Trang chủ Đời sống Bốn loại bạn tốt trong kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt

Bốn loại bạn tốt trong kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tác giả: Lữ Cầm Thảo – Thích Nữ Hiển Liên

DẪN NHẬP

Mỗi cá nhân sống trong xã hội đều đan xen nhiều mối quan hệ, tác động lẫn nhau, ngoài những mối quan hệ trong gia đình như vợ chồng, cha con, anh em thân tộc,…còn có quan hệ giữa nhà nước và công dân, đối tác, đồng nghiệp, bạn bè,… Các mối quan hệ đó được khái quát theo chuẩn mực đạo đức của Phật giáo nói chung và kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt.

Với tuệ giác của đức Thế Tôn, Ngài khẳng định trong cuộc sống phải có bạn bè, đặc biệt trong đời sống tăng đoàn, thầy trò là những nhân tố góp phần tác thành phạm hạnh, trí tuệ cho mỗi vị Tỷ kheo.[1] Ở đó, những người bạn đồng tu có sức ảnh hưởng mạnh mẽ với nhau trên nhiều phương diện từ suy nghĩ, lời nói và hành động. Bạn bè là mối quan hệ được đánh giá cao sau mối quan hệ gia đình, vì ngoài gia đình, thì mối quan hệ bạn bè có ảnh hưởng lớn đối với đời sống con người. Người bạn tốt, chân thành sẽ giúp chúng ta dễ thăng hoa trên nhiều lĩnh vực và ngược lại.

Nhận thấy tầm quan trọng, sự ảnh hưởng của bạn bè cũng như mong muốn tìm kiếm những phương thức kết giao chuẩn mực, người viết khảo sát “Bốn loại bạn tốt trong kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt” để tìm hiểu và xây dựng tình bạn kiểu mẫu theo lời Phật dạy

NỘI DUNG

1. Khái lược bài kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt

Giáo Thọ Thi Ca La Việt[2]  là bài kinh miêu tả lại quá trình đức Thế Tôn trực tiếp giảng dạy cho thanh niên Singàlaka vốn đang rất mơ hồ với việc lạy sáu phương trời theo như lời cha phó chúc, với mục đích nhắc nhở về việc làm tốt bổn phận, trách nhiệm của mỗi người đối với tự thân, gia đình, xã hội.

Theo đó, người tu học tại gia phải thành tâm cúng dường, lễ lạy sáu phương. Đó là, Phương Đông tức là cha mẹ; Phương Nam tức là sư trưởng; Phương Tây tức là người vợ; Phương Bắc tức là bạn lành; Phương dưới tức là tôi tớ, người làm; Phương trên tức là Sa Môn.

Trong kinh Ưu Bà Tắc Giới nói rằng, người cư sĩ tại gia, trước khi thọ giới Bồ tát tại gia, phải lễ lạy, cúng dường sáu phương trên để được sự bằng lòng của người thân như cha mẹ, vợ, con,… Trong kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt cũng mang hàm ý tương tự, nhấn mạnh tính chất hàm dưỡng mối quan hệ của mỗi cá nhân giữa các mỗi quan hệ đan xen.

2. Bốn loại bạn tốt trong bài kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt

Đầu tiên, “người che chở cho bạn và tài sản của bạn khi bạn vô ý phóng dật, luôn là điểm tựa khi sợ hãi và giúp đỡ bạn khi túng thiếu là kiểu bạn tốt đầu tiên.”[3] Yếu đuối, thân cô thế cô, mất đi khả năng khống chế bản thân và tài sản, lâm vào tình cảnh dễ sa đọa, phóng túng là những tình huống mà con người thường tình khó mà tránh được.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Bon Loai Ban Tot Trong Kinh Giao Tho Thi Ca La Viet 1

“Phóng dật” thể hiện sự không cẩn thận, vô tình không thể khống chế được bản thân, đánh mất bản thân trong những lạc thú nhân gian, những cuộc vui quá đà và những hành vi đưa đến nhiều tác hại ngay hiện tại và cả trong tương lai. Khi ấy, không chỉ nhận thức sáng suốt không tồn tại mà cả thân thể cũng trở nên mất kiểm soát, đáng sợ nhất là sự bất an về vật chất, tinh thần ẩn dấu đằng sau những cuộc vui hào nhoáng.

Ngay khi ta sa ngã hay sợ hãi, bất an, sự xuất hiện của một người bạn sẵn sàng che chở, giúp bạn vượt qua có thể được ví như trận mưa giữa những ngày nắng hạn, hay là liều thuốc giải công hiệu cho mảnh đất tâm vốn bị nhiễm ô.

Ý nghĩa tuyệt vời của hai chữ bằng hữu chính là sự sẻ chia, sự đồng hành và là điểm tựa của tâm linh. Tình bạn ấy vượt ra khỏi tư tưởng trao đổi vật chất phàm tục của thế gian “bánh ít đi, bánh quy lại” để đến với sự cho đi cao thượng, không cần đền đáp hay như nguyên nghĩa kinh văn chính là: “Giúp đỡ cho bạn của cải gấp hai lần những gì bạn thiếu”[4]. Có được người bạn này là một loại hạnh phúc, là một loại phước báu mà mỗi chúng ta cần phải trân trọng, nâng niu và cố gắng giữ gìn.

Thứ hai, “Như Lai tán thán chính là kiểu bạn thủy chung dù trong khổ đau hay trong vui vẻ, luôn chia sẻ những điều sâu kín trong lòng mình, tuyệt đối giữ bí mật cho đối phương, không coi thường, vứt bỏ bạn bè khi đang trong hoàn cảnh khó khăn và đặc biệt vì bạn mà dám hy sinh cả sinh mạng của mình.” [5]

Luôn chia sẻ những điều sâu kín trong lòng là thể hiện của một người bạn rộng lượng, luôn vì chúng ta mà suy nghĩ. Giữ kín điều bí mật của bạn bè cũng là một đức tính quan trọng mà một người bạn tốt phải có. Không coi thường, xa lánh, né tránh, bỏ quên bạn bè khi đang trong hoàn cảnh khó khăn, nghiệt ngã, vì bạn mà dám hy sinh cả sinh mạng quý giá của mình là một trong những kiểu bạn rất khó có được trong đời sống.

Thời gian chính là phương thức kiểm tra tình bạn hữu hiệu, đặc biệt là khi tình bạn bị đặt giữa quyền lợi cá nhân hay đứng trước lực hấp dẫn của vật chất. Khi vượt qua mọi sóng gió của nhân sinh, chính là một tình bạn thiêng liêng đáng trân trọng.

Thứ ba, “một người bạn chân chính là người bạn luôn khuyến khích bạn mình thực hành thiện pháp, ngăn cản bạn làm các ác pháp, luôn giúp bạn mình hiểu được những điều chưa hiểu, luôn chia sẻ và đưa ra những lời sách tấn bổ ích với mục đích hướng bạn về nơi tốt đẹp.”[6] và “Học như bơi thuyền ngược nước. Không tiến sẽ phải lùi.”[7]

Trong cuộc sống cũng thế, trên đường tu hành càng như vậy, nếu ta không tiến bộ đồng nghĩa với việc ta bị bỏ lại trong sự vận động của xã hội. Một người bạn tốt đúng nghĩa, là người bạn luôn nỗ lực khuyên bảo chúng ta phải dứt ác làm thiện, làm trong ý nghĩa mà hai chữ “hỗ tương” phải có, người bạn luôn khuyên nhắc chúng ta, người bạn mà ta phải dùng tất cả sự biết ơn để đối đãi và tất cả sự trân trọng để giữ gìn.

Quan điểm này cũng được nhấn mạnh trong kinh Trung Bộ “người vì bạn bè thân hữu làm các điều đúng pháp, làm các điều chân chính, người ấy tốt đẹp hơn.”[8] Chia sẻ cho nhau dù là vật chất hay tinh thần luôn là đặc trưng của một người bạn tốt. Đó còn là yếu tố quan trọng cấu thành tình bạn tốt, ở đó những giá trị về tri thức, kinh nghiệm và công phu tu học luôn được đặt qua lăng kính của tuệ giác. “Học thầy không tày học bạn” là câu nói quen thuộc của dân gian, cũng là lời khẳng định cho giá trị cao tột mà một tình bạn chân chính.

Thế Tôn còn dạy: “Không thân cận kẻ ngu/Nhưng gần gũi bậc trí/Ðảnh lễ người đáng lễ/Là điềm lành tối thượng”.[9] Người bạn thiện lành luôn là niềm mong ước của mỗi chúng ta. Hãy là người thiện lành để gặp được người thiện lành.

Cuối cùng“sự khẳng định cho việc đem những đau khổ và hạnh phúc của bạn thành của mình, đồng thời ngăn cản những ai nói xấu và ngợi khen những ai tán thán bạn mình là hành vi của một người bạn tốt thật sự.”[10]

Chia sẻ nỗi đau của bạn và vui mừng trước hạnh phúc của bạn đã là một biểu hiện khó có được của tình bạn. Bởi lẽ, khi đặt bản thân mình vào hoàn cảnh của bạn, những vui buồn, bất an, hạnh phúc sẽ được cảm nhận ở mức chân thực nhất. Khi ấy, sự cảm thông, tình yêu thương sẽ đạt đến mức cao nhất có thể. Khi mà nỗi khổ niềm vui của bạn và mình hòa làm một thì sự sẻ chia, sự giúp đỡ sẽ trở nên thiết thực, thiêng liêng, cao cả và vô cầu.

Người bạn tốt không chỉ không nói xấu bạn mình, duy trì danh dự cho bạn, mà còn bảo vệ bạn trước một trong tám ngọn gió của thế gian: Lời khen tiếng chê.[11] Ngăn cản không cho người khác nói xấu bạn mình và khen ngợi những ai tán thán bạn mình là một biểu hiện rõ ràng nhất cho việc giữ gìn thanh danh cho bạn bè. Có được tình bạn cao quý ấy mỗi chúng ta nên cố gắng trân trọng giữ gìn. Tình bạn chân chính chính là món quà kì diệu trong cuộc sống.

KẾT LUẬN

Sau khi phân định đâu là bạn tốt, bạn xấu, Thế Tôn đã chi tiết giảng giải về ý nghĩa của sáu phương cho chàng thanh niên Singàlaka được thấu rõ và trong đó phương Bắc được đề cập đến như một hình tượng biểu trưng cho tình bạn. “Phương Bắc được hiểu là bạn bè, hộ trì phương Bắc là đối xử với bạn bè với năm cách: Bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự và không lường gạt.”[12] Lễ phương Bắc là cách để diễn tả về cách thức đối xử với bạn bè một cách đạo đức và đúng như pháp.

Đức Thế tôn đã nêu ra năm yếu tố cơ bản để hộ trì một tình bạn đúng nghĩa.

Thứ nhất là, bố thí với thực tâm muốn giúp đỡ bạn vượt qua khó khăn, giúp bạn bè của mình trở nên tốt hơn.

Thứ hai là, dùng lời nói ôn hòa, dịu dàng để giao lưu cùng bạn, khuyên răn bạn trước những việc không đúng, động viên bạn hướng đến những giá trị tốt.

Thứ ba là, làm việc gì cũng nghĩ đến lợi ích cho bạn và chỉ làm những việc có lợi cho bạn.

Thứ tư là, cùng với bạn đồng hành trên con đường hướng thượng.

Thứ năm là, tuyệt đối không lường gạt bạn.[13] Năm yếu tố này nhìn thì đơn giản nhưng đó là cả một quá trình học tập và chuyển hóa.

Tình bạn theo đúng chính pháp là mỗi cá nhân cần có đủ chính kiến để nhận thức về lợi ích hay nguy hại, thiện hay ác, tiêu cực hay tích cực có trong mối quan hệ bạn bè để cùng nhau nuôi dưỡng tình bạn đẹp, sống trong tình bạn thiện lành theo lời Phật dạy.

Nguyện cầu tất cả chúng sinh đều được chia sẽ tuệ giác và niềm hỷ lạc trong giáo pháp của Phật.

Tác giả: Lữ Cầm Thảo – Thích Nữ Hiển Liên

***

[1] ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Tikandaki, phần Người bạn, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.589.
[2] Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, kinh Trường Bộ, tập 2, Kinh Giáo Thọ Thi Ca La việt. Nxb. TP. HCM, 1991, tr. 539.
[3] Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường Bộ, Sđd, đoạn 22.
[4] ĐTKVN, Trường Bộ II, Kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt, VNCPHVN ấn hành, 1991, tr. 539.
[5] Kinh Trường Bộ, Sđd, đoạn 23.
[6]  Kinh Trường Bộ, Sđd, đoạn 24.
[7] Ngạn ngữ Trung Hoa.
[8] Kinh Trung Bộ, tập 2, kinh số 97, kinh Dhananjani.
[9] Kinh Tiểu Bộ, kinh Tập, kinh Điềm lành lớn (kinh Đại hạnh phúc – Maha Mangala Sutta)
[10] Kinh Trường Bộ, Sđd, đoạn 2.5
[11] Kinh Tăng Chi, chương Tám pháp, kinh Tùy chuyển thế giới. Nguyên văn: Lợi dưỡng và không lợi dưỡng, danh vọng và không danh vọng, tán thán và chỉ trích, lạc và khổ.
[12] Kinh Trường Bộ, Sđd, đoạn 31
[13] Kinh Tăng Chi, chương Tám pháp, kinh Tùy chuyển thế giới. Nguyên văn: Lợi dưỡng và không lợi dưỡng, danh vọng và không danh vọng, tán thán và chỉ trích, lạc và khổ.

THƯ MỤC THAM KHẢO
1. Hellmuth hecker, Tuệ Lạc (Nguyễn Điều) dịch, 1996, Cuộc Đời Tôn Giả Xá Lợi Phất, Nxb. Phương Đông
2. Richard David Precht ,Tôi Là Ai – Nếu Vậy Là Bao Nhiêu, Nxb. Bản tin, 2010
3. HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tăng Chi Bộ, VNCPHCN ấn hành, 1996
4. HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tăng Chi Bộ 2015, Nxb. Hà Nội, 2015
5. HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tiểu Bộ, VNCPHVN ấn hành, 1999
6. HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tương Ưng 1 Thiên Có Kệ, Chương III Tương Ưng Kosala II. Phẩm Thứ Hai, VNCPHVN ấn hành, 1991
7. HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trung Bộ, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2012
8. HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trường Bộ 2 – Kinh Giáo Thọ Thi Ca-La-Việt, VNCPHVN ấn hành, 1991
9. HT. Thích Minh Châu, Đạo Đức Phật Giáo & Hạnh Phúc Con Người, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2002
10. Tỷ Kheo Trí Quang, Tổng Tập Giới Pháp Xuất Gia (Tập 1 & 2), 3. Sáu Tiểu Phẩm Hộ Giới: Ba, Cảnh Sách: Dịch Âm Dịch Nghĩa, Nxb. Văn Hóa Sài Gòn, TP. Hồ Chí Minh, 2010
11. HT. Thích Thiện Siêu (dịch), Kinh Pháp Cú, Nxb. Văn hóa, 2014
12. Tuệ Sỹ (dịch), Kinh Trường A – Hàm (Tập 1, 2), Kinh Du Hành, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2007
13. ĐTKVN, Tiểu Bộ I, kinh Phật thuyết như vậy, chương Một pháp, phẩm 2, Nxb. TP.HCM, 1999
14. ĐTKVN, Tương Ưng Bộ IV, Nxb. Tôn giáo, 2001
15. ĐTKVN, Trung Bộ I, kịm Kosambiya, VNCPHVN ấn hành, 1992
16. ĐTKVN, Trung bộ II, kinh Pháp Trang Nghiêm, VNCPVN ấn hành, 1992
17. ĐTKVN, Trường Bộ I, kinh Đại Bát Niết Bàn, VNCPHVN ấn hành, 1991

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường