Trang chủ Chuyên đề Diễn trình kiến trúc của các ngôi chùa vùng Đồng bằng Bắc bộ

Diễn trình kiến trúc của các ngôi chùa vùng Đồng bằng Bắc bộ

Quy mô kiến trúc ngôi chùa càng ở các thời kỳ về sau càng được mở rộng hơn bởi chùa không chỉ có thờ các vị Phật, các vị Bồ Tát mà còn thờ cả các nhân vật của Đạo giáo, thờ cả Thánh, cả Mẫu,… Tất cả  làm cho ngôi chùa ở vùng đồng bằng Bắc Bộ mang đậm tính chất dân gian

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Quy mô kiến trúc ngôi chùa càng ở các thời kỳ về sau càng được mở rộng hơn bởi chùa không chỉ có thờ các vị Phật, các vị Bồ Tát mà còn thờ cả các nhân vật của Đạo giáo, thờ cả Thánh, cả Mẫu,… Tất cả  làm cho ngôi chùa ở vùng đồng bằng Bắc Bộ mang đậm tính chất dân gian…

ThS. Nguyễn Thị Trang
Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam
Tham luận Hội thảo khoa học: Kiến trúc Phật giáo Việt Nam – thống nhất trong đa dạng, ngày 15/4/2023 tại hội trường Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội)

1.  Nhập đề

Với lịch sử du nhập lâu dài, Phật giáo đã tạo được chỗ đứng vững chắc trong đời sống văn hóa tôn giáo của người Việt. Hành trình buổi ban đầu trên đất Việt chắc chắn sẽ có khó khăn, Phật giáo đã phải tìm cách hội nhập với tín ngưỡng bản địa để tìm chỗ đứng, dấu tích của việc này chúng ta vẫn còn thấy hiện hữu qua câu chuyện Man Nương và hệ thống chùa Tứ Pháp tại khu vực Dâu (Bắc Ninh), Hà Nội,… ngày nay. Tuy thế, các tư liệu ít ỏi còn lại cho tới ngày nay không cho phép chúng ta có được hình dung đầy đủ về diện mạo đời sống Phật giáo buổi đầu ấy như thế nào. Tuy thế, những tư liệu ít ỏi ấy lại giúp ta hình dung được về Phật điện, để từ đó, có những suy đoán về diện mạo kiến trúc của các ngôi chùa qua chiều dài lịch sử. Chắc chắn, trong suốt hành trình hơn 2000 năm tại Việt Nam, Phật điện nói riêng và diện mạo kiến trúc của các ngôi chùa không ngừng thay đổi cho phù hợp với nhu cầu tu học của nhà tu hành, tín đồ, cũng như người dân chịu ảnh hưởng của Phật giáo.

Tại Việt Nam, đồng bằng Bắc Bộ là một trong những cái nôi tiếp nhận Phật giáo ngay từ buổi đầu. Do đó, tìm hiểu về kiến trúc Phật giáo ở vùng này sẽ cho chúng ta hiểu thêm về lịch sử kiến trúc Phật giáo Việt Nam. Bài viết này, chúng tôi cũng muốn thông qua góc nhìn kiến trúc để tìm hiểu khái quát về tiến trình của ngôi chùa Việt từ trong quá khứ tới hiện tại, thông qua đó, giúp ta có thêm một góc nhìn về sự phát triển của Phật giáo tại Việt Nam trong suốt tiến trình lịch sử.

Cũng cần phải nói thêm rằng, bài viết này ngoài việc quan sát thu thập thông tin của cá nhân, chúng tôi tham khảo phần nhiều những nghiên cứu của các nhà nghiên cứu đi trước về kiến trúc Việt Nam nói chung và kiến trúc Phật giáo nói riêng như: Nguyễn Bá Lăng, Trần Lâm Biền, Chu Quang Trứ, Trịnh Quang Vũ, Nguyễn Quốc Tuấn,… để có thể nêu lên được một cách sơ lược về những đặc trưng về “hình dáng” của ngôi chùa ở vùng đồng bằng Bắc Bộ từ quá khứ đến hiện tại.

2. Sơ lược về diễn trình kiến trúc của các chùa vùng đồng bằng Bắc Bộ qua các thời kỳ

Ở thời kỳ đầu tiên tiếp nhận Phật giáo, những ngôi chùa được hình thành trên nền tảng những am, miếu nhỏ thờ thần và vị Phật được thờ trong đó chính là một vị thần siêu nhiên bản địa đã được Phật hóa. Chúng ta còn nhìn thấy được dấu vết của loại hình chùa này cho tới hiện nay qua hệ thống chùa Tứ Pháp vẫn còn tồn tại ở khu vực Luy Lâu (Bắc Ninh) hay ở một số vùng khác như Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam…[1] Trong một số tư liệu có ghi chép về Phật giáo thời Bắc thuộc đã ghi lại rằng hệ thống chùa tháp được xây dựng rộng khắp vùng đất Giao Châu. Hệ thống chùa tháp này khi kết hợp với thần linh bản địa sẽ không cho một mẫu hình chung của các ngôi chùa mà tùy theo từng phong tục thờ cúng của từng địa phương mà có những biến tấu phù hợp. Tuy nhiên, hiện nay không còn một công trình nào về mặt khảo cổ học được tìm thấy về những ngôi chùa được tạo dựng thời Bắc thuộc này nữa[2].

Bắt đầu từ thời Lý (Thế kỷ XI-XIII), diện mạo các ngôi chùa ngoài các thư tịch cổ, còn được bổ sung thêm bằng các cuộc khai quật, nghiên cứu khảo cổ học. Nền móng các ngôi chùa cổ được phát lộ đã cho ta phác họa rõ nét hơn về kiến trúc các ngôi chùa vùng đồng bằng Bắc Bộ từ thời Lý và các lớp kiến trúc ở các thời sau.

Theo đó, dưới thời Lý, nhìn chung, biểu tượng của các ngôi chùa chính là tòa tháp. Tháp đóng vai trò quan trọng nhất, là nơi thờ Phật và là nơi các nhà tu hành hành đạo. Tòa tháp nằm ở vị trí trung tâm của ngôi chùa. Một số tháp lớn được xây dựng dưới thời Lý như: Phật Tích (Bắc Ninh), Long Đọi (Hà Nam), Tường Long (Hải Phòng),… Thời Lý chưa sử dụng chữ “tự” cho việc gọi các ngôi chùa mà chỉ phân biệt: Đại danh lam, trung danh lam và tiểu danh lam. Tuy thế, hiện nay chỉ có đại danh lam có thể xác minh được và tiểu danh lam có thể hình dung được, còn trung danh lam chưa minh định được kiến trúc của nó ra sao[3]. Tác giả Chu Quang Trứ chia chùa thời Lý ra làm 4 loại khác nhau[4]: Thứ nhất, kiểu chùa có một trụ chính duy nhất, giống như kiểu tháp (chùa Một Cột…). Thứ hai: kiểu chùa gắn với triều đình. Đây là kiểu chùa vừa thờ Phật vừa là hành cung để vua nghỉ ngơi khi đi du ngoạn. Những ngôi chùa này bên cạnh ngôi tháp, còn có những công trình kiến trúc khác được xây dựng với quy mô lớn. Theo chúng tôi, kiểu chùa này chính là các đại danh lam. Đặc điểm chung của những ngôi tháp ở các đại danh lam – hành cung là được xây theo kiểu bình diện vuông, được xây dựng ở vị trí lưng chừng hoặc đỉnh núi giữa một vùng đồng bằng để tôn lên vẻ bề thế, nguy nga của công trình[5]. Tiêu biểu cho loại hình chùa hành cung là các chùa: Phật Tích, Dạm (Bắc Ninh), Long Đọi (Hà Nam), Chương Sơn (Nam Định), Tường Long (Hải Phòng)… [6] Thứ ba, là kiểu chùa không có tháp, không phải là hành cung gắn với các các bà hoàng, đại quan. Những chùa kiểu này cũng có quy mô lớn, có nền cao bố cục giống kiểu mặt bằng của tháp. Tiêu biểu là chùa Bà Tấm (Gia Lâm), chùa Yên Lãng (Hưng Yên) gắn với Nguyên phi Ỷ Lan, chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh (Thanh Hóa) gắn với Lý Thường Kiệt… Thứ tư, là kiểu chùa thôn xóm quy mô nhỏ như cái am (chùa Kim Hoàng (Hà Nội)…)[7].

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Tham Luan Hoi Thao Kien Truc Chua Phat Tich Bac Ninh 1

Chùa Phật Tích, Bắc Ninh. Ảnh: St

Như thế, phần đa các ngôi chùa thời Lý có quy mô rộng lớn hơn thời trước, chùa có một hạng mục kiến trúc chính, Phật điện được xây cao nhưng nhỏ, có khá ít tượng, thường chỉ có một vị Phật chủ. Một điều lưu ý nữa là các ngôi chùa đều nằm ở vị trí có phong thủy tốt, gần các con sông, giao thông thuận tiện.[8]

Sang đến thời Trần (thế kỷ XIII – XIV), hiện còn lại dấu tích của một số Phật điện và một số tháp còn tương đối nguyên vẹn (chùa Phổ Minh (Nam Định), chùa Yên Tử (Quảng Ninh),… Tuy nhiên, hiện nay chưa tìm thấy được tượng Phật thời Trần mà chỉ thấy được nhang án bằng đá khá lớn (nhang án tại chùa Bối Khê (Hà Nội), chùa Thái Lạc (Hưng Yên),… ).

Chùa thời Trần được chia làm hai loại: Chùa gắn với triều đình phát triển ở giai đoạn đầu và chùa làng phát triển ở giai đoạn cuối thời Trần. Khác với thời Lý, các ngôi chùa gắn với triều đình ở thời Trần cho dù được xây dựng dưới sự chỉ đạo của triều đình nhưng đã không còn đóng vai trò là hành cung như trước nữa, mà chỉ là những ngôi chùa thuần túy thờ Phật, thực hành tôn giáo. Ở thời Trần, có sự thay đổi về vị trí của ngôi tháp trong chùa. Ngôi tháp thời Trần không còn là hạng mục kiến trúc trung tâm của ngôi chùa nữa. Ngôi tháp được đẩy lên vị trí sân trước và nhường chỗ một Phật điện riêng biệt ở phía sau. Tháp thời kỳ này chỉ được coi là biểu tượng của nhà Phật hoặc trở thành mộ chí của các nhà tu hành.

Thời Lê Sơ (Thế kỷ XV) là giai đoạn Phật giáo bị suy giảm vai trò xã hội nhường vị trí cho Nho giáo. Nhà nước Lê Sơ hạn chế Phật giáo, do đó, các ngôi chùa không được xây mới, rất ít được trùng tu, tôn tạo… Những thư tịch cổ và những hiện vật để lại không đủ cho chúng ta hình dung về diện mạo kiến trúc của các ngôi chùa Phật giáo thời Lê Sơ. Chỉ biết rằng ở thời kỳ này, có lẽ các ngôi chùa cũng có dáng dấp giống với diện mạo của các ngôi chùa thời Trần trước đó.

Triều nhà Mạc (Thế kỷ XVI) với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế trên các lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thu công nghiệp và thương nghiệp đã tạo điều kiện cho các công trình kiến trúc Phật giáo nói riêng và văn hóa dân gian nói chung có cơ hội được phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Thời Mạc đã trở thành bệ đỡ cho sự phát triển rực rỡ về mặt nghệ thuật kiến trúc ở giai đoạn thế kỷ XVII sau đó[9]. Chùa ở thời kỳ này vẫn được chia ra làm hai loại: chùa gắn với nhà vua hay triều đình và chùa làng. Điều đặc biệt là ở thời kỳ này, dưới sự hỗ trợ của tầng lớp “quý tộc mới”, chùa làng đặc biệt phát triển, Nhiều làng đã xây mới hoặc sửa chữa lại các ngôi chùa. Theo đó, về kết cấu kiến trúc các ngôi chùa thời Mạc vẫn giống thời Trần nhưng điện thờ Phật đã có sự thay đổi do số lượng tượng Phật nhiều hơn. Như thế có nghĩa quy mô Phật điện lớn hơn các thời kỳ trước. Chùa thời Mạc đã định hình rõ hơn các nội dung hạng mục kiến trúc thượng điện, thiêu hương, tiền đường, hành lang… Bắt đầu xuất hiện các tượng như Tam Thế, Quan Âm Nam Hải, Thích ca sơ sinh, Tứ Pháp, tượng Hậu… trong chùa thời Mạc. Điện thờ Phật được mở rộng hơn về hai bên để có thể bài trí được nhiều tượng Phật hơn. Tượng Phật nhiều đồng nghĩa với việc hình ảnh về thế giới các vị Phật đa dạng hơn, trở nên gần gũi hơn, dễ hình dung hơn với người dân và ngôi chùa làng bắt đầu có vị trí quan trọng hơn trong đời sống tâm linh của cư dân đồng bằng Bắc Bộ[10].

Thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII, XVIII), cuộc chiến tranh Trịnh – Nguyễn kéo dài, cùng với việc các hệ phái Thiền Lâm Tế và Tào Động từ Trung Quốc bắt đầu xâm nhập vào Việt Nam, cùng với đó là việc chấn hưng Phật giáo, tất cả như một “động lực” thúc đẩy việc xây dựng và trùng tu các công trình thờ tự trong đó có chùa. Thời kỳ này, nhiều chùa dưới sự bảo trợ của các ông hoàng, bà chúa nhà Trịnh đã được xây dựng với một quy mô lớn. Điều đặc biệt ở thời kỳ này là xuất hiện kiểu chùa lớn với quy mô trăm gian được xây dựng mới hoặc tu tạo lại trên nền chùa cũ với quy mô lớn hơn như chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), chùa Mía (Hà Nội), chùa Keo (Thái Bình, Nam Định)… Một điều đáng lưu ý nữa của kiến trúc chùa giai đoạn này là việc xây dựng gác chuông rất được quan tâm.

Như đã nêu, ở thời Mạc, khi nền kinh tế phát triển, vai trò của những người làm công việc liên quan thương mại gia tăng và có thể, họ cũng có nhu cầu gia tăng đối với các vị thần bảo trợ cho công việc làm ăn. Do thế, sang đến thời Lê Trung Hưng, việc đưa thêm các vị thần linh khác vào trong khuôn viên của một di tích nào đó, trong đó có chùa, có lẽ được xảy ra mạnh mẽ hơn các giai đoạn trước đó. Chùa kiểu “tiền Phật hậu Thánh” có lẽ đã được định hình vào giai đoạn này. Và có lẽ, việc thờ Mẫu và các vị thần linh khác trong dân gian cũng đã được đưa vào không gian chùa để thờ phụng từ giai đoạn này. Trên điện thờ Phật, ngoài các vị đã có từ thời Mạc, còn thấy xuất hiện thêm bộ tượng Di Đà tam tôn, Hoa Nghiêm tam thánh, tượng Quan Âm, tượng Bồ Tát, Tuyết Sơn, Kim Cương… hay tượng các Tổ cũng đã thấy…[11] Do thế, ngoài điện Phật của các chùa được mở rộng hơn theo kiểu chữ công, các chùa còn có khu nhà Tổ, điện thờ Thánh hoặc thờ Mẫu, khu hành lang rộng lớn… Như thế, tạo điều kiện cho kiểu chùa “nội công ngoại quốc” ra đời…[12].

Thời Tây Sơn (cuối thế kỷ XVIII) hiện chỉ có hai ngôi chùa còn lại dấu tích xây dựng lại trên nền cũ đó là chùa Nghi Tàm (Kim Liên) và chùa Tây Phương (Hà Nội). Hai chùa đều được xây dựng theo kiểu chữ Tam, với kiến trúc mái chồng diêm tạo cảm giác nhẹ nhàng, thông thoáng. Ngoài khu Tam bảo, hai chùa đều có khu nhà thờ Tổ, thờ Mẫu, và nơi sinh hoạt của các nhà tu hành.

Dưới thời Nguyễn (Thế kỷ XIX- giữa thế kỷ XX), các chùa vẫn liên tục được xây mới và tu bổ. Ở khu vực Huế nơi đặt trụ sở của vương triều, các chùa nhận được sự bảo trợ của triều đình. Ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ chủ yếu những ngôi chùa làng nhận sự hưng công đóng góp của người dân, hoặc thương nhân. Chùa thời Nguyễn vẫn mang dáng dấp của đã có của thời trước đó với các kiểu kiến trúc: Nội công ngoại quốc, chữ đinh, chữ công, chữ tam,… Hệ thống tượng trong các chùa thời kỳ này cũng trở nên phong phú hơn với sự xuất hiện thêm của tượng La Hán, tượng Nam Tào, Bắc Đẩu, Kim Đồng, Ngọc Nữ, Thập Diện Diêm Vương… và hơn thế, trong chùa còn xuất hiện cả điện thờ riêng biệt Mẫu để phục vụ cho nhu cầu tâm linh đa dạng của đại đa số người dân.

Điều đáng lưu ý trong kiến trúc Nguyễn thời kỳ sau này là ngoài các vật liệu truyền thống để xây chùa, các vật liệu như xi măng, sắt thép, gạch, vôi vữa hay mảnh sành được đưa vào các công trình xây dựng chùa ngày một nhiều. Một số chùa được xây dựng theo thiết kế của các kiến trúc sư Tây học như chùa Quán Sứ (Hà Nội)…Thêm vào đó, ở thời kỳ này, xu hướng đơn giản hóa trong các trang trí của chùa trở nên nổi trội, giá trị nghệ thuật ít được coi trọng hơn giá trị tôn giáo. Các chùa được xây dựng cũng có xu hướng nâng cao phần thân so với mái hơn thời kỳ trước đó.

Thời kỳ từ năm 1945- nay, chúng tôi tạm chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn trước năm 1986 và giai đoạn sau năm 1986. Giai đoạn trước năm 1986, miền Bắc bước vào thời kỳ kinh tế bao cấp, đời sống nhân dân khó khăn, các chùa không được xây mới, thậm chí bị lãng quên, bị phá bỏ và được trưng dụng vào một số mục đích khác nhau như làm trường học, làm kho, làm ủy ban, hay thậm chí bị nhân dân lấn chiếm sinh sống,… Do thế, những di sản Phật giáo trong các ngôi chùa bị xâm hại, mất mát tương đối nhiều ở thời kỳ này. Từ sau năm 1986, khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới, nhận thức về tôn giáo và vai trò của nó đối với xã hội của Nhà nước thay đổi, công tác nghiên cứu bảo tồn, gìn giữ lại các di sản văn hóa trong đó có văn hóa Phật giáo được coi trọng và thu được những kết quả nhất định. Nhiều ngôi chùa được xếp hạng trở thành những di sản văn hóa của dân tộc, được cấp kinh phí sửa chữa, trùng tu, hoặc thậm chí được xây mới trên nền chùa cũ được diễn ra “nhộn nhịp” và rộng khắp khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Tuy thế, việc trùng tu, sửa chữa hay xây mới các ngôi chùa tại khu vực đồng bằng Bắc Bộ hiện nay đang đứng trước những thách thức rất lớn trong việc phải làm sao vừa giữ được nét truyền thống, vừa tránh xâm hại đến di sản mà vẫn đáp ứng được nhu cầu tu tập, sinh hoạt tôn giáo của người dân đương đại.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc So Thang 11.2022 Phat Giao Bac Ninh 40 Nam Hinh Thanh Va Phat Trien 3

Chùa Dâu, Bắc Ninh – Ảnh: Minh Khang

Về mặt tổng thể kiến trúc các ngôi chùa vùng đồng bằng Bắc Bộ hiện nay, một số chùa bên cạnh việc giữ lại hoặc tu bổ những khu vực kiến trúc cũ có từ trước, các chùa còn được xây mới thêm các hạng mục công trình khác để phục vụ cho các nhu cầu sinh hoạt tôn giáo khác nhau của người dân như: khu giảng đường dùng để giảng Pháp cho Phật tử, một số chùa xuất hiện thêm khu nhà đựng tro cốt, tháp đựng tro cốt hay khu gửi bát hương, gửi vong, nhà khách… Thêm vào đó, nhiều chùa do diện tích nhỏ hẹp trong các khu đô thị hoặc những chùa có lượng nhà tu hành và Phật tử đông hoặc những chùa có thường xuyên là điểm tu học hoặc phục vụ cho các công việc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thường được xây chồng tầng để tăng công năng sử dụng. Tầng dưới cùng thường được tận dụng làm khu giảng đường cho Phật tử. Hệ thống tượng trên Phật điện nhiều chùa vẫn duy trì nhiều lớp tượng và bài trí giống thời Nguyễn, nhưng một số chùa lại có số lượng tượng ít hơn trên Phật điện như chùa Bái Đính, chùa Tam Chúc,… (Ninh Bình) chỉ để lại ba pho tượng Tam thế. Phần nhiều các chùa hiện nay ở vùng đồng bằng Bắc Bộ đều có ban thờ Bồ Tát ở ngoài trời. Có một số chùa dựng tượng La Hán ở ngoài trời thay vì đặt ở trong hành lang như thời kỳ trước. Thêm nữa, một số chùa có không gian rộng rãi còn xây dựng hoạt cảnh của khu vườn Lộc Uyển nơi Phật thuyết pháp buổi đầu tiên,…

3. Một số thách thức về mặt kiến trúc của các ngôi chùa vùng đồng bằng Bắc Bộ hiện nay

Như ở trên đã phân tích, việc một thời gian các ngôi chùa nói riêng và các công trình kiến trúc văn hóa tôn giáo khác ở vùng đồng bằng Bắc Bộ không nhận được sự quan tâm của cộng đồng và thậm chí còn bị biến đổi chức năng đã dẫn đến tình trạng không gian của nhiều ngôi chùa bị xâm cư, chiếm dụng làm thu hẹp diện tích. Nhiều ngôi chùa trước kia thường được xây dựng ở khu vực có sự tách biệt nhất định với khu vực dân cư thì nay lọt thỏm và trở nên nhỏ bé trong khu dân dư, đặc biệt là các ngôi chùa ở khu vực đô thị. Nhiều chùa muốn tăng các hạng mục phục vụ cho việc tu học và sinh hoạt của nhà tu hành và Phật tử đều phải dùng vật liệu bê tông cốt thép để xây dựng theo hướng chồng tầng hoặc tận dụng hết quỹ đất hiện có, làm cho không gian chùa bị thu hẹp, chật chội làm mất đi vườn chùa, mất đi sự tĩnh mịch vốn có của ngôi chùa truyền thống.

Thêm vào đó, tâm lý muốn xây dựng chùa mới quy mô rộng lớn vì các mục đích khác nhau trong đó có mục đích thương mại đã làm mất đi nét đẹp vốn có của các ngôi chùa truyền thống vốn nhỏ bé, khiêm nhường, hài hòa với cảnh quan. Nhiều ngôi chùa sẵn sàng sử dụng tượng Phật hoặc các chi tiết kết cấu khác được nhập từ nước ngoài khi xây dựng chùa đã làm mất đi nét đặc trưng chùa Việt, tạo nên cảm giác xa lạ với người đến thăm quan, thưởng ngoạn hay tu học,…

Tuy thế, ở vùng đồng bằng Bắc Bộ dù hiện đang có nhiều chùa được xây mới khang trang, hay nhiều chùa có mô rộng lớn nhưng lại thiếu những ngôi chùa mang hơi thở của thời đại với sự phá cách, độc đáo nhưng lại đậm tính chất sơn môn, pháp phái và hồn Việt. Đây là một thách thức không nhỏ cho đội ngũ kiến trúc sư cũng như đội ngũ những nhà tu hành Phật giáo đương đại trong việc kiến thiết các ngôi chùa tương lai.

Quan trọng hơn hết là việc trùng tu, tôn tạo các kiến trúc chùa cổ hiện còn nhiều bất cập và hạn chế. Nó xuất phát trước hết từ việc đội ngũ những người làm công tác bảo tồn, trùng tu di tích các cấp vừa thiếu và vừa yếu những tri thức về kiến trúc và mỹ thuật Phật giáo truyền thống. Do đó, thay vì bảo tồn nguyên trạng và giữ lại tối đa những hạng mục kiến trúc cũ còn giá trị thì nhiều công trình kiến trúc chùa sau khi được tu bổ đã mang một dáng vẻ mới hoàn toàn, xóa sổ gần như hết các giá trị văn hóa xưa cũ, mà việc tu bổ lại chùa Trăm Gian (Hà Nội) là một bài học điển hình. Đây là những tổn thất không hề nhỏ trong lĩnh vực văn hóa kiến trúc của cả dân tộc.

4. Kết luận

Như vậy, về mặt kiến trúc, ngôi chùa Việt ở vùng đồng bằng Bắc Bộ đã trải qua nhiều giai đoạn. Mới đầu, chùa chỉ là kiểu kiến trúc đơn nguyên để thờ duy nhất một vị thần bản địa được Phật hóa. Đến thời Lý, trong kiến trúc chùa, ngôi tháp nắm giữ vị trí trung tâm chùa, là Phật điện, là trái tim của ngôi chùa. Sang đến thời Trần, ngôi tháp không còn nắm giữ vị trí trung tâm nữa, chỉ còn mang ý nghĩa là tháp Phật hoặc trở thành nơi đặt mộ phần của các nhà tu hành, được đẩy lên phía trước của ngôi chùa và nhường chỗ cho một Phật điện rộng lớn hơn, có nhiều tượng hơn nằm tách biệt phía sau. Càng đến những thời kỳ sau, các ngôi chùa làng càng phát triển và được dân gian hóa. Phật điện cũng như các hạng mục khác của các ngôi chùa càng được mở rộng thêm không gian để bài trí đa dạng hơn các đối tượng thờ cúng. Quy mô kiến trúc ngôi chùa càng ở các thời kỳ về sau càng được mở rộng hơn bởi chùa không chỉ có thờ các vị Phật, các vị Bồ Tát mà còn thờ cả các nhân vật của Đạo giáo, thờ cả Thánh, cả Mẫu,… Tất cả  làm cho ngôi chùa ở vùng đồng bằng Bắc Bộ mang đậm tính chất dân gian và gần gũi với đại đa số người dân vốn không chú ý nhiều tới mặt tư tưởng trong đạo Phật.

Tuy nhiên, các ngôi chùa vùng đồng bằng Bắc Bộ hiện nay đang đứng trước những thách thức lớn về mặt kiến trúc trong việc tu bổ, tôn tạo, cũng như xây mới các ngôi chùa sao cho vừa lưu giữ được nét truyền thống vừa mang những nét hiện đại, độc đáo riêng mà vẫn gần gũi, đáp ứng nhu cầu tu học của nhà tu hành, Phật tử và người dân. Thiết nghĩ, điều này đặt trách nhiệm nặng nề lên đội ngũ kiến trúc sư, đội ngũ những người làm công tác bảo tồn di tích, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và cả cơ quan nhà nước có liên quan.

ThS. Nguyễn Thị Trang
Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam
Tham luận Hội thảo khoa học: Kiến trúc Phật giáo Việt Nam – thống nhất trong đa dạng, ngày 15/4/2023 tại hội trường Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội)

***

Tài liệu tham khảo:
1. Trần Lâm Biền (chủ biên, 2008), Diễn biến kiến trúc truyền thống vùng châu thổ sông Hồng, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
2. Trần Lâm Biền (1993), Hình tượng con người trong nghệ thuật tạo hình truyền thống Việt, Nxb. Mỹ Thuật, Hà Nội.
3. Nguyễn Duy Hinh (2009), Lịch sử đạo Phật Việt Nam, Nxb. Tôn giáo & Nxb. Từ điển Bách khoa.
4. Nguyễn Bá Lăng (1972), Kiến trúc Phật giáo Việt Nam (tập 1), Nxb. Viện Đại học Vạn Hạnh.
5. Nguyễn Quốc Tuấn (2012), Chùa Bối Khê – Nhìn từ Khảo cổ học Phật giáo, Nxb. Từ điển Bách Khoa.
6. Chu Quang Trứ (2012), Sáng giá chùa xưa: Mỹ thuật Phật giáo, Nxb. MỹThuật.
7. Chu Quang Trứ (2012), Mỹ thuật Lý – Trần, Mỹ thuật Phật giáo, Nxb. Mỹ Thuật.
8. Trịnh Quang Vũ (2002), Lược sử mỹ thuật Việt Nam (thời kỳ cổ đại và phong kiến), Nxb. Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.
9.https://baotanglichsu.vn/tim-hieu-kieu-chua-tien-phat-hau-thanh-o-djong-bang-bac-bo.html,ngày truy cập 01/03/2023.
10.https://kientructhuanthanh.vn/to-chuc-khong-gian-kien-truc-chua-viet-duong-dai-khu-vuc-dong-bang-bac-bo/, ngày truy cập 01/03/2023.

Chú thích:
[1] Chu Quang Trứ (2012), Sáng giá chùa xưa:Mỹ thuật Phật giáo, Nxb.Mỹ thuật, tr.8; Nguyễn Quốc Tuấn (2012), Chùa Bối Khê -Nhìn từ Khảo cổ học Phật giáo, Nxb. Từ điển Bách Khoa, tr. 193.
[2] Nguyễn Duy Hinh (2009), Lịch sử đạo Phật Việt Nam, Nxb. Tôn giáo & Nxb. Từ điển Bách khoa, tr. 9-52.
[3] Trần Lâm Biền (chủ biên, 2008), Diễn biến kiến trúc truyền thống vùng châu thổ sông Hồng, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr. 26.
[4] Chu Quang Trứ (2012), Mỹ thuật Lý – Trần, Mỹ thuật Phật giáo, Nxb. MỹThuật, tr. 115-118.
[5] Chu Quang Trứ (2012), Mỹ thuật Lý – Trần, Mỹ thuật Phật giáo, Nxb. MỹThuật, tr. 115 – 118.
[6] Trần Lâm Biền (chủ biên, 2008), sđd, tr. 26 – 27.
[7] Chu Quang Trứ (2012), Mỹ thuật Lý – Trần, Mỹ thuật Phật giáo, sđd, tr. 16 -17, 115 – 118.
[8] Chu Quang Trứ (2012), Mỹ thuật Lý – Trần, Mỹ thuật Phật giáo, sđd, 115 – 118; Nguyễn Quốc Tuấn (2012), sđd, tr. 193.
[9] Trần Lâm Biền (2008), sđd, tr. 93 – 107.
[10] Chu Quang Trứ (2012), Mỹ thuật Lý – Trần, Mỹ thuật Phật giáo, sđd, tr. 119 – 120.
[11]Trần Lâm Biền (2008), sđ d, tr. 115 – 118.
[12]Chu Quang Trứ (2012), Mỹ Thuật Lý –Trần, Mỹ Thuật Phật giáo, sđd, tr. 120 – 121.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường