữ. Hay câu chuyện có một người phụ nữ đã cải trang thành nam vì... tình yêu. Trường hợp hiếm hoi này là của cặp đôi đồng tính nữ can trường Elisa Sanchez Loriga và Marcela Gracia Ibea. Họ đã lừa cả nhà thờ chấp thuận cho lễ cưới của họ vào ngày 8 tháng 6 năm 1901, cuộc đời của họ đã trải qua bao nhiêu biến cố, và khổ đau để được ở bên nhau.

Hôn nhân đồng giới tại Hoa Kỳ mở rộng từ một bang năm 2004 đến năm mươi tiểu bang vào năm 2015 thông qua nhiều phán quyết của tòa án tiểu bang, luật tiểu bang, phiếu bầu trực tiếp và phán quyết của tòa án liên bang. Hôn nhân đồng giới cũng được gọi là hôn nhân đồng tính luyến ái, trong khi tình trạng chính trị trong đó kết hôn của các cặp vợ chồng đồng giới và kết hôn của các cặp vợ chồng khác giới được thừa nhận là bình đẳng theo luật được gọi là bình đẳng hôn nhân.

Hôn nhân đồng giới có thể được thực hiện một cách đơn giản hoặc theo nghi thức tôn giáo. Nhiều cộng đồng tín ngưỡng trên thế giới đã cho phép hai người cùng giới kết hôn hoặc thực hiện hôn lễ cùng giới, ví dụ như: Phật giáo ở Đài Loan, Úc, Nhà thờ ở Thụy Điển, Giáo hội Presbyterian, Do Thái giáo bảo thủ, Giáo hội Thống Nhất Canada... Trước khi công nhận hôn nhân đồng giới, nhiều nước đã có luật cho các cặp đồng tính đăng ký sống chung gọi là kết hợp dân sự, quy định quyền lợi và bổn phận của họ như Đan Mạch từ năm 1989, Na Uy năm 1993. Năm 2019, trong số 220 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đã có 28 quốc gia/vùng lãnh thổ chính thức công nhận hôn nhân đồng giới, bao gồm: Áo Argentina, Bỉ, Bồ Đào Nha, Brasil, Canada, Colombia, Đan Mạch, Đài Loan, Đức, Ecuador, Hà Lan, Hoa Kỳ, Iceland, Ireland, Luxembourg, Malta, México (chỉ một số bang), Na Uy, Nam Phi, New Zealand (trừ Niue, Tokelau và Quần đảo Cook), Pháp, Phần Lan, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Úc, Uruguay, Vương quốc Anh (trừ Bắc Ireland).

Ở Việt Nam, Điều 36 Hiến pháp năm 2013 quy định "1) Nam, nữ có quyền kết hôn, ly hôn. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau. 2) Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em". Việt Nam chỉ công nhận hôn nhân giữa 1 nam và 1 nữ, hôn nhân đồng tính hiện nay chưa được công nhận.

Hôn nhân đồng giới là vấn đề gây tranh cãi gay gắt giữa những người ủng hộ và phản đối. Những người ủng hộ hôn nhân đồng giới cho rằng việc hợp pháp hoá kiểu hôn nhân này là để đảm bảo nhân quyền, sự bình đẳng giữa các thiên hướng tình dục và giảm được phân biệt đối xử trong xã hội. Họ cũng cho rằng con nuôi của các cặp đồng tính sẽ được hợp pháp hóa khi cặp đồng tính đó có tình trạng hôn nhân hợp pháp. Những nhóm ủng hộ đồng tính coi bình đẳng hôn nhân là mục tiêu sau khi đã có quyền bình đẳng của người da màu, của phụ nữ và các tôn giáo. Ngược lại, những người khác phản đối hôn nhân đồng giới vì họ cho rằng kiểu gia đình này có những khiếm khuyết (trẻ em được nuôi bởi cặp đồng tính sẽ dễ gặp tổn thương tâm lý và lệch lạc hành vi, hôn nhân đồng tính thường không bền vững, không có khả năng duy trì nòi giống, làm sụt giảm giá trị của hôn nhân trong văn hóa xã hội, thúc đẩy tình trạng làm cha/mẹ đơn thân...), do vậy nếu chấp thuận và để hôn nhân đồng tính nhân rộng thì sẽ gây tác hại cho xã hội và trẻ em.

