Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu Phật giáo Đại thừa và tinh thần nhập thế

Phật giáo Đại thừa và tinh thần nhập thế

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tác giả: Thích Nữ Thuần Giới
Học viên Thạc sĩ Khóa 4, Học viên PGVN tại Tp.HCM

DẪN NHẬP

Sự thực đạo Phật ra đời, vì hạnh phúc cho nhân sinh “đạo Phật đến để mà thấy, thiết thực hiện tại, vượt mọi không gian và thời gian”. Cũng chính vì vậy, trong quá trình phát triển đạo Phật cũng như các quy luật, hiện tượng xã hội trong tư cách là một tôn giáo sẽ được hiểu đạo Phật là đạo của thế gian, dù thời gian, không gian có thay đổi, con người, xã hội có đổi thay phát triển thế nào đi nữa thì chân lý nhiệm màu của đức Phật vẫn tồn tại ở thế gian. Nói cách khác, để phù hợp với mỗi thời đại, Phật giáo buộc phải thay đổi từ hình thức này sang hình thức khác, có thể vẻ ngoài hay tên gọi tuy có khác nhau nhưng nội dung là chân lý không thể thay đổi. Ở phạm vi bài viết, tác giả diễn giải về góc độ nhập thế của Phật giáo Đại thừa.

A. NỘI DUNG

1. Sơ lược nguyên nhân hình thành Phật giáo Đại thừa

Thời đức Phật còn tại thế, tăng đoàn chủ yếu sống di cư, ẩn dật trong rừng núi, mọi hoạt động hoằng pháp đều do Ngài quyết định, nhưng sau khi đức Phật nhập diệt, đời sống ẩn cư không còn thích hợp cho việc hoằng dương chính pháp. Các đệ tử có trách nhiệm tuyên thuyết lại những gì đức Phật đã dạy, trong quá trình đó có những vấn đề được đặt ra, gây tranh luận giữa những nhóm phái theo truyền thống và nhóm đòi hỏi có sự thay đổi theo hương tương thích với sự thay đổi của xã hội.

Đại diện cho phái bảo thủ là ngài Ca Diếp cho rằng: những gì Phật chế không được bỏ, những gì Phật không nói thì không được thêm vào.

Đại diện cho phái đòi hỏi sự thay đổi tương thích là Ngài Anan: Một số giới nhỏ có thể bỏ đi, điều này hợp với quan điểm Phật dạy trong kinh Xà Dụ “chính pháp còn bỏ huống là phi pháp”. Chính tư tưởng này làm nền tảng hình thành tư tưởng Bồ Tát đạo – là một trong những hình thức của Phật giáo Đại thừa.

Có thể nói, sự kiện đức Phật nhập diệt là nhân tố thúc đẩy hình thành tư tưởng Phật giáo Đại thừa. Thứ đến là do điều kiện xã hội phát triển buộc Phật giáo phải điều chỉnh chính mình để phù hợp với xã hội từ Phật giáo Nguyên thủy sang Phật giáo Đại thừa. Nghĩa là từ Phật giáo ẩn cư trong rừng, chuyên tu nghiêm mật mong cầu giải thoát tự thân chuyển sang định cư nơi thành thị trên tinh thần độ tha là chính.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Phat giao dai thua 1

2. Tinh thần Bồ Tát đạo

Đất nước ngày một đổi thay, buộc con người phải đối mặt với cuộc sống, hàng xuất gia cũng không ngoại lệ. Để tồn tại và phát triển, Phật giáo cần phải tùy thời, tùy người mà thay đổi hình thức, nhưng vẫn giữ được mục đích tối hậu là giác ngộ và giải thoát thì sự thay đổi đó mới đúng chính pháp. Nếu cứ bảo thủ không thay đổi thì Phật giáo khó vững bền, tư tưởng Phật giáo Đại thừa đã hình thành từ khi đức Phật giác ngộ dưới cội Bồ đề, Ngài từng phản bác thái độ cố chấp và dạy các đệ tử rằng: “Này các Tỷ kheo, Ta sẽ giảng pháp cho các ông, ví như chiếc bè để vượt qua, không phải để nắm giữ lấy… Cũng vậy, này chư Tỷ kheo, Ta thuyết pháp như chiếc bè để vượt qua, không phải để nắm giữ lấy. Chư Tỷ kheo, các Ông cần hiểu ví dụ cái bè. Chính pháp còn bỏ đi, huống nữa là phi pháp”[1]. Trên quan điểm đó, Phật giáo Đại thừa chỉ thực hiện tinh thần ý nghĩa lời dạy của đức Phật, không rập khuôn, không theo chữ nghĩa, hoặc quá chấp giữ về giới điều vì ý nghĩa của nó có thể thay đổi theo thời gian.

