Chùa Then tên chữ là Vĩnh Khánh tự thuộc hệ phái Bắc tông, ngôi chùa cổ này thuộc địa phận thôn Bình Sơn, thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. Có những ý kiến khác nhau về thời điểm xây dựng chùa, như ý kiến nói chùa xây dưới thời vua Lý Thánh Tông (1054-1072), quan điểm khác thì cho rằng chùa được xây dựng thời Trần Thánh Tông (1258 - 1278).
Đầu thế kỷ XV, chùa bị giặc Minh phá hủy hoàn toàn, mãi đến năm 1883, thời vua Tự Đức (1847-1883) mới được xây dựng lại nhưng quy mô nhỏ. Dân gian trong vùng có câu ca rằng:
"Hỡi ai qua bến đò Then,
Dừng chân mà ngắm tháp Tiên bên đường."
Tòa tháp được nhắc đến đó chính là tháp Bình Sơn, kiến trúc đặc sắc nhất trong khu vực di tích chùa Then và là công trình kiến trúc nghệ thuật, tôn giáo, di sản văn hóa vật thể có giá trị đặc biệt. Tháp có nhiều tên gọi khác như: Tháp chùa Vĩnh Khánh, tháp chùa Then, tháp Then.
Có giả thuyết cho rằng chùa Then và tháp Bình Sơn vốn không phải là đồng nhất thể; qua khảo sát thực tế cho thấy niên đại của tháp sớm hơn chùa tới vài thế kỷ và nếu như có một ngôi chùa cùng thời với tháp, thì gần như chắc chắn, nó không nằm ở vị trí ngôi chùa hiện tại mà phải ở sau và cùng trục trung tâm (Nam - Bắc) với tháp.
Tháp hiện còn 11 tầng không kể bệ tháp, cao 16,5m. Theo truyền tụng của dân gian thì xưa kia tháp tổng cộng có 15 tầng, còn theo dòng chữ khắc tại một viên gạch ở tầng 9 ghi rằng tháp có 13 tầng.
Về cấu trúc, tháp hình vuông, nhỏ dần về phía ngọn, ruột tháp có một khoảng trống nhỏ chạy suốt chân tháp lên ngọn. Chung quanh tháp ốp lớp gạch với những đường nét trang trí mềm mại, điêu luyện có giá trị nghệ thuật cao như cánh sen, lá đề, rồng, quầng sáng, sư tử hí cầu, hoa dây, con sơn... mang đậm nết thời Trần. Hoa văn trang trí phủ kín khắp mọi phía, rất phong phú, nhưng tùy theo vị trí mỗi tầng mà thiết kế, với nguyên tắc chung là càng lên cao càng đơn giản.
Không có tài liệu lịch sử nào về tháp Bình Sơn, nhưng trong dân gian lại có rất nhiều những truyền thuyết liên quan đến di tích đặc biệt này; điều đó cho thấy ngôi tháp có một vị trí đặc biệt cả về tâm linh lẫn đời sống của người dân trong vùng. Tháp Bình Sơn không những có giá trị độc đáo về kiên trúc nghệ thuật, mà còn có giá trị mỹ thuật cao vào bậc nhất, được ví von như là "Hòn ngọc báu của kho tàng dân tộc".
Nguồn: Sách Di tích Quốc gia đặc biệt Chùa Việt - NXB Thông tin và Truyền thông (trang 260)
Bình luận (0)