Thiết Khánh Vân Bản (운판, 雲板) là một trong những Phật cụ (불구, 佛) được sử dụng trong các nghi lễ Phật giáo, có tên gọi khác là Đại Bản (대판, 大版) là một trong bốn đồ vật ở điện thờ Phật (불전사물, 佛殿四), cùng hoà âm phối khí với tiếng kinh kệ, khiến lòng người thanh thản, tiêu tan mùi tục lụy.

Thiết Khánh Vân Bản được các nghệ nhân pha đồng đúc mỏng có hình đám mây, là một nghề thủ công Phật giáo, khi đánh vào sẽ phát ra âm thanh trong trẻo, nhẹ nhàng và thanh thoát.  

(Ảnh: Internet)

Từ thời Phật giáo Ấn Độ cổ đại, loại nhạc khí này được nhân loại phát minh rất sớm, Thiết Khánh Vân Bản được chế tác từ nhiều chất liệu khác nhau như: đá, ngọc, vàng,… do đó khi đánh vào, nó phát ra những âm thanh bất đồng... Nhân gian ghi chép và truyền tụng rằng: “Tịnh xá Kỳ Hoàn (Jetavana Anāthapiṇḍikārāma, 祇洹精舍), Sāvatthī, kinh đô của nước Kosala) vào thời Ấn Độ cổ đại đã phát hiện một chiếc Thiết Khánh Vân Bản, bốn bên chiếc khánh là vàng, điểm hình Phật và đệ tử quá khứ, có chín rồng và hình trời người cầm ngọc, khi đánh khánh phát tiếng kêu vang cả ba nghìn thế giới”.

Trong Từ Nguyên ghi: Khánh Vân Bản là một loại nhạc khí, làm bằng đá, bằng ngọc, bằng đồng, do âm thanh hình dáng đặc biệt nên hàm chứa ý nghĩa trang nghiêm, kính cẩn, thanh tịnh siêu thoát, vì vậy trong Phật giáo chọn làm pháp khí.

Khánh là một trong các loại nhạc khí sử dụng trong các pháp hội, có dáng giống như hình chữ nhật. Khánh ở Trung Quốc có nguồn gốc từ thời Nghiêu Thuấn, nó là một loại nhạc khí rất quan trọng. Khánh thời bây giờ là dùng ngọc hoặc đá mài thành, một vài loại đá ở Trung Quốc là Tứ Thủy (nay thuộc tỉnh Sơn Đông), lấy từ trong núi sâu, màu nó giống như cây sơn, có rất nhiều đường vằn nhỏ giống y như ngọc, cũng có khi dùng đá Thái Hồ chế thành nhưng chất lượng thì không bền và đẹp bằng ngọc đá Tứ Thủy. Theo Văn Hiến Thông Khảo: Đến thời Nam Tề mới có khánh bằng sắt, lại đến đời Trần mới đúc khánh bằng đồng.

(Ảnh: Internet)

Sách Tượng Khí Tiêu quyển thứ 18 ghi: “Ngài Vân Chương nói: hình của thiếc Khánh giống như đám mây, nên người ta cũng thường gọi tên thiếc Khánh là Vân bản (운판).”.

Ngài Tục Sự Lão cũng có thuật: “Vua Tống Thái Tổ cho rằng, tiếng trống hay làm giật mình người ngủ, nên thay vì dùng trống, vua Tống Thái Tổ chế dùng thiết Khánh (Khánh bảng thiết).” Loại Khánh này cũng gọi là Chinh, tức là Vân bản (운판, 雲板) vậy.

Khánh tiếng Phạn là Kiền Chùy (trong luật Phật thường gọi là Kiền Chùy Thành), dịch là Chuông hay Khánh.

Khánh cũng là một pháp khí như Bản. Cách dùng cũng tương tự nhau, chỉ có hình thức và nguyên liệu chế tác là khác nhau. Hình dạng của Bản là hình bát giác và làm bằng gỗ, còn hình dạng của Khánh thì làm theo hình bán nguyệt và đúc bằng đồng, hoặc có khi làm bằng đá cẩm thạch.

Ngày nay trong các Tự viện Phật giáo, Khánh làm bằng đồng có kích thước tương đương cái đĩa lớn, treo trong một cái giá gỗ, thường dùng để báo hiệu trong phạm vi nhỏ, như để báo giờ Thọ trai hay khi thỉnh Pháp sư trong Phương trượng đăng lâm Pháp tòa, Thiền đường, hoặc đón rước một vị đại sư hay danh tăng đến tự viện, nghi lễ này đi trước là khay lễ gồm nhang, đèn, hoa, quả, kế theo là một vị cầm Khánh treo trong giá, vừa đi vừa đánh Khánh rồi tiếp theo là vị được đón rước theo sau - có thể có cả lọng - rồi tiếp đến là những vị tu sĩ khác tùy theo phẩm trật xếp thành thứ tự.

Những vị tu sĩ nhập đại định, muốn báo cho vị ấy xuất định, người ta cũng dùng tiếng Khánh để cảnh tỉnh.

(Ảnh: Internet)

Theo như các Thiền sử ghi lại qua các hành trạng của một số vị Thiền Sư, thì tiếng Khánh có tác dụng rất lớn đối với người tu thiền. Một khi Thiền giả đã vào các tầng thiền như “Diệt thọ tưởng định” thì dù có trời long đất lở thân tâm của vị ấy cũng bất động. Tuy nhiên, chỉ với một vài tiếng Khánh nhỏ cũng đủ đánh thức các Ngài dậy.

Câu chuyện ngài Hư Vân là một điển hình, trong một lần thiền định xuất thần kéo dài cả tuần, chư vị Hòa Thượng khác đã dùng Khánh mà đánh thức ngài xuất định.

Ý nghĩa của chiếc Khánh Vân Bản hay Khánh và ngân vang (叫香) trong đạo Phật không chỉ là nhắc nhở trong khi ẩm thực mà còn là lời cảnh tỉnh cho dân chúng. Phật giáo chú trọng hơn đến việc tu tâm dưỡng tính trong đời sống thường nhật, khi vào phòng thụ trai đến bữa ăn, trước khi ăn phải Tam niệm và Ngũ quán, nhắc nhở người thụ trai luôn chú ý vào việc tu tâm dưỡng tính, trau dồi đạo hạnh.

Tam niệm:

Thìa thứ nhất, nguyện tìm cách cho vui.

Thìa thứ hai, nguyện giúp người bớt khổ.

Thìa thứ ba, nguyện để lòng hoan hỷ.

Ngũ quán:

Thức ăn này là tặng phẩm của đất trời và công phu lao tác.

Xin nguyện sống xứng đáng để thọ dụng thức ăn này.

Xin nhớ ngăn ngừa những tật xấu, nhất là tật ăn uống không điều độ.

Chỉ xin ăn những thức có tác dụng nuôi dưỡng và ngăn ngừa tật bệnh.

Vì muốn thành tựu đạo nghiệp nên thọ nhận thức ăn này.

Khánh, không chỉ là biểu tượng trong Phật giáo Hàn Quốc nói riêng, mà đã và đang trở thành pháp khí trong nhiều chùa Phật giáo, trong đó có Việt Nam: biểu trưng cho thanh âm trang nghiêm mà thanh tịnh, một đặc trưng nhạc khí, pháp khí rất riêng chốn thiền môn.  

Link Youtube:

https://www.youtube.com/watch?v=YZuSbxN4rvI

https://www.youtube.com/watch?v=om-vdutrdx0

Thích Vân Phong (biên dịch và tổng hợp).