Nói đến Phật giáo nhập thế không thể bỏ qua tinh thần Bồ tát hạnh, là phương tiện thiện xảo đưa hành giả đến gần với chúng sinh, dễ dàng hòa nhập vào cuộc đời mà không bị cám dỗ thế gian nhấn chìm. Bởi lẽ, hạnh nguyện của Bồ tát là độ sinh, dùng vô ngã vị tha và lòng từ bi lăn xả vào cuộc đời, tiếp cận quần chúng để tùy nghi hóa độ. “Chúng ta phải nhận thức rõ ràng: tên gọi Bồ tát phù hợp với sự thật công hạnh của họ, Bồ tát rất là vĩ đại! Điều vĩ đại nhất là họ không suy nghĩ vì cá nhân, lấy việc lợi tha làm tự lợi”[2]. Ở đây, người viết chỉ trình bày tinh thần Bồ tát đạo trong quá trình nhập thế.

Bồ tát là từ viết tắt, dịch âm tiếng Phạn là Bodhi-sattva. Bodhi (Bồ đề) có nghĩa là ‘giác ngộ’, sattva (tát đỏa) nghĩa là hữu tình, ‘Bồ đề tát đỏa’ có nghĩa là giác hữu tình, nghĩa là Bồ tát không những tự mình đã giác ngộ, mà còn đem sự giác ngộ đó làm lợi ích cho chúng sinh, giúp họ hướng đến sự giải thoát[3]. Khởi nguồn của tinh thần Bồ tát hạnh cũng được thể hiện tỉ mỉ trong tiền thân của đức Phật. Trong Kinh Bổn Sanh và Kinh Hiền Ngu, đức Phật đã trải qua vô lượng kiếp tu tập, thể hiện muôn hạnh, sử dụng vô số thân tướng khác nhau, Ngài luôn thị hiện với tinh thần Bồ tát hạnh, làm lợi lợi cho chúng sinh, “khi Bồ tát bố thí đầu, mắt, tủy não, quốc gia, của cải, vợ con, đều bố thí với tâm hoan hỷ”[4].

“Bồ tát là xuất thế nhưng lại là nhập thế, như gọi là ‘lấy tinh thần xuất thế làm sự nghiệp nhập thế’. Một minh chứng cụ thể là, Bồ tát được đề cập trong kinh điển của Phật giáo Đại thừa phần lớn là những người tại gia cư sĩ, không phải là người xuất gia”[5]. Một điều ai cũng biết, đó là người tại gia có nhiều điều kiện thuận lợi hành đạo hơn là hàng tu sĩ. Bởi lẽ, khi nhắc đến tu sĩ, người ta luôn mặc định đó là bậc mô phạm về đạo đức, từ hình thức đến lời nói, nhất cử nhất động đều được người đời chú ý và đánh giá sai theo quy chuẩn của họ. Cho nên, việc hành đạo gặp hạn chế, nhưng hàng tại gia thì khác, việc thực thi Bồ tát đạo lại rất thuận lợi, ẩn mình trong gia đình, cư trú trong thành thị, dùng phương tiện nói pháp dễ thâm nhập lòng người, vì hình thức họ giống nhau. Có người nói rằng: “tu sĩ không hiểu được nổi khổ của vợ chồng sao khuyên người ta được.” Chỉ có giáo pháp Đại thừa lấy tâm xuất thế làm việc nhập thế, đồng thời từ trong pháp nhập thế nhiếp hóa chúng sinh hướng đến xuất thế, giữa xuất thế và nhập thế không còn mâu thuẫn, ngăn ngại lẫn nhau mà hỗ trợ, dung hòa cho nhau.

“Lý tưởng Bồ tát đạo một phần là do áp lực xã hội đối với giáo đoàn, nhưng phần lớn nó phát sinh trong giáo đoàn vì sự thực hành vô giới hạn, vốn đã được luyện tập cho các tăng sĩ không phân biệt giữa họ và người khác”[6].

