Dấu ấn lịch sử hơn 500 năm

Chùa Bốn Mặt được xây dựng trên một khu đất rộng 6,5 ha, tọa lạc tại ấp Phước Thuận, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng.

Chùa cách trung tâm thành phố Sóc Trăng khoảng 6 km về hướng Tây Bắc (huyện Kế Sách), Chùa Bốn Mặt có những tên gọi khác theo tiếng Khmer là Preah Buone Preah Phek, Wat Nei Rei, Wat Ba Rai, Wat Prha Buông Mút, Wat Buôl - Pres - Phek, hoặc Wat Prés on Prés Buôl Prés Phék. Ngày 11 tháng 8 năm 2017, UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành Quyết định số 1935/QĐ-UBND xếp hạng chùa Bốn Mặt là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh. Ngày 20 tháng 9 năm 2017, chùa Bốn Mặt đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh.

Lịch sử hình thành Chùa Bốn Mặt gắn liền với câu chuyện truyền miệng về việc phát hiện một bức tượng Phật bằng đá có bốn mặt quay về bốn hướng, mỗi hướng có thêm năm vị Phật khác, trong những ngày người dân địa phương khai khẩn đất hoang đầu thế kỷ 16. Người dân địa phương coi đây là điềm lành, vào năm 1537, cộng đồng Khmer nơi đây đã cùng nhau dựng lên ngôi chùa để phụng thờ pho tượng quý báu này.

Chàu Bốn Mặt (Sóc Trăng). Ảnh sưu tầm.
Chàu Bốn Mặt - Sóc Trăng. Ảnh sưu tầm.

Kiến trúc đậm đà bản sắc Khmer

Ban đầu, chùa được xây dựng bằng vật liệu giản dị như tre, lá, đất và đá. Trải qua thời gian và nhiều lần trùng tu, chùa được xây dựng kiên cố hơn, trở thành quần thể kiến trúc Khmer độc đáo.

Đáng chú ý là công trình Cổng Tam Quan với ba ngọn tháp tròn năm tầng, chạm khắc tinh xảo các biểu tượng thiêng như thần gió Reahu, rắn thần Naga và chim thần Garuda, những nhân vật quan trọng trong tín ngưỡng Khmer.

Đi sâu vào khuôn viên chùa, du khách không khỏi ấn tượng bởi hình ảnh đôi rắn thần Naga chín đầu dài hơn 20m uốn lượn hai bên lối vào.

Theo truyền thuyết Phật giáo, rắn Naga từng che mưa cho đức Phật Thích Ca khi ngài nhập thiền định 49 ngày. Trong văn hóa Khmer, Naga là biểu tượng của sự an khang, thịnh vượng và dẫn lối đến cõi thiên đường. Chính vì vậy, hình ảnh Naga xuất hiện khắp nơi trong chùa, từ mái vòm, hành lang đến các lối đi quanh co trong khuôn viên xanh mát rợp bóng cây cổ thụ.

Chính điện chùa có diện tích 225m², được xây dựng bằng chất liệu truyền thống là hỗn hợp rơm, cát và đất sét. Khi gõ vào tường, âm thanh vang lên nghe rất khác biệt, như lời vọng từ quá khứ xa xăm. Mái chính điện được thiết kế tam cấp, trung tâm là đỉnh tháp nhọn thờ tượng Phật bốn mặt Maha Prum, vị thần sáng thế theo đạo Bà-la-môn. Viền mái điêu khắc hình rồng Khmer uốn lượn, bên dưới là tiên nữ Keynor mình chim với nét mặt hiền hòa, và chim thần Garuda ngậm hồng ngọc, tượng trưng cho sức mạnh nâng đỡ tòa chính điện uy nghi. Chính điện được mở hai gian thành bốn mặt hướng đông, tây, nam, bắc, đây là lối bố trí kiến trúc nhìn ra bốn hướng vũ trụ theo Ấn Độ giáo.

Xung quanh chùa là hệ thống gồm đầy đủ các công trình phụ trợ cho việc tu tập: nhà sala, khu hỏa táng, tháp cốt, trai đường, tăng đường, nhà thọ trai.

Ngoài ra, chùa Bốn Mặt nổi tiếng bởi hai Giếng Tiên (Giếng Ông phía trước và Giếng Bà phía sau chùa), liên quan đến truyền thuyết về tục đào giếng giữa người con trai và con gái trong làng ngày xưa, gần giếng có một bàn Tế thiên, là một nơi thờ cúng quen thuộc của người dân địa phương.

Tượng Phật Bốn Mặt tại chùa. Ảnh sưu tầm.
Tượng Phật Bốn Mặt tại chùa. Ảnh sưu tầm.

Giá trị tâm linh và văn hóa 

Chùa Bốn Mặt (Sóc Trăng) không chỉ là một công trình tôn giáo, mà còn là biểu hiện sống động của tinh thần vô thường và duyên khởi trong giáo lý nhà Phật. Trải qua hơn nửa thiên niên kỷ, chùa đã chứng kiến bao đổi thay của thời cuộc, nhưng vẫn bền bỉ gìn giữ giá trị tâm linh, như một chiếc thuyền từ bi chở che cho bao thế hệ con người tìm về bến bình an.

Trong tiếng chuông ngân xa và hương trầm quyện gió, người ta không chỉ tìm thấy sự yên tĩnh của cảnh sắc, mà còn cảm nhận được sự tỉnh thức nơi tâm hồn. 

Quảng cảnh sân chùa Bốn Mặt. Ảnh sưu tầm.
Quảng cảnh sân chùa Bốn Mặt. Ảnh sưu tầm.

Chùa Bốn Mặt là biểu tượng của sự gắn kết cộng đồng, nơi mọi người không phân biệt già trẻ, sang hèn, cùng nhau vun đắp ngọn lửa từ bi và trí tuệ. Trong những ngày lễ hội, ngôi chùa không chỉ rộn ràng bởi tiếng trống và tiếng kinh, mà còn bởi sự đồng lòng góp sức của cả cộng đồng, từ việc chăm sóc cảnh quan đến việc truyền trao những giá trị tinh thần cho thế hệ mai sau.

Chùa Bốn Mặt còn là địa điểm dạy học cho trẻ em, hoạt động từ thiện cộng đồng, giải quyết một số mâu thuẫn phát sinh trong cư dân địa phương cũng như nơi tụ tập hoạt động, tập luyện của các nhóm nhạc ngũ âm, đội ca múa nhạc truyền thống, múa Shdăm, và là nơi sinh hoạt của câu lạc bộ của nhà chùa. Hàng tháng vào ngày rằm, chùa Bốn Mặt thường có tổ chức nhiều hoạt động văn hóa và lễ hội khác nhau.

Chùa Bốn Mặt là nơi gìn giữ truyền thống, nuôi dưỡng trí tuệ cộng đồng và tình thương rộng lớn, lan tỏa như ánh từ quang soi sáng khắp mọi nẻo đường của vùng đất Sóc Trăng hiền hòa.

Tổng hợp: Liên Tịnh

Tham khảo: wikipedia.org và https://soctrangtourism.vn/