Trang chủ Lịch sử - Triết học Tấm gương về cuộc đời, đạo nghiệp của Bồ tát Thích Quảng Đức

Tấm gương về cuộc đời, đạo nghiệp của Bồ tát Thích Quảng Đức

Bồ tát Thích Quảng Đức đã chịu đựng biết bao đau đớn trong ngọn lửa đang bừng cháy, ngọn lửa ấy cũng là thông điệp Ngài đã gởi tia hy vọng cho những con người từ lâu đã chịu đựng sự đàn áp bởi người ngoại quốc và chính đồng bào của họ.

Đăng bởi: Lê Đình Trưởng
ISSN: 2734-9195

Bồ tát Thích Quảng Đức đã hy sinh cả cuộc đời mình, Ngài tự thiêu thân để lương tâm của Tổng thống Ngô Đình Diệm và toàn thế giới thức tỉnh. Ngài đã chịu đựng biết bao đau đớn trong ngọn lửa đang bừng cháy, ngọn lửa ấy cũng là thông điệp Ngài đã gửi tia hy vọng cho những con người từ lâu đã chịu đựng sự đàn áp bởi người ngoại quốc và chính đồng bào của họ…

Tác giả: ThS. NCS. Thích nữ Lệ Thảo & ThS. Lương Quý Ngọc 

Tóm tắt: 

Bồ tát Thích Quảng Đức xuất gia từ thuở nhỏ, trải qua bao năm tu hành tinh tấn, trao dồi giới đức, đến khi thọ đại giới đã lập nhiều nguyện lớn, vân du giáo hóa khắp nơi, tu hạnh Bồ tát, lấy việc hoằng dương Phật pháp, cứu độ chúng sinh là chí nguyện, Ngài xây dựng, trùng tu nhiều chùa chiền tự viện, nhưng không trụ, không chấp. Ngài lập hạnh Bồ tát, hy sinh thân mạng cứu nguy cho Phật giáo, đất nước và nhân dân trong cơn dầu sôi lửa bỏng. Ngọn lửa “Vị pháp thiêu thân” và “trái tim bất diệt” của Ngài được xem là biểu tượng bất diệt cho phong trào đấu tranh bất bạo động nhằm bảo vệ chính pháp, bảo vệ Phật giáo. Tham luận này sẽ nêu rõ, cuộc đời và đạo nghiệp của Bồ tát Thích Quảng Đức, cũng như những bài học vô giá cho Phật giáo và dân tộc từ cuộc đời và đạo nghiệp vĩ đại của Ngài. 

Từ khóa: Phật giáo; Thích Quảng Đức, Bồ tát.

1. Đặt vấn đề

Năm 1963, trong bối cảnh đất nước loạn ly bởi chiến tranh khốc liệt, Phật giáo cũng lâm vào pháp nạn, phong trào đấu tranh bảo vệ chính pháp cũng diễn ra vô cùng mạnh mẽ, Bồ tát Thích Quảng Đức là một trong những nhân vật quan trọng góp phần dành lại độc lập cho đất nước và tự do tín ngưỡng tôn giáo. Đây là điểm son rực rỡ, đánh dấu bước chuyển mình của Phật giáo hướng nội sang Phật giáo nhập thế.

Trước ngọn lửa Bồ tát đã tự thiêu, không phải vì lòng oán thù, sân hận, mà xuất phát từ lòng bi mẫn, yêu đạo, yêu non sông đất nước, hy sinh thân mình để dập tắt chiến tranh. Chính ngọn lửa ấy, đã mang ánh sáng từ bi, trí tuệ soi sáng vào không gian u tối, mịt mù khói lửa, bưng bích bởi vô minh, bởi những đấu tranh thù hận, giết chóc do lòng người tạo ra. Ngọn lửa ấy, không những làm thức tỉnh hàng triệu triệu con tim của người Việt trên khắp năm châu trong hiện tại, mà còn đánh động tâm tư toàn nhân loại ngàn năm sau mãi lưu truyền “trái tim Bồ tát”.

Đã trải qua hơn nữa thế kỷ, nhưng sự kiện “vị pháp thiêu thân” của Bồ tát Thích Quảng Đức đã trở thành những trang sử hào hùng cho dân tộc Việt Nam, mãi lưu truyền đến ngàn sau. Ngài đã làm rạng danh đất nước Việt Nam nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng. Do đó, Cuộc đời và đạo nghiệp của Ngài đã để lại bài học quý giá cho hậu học noi theo.

2. Hành trạng của Bồ tát Thích Quảng Đức

2.1. Đôi nét về tiểu sử của Ngài

Tapchinghiencuuphathoc.vn Bo Tat Thich Quang Duc 2

Chân dung Bồ tát Thích Quảng Đức.

Hiện nay sử liệu nói về Bồ tát Thích Quảng Đức khá phong phú, nhiều nhà nghiên cứu, học giả quan tâm đến cuộc đời và đạo nghiệp của Ngài. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu, có nhiều sử liệu không đồng nhất về tên gọi, cũng như năm sinh.v.v… Theo tài liệu Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Thích Quảng Đức, thế danh Lâm Văn Tuất, sinh năm 1897 (Đinh Dậu) tại tỉnh Khánh Hòa.

Theo Bia ghi công đức Bồ tát tại công viên thành lập năm 2009. “Bồ tát Thích Quảng Đức, thế danh là Lâm Văn Tức sinh năm 1897 (năm Đinh Dậu) tại thôn Hội Khánh, xã Vạn Khánh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa”.

Ở đây chúng ta thấy tên và năm sinh của Bồ tát khác với những gì mà Ngài đã tự ghi ở cuối bài Kệ Xuất Vân, Bồ tát viết bằng chữ Nôm, Ngài đã ghi rất rõ đầy đủ tên họ và năm sinh của mình: “Bồ tát Thích Quảng Đức, trụ trì chùa Quán Thế Âm làm bài kệ vào ngày mồng tám, tháng tư nhuận, năm Quý Mão (30-5-1963). Tu sĩ Nguyễn Văn Khiết[1], pháp danh Thị Thủy, tự Hạnh Pháp, hiệu Nhân Tri, giác tính (tên họ theo đạo giác ngộ) Thích Quảng Đức, tục danh Lâm Văn Tuất, sinh giờ tý, ngày 15 tháng 9, năm Mậu Tuất (29-10-1898)”[2].

“Bồ tát Thích Quảng Đức, tên thật là Lâm Văn Tuất, sinh ngày 15 tháng 9, năm Mậu Tuất (29-10-1898). Vì Ngài sinh vào năm Tuất cho nên cha mẹ Ngài theo lối thông thường là sinh con năm nào thì đặt tên con của mình theo năm đó, cho nên đặt tên ngài là Tuất, chứ không phải là Tất hoặc Tức”[3]. “Tất cả các tư liệu và văn bản liên quan đến Ngài có niên đại từ năm 1933 đến năm 1945 trong thời gian Ngài hoạt động Phật sự và làm trụ trì các chùa sắc tứ Thiên Ân và Linh Sơn tại huyện Vạn Ninh đều nhắc đến thế danh của Ngài là Lâm Văn Tuất”.[4]

Bồ tát là con trai út trong gia đình 7 anh em, anh cả của Hòa thượng lớn hơn ngài 16 tuổi, lúc còn nhỏ cũng được cha mẹ cho đi tu với Hòa Thượng Hoằng Thâm. Phụ thân là Lâm Hữu Ứng, Mẫu thân Ngài tên Nguyễn Thị Nương, gốc Phú Yên[5]. Theo lời kể của cụ Lâm Sâm, cháu gọi Thích Quảng Đức bằng chú nói rằng: Chú Tuất ở nhà khó nuôi, vào chùa thân thể tráng kiện hơn, ông bà nội cũng nhờ 2 người con trai đi tu nên được sống thọ, còn lại 5 người con khác không đi tu đều chết sớm.

2.2. Chí nguyện xuất trần thoát tục

Chí nguyện xuất trần thoát tục của hòa thượng rất sớm, mới lên 7 tuổi đã xa vòng tay chăm sóc của cha mẹ. Chí nguyện của Ngài được nuôi lớn bởi gia tộc, đặc biệt nhất là bên ngoại, người cậu là thiền sư Như Đạt Giải Nghĩa Hoằng Thâm, trụ trì Chùa Long Sơn, dòng Chúc Thánh, người đã nhận Ngài làm con nuôi, đổi tên là Nguyễn Văn Khiết và thế phát cho Ngài, pháp danh Thị Thủy, tự Hạnh Pháp, hiệu là Quảng Đức. Năm 15 tuổi thọ giới Sa Di, 20 tuổi, thọ đại giới Tỳ Kheo. Sau thọ đại giới, làm tri sự chùa Long Sơn. Thời gian trôi qua, vô thường lại đến, năm 1921, Bổn sư viên tịch. Ngài thọ tang xong, phát nguyện nhập thất 3 năm trên ngọn Núi Đất tại Ninh Hòa. Thời gian sau, vào năm 1935 Ngài xây chùa trên núi này lấy tên Chùa Thiên Lộc.

2.3. Chí nguyện hoằng pháp độ sinh

Bồ tát Thích Quảng Đức phát nguyện tu hạnh Đầu đà, nhất y nhất bát vân du giáo hóa khắp nơi. Hai năm sau Ngài về nhập thất chuyên tu tại chùa Thiên Ân, thành phố Nha Trang. Từ đó, chí nguyện độ sinh của Ngài được thể hiện qua các trọng trách như: nhận chức Chứng minh Đạo sư cho Chi hội Phật học Ninh Hòa vào năm 1932, khi Hội An Nam Phật học ra đời, Ngài được HT.Hải Đức đến mời Ngài nhận chức. Đến năm 1935, Ngài giữ chức kiểm tăng do Tỉnh hội Phật giáo Khánh Hòa cung thỉnh. Năm 1948, Ngài rời Khánh Hòa xuôi vào miền Nam, Ngài vân du giáo hóa khắp các tỉnh thành như: Bà Rịa, Sài gòn, Gia Định, Định Tường, Tây Ninh, Hà Tiên v.v…, nhằm giúp đỡ các Việt Kiều vừa nghiên cứu kinh điển tiếng Pali và Phật giáo Nam Tông. Năm 1953, Ngài được thỉnh giữ chức trụ trì chùa Phước Hòa tại Bàn Cờ, là trụ sở đầu tiên của “Hội Phật Học Nam Việt”. Ngài được thỉnh giữ chức Phó Tri Sự và Trưởng Ban Nghi Lễ “Giáo hội tăng già Nam Việt”. Đến năm 1954 Ngài sang tận đất nước Kampuchia (Nam Vang) trụ lại đó ba năm (1954 – 1956).

Quả thật, chí nguyện độ sinh của Thích Quảng Đức vô cùng mãnh liệt. Do đó, Ngài không quản ngại gian lao vất vả, du hành khắp chốn, nơi nào cần độ thì Ngài đến, Ngài không vì lợi ích của bản thân. Bằng chứng là khi trụ sở Hội Phật Học dời chùa Xá Lợi năm 1958, lúc bấy giờ chùa được xây sửa khang trang, Phật tử Mai Thọ Truyền, “Hội Trưởng Hội Phật Học” thỉnh Ngài trụ trì, nhưng Ngài không nhận lời, vì Ngài nghĩ tuổi đã già, sức khỏe đã kém, hơn nữa bản nguyện của Ngài là “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm, nên Ngài muốn xin từ bỏ hết các chức vụ để dốc lòng chuyên tu. Tuy nhiên, tâm từ bi của Ngài luôn thoi thúc, nên Ngài vẫn chưa dừng gót, vẫn vân du hành khắp nơi. Ngài vân du đến vùng Cai Lậy, dân cư lam lũ quê mùa, hẻo lánh, nghèo nàn. Tại đây Ngài nhận lãnh hai ngôi chùa Thiên Phước và chùa Long Phước rất nhỏ bé và cũ kỹ, Ngài hành đạo tại đây hai năm, được thỉnh giảng dạy tại chùa Phật Ân, Tp. Mỹ Tho, trụ sở của “Hội Phật Giáo tỉnh Định Tường”. Ngài trùng tu và mở “trường Tư thục” dạy học[6], Ngài tranh thủ thời gian viết các bài chữ Nôm quan trọng trong tập di cảo để giảng dạy ở chùa Phật Ân. Năm 1950, Ngài về trụ trì chùa Long Vĩnh, đến năm 1962 Ngài về Chùa Quán Thế Âm, nơi di tích cuối cùng của Hòa Thượng. Cứ như thế, Ngài hoằng hóa khắp nơi, khi ở chùa Quán Thế Âm, Gia Định, lúc lại ở chùa Long Phước, Khánh Hòa…, Ngài dùng mọi phương tiện để giáo hóa quần mê trở về nẻo chính.

Theo lời kể của đệ tử của Thích Quảng Đức là HT.Thích Thông Bửu hiện nay cho biết rằng: Ngài có duyên với chùa Quán Thế Âm, quận Phú Nhuận, đây là nơi di tích cuối cùng của Hòa Thượng. Theo lịch sử, Chùa Quán Thế Âm do Hội Lính Thủy người Pháp thành lập năm 1920, đến 1950 chùa đã xuống cấp nhiều nên sắp xóa tên vì đây là chùa tư, không có tăng, ni tụng kinh bái sám, hướng dẫn cho phật tử tu học. Vào khoảng cuối năm 1959 ông Lý Văn Lang là chủ chùa thỉnh Ngài về làm trụ trì, hy vọng mong với khả năng và tài đức của Ngài có thể trùng tu ngôi chùa, nhưng mãi đến năm 1962 trùng tu chùa Long Phước xong Ngài mới trở lại Gia Định. Năm 1961 khi Ngài về Ninh Hòa, trùng tu chùa Pháp Hải tại làng Lạc Bình xã Ninh Thọ, và làm trụ trì một thời gian ngắn, sau đó giao lại cho anh cả là sư Viên Minh. Đến năm 1963, Ngài tự thiêu để bảo vệ chính pháp được trường tồn, mang lại hòa bình cho đất nước.

Theo góc độ tục đế chúng ta có thể nói, từ đây Ngài đã “phủi tay rửa sạch nợ trần gian” vì người nào có duyên để độ Ngài đã độ, chùa nào Ngài cần giúp đỡ, xây dựng trùng tu Ngài đã trùng tu. Quả thật, nếu không có tâm từ rộng lớn Hòa thượng sẽ không làm được những việc khó làm như vậy. Nếu người không lập hạnh nguyện, lấy việc hoằng pháp lợi sinh làm tiêu điểm sẽ chọn ngôi chùa nguy nga tráng lệ trụ trì, không về vùng hẻo lánh tỉnh Tiền Giang trụ trì để độ chúng sinh.

Như vậy, điểm qua đôi nét tiểu sử và hành trạng của Ngài, chúng ta thấy từ khi sinh ra cho đến lớn lên tu học hành đạo Ngài gắn bó với tỉnh Khánh Hòa, cho đến năm 1945, khi chiến tranh Ngài phải xa quê hương xứ sở để lánh nạn khi bị Pháp lùng bắt. Từ đó, Ngài đi hành cước khắp nơi, thay tên đổi họ, ngày tháng năm sinh, và điểm cuối cùng Ngài định cư tại miền Nam. Ngài được sự ảnh hưởng trực tiếp từ bổn sư, gián tiếp từ sư Tổ nên Ngài đã lập chí từ lúc đồng chơn nhập đạo, Ngài được sư phụ giao phó nhiệm vụ Tri Sự rất sớm (năm 20 tuổi), quản lý kinh tế của chùa, từ các việc ăn uống của tăng chúng hằng ngày, cho đến việc tu bổ, xây chùa, sửa sang các thứ và kể cả ngày giỗ kỵ…Cũng nhờ sự rèn luyện giáo huấn trong môi trường của sơn môn đã un đúc, nên Ngài mới trở thành một nhân vật lịch sử cho Phật giáo Việt Nam cận đại. Ngày 11-6-1963, tại công viên, ngã tư Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt (nay là Nguyễn Thị Minh Khai và CMT8 Ngài tự thiêu. Đây là ngày cuối cùng của Ngài đã hoàn thành hạnh nguyện Bồ tát lợi tha.

3. Đạo nghiệp của Bồ tát Thích Quảng Đức

Công hạnh, chí nguyện, đạo nghiệp của các bậc đại Bồ tát nói chung, Bồ tát Thích Quảng Đức nói riêng vô cùng rộng lớn, thâm sâu khó biết khó dò. Ở đây, bằng cách nhìn thực tế, chúng ta cũng đã thấy rõ được công hạnh và đạo nghiệp phi thường của Bồ tát. Khi bắt đầu hạnh nguyện giáo hóa độ sinh ít, không gian hoạt động Phật sự của Bồ tát rất rộng lớn, từ Khánh Hòa, đến Sài Gòn, cũng như đến vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nếu chúng ta đi thực tế, khảo cứu các nơi hành đạo của Ngài chúng ta sẽ thấy, thứ nhất, những hạnh nguyện lớn của Ngài, khả năng ứng dụng thông minh tài giỏi, có uy đức lớn nên không bị chính quyền địa phương làm khó, cũng như Ngài có sức khỏe rất tốt mới có thể làm được những việc như vậy. Đồng thời, Ngài phải am hiểu thổ ngữ, thổ âm và phong tục tập quán… của địa phương, hiểu hết tất cả nếp sống của từng vùng miền mới có thể hóa độ họ được. Điều này được chứng minh qua việc khảo cứu các văn bản chữ Nôm, chúng ta sẽ thấy rõ những từ Ngài dùng không có trong tự điển hoặc tự vị mà theo cách phát âm địa phương[7]. Đặc biệt là Ngài phải có kiến thức tổng quát, có cách ứng xử khéo léo, uyển chuyển dung hợp mới có thể tiếp xúc đủ các thành phần trong xã hội, từ hạn người bình dân, nghèo khó ở các vùng quê không biết chữ, cho đến những từng lớp tri thức hay sang giàu ở Sài Gòn.

Ngoài việc giảng dạy khắp nơi, Ngài còn khéo dùng các phương tiện thiện xảo để giúp dân bản địa như: Chữa bệnh, bốc thuốc Nam, Bắc cho người nghèo, xem ngày tốt xấu đám tang, cưới hỏi, v.v…, trì chú, tụng kinh cầu an cho người sống và kỳ siêu cho người chết, tổ chức các buổi lễ trai đàn chẩn tế siêu độ vong linh, tổ chức các khóa tu một ngày Bát Quan Trai giới, mở trường dạy xóa mù chữ cho trẻ em nghèo, quy y cho Phật tử tại gia… Muốn biết rõ những việc này, chúng ta khảo cứu các tư liệu, sách vở của Ngài để lại như: “Tuyển tập các bài thuốc Bắc và thuốc Nam, sách Lục Hạp, sách địa lý Tả Ao, chú Phổ Am …”[8]. Trong năm cuối trước khi quyết định tự thiêu, “Ngài đã đọc các toa thuốc bằng chữ Nôm ra chữ Việt cho đệ tử Thông Bửu chép lại”[9].

Ngoài những nơi đã nêu trên, Ngài còn đến các nơi khác như: Lào và Cam Bốt. Theo lời kể của thầy trụ trì chùa sắc tứ Long Sơn (Phú Cang, Vạn Phú, Vạn Ninh, Khánh Hòa) hiện nay thuật lại rằng, Ngài đến ba nơi có nhiều kiều bào người Việt sinh sống để hoằng pháp đó là: thủ đô Vạn Tượng (Vientiane), Savannakhet và thành phố Luang Prabang. Tại đây, Ngài có một vị đệ tử xuất gia chuyên trị bệnh cho dân bản địa. Điều này được chứng minh qua bức ảnh Ngài chụp cùng với ba vị sư người Việt ở Lào năm 1946, hiện nay vẫn còn đang lưu giữ tại chùa sắc tứ Thiên Tứ (Mỹ Trạch, Ninh Hà, Ninh Hòa).

Căn cứ theo những văn tịch tại chùa Thiên Ân, nơi Hòa Thượng trụ trì “từ năm 1933, thì năm 1945 chiến tranh, Ngài chạy lánh nạn”. Do đó, rất có thể Ngài đã qua Lào để tránh nạn một thời gian, và sau đó Ngài tiếp tục xuống Cam Bốt, trụ ở đây một thời gian, về sau mới trở về Gia Định – Sài Gòn. Đồng thời Ngài thay đổi tên họ, năm sinh và định cư tại đây khoảng 10 năm. Hơn nữa, trong bài thơ “Cùng hàng Phật tử quy y, thế độ và xuất gia”, có ba câu Ngài viết rằng: “Gia Định Sài-Gòn hỡi các con; Hà Tiên, Cai Lậy Thầy vẫn còn; Nam Vang, Núi Lớn Thầy ghi dấu”. Như vậy, có thể những nơi này Ngài cũng từng đến để hoằng pháp độ sinh. Bởi lẽ, Ngài luôn lấy nguyện độ sinh làm tiêu chí, đem Phật pháp đến với người nghèo bình dân, cùng bổn nguyện xây dựng và trùng tu các ngôi chùa bị xuống cấp. Do đó, Ngài ít khi trụ nơi đâu lâu dài, chính vì vậy nên hầu như Ngài không có đệ tử xuất gia, thỉnh thoảng chỉ có đệ tử cầu pháp, vào cuối đời của Ngài có đệ tử xuất gia là Thầy Thông Bửu thừa tự tâm pháp của Ngài.

Qua đó, chúng ta thấy tâm của Ngài rất tự tại, không chấp trước bất cứ điều gì, đến và đi vô ngại, nên Ngài không bị phiền não vướng bận. Đúng với tâm nguyện ưng vô sở trụ của Ngài, từ năm 1933 nhập thế hoằng pháp cho đến khi Ngài thị tịch, Ngài chưa trụ trì một chùa nào trên 5 năm. Suốt cuộc đời hành đạo, Ngài đã xây dựng, trùng tu 31 ngôi chùa, trong đó có 14 chùa ở Miền Trung do Ngài dựng lập và 17 ngôi chùa tại miền Nam do Ngài khai sơn và trùng tu. Tuy nhiên, ngôi chùa nào mình đã xây dựng trùng tu xong, Ngài chỉ ở lại giáo hóa quần chúng một vài năm rồi lại du hóa nơi khác, Ngài không hề chấp giữ hay quyến luyến. Trong văn thơ ngày 18-1-1962, của TT. Thiện Hòa (chức vụ lúc bấy giờ), Trị Sự Trưởng Giáo Hội Tăng Già Nam Việt đã nhận định: “Thượng Tọa có đủ duyên tốt là đến đâu một thời-gian thì cảnh chùa ấy trở nên lành kín và vui vẻ, nhưng ở một lúc khai hóa rồi đặt người giao phó lại đi nơi khác, nhờ không trụ-trước ngã sở mà Phật-sự làm được nhiều”[10]. Tinh thần và bổn nguyện Bồ tát của Ngài được biểu lộ qua các câu nói “trọn đời hy sinh”“sống lợi quần sinh, sống từ bi hỷ xả mong có hy vọng đạt thành quả vị giác ngộ, đem lại không khí an bình với tình thương chân thật cho mọi loài”[11]. Trong suốt cuộc đời hành đạo của Ngài đã thể hiện tinh thần này, đặc biệt là lần hy sinh cuối cùng xảy ra gần nữa năm sau, Ngài đã tự thiêu để cứu nguy cho đạo pháp và dân tộc. Ngày 11- 6 -1963, tại ngã tư đường Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt – Sài Gòn, ngọn lửa hồng đốt cháy thân Ngài, nhưng vẻ mặt Ngài rất bình thản và dũng mãnh. Trước khi tự thiêu Ngài niệm lớn danh hiệu: “Nam Mô A Di Đà Phật”, và Ngài lấy que một diêm quẹt lên, ngọn lửa cháy phừng phực phủ kín khắp toàn thân của Ngài. Tuy nhiên, mặc dầu ngọn lửa đang nun nấu khắp thân, nhưng Ngài vẫn thản nhiên không hề lay động, không gào thét hay lay động, ngược lại Ngài ngồi yên lặng thẳng lưng bất động trong 15 phút, khi thân xác Ngài đã chìm trong lửa đỏ, đến khi ngọn lửa lụi tàn, Ngài ngã xuống nhưng tay vẫn còn bắt ấn Tam Muội… Trước cảnh tượng đó, hàng trăm tăng ni đang đứng bao quanh chấp tay cầu nguyện, tất cả đều không khỏi bàng hoàng rơi lệ. “Cuộc hy sinh phi thường và dũng cảm của hoà thượng Thích Quảng Ðức, hình ảnh cụ ngồi thẳng như tượng đá trong ngọn lửa rực hồng đã nhanh như một làn sóng điện làm sôi nổi dư luận trong cả nước Việt Nam và trên thế giới. Hình ảnh của Ngài ngồi trong ngọn lửa đỏ được đăng trên hầu hết các báo khắp năm châu với những dòng chữ nói lên sự khâm phục”[12]. Đây chính là hành động của Bồ tát mới có thể làm được những việc như Ngài.

4. Biểu tượng ngọn lửa trái tim Bồ tát

Trải qua thời gian ngót 60 năm, nhưng ngọn lửa của Bồ tát vẫn còn ngời sáng muôn nơi, ngọn lửa xuất phát từ trái tim từ bi, trái tim vì nhân loại, một hành động phi thường, ẩn chứa trong đó là cuộc đấu tranh bất bạo động, mang lại hòa bình cho đất nước. Theo báo Neak Cheat Niym (30-6-1963), đối với thế giới, cuộc tự thiêu của Hòa thượng, là một “trạng thái mới lạ và huyền ảo của bất bạo động. Nó chứng tỏ rõ rệt với cái uy quyền tối thượng của tinh thần. Không bạo lực nào có thể làm suy giảm được tâm hồn; sức chịu đựng của một cá thể đối với mọi ức chế đàn áp chính trị độc tài thật là vô biên[13].

Nếu con người có sự chán đời cực độ, sự tuyệt vọng hoàn toàn sẽ dẫn đến chỗ tự tử. Cũng vậy, đối với người có lòng yêu non sông đất nước, yêu đời yêu đạo nồng nàn nhất, có một lý tưởng cao đẹp nhất, đôi khi cũng dẫn đến người tử đạo can đảm nhất trong lịch sử… Hoà thượng Quảng Đức là một trong những trường hợp đó, Ngài đã hy sinh cả cuộc đời mình, Ngài tự thiêu thân để lương tâm của Tổng thống Ngô Đình Diệm và toàn thế giới thức tỉnh. Ngài đã chịu đựng biết bao đau đớn trong ngọn lửa đang bừng cháy, ngọn lửa ấy cũng là thông điệp Ngài đã gởi tia hy vọng cho những con người từ lâu đã chịu đựng sự đàn áp bởi người ngoại quốc và chính đồng bào của họ… Thật vậy, đây không phải là một hành động tuyệt vọng, bi quan tự tử, hay hành động phản đối, mà xuất phát từ tình yêu nhân loại, yêu non sông, đất nước, yêu đạo pháp, dân tộc. Điều này được thể hiện rõ trong nội dung bức thư trước khi tự thiêu Ngài nêu rõ mục đích là để cảnh tỉnh, chuyển đổi tâm địa các nhà lãnh đạo lúc bấy giờ. Lời Nguyện Tâm Quyết (Bản chữ Nôm) Ngài viết như sau:

“Tôi Tỳ Kheo Thích Quảng Đức

Tôi vui vẻ phát nguyện

Chứng minh cho tôi đạt thành chí nguyện

Mong ơn Phật Trời gia hộ cho Tổng thống

Nên đoàn kết nhất trí để bảo tồn Phật Giáo

Nam Mô A Di Đà Phật

Tỳ Kheo Thích Quảng Đức thủ ký”[14].

Ngài đã bộc lộ tâm nguyện thiết tha cúng dường của mình:

Đệ tử hôm nay nguyện đốt mình

Làm đèn soi sáng nẻo vô minh

Khói thơm cảnh tỉnh bao người ác

Tro trắng phẳng san hố bất bình,…”[15].

Ngài đã thực hành hạnh nguyện Bồ tát:

Bể khổ lấp bằng là đại nguyện.

Từ bi bao quản mọi hy sinh”[16].

Hình ảnh ngọn lửa của Ngài đã khiến sức mạnh chính nghĩa nhân lên gấp bội, để giành độc lập tự do cho đất nước và Phật giáo. Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng nhận định rằng: “cái tinh túy của đạo Phật được phát huy, được luân lý dân tộc chấp nhận. Đó là hình ảnh Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu, một kỳ công không cách gì có được, là hun đúc của lịch sử, là tinh hoa của Phật giáo, với tầm cỡ thế giới,… nhất là hình ảnh Ngài đến lúc trái tim không còn hoạt động được nữa”[17]. Với cái nhìn khách quan, chúng ta có thể nhận thấy, Ngọn lửa của Ngài không chỉ giữ vị trí trung tâm, mà còn đạt đến tầm cao không có một sự kiện nào có thể so sánh được. Ngài đưa ra năm nguyện vọng của Phật giáo vô cùng chính đáng, tuy chưa được đáp ứng của nhà đương quyền, nhưng qua cuộc tự thiêu của Ngài tạo nên tầm quan trọng và đã đạt được nhiều lợi ích đáng kể. Ngài từng nói: “Tự thiêu là tâm nguyện cả đời của tôi”, có lẽ Ngài biết trước rằng Ngài sinh ra trong cõi đời này là để hoàn thành sứ mạng. Vào đêm cuối trước khi ra đi tự thiêu Ngài có dặn ba điều, sau này đều linh ứng. “Ngọn lửa thì ngùn ngụt bốc lên, còn chúng sinh với xác phàm và tâm trần khổ đau thì quỳ xuống”[18]. Điều này được Vũ Hoàng Chương thể thành thơ trong tác phẩm “LỬA TỪ BI” như sau:

 “Lửa! Lửa cháy ngất Tòa Sen!

Tám chín phương nhục thể trần tâm

hiện thành Thơ, quỳ cả xuống”[19]

Vũ Hoàng Chương đã bộc lộ đủ bao dung và trí tuệ của Bồ tát Thích Quảng Đức trong thơ, đã ánh lên được ngọn lửa tỉnh thức. Chúng ta có thể khẳng định rằng đây không phải là ngọn lửa của căm thù và tội ác, mà đây là lửa của Từ Bi, lửa thắp sáng cho người mê trong bể khổ, lửa đốt cháy tan hận thù cho người với người xích lại gần nhau và trở thành huynh đệ:

“Muôn vạn khối sân si vừa mở mắt

Nhìn nhau: tình huynh đệ bao la”[20].

Sự hy sinh của Hòa thượng là sức mạnh không chỉ làm rung chuyển chính sách, mà còn làm rung chuyển đến trái tim biết bao con người trên khắp năm châu. Ngài xứng với danh hiệu đã được tôn xưng Bồ tát, Ngài đúng là bậc Thánh giữa đời, Ngài thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với chúng sinh vô cùng vĩ đại. Đức hy sinh và lòng từ bi của Ngài đã thể hiện rất mãnh liệt trong ngọn lửa sáng rực ánh từ bi:

“Chỗ NGƯỜI ngồi: một thiên thu tuyệt tác

Trong vô-hình sáng chói nét TỪ-BI”[21].

Ngọn Lửa từ bi ánh đạo vàng của người con Phật đã được thắp sáng từ một con người bằng xương bằng thịt, bây giờ đã trở thành ngọn đuốc thiêng soi sáng cõi nhân gian u tịch, trở thành tòng lâm thạch trụ che mát phủ khắp cõi nhân gian. Phải chăng đây là ước nguyện của Ngài “Vị pháp thiêu thân”, cũng chính là khát vọng sâu xa của tất cả người con Phật:

“Bóng Người vượt chín tầng mây

Nhân gian mát rợi bóng cây BỒ ĐỀ”[22]

Trong ngọn lửa bừng cháy đó, chúng ta học được một điều quan trọng chính là tinh thần trách nhiệm rất cao từ Hòa thượng. Phàm là trưởng tử Như Lai chúng ta phải cần có tinh thần trách nhiệm, sống rất có trách nhiệm với cuộc đời, phải mang hạnh phúc an vui, nền tảng đạo đức đến cho những người chung quanh… Bản chất của ngọn lửa này xuất phát từ tinh thần đại hùng, đại lực, đại từ bi của Ngài. Chính vì thế nó “có hiệu lực soi sáng tâm hồn của Ngô Đình Diệm”[23] . Chính đại nguyện của Ngài không những có công đức lớn đối với Phật giáo, mà còn đóng góp đối với đời sống văn hóa dân tộc. Trong “Lời nguyện tâm quyết” cuối cùng trước khi tự thiêu, Ngài nêu rõ bốn chí nguyện, điều bốn là “Nguyện cầu cho đất nước thanh bình nhân dân an lạc”.

Chí nguyện Bồ tát đạo của Ngài vững chắc như kim cương, chính vì vậy nên nhục thân của Ngài được đưa về hỏa thiêu trong 4.000 độ C, nhưng lại có điều rất vi diệu là trái tim của Ngài đã trở thành xá lợi bất tử nguyên vẹn không ngọn lửa nào có thể thiêu hủy được. Ngài hy sinh thân mình, để lại cho đời trái tim xá lợi bất diệt. Đây cũng chính là Ngài muốn mở ra ánh sáng hy vọng cho Phật giáo đương thời, điều này tương ứng với lời Ngài tuyên bố trước khi tự thiêu: “Một là, sau khi Ngài tự thiêu, sẽ còn một vật gì đó cho đời lưu giữ xem đó là thành quả cả đời tu hành của Ngài; Hai là khi thiêu, nếu chết trong tư thế nằm ngửa thì cuộc đấu tranh sẽ thành công”[24]. Đúng như lời của Ngài đã tiên tri, chính quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ bởi cuộc đảo chính ngày 01/11/1963, Phật giáo Việt Nam được bình đẳng, tự do tín ngưỡng, thoát khỏi nguy cơ diệt vong.

Bồ tát Thích Quảng Đức đã để lại “Trái tim bất tử” chính là sự minh chứng mầu nhiệm của Phật Pháp, đây là sự kết tinh năng lực trong quá trình tu hành của cuộc đời Ngài, sự kết tinh từ nếp sống đạo đức, hạnh nguyện tự lợi, lợi tha, từ bi quảng đại luôn vì lợi ích chúng sinh… Tính bất hoại của “trái tim bất diệt” cũng chính là thông điệp của Ngài nhắn nhũ cho nhân thế biết rằng: Trong đời sống những bậc chân tu đắc đạo, tất cả đều vượt lên trên những suy lý thường tình; và trong thế giới vô thường, sinh diệt này vẫn tồn tại thế giới tâm linh luôn song hành hiện hữu. Cuộc đời và đạo nghiệp của Ngài đã để lại thành bài học cho hậu thế muôn đời.

Sau sự kiện tự thiêu của Thích Quảng Đức, “Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất” ra đời, “Hội đồng Lưỡng viện Tăng Thống” và “Hóa Đạo” đã đồng thanh quyết nghị suy tôn Ngài pháp vị là Bồ tát trong một phiên họp trước ngày Phật Đản năm 1964, nhằm để ghi nhớ công hạnh của Ngài. Sau khi đất nước đã hoàn toàn thống nhất, nhà nước đã dùng pháp hiệu của Ngài để đặt tên cho đường Nguyễn Huệ cũ, trước chùa Quan Thế Âm là đường Thích Quảng Đức, quận Phú Nhuận.

Tapchinghiencuuphathoc.vn Bo Tat Thich Quang Duc

Bồ tát Thích Quảng Đức đã để lại “Trái tim bất tử” chính là sự minh chứng mầu nhiệm của Phật Pháp, đây là sự kết tinh năng lực trong quá trình tu hành của cuộc đời Ngài.

5. Những bài học quý giá

Cuộc đời và đạo nghiệp của Bồ tát Thích Quảng Đức đã cho chúng ta thấy rõ những hạnh nguyện của Ngài như bậc Thánh nhân, phàm tăng ít ai làm được. Tâm lượng bao la, nguyện lớn thiết tha, đầy hùng tâm dũng chí. Từ đó, chúng ta có thể gặt hái được nhiều bài học vô cùng quý giá như:

Bài học thứ nhất là hạnh kham nhẫn. Khi Sư phụ viên tịch Ngài đã ngộ được chân lý vô thường và phát tâm nhập thất và tu hạnh Đầu đà nhiều năm. Một thanh niên trai tráng mà không thích hưởng thụ bản thân, chỉ dốc một lòng vì đạo pháp, không nhận chùa nguy nga tráng lệ, mà dấn thân đến nơi nghèo nàn hẻo lánh, không quản ngại nhọc nhằn, sống theo hạnh thiểu dục tri túc, để mang Phật pháp đến cho người bình dân ít học. Ngài luôn nhẫn nhục theo tinh thần ‘vô sinh pháp nhẫn’ nhẫn chịu những thứ người thường không nhẫn chịu nổi, hy sinh cả thân mạng để bảo vệ chính pháp, bảo vệ văn hóa truyền thống của dân tộc.

Bài học thứ hai là hạnh hỷ xả. Ngài luôn hy sinh cống hiến công sức, tài trí để kiến tạo và trùng tu chùa chiền, làm các chức vụ Phó Trị Sự, Trưởng ban Nghi Lễ, kiểm tăng hòa hợp giữa tăng già và Phật tử…, cũng như hy sinh cả mạng sống để cứu nguy cho Phật giáo trong công cuộc giải trừ pháp nạn tháng 11 năm 1963. Điều đó đã chứng minh Ngài không bám víu, lưu luyến bất cứ những gì trong hiện tại Ngài có, kể cả bản thân mình, Ngài vẫn sẵn sàng cúng dường mười phương chư Phật và bố thí cho chúng sinh không hề ngần ngại.

Bài học thứ ba là hạnh từ bi Bồ tát. Ngài đã phát bồ đề tâm hành Bồ tát đạo luôn giữ vững chí nguyện “thượng cầu, hạ hóa”, phát tâm đại hùng, đại lực, đại từ bi, tự lợi, lợi tha, mang lợi ích cho tha nhân, giữ tròn giới đức, oai nghi tế hạnh, tinh tấn tu hành, nuôi lớn hạt giống thánh nhân… Nếu cần hy sinh thân mạng để cứu nguy đạo pháp, hòa bình dân tộc cũng sẵn sàng hy sinh. Hành động thiêu thân của Ngài đã làm rung chuyển binh ma, “chấn nhiếp ma quân”, soi sáng nẻo vô minh, đẩy lùi cái ác. Đồng thời, hành động này cũng gọi là “báo tứ trọng ân, cứu độ ba cõi”, cũng như thể hiện tinh thần “trên cầu đạo vô thượng, dưới nguyện cứu độ chúng sinh”. Lòng từ của Ngài trùm khắp muôn nơi, không phân biệt đối xử giữa kẻ oán người thân, như qua bức tâm thư nêu rõ ý hướng và nguyện vọng của Ngài bằng lời khẳng quyết. Ngài cầu Phật Tổ gia hộ cho ông Ngô Đình Diệm sáng suốt giải quyết 5 nguyện vọng chính đáng của Phật giáo Việt Nam. Cuối cùng, trong tâm lượng Bồ tát trước giờ tự thiêu, Ngài ân cần nhắn nhủ: “Trước khi nhắm mắt về cảnh Phật, tôi trân trọng kính gởi lời cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm nên lấy lòng bác ái từ bi đối với quốc dân và thi hành chính sách bình đẳng tôn giáo để giữ vững nước nhà muôn thuở”[25]. Ngài là người ứng dụng thực hành chính pháp rất nghiêm mật, những gì đức Phật dạy Ngài ứng dụng vào cuộc sống thực tiển chứ không chỉ học lý thuyết suông. Ngài đã “xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo”, chính hành động tự thiêu của Ngài đã minh chứng được điều đó, Ngài học hạnh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, có nhiều kiếp Ngài xả thân cứu độ chúng sinh vì thực hành Bồ tát đạo. Trong kinh Pháp Hoa có hai vị Dược Vương và Dược Thượng Bồ tát cũng đốt thân làm đèn cúng dường chư Phật. Bồ tát Thích Quảng Đức thường xuyên thọ trì kinh Pháp Hoa, cho nên, Ngài cũng học hạnh của các vị Bồ tát này, Ngài nói: “tôi học hạnh của Bồ tát Dược Vương, tôi đốt thân này để cúng dường chư Phật và cầu nguyện cho Phật Pháp được trường tồn”[26]. Đây chính là thân giáo cho việc “học đi đôi với hành”. Ngài đem cả thân mạng để giáo hóa chúng sinh, một sự giáo hoá vô cùng vĩ đại. Hành động của Ngài đã làm cho rất nhiều người có tín tâm với Phật Pháp, đã xoay chuyển, thức tỉnh những người có tâm tà quay đầu sám hối. Việc làm của Ngài là bài học vô cùng giá trị, mang tính giáo dục rất cao.

Bài học thứ tư là hạnh khiêm cung vô ngã. Người đệ tử Phật cần phải có hạnh khiêm cung mới có thể tiến tu đạo nghiệp, nếu tự cao ngã mạng, cho rằng mình thông minh tài giỏi thì không thể nào học hỏi những điều hay ở người khác.Phải biết khiêm hạ, luôn lắng nghe và thấu hiểu những lời dạy của các bậc tôn túc và các bậc thiện tri thức, Bồ tát Thích Quảng Đức luôn sống khiêm cung, hòa đồng với tất cả mọi người, từ hạn người bình dân dốt nát cho đến người giàu sang trí thức, tùy căn cơ Ngài hóa độ. Ngài luôn uyển chuyển khéo léo trong sự tu tập, cũng như cách hành xử để được lòng mọi người, Ngài luôn giữ vững ý chí của mình một cách kiên trinh thiết thạch, chí nguyện của Ngài vững chắc như kim cương. Do đó, Ngài mới có thể đủ sức phấn đấu với nội ma, ngoại chướng. Phương tiện tùy cơ hóa độ, khi quê nhà, lúc lại xa xôi cô tịch trên núi ngàn thanh vắng, Sài Gòn – Gia Định, lục tỉnh, hoặc đến tận Nam Vang…, thiết lập được đạo tràng, xiển dương chính Pháp.

Bài học thứ năm là tinh thần trách nhiệm. Người xuất gia phải có tinh thần trách nhiệm, trách nhiệm đối với bản thân, chùa chiền, đối với chúng sinh… đặc biệt nhất là phải có trách nhiệm hộ pháp an dân, bảo vệ chính pháp, xây dựng Giáo hội, đào tạo tăng tài, hoằng pháp lợi sinh. Người tu sĩ đóng góp dựng xây đất nước qua việc ăn hiền lành ở lành, nhân từ đức hạnh, bằng những lời cầu nguyện cho quốc thới dân an. Bồ tát Thích Quảng Đức thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với đạo pháp và dân tộc qua việc tự thiêu thân, chính việc làm này đã góp phần làm thay đổi cục diện chính trị của dân tộc. Tuy nhiên, trong đó cũng có bao máu xương của các anh hùng đã đổ xuống, nhưng ngọn lửa của Bồ tát Thích Quảng Đức đã hòa chung trong đó tạo nên sự thành công cho đất nước nói chung và Phật giáo nói riêng. Hành động của Ngài chính là tinh thần gánh vác trách nhiệm chứ không phải lánh đời, Ngài chủ động làm đơn xin tự thiêu để rồi có một cái chết rực rỡ, thiêng liêng, một cái chết chấn động toàn thế giới. “Đây là một gương Đại Hùng Đại Lực, tinh tiến bất chuyển mà chúng ta thường nghe nói. Sự hy sinh cao cả của Ngài là một tiếng chuông gọi đàn cho hàng tứ chúng. Và cũng là ngọn đuốc soi sáng lương tri những kẻ vô minh”[27].

Bài học thứ sáu là hạnh thiền chân thật. Người xuất gia muốn chứng đạo cần phải có tâm thành kính chân thật. Cần thực hành trọn vẹn giới, định, tuệ, đầy đủ nhất quyết sẽ chứng đạo. Bồ tát Thích Quảng Đức là một người rất chân thật tu tập, chân thật thực hành. Cho nên sự ra đi của Ngài thể hiện sự chứng đạo. Bởi lẽ, nếu Ngài không chứng đắc thiền, chứng định, không đắc trí tuệ thì không thể nào ngồi an nhiên giữa ngọn lửa hồng rực cháy bao phủ khắp thân.

Bài học thứ bảy là tín tâm vô hạn đối với Phật pháp. Người con Phật phải luôn có tín tâm đối với Phật pháp, thiết lập niềm tin kiên cố đối với bản thân và tha nhân. Chính trái tim của Bồ tát Thích Quảng Đức là trái tim bất diệt không thể cháy. Đây cũng chính là kết tinh của tâm nguyện, trí chứng, định lực của Ngài, cho nên trái tim ấy trở thành kim cương bất hoại. Ngài cũng như bao người khác, trái tim cũng bằng máu và thịt nhưng thiêu đến hàng ngàn độ trái tim vẫn nguyên vẹn, trong khi xương thịt đã cháy hết. Đó là sự vi diệu mầu nhiệm của Phật Pháp, minh chứng cho kết quả của cuộc đời tu chân chính. Ngài đã củng cố, thiết lập niềm tin qua sự nhiệm mầu của Phật pháp. Điều này đủ để cho muôn đời nhân loại tin Phật Pháp là chân thật, không hư dối. Phật Pháp là con đường duy nhất cứu chúng sinh thoát khổ. Trái tim của Ngài rất vĩ đại, là báu vật của Phật giáo Việt Nam và cũng là báu vật của dân tộc Việt Nam.

Đây là những bài học vô giá được rút ra từ cuộc đời và đạo nghiệp sống động của Bồ tát Quảng Đức, mãi lưu truyền cho hậu thế muôn đời.

6. Lời kết

Có thể nói, cuộc đời và đạo nghiệp vĩ đại của Bồ tát Thích Quảng Đức là một quyển kinh sống, là di sản tinh thần vô giá của dân tộc Việt Nam nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng. Ngài như một vị Bồ tát thị hiện độ sinh cõi Ta bà, trên mảnh đất thân yêu của dân tộc ta. Ngài sớm ý thức được tinh thần trách nhiệm với vận mệnh của Phật giáo, của dân tộc từ sự giáo huấn của thầy tổ. Khi Bổn sư viên tịch, thấu rõ lẽ vô thường chóng vánh của cuộc đời nên Ngài rất tinh tấn tu hành, nhập thất chuyên tu, báo ân Thầy tổ, lập hạnh Đầu Đà, vân du giáo hóa, lập hạnh Bồ tát, cứu độ chúng sinh. Trong suốt cuộc đời hành đạo Ngài trùng tu và xây dựng 31 ngôi chùa, nhưng không trụ chấp một ngôi chùa nào cho riêng mình. Ngài đi khắp mọi miền đất nước, nơi nào chúng sinh cần thì Ngài đến, xây dựng già lam cho Phật tử tu học. Ngài lấy việc hoằng pháp lợi sinh làm tiêu chí, luôn sống hết mình, mang lại lợi ích cho tha nhân. Đến giai đoạn tối đen của lịch sử, Ngài sẵn sàng hy sinh thân mạng, làm đuốc tuệ soi vào thế giới vô minh. Ngài đã đánh thức lương tâm nhân loại và giới lãnh đạo trong cuộc chiến tương tàn khốc liệt. Sự hy sinh của Ngài là tiếng chuông cảnh tỉnh, đã làm rung chuyển cả thế giới trong và ngoài nước.

Trái tim bất diệt của Bồ tát Quảng Đức là minh chứng cụ thể cho sức mạnh tinh thần của Phật giáo, cho tấm lòng của muôn người con Phật luôn yêu chuộng hòa bình tự do, bình đẳng, nhưng cũng bất khuất kiên cường trước những áp bức bất công. Trái tim ấy trở thành biểu tượng tinh thần từ bi bất diệt của Phật giáo Việt Nam. Việc làm của Ngài xuất phát từ tâm đại, hùng, đại lực, đại từ bi, đại thí, kiên cường dũng mãnh không có bất cứ thứ gì có thể làm cho lung lay. Cuộc đời của Ngài chính là biểu tượng mô phạm, giới đức trang nghiêm, chí nguyện cao vời, hạnh nguyện rộng sâu. Đạo nghiệp của Ngài tỏa rạng như ánh sáng của viên minh châu trong ngôi nhà Phật giáo Việt Nam, là tấm gương sáng cho hậu thế muôn đời noi theo.

Tác giả: ThS. NCS. Thích Nữ Lệ Thảo – ThS Lương Quý Ngọc

***

 Chú thích

[1] Nguyễn Văn Khiết, là khi Ngài lên 7 tuổi, đi xuất gia với cậu ruột là HT. Như Đạt Giải nghĩa Hoàng Thâm, Chùa Long Sơn, dòng Chúc Thánh. Được Cậu nhận làm con nuôi và chính thức đổi tên là nguyễn Văn Khiết.

[2] Xem thêm các văn kiện số 2 (trang 39-41), số 5 (trang 53-55), số 11 (trang 68-69), và số12 (trang 69-71) chỉ đề cập tới tên thật của Hòa Thượng Quảng Đức là Lâm Văn Tuất. Lê Mạnh Thát (chủ biên), Bồ tát Thích Quảng Đức Ngọn lửa và Trái tim, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, tr. 23.

[3] Nguyễn Tri Ân, Đại Học Bates, Hoa Kỳ, Bồ Tát Thích Quảng Đức Cuộc đời và Hạnh Nguyện nhìn qua các văn bản và khảo cứu, Đại lễ tưởng niệm 50 năm Bồ tát Thích Quảng Đức. https://thuvienhoasen.org/a17386/bo-tat-thich-quang-duc-cuoc-doi-va-hanh-nguyen-nhin-qua-cac-van-ban-va-khao-cuu, truy cập ngày 28/05/2013.

[4] Xin tham khảo thêm vác văn kiện số 2 (trang 39-41), số 5 (trang 53-55), số 11 (trang 68-69), và số12 (trang 69-71) chỉ đề cập tới tên thật của Hòa Thượng Quảng Đức là Lâm Văn Tuất. Lê Mạnh Thát, sđd.

[5] Lê Mạnh Thát, sđd, tr.79.

[6] Xem. Giáo sư Nguyễn Tri-Ân, Đại Học Bates, Hoa Kỳ, “Bồ tát Quảng Đức: Cuộc đời và hạnh nguyện nhìn qua các văn bản và khảo cứu”.

[7] Những sách vở liên quan đến học tập, giáo dưỡng và hành trì của HT. Thích Quảng Đức để lại trong tủ lưu niệm chùa Quán Thế Âm, Phú Nhuận, xem thêm Lê Mạnh Thát chủ Biên, “Bồ Tát Quảng Đức, Ngọn Lửa và Trá Tim”, Nxb. Tổng hợp, Tp. Hồ Chí Minh, 2005, trang 50-51.

[8] Những sách vở liên quan đến học tập, giáo dưỡng và hành trì của HT. Thích Quảng Đức để lại trong tủ lưu niệm chùa Quán Thế Âm, Phú Nhuận, xem thêm Lê Mạnh Thát chủ Biên, “Bồ Tát Quảng Đức, Ngọn Lửa và Trá Tim”, Nxb. Tổng hợp, Tp. Hồ Chí Minh, 2005, trang 50-51.

[9] Những quyển vở ghi lại một số các toa thuốc Nam và thuốc Bắc vẫn còn giữ lưu trữ trong tủ phòng lưu niệm HT. Quảng Đức, chùa Từ Quang. Những bản nguyên văn bằng chữ Hán và Nôm hiện lưu giữ tại chùa Thiên Tứ, Ninh Hòa, Khánh Hòa.

[10] Giáo sư Nguyễn Tri-Ân, Đại Học Bates, Hoa Kỳ. “Bồ tát Quảng Đức: Cuộc đời và hạnh nguyện nhìn qua các văn bản và khảo cứu”.

[11] Giáo sư Nguyễn Tri-Ân, Đại Học Bates, Hoa Kỳ. “Bồ tát Quảng Đức: Cuộc đời và hạnh nguyện nhìn qua các văn bản và khảo cứu”.

[12] Trần Văn Giàu (1996), “Miền Nam giữ vững thành đồng”, tập II, Nxb. Khoa học, Hà Nội, tr. 342- 434.

[13] Quốc Oai (1963), “Phật giáo tranh đấu”, Nxb. Tân Sinh, Sài Gòn, tr. 93.

[14] Bản văn chữ Nôm, Thích Thông Bửu xuất bản trong “Tập Sử Liệu Thức năm 1964”, hoặc trong các tập “kỹ yếu tưởng niệm Bồ Tát Quảng Đức” do Tổ Đình Quán Thế Âm, Phú Nhuận in.

[15] Bài kệ “Kính dâng thập phương chư Phật” của HT. Thích Quảng Đức, viết trước lúc tự thiêu 11/6/1963.

[16]Bài minh trong tháp Ấn Quang dựng tại chùa Hòe Nhai, Thủ đô Hà Nội, ngày 20/7/1963 để ghi nhớ tinh thần hộ quốc, an dân của Hòa thượng Thích Quảng Đức.

[17] Trần Bạch Ðằng (1986), Mấy vấn đề về nghiên cứu Phật giáo và lịch sử tư tưởng dân tộc, trong “Mấy vấn đề về Phật giáo và lịch sử tư tưởng Việt Nam”, Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Triết học, Hà Nội, tr. 22.

[18] Đoàn Lê Giang, “Con đường thơ đi đến “lửa từ bi” của Vũ Hoàng Chương”. https://chuaxaloi.vn/thong-tin/con-duong-tho-di-den-lua-tu-bi/3018.html. Truy cập ngày 02/4/2023.

[19] Vũ Hoàng Chương, Lửa từ bi, Trích trong “Quốc Văn Diễn Giảng” 12ABCD tr. 109.

[20]Sđd

[21]Sđd

[22]Sđd.

[23] Vũ Văn Mẫn (2003), “Sáu tháng pháp nạn 1963”, Nxb. Giao Điểm, CA. USA, tr.261.

[24] Trích điều thứ 10, trong 10 điều của tờ Di Chúc thứ hai được đánh máy vào ngày 16 tháng 4 (nhuần) năm Quý Mão (7-6-1963), và được ký vào đêm 19 tháng 4 nhuần, trước ngày Ngài thiêu. Bản di chúc này được Ngài đưa cho đệ tử truyền pháp là thầy Thông Bửu vào lúc 7 giờ sáng ngày 20 tháng 4 (nhuần) năm Quý Mão (11-6-1963), khoảng 4 giờ trước khi Ngài tự thiêu.

[25] Thích Trí Quang, Ngọn lửa Quảng Đức

[26] https://phatgiao.org.vn/amp/hoa-thuong-thich-quang-duc-tu-thieu-va-10-bai-hoc-quy-bau-phan-2-d53545.html. Truy cập ngày 22/5/2022.

[27] Cư sĩ Nguyễn Đức Can, Âm vang cuộc tự thiêu của Bồ tát Thích Quảng Đức, http://www.chuaphuclam.com/home/index.php?option=com_content&view=article&id=309:am-vang-cuc-t-thieu-ca-b-tat-thich-qung-c-&catid=46:lich-su&Itemid=68.

Tài liệu tham khảo

  1. Văn kiện số 2 (trang 39-41), số 5 (trang 53-55), số 11 (trang 68-69), và số12 (trang 69-71) chỉ đề cập tới tên thật của Hòa Thượng Quảng Đức là Lâm Văn Tuất. Lê Mạnh Thát (chủ biên), “Bồ tát Thích Quảng Đức Ngọn lửa và Trái tim”, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam.
  2. 2. Giáo sư Nguyễn Tri-Ân, Đại Học Bates, Hoa Kỳ. “Bồ tát Quảng Đức: Cuộc đời và hạnh nguyện nhìn qua các văn bản và khảo cứu”.
  3. Những sách vở liên quan đến học tập, giáo dưỡng và hành trì của HT. Thích Quảng Đức để lại trong tủ lưu niệm chùa Quán Thế Âm, Phú Nhuận, xem thêm Lê Mạnh Thát chủ Biên, “Bồ tát Quảng Đức, Ngọn Lửa và Trá Tim”, Nxb. Tổng hợp, Tp. Hồ Chí Minh, 2005, trang 50-51.
  4. Những quyển vở ghi lại một số các toa thuốc Nam và thuốc Bắc vẫn còn giữ lưu trữ trong tủ phòng lưu niệm HT. Quảng Đức, chùa Từ Quang. Những bản nguyên văn bằng chữ Hán và Nôm hiện lưu giữ tại chùa Thiên Tứ, Ninh Hòa, Khánh Hòa.
  5. Trần Văn Giàu (1996), “Miền Nam giữ vững thành đồng”, tập II, Nxb. Khoa học, Hà Nội.
  6. Quốc Oai (1963), “Phật giáo tranh đấu”, Nxb. Tân Sinh, Sài Gòn.
  7. Bài kệ “Kính dâng thập phương chư Phật” của Hòa thượng Thích Quảng Đức, viết trước lúc tự thiêu 11/6/1963.
  8. Bài minh trong tháp Ấn Quang dựng tại chùa Hòe Nhai, Thủ đô Hà Nội, ngày 20/7/1963 để ghi nhớ tinh thần hộ quốc, an dân của Hòa thượng Thích Quảng Đức.
  9. Trần Bạch Ðằng (1986), “Mấy vấn dề về nghiên cứu Phật giáo và lịch sử tu tuởng dân tộc”, trong Mấy vấn đề về Phật giáo và lịch sử tư tuởng Việt Nam, Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Triết học, Hà Nội.
  10. Vũ Hoàng Chương, Lửa từ bi, trích trong “Quốc Văn Diễn Giảng” 12ABCD.
  11. Vũ Văn Mẫn (2003), Sáu tháng pháp nạn 1963, Nxb. Giao Điểm, CA. USA.
  12. Thích Trí Quang, Ngọn lửa Quảng Đức
  13. Bản văn chữ Nôm, Thích Thông Bửu xuất bản trong “Tập Sử Liệu Thức năm 1964”, hoặc trong các tập “kỹ yếu tưởng niệm Bồ tát Quảng Đức” do Tổ Đình Quán Thế Âm, Phú Nhuận in.
  14. Lê Cung, Phong trào Phật giáo Miền Nam Việt Nam năm 1963, NXB Thuận Hóa Huế – 2008.
  15. Đoàn Lê Giang, “Con đường thơ đi đến “lửa từ bi” của Vũ Hoàng Chương”. https://chuaxaloi.vn/thong-tin/con-duong-tho-di-den-lua-tu-bi/3018.html. Truy cập ngày 02/4/2023.
  16. https://phatgiao.org.vn/amp/hoa-thuong-thich-quang-duc-tu-thieu-va-10-bai-hoc-quy-bau-phan-2-d53545.html. Truy cập ngày 22/5/2022.
  17. Cư sĩ Nguyễn Đức Can, Âm vang cuộc tự thiêu của Bồ tát Thích Quảng Đức, http://www.chuaphuclam.com/home/index.php?option=com_content&view=article&id=309:am-vang-cuc-t-thieu-ca-b-tat-thich-qung-c-&catid=46:lich-su&Itemid=68.
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường