Trang chủ Chuyên đề Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước Tây Nam bộ hiện nay

Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước Tây Nam bộ hiện nay

Có thể khẳng định rằng sự tồn tại của các cấp Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước, cùng với chức năng nhiệm vụ của Hội là rất quan trọng đối với sự phát triển của cộng đồng người Khmer ở vùng Tây Nam bộ.

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Có thể khẳng định rằng sự tồn tại của các cấp Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước, cùng với chức năng nhiệm vụ của Hội là rất quan trọng đối với sự phát triển của cộng đồng người Khmer ở vùng Tây Nam bộ.

Dương Bích Chi
Giảng viên trường cao đẳng Sư phạm Kiên Giang
Danh Diệu
Achar, Giảng viên Pali tại chùa RÀKUSALAPAMBENJAEY Sóc Xoài – Hòn Đất – Kiên Giang
Tham luận tại hội thảo về chủ đề: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 40 năm hội nhập và phát triển cùng đất nước” vào ngày 04-11-2021 tại Tp.HCM

Tóm tắt:
Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước (HĐKSSYN) Tây Nam bộ là tổ chức của chư Tăng Phật giáo Nam tông Khmer, ra đời theo chủ trương của Khu ủy Tây Nam bộ. Giai đoạn 1964 – 1975, Hội được xem là tổ chức chính trị, xã hội tham gia ủng hộ các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Từ năm 1991, hoạt động của Hội có tính chất như một tổ chức xã hội chính trị tham gia các hoạt động trên phương diện của đời sống xã hội1. 30 năm củng cố, tái lập và thành lập mới, Hội đã phát huy tốt vai trò tập hợp, vận động chư Tăng và Phật tử Khmer thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và đạt được nhiều kết quả thiết thực. Trong bài viết này, chúng tôi đề cập đến các thành tựu đạt được của HĐKSSYN nhằm khẳng định vị trí, chức năng cũng như nhiệm vụ của Hội đối với cộng đồng người Khmer Tây Nam bộ hiện nay.
Từ khóa: Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước; Khmer; Tây Nam bộ.

***

I. KHÁI QUÁT VỀ PHẬT GIÁO NAM TÔNG KHMER TÂY NAM BỘ VÀ HÌNH THÀNH HĐKSSYN TÂY NAM BỘ

1.1. Lịch sử phát triển của Phật giáo Nam tông Khmer Tây Nam bộ

Qua phân tích những đặc điểm lịch sử và vị trí địa lý thời kỳ Phù Nam, cho thấy Phật giáo du nhập bằng đường biển qua quá trình giao lưu buôn bán giữa Ấn Độ với các nước Đông Nam Á đến vùng đất Nam bộ ngày nay từ thế kỷ thứ II nhưng đến thế kỷ IV thì Phật giáo Nam tông (PGNT) mới được thể hiện rõ nét trên nền tảng của đạo Bà-la-môn. Thời điểm này, Phù Nam đang tồn tại nhiều tầng lớp xã hội nên PGNT tồn tại có lúc thịnh, lúc suy nhưng tư tưởng, văn hóa, đạo đức đã bám rễ và ảnh hưởng sâu sắc đến cộng đồng người Khmer; đến thế kỷ VII ở vùng Tây Nam bộ đã có chùa Khmer được xây dựng và tiếp đó đến thế kỷ XVIII hầu hết những nơi có đông người Khmer sinh sống đều có chùa hệ phái Nam tông.

PGNT trở thành tôn giáo truyền thống của người Khmer, đã đồng hành cùng người dân Khmer trong suốt quá trình lịch sử của dân tộc. Dù bất cứ hoàn cảnh nào, dù khó khăn gian khổ đến mấy, họ cũng luôn gắn bó với tôn giáo truyền thống của mình, thậm chí họ còn coi chùa chiền là niềm tin, là chỗ dựa tinh thần vững chắc. Mỗi khi có việc không lành xảy ra, họ thường tìm đến đây để van vái, cầu mong cho Phật, Pháp, Tăng phù hộ để sớm thoát nạn. Khi có chiến tranh, chùa là nơi để họ trú ẩn, để tránh mối hiểm nguy. Họ cho rằng, đây là vùng đất linh thiêng có thể che chở, có thể tránh được các mối đe dọa cuộc sống của họ, cho nên trong thời gian xảy ra chiến tranh, hầu hết người Khmer đã tập trung về sống xung quanh chùa để tránh bom đạn, tránh mối hiểm nguy cho bản thân, cho gia đình và người thân của họ [2].

1.2. Đặc điểm cơ bản của Phật giáo Nam tông Khmer (PGNTK) Tây Nam bộ

PGNTK gồm 02 chi phái Mahanikaya và Dhammayutta (thường gọi Thommadut) có mối quan hệ mật thiết với Phật giáo tại các quốc gia như: Srilanka, Thái Lan, Lào, Myanmar, Campuchia… Qua phân tích đặc điểm cơ bản về giáo lý, giới luật, lễ nghi, chi và giáo phái cho thấy: Giáo lý, giáo luật và thực hành lễ nghi trong PGNT không chỉ biểu hiện ở nội dung triết lý ẩn chứa bên trong mà quan trọng hơn là những nguyên tắc giáo dục đạo đức phù hợp với chuẩn mực, hành vi; cùng với sự ràng buộc trong mối quan hệ cộng đồng hướng Phật tử đến với cái “chân – thiện – mỹ”. Người Khmer tiếp nhận PGNT không phải với tư cách là một hệ tư tưởng, cùng các giáo lý cao siêu, thần bí mà là những điều rất gần gũi với tâm tư, tình cảm, tính cách người Khmer nên họ đã chấp nhận những giá trị mà tôn giáo này đã mang lại; đó là tư tưởng nhân đạo, tinh thần bác ái, rộng lượng, cứu khổ, cứu nạn, trừ gian, diệt bạo, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc, lành mạnh của con người.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Hoi doan ket su sai yeu nuoc tay nam bo 1

Hội đoàn kết Sư sãi Yêu nước tỉnh Trà Vinh

PGNT từ lâu đã in đậm trong tâm trí và chi phối mạnh mẽ đời sống tinh thần của các thế hệ người Khmer. Đối với đồng bào Khmer, triết lý Phật giáo là chân lý, đức Phật là niềm tin, ngôi chùa là điểm tựa về tinh thần, Sư sãi là tấm gương đạo đức. Vì vậy, mỗi người Khmer được sinh ra đã được xem mình là một người Phật tử. Ngoài ý nghĩa xuất gia để báo hiếu, tu gieo duyên còn tôi luyện đạo đức, tu sĩ PGNTK còn được trau dồi kiến thức và trí tuệ để phụng sự đạo pháp và dân tộc. PGNTK có hệ thống tổ chức 4 cấp là Trung ương, tỉnh, huyện, cơ sở (chùa). Các tổ chức này đều tập trung hoạt động về công tác tôn giáo, quan hệ với các đạo khác, quan hệ với các cấp chính quyền… nhằm giải quyết các công việc đạo sự [2].

1.3. Lịch sử ra đời của HĐKSSYN Tây Nam bộ

Trong ngôi nhà chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam có Phật giáo Nam tông Khmer. Dù là một hệ phái biệt truyền nhưng Phật giáo Nam tông Khmer trong quá trình hành đạo luôn thực hiện đạo pháp “nhập thế”, gắn đạo với đời. Tồn tại trong lòng dân tộc Việt Nam, Phật giáo Nam tông Khmer trong lịch sử cũng như hiện tại đã và đang có những đóng góp thiết thực cho việc xây dựng và phát triển đất nước theo phương châm hành đạo mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam đặt ra ngay từ ngày đầu thành lập (11/1981). Đó là “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội”.

