Chùa Chuông có tên chữ là Kim Chung tự, tọa lạc tại thôn Nhân Dục xưa, nay là khu phố chùa Chuông, phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. Đây là một trong những ngồi chùa tiêu biểu của kiến trúc chùa thời Hậu Lê, được xếp vào hàng "danh lam cổ tích" và được biết với danh xưng là "Phố Hiến đệ nhất danh lam".

Tên gọi ngôi chùa được gắn với một sự tích huyền kỳ. Truyền rằng vào một năm đại hồng thủy, có một quả chuông vàng trên một chiếc bè trôi vào bãi sông thuộc địa phận thôn Nhân Dục, tổng An Tảo, huyện Kim Động, phủ Khoái Châu xưa (nay thuộc địa phận phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên). Người dân quanh vùng đua nhau kéo chuông về địa phương mình nhưng không được, riêng có người dân thôn Nhân Dục dưới sự chỉ huy của các bô lão mới kéo được chuông. Dân làng cho là trời Phật giúp đỡ bèn góp công của dựng chùa, xây lầu treo chuông. Mỗi lần đánh chuông, tiếng vang xa hàng vạn dặm do vậy chùa có tên gọi là Kim Chung tự (chùa chuông vàng), tên thường gọi là chùa Chuông.

Con đường dẫn tới
Con đường dẫn tới nhà Tiền đường tại chùa Chuông. Ảnh: sưu tầm

Quả chuông vàng là hiện vật vô cùng quý giá, chính vì vậy có nhiều thế lực nhòm ngó muốn chiếm đoạt, vì thế các sư trong chùa đã bí mật đem chuông giấu xuống một giếng nước. Dần dà qua thời gian, những người mang chuông đi cất giấu đều viên tịch hết nên sau này người ta không biết được dấu tích của chuông.

Về thời gian xây dựng chùa Chuông, hiện nay vẫn chưa xác định được, có thuyết nói rằng chùa được dựng vào khoảng thế kỷ III, nhưng có ý kiến căn cứ vào các hiện vật như bia đá, cây hương đá mà cho rằng chùa được dựng từ thời Lê Trung Hưng. Sách Đồng Khánh dư địa chí thì viết: "Kim Chung tự được dựng trong niên hiệu Vĩnh Thịnh, Quy mô rộng lớn, gác chuông cao đẹp"; nếu theo tư liệu này thì chùa hình thành khoảng năm 1705-1719 trong niên hiệu Vĩnh Thịnh đời vua Lê Dụ Tông.

Tượng Phật tại ngôi Tam bảo. Ảnh sưu tầm
Tượng Phật tại ngôi Tam bảo. Ảnh sưu tầm

Tuy nhiên, lại có người cho rằng đó chỉ là năm mà chùa được trùng tu lại, bởi một tấm bia ở chùa là Kim Chung tự thạch bi ký dựng năm Vĩnh Thịnh thứ 7 (1711) mô tả vị trí cảnh quan chùa và ghi người công đức tu tạo. Như vậy có lẽ chùa được xây dựng khoảng thời Hậu Lê (thế kỷ XV) và trải qua nhiều lần trùng tu lớn vào các năm 1702, 1707, 1711 mà kiến trúc được hoàn thiện quy mô từ đó cho đến ngày nay như trên một tấm bia của chùa còn ghi câu thơ ca ngợi:

"Kim chung thành tráng lệ,
Ngọc vũ mạn phong trần."

(Chùa Chuông thành tráng lệ,
Nhà ngọc xua bụi trần).

Ảnh sưu tầm
Ảnh sưu tầm

Chùa Chuông có kiến trúc kiểu "Nội Công ngoại Quốc" liên hoàn, cùng "Tứ thủy quy đường" mang đậm dấu ấn kiến trúc, mỹ thuật thời Hậu Lê đan xen thời Nguyễn.  Khu thờ chính gồm: Tiền Đường, Thượng Điện, nhà Tổ, nhà Mẫu, hai dãy hành lang, gác chuông, gác khánh; ngoài ra còn các công trình phụ trợ khác. Chùa quay về hướng Nam được coi là hướng của "Bát nhã" và "trí tuệ".

Vẻ đẹp của chùa Chuông không chỉ ở Quần thể kiến trúc mà còn ở hệ thống tượng phong phú, sống động. Hệ thống tượng La Hán cùng nhóm phù điêu Thập điện Diêm vương ở hành lang hai bên là những tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao. Bộ tượng18 La Hán không chỉ ở sự khéo léo trong cách tạo tác mà còn ở cảm xúc nội tâm được biểu hiện qua từng khuôn mặt buồn, vui, trầm tư... mỗi người một vẻ. Chính bởi thế tại chùa vẫn tồn tại cách bói dân gian khá độc đáo qua cách tính năm chọn tượng, đó là lấy số tuổi mụ chia cho 9, số lẻ là bao nhiêu thì số tượng của mình ứng sẽ là số đó; việc tìm tượng theo nguyên tắc nam tìm từ bên trái, nữ tìm từ bên phải. Cũng có một cách khác, đó là chỉ cần nhắm mắt, nhất tâm niệm Phật rồi đi, sau đó dừng lại ở vị trí của tượng nào đó thì chân dung của tượng ấy chính là niên vận của mình...

Nguồn: Sách Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Việt trang 252