Vùng đất Tiền Giang vốn nổi tiếng với nhiều danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp mang đậm bản sắc vùng sông nước miệt vườn miền Tây Nam Bộ. Đặc biệt có một công trình Phật giáo nổi tiếng là chùa Vĩnh Tràng – một ngôi chùa độc đáo có nét giao thoa văn hóa phương Đông và phương Tây cùng hội tụ.
Chùa Vĩnh Tràng tọa lạc trên đường Nguyễn Trung Trực, ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, Việt Nam. Đầu thế kỷ 19, chùa được ông Bùi Công Đạt bắt đầu xây dựng. Năm 1849, Hòa thượng Thích Huệ Đăng ở chùa Giác Lâm (Gia Định) về trụ trì đã tổ chức xây dựng thành ngôi đại tự và đặt tên là chùa Vĩnh Trường với ngụ ý ước cho chùa được "Vĩnh cửu đối sơn hà, trường tồn tề thiên địa". Người dân vùng lân cận đến nay vẫn quen gọi là chùa Vĩnh Tràng.
Kiến trúc chùa Vĩnh Tràng
Chùa Vĩnh Tràng được xây dựng theo lối kiến trúc tổng hợp, giao thoa giữa nền kiến trúc Á – Âu như kiến trúc Pháp, La Mã, Thái, Miên và Chàm, trục chính của chùa theo dạng chữ Quốc, gồm 4 gian nối tiếp nhau: tiền đường, chính điện, nhà tổ và nhà hậu, rộng 14.000m², dài 70m, rộng 20m, xây bằng xi măng và gỗ quý, nền đúc cao 1m, xung quanh xây tường vững chắc.
Phía trước chùa Vĩnh Tràng có hai cổng tam quan quy mô và tráng lệ, được xây vào năm 1933 theo lối kiến trúc cổ lầu. Điểm đặc biệt của cổng tam quan này là ở nghệ thuật ghép những mảnh sành sứ có để minh họa cho lịch sử nhà Phật với đủ hình dáng của long, lân, quy, phượng, ngư, tiều, canh, mục,… vô cùng ấn tượng và đặc sắc.
Cấu trúc bên trong chùa có 178 cột, 2 sân thiên tĩnh và 5 lớp nhà chùa. Chùa có 7 bộ bao lam chính (cùng nhiều bao lam phụ) được thếp vàng, chạm hình Bát tiên cưỡi thú, thần Mặt trời và thần Mặt trăng do các nghệ nhân địa phương chạm trổ công phu vào khoảng năm 1907-1908.
Trong chùa có khoảng 60 tượng quý được tạo tác bằng đồng, gỗ và đất nung được thếp vàng rực rỡ. Bộ tượng cổ nhất ở chùa Vĩnh Tràng là bộ Tam Tôn cổ (Di Đà, Quán Âm, Thế Chí, cao 93cm) bằng đồng to bằng người thật.
Tượng Ngọc Hoàng cùng phong cách với tượng Già lam, Đạt ma ở chùa Bửu Lâm cũng bằng đồng to bằng người thật. Khác với thông lệ xưa nay, Ngọc Hoàng ở đây không có Nam Tào, Bắc Đẩu cầm sổ sinh tử đứng đầu hai bên mà thay vào đó là ông Thiện, ông Ác.
Hai bên tường chính điện là bàn thờ Thập điện Minh vương Bồ tát. Đặc biệt, nổi bật hơn cả và có giá trị nghệ thuật nhất là bộ tượng Thập bát La Hán được tạc bằng gỗ mít có một không hai của vùng đồng bằng sông Cửu Long do các nghệ nhân tạc vào năm 1907. Đây là bộ tượng được chạm khắc theo mô thức cảm hứng dân gian nên rất sinh động, uyển chuyển và phóng khoáng. Mỗi vị La Hán cưỡi trên lưng một con mãnh thú; tay cầm bảo bối riêng của mình tượng trưng cho các giác quan mà giáo lý nhà Phật gọi là lục căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý; ở 3 thời: quá khứ, hiện tại và vị lai.
Ngoài ra chùa hiện còn sở hữu hơn 20 bức tranh sơn thủy có giá trị. Tuy ảnh hưởng tranh vẽ Trung Quốc nhưng những bức vẽ đều mang đậm nét dân gian Việt Nam, in hình "Mai, lan, cúc, trúc" và phong cảnh Việt Nam. Các bức tranh là công trình của Long Giang cư sĩ phác họa năm 1904. Những bức hoành, câu đối trong chùa được điêu khắc chữ nổi thếp vàng như những chữ "Hoàng kim bửu điện" được khắc từ năm 1851.
Trong chùa có chiếc chuông Đại Hồng Chung cao 1,2m; nặng khoảng 150kg được đúc bằng đồng vào giữa tháng 5 năm 1854; thân chuông có khắc chữ "Vĩnh Trường tự" tiếng chuông làm tăng thêm sự trầm mặc, u tịch của ngôi chùa. Cũng tại đây, chúng ta sẽ bắt gặp những hoa văn theo kiểu thời Phục Hưng, vòm cửa theo kiểu La Mã, bông sắt Pháp, gạch men Nhật Bản,…chữ Hán viết theo lối chữ Triện cổ kính, còn chữ quốc ngữ viết theo lối chữ Gô-tích.
Những pho tượng khổng lồ tại Chùa Vĩnh Tràng Tiền Giang
Chùa Vĩnh Tràng Tiền Giang gây trầm trồ vì sở hữu những kiến trúc hình điêu khắc cùng tượng Phật được thếp vàng óng ánh vô cùng đặc biệt. Chi tiết này vừa là điểm nhấn cho không gian chùa, vừa để phòng chống mối mọt. Chính điện được nâng đỡ bằng những cây cột gỗ to lớn từ các loại gỗ quý hiếm, bên dưới được đổ lớp bê tông vững chắc.
Chùa Vĩnh Tràng có đến khoảng 60 tượng Phật được đúc bằng nhiều loại vật liệu khác nhau như gỗ, đồng, xi măng, đất nung và toàn bộ được sơn son thếp vàng, có niên đại từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Nổi bật nhất trong số đó phải kể đến:
Tượng Phật Di Lặc: Pho tượng được khánh thành vào năm 2010 làm bằng chất liệu bê tông, cốt thép có chiều cao lên đến 20 m và nặng khoảng 250 tấn. Bên trong tượng Phật còn được tận dụng để thiết kế cơ quan làm việc của Ban Trị Sự Phật Giáo tỉnh Tiền Giang. Trong đó có giảng đường và nơi nghỉ phục vụ cho 200 người.
Tượng Phật A Di Đà: Pho tượng Phật A Di Đà được khánh thành năm 2008. Tượng đứng có chiều cao tính từ chân đến đỉnh cao 18 m, bệ cao 7 m và nặng đến 150 tấn
Tượng Phật Thích Ca nằm: Nhiều người đến chùa tham quan thường hay hiểu lầm là tượng Phật A Di Đà. Tượng Phật Thích Ca này được hoàn thành vào năm 2013 với chiều dài 32 m, cao 10 m, nặng 250 tấn bằng chất liệu bê tông, cốt thép.
Tòa tháp cao 7 tầng: Bên cạnh những tượng Phật khổng lồ, uy nghiêm thì chùa Vĩnh Tràng còn có một tòa lầu tháp nằm ở phía sau. Tòa tháp này cao 7 tầng và đây mcũng là nơi lữu giữ tro cốt của các Phật tử và chư tăng trong chùa.
Với những giá trị lịch sử to lớn và kiến trúc độc đáo, chùa Vĩnh Tràng được công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1984, trở thành điểm du lịch tâm linh Miền Tây Nam Bộ thu hút đông đảo khách thập phương đến tham quan chiêm bái. Người dân đến đây không chỉ để ngắm một ngôi chùa lớn, mà còn đến để gửi gắm những ước vọng bình an, trải lòng mình trong một không gian yên bình, an tịnh.
Đến chùa Vĩnh Tràng, Quý Phật tử và du khách không chỉ được chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo, mà còn có cơ hội tham gia vào những hoạt động tâm linh ý nghĩa, như lễ cầu an, lễ phóng sinh, hay các khóa tu ngắn hạn. Đây là những trải nghiệm giúp tìm lại sự bình yên trong tâm hồn, gột rửa những muộn phiền của cuộc sống.
Tổng hợp: Minh Khang
Tham khảo
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%B9a_V%C4%A9nh_Tr%C3%A0ng
Bình luận (0)