Bồ tát Thích Quảng Đức đã thiêu thân để phản đối chính sách đàn áp tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm, gửi gắm ý niệm cho con người, đặc biệt là giới chính quyền Ngô Đình Diệm bấy giờ chính là ngọn lửa của phiền não ấy, mong muốn chế độ giác ngộ về hành động của mình và trả lại sự bình đẳng, tự do...
Đặng Nguyên Vũ, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Tp.HCM Hà Cửu Long Hồ, Khoa Tiếng Anh, Trường Đại học Sư phạm Tp.HCM
Tóm tắt Bài viết này hướng đến làm rõ sự thể hiện về ý nghĩa biểu tượng của ngọn lửa trong kịch Prometheus bị xiềng đến ngọn lửa thiêu thân của Bồ tát Thích Quảng Đức. Thông qua hệ thống gồm ba phương pháp nghiên cứu văn hóa lịch sử, ký hiệu học và thực chứng – lịch sử, bài viết này chủ yếu làm rõ ba nội dung của sự tiếp biến văn hóa Phật giáo thông qua hình tượng ngọn lửa từ phương Tây cổ đại đến Việt Nam qua nhân vật Prometheus trong bi kịch Prometheus bị xiềng của Aeschylus và sự kiện Bồ tát Thích Quảng Đức thiêu thân trên các phương diện liên quan đến Phật giáo về ý nghĩa nhân văn.
Ngọn lửa trong kịch Prometheus được hiểu như một biểu tượng với các giá trị cho con người. Kết quả nghiên cứu này góp phần làm rõ sự tương quan và tiếp biến giữa biểu tượng ngọn lửa trong văn hóa Hy Lạp và văn hóa Phật giáo Việt Nam. Lửa là một biểu tượng phổ biến trong văn hóa nhân loại, nhưng đặt ở cả hai nền văn hóa khác nhau, ngọn lửa vẫn thể hiện ý nghĩa nguyên bản, mang lại yếu tố tích cực cho đời sống nhân sinh.
Từ khóa: bi kịch Prometheus bị xiềng, Hòa thượng Thích Quảng Đức, ngọn lửa, biểu tượng, Phật giáo
1. Đặt vấn đề
a. Lí do chọn đề tài
Ngọn lửa là một biểu tượng phổ biến trong văn hóa nhân loại, mang nhiều ý nghĩa từ ánh sáng soi đường, sưởi ấm, đến sự hủy diệt. Trong văn học, ngọn lửa thường được sử dụng để thể hiện những khát vọng, ý chí, hay những giá trị cao đẹp của con người.
Trong kịch Prometheus bị xiềng của Aeschylus, ngọn lửa là biểu tượng của tri thức và tự do. Prometheus đã trộm lửa và mang xuống cho loài người. Hành động này của Prometheus đã khiến Zeus tức giận và trừng phạt anh ta bằng cách xiềng Prometheus vào một tảng đá ở Caucasus, nơi mỗi ngày một con đại bàng sẽ đến ăn gan của anh ta. Tuy nhiên, Prometheus vẫn kiên cường và không bao giờ tiết lộ bí mật về số phận của Zeus.
Ngọn lửa thiêu thân của Bồ tát Thích Quảng Đức cũng là một biểu tượng của tri thức và tự do. Bồ tát Thích Quảng Đức đã tự thiêu vào ngày 11/6/1963 để phản đối chính sách đàn áp Phật giáo của Ngô Đình Diệm, hành động này đã gây chấn động thế giới và góp phần thúc đẩy sự sụp đổ của chế độ Ngô Đình Diệm. Cả Prometheus và Thích Quảng Đức đều là những con người sẵn sàng hy sinh bản thân để bảo vệ những giá trị cao đẹp mà ngọn lửa mà họ mang theo là ngọn lửa của tri thức, tự do, và công lí.
b. Mục tiêu, đối tượng
Phân tích, khám phá sự tương đồng và khác biệt giữa biểu tượng ngọn lửa của Prometheus và ngọn lửa của Hòa thượng Thích Quảng Đức và làm rõ quá trình tiếp biến của Phật giáo Việt Nam từ những giá trị truyền thống đến những giá trị hiện đại.
Đối tượng nghiên cứu trong đề tài này sẽ giới hạn ở phạm vi bi kịch Prometheus bị xiềng của Aeschylus và sự kiện “vị pháp thiêu thân” Thích Quảng Đức năm 1963, đồng thời tập trung lí giải những ý nghĩa về biểu tượng trong hai đối tượng được nghiên cứu.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề, phương pháp nghiên cứu
a. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Biểu tượng ngọn lửa là một chủ đề nghiên cứu được quan tâm từ lâu trong các lĩnh vực văn học, triết học, và tôn giáo. Trong văn học, ngọn lửa thường được sử dụng để thể hiện những khát vọng, ý chí, hay những giá trị cao đẹp của con người. Trong triết học, ngọn lửa được coi là biểu tượng của sự sống, sự sáng tạo, và sự giác ngộ. Trong tôn giáo, ngọn lửa được coi là biểu tượng của thần linh, sự thanh tẩy, và sự tái sinh.
Biểu tượng ngọn lửa trong bi kịch Prometheus bị xiềng của Aeschylus, các nhà nghiên cứu đã tập trung phân tích ý nghĩa của ngọn lửa trong bối cảnh thần thoại Hy Lạp. Ngọn lửa của Prometheus là biểu tượng của tri thức và tự do. Prometheus đã trộm lửa từ đỉnh Olympus và mang xuống cho loài người, mang lại cho họ ánh sáng của tri thức và sự tự do. Hành động của Prometheus đã khiến thần Zeus, tức giận và trừng phạt anh ta bằng cách xiềng Prometheus vào một tảng đá ở Caucasus, nơi mỗi ngày một con đại bàng sẽ đến ăn gan của anh ta. Tuy nhiên, Prometheus vẫn kiên cường và không bao giờ tiết lộ bí mật về số phận của Zeus.
Biểu tượng ngọn lửa thiêu thân của Thích Quảng Đức, các nhà nghiên cứu đã tập trung phân tích ý nghĩa của ngọn lửa trong bối cảnh lịch sử Việt Nam bấy giờ. Ngọn lửa thiêu thân của Bồ tát Thích Quảng Đức là biểu tượng của sự đấu tranh cho tự do, hòa bình, và công lí. Hành động của “vị pháp thiêu thân” này đã gây chấn động thế giới và góp phần thúc đẩy sự sụp đổ của chế độ chính quyền Ngô Đình Diệm.
Tại Việt Nam, các nghiên cứu về biểu tượng ngọn lửa trong văn học và Phật giáo đã được thực hiện từ rất sớm. Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ chủ yếu xoay quanh về phân tích ngọn lửa trong một đối tượng cụ thể, song bàn về sự tương quan trong nhiều đối tượng vẫn còn hạn chế.
b. Phương pháp nghiên cứu
Bài viết sử dụng hệ thống gồm ba phương pháp nghiên cứu gồm phương pháp văn hóa lịch sử, ký hiệu học và phương pháp thực chứng – lịch sử. Trong đó, phương pháp văn hóa lịch sử được sử dụng để so sánh biểu tượng ngọn lửa của Prometheus và Thích Quảng Đức và đúc kết các ý nghĩa, phương pháp ký hiệu học nhằm nghiên cứu biểu tượng nổi bật nhất của hai đối tượng nghiên cứu là ngọn lửa, từ đó thể hiện các kết luận và kết quả của sự tương tác Đông – Tây trên các phương diện. Cuối cùng chính là phương pháp thực chứng – lịch sử, phương pháp này giúp cho nội dung trình bày bên dưới đây luôn trong sự chắc chắn về mặt thời gian, sự kiện mà đặc biệt là xoay quanh chính quyền Ngô Đình Diệm và khoảnh khắc vị pháp Thích Quảng Đức tự thiêu, qua đó giá trị lịch sử và nhân văn được làm rõ có mối tương quan chặt chẽ với nhau.
3. Kết quả nghiên cứu
3.1. Ngọn lửa của nhân vật Promete trong kịch Promete bị xiềng
3.1.1. Tính đấu tranh chống áp bức, bất công
Ở tác phẩm, sự phản kháng đến từ Prometheus được thể hiện rất rõ. Trước hết, qua mở đầu bằng cảnh Prometheus bị xiềng xích và khép lại với cảnh Prometheus bị trừng phạt một cách tàn nhẫn vì đã làm trái lời của thần Zeus.
Trong câu chuyện này, tuy nhân vật được hiện lên là thần thánh với thế giới siêu nhiên kì lạ, nhưng vén sau bức màn đó lại là một thế giới đầy tính hiện thực với những mối xung đột căng thẳng của thời đại.
Xung đột giữa Zeus và Prometheus chính là xung đột không thể dẫn đến hòa giải, Prometheus đã nhiều lần thách đấu với thần Zeus: “Cứ việc phóng lửa sét thiêu hủy, cho tuyết cánh trắng tung hoành, cho sấm từ lòng đất cứ gầm lên và đảo lộn cả trời đất! Tất cả đều không làm cho lòng ta nao núng” (Aeschylus, 2006, 34). Chúng ta còn có thể thấy, tính cách phản kháng này đã hư cấu cho một hình tượng nhân vật của mình hoàn toàn khác với thần thoại. Tuy rằng xung đột này là chênh lệch với nhau, vì thần Zeus có sức mạnh cao hơn cả và Prometheus không thể sánh được nhưng chính Prometheus lại nắm được số phận của loài người và vận mệnh của chính họ, chính vì lẽ đó mà thần Zeus trở nên e sợ và sai cấp dưới của mình điên cuồng tra khảo và bạo lực trừng phạt với anh ta. Tất yếu, Prometheus không thể tránh khỏi việc bị hành hạ đó.
Như đề cập ở trên, tuy xung đột rất gay gắt nhưng Prometheus lại nắm quyền chủ động trong toàn cục nên thần Zeus rơi vào trạng thái bị động, điều này cũng cho thấy rõ ý nghĩa sâu xa về một giai cấp thống trị không bền vững lúc bấy giờ và nỗi thống khổ của nhân dân khi phải chịu lớp áp bức và lớp thống trị chồng chéo lên nhau, đẩy họ vào bước đường cùng không còn lối thoát.
Prometheus xuất hiện như một vị cứu tinh và đó cũng là cái tất yếu khi xuất hiện thế giới thần linh huyền ảo, Prometheus trở thành một biểu tượng của sự thức tỉnh, cũng như về ý thức của quyền tự do, bình đẳng của con người. Một xã hội sẽ chỉ hình thành khi có những mặt đối lập với nhau như V.I.Lênin định nghĩa về giai cấp “Giai cấp là những tập đoàn người, mà tập đoàn này có thể chiếm đoạt lao động của tập đoàn khác, do chỗ các tập đoàn đó có địa vị khác nhau trong một chế độ kinh tế xã hội nhất định” (V.I.Lênin, 1977, 18) và chỉ khi giai cấp bị trị bị tước đi những đời sống cơ bản, những nhu cầu thiết yếu cá nhân thì “cuộc đấu tranh của quần chúng bị tước hết quyền, bị áp bức và lao động, chống bọn có đặc quyền, đặc lợi, bọn áp bức và bọn ăn bám, cuộc đấu tranh của những người công nhân làm thuê hay những người vô sản chống những người hữu sản hay giai cấp tư sản” sẽ dẫn đến đấu tranh giai cấp nhằm thay đổi căn bản về mặt bằng chung nhận thức và sở hữu trong xã hội.
Bi kịch Prometheus bị xiềng cũng tương tự như vậy. Loài người từ thuở mới khai sinh còn là một sinh vật yếu ớt, không có gì bảo vệ cho họ, chính vì vậy Prometheus bằng khả năng và mong muốn của mình đã thiết lập một định chế xã hội mà tại nơi đó, con người được sống bình đẳng và tự do, như giáo trình Văn học phương Tây của Đặng Anh Đào có đề cập: “đó là mục đích phục vụ nhân loại, tinh thần đứng về phía nhân dân chống lại thế lực thống trị, đấu tranh cho lí tưởng tự do của con người. Prometheus là hiện thân của sức mạnh, của ý thức con người” (Đặng Anh Đào, 2012, 92–93).
Không những vậy, trong bi kịch ấy, sự hi sinh và đấu tranh bất khuất còn thể hiện rất rõ nét. Prometheus đại diện cho tầng lớp bị trị mà chỗ dựa khi ấy duy nhất là ý chí bất khuất, bởi phía dưới mình là loài người cần được mình ra tay cứu giúp, còn trên mình lại là thế lực thống trị, Prometheus đứng ở giữa với vai trò hòa giải nhưng bất thành và giai cấp thống trị là người khơi nguồn cho những sự việc sau này.
Trước hết, sự hi sinh của Prometheus thể hiện ở việc ông đã chấp nhận chịu đựng mọi đau đớn, thậm chí là cái chết để mang lại lửa cho loài người. Lửa là một thứ vô cùng quý giá, nó là biểu tượng của ánh sáng, của văn minh, của sự sống. Prometheus đã biết rõ rằng nếu bị Zeus phát hiện, ông sẽ phải chịu một sự trừng phạt khủng khiếp. Tuy nhiên, ông vẫn quyết tâm thực hiện hành động của mình vì lòng thương yêu loài người.
Ông đã sẵn sàng hy sinh bản thân để giúp đỡ những người yếu thế hơn mình. Thứ hai, sự đấu tranh bất khuất của Prometheus thể hiện ở việc ông không bao giờ chịu khuất phục trước Zeus. Ngay cả khi bị tra tấn “Trói tên gian ác lên đỉnh núi cao hóc hiểm. Trong xích xiềng bằng sắt bẻ không tan” (Aeschylus, 2006, 22), Prometheus vẫn không hề nao núng. Ông vẫn luôn giữ vững ý chí của mình, vẫn luôn đấu tranh cho quyền lợi của loài người “Vì mục đích muốn cứu dân độ thế” (Aeschylus, 2006, 25). Ông đã khẳng định với Zeus rằng ông sẽ không bao giờ chịu khuất phục trước bất kỳ thế lực nào, kể cả là các vị thần. Ngọn lửa mà Prometheus đánh cắp từ Zeus không chỉ là một vật thể vật chất, mà còn là biểu tượng của tinh thần đấu tranh bất khuất, của ý chí chiến thắng.
3.1.2. Tính giải phóng con người khỏi bóng tối của thần linh
Trong bi kịch này, ngọn lửa mà nhân vật Prometheus mang đến cho nhân loại trở thành biểu tượng to lớn của sự tự do và độc lập. Prometheus đại diện cho ý thức và lòng dũng cảm khi anh ta quyết định chiến đấu vì sự phát triển và sự tiến bộ của con người. Ngọn lửa, một yếu tố thiêng liêng với đấng thần linh, đã bị Prometheus ưu ái trao tặng cho con người, tạo điều kiện cho họ phát triển và thể hiện bản thân một cách độc lập. Sự hi sinh và tình yêu thương của Prometheus đối với con người làm cho ngọn lửa này trở thành một biểu tượng vĩ đại của khao khát tự do và quyền lựa chọn trong tinh thần con người.
Một khía cạnh quan trọng của ngọn lửa của Prometheus là khả năng của nó đại diện cho sự tiến bộ và phát triển trong cuộc sống con người. Prometheus không chỉ đem lại ánh sáng cho con người mà còn mang theo tri thức, khoa học và nghệ thuật. Sự phát triển của xã hội con người dựa vào sức mạnh của kiến thức, và ngọn lửa của Prometheus đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự tiến bộ trong mọi lĩnh vực. Ngọn lửa này là biểu tượng của lòng can đảm và khao khát hoàn thiện, khẳng định mối quan hệ mật thiết giữa sự tiến bộ và sự phát triển của con người.
Cuối cùng, ngọn lửa của Prometheus còn biểu thị niềm tin và hy vọng. Mặc dù đã phải chịu nhiều khổ đau và hi sinh để chuyển giao ngọn lửa cho con người, thái độ của anh ta vẫn toát lên niềm tin vào khả năng và tiềm năng của loài người. Prometheus tạo ra một cầu nối tinh thần giữa người và thần, và qua việc mang lại ngọn lửa, anh ta thúc đẩy lòng hy vọng cho một tương lai tươi sáng. Với điều này, ngọn lửa của Prometheus trở thành một biểu tượng của hy vọng và niềm tin vững chắc trong tiềm năng của con người để đối mặt với những thách thức và xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.
3.1.3. Tính trí tuệ trong ngọn lửa Promete
Trong các hệ thống biểu tượng của bi kịch này, biểu tượng về ngọn lửa là cao hơn cả cũng như có ý nghĩa toàn diện. Nhờ có ngọn lửa mà Prometheus mang đến, loài người từ một sinh vật yếu đuối, có thể xếp cuối trong chuỗi thức ăn của thời nguyên thủy bởi không được những sức mạnh vô song như những loài vật khác (có cánh, biết bay hay bất kỳ một sức mạnh hay khả năng đặc biệt nào đó) đã trở nên tiến bộ vượt trội so với muôn loài. Prometheus trao ngọn lửa cho loài người đã phần nào giúp họ thoát khỏi sự áp bức của các vị thần và tự do phát triển nền văn hóa – khoa học của chính mình. Hành động lấy cắp lửa như vậy được xem là “cuộc cách mạng năng lượng sơ khai nhất của nhân loại”. Chính vì thế, bên cạnh sự tự do, bình đẳng, ngọn lửa còn là biểu tượng của tri thức và văn minh.
Dù đã đề cập đến ở trên, việc đánh cắp ngọn lửa của Prometheus là sai trái với thần Zeus, nhưng quy luật tất yếu của đời sống, muốn có độc lập thì phải đấu tranh. Trong những con người ấy, những phát minh của họ đã không ngừng đấu tranh với tự nhiên và tìm mọi cách thay đổi những tai ương mà chính thiên nhiên mang tới, đối đầu với chúng để tạo ra thế giới văn minh và chính nghĩa.
Trong bi kịch này, Prometheus với tình yêu bao la với con người mà mang trong mình lí tưởng cao đẹp, mong muốn mang lại hạnh phúc, văn minh cho thế giới đã chấp nhận hy sinh bản thân, không chịu khuất phục trước cường quyền và thần quyền “Ta đã lấy, trong một thân cây a nguỳ, hạt giống/ Của Ngọn lửa hồng mà ta đánh cắp mang đi,/ Với khách trần gian nó là thầy dạy mọi nghề/ Và một kẻ đỡ đần vô giá” (Aeschylus, 2006, 15).
Điều này cho thấy người dân thuở xưa đã bắt đầu có ý thức trong việc dùng sức mạnh của chính mình để chiến thắng tự nhiên, chuyển từ sùng bái các vị thần sang sùng bái con người, biết đấu tranh để chống lại áp bức, bất công. Từ đó, phê phán quy ước xã hội cũ, lạc hậu và nêu lên khát vọng tự do, công bằng, không bị áp bức bóc lột và mơ ước về một tương lai tươi sáng.
Như vậy, ta có thể rút ra một điều, ngọn lửa của Prometheus mang đến cho con người là căn nguyên khơi nguồn cho tất cả sự sống sau này, lẫn điều tốt xen sự tham và sân si của con người nhưng cơ bản đã tạo ra thế giới đa sắc màu và mang lại trí tuệ cơ bản cho con người tự thích nghi và tồn tại trong môi trường khắc nghiệt.
3.2. Ngọn lửa tự thiêu của Thích Quảng Đức
3.2.1. Tính đàn áp, cường quyền của chính quyền Ngô Đình Diệm
Bên cạnh chính sách đàn áp tôn giáo được trình bày bên dưới, chính quyền Ngô Đình Diệm còn thực hiện nhiều chính sách hà khắc khác với nhân dân, như chính sách bầu cử độc đảng, không cho phép các đảng phái khác tham gia tranh cử, chính sách đàn áp, bắt bớ những người hoạt động chính trị chống đối, kiểm duyệt báo chí, sách vở, hạn chế tự do ngôn luận, chính sách trưng thu ruộng đất của nông dân, đẩy họ vào cảnh nghèo đói. Không những thế, đỉnh điểm là đạo luật 10/59 của Mỹ – Diệm đã chính thức gán án cái chết cho bất kỳ ai có ý nghĩ chống chính quyền Diệm, bởi theo luật này, Tòa án quân sự chỉ xử hai mức là tử hình hoặc khổ sai chung thân. Thực hiện đạo luật này, chính quyền đó đã giết hại rất nhiều người yêu nước, đánh phá ác liệt các Chi bộ Đảng và cơ sở cách mạng, thậm chí, chúng lập ra rất nhiều khu vực khắp miền Tây Nam Bộ chỉ để thi hành án luật này.
Những chính sách này đã khiến cho nhân dân Việt Nam phải sống trong cảnh ngột nghèo, áp bức, bóc lột. Chúng đã tạo ra mâu thuẫn sâu sắc giữa chính quyền và nhân dân, là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền Ngô Đình Diệm.
Trong những chính sách đàn áp với nhân dân kể trên, không thể không kể đến việc chính quyền Ngô Đình Diệm ra sức đàn áp và thực hiện thảm sát nhiều phật tử. Ngay từ đầu lúc lên nắm chính quyền mới, ông đã có chủ ý chèn ép và dùng mọi biện pháp để áp chế các tổ chức của Phật giáo. Hơn hết, chế độ còn khủng bố những tăng sĩ và cư sĩ đang hoạt động sôi nổi tại các địa phương, thậm chí ép người bỏ đạo để theo Công giáo và đỉnh điểm là ra lệnh loại bỏ ngày Phật Đản truyền thống ra khỏi ngày nghỉ trong năm. Đây là một đòn rất mạnh vào những phật tử và người dân, đối với họ ngày này tương tự như những ngày nghỉ lễ lớn trong năm của người nước ngoài. Hành động này không khác gì cho người dân cả nước cả nước thấy một ý niệm rõ rệt về sức ép từ chính quyền đến tôn giáo mà cụ thể là Phật giáo tại Việt Nam.
Tiếp theo là những cuộc đàn áp, bắt bớ, tra tấn và thủ tiêu. Trong tài liệu A Study of Strategic Lessons Learned in Vietnam (Volume II: South Vietnam), tạm dịch: Một nghiên cứu về những bài học chiến lược kinh nghiệm ở Việt Nam (tập II: Miền Nam Việt Nam) có đề cập đến nguyên nhân dẫn sự tra tấn tàn bạo này “Sự thay đổi lãnh đạo bạo lực đó cũng mang lại sự thay đổi căn bản về ảnh hưởng của các nhóm gây áp lực chính trị. Dưới thời Ngô Đình Diệm, người Công giáo và thiểu số người tị nạn phương Bắc không theo Công giáo đã có sự không cân xứng. Kết quả là sự mất cân bằng về quyền lực là yếu tố chính thứ 4 tạo ra “nguyên nhân” cho các phật tử.
Sau khi Diệm bị phế truất “và bị giết, tương đối ít người theo đạo Phật chính trị này đã phải hầu tòa với những kẻ cầm đầu cuộc đảo chính”. Đương nhiên, điều này đặt các nhà lãnh đạo Công giáo vào tình thế là phe đối lập gay gắt và không mấy trung thành” (The BDM Corporation, 1981, 7–28) và như vậy đồng nghĩa với việc bọn lính chính quyền đã bắt buộc tín đồ Phật giáo theo Công giáo, và sẵn sàng có những hình thức tra tấn tàn bạo nếu không chịu theo. Rải rác tại các tỉnh miền Trung bấy giờ có khoảng chục vụ mỗi tỉnh phật tử, tín đồ Phật giáo bị bắt để phục vụ cho những công việc nặng nhọc, hoặc là bị thủ tiêu, chôn sống…
Trước tình cảnh đó, Ngài nộp đơn xin thiêu thân quyết bảo vệ đạo Pháp cũng như sự tồn vong của đất nước Việt Nam. Ông còn để lại những bài thơ và bài kệ đã lan tỏa rộng rãi trên thế giới. Ngọn lửa đã trở thành một ý chí sắc bén, người dân đổ về kính cẩn nghiêng mình vì hành động đại diện cho sự sống còn của người dân và Phật tử bấy giờ.
Trong đó có Lời nguyện tâm quyết mà “vị pháp thiêu thân” Thích Quảng Đức gửi đến chính quyền Diệm, có năm nội dung, đó cũng là ước mong lớn lao chung cho Phật giáo Việt Nam nói riêng và toàn bộ người dân nói chung có được một cuộc sống bình yên và hạnh phúc gồm những chí nguyện như sau:
1. Mong Phật tổ gia hộ cho Tổng thống Ngô Đình Diệm sáng suốt chấp nhận năm nguyện vọng tối thiểu của Phật giáo Việt Nam ghi trong bản tuyên ngôn;
2. Nhờ phật từ bi gia hộ cho chư đại đức, tăng, ni phật tử Việt Nam tránh khỏi tai nạn, khủng bố, bắt bớ, giam cầm của kẻ gian ác;
3. Cầu nguyện cho đất nước thanh bình, quốc gia an lạc;
4. Trước khi nhắm mắt về cõi Phật, tôi trân trọng gởi lời cho Tổng thống Ngô Đình Diệm nên lấy lòng bác ai từ bi đối với quốc dân và thi hành chính sách bình đẳng tôn giáo để giữ vững nước nhà muôn thuở;
5. Tôi thiết tha kêu gọi chư đại đức, tăng, ni, phật tử nên đoàn kết để nhất trí bảo tồn Phật giáo.” (Huỳnh Minh, 1974, 253)
3.2.2. Tính phản kháng mạnh mẽ
Cái chết của Thích Quảng Đức tất yếu đã dấy lên sự phẫn nộ đối với tăng ni và đồng bào phật tử trên toàn thế giới. Việc Ngài tự thiêu và sau đó là ngòi nổ cho rất nhiều phong trào tự thiêu khác ở các tỉnh Việt Nam. Sau đó, cùng với nỗ lực chống lại chính quyền Ngô Đình Diệm, phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963 là phong trào có quy mô lớn, tuy mang màu sắc của tôn giáo rất rõ nét, song nội hàm của phong trào lại nằm ở cả dân tộc vùng lên nhằm xóa bỏ chế độ độc tài của Diệm. Xuất phát từ Huế, sau đó đã lan rộng đến toàn bộ miền Nam cũng như đối tượng không còn dừng lại ở nông dân, người dân mà còn là các vị trí thức, học sinh, sinh viên, công nhân, thanh niên đều ra sức ủng hộ điều này.
Trong phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963 vừa được đề cập đã xuất hiện phương pháp “bất bạo động” lần đầu tiên trong lịch sử kháng chiến ở nước ta, thể hiện tôn chỉ hòa bình của giáo lý Phật giáo Việt Nam. “Bất bạo động” hoặc “phi bạo lực” hiểu đơn giản là hình thức đấu tranh không dùng vũ khí mà sử dụng số đông để chống lại áp lực và hòa giải thế lực đối kháng với họ. Từ đó, ta rút ra một hệ quả đương nhiên, khi áp dụng phương pháp này, tất yếu bên sử dụng phương pháp này sẽ rơi vào thế bất lợi và thương vong nhiều hơn cả. Ở đây, “vị pháp thiêu thân” Thích Quảng Đức đã hy sinh thân mình để thức tỉnh chế độ Diệm và soi sáng một chân lí cho tất cả mọi người, đặc biệt là bản Tuyên ngôn Độc lập Bác Hồ đọc tại Quảng trường Ba Đình năm 1945 nhằm khẳng định mỗi con người đều “có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.” (Hồ Chí Minh, 1995, 259).
Như vậy, phong trào Phật giáo miền Nam đã góp phần quan trọng trong cuộc đấu tranh lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, bước đầu làm phá sản chính sách can thiệp của Mỹ ở Việt Nam, tạo điều kiện cho cách mạng miền Nam phát triển. Đối với lịch sử dân tộc, nó không chỉ làm riêng việc giải thoát cho sự phát triển lâu bền của Phật giáo Việt Nam về căn bản đã cùng Việt Nam trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, chứng kiến biết bao sự thăng trầm, diệt vọng của nhiều triều đại mà cao hơn cả, đó chính là xóa bỏ thảm kịch máu lạnh dưới chế độ độc tài này.
3.2.3. Tính tác động đến phong trào đấu tranh của nhân dân miền Nam Việt Nam
Sự kiện Thích Quảng Đức và phong trào Phật giáo 1963 đã gây chấn động trên toàn thế giới, góp phần thúc đẩy phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở Việt Nam mà tại đây, việc xử lí khủng hoảng của chính quyền Ngô Đình Diệm được cho là thất bại, trong tài liệu A Study of Strategic Lessons Learned in Vietnam (Volume II: South Vietnam) cũng có viết “Cuộc khủng hoảng dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền Ngô Đình Diệm bắt đầu bằng một cuộc biểu tình phản kháng của Phật giáo được xử lí một cách tồi tệ ở Huế vào ngày 8 tháng 5 năm 1963.
Sau đó là một loạt vụ tự thiêu được công bố rộng rãi của các nhà sư Phật giáo, gây chấn động thế giới phương Tây. Các nhà lãnh đạo Quân lực Việt Nam Cộng hòa bắt đầu đảo chính âm mưu, cuối cùng lật đổ Diệm với sự chấp thuận ngầm, sau đó ngã xuống sau vụ ám sát.” (The BDM Corporation, 1981, 8–13), sau đó là một loạt các phật tử, nhà sư lần lượt tự thiêu khác ở các tỉnh nhằm phản đối chính quyền đang bức hại người dân, có thể kể đến như Đại đức Thích Nguyên Hương vào ngày 04/8/1963 ở Phan Thiết; Đại đức Thích Thanh Tuệ tự thiêu ngày 13/8/1963 tại Thừa Thiên; Thượng tọa Thích Tiêu Diêu tự thiêu ngày 16/8/1963 ở Huế; Ni cô Diệu Quang ngày 15/8/1963 tại Ninh Hòa; Đạo hữu Nguyễn Thìn ngày 29/9/1963 tại Vũng Tàu;…
Trên cục diện quốc tế, xét tổng quan gồm cả sự kiện Thích Quảng Đức tự thiêu và phong trào Phật giáo miền Nam 1963 đã có tác động mạnh mẽ về thay đổi định kiến về sắc tộc và màu da khi tất cả đều kết hợp lại vì tình thương yêu đồng loại mà kiên quyết không nhún nhường trước bạo quyền. Ở những nhà nước tồn tại chế độ đa nguyên, đa đảng hoặc các thế lực thù địch đối đầu nhau, cuộc đấu tranh Phật giáo này đã khiến họ về lại một đội. Điều này dẫn đến hệ quả là phong trào đã vượt khỏi giới hạn của một phong trào giải phóng dân tộc truyền thống hoặc đòi quyền tự do thường thấy trước kia, cũng chính vì vậy mà trong hàng thập kỉ qua, nhắc đến những từ khóa của sự kiện lịch sử này, ta lại nhớ đến sự hy sinh dũng cảm của Bồ tát Thích Quảng Đức tự thiêu.
Cuộc tự thiêu của Ngài là ngọn đuốc sáng cho phong trào đấu tranh của phật tử đòi bình đẳng tôn giáo nói riêng và nhân dân nói chung. Biết bao nhiêu người dân vô tội đã ngã xuống, đã bị bắt bớ, đánh đập tra khảo, bị cướp mất xác. Những người dũng cảm tự thiêu để chống lại chính quyền Diệm đã để lại dấu ấn trong lịch sử, đặc biệt trái tim xá lợi chính là minh chứng rõ nét nhất cho tấm lòng của người con Phật yêu chuộng hòa bình tự do và bình đẳng nhưng cũng bất khuất, anh hùng trước nạn đàn áp của bọn thống trị. Trái tim ấy vừa là minh chứng sống, vừa là biểu tượng tinh thần của Phật giáo Việt Nam và là trái tim của cả nhân loại, làm thức tỉnh những ngọn lửa đang sục sôi vì một xã hội công bằng, tự do.
3.3. Dấu ấn tiếp biến văn hoá Phật giáo trong ngọn lửa của nhân vật Prometheus và Thích Quảng Đức
3.3.1. Ngọn lửa là biểu tượng của ánh sáng, bình đẳng và trí tuệ
Căn nguyên của lửa là một trong bốn nguyên tố cơ bản của vạn vật. Heraclit cũng đã đề cập: “Lửa sinh ra cái chết của đất. Khí sinh ra cái chết của đất. Khí sinh ra trong cái chết của Lửa. Nước sinh ra trong cái chết của khí. Đất sinh ra trong cái chết của nước. Lửa chết thì khí sinh. Khí chết thì nước sinh. Đất chết thì nước sinh. Nước chết thì khí sinh. Khí chết thì Lửa sinh. Ngược lại cũng như vậy” (Đặng Hữu Toàn, 2005, 39). Lửa không chỉ là tác nhân, nguyên nhân khiến cho cái lạnh, cái nóng và vạn vật tương tác lẫn nhau mà còn là nguyên nhân gây nên sự biến đổi, chuyển hóa của vạn vật trong vũ trụ. Như vậy, lửa là cơ sở nền tảng của vật chất tồn tại, bao trùm lên tất cả, “lửa từ đó mà vạn vật được sinh ra, kể cả linh hồn với tư cách thế giới tinh thần, để rồi lại biến đổi, chuyển hóa thành Lửa, trở về với chính Lửa như là hệ quả tất yếu của Logos Vũ trụ” (Đặng Hữu Toàn, 2005, 41).
Trong bi kịch Prometheus bị xiềng hoặc các vở kịch liên hoàn Prometheus lấy lửa, Prometheus được giải phóng đều xuất hiện hình ảnh ngọn lửa. Theo Quyền Lực (tên nhân vật của kịch), lửa được nhìn nhận “Là cha đẻ của mọi nền kỹ thuật” (Aeschylus, 2006, 11), lửa là ngọn đuốc soi lối cho con người thoát khỏi ngu muội và sự tăm tối, tiến đến xã hội văn minh, tiến bộ. Khi đến với Phật giáo, ngọn lửa trong Ấn Độ giáo và tại Việt Nam gắn liền với đạo đức. Trong kinh Phật, ngọn lửa thường được nhắc đến với ý nghĩa là biểu tượng của trí tuệ, giác ngộ. Phật Thích Ca Mâu Ni được ví như ngọn lửa trí tuệ, soi sáng cho chúng sinh thoát khỏi vô minh, khổ đau. Trong Kinh Pháp Hoa, Đức Phật đã nói rằng “Nhà lửa tiêu biểu cho sự thiêu đốt, mà ngọn lửa thiêu đốt chính là phiền não của con người. Trên bước đường tu, vứt bỏ được một phần phiền não nào, tầm nhìn hành giả lại đổi khác.” (Kinh Pháp Hoa, 125).
Soi chiếu vào trong sự kiện tự thiêu của “vị pháp thiêu thân” Thích Quảng Đức, ngọn lửa đã trở thành biểu tượng của tinh thần đấu tranh bất khuất, của khát vọng hòa bình và tự do của dân tộc Việt Nam. Thích Quảng Đức đã thiêu thân để phản đối chính sách đàn áp tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm, cũng như gửi gắm ý niệm cho con người, đặc biệt là giới chính quyền Ngô Đình Diệm bấy giờ chính là ngọn lửa của phiền não ấy, mong muốn chế độ giác ngộ về hành động của mình và trả lại sự bình đẳng, tự do vốn có của nhân dân như trong bản Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh năm 1945, cũng như Prometheus đã cam chịu số phận bị tra tấn, hành hạ của thần linh để mang lửa khai sáng cho loài người, cứu rỗi khỏi sự tăm tối của trí thức đã cho chúng ta thấy khát vọng về một sự bình đẳng và trí tuệ để hiểu biết xung quanh là thường trực trong mỗi người và là một nhu cầu chính đáng.
3.3.2. Ngọn lửa là biểu tượng của sự hi sinh, từ bi
Qua sự hi sinh của Bồ tát Thích Quảng Đức, ta nhận thấy rất rõ cái chết này là tử vì đạo, giữa bối cảnh thế kỉ XX khi đất nước chưa thống nhất, đạo giáo khi này lại chia rẽ trầm trọng. Vì thế, nó là hồi chuông cảnh báo về sự an nguy không chỉ cho người dân mà là sự tồn vong của cả một dân tộc. Triết lý nhà Phật và cũng như các tôn giáo khác tại Việt Nam không xuất hiện sự phân biệt đối xử, và chỉ có tình thương yêu vô tận mới có thể cảm hoá những dục vọng và sự đố kị của chính quyền bấy giờ. Hoà thượng Thích Trí Quảng từng viết: “Chỉ có tinh thần cởi mở, từ ái, khoan dung, sáng suốt theo Phật giáo mới giúp cho con người giải quyết được những vấn nạn hiện tại và thiết lập được cho cộng đồng nhân loại một tương lai hòa bình, hòa hợp, phát triển, an lạc lâu dài. Và thành quả của việc thực hiện Tứ Vô Lượng Tâm sẽ tạo nên sự đoàn kết, tương trợ, cũng như mở ra một giá trị đạo đức vĩnh hằng trong cuộc sống con người, đó là tình thương yêu cho muôn loài, mọi giới cùng chung sống hạnh phúc dài lâu trong ngôi nhà chung trong lành, tươi đẹp” (Thích Trí Quảng, 2008, 287). Sự ra đi của vị Bồ tát này đã in hằn sử sách đời sau đúng với tinh thần Phật giáo muốn con người hướng đến, dùng cái tâm để cứu rỗi, dùng tứ vô lượng để tuỳ duyên hoá độ.
Tiếp biến truyền thống biểu tượng cao đẹp đó, văn học ngày nay đã có nhiều tác phẩm tiếp cận ngọn lửa tiếp biến từ tinh thần khoan dung của nhiều nhân vật, tác phẩm hiện đại.
Trong bài viết Hình tượng ngọn lửa trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức trong tác phẩm Lửa từ bi của Thi bá Vũ Hoàng Chương của Thích Minh Niệm và Thích Hạnh Tuệ, nhóm tác giả đã gợi nhắc lại về hình ảnh của “vị pháp thiêu thân” năm 1963, là sự phối hợp hài hòa để làm sáng tỏ hình ảnh của Hòa thượng đáng kính và biểu tượng trái tim xá lợi bất diệt. Từ hình tượng trái tim ban đầu, qua những dòng thơ đã trở thành tinh thần từ bi lớn, cũng như trí tuệ mà đạo Phật mang lại trong bối cảnh thời đại ngày nay và còn rất nhiều bài thơ khác, song chúng tôi chỉ chọn một tác giả tiêu biểu để bàn về tính ảnh hưởng. Đồng thời, biểu tượng nhân vật Prometheus cũng thể hiện rõ nét tinh thần từ bi vô lượng đối với chúng sinh khi ngọn lửa đánh cắp ấy đã khai mở một kỷ nguyên mới cho loài người. Qua đó, chúng ta có thể thấy, sự kiện tự thiêu trên và việc đánh cắp ngọn lửa trong thần thoại ngoài việc gây chấn động trong thời gian dài và không gian rộng lớn, nó còn len lỏi trong các mảng văn học nghệ thuật mà nơi ấy, Thích Quảng Đức và Prometheus sẽ được tái hiện với những vần điệu cùng nguồn cảm hứng bất tận với sự thương xót cho đồng bào và sự căm phẫn với chế độ tàn bạo xưa cũ.
Quay ngược về phương diện xã hội, thần từ bi hiện hữu trong mọi khoảnh khắc của đời sống. tinh thần từ bi góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, nơi con người sống yêu thương, hòa thuận và giúp đỡ lẫn nhau. Khi mọi người đều có tinh thần từ bi, xã hội sẽ giảm bớt những bất công, đau khổ, và trở nên bình yên, hạnh phúc, nó hiện hữu trong gia đình, đó là tình cảm yêu thương, gắn bó giữa cha mẹ và con cái với nhau, trong cộng đồng ở sự giúp đỡ, sẻ chia giữa những người xung quanh và rất nhiều hành động cứu trợ mỗi khi miền Trung xảy ra thiên tai, lũ lụt. Như vậy, ta có thể thấy tinh thần từ bi đã nhập thế trong mọi phương diện của đời sống con người, là đạo đức, nền tảng để mọi người lan tỏa tình người và sẻ chia với những người kém may mắn hơn, sự tiếp biến này diễn ra tuần tự từ thời chiến sang thời bình, song vẫn giữ nguyên giá trị cơ bản của chúng.
3.3.3. Ngọn lửa là biểu tượng của sự giải phóng, giác ngộ chân lí
Cả hai biểu tượng đã đề cập trước đây đều thể hiện tâm hồn của triết lí Phật giáo, đó là “Trên cầu thành Phật, dưới độ chúng sinh”. Đây là một khía cạnh quan trọng của Phật giáo Đại Thừa, và cũng là ước nguyện của các đấng Phật để hướng dẫn mọi loài chúng sinh tiến tới sự giác ngộ và trở thành Phật thông qua việc tu hành chính đạo. Do đó, điều mà Phật muốn truyền đạt là các tín đồ Phật, đặc biệt là các Bồ tát, cần phải hóa giải khổ đau của chúng sinh trước khi họ có thể tiến xa hơn trong hành trình trở thành Phật. Họ cần đi theo đường của Bồ tát, nơi thực hành Phật pháp thông qua việc cung cấp sự giúp đỡ cho chúng sinh ở mọi khía cạnh, cả về mặt vật chất lẫn tinh thần. Để nói một cách khác, việc cứu giúp chúng sinh không chỉ là một phần không thể thiếu trong việc thực hành Phật pháp, mà còn chính là việc thực hành Phật pháp.
Thích Quảng Đức và Prometheus cũng là những vị Bồ tát qua thấu khổ những nỗi đau trên trần gian mà hóa giải thành công chúng, sau đó quay lại cứu giúp loài người. “Vị pháp thiêu thân” đã cứu chúng sinh thoát khỏi chế độ Ngô Đình Diệm không lâu sau đó, vị thần lửa Prometheus dang tay trao tặng ngọn lửa của sự sống con người. Ngọn lửa này bùng lên từ một trái tim nhân ái, đó chính là trái tim trí tuệ của Phật giáo và cũng chỉ có Phật mới có khả năng chuyển hóa từ bình thường sang trí tuệ, đồng thời thức tỉnh con người nhận ra những chân lí của cuộc sống đầy ý vị.
Sự hiện hữu của Prometheus mang sự sống cho con người và Bồ tát Thích Quảng Đức giờ đây không còn là sự hiện hình của một vị hành giả mà còn là của một bậc Bồ tát nhập thế. Chúng tôi gọi Prometheus ở đây như là một Bồ tát nhập thế là bởi, sự từ bi, chính trực và lòng thương cảm đã đạt tới mức độ của đức Phật. Lửa có thể sinh ra nhiệt rất nóng và thiêu cháy muôn loài, lửa cũng là nơi sinh ra vạn vật, song ở cả hai nhân vật đều xuất hiện ngọn lửa riêng, đó chính là lửa của ánh sáng vô minh với mong muốn phá đi niềm đau khổ của chúng sinh và cứu rỗi họ. Ta có thể nhận thấy, trước sự đau đớn ở Prometheus và “vị pháp thiêu thân” Thích Quảng Đức, Prometheus nhẫn nhịn để chịu đòn tra tấn mà không than đau khổ, Ngài vẫn chắp tay trước ngực và giữ tư thế thiền cho đến lúc không còn trên trần gian. Như vậy, ngọn lửa này đã thức tỉnh nhân sinh và khiến con người có cái nhìn chính niệm hơn.
4. Bình luận
Xem xét trên các khía cạnh lịch sử và tiếp biến văn hóa, có thể nói thêm về một số vấn đề của xã hội hiện đại. Khi ta quan sát hai biểu tượng này trong ngữ cảnh xã hội hiện đại, chúng ta thấy rằng ý nghĩa của họ vẫn còn nguyên giữa các thách thức mới.
Trong một thế giới mà sự tự do, quyền lựa chọn, và phát triển cá nhân ngày càng quan trọng, ngọn lửa của Prometheus và hình ảnh Thích Quảng Đức trở nên đặc biệt quan trọng. Họ đại diện cho lòng dũng cảm và sự hy sinh trong việc bảo vệ các giá trị tối cao và tự do của con người, và đặt ra câu hỏi về cách làm cho các giá trị này vẫn có ý nghĩa trong môi trường xã hội phức tạp và đa dạng ngày nay.
Song song đó, đây cũng là một cơ hội để nghiên cứu sự kết nối giữa các biểu tượng trong các văn hóa và tôn giáo khác nhau. Prometheus và Thích Quảng Đức đến từ hai nền văn hóa và tôn giáo khác nhau – Hy Lạp cổ đại và Phật giáo. Nhưng sự tương đồng trong việc đại diện cho sự hy sinh và sự phục sinh vượt qua ranh giới văn hóa và tôn giáo. Điều này đặt ra câu hỏi về khả năng các biểu tượng vượt qua những hạn chế văn hóa và định kiến xã hội để trở thành biểu tượng của nhân loại, tạo nên một tầm nhìn toàn cầu về lòng hi sinh và hy vọng.
Cuối cùng, tầm quan trọng của việc nghiên cứu các biểu tượng như Prometheus và Thích Quảng Đức nằm trong việc hiểu những hệ quả của họ đối với tương lai như thế nào khi ta hiểu và tôn trọng những biểu tượng này có thể hình thành cách chúng ta nhìn nhận thế giới và hướng dẫn hành động của chúng ta trong tương lai. Vấn đề này mở ra cơ hội để xem xét tầm quan trọng của những biểu tượng vĩ đại và câu hỏi về cách chúng ta có thể áp dụng những bài học từ họ để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho loài người.
5. Kết luận
Như vậy, trong thời đại hiện nay, biểu tượng ngọn lửa vẫn còn nguyên giá trị trong các mặt của đời sống như tư tưởng, tôn giáo, văn học – nghệ thuật mà hơn hết là có tác động sâu rộng đến suy nghĩ và ý chí của người dân.
Trải qua hàng chục, hàng trăm năm, sự tác động ấy ngày một lớn, nhiều giá trị văn hóa tiếp tục được bổ sung, tiếp biến khi du nhập về Việt Nam. Những giá trị về lịch sử được đặt ra giữa Prometheus và Thích Quảng Đức trong góc nhìn so sánh và qua nhận thức tư duy so sánh đã dần khai thác những góc độ văn hóa khác biệt giữa những đất nước, dân tộc, khu vực… trong cùng một hệ thống biểu tượng trong sự đa dạng về bối cảnh hội nhập hiện nay.
Vì thế, việc nghiên cứu biểu tượng ngọn lửa trong bối cảnh hội nhập quốc tế là vô cùng cần thiết, nhằm khẳng định ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của từng quốc gia, tôn giáo, dân tộc.
Đặng Nguyên Vũ, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Tp.HCM Hà Cửu Long Hồ, Khoa Tiếng Anh, Trường Đại học Sư phạm Tp.HCM ***TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Aeschylus, Hoàng Hữu Đản (dịch). (2006). Prometheus bị xiềng. Hà Nội: NXB Sân khấu Hà Nội. 2. Bộ Giáo dục và Đào tạo. (2020). Giáo trình Triết học Mác Lênin. Hà Nội: NXB Chính trị Quốc gia sự thật. 3. Chùa Ba Vàng. (20/5/2022). Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu - Câu chuyện về trái tim bất diệt. Truy xuất ngày 19/10/2023 từ https://phatgiao.org.vn/hoa-thuong-thich-quang-duc-tu-thieu--cau-chuyen-ve-trai-tim-bat-diet-d53488.html. 4. Đặng Anh Đào (chủ biên). (2012). Giáo trình Văn học phương Tây. Hà Nội: NXB Giáo dục Việt Nam. 5. Đặng Hữu Toàn. (2005). Lửa - Bản nguyên vật chất đầu tiên và duy nhất của vũ trụ trong triết học Hêraclít. Tạp chí Triết học, 5(168), 37-43. Truy xuất ngày 19/10/2023 từ https://vjol.info.vn/index.php/phil/article/download/8074/7568/#:~:text=T%C3%B3m%20t%E1%BA%AFt%3A%20Khi%20coi%20V%C5%A9,Logos%20v%E1%BB%91n%20c%C3%B3%20c%E1%BB%A7a%20n%C3%B3. 6. Hồ Chí Minh. (1995). Hồ Chí Minh - Toàn tập (tập 4). Hà Nội: NXB Chính trị Quốc gia. 7. Huỳnh Minh. (1973). Gia Định – Xưa và nay. Huế: NXB Thuận Hoá. 8. Nguyễn Lang. (2008). Việt Nam Phật giáo sử luận. Hà Nội: NXB Văn học. 9. Nhiều tác giả. (n.d.). Kinh Pháp Hoa. Truy xuất ngày 20/10/2023 từ https://thuvienhoasen.org/images/file/9-dxcZ1G0QgQANlT/kinhphaphoa-htthichtriquang.pdf. 10. The BDM Corporation. (1981). A Study of Strategic Lessons Learned in Vietnam (Volume II: South Vietnam). America. 11. Thích Minh Niệm, Thích Hạnh Tuệ. (2023). Hình tượng ngọn lửa trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức trong tác phẩm Lửa từ bi của Thi bá Vũ Hoàng Chương. Tạp chí Phật học. Truy xuất ngày 19/10/2023 từ https://tapchinghiencuuphathoc.vn/hinh-tuong-ngon-lua-trai-tim-bo-tat-thich-quang-duc-trong-tac-pham-lua-tu-bi-cua-thi-ba-vu-hoang-chuong.html. 12. Thích Pháp Như. (2011). Ảnh hưởng từ cuộc tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức trong phong trào tranh đấu của Phật giáo Việt Nam năm 1963. Truy xuất ngày 19/10/2023 từ https://thuvienhoasen.org/a14998/anh-huong-tu-cuoc-tu-thieu-cua-hoa-thuong-thich-quang-duc-trong-phong-trao-tranh-dau-cua-phat-giao-viet-nam-nam-1963-thich-phap- . 13. Thích Trí Quảng. (2008). Phật giáo nhập thế và phát triển (tập 1). Hà Nội: NXB Tôn giáo. 14. Trương Văn Chung (chủ biên). (2013). Nhìn lại phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963. Hồ Chí Minh: NXB Phương Đông. 15. V.I.Lênin. (1977). V.I.Lênin toàn tập - Tập 39. Hà Nội: NXB Sự thật.
Bình luận (0)