Chính vì xã hội luôn biến chuyển, để thuận theo xã hội nên người hành Bồ tát đạo không dựa trên nguyên tắc hay giới điều nào, vì nếu có quy tắc hẳn sẽ có sự hạn chế, ràng buộc nhất định, miễn đem đến lợi lạc cho chúng sinh trên tinh thần vô tham, vô sân và vô si. Đơn cử như sự tự thiêu của Bồ tát Thích Quảng Đức, nếu xét về mặt giới luật thì phạm giới sát sinh nhưng ở đây Ngài không tự sát mà đó được xem là sự hy sinh cao đẹp, đem lại lợi ích cho dân tộc. Hình ảnh “Tỳ kheo ngồi kiết già, tay mặt để lên tay trái… Ngài mở hộp diêm rút năm, sáu que rồi quẹt mạnh. Lửa bốc cháy đốt ngang thân xác ngài như một pho tượng trong khi các tăng ni quỳ xuống vừa khóc vừa niệm Phật. Trong khoảng bảy phút, thân ngài ngã xuống nhưng tay vẫn còn chấp ngang ngực”[7]. Chỉ có Bồ tát thị hiện mới có khả năng làm như vậy, vì bảo tồn Phật pháp nói riêng và văn hóa dân tộc nói chung. Tinh thần vì pháp thiêu thân của Tỳ kheo Thích Quảng Đức là tinh thần vô ngã vị tha, nó xuất phát từ trí tuệ và lòng từ bi của một vị tu Bồ tát đạo, được biểu hiện qua sự an nhiên trong biển lửa đã nói lên sự thoát tục của ngài, xem nhẹ sự sống chết của tự thân. Qua đó cho thấy, “chỉ có Bồ tát hạnh ở trong thế gian mà không dắm trước thế gian, không lìa thế gian mới là khó nhất trong các việc khó”[8], tuy nhiên, Phật giáo Đại thừa đã làm được điều đó. Đại thừa Phật giáo đã chứng minh được muốn thực thi việc cứu độ chúng sinh, phải thực thi tinh thần Bồ tát đạo, nghĩa là đưa phật pháp vào xã hội và thành công trong quá trình đưa Phật giáo nhập thế.

3. Tinh thần nhập thế của Phật giáo

Nếu Phật giáo Nguyên thủy chủ trương đời sống yếm thế, ẩn mình nơi rừng núi thì Phật giáo Đại thừa hòamình vào cuộc đời, khuyến khích nhập thế trên tinh thần “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác”. Một khía cạnh nào đó, Phật giáo nhập thế được cho là 1 nghịch lý so với thời kỳ ban đầu của đức Phật, dù vậy, Phật giáo vẫn buộc phải nhập thế để tồn tại và thích nghi với thời đại, một xã hội xô bồ, tạp nhạp, biết bao thách thức khó khăn buộc Phật giáo phải trải qua. Để thích nghi được với xã hội, Phật giáo phải có những nét đặc trưng riêng như: (1) Đề cao tư tưởng Không; (2) Tinh thần phóng khoáng; (3) Phê phán chấp trước; (4) Tinh thần nhập thế; (5) Tính thần thánh hóa.

Chính những nét đặc trưng ấy tạo nên sự riêng biệt, nổi bật ở thế gian, ở đây, người viết chỉ trình bày tinh thần nhập thế của Phật giáo. Xét về mặt sâu xa, từ thời đức Phật, tính nhập thế được thể hiện qua lời dạy của Ngài: “Này các tỷ kheo, hãy đi mỗi người một hướng đừng đi cùng một hướng…”. Điều này có nghĩa, đức Phật không kêu gọi các đệ tử sống ẩn tu, Ngài khuyên nên đi khắp nơi để giáo hóa chúng sinh. Do đó, tinh thần nhập thế đã có từ thời đức Phật. vd. Tuy vậy, chủ trương chính của tăng đoàn bấy giờ vẫn là tự tu tự chứng, đến thời kỳ Phật giáo Đại thừa, tinh thần nhập thế càng được biểu hiện rõ nét.

Lấy một ví dụ thực tế để chứng minh, nếu Khổng – Lão giáo vào Việt Nam, họ đóng vai trò trong triều đình phong kiến, chủ đạo trong học đường, quan trường, nhờ những vai trò lớn của xã hội rồi dần dần lan rộng ra quần chúng nhân dân dễ dàng hơn. Trong khi Khổng – Lão giáo thân cận với triều đình, lợi dụng sức ảnh hưởng, quyền lực của triều đình để khuếch trương thanh danh, truyền bá quan điểm tôn giáo của họ thì Phật giáo lui ở ẩn trong rừng núi, thử hỏi khoảng 50 – 100 năm, có ai còn biết đến Phật giáo là gì. Do vậy, muốn Đạo Phật tồn tại, muốn hóa độ nhân sinh thì người tu sĩ cần từ bỏ mục đích riêng của mình, cần hy sinh để lao vào trong cuộc đời “vì Pháp quên thân, vì dân phục vụ” mà ngày nay thường gọi là Phật giáo nhập thế. Nếu Phật giáo Nguyên thủy được ví như tổ kén, tự đưa mình vào kén, cũng như tăng sĩ lùi vào hang sơn cùng cốc, vào rừng ẩn tu mà Phật giáo ngoài đô thị thì quá mỏng manh, yếu kém. Muốn tồn tại, hưng thịnh trên cuộc đời, đạo Phật buộc phải thay đổi chính mình, nhập thế, cách tân là điều khó tránh khỏi, chính vì vậy, Phật giáo đã gặp nhiều khó khăn, thách thức, hệ lụy của thế gian.

Tại Việt Nam, vào thời binh đao, loạn lạc, các nhà sư đã “cởi cà sa khoác chiến bào”, góp phần vào công cuộc bảo vệ nước nhà, như thiền sư Vạn Hạnh, làm Quốc sư, tham vấn quân sự, để đưa Lý Công Uẩn lên ngôi, Tỳ kheo Quảng Đức tự thiêu để kêu gọi sự can thiệp của thế giới, chống lại chế độ đàn áp của chính quyền Ngô Đình Diệm, nói lên tiếng lòng của dân tộc. Phật giáo bấy giờ không còn hạn hẹp trong sự tu tập giải thoát của các vị tu sĩ, mà trở thành điểm tựa tinh thần, là ngọn đuốc tiên phong cho hòa bình, an lạc. Nói cách khác, Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc “mái chùa che chở hồn dân tộc, nếp sống muôn đời của tổ tông”, và hiển nhiên Phật giáo trở thành nhân tố đóng góp cho sự nghiệp hòa bình mà còn là yếu tố cơ bản cho sự phát triển xã hội.

Không chỉ vậy, Phật giáo tại Tây Tạng cũng có thăng trầm cùng đất nước. Bấy giờ, Đức Lãng Đạt ma – vị ác vương đang dùng thủ đoạn thâm độc để tiêu diệt Phật giáo, có một tu sĩ tên Kiết Tường Kim Cang tu hạnh Tam muội, vì lòng bi tâm thương cảm cho tội nghiệp của ác vương cũng như vì sự tồn vong của Phật giáo mà phương tiện giết bỏ ác vương[9]. Điều này cho thấy, Phật giáo trên tinh thần vì chúng sinh, vì lợi ích chung không màn đến bản thân, cũng chính điều này, phần nào đưa Phật giáo đi sâu vào lòng dân tộc.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Phat giao dai thua 2

4. Nhận định

Không thể phủ nhận rằng, mọi sự vật, sự việc đều có hai mặt của nó, Phật giáo cũng không ngoại lệ. Chẳng phải vô cớ mà Đức Thế Tôn khuyến khích đời sống độc cư, thiền định, xa lánh chốn thành thị, xóm làng. Có thể thấy, tinh thần xuất thế đương nhiên là tốt hơn sự hòa nhập hế tục, vì nó có xu hướng hạn chế con người tham đắm danh lợi, dục vọng thế gian, tính không tham không sân và không si tạo nên bậc tu sĩ có trí tuệ, đạo đức thanh cao. Tuy nhiên, Phật giáo không thể cứ đứng yên trong khi xã hội đang ngày một phát triển, đứng yên không có nghĩa là bảo tồn truyền thống mà đồng nghĩa là dật lùi, là biến mất. Do vậy, nhằm đáp ứng thời đại, Phật giáo phải nhập thế, tuy hòa nhập vào đời sống con người nhưng Phật giáo không bị xã hội thế tục cuốn và kéo đi để trở thành một hiện tượng thế tục. Dù là Phật giáo Đại Thừa hay nguyên thủy, Phật giáo luôn giữ được những nét khác biệt và phẩm hạnh nhờ đức tu hành của các hành giả.

Ví như Thiền sư Vạn Hạnh, phò vua giúp nước nhưng khi đất nước thanh bình, Ngài rủ bỏ danh vọng vào chùa gõ mỏ tụng kinh. Tỳ kheo Quảng Đức tự thiêu để cứu dân tộc, đất nước nhưng không để bất kỳ ai đổ máu trong căm phẫn, vẫn giữ được tinh thần bất bạo động trong Phật giáo… Trong cuộc sống đời thường, những con người chân tu, thạc đức ấy được xem là Bồ tát thị hiện ở thế gian, bởi lẽ, “Bồ tát không nhất thiết phải có thần thông, thân tướng trang nghiêm, với thân bình thường của người phàm phu chúng ta cũng có thể thực hành hạnh nguyện của Bồ tát”[10]. Ngoài ra, cũng có những bậc phá tướng, không câu nệ hình thức, giới luật như Tế Điên Hòa thượng, hằng ngày rượu thịt nhưng tâm thanh tịnh, bất nhiễm “trà đình tửu điếm vô phi thanh tịnh đạo tràng” hay Duy Ma Cật, thân tướng cư sĩ nhưng uyên thâm Phật pháp, liễu ngộ chân thừa. Phải biết rằng, những vị tu Bồ tát đạo luôn tùy thuận căn cơ, nghiệp duyên của chúng mà tùy hiện hóa độ, không từ mọi thức, chẳng ngại khó khăn, gian khổ, “nhưng đều có mục đích chung là giúp cho người giác ngộ và giải thoát, giống như chức năng của mọi loài thuốc là chữa bệnh, nhưng có nhiều chứng bệnh khác nhau, cho nên chức năng của mỗi loại thuốc cũng khác nhau, tùy bệnh mà cho thuốc”[11]. Tuy nhiên, ở một phương diện khác, lại có không ít người lợi dụng tính phóng khoáng của Phật giáo làm những việc phi pháp mà tự xưng là hành Bồ tát đạo, là nhập thế độ đời. Nếu có những bậc tăng sĩ lưu danh ngàn đời thì cũng có không ít tăng sĩ bôi nhọ Phật pháp, họ rượu chè, cờ bạc, có vợ con, tài vật đề huề, danh lợi, địa vị không thiếu thứ gì, nhưng lại cho đó là hợp với thời đại, đúng chính pháp. Thiết nghĩ, thời đức Phật, hàng đệ tử của ngài đều là Thánh tăng, nhưng Ngài vẫn khuyến khích sống ẩn cư, khổ hạnh, còn chúng ta chỉ là phàm phu tăng, lại tự gán cho mình cái mác nhập thế, để rồi bị ô trược thế gian nhấn chìm lúc nào không hay biết. Là tu sĩ sống đời hiện đại, hiển nhiên khó tránh khỏi những hệ lụy của thời cuộc, tuy nhiên, chúng ta cần biết nặng nhẹ, biết lượng sức mình mà mà hành đạo. Đức Phật cũng dạy “có những lậu hoặc phải do tránh né được đoạn trừ”[12], nếu công hạnh của chúng ta không đủ mạnh thì không nên dấn thân quá sớm vào cuộc đời, vì sớm muộn cũng bị nó vùi dập, cũng như thuyền nhỏ sao có thể chống chọi với sóng dữ. Thế nên, những tấm gương sáng của bậc tiền nhân để lại không chỉ cho chúng ta noi theo, mà cũng nhắc nhở chúng ta phải cẩn trọng hơn, vì những gì chúng ta làm hôm nay không đơn thuần vì cá nhân ta mỗi người mà còn cho tương lai của Phật pháp, đồng thời cũng là tấm gương để lại cho hậu thế noi theo.

B. KẾT LUẬN

Trên thực tế, Phật giáo xuất hiện giữa cuộc đời nhằm đem lại lợi ích, an lạc cho con người, mặt khác tùy duyên để nương vào cuộc đời để thực thi Bồ tát hạnh. Tuy nhiên, người xuất gia không nên quá lạm dụng hình thức mà xem thường nếp sống của Tăng già trong truyền thống. Mỗi thời đại hiển nhiên có sự đổi khác nhất định, nếu chúng ta cố chấp vào truyền thống của quá khứ thì không áp dụng được cho hiện tại, nhưng cũng không nên quá phóng khoáng, quên đi nếp sống lành mạnh của giới luật, thì rất dễ đi ngược lại với tinh thần giác ngộ, giải thoát. Chúng ta là những tu sĩ nhập thế, tu học hạnh Bồ tát cần phải hiểu rõ tinh thần đó, phải “tùy duyên bất biến”, hòa nhưng không tan trong thế sự. Phật giáo hội nhập vào các tầng lớp xã hội, tiêu biểu là tinh thần Bồ tát hạnh, từ hình thức xuât thế sang nhập thế mang ý nghĩa cao thượng, phi phường nhưng cũng rất bình thường, gẫn gũi.