Trong thời kỳ dân tộc Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ở miền Tây Nam bộ, Việt Nam, nơi cư trú tập trung của đồng bào Khmer, xuất hiện một tổ chức yêu nước mang tính đặc thù trong Phật giáo Nam tông Khmer, đó là: Hội đoàn kết Sư sãi Khmer yêu nước (Hội ĐKSSKMYN). Hội ra đời do tự thân vận động của hệ phái nhằm chống lại sự chia rẽ, phá hoại nội bộ của Mỹ Ngụy, đồng thời còn là một tổ chức có vai trò làm trung tâm đoàn kết, vận động Sư sãi, Phật tử Khmer yêu nước đứng lên kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bảo vệ đạo pháp, bảo vệ khóm ấp, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trên cơ sở Ban Sãi vận được thành lập trong thời kỳ kháng chiến chống Thực dân Pháp, năm 1964 khi hội đủ điều kiện, Hội ĐKSSKMYN chính thức được thành lập. Hội do Hòa thượng Thạch Som làm Hội trưởng. Tổ chức của Hội chia thành 3 cấp (Khu, tỉnh, huyện). Vai trò của Hội là tuyên truyền, vận động Sư sãi, Phật tử Khmer ủng hộ, tham gia phong trào cách mạng. Để hoạt động này mang tính hiệu quả, Hội gia nhập và là thành viên của Mặt trận giải phóng miền Tây Nam bộ.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước với trên 10 năm hoạt động Hội ĐKSSKMYN đã làm tròn sứ mệnh của mình. Hội trở thành trung tâm đoàn kết chức sắc, tín đồ Phật giáo Nam tông Khmer trong Mặt trận giải phóng, chống sự chia rẽ của Mỹ Ngụy, tạo nên sức mạnh tiềm tàng. Phần lớn chức sắc, tín đồ Phật giáo Nam tông Khmer tham gia vào Hội. Xuất hiện nhiều tấm gương chiến đấu anh dũng hy sinh của chức sắc, tín đồ trong việc bảo vệ, giải phóng phum sóc, chống địch càn quét, tiêu biểu như Hòa thượng Hữu Nhem sinh năm 1929 tại ấp Mũi Đước, xã Khánh Lâm, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, hy sinh ngày 10-7-1966.

Sau năm 1975 Hội ĐKSSKMYN tiếp tục hoạt động, tập hợp Sư sãi, tín đồ khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng quê hương mới với những việc làm thiết thực.

Tháng 11/1981 Hội ĐKSSKMYN (do Hòa thượng Dương Nhơn) làm trưởng đoàn cùng với 8 tổ chức, hệ phái Phật giáo cả nước vân tập về Thủ đô Hà Nội, thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Như vậy đến thời điểm này Hội ĐKSSKMYN chính thúc chấm dứt hoạt động. Mặc dù thế, tỉnh Hậu Giang (cũ) do nhu cầu nhiệm vụ và thực tế tại địa phương vẫn tiếp tục duy trì tổ chức này.

Song, những năm 1980 của thế kỷ XX tình hình chính trị xã hội cả nước nói chung và Tây Nam bộ nói riêng nảy sinh một số vấn đề phức tạp. Đồng thời nhận thấy trong tình hình mới, Hội ĐKSSKMYN cần thiết phải được khôi phục nhưng với một vai trò, chức năng mới, từ năm 1993 các tỉnh Tây Nam bộ lần lượt thành lập Hội ĐKSSKMYN. Đến nay có 8/9 tỉnh, thành phố miền Tây Nam bộ lần lượt thành lập (trừ tỉnh An Giang).2

II. CHỨC NĂNG VÀ NHIỆM VỤ CỦA HĐKSSYN TÂY NAM BỘ

2.1. Chức năng của HĐKSSYN Tây Nam bộ

Tập hợp, tuyên truyền, vận động chức sắc, Sư sãi và đồng bào Phật tử Khmer đoàn kết thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Phối hợp thống nhất hành động với các đoàn thể, tổ chức xã hội và các ngành chức năng. Phản ánh tâm tư, nguyện vọng của giới Sư sãi, đồng bào Phật tử và đề xuất ý kiến với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của tỉnh.

Tham gia các hoạt động của Phật giáo Nam tông Khmer đúng theo luật đạo và chính sách pháp luật hiện hành.

2.2. Nhiệm vụ của HĐKSSYN Tây Nam bộ

Chăm lo đời sống vật chất của các hội viên và Sư sãi ngoài Hội, chủ yếu bằng hướng dẫn lao động, phát triển sản xuất, góp phần xây dựng kinh tế nhà chùa bằng hình thức thích hợp của giới xuất gia, nhằm giảm bớt một phần đóng góp của đồng bào Phật tử. Vận động các hội viên và Sư sãi, đồng bào Phật tử thực hành tiết kiệm góp phần xây dựng đời sống văn hóa trong vùng đồng bào dân tộc Khmer.

Chăm lo việc tu hành của Sư sãi và đồng bào Phật tử theo phong tục, đạo pháp và đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Tham gia phát triển giáo dục trong nhà chùa; hướng dẫn khoa học kỹ thuật, tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước cho hội viên và Sư sãi.

Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, các phong tục tập quán và truyền thống tốt đẹp.

Phối hợp chặt chẽ với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam địa phương và các thành viên trực thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của địa phương trong mọi hoạt động xã hội. Hội giáo dục các hội viên và Sư sãi nâng cao ý thức cảnh giác, ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng tôn giáo, lợi dụng dân tộc để làm trái pháp luật.

Hằng năm, Hội có trách nhiệm báo cáo tình hình hoạt động của Hội với UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) và Ban Dân tộc tỉnh để theo dõi chỉ đạo.

Tuy phân chia ra làm 6 nhiệm vụ cụ thể, nhưng tựu chung lại nhiệm vụ của Hội là thực hiện Đạo pháp và gắn bó với dân tộc. Trong thực hiện Đạo pháp bao gồm cả việc duy trì đúng đắn nghi lễ tôn giáo với việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Vì với đồng bào Khmer, Phật giáo và văn hóa dân tộc gắn quyện với nhau.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Hoi doan ket su sai yeu nuoc tay nam bo 2

Ông Trần Thanh Mẫn và lãnh đạo Tỉnh ủy Sóc Trăng tặng quà cho các vị sư lãnh đạo Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng tháng 4/2021.

III. NHỮNG THÀNH TỰU ĐẠT ĐƯỢC CỦA HỘI VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA CHO CHỨC NĂNG VÀ NHIỆM VỤ CỦA HỘI HIỆN NAY

3.1. Những thành tựu đạt được của Hội

Là thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp dưới sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, trực tiếp là Ban Dân vận và Ban Tôn giáo tỉnh, Hội làm tốt công tác tuyên truyền đường lối chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, giáo dục lòng yêu quê hương đất nước. Hội thực hiện tốt vai trò là trung tâm đoàn kết. Nhờ đó chức sắc, tín đồ thấm nhuần, tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng, yên tâm tu học chăm lo phát triển kinh tế xã hội. Nhờ phát huy lòng yêu quê hương đất nước, đoàn kết trong cộng đồng chức sắc, tín đồ Phật giáo Nam tông Khmer nêu cao tinh thần cảnh giác, chống các luận điệu xuyên tạc lịch sử cũng như hiện tại góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở một vùng đất trong lịch sử và hiện tại có những diễn biến phức tạp về an ninh trật tự. Chức sắc tín đồ nhận thức rõ vai trò công dân của mình. Tham gia, hợp tác với các cơ quan chức năng giải quyết tốt những vụ việc phức tạp về chính trị.

Nét đặc trưng của Phật giáo Nam tông Tây Nam bộ gắn chặt với cộng đồng dân tộc Khmer, nên được gọi là Phật giáo Nam tông Khmer. Văn hóa phong tục của dân tộc Khmer gắn liền với nghi lễ, đời sống đạo đến độ khó lòng bóc tách bởi chúng hòa quyện với nhau. Vì vậy HĐKSSYN rất chăm lo với việc bảo tồn phong tục, tập quán của dân tộc, việc làm này góp phần quan trọng vào việc duy trì bản sắc văn hóa người Khmer và cũng là củng cố nền đạo. Việc bảo tồn, phát huy thể hiện cụ thể nhất là HĐKSSYN các địa phương tổ chức trọng thể, theo đúng truyền thống của Phật giáo Nam tông Khmer các lễ hội lớn hằng năm như Cholchnamthmay, Sendolta, Okombok, lễ Dâng y, lễ Phật đản, lễ hội đua ghe ngo, lễ Dâng y cà sa…

Trong những năm qua, các cấp Hội luôn quan tâm đến việc trùng tu, tôn tạo, xây dựng các cơ sở thờ tự mới. Với sự giúp đỡ, tạo điều kiện của cấp ủy Đảng, chính quyền và Mặt trận các địa phương, HĐKSSYN cùng với Ban Quản trị chùa đã vận động, quyên góp sửa chữa, tôn tạo nhiều ngôi chùa Khmer khang trang, đẹp đẽ, để chức sắc, Phật tử có điều kiện thuận lợi hơn trong tu tập và thực hành nghi lễ. Điều này làm cho chức sắc, Phật tử phấn khởi, thêm tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp.

Hội thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho Sư sãi, hành trì, tu học, in ấn hàng ngàn cuốn kinh sách bằng chữ Khmer, chữ Pali cấp phát đến tận chùa. Hằng năm, Hội cử các vị Sư đi học ở các trường trong nước như trường Bổ túc văn hóa trung cấp tỉnh Sóc Trăng, Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại thành phố Cần Thơ, Học viện Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh và đi du học, tu nghiệp ở nước ngoài. Một số vị đạt học vị Thạc sĩ. Việc làm này góp phần đào tạo Tăng tài cho Giáo hội. Khi chức sắc có học vấn cao việc truyền giảng Phật pháp sẽ tốt hơn, tránh được những lệch lạc thậm chí là những sai lầm.

Hội phối hợp hướng dẫn, vận động đồng bào Khmer phát triển sản xuất, chuyển đổi cây trồng vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật tăng năng suất chất lượng; xây dựng cơ sở hạ tầng làm thay đổi bộ mặt nông thôn góp phần vào việc xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, còn vận động các chùa, các Phật tử có nhiều đất ruộng chia sẻ cho các hộ nghèo mượn hoặc cho thuê với giá thấp để có điều kiện sản xuất. Nhờ đó đời sống của người dân ngày một nâng cao, góp phần vào việc xóa đói giảm nghèo một cách có hiệu quả.

HĐKSSYN là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội hưởng ứng tích cực các phong trào do Mặt trận Tổ quốc phát động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” hay “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư trong giai đoạn mới gắn với xây dựng nông thôn mới”. Phong trào thi đua được thực hiện dưới nhiều hình thức sáng tạo. Trước hết chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao dân trí. Tổ chức dạy chữ Khmer cho thanh thiếu niên. Vận động chức sắc, tín đồ giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, xóa bỏ hủ tục. Hội kết hợp với các chùa và cư dân tổ chức các hoạt động văn hóa, mỹ thuật, thể dục thể thao có sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giáo dục cho Sư sãi và Phật tử nâng cao ý thức giữ gìn góp phần xây dựng phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Một trong những mục tiêu mà phong trào hướng tới thực hiện xây dựng ấp, khóm, gia đình văn hóa, xây dựng cảnh chùa khang trang, nền nếp.

Hoạt động từ thiện xã hội luôn được Hội quan tâm. Trọng tâm của công tác này là giúp đỡ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, phong trào xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình thương, cứu trợ đồng bào bị lũ lụt, thiên tai… Với giá trị vật chất hằng năm đến hàng tỷ đồng. Nhiều vị cao Tăng trở thành những tấm gương tiêu biểu, đi đầu trong công tác từ thiện xã hội. Ngoài ra, Hội còn có nhiệm vụ góp phần chăm lo và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của Sư sãi và đồng bảo Phật tử Khmer theo quy định của pháp luật.

Ra đời trong phong trào chống Mỹ cứu nước của dân tộc, HĐKSSYN Tây Nam bộ góp phần to lớn vào công cuộc đoàn kết chức sắc, tín đồ trong Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam tạo nên sức mạnh dân tộc để chiến thắng kẻ thù. Xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu anh dũng hy sinh của chức sắc, tín đồ góp phần vào công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Được tái lập từ năm 1993, HĐKSSYN thực hiện tốt vai trò của mình là thành viên của Mặt trận Tổ quốc, cùng chung ngôi nhà với Phật giáo Việt Nam. Từ khi thành lập đến nay HĐKSSYN luôn quán triệt, thực hiện tốt phương châm: “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội” của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thực hiện tốt Hiến chương, Điều lệ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Nối tiếp truyền thống “Hộ quốc an dân” của Phật giáo Việt Nam và tư tưởng nhập thế của Phật giáo Việt Nam HĐKSSYN vận động chức sắc, tín đồ “sống tốt đời, đẹp đạo”, tham gia các chương trình hành động cách mạng ở địa phương, góp phần xây dựng đất nước với mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” [4].

Đặc biệt, trong thời gian diễn ra dịch bệnh Covid-19, Hội đã có những hoạt động thông tin tuyên truyền tích cực đến Sư sãi, đồng bào Phật tử để thực hiện nghiêm túc các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, các văn bản hướng dẫn của Bộ Nội vụ, Ban Tôn giáo Chính phủ, các cơ quan chức năng của địa phương, tham gia phòng chống dịch bệnh có hiệu quả tốt3.

3.2. Một số vấn đề đặt ra cho chức năng và nhiệm vụ của Hội hiện nay

Một là, các HĐKSSYN ở các địa phương đều được tổ chức và hoạt động theo quy định của Điều lệ và Quy chế, nhưng do chưa có sự hướng dẫn thống nhất chung về mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động nên mỗi địa phương có sự khác biệt nhất định;

Hai là, quan hệ phối hợp giữa HĐKSSYN và hệ thống tổ chức của GHPGVN các cấp ở một số nơi chưa thật sự nhịp nhàng; mặt khác, do tính biệt truyền nên đa số các vị Tăng sĩ và Phật tử Khmer xem HĐKSSYN như là tổ chức của Giáo hội nên hầu như hoạt động độc lập với BTSPG cùng cấp dẫn đến việc chồng chéo chức năng, nhiệm vụ;

Ba là, nhận thức về vị trí, vai trò của HĐKSSYN của một số hội viên, cán bộ, Đảng viên còn hạn chế, nhất là ở cấp cơ sở, nên mối quan hệ giữa HĐKSSYN và các cấp ủy Đảng, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội chưa thật sự chặt chẽ;

Bốn là, đa số các vị Tăng sĩ Khmer tham gia Ban Chấp hành HĐKSSYN đều lớn tuổi, một số vị sức khỏe yếu; trong khi đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ Tăng tài để kế thừa chưa được quan tâm đúng mức gây ảnh hưởng rất lớn đến công tác điều hành và chất lượng hoạt động;

Năm là, chế độ sinh hoạt, hội họp được các các cấp HĐKSSYN thực hiện chưa đúng với Điều lệ và Quy chế hoạt động, nhất là cấp cơ sở; thường thì các cấp Hội chỉ tập trung tổ chức sơ kết 06 tháng hoặc tổng kết năm. Tuy nhiên, vấn đề này ít được quan tâm để đôn đốc nhắc nhở;

Sáu là, với tư cách là tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc, HĐKSSYN cần góp phần vào việc phát triển tổ chức, phát triển con người mới một cách toàn diện trong bối cảnh hội nhập quốc tế, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy công cuộc đổi mới đất nước, thúc đẩy sự quản lý và phát triển của xã hội trong cộng đồng người Khmer Tây Nam bộ.

IV. KẾT LUẬN

Có thể khẳng định rằng sự tồn tại của các cấp HĐKSSYN, cùng với chức năng nhiệm vụ của Hội là rất quan trọng đối với sự phát triển của cộng đồng người Khmer ở vùng Tây Nam bộ. Trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế, cộng đồng người Khmer càng phải đối mặt với những khó khăn thách thức của nền kinh tế thị trường, của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4. Việc tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, đồng thời, giúp cho PGNTK nói chung, các tổ chức Hội nói riêng cần tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, khẳng định vị trí, vai trò của mình trong việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống nhằm góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam là vấn đề rất thiết thực.

Dương Bích Chi
Giảng viên trường cao đẳng Sư phạm Kiên Giang
Danh Diệu
Achar, Giảng viên Pali tại chùa RÀKUSALAPAMBENJAEY Sóc Xoài – Hòn Đất – Kiên Giang
Tham luận tại hội thảo về chủ đề: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 40 năm hội nhập và phát triển cùng đất nước” vào ngày 04-11-2021 tại Tp.HCM

***

CHÚ THÍCH
1 Bạch Thanh sang, HĐKSSYN vùng Tây Nam bộ với các hoạt động hướng đến đời sống xã hội và vấn đề đặt ra.
2 PGS.TS. Nguyễn Hồng Dương, Hội đoàn kết Sư sãi Khmer yêu nước – một tổ chức gắn đạo với đời của Phật giáo Nam tông Khmer Việt Nam.
3 https://infonet.vietnamnet.vn/chuyen-de/dai-doan-ket/phat-huy-vai-tro-thong-tin- truyen-thong-phat-giao-thoi-dai-4-0-286867.html.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
Bạch Thanh Sang, Hội đoàn kết Sư sãi yêu nước vùng Tây Nam bộ với các hoạt động hướng đến đời sống xã hội và vấn đề đặt ra, 2018.
Báo cáo của các Ban Dân vận tỉnh, thành ủy vùng Tây Nam bộ có đông đồng bào Khmer theo kế hoạch số 26-KH/BDVTW, ngày 20 tháng 5 năm 2013 của Ban Dân vận Trung ương về khảo sát thực trạng tổ chức và hoạt động của Hội ĐKSS yêu nước trong Phật giáo Nam tông Khmer và theo tinh thần công văn số 2163- CV/BCĐTNB ngày 11/6/2013 về báo cáo thực trạng, các tổ chức, hoạt động của Hội ĐKSS yêu nước trong Phật giáo Nam tông. Bao gồm 9 báo cáo của 9 Ban Dân vận tỉnh, thành phố miền Tây Nam bộ.
Báo cáo của các ban, ngành chức năng tỉnh, thành phố vùng Tây Nam bộ có đông đồng bào Khmer theo công văn số 2563-CV/ BCĐTNB, ngày 29 tháng 10 năm 2008 của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ về việc báo cáo tình hình Phật giáo. Bao gồm 9 báo cáo của 8 Sở Nội vụ Tây Nam bộ và một báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Từ Đại hội đến Đại hội, Nxb Tôn giáo, 2012.
Lý Hùng, Vai trò của Tu sĩ Phật giáo Nam tông trong đời sống xã hội của người Khmer ở Tây Nam bộ hiện nay.
Nguyễn Mạnh Cường, Nguyễn Minh Ngọc, Tôn giáo, tín ngưỡng của cư dân vùng đồng bằng sông Cửu Long, Nxb Phương Đông.
Nguyễn Mạnh Cường, Phật giáo Khmer Nam bộ những vấn đề nhìn lại, Nxb Tôn giáo và Nxb Từ điển bách khoa.
Nguyễn Mạnh Cường, Phật giáo Khmer Nam bộ, Nxb Tôn giáo, 2008.
Nguyễn Thanh Xuân, Một số tôn giáo ở Việt Nam, tái bản bổ sung lần thứ X, Nxb Tôn giáo, 2010.
PGS. TS. Nguyễn Hồng Dương, Hội đoàn kết Sư sãi Khmer yêu nước – một tổ chức gắn đạo với đời của Phật giáo Nam tông Khmer Việt Nam.
ThS. Nguyễn Văn Thanh, Tổ chức và hoạt động của hội đoàn kết Sư sãi yêu nước ở các tỉnh Tây Nam bộ – một minh chứng sâu sắc cho sự gắn bó đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Nam tông Khmer Việt Nam.
Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ, Dân tộc và tôn giáo, Nxb Khoa học xã hội, 2005.
Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ, Báo cáo tổng quan khảo sát toàn diện về Phật giáo Nam tông Khmer ở Việt Nam, 2004.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường