Chùa Hộ Quốc là một ngôi chùa cổ khá nổi tiếng ở số 130 đường Nguyễn Khoái, phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Trước kia chùa có tên là “chùa An Khánh”; từ thời Lê Trung Hưng, được gọi là Hộ Quốc. Hiện nay, chùa còn được gọi theo địa danh là chùa Thanh Lương. Chùa Hộ Quốc là một di tích cổ, đẹp, bề thế có giá trị. Chùa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) xếp hạng di tích kiến trúc, nghệ thuật ngày 9/1/1990.

Đầu thế kỷ 19, chùa thuộc địa phận thôn Hộ Quốc, tổng Hậu Nghiêm, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức. Từ 1954 tới nay, chùa Hộ Quốc thuộc phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Tọa ngự trên một khuôn viên đất khá rộng, ngoài các công trình kiến trúc, chùa còn có sân, vườn cây ở xung quanh. Khu đất thoáng, phía trước có một khoảng sân rộng được lát gạch, bên ngoài sân có trồng các loại cây dừa, đại, hoa lan, tạo sự thoáng mát.

Chùa Hộ Quốc. Ảnh: st
Chùa Hộ Quốc. Ảnh: st

Chùa chính gồm 2 phần kiến trúc: tiền đường, thượng điện, bố cục mặt bằng chữ “Đinh”. Tiền đường làm đầu hồi bít đốc tay ngai, có 5 gian 2 dĩ, ở 2 đầu hồi đắp trụ biểu, có hiên ở suốt phía trước tiền đường, cột hiên làm bằng xi măng giả gỗ, trên là trụ đỡ kẻ trường. Kết cấu 6 bộ vì đều làm theo một mẫu chung thống nhất: Thượng giá chiêng, Trung chồng xà, vì hạ là bẩy gối tường ở sau, phía trước là kẻ gối cột hiên. Từ trong ra hiên có tường gạch chừa các khuôn cửa lắp cánh gỗ và bậu ngưỡng cao…

Tổng thể các công trình kiến trúc của chùa khá vững chắc, tương đối bề thế. Các cấu kiện kiến trúc được bào trơn, ghép bén soi gờ, kết hợp với những đường cong của xà chồng, kẻ chuyền đã tạo cho kiến trúc chùa bề thế nhưng vẫn có sự uyển chuyển mềm mại. Bên cạnh chùa chính, còn có một số công trình kiến trúc khác như: điện mẫu, nhà tổ, nhà khách, nhà sư ở… Các công trình này chủ yếu được làm về sau, có phần đơn giản. Tuy vẫn giữ khung mái ngói, nhưng có đan xen hiên bê tông và sử dụng một sốt vật liệu xây dựng mới và được tu bổ, quy hoạch lại vào năm 1973. Các công trình phụ trợ liền thành một dãy liên tục ôm lấy phía sau và một phần bên trái chùa chính. 

Chính điện chùa Hộ Quốc. Ảnh: st
Chính điện chùa Hộ Quốc. Ảnh: st

Chùa Hộ Quốc cũng giống như đại đa số các ngôi chùa khác ở các tỉnh phía Bắc, chùa cũng có một hệ thống tượng giống như các chùa khác: Tam thế Phật, Phật Liên Hoa, Anan Ca diếp, Quán Thế Âm Bồ tát, Đại Thế Chí Bồ tát,… Phần lớn tượng của chùa Hộ Quốc tương đối lớn và đa số chất liệu bằng gỗ mít. Cách bố trí ban Tam bảo cũng có điều khác lạ hơn so với các chùa khác. Thường thường, các chùa xây bệ gạch giật cấp sau đó đặt tượng, còn ở đây xây các bệ và đài sen riêng cho từng pho tượng, nâng cấp theo từng cấp.

Việc bố trí tượng như vậy đã giữ cho chùa tương đối ổn định từ khi xây dựng và đặt tượng. Có thể nói, ngay từ đầu, chùa đã có sự xếp đặt khá đồng bộ cả về tổng thể các kiến trúc và các pho tượng, tạo sự đồng bộ hài hòa. Hay nói cách khác, việc xây dựng và bố trí tượng của chùa như có một “tổng công trình sư” điều hành đồng bộ, có tính toán sắp xếp khá chặt chẽ.

Ảnh: st
Ảnh: st

Đến nay, chùa Hộ Quốc còn có một số lượng di vật cổ có giá trị lớn với hơn 30 pho tượng, 3 bia đá, 3 chuông đồng. Trong đó phải kể đến quả chuông thời Tây Sơn, niên hiệu Cảnh Thịnh – 1978. Bên cạnh đó còn có các di vật khác như: Hoành phi, câu đối, đặc biệt là các bức y môn và cửa võng được làm đầu thế kỷ 20 với các chạm trổ cầu kỳ tinh xảo. Các bức đại tự, y môn của chùa vừa là di vật đồ thờ quý, vừa góp phần trang trí cho kiến trúc của chùa thêm sinh động và uyển chuyển.

Quả chuông thời Tây Sơn có bài minh ghi rõ: Chùa này do đức Tinh Lang đại vương thời vua Lý Thánh Tông (1054 – 1048) xây dựng với tên gọi lúc đó là chùa An Khánh. Chùa xây dựng là nơi để nhân dân thờ cúng, tụng kinh niệm Phật diệt trừ thói xấu gây thiện cho đời. Cũng theo bài minh, có sự việc: vào thế kỷ 16, lúc xảy ra âm mưu thoán nghịch cướp ngôi vua Lê của “Mạc Đăng Dung”, trong đêm vua nằm ngủ ở chùa, một vị thần đã báo mộng: phải đi ngay để tránh tai họa.

Nhờ đó, vua Lê kịp thời tránh đi, trước khi quân nhà Mạc đến. Không tìm được vua Lê, quân Mạc đã đốt phá chùa. Sau này, khi nhà Lê khôi phục lại quyền bính, để ghi nhớ công ơn, vua đã cho trùng tu và sửa chữa chùa, và đã ra sắc chỉ đổi tên chùa là Hộ Quốc. Từ đó, tên chùa Hộ Quốc ra đời và tồn tại cho đến ngày nay.

Ảnh: st
Ảnh: st
Ảnh: st
Ảnh: st
Ảnh: st
Ảnh: st
Ảnh: st
Ảnh: st

Nguồn: https://phatgiaohanoi.vn/chua-ho-quoc-hai-ba-trung.html

Nguồn ảnh: https://360ditich.haibatrung.hanoi.gov.vn/vi/gallery/details/di-tich-kien-truc-nghe-thuat-chua-ho-quoc-7