Công nhận hôn nhân đồng giới là một vấn đề chính trị, xã hội, nhân quyền và quyền công dân, cũng như vấn đề tôn giáo ở nhiều quốc gia và trên thế giới. Những tranh cãi tiếp tục diễn ra rằng hai người đồng giới có nên được kết hôn, được công nhận một mối quan hệ khác (kết hợp dân sự) hoặc từ chối công nhận những quyền đó. Hôn nhân đồng giới đem đến cho những người đồng tính quyền được pháp luật bảo vệ về các quyền lợi hợp pháp của mình khi xảy ra tranh chấp trong hôn nhân. Thực tế hiện nay ở Việt Nam tình trạng hôn nhân đồng tính vẫn diễn ra, họ về chung sống với nhau thậm chí tổ chức đám cưới được sự chấp thuận của hai bên gia đình và xã hội thừa nhận họ, nhưng chưa được đăng ký kết hôn. Điều đó dẫn đến tình trạng các quyền cơ bản của họ chưa được đảm bảo trong các quan hệ dân sự theo quy định của luật hôn nhân gia đình.

2. Phật giáo quan điểm nhân văn về gia đình và xã hội

Phật giáo với tri kiến về thế gới và con người trong thực thể tồn tại của nó, thấu triệt quy luật duyên sinh, duyên khởi của vạn vật. Con người vì vô minh nên bị kẹt chấp trong tham, ái, dục mà không biết rằng quy luật vô thường đang chi phối tất cả.

Nhìn thấy được bản thể, tất cả tự tính đều là không rỗng lặng nên các pháp trong bản chất của nó đều là không. Khi có phán đoán mang tính chính xác về bất kỳ sự vật nào đó cuối cùng luôn tìm được lý do không thể khẳng định, hơn nữa khi phủ định phán đoán và có phán đoán ngược lại thì có thể tìm ra được lý do không thể khẳng định. Chỉ có áp dụng phương pháp “Trung đạo” chúng ta mới có thể không sa vào cạm bẫy mang tính logic chính mình, nếu chỉ lệch về bên trái hoặc về bên phải là tự rơi vào vực sâu. Tổ sư Long Thọ đã đề xuất thuyết Bát bất trung đạo trong trước tác Trung luận: “Không sinh cũng không diệt, không thường cũng không đoạn, không một cũng không khác, không đến cũng không đi”. Những khái niệm này khi nói rõ về bản chất sự vật đều không toàn diện, vì vậy phía trước chúng phải thêm một chữ “bất”. Chỉ có như vậy mới có thể nhận thức được bản chất sự vật.

Quay lại vấn đề đang thảo luận chúng ta thấy rằng, dù cá nhân nam hay nữ khi là người đồng tính thì bản thể của họ đều là không. Không nên chấp vào điều đó, bởi lẽ con người khi sinh ra đều do Nhân duyên hòa hợp mà thành, trong đó là thập nhị nhân duyên là mười hai yếu tố sinh khởi của kiếp sống con người. Sự phát triển của tồn tại xã hội thì ý thức xã hội phải đáp ứng được sự phát triển đó, do vậy nhu cầu có hạnh phúc của người đồng tính là nhu cầu chính đáng của con người nên họ có quyền được lựa chọn kết hôn với người đem lại cho họ hạnh phúc và hiển nhiên trong xã hội sẽ tồn tại hôn nhân đồng tính. Một số quốc gia đã thừa nhận vấn đề này, và hôn nhân giữa những người đồng giới được pháp luật bảo vệ, theo đó họ phải thực hiện các bổn phận của mình trong gia đình và đối với xã hội.

Về quan hệ hôn nhân và gia đình đức Phật có dạy về bốn kiểu hôn nhân trong Kinh Tăng Chi BKI-Ch IV Phẩm Nguồn Sinh phước – III (53), tr66-663: “Này các gia chủ, có bốn kiểu hôn nhân. Thế nào là bốn? Một kẻ đê tiện sống chung với một kẻ đê tiện, một kẻ đê tiện sống chung với một thiên nữ, một thiên nam số chung với một kẻ đê tiện, một thiên nam sống chung với một thiên nữ”. Gia đình luôn có vấn đề của riêng nó, không phải gia đình nào cũng hạnh phúc và thực hiện đúng chức năng của mình. Những người đồng tính chân chính, họ xác định trách nhiệm của mình và làm tròn bổn phận, nghĩa vụ với bạn đời và những người xung quanh thì điều đó sẽ mang lại an lạc cho cá nhân và cộng đồng thì họ chính là những thiên nam, thiên nữ.

“Cả hai cùng thủy chung và biết bố thí Sống chế ngự, theo chính mạng Họ đến với nhau như vợ chồng Hết lòng yêu thương nhau Nhiều ân phước đến với họ Khi cả hai đồng đức hạnh Kẻ thù bị thất vọng’ Sống trong chính pháp trong thế gian này Cả hai cùng gìn giữ giới hạnh Sau khi chết sẽ hoan hỉ ở thiên giới Vui hưởng hạnh phúc tràn ngập” Trích trong Kinh Tăng Chi BKI-Ch IV Phẩm Nguồn Sinh phước – V (55) Xứng đôi, tr668-670. [11]

Trong Kinh Kâlâma thuộc Tăng Chi Bộ (Anguttara Nikâya, tập I, trang 188-193). Nội dung Kinh nói lên tinh thần giác ngộ của đạo Phật. Muốn giác ngộ phải có trí tuệ. Trí tuệ là thành quả của sự nghe học (Văn) suy nghĩ (Tư) và thực nghiệm (Tu). Vì thế, nếu nghe lầm và tin mê thì rất có hại. Trái lại, tiếp nhận ý kiến người khác một cách khách quan, quan sát sự vật một cách như thật là điều kiện cần thiết để phát triển trí tuệ. Ngoài ra phải biết lựa chọn, nghĩa là biết từ bỏ và chấp nhận. Từ bỏ những điều bất thiện gây ra đau khổ vì chúng phát xuất từ động cơ tham sân si và thể hiện qua những hành động ngôn ngữ tổn hại như giết người, trộm cướp, tà hạnh, dối trá, và say sưa... Chấp nhận và thực hiện những điều thiện mang đến hạnh phúc vì chúng phát xuất từ động cơ không tham, không sân, không si và thể hiện qua những hành động ngôn ngữ ích lợi như tôn trọng sự sống, tài sản, hạnh phúc gia đình, sự thật và giữ gìn tâm trí sáng suốt thì đều cần được tôn trọng.

Đức Phật chỉ cho chúng sinh thấy thế gian có có xoay vần không ngưng nghỉ thì ta vẫn an trụ ở giây phút hiện tại. Người đồng tính họ có quyền được hưởng hạnh phúc và có quyền đem lại hạnh phúc cho người khác. Không phải chỉ theo truyền thống là chân lý, mà điều quan trọng như Phật dạy là pháp đó phải đem lại an lạc hạnh phúc thực sự cho con người thì ta nên ủng hộ và không bài xích nó.

3. Công nhận hôn nhân đồng tính trong xã hội là từ bi và nhân đạo

Trong Tương Ương BK II, Ch.II. Phẩm đồ ăn-XX, Duyên, tr. 51-54 đức Phật có dạy: “… Này các Tỳ kheo, thế nào là các pháp duyên sinh? Này các Tỳ kheo, già chết là vô thường, hữu vi, do duyên sinh, phải chịu hủy hoại, biến hoại, tàn lụi và đoạn diệt. Sinh là vô thường… Hữu là vô thường… Thủ là vô thường… Ái là vô thường… Thọ là vô thường… Xúc là vô thường… Sáu căn là vô thường… Vô minh là vô thường…, hữu vi, do duyên sinh, phải chịu hủy hoại, biến hoại, tàn lụi và đoạn diệt. Này các Tỳ kheo như vậy gọi là các pháp duyên sinh.” Đời vốn vô thường, vạn vật trên thế gian này đều chịu sự tác động của quy luật ấy và chúng ta cũng không tránh khỏi. Vậy mỗi cá nhân sinh ra đời đều có quyền lựa chọn cách sống cho riêng mình miễn sao sự lựa chọn đó đem lại an lạc, hạnh phúc cho bản thân, gia đình, người thân và xã hội. Nhìn thấy sự vô thường ấy chúng ta sẽ thấy mở lòng hơn với mọi người, không hà khắc phán xét, đem thước đo chuẩn mực của bản thân áp đặt lên tư tưởng lối sống của người khác. Tạo các điều kiện xã hội giúp người đồng tính bước ra ánh sáng để tạo dựng một gia đình, thì chúng ta cũng đã góp phần xoa dịu nỗi đau trong họ, góp phần đem lại niềm vui sống và ý nghĩa cho cuộc đời. Đức Phật cũng đã chỉ ra rằng một gia đình trong đó vợ chồng, con cái không yêu thương nhau là một gia đình bất hạnh, còn gia đình nào vợ chồng, con cái yêu thương kính trọng lẫn nhau là gia đình hạnh phúc “Gia đình nào trong nhà cha mẹ được con cái kính trọng, thì những gia đình ấy được xem như là cư trú với Phạm Thiên…” (Trích Tăng Chi BKI, Ch.VII-Phẩm Công Đức-(III)-Bằng với Phạm Thiên, tr.684-685) [11]. Như vậy, hạnh phúc là ở nỗ lực của các thành viên trong gia đình, khi người đồng tính được xã hội, gia đình thừa nhận với hành động thiện lành của mình, thì pháp luật nên công nhận quyền được xác lập quan hệ hôn nhân của họ. Ngược lại, khi một gia đình bình thường theo truyền thống nhưng con cái không kính trọng cha, mẹ và cha, cha mẹ thiếu trách nhiệm với con cái thì cái gốc của gia đình đâu có bền vững được. Cho nên, chúng ta cần đặt vấn đề hôn nhân đồng giới tính ở một khía cạnh chung nhất với cái nhìn từ lòng bi bác ái, đánh giá đúng sự đóng góp tích cực của những tế bào đó đối với xã hội để có cái nhìn đúng đắn và đầy đủ.

Hiện nay, ở Việt Nam với nỗ lực tuyên truyền, giáo dục của Nhà nước và xã hội, mọi người đã có cái nhìn khách quan hơn, không còn thái độ kỳ thị những người chuyển giới nữa. Đặc biệt, Bộ luật Dân sự mới nhất 2015 đã có quy định cụ thể và riêng biệt về vấn đề này. Theo đó, Điều 37 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật; Người chuyển đổi giới tính có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định. Như vậy, giờ đây, pháp luật đã nhìn nhận quyền chuyển đổi giới tính như một quyền nhân thân của cá nhân. Theo xu thế phát triển hiện nay, ở Việt Nam không cấm hôn nhân đồng giới tính nhưng "Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính" (khoản 2 Điều 8 Luật hôn nhân gia đình năm 2014). Những người đồng giới tính vẫn có thể chung sống, nhưng pháp luật sẽ không xử lý khi giữa họ có tranh chấp xảy ra. Điều này đặt ra cho những người đồng tính gặp những khó khăn trong cuộc sống hàng ngày, họ có hôn nhân thực tế tuy nhiên lại không được thừa nhận. Khi xảy ra tranh chấp về hôn nhân gia đình, các tranh chấp dân sự liên quan lại không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Do vậy, trong thời gian tới luật hôn nhân gia đình nên thừa nhận hôn nhân đồng giới tính, để người đồng tính có được quyền kết hôn như những trường hợp kết hôn thông thường. Điều đó thể hiện tính nhân đạo, đảm bảo quyền con người của người đồng tính.

Kết luận

Ý thức xã hội thường lạc hậu hơn so với tồn tại xã hội. Sự tác động trở lại của ý thức xã hội đối với tồn tại xã hội là biểu hiện quan trọng nhất của tính độc lập tương đối của ý thức xã hội, biểu hiện tập trung vai trò của ý thức xã hội đối với tồn tại xã hội. Hôn nhân đồng tính là một biểu hiện xu thế đó, do nó không theo quy luật và truyền thống nên ý thức xã hội chưa bắt kịp sự thay đổi đó. Do vậy, hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này. Nhiều quốc gia đã công nhận hôn nhân đồng tính, họ có quyền xác lập quan hệ hôn nhân theo quy định của pháp luật nước sở tại.

Với tính nhân văn xuất phát từ quyền con người, Phật giáo có cái nhìn bao dung, nhân văn từ bi và bác ái với người đồng tính và hôn nhân đồng tính. Để họ được quyền được sống thật với bản thân, được quyền mưu cầu hạnh phúc chân chính. Vì cuối cùng bản ngã vẫn là không, một là tất cả, tất cả chỉ là một. Khi ta chấp trước được hay không được để dồn con người đến khổ đau thì điều đó là không chính đáng, mà ở đây tất cả là nhân duyên hòa hợp mà thành. Bản tính là vô ngã và vạn pháp là vô thường. Quyền chính đáng của người đồng tính cần được pháp luật thừa nhận và tôn trọng đó là phù hợp với quy luật khách quan và đạo đức xã hội. TS.Lê Thị Thu Dung - Viện Kiểm sát Nhân dân Tp.Hải Phòng Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 5/2022

Chú thích: Bài viết thể hiện quan điểm, cách nhìn nhận và lập luận riêng của tác giả.

***

CHÚ THÍCH: (1) https://vi.wikipedia.org/Đồng tính luyến ái (truy cập 10h ngày 20/9/2019) (2) Jeanne d'Arc (sinh ngày 6 tháng 1 năm 1412 – mất 30 tháng 5 năm 1431) là một nữ anh hùng người Pháp trong cuộc Chiến tranh Trăm Năm giữa Pháp và Anh. Bà được Công giáo La Mã tuyên thánh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. Hòa thượng Tuyên Hóa, Kinh Lăng Nghiêm, NXB Tôn giáo; 2. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo trình Trung cấp lý luận chính trị-hành chính: Những vấn đề cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lenin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, NXB Lý luận chính trị, Hà Nội, 2014. 3. Thích Phước Tấn, Bát Nhã Tâm Kinh lược giảng, NXB Tổng hợp TpHCM; 4. Chủ biên Đ.Đ. Thích Quảng Hợp, Thơ thường thức, NXB Hội Nhà văn năm 2018; 5. Thích Minh Quang, Kinh pháp cú thí dụ, NXB Tôn giáo năm 2012; 6. Nguyễn Thơ Sinh, Các học thuyết tâm lý học nhân cách, NXB Lao động; 7. Trần Nhựt Tân (2018), Tâm lý học, NXB Hồng Đức; 8. Trần Văn Thành (2017), Nguyên lý Tính Không trong Trung Quán Luận của Bồ Tát Long Thọ và ý nghĩa của nó, Luận án tiến sỹ triết học học, bảo vệ tại Học viện khoa học xã hội; 9. Thích Chơn Thiện, Kinh Kim Cương, NXB Tôn giáo; 10. Thích Thanh Từ, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, NXB Tôn giáo; Tác phẩm của tác giả nước ngoài 11. Bhikkhu Bodhi, Hợp tuyển lời Phật dạy từ Kinh tạng Pàli, NXB Hồng Đức;