Trang chủ Văn hóa Chùa Tứ Giáp – Nơi khởi nguyên Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân

Chùa Tứ Giáp – Nơi khởi nguyên Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân

Chùa Tứ Giáp ở Tân Yên – Bắc Giang đã trở thành điểm đến an toàn cho các cơ quan từ trung ương đến địa phương. Thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trở lại, ngôi chùa là trụ sở của Công an Khu XII.

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Chùa Tứ Giáp ở Tân Yên – Bắc Giang đã trở thành điểm đến an toàn cho các cơ quan từ trung ương đến địa phương. Thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trở lại, ngôi chùa là trụ sở của Công an Khu XII.

TS.Bùi Thị Ánh Vân & SV.Nguyễn Tùng Thảo Chi
Trường Đại học KHXH & NV – Đại học Quốc gia Hà Nội
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 9/2023

Tóm tắt: Trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược trở lại (1945-1954), chùa Tứ Giáp (Thị trấn Nhã Nam, Tân Yên, Bắc Giang) là một trong những địa chỉ đỏ của cách mạng Việt Nam. Ngôi thiền tự ở Nhã Nam được Công an Khu XII tin cậy đặt trụ sở đóng quân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Tại đây, năm 1948, lực lượng công an nhân dân Việt Nam đã nhận được lá thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh với những lời huấn thị vô cùng ý nghĩa. Đã 75 năm trôi qua, lời căn dặn của Bác năm nào đã trở thành nguyên tắc thiết yếu, giúp cán bộ, chiến sĩ công an trong suy nghĩ, tư tưởng và hành động đúng đắn trong nghề nghiệp – mà theo Người, đó là “Công bộc của dân”. Bài viết đề cập hai nội dung chính: Ngôi chùa gắn bó với Công an khu XII thời kỳ kháng chiến chống Pháp; Bức thư Bác Hồ và sáu điều dạy lực lượng Công an Nhân dân.
Từ khóa: Chùa Tứ Giáp, Sáu điều Bác Hồ dạy Công an Nhân dân, Nhập thế, Phật giáo Việt Nam.

Dẫn nhập:

“Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông”(1)

Phật giáo Việt Nam (PGVN) luôn đồng hành cùng dân tộc. Trong thời kỳ cách mạng giải phóng dân tộc, Phật giáo đã có những đóng góp to lớn. Chùa Tứ Giáp ở Tân Yên – Bắc Giang đã trở thành điểm đến an toàn cho các cơ quan từ trung ương đến địa phương. Thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trở lại, ngôi chùa là trụ sở của Công an Khu XII. Những trang sử đẹp và hào hùng của ngành công an Việt Nam từ đây đã được viết lên, gắn với dáng hình ngôi thiền tự thân thương của người dân làng Nguộn vùng Tây Yên Tử.

1. Ngôi chùa gắn bó với Công an khu XII thời kỳ kháng chiến chống Pháp

Chùa Tứ Giáp tọa lạc trên khu đất cao ráo, thoáng đãng tại thôn Nguộn, Thị trấn Nhã Nam(2), Tân Yên, Bắc Giang. Ngôi thiền tự được mệnh danh là “danh lam cổ tích đệ nhất vùng Yên Thế” cũ. Trong thời gian điền dã nơi đây, chúng tôi được biết, chùa còn có nhiều tên gọi khác nhau, như: Chùa Đại Phúc, chùa Nguộn, chùa gốc Gạo, chùa Nhã Nam… Những tên gọi này đều gắn liền với lịch sử của địa phương.

Trong lịch sử, Nhã Nam đã từng là thủ phủ của Yên Thế xưa. Truyền thuyết dân gian Bắc Giang có lưu lại nhiều câu chuyện với nội dung khắc ghi những trang sử hào hùng của địa phương(3) gắn với các anh hùng dân tộc. Trong số này, nổi tiếng là câu chuyện về nữ anh hùng – “Nàng Giã Đại thần”(4), Dương Văn Truật (Đề Truật)(5)…

Đến đầu thế kỷ XX – đặc biệt, từ khi có Đảng lãnh đạo (từ 1930), nhân dân Bắc Giang nói chung và nhân dân Nhã Nam nói riêng đã sớm giác ngộ cách mạng. Sự nhiệt tình và dũng cảm của người dân nơi đây đã góp phần xây dựng cơ sở cách mạng vùng Yên Thế. Đầu năm 1945, khi cuộc chiến tranh thế giới thứ hai đi vào giai đoạn chót với khả năng thất bại thuộc về phe phát xít(6), chùa Tứ Giáp là một trong những địa điểm tin cậy được lựa chọn cho việc tổ chức các cuộc họp của Đảng bộ địa phương để đưa ra những quyết định quan trọng(7). Đêm ngày 16 – rạng sáng ngày 17/7/1945, lực lượng cách mạng Nhã Nam và vùng Yên Thế tiến hành khởi nghĩa vũ trang, đánh chiếm phủ Yên Thế, giành chính quyền(8).