Vào thời đức Phật, Ngài không xiển dương tinh thần nhập thế, vì xã hội Ấn Độ bấy giờ bất ổn, để bảo vệ tăng đoàn, duy trì mạng mạch Phật pháp nên tìm nơi thâm sơn cùng cốc để tu tập. Tuy nhiên, đức Phật cùng tăng già thường du hành trong nhân gian, từ nước này đến nước khác để hóa độ, đó là điển hình cụ thể để bước đầu nhập thế. Từ đó, chúng ta thấy, Phật pháp không tách rời khỏi thế gian, ở đâu có con người ở đó có Phật pháp, mà tu sĩ đại diện cho đức Phật tuyên dương diệu pháp, thì không lý do nào tách rời khỏi xã hội. Sống trong xã hội nhưng không bị ô nhiễm bởi xã hội, tự mình tịnh hóa, tự mình giác ngộ và độ người đồng giải thoát, giống như hoa sen, sinh ra từ bùn nhưng không nhiễm mùi bùn, tự mình tỏa hương và lan tỏa hương thơm bay xa.

Nếu dây đàn quá căn hay quá chùng thì phải điều chỉnh dây đàn cho phù hợp với âm điệu, mới có được tiếng đàn hay. Cũng vậy, trong việc hành đạo, không nên quá cố chấp vào giới điều cũng thể quá phóng túng bản thân, phải có sự kết hợp hài hòa giữa xưa và nay để phù hợp với thời đại là phương pháp tốt nhất.

Tác giả:  Thích Nữ Thuần Giới
Học viên Thạc sĩ Khóa 4, Học viên PGVN tại Tp.HCM

Chú thích: Bài viết thể hiện cách hành văn, ngôn ngữ, lập luận riêng của tác giả.

[1] HT. Thích Minh Châu dịch, “Kinh Trung Bộ”, “Kinh Ví Dụ Con Rắn”, tr 179.
[2] HT Ấn Thuận, Thích Quán Như-Thích nữ Ý Thiện dịch, “Ba điều căn bản cho việc học Phật”, NXB Hồng Đức, 2018, tr 180.
[3] TT. Thích Hạnh Bình, “Phật giáo Việt Nam suy tư và nhận định”, NXB Phương Đông, 2013, tr 61-62.
[4] Thích Hạnh Bình, Thích Huệ Hải dịch, “Nghiên cứu khái niệm A La Hán trong lịch sử Phật giáo Ấn Độ”, NXB Hồng Đức, 2019, tr 586.
[5] HT Ấn Thuận, Thích Hạnh Bình dịch, “Phật giáo và cuộc sống”, NXB Phương Đông, 2014, tr 161.            
[6] Thích Quảng Độ dịch, “Phật giáo bản chất và sự phát triển”, NXB Phương Đông, 2015, 125.       
[7] http://thuvienhoasen.org/a17129/anh-hoa-thuong-thich-quang-duc-tu-thieu.
[8] HT Ấn Thuận, Thích Quán Như-Thích nữ Ý Thiện dịch, “Ba điều căn bản cho việc học Phật”, NXB Hồng Đức, 2018, tr 179.
[9] Pháp sư Thánh Nghiêm, Thích Tâm Trí dịch, “Lịch sử Phật giáo Tây Tạng”, NXB Phương Đông, 2013, tr 90.
[10] HT. Ấn Thuận, Thích Hạnh Bình dịch, “Phật giáo và cuộc sống”, NXB Phương Đông, 2014, tr 191.
[11] TT. Thích Hạnh Bình, “Đức Phật và những vấn đề thời đại”, NXB Phương Đông, 2014, tr 145.
[12] HT Thích Minh Châu dịch, “Kinh Trung Bộ I”, NXB Tôn giáo, 2018, tr 25.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường