Trang chủ Bài viết nổi bật Nhà sư chùa An Ninh với vị tướng quân thời Trần

Nhà sư chùa An Ninh với vị tướng quân thời Trần

Chùa An Ninh hay Vãn Lộng tự, Vĩnh Khánh tự, dân gian còn gọi là chùa Trăm Gian xứ Đông, ngày nay ở thôn An Đông, xã An Bình, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Chùa An Ninh được xếp hạng Di tích cấp quốc gia năm 1990.

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Chùa An Ninh hay Vãn Lộng tự, Vĩnh Khánh tự, dân gian còn gọi là chùa Trăm Gian xứ Đông, ngày nay ở thôn An Đông, xã An Bình, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Chùa An Ninh được xếp hạng Di tích cấp quốc gia năm 1990.

Tác giả: Đặng Việt Thủy
Nhà 35, hẻm 120/4/3, ngõ 120, đường Hoàng Hoa Thám, P.Thụy Khuê, Q.Tây Hồ, Hà Nội

Sự tích sư nữ chùa An Ninh

Chuyện kể rằng vào cuối thế kỷ thứ XIII, nước ta bị họa xâm lăng. Lúc đó thế giặc mạnh như chẻ tre, đi đến đâu, chúng cướp bóc, sát phu hiếp phụ đến đó, gây ra bao cảnh tang tóc, đau thương.

Nhà vua cùng triều đình một mặt cho quân chặn đánh giặc, mặt khác tổ chức nhân dân sơ tán, tạm lui quân để bảo toàn lực lượng, chờ thời cơ phản công tiêu diệt giặc.

Khi ấy, tướng quân Nguyễn Huy Tĩnh chỉ huy một cánh quân lui về trang Vãn Lộng, nay thuộc xã An Bình, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Đây là một trang ấp, xung quanh lau sậy um tùm, lại có sông ngòi bao bọc, tạo nên thế trận có lợi cho ta.

Giữa trang Vãn Lộng có một ngôi chùa tên là chùa Vĩnh Khánh. Tướng quân Nguyễn Huy Tĩnh cho hạ trại tại chùa, rồi cho mời các bô lão trong trang trại đến cùng bàn kế sách chống giặc.

Sau khi biết rõ thế ta, thế giặc, một bô lão già nhất trang đứng lên nói:

– Thưa tướng quân, dân trang Vãn Lộng quen nghề chài lưới, chèo thuyền nhanh tựa tên bay. Dân chúng thông thuộc luồng lạch như lòng bàn tay mình, còn quân giặc ở xa tới khác chi chim chích lạc vào rừng xanh. Nếu quân dân ta đồng lòng, tướng sĩ một dạ thì từ đây xuất quân, ta chỉ có thắng chứ không chịu thua.

Nghe vị bô lão nói, tướng quân Nguyễn Huy Tĩnh cả mừng, sai quân sĩ đắp lũy đào hào, lại được nhân dân trang Vãn Lộng giúp sức, thành lũy chẳng mấy chốc đã làm xong.

Tiếp đó, tướng quân Nguyễn Huy Tĩnh lại hỏi bà con về lai lịch ngôi chùa khang trang, bề thế ở đây. Các bô lão đã kể lại cho tướng quân nghe về ngôi chùa này:

Nguyên chùa Vĩnh Khánh có từ thời Tiền Lý. Thuở ấy, có ông Phạm Lương một lòng tu nhân tích đức, chỉ hiềm một nỗi muộn đường con cái. Mãi tới năm ông sáu mươi tuổi, ông bà mới sinh được một cô con gái, đặt tên là Phạm Thi Toàn.

Sau đó, ông bà Phạm Lương lần lượt qua đời. Cô Phạm Thị Toàn được dân làng nuôi nấng và theo đòi bút nghiên. Càng lớn Phạm Thị Toàn càng xinh đẹp, nhan sắc tuyệt vời. Sắc đẹp của cô truyền tới tai vua. Nhà vua đã cho sứ thần về ngỏ ý muốn rước cô về cung, nhưng Phạm Thị Toàn từ chối, vì song thân phụ mẫu đã qua đời nên muốn ở mãi đây hương khói thờ cúng.

Về sau bà cũng không lập gia đình, mà quyên góp công đức cho làng dựng nên chùa Vĩnh Khánh. Bà trở thành sư nữ ngày đêm đèn nhang, tụng kinh niệm Phật. Bà nổi tiếng tinh thông Phật học, nhân dân khắp vùng biết danh, nô nức đến chùa làm lễ, cầu Phật phù hộ độ trì.

Năm bốn mươi tuổi thì bà viên tịch. Hàng ngàn tín đồ thập phương kéo đến chùa dự lễ cầu siêu và nhập tháp cho sư nữ, với phật hiệu là Toàn Nương Thị Phật. Chùa Vĩnh Khánh ngày càng được mở mang.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Chuyen su nu chua An Ninh va vi tuong quan thoi Tran 1

Chùa An Ninh, Hải Dương. Ảnh: St

Tướng quân Nguyễn Huy Tĩnh lên chùa thắp một tuần hương rồi lui về thư phòng. Ngọn đèn dầu cháy đỏ, lung lay chập chờn. Trên bàn, cuốn binh thư vẫn mở. Những trận đánh thua thiệt gần đây làm ông băn khoăn, trăn trở, nghĩ suy. Ông như tỉnh như mơ… Chợt tướng quân nhận ra bóng dáng của sư nữ, như sương pha, như khói đọng, thực thực hư hư. Người đó lên tiếng trước:

– Ta vốn là sư nữ trụ trì ở chùa này.

Nguyễn tướng quân sững người giây lát. Ông nhớ lại câu chuyện vị sư khởi lập chùa Vĩnh Khánh. Nén hương ông thắp hẳn đã thấu đến anh linh của người. Nhà sư nói tiếp:

– Tướng quân đã biết ta. Thần dân cũng đã đồng lòng quyết đánh. Vậy thì đã có âm dương phù trợ. Tướng quân hãy đọc tiếp trang binh thư trước mặt, ngày mai xuất trận thế nào cũng thắng.

Nói xong, bóng người biến mất. Nguyễn Huy Tĩnh như bừng tỉnh sau một giấc mơ. Ông châm ngọn bạch lạp và cúi xuống đọc từng dòng, từng chữ. Ông chợt thấy trên bức sơ đồ mới hiện lên những dấu mực ghi chú đường tiến đường lui của một trận đánh. Lúc chiều, bức sơ đồ trận mạc đâu đã có các dấu này… Ông thành kính sửa lại trang phục, trở lên chùa thắp ba nén hương vái tạ…

Trung tuần tháng hai, giờ tuất. Trăng trên bầu trời lúc ẩn lúc hiện trong những đám mây. Thỉnh thoảng mấy hạt mưa rây nhè nhẹ. Rét ngọt. Gió bấc thổi… Đấy là lúc mọi người chuẩn bị đi ngủ. Tướng quân Nguyễn Huy Tĩnh cho ba quân cấp tốc chuẩn bị binh lương, giáo mác, thuyền bè, tề tựu trước đại bản doanh. Đứng trước hàng quân, ông nói:

– Ta lui quân về trang Vãn Lộng, được nhân dân hết lòng ủng hộ, lại được trời phật phù hộ, đặc biệt là có anh linh sư nữ Toàn Nương báo mộng, ta quyết định xuất quân đánh trận này thế nào cũng thắng!…

Ngay trong đêm đó, với yếu tố bí mật, bất ngờ và tinh thần quyết thắng, đoàn quân xông trận. Họ đi đến đâu, quân giặc khiếp đảm tan tác đến đó. Chỉ trong ba ngày ba đêm, nghĩa quân đã quét sạch chúng ra khỏi Sơn Đông, giữ vững vùng đất quan trọng bảo vệ phía đông Kinh thành Thăng Long mà triều đình giao cho trấn giữ.

Sau chiến thắng, Nguyễn Huy Tĩnh mang đại quân trở lại chùa Vĩnh Khánh, tạ ơn dân làng và Phật tổ, mở tiệc khao quân. Ông lại kính cẩn thắp nhang bái vọng lên vị sư nữ Toàn Nương linh thiêng đã cổ vũ cho ông chỉ huy đánh thắng quân thù.

Giữa lúc đèn nhang, khói hương đang nghi ngút, đàn tràng rộn rã, thì bỗng nhiên ánh hào quang rực sáng. Trời đổ mưa sầm sập. Mọi người quay lại nhìn Nguyễn tướng quân, thì kỳ lạ thay, ông cũng vừa thăng thiên.

Để tưởng nhớ công lao của tướng quân Nguyễn Huy Tĩnh và sự hiển linh của sư nữ Toàn Nương, nhà vua sắc phong cho ông là Sơn Đông tướng quân và bà là Liệt nữ tướng quân. Riêng tướng quân Nguyễn Huy Tĩnh đời sau còn được gia phong Thượng đẳng phúc thần.

Lược sử chùa An Ninh

Chùa Vĩnh Khánh dần dần được xây dựng thành chùa trăm gian, và được đón các nhà sư có uy tín về trụ trì để phát huy ảnh hưởng cao đẹp của vị sư nữ thương dân, góp phần lập công đuổi giặc. Đó là các vị: Diệu Quang Pháp sư, tục gọi là Cụ Tổ Rau (cụ hằng ngày chỉ ăn rau quả), được vua phong là Tăng Lục Thiền Gia, cụ Viên Giác tinh thông y nho lý số, kế tiếp là Tổ Viên Tích, Tổ Viên Hòa, Tổ Viên Dung…

Chùa Vĩnh Khánh sau này gọi là chùa An Ninh (tên của trang Vãn Lộng từ thời Lê Trung Hưng) trở thành chốn tổ của hàng nghìn tăng, ni, phật tử trong vùng và đã đi vào ca dao trong dân gian:

An Ninh thiền phổ ngâm nga
Hạnh rồi lại niệm di đà vang lên
Lâng lâng rũ sạch não phiền
Trăm năm Phật tổ đài sen đón về.

Chùa An Ninh hay Vãn Lộng tự, Vĩnh Khánh tự, dân gian còn gọi là chùa Trăm Gian xứ Đông, ngày nay ở thôn An Đông, xã An Bình, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Chuyen su nu chua An Ninh va vi tuong quan thoi Tran 2

Tam bảo chùa An Ninh. Ảnh: St

Bản “Sự tích Thành hoàng làng An Ninh” do Hàn lâm viện Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm Nhâm Thân (1572) ghi lại, cũng nói rằng chùa có từ rất sớm, do một người con gái có tên là Phạm Thị Toàn, con ông Phạm Lương làm quan chức Hoan châu Bộ chủ quy y cửa Phật xây dựng. Sau khi mất bà được tôn làm Thành hoàng, rất linh thiêng, từng hiển linh giúp quan quân nhà Trần thắng giặc Nguyên Mông năm 1287.

Ngoài những nét độc đáo, chùa An Ninh còn nổi tiếng với những mộc bản đã có niên đại hàng trăm tuổi. Các mộc bản có kích cỡ khoảng 30 x 40cm, độ dày khoảng 1,5cm, hai mặt được khắc nổi chữ Nho, với nét khắc tinh xảo.

Ngoài ra còn có một số mộc bản có kích cỡ khá lớn, trên mặt ngoài chữ Nho còn có các bùa, chú. Trên các mộc bản đều hằn lên màu đen của mực, điều đó chứng tỏ chúng từng được dùng để in ấn. Đây chính là các mộc bản kinh Phật. Bộ mộc bản này được dùng để in kinh sách phục vụ cho việc giảng dạy Phật pháp của chùa. Tính đến nay bộ mộc bản này đã hơn 180 tuổi, tương đương độ tuổi của các mộc bản triều Nguyễn.

Đầu thế kỷ XX, chủa Trăm Gian còn đủ 100 gian, nhưng hiện nay chùa chỉ còn 85 gian. Chùa còn lưu giữ hệ thống cổ vật phong phú gồm 57 pho tượng Phật có niên đại thời Lê và thời Nguyễn, trong đó có tượng Trúc Lâm tam tổ, 12 bức đại tự, 12 câu đối, 738 bản khắc kinh Phật, 7 bia đá có niên đại thời Lê và thời Nguyễn, nhiều cổ vật khác có chất liệu gỗ, gốm, đồng…

Chùa An Ninh được xếp hạng Di tích cấp quốc gia năm 1990.

Tác giả: Đặng Việt Thủy
Nhà 35, hẻm 120/4/3, ngõ 120, đường Hoàng Hoa Thám, P.Thụy Khuê, Q.Tây Hồ, Hà Nội

***

Tài liệu tham khảo:
– Viện Nghiên cứu văn hóa, Truyền thuyết dân gian người Việt, quyển 5, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội – 2009, trang 43-45.
– Và một số tài liệu khác.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường