Dharamsala, Ấn Độ - Dự án Ni Cô Tây Tạng (Tibetan Nuns Project - TNP) vừa hoàn tất việc xây dựng và trang bị nội thất cho khu nhà ở mới dành cho các ni cô cao cấp theo học chương trình Mật tông tại Ni viện Dolma Ling, bang Himachal Pradesh, miền bắc Ấn Độ.

16 phòng ở và các tiện ích đi kèm được bố trí tại tầng ba của Trung tâm Nghiên cứu Yangchen Lophel trong khuôn viên Ni viện Dolma Ling.
Ảnh: TNP
16 phòng ở và các tiện ích đi kèm được bố trí tại tầng ba của Trung tâm Nghiên cứu Yangchen Lophel trong khuôn viên Ni viện Dolma Ling. Ảnh: TNP

Khởi động từ năm 2019, dự án này nhằm hỗ trợ chỗ ở cho các ni cô đã tốt nghiệp bằng Geshema (*), học vị Phật học cao nhất trong truyền thống Gelug của Phật giáo Kim Cương thừa. Với 16 phòng khép kín, khu nhà mới tạo điều kiện để các ni cô tiếp tục học tập trong suốt khóa đào tạo kéo dài một năm tại Tu viện Mật tông Gyuto, cách Dolma Ling khoảng 3 km.

“Chúng tôi vui mừng thông báo rằng toàn bộ khu nhà đã được xây dựng, trang bị đầy đủ và hiện đã có người ở”, TNP chia sẻ.

Đào tạo học thuật và hành trì chuyên sâu

Ni viện Dolma Ling được Đức Đạt Lai Lạt Ma khai mở năm 2005, là Trung tâm giáo dục đại học Phật giáo đầu tiên dành cho chư ni Tây Tạng thuộc mọi truyền thống.

Hiện có khoảng 270 ni cô đang học tập, thực hành và đảm nhiệm công việc tại đây, trong đó có các hoạt động phát triển tự chủ như làm đậu phụ và thủ công mỹ nghệ.

Ảnh: TNP
Ảnh: TNP

Năm nay, 13 ni cô từ bốn ni viện khác nhau đã bắt đầu chương trình Mật tông tại Tu viện Gyuto, bao gồm:

+ 5 ni cô từ Ni viện Kopan (Nepal)

+ 4 từ Jangchup Choeling (miền nam Ấn Độ)

+ 3 từ Geden Choeling (Dharamsala)

+ 1 từ chính Dolma Ling

Geshema tương đương học vị Tiến sĩ Phật học, Geshema là văn bằng học thuật danh giá từng chỉ dành cho tăng sĩ. Nhờ những nỗ lực bền bỉ, từ năm 2013, các ni cô đã có thể tham gia kỳ thi kéo dài bốn năm để đạt được học vị này. Đến nay, đã có 54 ni cô nhận bằng Geshema. Trong thời gian dịch COVID-19, kỳ thi bị hoãn hai năm và chỉ mới được nối lại từ năm 2022.
Chương trình Mật tông dành cho chư ni

Chương trình đào tạo Mật tông chính thức dành cho Geshema bắt đầu từ năm 2017 dưới sự hướng dẫn và khuyến khích của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Lớp đầu tiên gồm 23 ni cô đã tốt nghiệp vào năm 2019. Trước đó, dù lịch sử Tây Tạng có những bậc nữ hành giả lỗi lạc, nhưng chưa có chương trình học Mật tông bài bản nào dành riêng cho chư ni.

Đức Đạt Lai Lạt Ma ban phúc cho nhóm chín ni cô geshema tốt nghiệp chương trình Mật tông vào tháng 2 năm 2025. Hai cư sĩ trong ảnh là bà Nangsa Choedon (Giám đốc TNP, phía trên bên phải) và cô Tenzin Palkyi (Điều phối viên dự án, chính giữa hàng trước). Ảnh: TNP
Đức Đạt Lai Lạt Ma ban phúc cho nhóm chín ni cô geshema tốt nghiệp chương trình Mật tông vào tháng 2 năm 2025. Hai cư sĩ trong ảnh là bà Nangsa Choedon (Giám đốc TNP, phía trên bên phải) và cô Tenzin Palkyi (Điều phối viên dự án, chính giữa hàng trước). Ảnh: TNP
Một số ni cô thuộc nhóm geshema đầu tiên gồm 23 vị có cơ hội tham gia chương trình đào tạo Mật tông. Ảnh: TNP
Một số ni cô thuộc nhóm Geshema đầu tiên gồm 23 vị có cơ hội tham gia chương trình đào tạo Mật tông. Ảnh: TNP

Tại Tu viện Gyuto, một trong những Trung tâm Mật tông nổi tiếng nhất Tây Tạng được thành lập từ năm 1474, các ni cô được học lý thuyết Mật tông, nghi lễ và phương pháp tu tập tâm linh sâu sắc. Đây là nền tảng thiết yếu để các Geshema có thể đảm nhận vai trò lãnh đạo tâm linh, chẳng hạn như trụ trì một ni viện.

Góp phần củng cố tương lai bền vững cho ni giới

Cơ sở mới tại Dolma Ling nằm trên tầng ba Trung tâm Nghiên cứu Yangchen Lophel, giải quyết tình trạng thiếu chỗ ở trước đây vốn làm hạn chế số lượng ni cô được tiếp nhận vào chương trình học. Dự án này được tài trợ thông qua Quỹ Geshema Endowment – hiện cũng đang hỗ trợ kỳ thi thường niên và lễ tốt nghiệp Geshema.

Một ni cô geshema đang học tập trong một trong 16 phòng mới được thiết kế chuyên biệt tại Ni viện Dolma Ling. Ảnh: TNP
Một ni cô Geshema đang học tập trong một trong 16 phòng mới được thiết kế chuyên biệt tại Ni viện Dolma Ling. Ảnh: TNP
Một ni cô geshema đang học tập trong một trong 16 phòng mới được thiết kế chuyên biệt tại Ni viện Dolma Ling. Ảnh: TNP
Một ni cô Geshema đang học tập trong một trong 16 phòng mới được thiết kế chuyên biệt tại Ni viện Dolma Ling. Ảnh: TNP

TNP gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các nhà tài trợ, bao gồm Quỹ Pema Chödrön, Quỹ Pierre và Pamela Omidyar (thuộc Silicon Valley Community Foundation), Quỹ Gia đình Frederick và Quỹ Donaldson.

“Chúng tôi hy vọng sẽ từng bước đưa các chương trình trọng điểm của mình vào quỹ đạo ổn định thông qua Quỹ Phát triển Bền vững dài hạn”, TNP cho biết.

Dự án Ni Cô Tây Tạng (TNP)

TNP là tổ chức từ thiện được đăng ký tại Mỹ, hoạt động tại Seattle và Himachal Pradesh (Ấn Độ), chuyên cung cấp giáo dục và hỗ trợ nhân đạo cho chư ni Tây Tạng và vùng Himalaya. TNP hiện đang hỗ trợ hàng trăm ni cô từ bảy ni viện, thuộc mọi truyền thống Phật giáo Tây Tạng. Phần lớn là người tị nạn từ Tây Tạng, nhưng tổ chức cũng mở rộng hỗ trợ đến những vùng biên giới nơi phụ nữ và trẻ em gái ít có cơ hội học hành hay tu học.

* Quỹ Geshema, được khởi xướng bởi Dự án Ni cô Tây Tạng, là một quỹ được thành lập để hỗ trợ việc đào tạo và cấp bằng cho các nữ tu Phật giáo Tây Tạng đang theo đuổi bằng cấp Geshema. Bằng cấp này là cấp độ giáo dục tu viện cao nhất trong trường phái Gelugpa của Phật giáo Tây Tạng. Khoản tài trợ này bao gồm chi phí đi lại, ăn uống và chỗ ở cho các ứng viên Geshema, cũng như chi phí quản lý kỳ thi.

Tác giả: Craig C Lewis/Chuyển ngữ và biên tập: Ngọc Linh/Nguồn: buddhistdoor.net