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc So Thang 9.2023 Chua Tu Giap Noi Khoi Nguyen 6 Dieu Bac Ho Day Cand 1

Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám (8/1945), nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Nhưng ngay sau đó, toàn dân tộc Việt Nam đã phải bước ngày vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trở lại. Ngày 19/12/1947, nhân dịp kỷ niệm một năm ngày toàn quốc kháng chiến, trong lời kêu gọi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn chiến sĩ, đồng bào cả nước: “Cho nên dân và quân ta phải luôn gắng sức cẩn thận chuẩn bị đề phòng, luôn luôn tấn công địch và phá hoại địch, tuyệt đối chớ tự kiêu, chớ khinh địch”(9).

Trong lịch sử dân tộc, nhiều nhà tu hành Phật giáo và phật tử đã thực hiện những cuộc nhập thế vĩ đại. Họ đã tham gia tích cực cùng cộng đồng giải quyết các vấn đề xã hội một cách hiệu quả. Không chỉ là nơi hoằng truyền Phật pháp, nhiều ngôi chùa ở chiến khu Việt Bắc cũng là nơi diễn ra các sự kiện trong đại của lịch sử dân tộc Việt Nam(10). Đương thời, Công an Khu XII đóng quân tại chùa Tứ Giáp (Nhã Nam, Tân Yên, Bắc Giang) (11). Ông Hoàng Mai(12) là Giám đốc của Công an Khu XII, cũng đồng thời là chủ bút tờ báo “Bạn dân”(13). Và số báo Tết Mậu Tý 1948 đã được ông Hoàng Mai – Giám đốc Công an Khu XII, gửi tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

2. Bức thư Bác Hồ và sáu điều dạy lực lượng Công an Nhân dân

Sau khi nhận được báo Tết từ Công an Khu XII biếu và lời đề nghị được Bác dạy cách làm báo, nghiệp vụ công an của ông Hoàng Mai, vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa rất vui. Ngay sau đó, Người đã viết một bức thư gửi Giám đốc Công an Khu XII và lực lượng công an nhân dân (CAND). Ngày 11/3/1948, Thiếu tướng Mai vừa kết thúc chuyến công tác ở Nha Công an Trung ương trở về chùa Tứ Giáp, liền nhận được lá thư của Bác(14). Trong thư Bác có nêu 6 lời dạy về tư cách người công an cách mạng. Nội dung thư có đoạn:

“Gửi đồng chí Hoàng Mai,

Bác đã nhận được thư và báo cháu gửi tặng Bác. Bác thấy có sự cố gắng, đáng hoan nghênh. Nhưng theo cháu nói tờ báo từ 24 đến 32 trang thì dài quá. Cần làm ngắn lại và viết những vấn đề thật thiết thực để mọi người đọc đều có thể hiểu và làm được. Như thế mới có tác dụng giúp đẩy mạnh công tác, đẩy mạnh thi đua. Trên báo, cần thường xuyên làm cho anh chị em công an nhận rõ công an của ta là công an nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ và dựa vào nhân dân mà làm việc.

Nhân dân ta có hàng chục triệu người và hàng mấy chục triệu tai, mắt, tay, chân. Nếu biết dựa vào nhân dân thì việc gì cũng xong.

Trên tờ báo phải luôn nhắc nhở anh em rèn luyện tư cách đạo đức. Tư cách người Công an Cách mệnh là:

Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính Đối với đồng sự, phải thân ái, giúp đỡ

Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành Đối với nhân dân, phải kính trọng lễ phép

Đối với công việc, phải tận tụy

Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo.

Nói tóm lại, là những đạo đức và tư cách mà người công an cách mạng phải có, phải giữ cho đúng. Những điều đó, chẳng những nên luôn luôn nêu trên báo mà lại nên viết thành ca dao cho mọi người công an học thuộc, nên viết thành khẩu hiệu, dán tại những nơi các anh em công an thường đến (bàn giấy, nhà ăn, phòng ngủ…).

Ngoài ra, công an thường phải kiểm soát nhân viên và công việc của mình. Mỗi công an viên đóng chỗ nào thì cần truyền đạt cho dân quân tự vệ nơi đó cách điều tra, xét giấy, phòng gian… Dạy cho dân ở nơi đó giữ bí mật. Và tự mình phải luôn luôn giữ lễ phép, tránh hách dịch…”(15)

Như vậy, khởi nguồn Sáu điều Bác Hồ dạy công an nhân dân (CAND) xuất phát từ ngôi chùa cổ làng Nguộn ở Nhã Nam. Ngay sau đó, lời dạy của Bác đã được in trên báo Bạn dân và lan tỏa trong toàn bộ cán bộ, chiến sỹ lực lượng CAND. Tìm hiểu về hoạt động của Công an Khu XII thời gian ở Tân Yên và về bức thư của Bác Hồ gửi ông Hoàng Mai, ông từ trông coi chùa Tứ Giáp là Nguyễn Đức Cư luôn nhiệt tình kể lại câu chuyện này và đưa các nhà nghiên cứu, các phóng viên và những người yêu thích giá trị lịch sử dân tộc thăm khu di tích năm xưa. Dừng chân ở ngôi nhà cũ mà trước kia các cán bộ Công an Khu XII làm việc, ông Cư hào hứng nói với chúng tôi về cách chuyển tải bức thư của Bác đến với các cán bộ, chiến sỹ CAND và người dân. Theo đó, Sáu điều Bác Hồ dạy CAND được in trên giấy pô-luya với bản khắc chữ bằng đất sét(16).

Bức thư được viết cách đây đã 75 năm, nhưng lời dạy bảo của Hồ Chủ tịch đối với cán bộ, chiến sĩ công an đến nay vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc về chuẩn mực đạo đức, tư tưởng giáo dục. Những lời căn dặn của Bác trở thành phương châm hành động và thái độ ứng xử mà mỗi cán bộ, chiến sỹ công an dù ở bất kỳ cương vị, hoàn cảnh nào, trong suốt cuộc đời hoạt động của mình cũng đều phải rèn luyện, phấn đấu thực hiện. Có thể thấy, nội dung được đề cập trong bức thư của Bác Hồ gửi Thiếu tướng Hoàng Mai năm 1948 là những phẩm chất không thể thiếu, là nhân tố quyết định để mỗi cán bộ, chiến sĩ công an hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Những lời huấn dạy của vị Chủ tịch nước kính yêu chính là kim chỉ nam trong mọi tư tưởng, hoạt động để lớp lớp cán bộ, chiến sỹ CAND noi theo, phấn đấu trong học tập, rèn luyện, chiến đấu, xứng danh với phẩm chất người chiến sĩ CAND Việt Nam anh hùng.

Lá thư của Bác đến ngôi chùa cổ ở vùng núi rừng Việt Bắc những năm tháng gian khổ trường kỳ kháng chiến, đã trở thành lời huấn thị, có ý nghĩa định hướng người chiến sĩ công an trong việc giải quyết các mối quan hệ trong xã hội. Đó là mối quan hệ từ gần đến xa, từ cái riêng đến cái chung, mà giữa các mối quan hệ đó là những đức tính, những nhân cách được khái quát hóa cao, tạo nên phẩm chất của người chiến sỹ CAND.

Tỏ lòng tưởng nhớ và biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Nhã Nam và chính quyền địa phương chung tay xây dựng Nhà thờ Bác Hồ tại thôn Nguộn (2010)(17). Tiếp đó, Bộ Công an chủ trương xây dựng Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy CAND ở Thị trấn Nhã Nam và khánh thành vào năm 2018. Nói về ý nghĩa của công trình này, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Thành khẳng định: “Khu lưu niệm là địa chỉ đỏ rất quan trọng trong lòng mỗi cán bộ, chiến sỹ CAND”(18).

Nhà thờ Bác Hồ và Khu lưu niệm 6 điều Bác Hồ dạy CAND luôn là niềm tự hào của người dân thôn Nguộn nói riêng và người dân Bắc Giang nói chung. Lời dạy của vị Chủ tịch nước trong những năm tháng lịch sử hào hùng đó không chỉ dành cho lực lượng CAND, mà còn có ý nghĩa to lớn đối với người dân nơi đây.

TS.Bùi Thị Ánh Vân & SV.Nguyễn Tùng Thảo Chi
Trường Đại học KHXH & NV – Đại học Quốc gia Hà Nội
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 9/2023

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, 2000, tập 5, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
2. Phạm Thị Xuyến (2015), Khảo sát truyền thuyết dân gian dân gian Bắc Giang, Luận văn Thạc sĩ – Chuyên ngành: Văn học dân gian, Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS Nguyễn Thị Nguyệt, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội.
3. Bùi Thị Ánh Vân (2022), Tài liệu phỏng vấn với ông Nguyễn Văn Bích – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND Thị trấn Nhã Nam, ngày 15/8/2022, tài liệu cá nhân.
4. Bùi Thị Ánh Vân (2022), Tài liệu phỏng vấn với ông Nguyễn Đức Cư – Người trông coi chùa Tứ Giáp, ngày 16/8/2022, tài liệu cá nhân.
5. Bùi Thị Ánh Vân, “Chùa Đán – Đại bản doanh của cách mạng Thái Nguyên trong Tổng khởi nghĩa giành chính quyền toàn quốc (8/1945)”, in trong: Thích Nguyên Thành, Đỗ Lan Hiền (Chủ biên/2022), Phật giáo Thái Nguyên lịch sử và hiện tại, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
6. Wells, Anne Sharp (2013), Historical Dictionary of World War II: The War against Germany and Italy, Scarecrow Press, Lanham city, US, ISBN 0810879441.
TÀI LIỆU ĐIỆN TỬ:
7. Trần Đình Dũng (2022), Sự kiện giải phóng Phủ Yên Thế ngày 17/7/1945 trên vùng đất Nhã Nam, https://www.moitruongvadothi. vn/, 31/12/2022, ngày truy cập: 04/5/2023.
8. Nguyễn Hưởng, Huyền thoại Nàng Giã đại thần và Cụm di tích Lý Cốt, Báo Bắc Giang, http://www.didulich.net/, ngày truy cập: 20/4/2023.
9. Hồng Hà (2018), Địa danh Nhã Nam và dấu ấn lịch sử, Trang Điện tử của Báo Công an Nhân dân – Cơ quan ngôn luận của Bộ Công an Việt Nam, https://cand.com.vn/, 11/3/2018, ngày truy cập: 12/6/2023.
10. Việt Hà (2018), Chuyện ghi ở Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy, Trang Điện tử của Báo Công an Nhân dân – Cơ quan ngôn luận của Bộ Công an Việt Nam, https://cand.com.vn, 18/8/2018, ngày truy cập: 15/5/2023.
11. Trần Duy Hiển (2018), Vị Giám đốc Công an khu XII và kỉ vật bức thư lịch sử, Trang Điện tử của Báo Công an Nhân dân – Cơ quan ngôn luận của Bộ Công an Việt Nam, https://cand.com.vn/Cong-an/, 11/3/2018, ngày truy cập: 16/4/2023.
12. Ngôi chùa ghi dấu Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, Trang Điện tử của Báo Công an Nhân dân – Cơ quan ngôn luận của Bộ Công an Việt Nam, https://congan.com.vn/, 10/3/2018, ngày truy cập: 12/7/2023.
13. Nữ tướng Việt Minh Hà Thị Quế, Cổng Thông tin Điện tử huyện Tân Yên-tỉnh Bắc Giang, https://tanyen.bacgiang.gov.vn/, 27/10/2022, ngày truy cập: 11/4/2023.

CHÚ THÍCH:
(1) Thơ của Hòa thượng Mãn Giác.
(2) Nhã Nam đã từng là thủ phủ của Yên Thế xưa. Yên Thế thuộc vùng Đông Bắc Bộ, nằm ở phía tây bắc tỉnh Bắc Giang, có địa hình đồi núi trung du, giáp với hai tỉnh Thái Nguyên và Lạng Sơn. Đây là nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa chống lại thực dân Pháp gần 30 năm (1884 – 1913) do người anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám lãnh đạo. Hiện nay trên đất Yên Thế còn lưu lại được nhiều di tích quý báu của Khu di tích khởi nghĩa Yên Thế: Năm 1957 chuyển xã Hợp Tiến về huyện Đồng Hỷ của tỉnh Thái Nguyên quản lý.
(3) Xem:
– Phạm Thị Xuyến (2015), Khảo sát truyền thuyết dân gian dân gian Bắc Giang, Luận văn Thạc sĩ, chuyên ngành: Văn học dân gian, Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS Nguyễn Thị Nguyệt, Trường Đại học KHXH & Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội.
– Nguyễn Hưởng, Huyền thoại Nàng Giã đại thần và Cụm di tích Lý Cốt, Báo Bắc Giang, http://www.didulich.net/van-hoa/, ngày truy cập: 20/4/2023.
(4) Truyền thuyết “Nàng Giã Đại thần” kể về bà Dương Thị Giã Bà – người làng Chuông (Nhã Nam). Thời Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa (năm 40 sau công nguyên), bà đã trưng tập nhiều nữ nghĩa binh, về hội quân với lực lượng của vua Bà, chống lại ách đô hộ của phong kiến phương Bắc. Đến nay, bà Dương Thị Giã vẫn được thờ tại đình làng Chuông (Thị trấn Nhã Nam, Tân Yên)
(5) Dương Văn Truật tức Đề Truật hay Đề Hậu (? – khoảng 1893) là một danh tướng của cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Hiện nay, ông được thờ cúng ở đình làng Chuông (Nhã Nam).
(6) Wells, Anne Sharp (2013), Historical Dictionary of World War II: The War against Germany and Italy, Scarecrow Press, Lanham city, US, ISBN 0810879441, p.255.
(7) Hồng Hà (2018), Địa danh Nhã Nam và dấu ấn lịch sử, Trang Điện tử của Báo Công an Nhân dân – Cơ quan ngôn luận của Bộ Công an Việt Nam, https://cand.com.vn/Cong-an/, 11/3/2018, ngày truy cập: 12/6/2023.
(8) Xem:
– Trần Đình Dũng (2022), Sự kiện giải phóng Phủ Yên Thế ngày 17/7/1945 trên vùng đất Nhã Nam, https://www.moitruongvadothi. vn/, ngày truy cập: 04/5/2023;
– Nữ tướng Việt Minh Hà Thị Quế, Cổng Thông tin Điện tử huyện Tân Yên-tỉnh Bắc Giang, https://tanyen.bacgiang.gov.vn/chi-tiet- tin-tuc/, 27/10/2022, ngày truy cập: 11/4/2023.
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, 2000, tập 5, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.314.
(10) Bùi Thị Ánh Vân, “Chùa Đán – Đại bản doanh của cách mạng Thái Nguyên trong Tổng khởi nghĩa giành chính quyền toàn quốc (8/1945)”, in trong: Thích Nguyên Thành, Đỗ Lan Hiền (Chủ biên/2022), Phật giáo Thái Nguyên lịch sử và hiện tại, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.165-179.
(11) Hồng Hà (2018), Địa danh Nhã Nam và dấu ấn lịch sử, tài liệu đã dẫn.
(12) Công an Khu XII được giao nhiệm vụ chiến đấu trong phạm vi địa bàn 7 tỉnh, gồm: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Yên, Hải Ninh và Hồng Gai. Thiếu tướng Hoàng Mai tên thật là Nguyễn Danh Chỉ, ông trở thành giám đốc của Công an khu XII vào năm 1948, lãnh đạo các chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ duy trì, giữ gìn trật tự an ninh, xã hội, bảo vệ Đảng và nhân dân, chống lại các thế lực phản động. Người cán bộ xuất sắc ấy của Đảng sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu lòng yêu nước tại làng Đình Bảng, thuộc huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Tình yêu nước mang tính truyền thống ấy đã khắc sâu vào trong trái tim của ông, tạo động lực cho người công an trẻ tuổi luôn trong tâm thế sẵn sàng đối mặt với mọi khó khăn để bảo vệ, ổn định trật tự của đất nước.
(13) Trần Duy Hiển (2018), Vị Giám đốc Công an khu XII và kỉ vật bức thư lịch sử, Trang Điện tử của Báo Công an Nhân dân – Cơ quan ngôn luận của Bộ Công an Việt Nam, https://cand.com.vn/Cong-an/, 11/3/2018, ngày truy cập: 16/4/2023.
(14) Trần Duy Hiển (2018), Vị Giám đốc Công an khu XII và kỉ vật bức thư lịch sử, tài liệu đã dẫn.
(15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, 2000, tập 5, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.406 – 407.
(16) Bùi Thị Ánh Vân (2023), Tài liệu phỏng vấn với ông Nguyễn Đức Cư – Người trông coi chùa Tứ Giáp, ngày 16/8/2022, tài liệu cá nhân.
(17) Nội dung phỏng vấn của tác giả với ông Nguyễn Văn Bích – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND Thị trấn Nhã Nam, ngày 15/8/2022, tài liệu cá nhân.
(18) Ngôi chùa ghi dấu Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, Trang Điện tử của Báo Công an Nhân dân – Cơ quan ngôn luận của Bộ Công an Việt Nam, https://congan.com.vn/tin-chinh/, 10/3/2018, ngày truy cập: 12/7/2023.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường