Trang chủ Chuyên đề Pôthi Sômrôn – nét đặc trưng của kiến trúc Phật giáo Nam tông Khmer

Pôthi Sômrôn – nét đặc trưng của kiến trúc Phật giáo Nam tông Khmer

Chùa Pothi Sômrôn là trung tâm cho những sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Ngôi thiền tự ven bờ Ô Môn là công trình tôn giáo nhưng lối kiến trúc thẩm mỹ mang tính chất nghệ thuật cao.

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Chùa Pothi Sômrôn là trung tâm cho những sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Ngôi thiền tự ven bờ Ô Môn là công trình tôn giáo nhưng lối kiến trúc thẩm mỹ mang tính chất nghệ thuật cao. Gần ba thế kỷ tồn tại, ngôi cổ tự vẫn trang nghiêm thanh tịnh, bao vị chư Tăng đã tu học nơi đây…

TS.Bùi Thị Ánh Vân
Trường Đại học KHXH và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội
Tham luận Hội thảo khoa học: Kiến trúc Phật giáo Việt Nam – thống nhất trong đa dạng, ngày 15/4/2023 tại hội trường Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội)

1. Tổng quan về chùa Pôthi Sômrôn

Chùa Pôthi Sômrôn tọa lạc tại khu 4 phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ. Chùa có diện tích 8.500m2 (theo thống kê của địa chính 2004)[1], được xây dựng từ năm 1735: “theo lời kể của các bậc tiền nhân: Chùa được xây dựng vào thế kỷ XVIII Phật lịch. 2279 – DL.1735”[2].

Do những thăng trầm trong lịch sử, chùa đã có một số lần thay đổi địa điểm. Lần đầu ngôi thiền tự được xây dựng ở vàm Ô Môn, tiếp đó di dời đến Bo Rích. Một thời gian sau phường Châu Văn Liêm là địa điểm hiện nay[3].

Gần ba thế kỷ tồn tại, ngôi cổ tự vẫn trang nghiêm thanh tịnh, bao vị chư Tăng đã tu học nơi đây, có những bậc xuất gia đức cao vọng trọng công hạnh viên mãn, tiểu biểu là hòa thượng Đào Như. Hòa thượng tu tập ở Pothi Sôm Rôm từ năm 12 tuổi và trở thành trụ trì của chùa. Cho đến nay, hòa thượng Đào Như đang có những đóng góp lớn cho hệ phái và giáo hội với cương vị Tân lãnh đạo Học viện Phật giáo Nam tông Khmer. Các đời sư trụ trì và nhiều chư tăng chùa Pothi Sômrôn[4] đều nỗ lực xây dựng, bảo tồn chùa và hoằng dương Phật pháp, góp phần phát triển Phật giáo Nam tông Khmer tại Cần Thơ.

Kiến trúc đầu tiên của chùa Pôthi Somrôn dựng bằng cây lá. HT. Đào Như cho biết[5]: Năm 1735, dưới sự chỉ đạo của sư trụ trì, Phật tử và người dân Khmer đã đóng góp công sức dựng nên ngôi chùa đơn sơ. Sau hơn một thế kỷ, ngôi chùa đã được nâng cấp. Năm 1856, chùa được xây dựng bằng các loại gỗ quý như: Căm xe, cà chất, thao lao[6] và được lợp ngói vảy cá. Đến năm 1856, ngôi chùa đã xuống cấp nghiêm trọng nên tu bổ chùa. Sau đó, HT. Thạch Khiêng – trụ trì chùa giai đoạn 1950-1988 đi Phnom Penh thỉnh bản thiết kế mới từ các kiến trúc sư nổi tiếng của nước bạn Campuchia. Trên cơ sở giữ gìn kiến trúc truyền thống, ngôi chùa mới được khởi công vào tháng 6 năm 1950 với sự hỗ trợ về tịnh tài của thương gia Dương Muol: “Chùa mới được khởi công vào tháng 6 năm 1950, đến năm 1952 thì hoàn tất. Kiến trúc này được giữ cho đến nay”[7].

Năm 1954, đề phòng sự tàn phá của chiến tranh, hòa thượng trụ trì đã cho tháo gỡ Tăng xá làm bằng gỗ thay bằng ngôi Tăng xá làm bằng bê tông cốt thép (2 tầng). Năm 1961, các chư tăng trong chùa xây dựng thêm khu giảng đường, đến năm 1964, công trình được hoàn thành. Ngoài ra, trong khuôn viên chùa còn có các công trình phụ như: 2 phòng học, tăng xá, trai đường, nhà vệ sinh,… Tất cả những công trình nêu ở trên đều là những hữu công đóng góp của cố HT. Thạch Khiêng cùng Phật tử của chùa.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Tham Luan Hoi Thao Kien Truc Chua Pothi Somron 1

Chùa Pôthi Somrôn nằm bên sông Ô Môn. Ảnh: St

Từ khi HT. Đào Như trụ trì Pôthi Sômrôn, ngôi chùa được tu bổ ngày càng khang trang hơn, bao gồm các hạng mục: Chính điện (nơi thờ Tam tạng kinh), Tăng xá, trường học, nơi thờ xá lợi Phật… Năm 2006, chùa Pothi Sômrôn đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố.

2. Kiến trúc và những biểu tượng tôn giáo ngôi chính điện

Ngôi chính điện là phần kiến trúc chính, thể hiện rõ nhất nét kiến trúc độc đáo của chùa Khmer Nam Bộ. Khi được hỏi về điều này, HT. Danh Lung[8] đã chia sẻ: “Bao đời nay, nơi nào có phum sóc của người Khmer, nơi đó sẽ có chùa được xây cất. Đó là niềm tự hào họ. Người Khmer luôn hướng tâm về chư Phật. Có lẽ vì thế, ngôi chùa Khmer luôn uy nghi và rực rỡ hơn bất cứ công trình kiến trúc nào trong khu vực”[9].

Chính điện của chùa Pothi Sômrôn nói riêng và chùa Khmer nói chung, không chỉ sở hữu kiến trúc đặc sắc mà còn hội tụ nhiều tác phẩm điêu khắc, hội họa lấy chủ đề gắn với các huyền thoại Phật giáo. Nhiều họa tiết độc đáo nơi mái vòm, tường, các hàng cột và cầu thang, như tượng đầu vị thánh bốn mặt Maraprum là tiền trhân của Brahma, vị thần sáng tạo ra thế giới, nữ thần Kayno nửa người nửa chim, chim thần Marakrit. Trên những hàng cột là phù điêu các tiên nữ và quái vật. Theo triết lý của người Khmer, đó là những thử thách đối với Phật tử trên bước đường tu thành chính quả từ cột, rào, khuôn cửa, nóc mái, vách tường của chính điện Pôthi Sômrôn đều được chạm khắc hoa văn hình kỷ hà và lục bình tỉ mỉ.

 Hàng rào bao quanh: Xung quanh chính điện chùa Pôthi Sômrôn có hành lang (chơn tiên) bao quanh. Ba bên hướng đông, nam, bắc ngoài hàng rào chính điện là những ngôi tháp lớn nhỏ, cao thấp, nhiều kiểu kiến trúc khác nhau để thờ hài cốt ông bà thân nhân của Phật tử. Chính điện và bên ngoài được liên kết với nhau thông qua một hành lang rộng là lối đi dành riêng cho chư tăng hay dành cho các tín đồ trong dịp lễ.

Quanh chính điện có trụ cột, hàng rào với đầu thần Bayon bốn mặt. Theo văn hóa dân gian của người Khmer, đầu thần được thể hiện trên những cột hàng rào bao quanh ngôi chính điện theo hướng Đông- Tây- Nam- Bắc, đại diện cho từ, bi, hỷ, xả trong Phật giáo. ĐĐ. Thạch Sô Phe cho biết: “Biểu tượng thần bốn mặt bắt nguồn từ quan niệm cho rằng: chùa, tháp là hình dáng mô phỏng của đỉnh núi Preah Sôme (có tài liệu gọi là Tudi), ngọn núi ở trung tâm vũ trụ, nơi có thần bốn mặt ngự trị”[10]. Trong lịch sử, tượng bốn mặt trên tháp xuất hiện từ cuối thế kỷ XII đầu thế kỷ XIII ở ngôi đền Bayon nổi tiếng ở Angkor Thom (Siêm Riệp). Mặc dù đây là công trình kiến trúc Phật giáo, song nó hướng đến sự hòa đồng tín ngưỡng nên có những gian thờ và những tác phẩm điêu khắc dâng cúng cho chư thần Bà-la-môn lẫn đức Phật, Bồ tát Quán Thế Âm và các đối tượng Phật giáo khác. Chính vì vậy, cho đến nay, việc định dạng bốn khuôn mặt trên tháp Bayon vẫn là vấn đề tồn nghi: một số nhà nghiên cứu cho đó là thần Brahma/Khmer: Maha Brum, một số khác lại khẳng định đó là các thần bảo vệ bốn hướng chính; một số khác chỉ ra đó là khuôn mặt của chính đức vua Jayavarman (người xây dựng nên Angkor); hoặc khuôn mặt của đức vua được tạo hình dưới dạng Bồ-tát, theo tín niệm thần-vua/Phật-vua (Deva-raja) thời thượng của các quốc gia chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn[11]. Riêng trong truyền thuyết Phật giáo Khmer, Brahma xuất hiện trong các kỳ tích của đức Phật lịch sử, từ lúc Phật đản sinh cho đến lúc thành đạo, các cuộc pháp hội và cả lúc Phật nhập Niết-bàn. Tất thảy mọi trường hợp, thần bốn mặt Maha Brum/Brahma là Phật tử thâm tín đạo pháp, ủng hộ việc hoằng hóa Phật pháp và là đấng Hộ pháp nhiệt tâm. Điều này chỉ ra rằng, mặc dù được khắc họa là vị thần đối địch với Thomabal – người giữ gìn Phật pháp, trong Sự tích Tết Chôl Chnăm Thmây, song thần bốn mặt lại có vị trí tôn kính trong tín niệm của cộng đồng Phật tử Khmer[12].

Cách cổng và hàng rào chính điện Pôthi Sômrôn mỗi bên 5 m là chính điện, đặt trên nền từ 0,9 m. Có hai lối đi lên chính điện; Cửa của ngôi chính điện có bốn cửa (phía tây 2 cửa; phía đông 2 cửa)… Kiến trúc sư – nghệ nhân dùng nghệ thuật kiến trúc cố tình lập lại ba cửa trước đây. Đây là ba cửa chính chi phối các nghiệp thiện hoặc ác của tất cả chúng sinh mà về sau này ta phải hưởng quả an lạc hoặc khổ đau. Tuy nhiên, trong kiến trúc chùa Khmer, một số chính điện có bốn đường đi lên, tương ứng đó cũng có bốn cửa vào trong, tượng trưng cho bốn đường Đạo và bốn Quả. Thay cho tay vịn cầu thang đi lên là thân thần Rắn Naga uốn lượn theo độ cao của nền chính điện, có ba hoặc năm đầu ngóc lên hướng ra ngoài, canh giữ bốn đường[13]. Các nghệ nhân xây dựng hình tượng này với ngụ ý: Thần Rắn sẽ giúp loại trừ cái ác hay đúng hơn khi qua đường này thân – khẩu – ý hoặc ngũ uẩn phải trong sạch, nếu không sẽ không vào đến bên trong và đây cũng đồng nghĩa với cầu vồng mỗi khi trời chuyển mưa, dân gian Khmer xem đó như trời ban phúc cho dân chúng có nước làm mùa, đồng thời cũng xem như viên gạch nối giữa thế giới người phàm với cảnh Phật.

