Độ Mẫu Tara được cho là “Mẹ của tất cả chư Phật” không ngoại lệ. Thực sự, Bà là Mẹ Pháp thân vĩ đại, mẹ của tất cả chư Phật và hữu tình chúng sinh. Ở cấp độ tương đối – khi mà chúng ta nhìn nhận sự tồn tại nhị nguyên, nơi mà dường như có sự khác biệt giữa chư Phật và hữu tình chúng sinh

Garchen Rinpoche giảng | Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ

Nhìn chung, khi nghe về lịch sử của một vị Tôn, cảm hứng khởi lên trong tâm con. Ví dụ, khi nghe về câu chuyện cuộc đời của một đạo sư như Tổ Milarepa, con cảm thấy hứng khởi. Nó khiến con nhớ về những phẩm tính của chư vị và sau đấy, niềm tin khởi lên. Khi niềm tin giao phó khởi lên, ân phước gia trì sẽ thâm nhập tâm con.

Trước hết, con học hỏi về những phẩm tính của vị Tôn, mục đích và kết quả của việc thực hành vị Tôn đó sẽ là gì. Khi con thực hành một vị Tôn, tâm con bắt đầu mở ra. Vì vậy, trước tiên, con làm quen với những phẩm tính của vị Tôn: Các phẩm tính của sự toàn tri, lòng bi mẫn yêu thương và năng lực bảo hộ. Sau đấy, con có thể hiểu rằng nếu con thực hành vị Tôn một cách đúng đắn, những kết quả này có thể đạt được. Đó là cách bắt đầu thực hành theo truyền thừa của sự gia trì thực hành.

Lúc bắt đầu của bất kỳ con đường thực hành nào – chẳng hạn con đường của Biệt Giải Thoát, con đường Bồ Tát hay con đường Kim Cương thừa – điều vô cùng quan trọng là đầu tiên, làm quen với lịch sử. Vì vậy, nếu con muốn thực hành Độ Mẫu Tara, đây cũng là chỗ mà con cần bắt đầu. Hoặc để bắt đầu thực hành Đạo Sư Du Già, lấy ví dụ, con cần đọc tiểu sử của Tổ Milarepa; nghe về câu chuyện của Ngài sẽ khiến niềm tin và sau đấy sự giao phó khởi lên.

Mọi thực hành còn tồn tại đều có nhiều phẩm tính tốt đẹp, nhưng bởi chúng ta bị vô minh che lấp, thật khó để chúng ta phát triển niềm tin ngay lập tức. Đó là nguyên nhân khiến việc biết về lịch sử của một vị Tôn nhất định mà con sẽ thực hành lại quan trọng đến vậy.

Nhìn chung, Độ Mẫu Tara được cho là “Mẹ của tất cả chư Phật” không ngoại lệ. Thực sự, Bà là Mẹ Pháp thân vĩ đại, mẹ của tất cả chư Phật và hữu tình chúng sinh. Ở cấp độ tương đối – khi mà chúng ta nhìn nhận sự tồn tại nhị nguyên, nơi mà dường như có sự khác biệt giữa chư Phật và hữu tình chúng sinh – Bà là nền tảng mà từ đó, tất cả chư Phật khởi lên để kết nối với hữu tình chúng sinh. Ví dụ, trong thế giới và thời kỳ này, Độ Mẫu Tara xuất hiện là Mayadevi, mẹ của Phật Thích Ca Mâu Ni. Bà đến cõi người này để sinh ra đức Phật và một tuần sau khi Phật đản sinh, Bà đã qua đời. Độ Mẫu Tara cũng xuất hiện trong vô vàn hình tướng khác nhau và trong mỗi hình tướng này, Bà có danh hiệu và lịch sử khác nhau.

Garchen Rinpoche

Có sáu triệu Mật điển Độ Mẫu Tara và nhiều trong số đó nói rằng nhiều kiếp trước, Độ Mẫu Tara là vị Tôn đầu tiên và duy nhất được thực hành. Có vô số câu chuyện về những vị đã thành tựu giác ngộ chỉ nhờ thực hành Độ Mẫu Tara. Câu chuyện của Bà được kể trong Mật Điển Đại Giải Thoát Của Tara và có những miêu tả khác về câu chuyện và phẩm tính của Bà trong tuyển tập những lời dạy của Đức Phật – Kangyur. Có vài miêu tả về nguồn gốc của Độ Mẫu Tara, nhưng theo câu chuyện về Độ Mẫu Tara như một người đã đạt giác ngộ, Bà đã sinh ra từ nhiều kiếp trước, trong một hệ thống thế giới khác, là công chúa tên Yeshe Dawa, con gái của Mutik Ngari Gyalpo, một vị vua quyền lực. Ngay khi mới chào đời, Bà vốn đã là một Bồ Tát; Bà có lòng từ và bi lớn lao dành cho mọi hữu tình chúng sinh. Những trưởng lão tâm linh thời ấy đề xuất rằng bởi sự thành tựu của Bà ấy thật cao, Bà cần cầu nguyện tái sinh làm nam trong các đời tương lai và như thế, tiến bộ hướng về giác ngộ. Bà từ chối, chỉ ra rằng nhiều vị Phật vốn đã hiển bày trong thân nam và vì thế, Bà phát nguyện đạt giác ngộ khi là nữ và liên tục trở về trong thân nữ để làm lợi lạc chúng sinh chừng nào luân hồi còn tồn tại.

Nhìn chung, trước khi một vị Phật giác ngộ, anh hay cô ấy tuyên bố những lời hứa nguyện nhất định liên quan đến cách chư vị sẽ làm lợi lạc hữu tình chúng sinh. Độ Mẫu Tara nói với Quán Thế Âm [Chenrezig], “Đừng sợ! Ta sẽ bảo vệ mọi chúng sinh! Ta sẽ đưa mọi chúng sinh vượt đại dương luân hồi khủng khiếp”. Bà sẽ ở đó để bảo vệ bất kỳ ai, vị còn trong luân hồi và chịu giày vò bởi khổ đau, cầu khẩn và thực hành Bà. Đó là lời hứa làm lợi lạc hữu tình chúng sinh của Độ Mẫu Tara. Bên dưới bức tượng Độ Mẫu Tara trong bảo tháp của chúng ta ở Arizona, những lời hứa nguyện của Bà cũng được viết lại.

Có những cấp độ tương đối và rốt ráo và ở cấp độ tương đối, Độ Mẫu Tara đã xuất hiện trên thế giới này để hoàn thành lợi lạc của hữu tình chúng sinh. Trong kiếp này, Bà trước tiên xuất hiện là Mayadevi, mẹ của Phật Thích Ca Mâu Ni.

Sau đấy, Độ Mẫu Tara cũng xuất hiện là Yeshe Tsogyal, vị phối ngẫu tâm linh của Guru Rinpoche, khi Ngài đang hoằng dương giáo lý Kim Cương thừa Chân ngôn Bí mật ở Tây Tạng. Người ta cũng nói rằng Guru Rinpoche là một hóa hiện của Phật Thích Ca Mâu Ni, xuất hiện để điều phục hữu tình chúng sinh của thời suy đồi, khi mà những cảm xúc phiền não của họ rất mạnh mẽ và thật khó để điều phục chúng nếu chỉ nhờ giáo lý Luật Tạng Vinaya. Người ta cũng nói rằng những giáo lý Kim Cương thừa rất mạnh mẽ trong thời suy đồi. Kim Cương thừa là con đường mà cảm xúc phiền não không bị từ bỏ, mà thay vào đó, được xem là con đường. Yeshe Tsogyal đã giúp đỡ Guru Rinpoche kết tập các giáo lý sâu xa của Ngài và sau đấy, chôn giấu chúng như những kho tàng tâm linh hay Terma. Sau khi Guru Rinpoche nhập Niết Bàn, Bà giới thiệu những giáo lý kho tàng này cho các vị phát lộ kho tàng tương lai, tức Terton. Câu chuyện của Yeshe Tsogyal rất dài, nhưng nói ngắn gọn, Bà được cho là đã thành tựu thân cầu vồng bất tử. Không để lại xác thân, Bà chuyển thành thân cầu vồng và tiếp tục an trú trong trạng thái đó. Khi ấy, Bà được biết đến là Machik Drubpai Gyalmo, một Không Hành Nữ bất tử. Nhìn chung, khi chúng ta giải thích những lịch sử này từ quan điểm con người, người ta thường có vài nghi ngờ về việc liệu những chuyện này có thực sự xảy ra. Nhưng dường như mọi người đều đồng ý rằng Bà đã đạt trạng thái bất tử và trở thành Không Hành Nữ bất tử Machik Drubpai Gyalmo, vị cũng là một hóa hiện của Độ Mẫu Tara.

Khi Quán Thế Âm xuất hiện làm đệ tử Bồ Tát của Đức Phật, Đức Phật tiên đoán rằng trong tương lai, Quán Thế Âm sẽ điều phục “những kẻ man rợ mặt đỏ, ăn thịt và thiếu lòng bi ở vùng đất về phía Bắc”. Nhiều kiếp trước đó, Bạch Độ Mẫu và Lục Độ Mẫu đã phát nguyện luôn luôn xuất hiện cùng với Quán Thế Âm, để hỗ trợ những nỗ lực của Ngài. Câu chuyện này đến từ quan điểm của Pháp thân và Báo thân, khi mà, nhiều kiếp trong quá khứ, Độ Mẫu Tara đã hứa với Quán Thế Âm sẽ hành động như người giúp đỡ. Khi ấy, Quán Thế Âm trở nên vô cùng nản lòng trước luân hồi và than khóc. Bạch Độ Mẫu và Lục Độ Mẫu xuất hiện từ những giọt nước mắt của Ngài và hứa sẽ hỗ trợ Ngài trong việc làm lợi lạc hữu tình chúng sinh. Sau đấy, Phật Thích Ca Mâu Ni hướng dẫn Quán Thế Âm điều phục dân chúng Tây Tạng. Bởi thệ nguyện Samaya giữa Độ Mẫu Tara và Quán Thế Âm và bởi mệnh lệnh của Đức Phật, Độ Mẫu Tara đã xuất hiện cùng với Quán Thế Âm ở Tây Tạng.

Đầu tiên, vào thời của Vua Phật tử Songtsen Gampo, Độ Mẫu Tara đã xuất hiện thành những Hoàng hậu Trung Hoa và Nepal, vợ của đức vua. Về mặt lịch sử, chúng ta biết rằng chư vị thực sự đã xuất hiện bởi chư vị đã mang hai bức tượng Jowo quý báu đến Tây Tạng. Những bức tượng này, thứ giống như ngọc báu vương miện của Tây Tạng, ngày nay vẫn có thể được chiêm bái; vì thế, đó là một câu chuyện có thật.

Chư đạo sư của Ấn Độ cổ và nhiều học giả vĩ đại đã nương tựa Độ Mẫu Tara là thực hành Bổn tôn chính yếu. Ví dụ, trước khi Tổ Atisha đến Tây Tạng, Ngài vượt biển bằng thuyền để hạnh ngộ đạo sư Serlingpa. Khi một cơn bão xuất hiện và thuyền Ngài sắp chìm, Tổ Atisha cầu khẩn Độ Mẫu Tara và Bà xuất hiện trước Ngài ngay tức thì, cùng với một đoàn tùy tùng bao la để cứu giúp. Độ Mẫu Tara đã cứu con thuyền và giúp Tổ Atisha đến được bờ an toàn; nhờ đó, Ngài đã có thể hạnh ngộ Đức Serlingpa mà không có bất kỳ chướng cản nào khác. Hiện nay có một bức tượng về Độ Mẫu Tara như Bà xuất hiện trước Tổ Atisha khi ấy. Bức này được cho là đã nói chuyện trực tiếp với Tổ Atisha, giống như người này nói chuyện với người khác. Cũng có nhiều câu chuyện về cách Độ Mẫu Tara nói chuyện với Tổ Atisha một cách trực tiếp và đưa ra nhiều tiên đoán khi Ngài sau đấy ở Tây Tạng. Cũng có nhiều câu chuyện về những hành giả khác mà bức tượng này được cho là đã nói chuyện trực tiếp.

Có nhiều câu chuyện về nhiều đạo sư Tây Tạng khác nhau đã trực tiếp diện kiến Độ Mẫu Tara và được trực tiếp trò chuyện với Độ Mẫu. Ví dụ, Sogyal Rinpoche thường phát một bức hình về vị Tara đã thực sự nói chuyện với nhiều Lama; bức hình Tara này đã trực tiếp nói chuyện với Terton Chokling[1], Jamyang Khyentse [Wangpo][2], [Jamgon] Kongtrul Rinpoche[3] và v.v. Bà không chỉ xuất hiện trước những đạo sư cao cấp mà còn xuất hiện trước người bình phàm. Ở Tây Tạng, có nhiều câu chuyện thực sự về cách mà Độ Mẫu Tara xuất hiện trước người bình phàm, những vị cầu khẩn Bà và sau đó, được Bà bảo vệ khỏi nhiều kiểu nguy hiểm, chẳng hạn hổ, trộm cướp và v.v. Sẽ chẳng có kết thúc khi kể tất cả những câu chuyện này.

Nhưng hãy lấy một ví dụ: Khi Tổ Jamgon Kongtrul gặp các chướng ngại về thọ mạng, đạo sư của Ngài bảo Ngài thực hành Bạch Độ Mẫu. Ngài đã tiến hành một khóa nhập thất Tara trong sáu tháng và trong suốt khóa nhập thất, Ngài chẳng có dấu hiệu thành tựu đặc biệt nào, ngay cả một giấc mơ cũng không. Cuối khóa nhập thất, Ngài trở nên chán nản và cảm thấy rằng chẳng có lợi lạc thực sự nào trong thực hành Tara của Ngài; vì thế, Ngài rời khóa nhập thất và đi nhiễu quanh một thánh địa. Dọc con đường đó, Ngài gặp một cô gái. Cô ấy trao cho Ngài một bó hoa để cúng dường trong chùa. Khi ấy, Ngài không cho rằng đó là điều gì đặc biệt; Ngài chỉ nghĩ rằng cô gái trao cho Ngài ít hoa để cúng trong chùa, vì thế, Ngài mang hoa vào chùa. Đến nơi, Ngài kiểm tra những bông hoa kỹ càng hơn và đã đếm chúng. Hóa ra có chính xác một trăm linh tám bông hoa, điều mà Ngài cho là thật kỳ lạ. Cô gái ấy cũng chẳng phải cô gái bình thường, cô ấy thực sự là một hóa hiện của Độ Mẫu Tara. Sau đó, thọ mạng của Ngài kéo dài ra thành chính xác một trăm linh tám năm. Khi Ngài nhận ra rằng cô gái ấy thực sự là Tara, lòng sùng mộ chân chính cuối cùng khởi lên trong Ngài.

Về kết nối của Độ Mẫu Tara với truyền thừa Drikung Kagyu: Trong truyền thừa Drikung Kagyu, Bà xuất hiện là Achi Chokyi Drolma, vị cũng có câu chuyện cuộc đời riêng. Ba danh hiệu của Bà Achi (Achi, Chokyi và Drolma) không được ban khi mới chào đời mà dần dần có được. Khi Bà Achi chào đời, vô số dấu hiệu cát tường, chẳng hạn hoa, lọng và cầu vồng, xuất hiện trên bầu trời. Đấy là lý do mà nơi sinh của Bà vẫn được biết đến là Kyetrag Thang (Đồng Bằng Niềm Vui).

Là một đứa bé, Bà vẫn luôn tụng Chân ngôn Tara. Đó là lý do Bà được ban danh hiệu Tara (Drolma nghĩa là “Tara”). Vì thế, Tara là danh hiệu đầu tiên của Bà, từ thứ ba trong Achi Chokyi Drolma. Sau đó, khi trưởng thành, Bà bắt đầu giảng dạy Giáo Pháp, kể cho mọi người về nghiệp, từ và bi. Đấy là lý do một danh hiệu khác được thêm vào và Bà được biết đến là Chokyi Drolma, điều nghĩa là “Dharma Tara”.

Bà đã vượt qua nhiều khó khăn và trải qua nhiều gian khó trong suốt cuộc đời. Lúc trưởng thành, Bà đã du hành đến Kham ở miền Đông Tây Tạng và đến một nơi gọi là Kyura Drak. Kyura là tên của một dòng họ ở Tây Tạng – một dòng họ bán linh thiêng: Một nửa từ cõi trời và một nửa từ cõi người. Dòng dõi này sắp biến mất và để điều đấy không xảy ra, Bà đã quan hệ với một hậu duệ của tộc Kyura tôn quý đó và sinh ra bốn người con trai. Trong những người con trai của Bà, Pekar Wangyal cũng sinh ra bốn con trai; một trong số đó, Naljor Dorje đã trở thành cha của Đức Jigten Sumon. Tổ Jigten Sumgon là một bậc vĩ đại, với các hoạt động sánh ngang Đức Phật. Ngài được cho là có một tập hội bao la gồm một triệu hai trăm nghìn đệ tử. Dù thế nào, đó là cách mà Bà đã có được danh hiệu cuối trong ba danh hiệu – Achi, điều nghĩa là “cụ bà”; Bà là cụ bà của Tổ Jigten Sumgon. Như thế, Bà cuối cùng có ba danh hiệu – Achi Chokyi Drolma.

Bà Achi đã thành tựu thân cầu vồng và từ giã, cùng với ngựa và một con chó nhỏ, khỏi thế giới này để đến Tịnh độ Không Hành Nữ mà không để lại xác thân. Chư vị đều để lại dấu chân, thứ ngày nay vẫn có thể được thấy trên núi đá ở Kyura Drak ở Kham, Tây Tạng. Nhiều vị Lama lớn tuổi hơn thường biết về Động Thân Cầu Vồng – hang động mà từ đó, Bà rời đi.

Bà Achi cũng biên soạn nghi quỹ riêng, điều khá mở rộng. Trong đó, Bà nói rằng, “Trong tương lai, khi những giáo lý của Đức Phật gặp khó khăn – khi có khó khăn trong việc giữ gìn, duy trì và phát triển giáo lý của Đức Phật – con cần cầu khẩn đến Ta”. Nghi quỹ mà Bà viết là một bản văn độc đáo. Nếu không có sự giải thích của một đạo sư vĩ đại, gần như không thể nào hiểu hoàn toàn. Ý nghĩa rất khó hiểu, bởi những chữ mà Bà viết khá bí ẩn. Nó không giống như một cuốn sách thông thường, thứ tuân theo cấu trúc rõ ràng; thậm chí không có một cấu trúc căn bản, chẳng hạn các trang được đánh số. Chẳng có gì như vậy, vì thế, nó dường như hoàn toàn hỗn độn, không có kiểu trình tự nào, gần như là khá ngẫu nhiên. Vì thế, đó là một kiểu bản văn rất khác biệt và lạ thường.

Ina Bieler chuyển dịch Tạng-Anh; Kay Candler hiệu đính và Jeffrey Rosenfeld & Judith Rasoletti ghi chép lại vào năm 2018. Nguồn Anh ngữ: A Brief Instruction on Tara (http://garchen.tw/English/Texts). Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ. Nguồn link: https://thuvienhoasen.org/p38a35108/4/chi-dan-ngan-gon-ve-do-mau-tara

***

[1] Về Terton Chokling [Chokgyur Lingpa], tham khảo https://thuvienhoasen.org/p38a30774/3/cuoc-doi-duc-chokgyur-lingpa. [2] Về Đức Jamyang Khyentse Wangpo, tham khảo https://thuvienhoasen.org/p38a34299/tieu-su-van-tat-ton-gia-jamyang-khyentse-wangpo-1820-1892-. [3] Về Jamgon Kongtrul Rinpoche, tham khảo https://thuvienhoasen.org/p38a35061/tieu-su-van-tat-duc-jamgon-kongtrul-yonten-gyatso-lodro-thaye-1813-1899-1900-.