Ẩn hiện dưới các tán cổ thụ trên ngọn núi Phượng Hoàng (Bổ Đà sơn) thuộc địa phận thôn Thượng Lát, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, thuộc quần thể di tích chùa Bổ Đà trầm mặc, cổ kính, uy linh.

Chùa Bổ Đà có tên chữ là Tứ Ân tự; ngoài ra chùa còn có nhiều tên gọi khác như chùa Bổ, chùa Ông Bổ (vì gắn với truyền thuyết về một người tiều phu), chùa Tam Giáo (vì nơi đây Tam giáo đồng nguyên gồm Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo), chùa Quán Âm (vì chùa thờ Quán Thế Âm Bồ tát), chùa Cao (vì chùa nằm cao nhất trong cụm các công trình di tích tại đây).

Khu nội tự chùa Bổ Đà (Bắc Giang). Ảnh:
Khu nội tự chùa Bổ Đà (Bắc Giang). Ảnh: bacgiang.gov.vn

Lịch sử hình thành chùa chưa được xác định cụ thể, tương truyền, Chùa có từ thời Lý (thế kỷ XI), là nơi thờ Tam giáo, sau này phối thêm Thạch Linh Thần Tướng và Trúc Lâm Tam Tổ. Đây là một thắng tích nổi tiếng ở vùng địa linh mà như thành ngữ dân gian có câu: "Bắc Bổ Đà - Nam Hương Tích". Chùa Bổ Đà được coi là trung tâm Phật giáo lớn thứ 2 ở Bắc Giang sau chốn tổ chùa Vĩnh Nghiêm và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Trong quá trình lịch sử, chùa Bổ Đà theo nhiều trường phái khác nhau, đến đầu thế kỷ XVIII, chùa trở thành một trung tâm Phật giáo lớn theo Thiền phái Lâm Tế.

Qua nhiều thế kỷ, chùa được trùng tu nhiều lần, nhưng cơ bản vẫn giữ được nét kiến trúc độc đáo của mình, đó là nguyên bản nét kiến trúc truyền thống Việt cổ, khác biệt so với các ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc Việt Nam; đó là lối kiến trúc "nội thông ngoại bế" được bao bọc bởi hệ thống rặng tre xanh tốt, hệ thống tường trình đất vững chắc, tạo vẻ u tịch, linh thiêng...

Tam bảo chùa Bồ Đà (Bắc Giang). Ảnh: bacgiang.gov.vn
Tam bảo chùa Bồ Đà (Bắc Giang). Ảnh: bacgiang.gov.vn

Toàn bộ khu chùa hiện nay gồm 16 toà nhà lớn nhỏ với tổng số 92 gian liên hoàn với các tòa ngang dãy dọc, bao gồm: Tam Bảo, Tiền tế, Nhà tổ, Gác kinh, Giảng đường, nhà Hành pháp, nhà khách,...và các công trình phụ trợ. Những hạng mục chính là chùa Tứ Ân, vườn tháp, am Tam Đức, chùa Cao và ao Miếu.

Tại các hạng mục kiến trúc của di tích có nhiều mảng chạm khắc tinh xảo với nhiều đề tài phong phú như: hoa văn vân mây, vân xoắn, hoa cúc, hình lá lật, linh thú, đề tài tứ linh, tứ quý...mang phong cách nghệ thuật đan xen giữa thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII) và thời Nguyễn (thế kỷ XIX).

Bộ ván Kinh Phật - Mộc bản gỗ cổ nhất Việt Nam tại chùa Bổ Đà (BẮc Giang). Ảnh: Vietnamnet.vn
Bộ ván Kinh Phật - Mộc bản gỗ cổ nhất Việt Nam tại chùa Bổ Đà (BẮc Giang). Ảnh: Vietnamnet.vn

Hệ thống bài trí tượng tại quần thể di tích này cũng có những đặc trưng riêng, như bài trí tượng thờ tại tòa Tam Bảo chùa Tứ Ân theo kiểu tiền Thánh - hậu Phật, có sự kết hợp với tín ngưỡng dân gian bản địa và Tam giáo đồng nguyên. Trong chùa cũng lưu giữ nhiều bia đá, chuông đồng, hoành phi, câu đối, mõ cá và hàng chục pho tượng có giá trị lịch sử và mỹ thuật truyền thống.

Khu tháp mộ
Vườn tháp mộ chùa Bổ Đà là một trong những vườn tháp đẹp và lớn tại Việt Nam, gồm 110 ngôi tháp lớn nhỏ khác nhau. Ảnh: bacgiang.gov.vn

Chùa Bổ Đà có nhiều điểm độc đáo, thú vị mà ít ngôi chùa nào có được, đó là: Khu vườn tháp với khoảng 100 ngôi tháp cổ kính đẹp và lớn nhất trong số những ngôi cổ tự ở Việt Nam. Tường đất hai biên lối vào, cổng, tường bao quanh khuôn viên chùa và một số công trình khác của chùa cũng là một điểm đặc biệt ấn tượng được xây hoàn toàn bằng đất nện theo lối trình tường qua thời gian vẫn bền chắc và ngả màu rêu càng làm tăng thêm vẻ cổ kính của ngôi chùa. Điều đặc biệt nữa là trong khu vực chùa, nhiều bức tường được xây bằng tiểu sành tạo vẻ trầm mặc, gần gũi.

Quý giá và đặc biệt nhất ở chùa Bổ Đà hiện còn lưu giữ, bảo tồn được bộ mộc bản cổ với gần 2000 bản bằng gỗ thị có niên đại từ thời vua Lê Hiển Tông niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1786) và các giai đoạn sau này. Đây được coi là kho tàng pháp bảo của Phật giáo Việt Nam được xác nhận nhiều kỷ lục, trong đó vào năm 2017, Liên minh Kỷ lục thế giới (Worldkings) đã xác nhận bộ mộc bản kinh Phật của chùa Bổ Đà là bộ mộc bản kinh Phật khắc trên gỗ thị của Thiền phái Lâm Tế cổ nhất thể giới.

Nguồn: Sách Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Việt - NXB Thông tin và Truyền thông (trang 312)