Cổng vào chính điện: Chùa Pothi Sômrôn có hai lối đi lên chính điện (phía đông và phía tây); Ba cổng này tượng trưng cho ba cửa mà mọi người khi làm bất cứ việc gì, thiện hay ác cũng qua ba cửa này là: thân, khẩu và ý. Thân có ba chi, khẩu có bốn chi và ý có ba chi. Hai bên cổng có hai con sư tử hoặc Asura, Tuya–ra–bal (Thần Gác cửa) canh gác, cột cổng trang trí bằng hoa lá đắp chìm nổi hay cách điệu thêm Bát chính đạo. Cũng có những chùa cách điệu tượng chư thiên chấp tay xá hòa với hoa lá thiên nhiên, như chào đón thiện nam tín nữ hay du khách thập phương bằng cả thân khẩu ý hiền từ.

Chống đỡ mái cổng vào chính điện Pothi Sômrôn là tượng Kayno (một số tài liệu viết là Kennâr) vừa khoe sắc uyển chuyển vừa khoe sức lực phi thường, quay mặt ra ngoài, đôi mắt nhìn xuống như muốn nói với mọi người rằng: sức mạnh vẻ đẹp của trần gian tuy không bằng cõi trời nhưng đủ sức thu hút làm cho kẻ thiếu sự kiên định mất khuynh hướng, sẽ không đi đến mục đích như cây nor có vẻ đẹp duyên dáng, nụ cười hồn nhiên nhưng chỉ chống đỡ mái cổng rồi quay mặt ra ngoài, chư Tăng, Phật tử nếu dễ mê muội với sắc đẹp, đường tu sẽ không đến thành công. Mái cổng có khi là tháp hình búp sen cách điệu trang trí bằng hoa lá, có khi là thần rắn Naga, thân uốn lượn chồng lên nhau tạo thành mái cong cho cổng, đầu quay xuống ngóc lên, đuôi cuốn quấn vào nhau như cố tình khuấy động biển sữa, tìm thần dược sinh tồn bất tử, hình ảnh ngóc đầu lên như gặp sự cản trở lớn đó là ý “tất cả đều là vô thường, khổ não và vô ngã”.

Ở một số chùa Khmer phía trước bậc thềm vào chính điện thường bố trí hai pho tượng Year, mặc áo giáp, đứng bảo vệ ngôi chùa. Tượng chằn hình dáng to lớn, mặt dữ tợn, miệng há rộng, răng nanh to nhọn, tay cầm chày, vốn là biểu tượng cái ác, xấu, gây thương đau cho mọi người. Nhưng tượng chằn đặt trong chùa lại là biểu tượng cái thiện vì người Khmer tin rằng loài vật này được đức Phật thu phục để phục vụ cho chính điện, bảo vệ sự bình yên cho dân lành. Cửa vào chính điện được chạm trổ rất công phu, tinh xảo, kết hợp giữa phong cách nghệ thuật chùa và nghệ thuật chạm khắc dân gian, tạo nên nét độc đáo cổ kính. Tuy nhiên ở chùa Pothi Sômrôn không có tượng chằn Year này.

Kết cấu ngôi chính điện: Kết cấu kiến trúc chính điện Pothi Sômrôn là hỗn hợp gỗ, gạch ngói… Chiều dài chùa Pothi Sômrôn gấp hai lần chiều rộng, chiều cao bằng chiều dài, mái và thân là hai phần bằng nhau. Hòa thượng Đào Như cho chúng tôi biết, việc xây dựng các hạng mục trong chùa đều được các nhà sư trước đó tính toán cẩn thận, đúng quy cách, kích thước nhất định. Các diện tích khung cửa, nhà ở và điện thờ cũng phải tuân theo quy định đó[14].

Chính điện chùa Pothi Sômrôn kết cấu mặt bằng thành 3 gian rộng và 7 gian dài. Đây là kết cấu theo hệ số lẻ- thường thấy trong kiến trúc chùa Khmer. Theo đó, chính điện chùa Khmer thường bố cục mặt bằng theo hệ số lẻ, cụ thể như: rộng ba gian, dài 5–7 gian, hoặc rộng 5 gian dài 9 gian. Cách bố trí như vậy căn cứ theo phương pháp ngũ điểm mở rộng, vừa dễ tạo điểm nhấn thể hiện rõ công năng sử dụng bên trong là thờ Phật, Pháp, Tăng mà đức Phật là tâm điểm. Cả những số lẻ trên cũng tượng trưng cho giáo pháp.

Chính điện chùa Pothi Sômrôn có 4 cửa chính ở hai hướng Đông – Tây cùng bảy hoặc chín cửa sổ ở hướng Nam và Bắc, đó là những quy tắc cơ bản nhất của kiến trúc chùa Kh’mer. Cửa vào chính điện Pothi Sômrôn đơn giản do điều kiện lúc xây dựng chùa còn hạn chế về kinh phí và thời gian.

Đỉnh cao nghệ thuật thể hiện ở những họa tiết độc đáo nơi mái vòm, tường, các hàng cột và cầu thang như: Đầu cột hàng rào chính điện có tượng đầu vị thánh bốn mặt “Maraprum” là tiền thân của “Brama” – vị thần sáng tạo ra thế giới; nữ thần “Kayno”[15] nửa người, nửa chim; chim thần “Marakrit”[16] (hay còn gọi là thần Krud/ Garuda). Trao đổi với chúng tôi về hình tượng chim thần trong các ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer, Thượng tọa-Tiến sĩ Lý Hùng (trụ trì chùa Pitu Khôsa Răngsây, Ninh Kiều, Cần Thơ) cho biết: “Krud là loại chim mạnh mẽ, đại diện cho không gian, mở rộng cho yếu tố lửa – yếu tố nóng”[17]. Trên những hàng cột là phù điêu các tiên nữ và những quái vật. Theo triết lý của người Khmer đó là những thử thách đối với Phật tử trên bước đường tu thành chính quả. Trên mái vòm và cầu thang đều chạm trổ họa tiết có thần rắn Naga[18]; vì họ quan niệm rằng tấm lòng từ bi hỷ xả của đức Phật đã thuần hóa được loài vật nguy hiểm này.

Ngôi chính điện Pothi Sômrôn không những mở nhiều cửa sổ mà quanh bốn hướng bao giờ cũng có những dãy hành lang cao, rộng và thoáng mát. Những ô cửa sổ được trang trí bởi các phù điêu đuôi rồng giao thoa, đó là sự kết hợp giữa sinh và tử.

Vòm cửa sổ và vòm các khung cửa ở hành lang chính điện Pothi Sômrôn mang hình chiếc lá Bồ đề với hình đuôi lá ngược lên trên. Lá bồ đề có hình dạng giống trái tim mà trái tim thì thường ấm áp, mãnh liệt và dạt dào tình cảm nên cũng tượng trưng cho tình thương, sự từ bi của đức Phật luôn dành cho con người. Vì thế mà vật phẩm lá bồ đề mạ vàng được mệnh danh là thần hộ mệnh cho tất cả mọi người. Lá bồ đề sẽ giúp mọi người suy xét mọi việc một cách thấu đáo trước khi quyết định bất kì chuyện gì. Lá bồ đề còn giúp tâm mình được che mát, soi sáng, thức tỉnh. Đuôi lá bồ đề cũng có hình dạng giống với biểu tượng giác ngộ trong đạo Phật nên lá bồ đề đại diện cho sự giác ngộ, tịnh tâm. Theo truyền thuyết Phật giáo, quá trình tu hành dưới gốc bồ đề của đức Phật dưới gốc cây bồ đề, có rất nhiều yêu ma quấy rối, và chính nhờ vào cây bồ đề ấy đã che chở giúp đức Phật đánh bại tâm ma tu thành chính quả. Nhiều người tin rằng, lá bồ đề cũng có thể giúp khu trừ tà ma, giữ vững tâm tính, loại bỏ tham sân si mà ngộ đạo. Do đó, có rất nhiều Phật tử rất coi trọng những lá bồ đề này. Bên cạnh đó, những đường vân từ trên lá bồ đề cũng rất phức tạp và cổ quái nên nhiều người tin rằng đây là một đạo phù văn mà tạo hóa ban cho loài người, hướng con người đi về phía đại đạo. Mặc dù đã qua rất rất nhiều năm nhưng những bí ẩn về cây bồ đề cũng như lá bồ đề vẫn luôn là đề tài nghiên cứu muôn thuở của con người và người ta vẫn tin rằng trên mỗi lá bồ đề luôn có một lực lượng thần bí nào đó có thể giúp được người ta hướng về chính đạo. Hiện nay trên các bàn thờ của người Việt, đặc biệt là bàn thờ Phật đều có sự xuất hiện của những chiếc lá bồ đề mạ vàng, nhưng nếu không có điều kiện thì vẫn dùng lá bồ đề khô vẫn được.

Các ô cửa và tường ngôi chính điện Pothi Sômrôn được sơn vàng nhìn khá ấn tượng. Khi nhắc tới Phật giáo một trong những tôn giáo lớn nhất phương Đông ai cũng sẽ liên tưởng những tượng Phật ngồi trên những tòa sen màu vàng. Hoa sen vàng trong Phật giáo được tôn quý và chiếm vị trí rất quan trọng. Màu vàng trong quan niệm Phật giáo tượng trưng cho trí tuệ, tình thương và thể hiện cho sự thanh thoát, trong sáng. Cùng quan niệm Phật giáo, kiến trúc sử dụng màu vàng vô cùng độc đáo. Các công trình nổi tiếng của tôn giáo phương Đông như chùa vàng Shwedagon của Myanmar, phật đài Dhammakaya đều là những công trình với lối kiến trúc vô cùng tráng lệ và rực rỡ và đều sử dụng màu sơn vàng.

Những hàng cột phía ngoài chính điện được xây dựng theo lối kiến trúc cổ Cô-ranh, phía trên nối tiếp giáp giữa đầu cột với mái chùa có tượng thần Krud mình người đầu chim, mỏ ngậm viên ngọc với 2 tay đỡ mái chùa. Cột ở hàng ngang của chùa – gọi là cột chống mái, những người thợ xưa bố trí 9 chiếc cột (đã bao gồm 2 cột góc); Phía đầu đốc có 5 cột (trong đó bao gồm 2 cột góc). Ở đầu cột góc và cột mái ở hàng ngang cũng như đầu đốc đều có tượng, nhưng không giống nhau: Cột góc gắn với tượng chim thần Krud và cột mái – tượng tiên nữ Kayno (Kennâr). Hình tượng Kayno và chim thần Krud được chạm khắc bay bổng như nâng đỡ mái ngói. Cách tạo tác này đã tạo được sự chuyển tiếp giữa phương đứng của các cột và phương ngang của mái.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Tham Luan Hoi Thao Kien Truc Chua Pothi Somron 2

Kiến trúc mang đậm văn hóa của dân tộc Khmer. Ảnh: St

3. Kiến trúc mái chính điện Pothi Sômrôn và những truyền thuyết Phật giáo của người Khmer

Sức nặng của mái chùa được giảm nhẹ bằng lối sử lý hai cấp mái, kết hợp với hàng cột hiên thanh mảnh, tam cấp nền chắc chắn và tĩnh liên hoàn với nhau: Thực – hư – thực. Có thể nói tổng thể kiến trúc ngôi chùa như một tác phẩm điêu khắc. Với ba phần cơ bản là: mái, cột – thân chùa – nền, tam cấp là ba phần khối: thực- hư – thực hoặc: đặc – loãng – đặc, khối: dương – âm và dương. Nhận xét vè điều này, nghiên cứu của Nguyễn Bá Thanh cho rằng: “Những kết cấu đơn giản, bó khuôn trong hình tam giác làm cho ngôi chùa thêm phần cứng cáp và khoẻ mạnh được kết hợp với những môtíp trang trí đa dạng và phong phú, tỉ mỉ và tinh tế đã tạo nên một tổ hợp lớn không tách rời nhau giữa trang trí và kiến trúc”[19].

Mái chính điện Pothi Sômrôn có ba cấp chồng lên nhau, có hình tượng rồng chạy dọc theo bờ mái với đuôi vươn lên thẳng lên trời cao. Ở mỗi cấp mái đều được chia thành ba nếp, nếp giữa lớn hơn, hai nếp phụ hai bên bằng nhau. Đồng thời, hai mái trên cùng thì dốc và cao hơn mái còn lại. Đây là đặc trưng hầu hết các kiến trúc của chùa Khmer khác nhau. Trên chóp nóc thường thấy là một tam giác cân, nhọn, chiều đứng dài hơn ¼. Với việc tạo dựng ba lớp mái dốc chồng lên nhau, mái trên cùng cao hẳn lên trời, những người thợ xây Pothi Sômrôn đã tạo thành hình tam giác cân hai bên gọi là Ho–o–cheng (Cánh én), góc trên luôn nhỏ hơn hai góc nằm còn lại. người ta tạo nên bộ mái là những đường thẳng tắp, các đường thẳng này chồng lên nhau thành nhiều đường thẳng song song cứng nhắc.

Nhiều chùa khmer trên mái có tháp nóc. Tuy nhiên, quan sát ở Pothi Sômrôn, chúng tôi thấy ngôi chính điện không có tháp nóc. HT. trụ trì chùa Pothi Sômrôn cho biết: Kiến trúc theo kiểu ba lớp chồng lên nhau còn thể hiện cho ba cõi[20]. Khoảng thập niên 30 của thế kỷ XX, cũng có những chính điện có mái khác hơn chính điện cất trước đây. Các nghệ nhân hay thợ xây dựng Khmer thêm vào đó bằng một ngọn tháp hay ba ngọn tháp như búp sen cách điệu hoặc tháp chuông cách điệu từ ý tưởng Bát úp, theo truyền thuyết kể rằng: Lúc đức Phật sắp nhập Niết bàn thì có một vị trong môn đệ hỏi rằng “Nếu sau này Ngài nhập Niết bàn thì nên làm tháp thờ như thế nào?”. Đức Phật không trả lời mà chỉ xếp Y lại thành bốn mảnh, lấy Bát úp trên Y, lấy cây gậy chống thẳng đứng trên Bát. Hình ảnh này trở thành sức hấp dẫn cho nghệ nhân hay thợ xây, sáng tác nhiều tác phẩm nghệ thuật kiến trúc đặc sắc của Phật giáo sau này, và cũng từ ý này nên nền chính điện luôn đặt trên nền hình vuông hay hình chữ nhật.

Sau này, khi đời sống của Phật tử được nâng cao, họ đã tự nguyện đóng góp để xây dựng các ngôi chùa tạm thành những thiền tự chắc chắn với vật liệu xây dựng phong phú; có cấu trúc, mô hình kiến trúc mang đậm ảnh hưởng của chùa Campuchia. Những ngôi chùa này vừa nói lên sự kế thừa, sự nghiên cứu tìm tòi Phật pháp của các nghệ nhân hay thợ xây dựng Khmer đạt một trình độ phát triển nhất định. Đây là một cuộc cách mạng trong kiến trúc Phật giáo. Ở một số chùa Khmer, trên ba lớp mái của chính điện được đặt một ngôi tháp chia tám cấp (như trường hợp chùa Candaransi – TP. Hồ Chí Minh…), với ý nghĩa tượng trưng cho Niết bàn cao hơn ba cõi còn lại, đây là đỉnh cao cuối cùng trong Vũ trụ học Phật giáo, cõi vô sinh bất diệt, không còn đau khổ, không còn phiền não; muốn vậy chúng sinh phải trải qua nhiều cấp, nhiều bậc tu luyện hoàn thiện bản thân như tám cấp của ngôi tháp tượng trưng cho Bát chính đạo[21]

Ở ngôi chùa Kh’mer Nam Bộ, điêu khắc – trang trí có mặt ở khắp mọi chỗ như xà nhà, trần nhà, góc mái, cột, diềm mái… hầu như người nghệ nhân Kh’mer không để một chỗ nào trống trong kiến trúc. Chính điện Pothi Sômrôn cùng không ngoại lệ: “Từ cột, rào, khuôn cửa, nóc mái, vách tường đều được chạm khắc hoa văn hình kỷ hà và lục bình tỉ mỉ”[22].

Phần diềm mái chính điện Pothi Sômrôn được trang trí đầy hoa văn chạy suốt chiều dài ngôi chính điện. Bằng nghệ thuật cách điệu tinh tế, các nghệ nhân đã trang trí dưới mái ngôi chính điện, khiến nó trở nên nhẹ nhàng, thanh thoát và sinh động. Các đường viền của mái chạm khắc nhiều chi tiết tương tự lá bồ đề.

Có thể thấy, ngoài chức năng tôn giáo, chùa Pothi Sômrôn còn là một công trình kiến trúc nghệ thuật. Dễ nhận thấy, giữa kiến trúc và điêu khắc – trang trí có một sự ăn nhập và được thể hiện ra dưới một quy tắc chung nhất nên tất cả đều ăn nhập với nhau nhưng không lặp lại, mang lại cho người xem một cảm giác thích thú, thăng hoa bởi màu sắc chói lọi được tô trên những hình chạm khắc. Đồng thời, nhiều chi tiết trang trí góp phần làm giảm sức nặng của ngôi chùa. Nhìn tổng thể, chùa Pothi Sômrôn như một tam giác biến thể,  tinh tế và sâu lắng trong một suy tư đầy ý vị.

Nóc chính điện chùa Pothi Sômrôn được thiết kế theo một tổng thể hình tam giác cân, mái chùa có ba cấp, mỗi cấp được chia thành ba nếp, nếp giữa lớn hơn, hai nếp phụ hai bên bằng nhau, không có tháp nóc. Tại hai khoảng trống ở hai đầu hồi của kiến trúc này đã được người xưa bịt bằng hai tấm gỗ.

Ở bốn góc nóc mái chính điện Pothi Sômrôn được trang trí hình tượng bốn đuôi rồng uốn lượn tạo cảm giác uyển chuyển, mềm mại cho ngôi chùa. Riêng phần đỉnh nóc ngôi chính điện, mỗi đỉnh góc mái thường được đắp một khúc đuôi rắn dài, cong vút, uốn mềm mại. Từ xa nhìn lại, du khách và Phật tử sẽ chứng kiến một ngôi chùa Khmer Nam tông uy nghi, đồ sộ mọc cao vút lên trời. Xen kẽ là những cây cổ thụ sum suê giữa phum sóc. Ngôi chùa có dáng vẻ uy nghi, đồ sộ bởi được đặt trong không gian kiến trúc rộng lớn, quy mô các công trình được xếp đặt theo quy hoạch cụ thể.

4. Kết luận

Đối với đồng bào dân tộc Khmer ở Ô Môn – Cần Thơ và người dân địa phương, chùa Pothi Sômrôn là trung tâm cho những sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Ngôi thiền tự ven bờ Ô Môn là công trình tôn giáo nhưng lối kiến trúc thẩm mỹ mang tính chất nghệ thuật cao. Với những giá trị lịch sử, nghệ thuật và tôn giáo, ngôi thiền tự không chỉ là nơi hành đạo của các Phật tử Nam tông Khmer, mà còn là địa chỉ chiêm bái và nghiên cứu của các khách du lịch, những học giả quan tâm đến nét đẹp của kiến trúc chùa Khmer.

TS.Bùi Thị Ánh Vân
Trường Đại học KHXH và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội
Tham luận Hội thảo khoa học: Kiến trúc Phật giáo Việt Nam – thống nhất trong đa dạng, ngày 15/4/2023 tại hội trường Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội)

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Tham Luan Hoi Thao Kien Truc Vai Net Ve Trung Tam Phat Giao Luy Lau Bac Ninh 11 Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Tham Luan Hoi Thao Kien Truc Vai Net Ve Trung Tam Phat Giao Luy Lau Bac Ninh 12

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường