Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu Bồ tát trong tư tưởng Phật giáo Đại thừa

Bồ tát trong tư tưởng Phật giáo Đại thừa

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tác giả: Thích Nữ Huệ Lộc
Chùa Kiều Đàm,  đường Tôn Thất Tùng, TT.Phú Mỹ, Tân Thành, Bà Rịa Vũng Tàu

DẪN NHẬP

Theo dòng tư tưởng xuyên suốt của Phật giáo trải dài từ thời kỳ nguyên thủy đến đại thừa, giáo lý Phật giáo dần đưa chúng sinh từ đời sống xuất thế, du cư trong rừng núi an yên tu tập tự chứng tự độ đến đời sống định cư nhập thế tự lợi lợi tha. Đây cũng là sự khác biệt giữa các thời kỳ, các trường phái Phật giáo. Phật giáo nguyên thủy nêu cao tư tưởng phải độc cư thiền định, giải thoát tự thân. Phật giáo đại thừa đề cao “tinh thần nhập thế”, tính “phóng khoáng”, tính “không” đả phá “chấp trước” mang đậm chất “thần thánh hóa” và đề cao “vai trò bồ tát”.

NỘI DUNG

1. Nguồn gốc của Đại thừa Phật giáo

Nhắc tới sự phát triển của Phật giáo, mọi người điều biết rằng Phật giáo được chia làm ba thời kỳ đó là, Phật giáo nguyên thủy, Phật giáo bộ phái và Phật giáo đại thừa. Vậy do đâu mà có sự phân chia này, là để thích ứng với từng điều kiện hoàn cảnh môi trường và sự dung hòa của Phật giáo theo từng giai đoạn. Khi đức Phật còn tại thế, Ngài là người đứng ra lãnh đạo tăng đoàn và chịu trách nhiệm với tăng đoàn trong việc hoằng dương chính pháp, thời này gọi là Phật giáo nguyên thủy. Sau khi Phật diệt độ, các đệ tử của Phật là người có trách nhiệm duy trì và xiển dương giáo pháp của thầy mình, tuy nhiên mỗi người lại có mỗi tư tưởng khác nhau, một cách làm khác nhau từ đó hình thành thời Kỳ Phật giáo bộ phái, để cải cách những cố chấp và giải quyết những mâu thuẩn về tư tưởng của các thời kỳ Phật giáo trước đó, tư tưởng Phật giáo Đại thừa ra đời, trong đó có quan điểm về bồ tát là tiêu biểu nhất. Về mặt lịch sử hay kinh điển Phật giáo đại thừa thì xuất hiện vào khoảng sau Phật nhập diệt 500 năm, nhưng tư tưởng Phật giáo đại thừa xuất hiện từ khi đức Phật giác ngộ giải thoát dưới cội cây Bồ đề[1] Cho nên nguồn gốc của tư tưởng bồ tát Đại thừa xuất phát từ trong kinh Nguyên thủy, ví như tinh thần cứu khổ của Bồ Tát Quan Âm chịu ảnh hưởng từ tư tưởng kinh Điển Tôn “Phật đáp Ban-giá-dực: Đại Điển Tôn lúc đó là ai khác chăng? Chớ nghĩ như vậy. chính thân ta đó vậy. Lúc bấy giờ, gái trai cả nước mỗi khi đi lại cử động, có điều gì nguy khốn, họ liền cất tiếng niệm: Nam mô Đại Điển Tôn, vị tể tướng của bảy vua. Nam mô Đại Điển Tôn, vị tể tướng của bảy vua. Niệm đế ba lần như vậy”[2]. Cũng vậy, Thường Bất Khinh Bồ Tát trong kinh Pháp Hoa với đức hạnh khiêm cung, nhẫn nhục cũng có nguồn gốc từ Kinh nguyên thủy, kinh tương ưng IV, phẩm channa, kinh puna giống với kinh tạp A hàm số 311. Đức Phật dạy Phú Lâu Na khi gặp cảnh bất như ý trong khi đi giáo hóa, như gặp phải người hung dữ, nói lời hung ác nóng nảy thô bạo, hủy nhục, đánh đập, ném đá… cho đến sát hại sinh mạng thì ông sẽ làm như thế nào, đối với từng trường hợp Phú Lâu Na luôn giữ được bình tĩnh và nhẫn nhục “cũng thế, giá trị của Phật pháp là đoạn trừ phiền não đưa người đến giác ngộ và giải thoát, nên bất cứ kinh gì, sách gì hàm chứa ý nghĩa này đều được gọi là Phật pháp. Phật pháp không có sự phân chia tiểu thừa và đại thừa, cũng không có sự phân chia giữa phái này với phái khác, nếu có đi chăng nữa cũng chỉ là phương tiện giáo dục mang tính “ứng cơ thuyết giáo” tùy theo trình độ căn cơ không đồng của mọi người mà thiết lập giáo pháp khác nhau, nhưng đều có mục đích chung là giúp cho người đó giác ngộ và giải thoát[3]

2. Điểm dị biệt giữa Bồ Tát trong Kinh Nguyên thủy và Bồ Tát trong Kinh Đại thừa

Bồ tát là tiếng dịch âm của từ Boddhisattva, trong đó bồ đề (Boddhi) có nghĩa giác ngộ, tát đỏa (sattva) là chúng sinh. Do đó bồ tát có nghĩa là chúng sinh cầu được giác ngộ, cho nên bất bỳ ai muốn phát tâm thành Phật đều gọi là bồ tát[4]

2.1. Quan điểm về Bồ Tát trong Kinh Nguyên thủy

Bồ tát trong các mẫu chuyện tiền thân trong kinh tiểu bộ cho ta thấy họ là những người chưa chứng đắc quả vị, chưa giác ngộ “thuở trước, này các tỳ kheo, khi ta chưa giác ngộ, chưa chứng Chính Đẳng Giác, khi còn là Bồ Tát”[5] chỉ là con người phát tâm làm lợi lạc cho chúng sinh mà thôi. Hay là hiện thân của một loài nào đó ví như con tắc kè trong truyện 141 con tắc kè (tiền thân godha), chuyện con nai chúa, …

Như vậy danh từ Bồ Tát được sử dụng đầu tiên trong những câu chuyện tiền thân của Đức Phật (Jataka Stories hay Bổn Sinh), mô tả đức Phật trên con đường hành đạo để trở thành một vị Phật. Bồ Tát Đạo được coi như là nền móng căn bản của sự thực hành để đạt đến mục đích cuối cùng của Phật Giáo và chỉ có Bồ Tát mới có thể trở thành Phật.

Khi nhìn vào hình tượng của đức Phật và bồ tát bên cạnh Phật, ta dễ dàng biết được đây thuộc trường phái nào nguyên thủy hay đại thừa, nếu hai vị bồ tát là Đại trí Văn Thù Sư Lợi bồ tát và Đại Hạnh Phổ Hiền bồ tát thì đây thuộc Phật giáo nguyên thủy. Tuy nhiên trong nguyên thủy khái niệm về bồ tát là người xuất gia, nhưng hai vị bồ tát này lại mang hình tướng của người cư sĩ với đầu tóc dài, đeo phục sức trên mình. Điều đó cho thấy sự vô chấp về hình tướng xuất gia hay tại gia, như vậy trong tư tưởng nguyên thủy đã mang mầm mống của tư tưởng đại thừa.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 5.2021 Hinh tuong Bo tat Thuong Bat Khinh trong doi song tu tap hang ngay 2

2.2. Quan điểm về Bồ Tát trong Kinh Đại Thừa

Kinh điển của Phật giáo đại thừa rất nhiều, phàm những kinh chứa đựng tinh thần phóng khoáng, đả phá sự chấp trước, đề cao tính “không”, và mang đậm tinh thần nhập thế thì đó là tư tưởng kinh đại thừa. Tiêu biểu như kinh Hoa Nghiêm, Kinh Bát Nhã, Kinh Pháp Hoa, Kinh Duy Ma Cật…

Kinh Hoa Nghiêm phát xuất từ Ấn Độ, nhưng phát huy mạnh mẽ ở Trung Hoa và Nhật Bản, và được coi như là một trong những Kinh chính yếu của Phật Giáo Đại Thừa. Trong Kinh Hoa Nghiêm diễn tả những sự khám phá và đường lối thực hành khác nhau của những vị Đai Bồ Tát. Để đạt được quả vị Bồ Tát vị ấy phải tu chứng 52 giai vị, (Thập tín vị, Thập trụ vị, Thập hành vị, Thập hồi hướng vị, Thập địa vị, Đẳng giác, Diệu giác)

Kinh Diệu Pháp Liên hoa (kinh Pháp Hoa), Kinh Duy Ma Cật là những bản kinh đề cao vai trò bồ tát, những vị bồ tát trong kinh không giới hạn về hình tướng cũng như giới tính, mà tùy theo căn cơ trình độ của chúng sinh để thị hiện với hình tướng đáng được độ.

Sở dĩ hình thức bồ tát cư sĩ trong tư tưởng đại thừa được đề cao bởi vì, Phật giáo trong thời bấy giờ có dấu hiệu hủ hóa trong tầng lớp tăng sĩ, họ chỉ lo cho đời sống vật chất, khư khư lo giải thoát cho bản thân, bỏ rơi nhiệm vụ hoằng dương chính pháp, thay vào đó người cư sĩ lại nổi lên chiếm vị trí trong việc hoằng dương chính pháp, làm lợi ích cho quần chúng, nên trong giai đoạn này người cư sĩ được chú trọng. Vì thế đặc trưng của Phật giáo đại thừa là chỉ biết nghe theo và làm theo những gì Phật đã dạy, không nghe và làm theo bất cứ ai, dù người đó là ai, mệnh danh là gì chứng quả gì nhưng cũng không rập khuôn theo chữ nghĩa, khi ý nghĩa của nó đã thay đổi theo thời gian và không gian[6]. Cũng vậy bồ tát theo tư tưởng đại thừa luôn tồn tại dưới nhiều hình thức, thân nam, thân nữ, tại gia cũng như xuất gia đều có đủ.

3. Phương pháp tu tập của Bồ tát trong Phật giáo Đại thừa

Bồ tát vừa mới phát tâm thường thực hành Thập Thiện nghiệp đạo, đoạn trừ Thập Ác, đây không chỉ là hạnh nguyện của bồ tát mà còn là con đường để đi đến thành Phật[7]. Sau khi được thuần thục rồi bồ tát lại tiến sâu hơn vào tứ nhiếp pháp, lục độ ba la mật, đây cũng là điểm khác biệt giữa bồ tát và phàm phu.

Nếu trong Phật giáo nguyên thủy A la hán là quả vị cao nhất trong tứ quả (Tu đà hoàn, tư đà hàm, A na hàm và A la hán) không còn quả vị nào khác “này các Tỳ kheo, có Tỳ kheo là bậc A-la-hán, các lậu hoặc đã tận, tu hành thành mãn, các việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã thành đạt lý tưởng, đã tận trừ hữu kiết sử, chính trí giải thoát”[8] Đức Phật là một bậc A la Hán “Này các Tỳ kheo, Như Lai là bậc A-la-hán, Chính Ðẳng Giác…” Thì quan điểm của đại thừa Phật giáo cho rằng tứ quả thuộc Thanh văn thừa, cần phải tu tập tích lũy công đức mới thành tựu quả vị Duyên Giác, từ đó tiếp tục tu tập, mới thành tựu Bồ Tát thừa, cuối cùng mới thành Phật[9]. Chính vì khái niệm về Bồ tát trong nguyên thủy và đại thừa khác nhau nên phương pháp tu tập cũng khác nhau. Trong kinh nguyên thủy, vị bồ tát phải là người xuất gia, thực hành 10 Ba La Mật đó là bố thí Ba la mật, trì giới ba la mật, kham nhẫn ba la mật, tuệ ba la mật, lực ba la mật, nguyện ba la mật, chân thật ba la mật, xuất gia ba la mật, tâm từ ba la mật, xả ba la mật.[10] nhưng trong những mẫu chuyện tiền thân của Đức Phật không đề cập đến vị bồ tát xuất gia. Còn giáo lý đại thừa khích lệ bồ tát sớm hòa nhập vào xã hội để giáo hóa chúng sinh lấy tứ vô lượng tâm, tứ nhiếp pháp làm phương tiện đặt trên cơ sở sáu ba la mật nó gắn liền với công tác nhập thế cứu độ chúng sinh. Lục độ Ba La Mật (Sad-paramita), là bố thí Ba la mật, trì giới ba la mật, nhẫn nhục ba la mật, tinh tấn Ba la mật, thiền định Bala mật và trí tuệ Ba la mật, đó là hành trang của Bồ Tát (Boddhi-sattva) là pháp tu của Phật giáo Đại thừa (Mahayana) dùng Sáu Ba La Mật này làm phương tiện độ sinh[11]. Trong đó bố thí Ba la mật nghĩa là giúp đỡ người khác trên tinh thần bình đẳng “Bồ Tát bố thí, đẳng niệm oán thân”[12], bố thí còn mang ý nghĩa xả, làm phương tiện để bồ tát gần gũi chúng sinh, rất ít được đề cập trong giáo lý nguyên thủy vì trong phật giáo nguyên thủy không đặt nặng vấn đề hoằng pháp lợi sinh, trong khi bố thí là việc làm cần thiết của Bồ tát. Bố thí có tài thí, pháp thí và vô úy thí. Trì giới Ba la mật theo tinh thần của Bồ tát tức không chấp chặt vào giới điều (không chấp vào giới tướng) mà làm tất cả các việc trên tinh thần làm lợi cho chúng sinh trên tinh thần vô tham vô sân và vô si. Nhẫn nhục Ba la mật, quan điểm về nhẫn nhục của nguyên thủy và đại thừa có điểm khác nhau, nếu trong nguyên thủy kham nhẫn là để có lợi cho bản thân trong việc tu tập “thế nào là các lậu hoặc phải do kham nhẫn được đoạn trừ? Này các Tỳ kheo, ở đây, có Tỳ kheo như lý giác sát, kham nhẫn lạnh, nóng, đói, khát, sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng mặt trời, các loài bò sát; kham nhẫn những cách nói mạ lị phỉ báng. Vị ấy có tính kham nhẫn các cảm thọ về thân, những cảm thọ thống khổ, khốc liệt, đau nhói, nhức nhối, không sung sướng, không thích thú, chết điếng người”[13] thì kham nhẫn trong Phật giáo đại thừa lại mang ý nghĩa nhẫn chịu những nghịch cảnh của con người như vị bồ tát Thường Bất Khinh thường nói “Tôi chẳng dám khinh quý Ngài, quý Ngài đều sẽ làm Phật. dù trong hàng tứ chúng có người lòng bất tịnh sinh giận hờn, buông lời ác mắng nhiếc…trải qua nhiều năm như vậy, thường bị mắng nhiếc nhưng bồ tát chẳng sinh lòng giận hờn…”[14]. đó mới là tinh thần nhẫn nhục của bồ tát theo tư tưởng đại thừa. Tinh tấn Ba la mật, là điều kiền cần của một hành giả trên đường tu học, đối với người thực hành hạnh Bồ tát tinh tấn lại càng quan trọng hơn vì trên đường hành đạo có nhiều thử thách nếu không tinh tấn thì lâu dần sự lười biếng dễ lôi kéo và không thể duy trì mãi sơ tâm ban đầu. Thiền định Ba la mật giúp Bồ tát giữ được tâm định tĩnh trong hoàn cảnh xô bồ náo loạn đầy cám dỗ của xã hội, thiền là một trong ba pháp môn căn bản (tam vô lậu học- giới, định, tuệ) trong giáo lý nhà Phật để hành giả đạt được giác ngộ, Niết Bàn. Trí tuệ Ba la mật là cách hiểu rốt ráo các vấn đề, có trí tuệ vị bồ tát thực hành các hạnh nguyện của mình như bố thí, trì giới, hay nhẫn nhục… đúng với tinh thần lợi sinh, không bị lợi dụng bởi một số kẻ có tâm địa xấu sa. Quả thật “sáu ba la mật là con đường của bồ tát, là ánh sáng là bó đuốc, là trí tuệ…”[15].Tuy phương pháp tu tập có khác, xuất phát điểm của hành giả có khác, nhưng chung quy lại là bồ tát thì đều có chung cùng một mục đích, đó là đều có lòng đại bi vô lượng, hạnh nguyện độ sinh vô cùng, sẵn sàng chịu khổ thay chúng sinh, muốn chúng sinh được hạnh phúc dù cho hi sinh cả thân mạng.

4. Tinh thần Bồ Tát đạo

Bồ tát theo tinh thần của Phật giáo đại thừa là vị bồ tát đã giác ngộ rồi đem những điều giác ngộ đó làm lợi ích cho chúng sinh[16]. Tùy theo hạnh nguyện của mình, bồ tát xuất hiện dưới nhiều thân tướng khác nhau, nhằm hóa độ nhiều đối tượng khác nhau, như bồ tát Điạ Tạng với hạnh nguyện vào địa ngục để cứu độ chúng sinh “địa ngục vị không thệ bất thành Phật, chúng sinh độ tận phương chứng bồ đề”[17]; Bồ tát văn thù với đại trí tuệ hàng phục những tà ma ngoại đạo; bồ tát Quan Âm dưới thân tướng trang nghiêm là người nữ với lòng đại bi ngài lại phân thân xuất hiện dưới nhiều thân tướng khác nhau, có thể là nam hay nữ, quan hay dân (trong phẩm Phổ Môn kinh Pháp Hoa) và ở bất cứ đâu có chúng sinh đau khổ ngài xuất hiện như người mẹ hiền che chở cho đàn con thơ “Phật bảo Vô-Tận-Ý Bồ-Tát: “Thiện-nam-tử! Nếu có chúng sinh trong quốc độ nào đáng dùng thân Phật được độ thoát thời Quán-Thế-Âm Bồ-Tát liền hiện thân Phật vì đó nói pháp. Người đáng dùng thân Duyên-giác được độ thoát, liền hiện thân Duyên-giác mà vì đó nói pháp… Người đáng dùng thân Chấp-Kim-Cang thần được độ thoát, liền hiện thân Chấp-Kim-Cang thần mà vì đó nói pháp.”[18] Hầu như trong cái nhìn của chúng ta Bồ tát phải là những người có thần thông biết biến hóa, chứ không hề nghĩ rằng tinh thần Bồ tát luôn tồn tại trong mỗi chúng ta. Trong đời sống thường nhật ngày nay vẫn luôn xuất hiện nhiều tấm gương người tốt, việc tốt, trên các trang báo hay các trang mạng vẫn có những chuyên mục nêu lên những tấm gương đó, họ là những con người bình thường sống trong xã hội, nhưng khi gặp những nghịch cảnh của người khác họ sẵn sàng giúp đỡ, kể cả hi sinh tính mạng của mình. Tấm gương cao cả của Hòa Thượng Thích Quảng Đức là tấm gương cao đẹp nhất để lại cho hậu thế, được người đời tôn xưng ngài là vị Bồ tát hóa thân.

Bồ tát muốn hóa độ chúng sinh, trước hết phải hoàn thiện bản thân sau mới làm lợi cho người “tự lợi, lợi tha, giác hạnh viên mãn”. Quan điểm của đức Phật về độ tha có nói như sau “Này Cunda, con người tự mình bị rơi vào bùn lầy, có thể kéo lên một người bị rơi vào bùn lầy, sự tình ấy không thể xảy ra. Này Cunda, con người không tự mình rơi vào bùn lầy, có thể kéo lên một người rơi vào bùn lầy, sự tình ấy có thể xảy ra. Này Cunda, con người tự mình không được nhiếp phục, không được huấn luyện, không được hoàn toàn giải thoát, tự mình có thể nhiếp phục, huấn luyện và hoàn toàn giải thoát người khác, sự tình ấy không xảy ra. Một người được nhiếp phục, được huấn luyện, được hoàn toàn giải thoát, tự mình có thể nhiếp phục, huấn luyện, hoàn toàn giải thoát người khác, sự tình ấy xảy ra.”[19]

Nhìn chung, khái niệm về Bồ Tát của mỗi thời kỳ nguyên thủy và đại thừa tuy có khác nhau, phương thức tu tập cũng có khác, nhưng tựu trung lại thì hạnh nguyện độ sinh của Bồ Tát chính là độ tha với lòng đại từ, đại bi, đại nguyện cứu khổ chúng sinh “Thiện nam tử! Nếu có vô lượng trăm nghìn muôn ức chúng sinh chịu các khổ não, nghe Quán Thế Âm Bồ tát này một lòng xưng danh. Quán Thế Âm Bồ tát tức thời xem xét tiếng tăm kia, đều đặng giải thoát”[20]. Như vậy về mặt bản chất của Phật pháp vẫn không thay đổi như nước hòa với sữa, cùng một vị là vị giải thoát “ví như nước biển chỉ có một vị là vị mặn, cũng vậy này Paharada, Pháp và luật của Ta chỉ có một vị là vị giải thoát”[21]

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 3.2020 Su hoa hien cua duc Quan The Am Bo Tat de ban vui cuu kho 3

KẾT LUẬN

Trong thời kỳ Phật giáo nguyên thủy, bồ tát là người chưa chứng đắc quả vị chỉ là người thường vì lòng đại bi vô tận mà nguyện làm tất cả mọi việc nhọc nhằn, ngay cả hi sinh tính mạng mình để cho chúng sinh được hạnh phúc, an lạc thì vị bồ tát theo quan điểm của đại thừa là người đã thành tựu quả vị bồ tát vì hạnh nguyện độ sinh mà trở lại đời, ở trong đời làm tất cả mọi việc mà không bị đồng hóa, không bị đời làm ô nhiễm, như bông sen được sinh ra từ bùn lớn lên từ bùn, nhưng tỏa hương thơm thanh khiết; vị bồ tát đi vào đời để làm lợi ích cho chúng sinh với tinh thần đại từ bi, không phân biệt, bình đẳng đối với tất cả; hơn nữa vị bồ tát trong tư tưởng đại thừa xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, có khi là người tại gia như bồ tát Thích Quảng Đức, Duy Ma Cật… vị trưởng giả trong kinh Pháp hoa, có khi là mẹ hiền Quan Âm với nhiều ứng thân hóa độ. Tuy có phân biệt giữa đại thừa và nguyên thủy về quan điểm của bồ tát nhưng nhìn chung giữa hai hệ tư tưởng này có điểm tương đồng đã là bồ tát thì luôn có hạnh nguyện cứu khổ ban vui, đại từ bi, đại hỷ xả, một tinh thần nhập thế và tinh thần này là tư tưởng xuyên suốt liên tục, là tư tưởng chủ đạo của Phật giáo. Như vậy hễ ai có những suy nghĩ, tâm niệm thiện lành muốn làm điều thiện giúp đỡ chúng sinh, sống với tâm lượng từ bi hỷ xả, người đó chính là bồ tát, bồ tát ở quanh ta chứ không ở đâu xa, không phải cứ dùng thần thông biến hóa mới gọi là bồ tát mà theo tinh thần của Phật giáo, bồ tát là người thực hành tứ vô lượng tâm, lục độ ba la mật từ bi hóa độ vô cầu đó là chân bồ tát hạnh vậy.

Tác giả: Thích Nữ Huệ Lộc
Chùa Kiều Đàm,  đường Tôn Thất Tùng, TT.Phú Mỹ, Tân Thành, Bà Rịa Vũng Tàu

***

CHÚ THÍCH
[1] Thích Hạnh Bình, Đức Phật và những vấn đề thời đại, Nxb phương Đông, 2014, tr.153.
[2] Thích Hạn Bình, Những vấn đề cốt lõi trong kinh Trường A Hàm, số 50.
[3] Thích Hạnh Bình, Đức Phật và những vấn đề thời đại, Nxb phương Đông, 2014, tr.145.
[4] Thích Hạnh Bình, Phật giáo và cuộc sống, Nxb phương Đông, 2014, tr. 189.
[5] Thích Hạnh Bình, Những vấn đề cốt lõi trong kinh Tương Ưng, số 120.
[6] Thích Hạnh Bình, Đức Phật và những vấn đề thời đại, Nxb phương Đông, 2014, tr.147.
[7] Thích Hạnh Bình, Phật giáo và cuộc sống, Nxb phương Đông, 2014, tr. 192.
[8] Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ, Kinh Pháp môn căn bản, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 2004.
[9] Thích Hạnh Bình,  Nghiên cứu về năm việc của Đại Thiên, Nxb phương Đông, 2014, tr. 106
[10] Thích Chơn Minh giảng về Học thuyết Bồ Tát trong  kinh tạng Nikaya và Đai thừa Phật giáo, tại thiền viện Vạn Hạnh ngày 16/11/2017.
[11] Thích Hạnh Bình, Y Pháp Bất Y nhân, Nxb phương Đông, 2007, tr. 98.
[12] https:// Thuvienhoasen.org, An Thế Cao Dịch, Đại Chính Tân Tu Đại Tạng Kinh Đệ Thập Thất Sách Số 779, Phật Thuyết Bát Đại Nhân Giác Kinh.
[13] Thích Minh Châu dịch,  Kinh Trung Bộ, Kinh Tất cả các lậu hoặc, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 2004.
[14] Thích  Trí Tịnh dịch, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Phẩm 20 Thường Bất Khinh Bồ Tát, Nxb. Phật học viện quốc tế  1988.
[15] Thích Hạnh Bình, Phật giáo Việt Nam suy tư và nhận định, Nxb. Phương Đông, 2013, tr. 64.
[16] Sđd, tr. 62
[17] Thích Trí Tịnh dịch, Kinh Địa Tạng bồ tát bổn nguyện, Nxb tôn giáo Hà Nội, 2004, tr.7
[18] Thích Trí Tịnh, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Quán Thế Âm Bồ tát phẩm Phổ môn, Nxb. Phật học viện quốc tế 1988-Pl 2530.
[19] Thích Hạnh Bình, Những vấn đề cốt lõi trong Kinh Trung Bộ, số 28.
[20] Thích Trí Tịnh dịch, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Phẩm 20 Thường Bất Khinh Bồ Tát, Nxb. Phật Học viện Quốc tế 1988.
[21] Thích Minh Châu dịch, Kinh Tăng Chi Bộ, chương tám pháp, kinh A-Tu-La Pahàràda, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 2004

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường