Những tác phẩm thơ trong Tạp chí Vạn Hạnh biểu tượng con người được các nhà thơ sử dụng một cách khác nhau với nghệ thuật và truyền tải thông điệp mạnh.
Tác giả: Thích nữ Thuần Niệm (Nguyễn Thị Thúy) Trung tâm Biên phiên dịch tư liệu Phật giáo Quốc tế
Tóm tắt:
Theo dòng chảy lịch sử, Phật giáo du nhập vào Việt Nam vào thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên, thông qua đường biển các thương nhân người Ấn Độ vào Việt Nam buôn bán. Ngay từ khi xuất hiện, Phật giáo đã được người Việt thích ứng một cách nhanh chóng và tồn tại cho đến ngày nay. Trải qua bao thăng trầm lịch sử Phật giáo luôn đóng vai trò quan trọng trong việc “hộ quốc an dân”, đã thích ứng với mọi hoàn cảnh lịch sử và văn hóa dân tộc như nước với sữa.
Từ xưa đến nay, các cuộc chiến tranh mang tính chất tôn giáo đã diễn ra, nhà văn xuất chúng ở thời kỳ Phục hưng người Pháp Voltaire đã dùng ngòi bút của mình đấu tranh giành quyền tự do tôn giáo “Tác phẩm của ông vốn rất dồi dào, chế dạo sự mê tín của giáo hội Công giáo và việc thực thi quyền lực nhà nước một cách độc đoán, ủng hộ tự do ngôn luận và khoan dung tôn giáo.”
Khi nói về vai trò Phật giáo trong giai đoạn này Nguyễn Lang có viết trong Việt Nam Phật giáo sử luận: “Tâm hồn nặng trĩu đau thương và tang tóc, phật tử đổ xô về chùa để tìm nguồn an ủi. Đau thương càng nhiều thì đức tin tôn giáo càng mạnh. Biến chuyển càng nhiều thì giáo lý vô thường càng được nhìn nhận rõ ràng. Phật giáo thời gian ấy là Phật giáo của niềm an ủi vỗ về, là giọt nước từ bi trên nhành dương liễu.”[tr160. 1]
Thời gian gần đây, Thư viện Huệ Quang nhận thấy giá trị của Tạp chí Vạn Hạnh nên đã phục chế, tái bản. Trong đó có hơn bốn mươi bài thơ mang nội dung chuyên sâu về tư tưởng Phật giáo và những sáng tạo nghệ thuật độc đáo, mang âm hưởng trang trọng, thiết tha, đi sâu vào lòng người.
Thơ ca trong Tạp chí Vạn Hạnh cũng là những bài thơ mang tư tưởng Phật giáo và có tầm ảnh hưởng lớn không chỉ trong thơ ca miền Nam mà còn thơ ca trong nền văn học nước nhà. Giúp văn học Việt Nam thêm phần phong phú. Giúp chúng ta nhận ra văn học thời chống Mỹ không chỉ có văn học nói về chiến tranh; về lửa và máu; về người mẹ mất con, vợ mất chồng; về tinh thần đồng đội mà còn có hoa sen vẫn nở; đám mây vẫn bay; ngọn lửa vẫn cháy; niềm tin Phật giáo vẫn còn lưu giữ muôn nơi. Từ năm 1965-1975 giới văn nghệ sĩ khi chứng kiến các cuộc chiến tranh Tôn giáo từ bình dân đến bác học đã sớm tìm thấy nguồn cảm hứng vừa sâu rộng vừa cao siêu của biểu tượng Phật giáo như là hoa sen, tiếng chuông, ngôi chùa, ngọn lửa, v.v. để giúp người tìm thấy niềm tin trong thực tại, thắp lên hy vọng đến tương lai. Những nhà thơ trong tạp chí Vạn Hạnh với tài năng cùng trí tuệ đã dùng ngòi bút của mình sáng tác, nói lên biểu tượng Phật học rất sinh động và rõ nét.
Dẫn nhập
Văn học Phật giáo là một nền văn học lớn của văn học thế giới, có vị trí to lớn trong kho tàng văn hóa nhân loại. Cho nên đặc điểm nghệ thuật nghiên cứu trên bình diện triết lý Phật giáo trong văn học Việt Nam là đề tài được rất nhiều độc giả quan tâm, nhiều học giả nổi tiếng như là Lê Mạnh Thát, Nguyễn Lang, Thích Nhật Từ, Thích Hạnh Tuệ, Trần Trọng Kim, … đã dày công nghiên cứu những công trình đồ sộ. Trong đó đã có nhiều công trình nghiên cứu đạt được kết quả đáng trân trọng, khẳng định vị thế và tầm ảnh hưởng của văn học Phật giáo đối với nền văn học Việt Nam.
Thơ trên Tạp chí Vạn Hạnh với sự tiếp nối mạch văn học Phật giáo từ Văn học dân gian đến văn học hiện đại, cũng như tiến trình phát triển văn học Việt Nam tiếp thu cái hay cái mới cùng sự ảnh hưởng văn học nước ngoài luôn đồng hành và phát triển cùng với sứ mệnh của dân tộc, đồng thời chúng tôi muốn đưa đến cho người đọc có thêm những góc nhìn mới lạ, ý nghĩa tàng ẩn trong con chữ mang màu sắc tôn giáo-tâm linh.
Thuật ngữ “biểu tượng” đã ra đời từ rất lâu được xuất hiện từ thời Hy Lạp
Nhưng cho đến cuối thế kỉ XVIII, thuật ngữ này mới được xuất hiện nhiều ở các ngành khoa học như là tâm lý học, logic học, văn học… và các ngành mỹ học như hội họa, điêu khắc, v.v. Biểu tượng (symbol) là một thuật ngữ được nhiều ngành khoa học sử dụng và giải thích khái niệm khác nhau. Khái niệm về biểu tượng khá quen thuộc nhưng lại rất phức tạp.
Vậy biểu tượng là gì? Theo Từ điển thuật ngữ văn học cho rằng: trong nghĩa rộng biểu tượng thể hiện “đặc trưng phản ánh cuộc sống bằng hình tượng văn học nghệ thuật”; theo nghĩa hẹp, biểu tượng là “một phương thức chuyển mã của lời nói” đặt bên cạnh ẩn dụ, hoán dụ hoặc là một loại hình tượng nghệ thuật đặc biệt “có khả năng truyền cảm lớn, vừa khái quát được bản chất của một hiện tượng nào đấy, vừa thể hiện một quan niệm, một tư tưởng hay một triết lý sâu xa về con người và cuộc đời”.[2] Theo Something stands for something biểu tượng là “một cái gì đó thay thế hoặc diễn giải cho một cái khác” gần giống như ký hiệu nhưng không phải là ký hiệu.
Như vậy biểu tượng trong thơ là những hình ảnh, sự vật, hiện tượng, âm thanh,… có thật trong cuộc sống, được lưu giữ lại trong ký ức hoặc trong trí nhớ của con người và sáng tạo nghệ thuật. Hệ thống biểu tượng trong tạp chí Vạn Hạnh, được các nhà thơ sử dụng rất phong phú và sinh động, chúng ta có thể kể đến như: Con người, hoa sen, mặt trời, ánh sáng, ngọn lửa, dòng sông, ngọn núi, mây, gió, trăng, sao, v.v. hoặc là thanh âm cuộc sống như: tiếng chim hót, tiếng chuông chùa, tiếng gà gáy, tiếng súng đạn, v.v. cùng những thứ có mặt trên thế gian.
Thuật ngữ “biểu tượng” đã ra đời từ rất lâu được xuất hiện từ thời Hy lạp. Nhưng cho đến cuối thế kỉ XVIII, thuật ngữ này mới được xuất hiện nhiều ở các ngành khoa học như là tâm lý học, logic học, văn học… và các ngành mỹ học như hội họa, điêu khắc, v.v. Biểu tượng (symbol) là một thuật ngữ được nhiều ngành khoa học sử dụng và giải thích khái niệm khác nhau. Khái niệm về biểu tượng khá quen thuộc nhưng lại rất phức tạp.
Vậy biểu tượng là gì? Theo Từ điển thuật ngữ văn học cho rằng: trong nghĩa rộng biểu tượng thể hiện “đặc trưng phản ánh cuộc sống bằng hình tượng văn học nghệ thuật”[1]; theo nghĩa hẹp, biểu tượng là “một phương thức chuyển mã của lời nói” đặt bên cạnh ẩn dụ, hoán dụ hoặc là một loại hình tượng nghệ thuật đặc biệt “có khả năng truyền cảm lớn, vừa khái quát được bản chất của một hiện tượng nào đấy, vừa thể hiện một quan niệm, một tư tưởng hay một triết lý sâu xa về con người và cuộc đời” [3, tr.24].
Theo S.X.Pocxo cho rằng: “Biểu tượng là một ký hiệu tùy thuộc vào đối tượng mà nó biểu hiện do một luật lệ thông thường là một sự liên tưởng chung”[4].Theo văn học thì các nhà nghiên cứu lý luận văn học cho rằng: Biểu tượng là “phương tiện tạo hình và biểu đạt” có tính “đa nghĩa” trong tác phẩm văn học.
Biểu tượng trong văn học có tính đa nghĩa, tính trừu tượng, tính văn hóa. Khi phân tích biểu tượng tùy thuộc vào phong tục tập quán, tín ngưỡng, v.v. của từng đất nước, từng địa phương và từng giai đoạn lịch sử. Chúng ta khi muốn giải mã một biểu tượng nghệ thuật nào đó thì cần hiểu rõ. F. Chevalier viết: “Tư duy biểu tượng luôn đối nghịch với tư duy khoa học, không vận hành ‘theo lối rút gọn từ cái bội đến cái đơn mà bằng lối bùng nổ từ cái đơn đến cái bội.”
Hình tượng và biểu tượng điều thuộc phạm trù nghệ thuật giúp cho nội dung tác phẩm sinh động, hình ảnh đa nghĩa. Theo Ngôn ngữ học thì biểu tượng- symbol và hình tượng- image nên không phải là những từ đồng nghĩa và trong Từ điển Tiếng Việt cho rằng: “Biểu tượng là dấu, là hình ảnh biểu hiện”.[4] Biểu tượng gần giống hoán dụ, ẩn dụ,… mang hàm ý nhưng biểu tượng mang tính khái quát, tính đa nghĩa hơn.
Từ khi có chữ viết các nhà văn, nhà thơ dùng ngôn từ mang hình ảnh biểu tượng để giao tiếp giữa nhà văn với độc giả. Rồi từ đó biểu tượng là một yếu tố không thể thiếu trong thơ ca. Giáo sư Trần Đình Sử từng nhận định về biểu tượng trong thơ: “Thơ là biểu hiện bằng biểu tượng mang nghĩa, các ý tưởng, hình ảnh mang tính ngụ ý… thơ là nghệ thuật biểu tượng đã làm nên giá trị họa của thơ. Biểu tượng trong thơ thường gián đoạn, không liên tục, có nhiều khoảng trống, tựa như khoảng trắng trong tranh thủy mặc của Tề Bạch Thạch buộc người đọc phải suy đoán.”[5. Tr 266]
Thơ là một hình thức giao tiếp đặc biệt giữa tác giả và độc giả; giữa trái tim với trái tim. Thơ có nhiều hình thức để giao tiếp và trong đó có hình thức giao tiếp thông qua biểu tượng, nhà thơ đã sử dụng hình ảnh, âm thanh, màu sắc, câu nói,… triết lý mang ý nghĩa biểu tượng. Biểu tượng trong thơ gồm nghĩa đen và nghĩa bóng. Nghĩa đen là đặc trưng phản ánh cuộc sống bằng hình tượng văn học; nghĩa bóng là phương thức chuyển nghĩa của lời nói mang quan niệm, triết lý, tư tưởng, thông điệp, ... nào đó của tác giả đến với độc giả.
Theo nhà thơ Vương Sĩ Trinh cho rằng: “Thơ khó ở chỗ không giải thích được thì vô vị, giải thích được thì hết vị”.[6] Người tiếp nhận thơ có thể cảm nhận ý nghĩa, giá trị, thông điệp qua hình ảnh biểu tượng có thể giống nhau, nhưng cũng có thể khác nhau. Chính vì thế tùy vào nhận thức, góc độ và trái tim cảm nhận của người đọc mà giải mã biểu tượng.
R.Tago một nhà thơ nổi tiếng Ấn Độ đã từng quan niệm về thơ như sau: “Thơ dạy người ta cảm nhận đời sống một cách tinh tế và sâu sắc. Thơ mở rộng và nâng cao tâm hồn người đọc. Thơ giáo dục con người về cái đẹp”. Cũng vậy, nếu nhà thơ muốn sáng tạo nghệ thuật trong văn chương thì người nghệ sĩ cần có sự quan sát tỉ mỉ, chiêm nghiệm và lựa chọn một cách logic. Theo Leonardo da Vinci viết trong cuốn Sổ tay (Notebooks), trang số 8 rằng: “Sẽ không khó để bạn thỉnh thoảng nhìn lại và nhìn vào những vết ố trên vách tường, hay những tàn tro của một ngọn lửa, hay những đám mây, hay bùn lầy hay những chỗ tương tự, trong đó… bạn có thể phát hiện những ý tưởng thực sự kỳ diệu.”
Trong văn học biểu tượng có ý nghĩa làm chất liệu cho văn chương, giúp tác phẩm văn học trở nên sinh động, đa nghĩa, gần gũi với độc giả, nhờ đó mà tác phẩm có thể sống mãi với thời gian. Theo Something stands for something biểu tượng là “một cái gì đó thay thế hoặc diễn giải cho một cái khác” gần giống như ký hiệu nhưng không phải là ký hiệu. Biểu tượng được sử dụng trong thơ không chỉ mang tính cảm tính, hay chỉ là cảm xúc nhất thời của tác giả mà còn mang tính nghệ thuật có ngụ ý.
Người nghệ sĩ muốn xây dựng biểu tượng trong thơ ca thì cần xác định hình ảnh, sự vật, hiện tượng, âm thanh, màu sắc,… cụ thể. Theo Nguyễn Phan Cảnh có nhận định: “Nếu bằng cách nào đấy mà tạo ra được những nét dư nhân tạo cho văn bản thơ, thì chúng ta sẽ có được các điều kiện giúp giải mã dễ dàng và chính xác cho thứ ngôn ngữ ấy”.
Như vậy biểu tượng trong thơ là những hình ảnh, sự vật, hiện tượng, âm thanh,… có thật trong cuộc sống, được lưu giữ lại trong ký ức hoặc trong trí nhớ của con người và sáng tạo nghệ thuật. Hệ thống biểu tượng trong tạp chí Vạn Hạnh, được các nhà thơ sử dụng rất phong phú và sinh động, chúng ta có thể kể đến như: Con người, hoa sen, mặt trời, ánh sáng, ngọn lửa, dòng sông, ngọn núi, mây, gió, trăng, sao, v.v. Vì khuôn khổ bài viết có hạn, nên chúng tôi chỉ phân chia các hình ảnh biểu tượng thường được nhắc đến trên Tạp chí Vạn Hạnh, rồi phân tích ý nghĩa, giải mã những giá trị của các biểu tượng một cách chân thật nhất.
Biểu tượng con người
Biểu tượng về con người là những hình ảnh bên ngoài lẫn tâm hồn bên trong của con người, do nhà thơ “liên tưởng một cách tự do” thông qua ngôn ngữ của mình để thể hiện ước mơ, xúc cảm, chạm sâu tâm thức người đọc. Biểu tượng vừa mang tính khách quan, lại mang tính chủ quan của nghệ sĩ và không chỉ miêu tả đời sống con người, mà còn miêu tả thế giới nội tâm của của con người. Thông qua các chi tiết, nhân vật cụ thể trong tác phẩm giúp cho người đọc dễ dàng liên tưởng, tưởng tượng và cảm thấu được nội dung cũng như ý nghĩa mà tác giả muốn nói đến.
Chính vì thế, có không ít nhà thơ đã kỳ công trong việc khắc họa biểu tượng về con người. Những tác phẩm thơ trong tạp chí Vạn Hạnh biểu tượng con người được các nhà thơ sử dụng một cách khác nhau với nghệ thuật và truyền tải thông điệp mạnh.
Biểu tượng con người trong chiến tranh: Sống - chết, thiện - ác
Thơ trên tạp chí Vạn Hạnh ra đời từ năm 1965 đến 1975, trong bối cảnh chính quyền Mỹ và tay sai tăng cường bạo lực, khủng bố các phong trào đấu tranh của quần chúng mà “đời sống con người, các dấu chỉ và các biểu tượng chiếm một vị trí quan trọng. Con người, một hữu thể vừa thể xác vừa tinh thần, diễn tả và cảm nhận các thực tại tinh thần nhờ các dấu chỉ và các biểu tượng vật chất. Với tính cách là hữu thể có tính xã hội, con người cần các dấu chỉ và các biểu tượng để giao tiếp với tha nhân qua ngôn ngữ, cử chỉ, hành động…” [7] Biểu tượng là sợi dây gắn kết giữa vật chất và tinh thần.
Trong thơ ca biểu tượng luôn được sáng tạo và đổi mới. Bởi vì, chính bản thân nó là một thực thể sống động và luôn có sự luân chuyển, đắp đổi từ nghĩa này sang nghĩa khác. Nhà thơ Đinh Hùng đã biết cách sáng tạo biểu tượng thông qua các cặp biểu tượng đối lập được thể hiện giữa sự sống “người ở lại” và cái chết “người ra đi” chỉ trong sát na. Điều đó thôi thúc nhà thơ viết những vần thơ đau xót, chua cay:
“Những người ở lại- những người ra đi những người còn hiện diện nơi đây những người đã mệnh vong oan khuất;” [8]
Biểu tượng con người sống không bằng chết trong chiến tranh: “Những người đang thoi thóp”; “đang sống thừa”; “suốt đời mang hình hài tàn tật.”
Bài thơ Lịch sử của nhà thơ Duy Nghiệp đã vạch trần tội ác của giặc và nói lên thực trạng xã hội miền Nam Việt Nam trong chiến tranh. Bài thơ đã miêu tả hiện thực với quy mô đáng kể, đặc biệt là hình ảnh con người:
“Tôi kể một câu chuyện về một thời đại. trong ấy nào đói khát, nào bệnh tật, nào giai cấp, nào phi lý tất cả nhân loại trong ấy đang triền miên trong giấc mộng kinh hoàng nào thanh kiếm, nào khổ sở.”[9]
Con người trong chiến tranh phải sống trong xã hội phân biệt “giai cấp”, “phi lý” thể hiện trong những bài thơ trên như thước phim quay lại hoàn cảnh lịch sử đất nước Việt Nam đã từng trải qua những cảnh thống khổ như thế nào? Những đau thương mất mát ra sao? Những hình ảnh trong bài thơ miêu tả một không gian đầy màu xám, tối tăm, chật hẹp, đói khát, bệnh tật, tù đọng và trống rỗng. Không gian mà con người sống không bằng chết, ngày sống không yên, tối ngủ phải nơm nớp lo sợ.
Bên trong con người luôn tồn tại hai cặp đối lập đó là tính thiện và tính ác. Trong chiến tranh cái thiện đại diện cho những người anh hùng, là những người có đạo đức, hợp công lý đem lại lợi ích cho chính mình và cho cả nhân sinh. Cái ác thì ngược lại với cái thiện, đó là đại diện cho những kẻ cướp nước và bán nước, là những người hay làm những việc sai trái, đem lại hậu quả xấu cho chính mình và cả nhân sinh.
Bài thơ Vết chữ trăng sao nhà thơ Đinh Hùng muốn nói lên tính ác của con người trong chiến tranh “chúng”, là những con người tham lam, sân hận, bạo tàn. Đó là những kẻ cướp nước và bán nước, chống phá Phật giáo lúc bấy giờ:
“Miệng chúng hát bài ca nhân vị… Chúng tới đau, cơn gió bỗng tanh mùi tử khí Côn trùng thảo mộc cũng im hơi. Chúng nghênh ngang xâm chiếm những mùa xuân, hung hăng tàn phá mọi nụ cười,… Chúng phóng tay cưỡng đoạt diệt trừ, Chúng phá phách Nguồn tin, mầm sống… Chúng tàn sát tăng ni, phật tử, tri thức, sinh viên.”[8]
Từ đoạn thư trên ta thấy ái ác của bọn cướp nước và bán nước được ngụy tạo bằng cái thiện, miệng xưng danh cái thiện nhưng đi đến đâu người chết đến đó, “mùi tử khi” là biểu tượng của cái chết, đến các loài côn trùng, cây cỏ thấy “chúng” cũng khiếp sợ đến “im hơi”.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có câu nói rất hay rằng: “Xưa nay chiến tranh nổ ra cũng chỉ vì miếng ăn. Mặc dù người ta luôn tìm cách che lấp đi bằng những điều cao cả.” [9] Cũng vậy, cái ác trong cuộc chiến tranh đại diện cho kẻ cướp nước và bán nước, chúng vơ vét tài nguyên, khoáng sản và gây ra bao tai ương đối với miền Nam ở Việt Nam. Con người sống trong cảnh chiến tranh ấy bị thương vong, diệt vong, v.v. vì sự tranh chấp và thù hận.
Nghệ thuật tiêu biểu ở bài thơ Vết chữ trăng sao của nhà thơ Đinh Hùng là đã sắp xếp câu dài ngắn khác nhau, ở mỗi câu dài ông đã sử dụng cách ngắt nhịp bằng dấu phẩy và giữa câu trước, câu sau có mối liên kết. Hình ảnh biểu tượng về cái ác được so sánh như: loài độc trùng kinh dị; loài giã nhân khát máu cuồng điên; bầy lan sói, v.v. để so sánh giống với bọn cướp nước và tay sai, chúng không khác gì cầm thú và ác quỷ.
Nếu như danh từ “chúng” đại diện cho cái ác, sự tha hóa, ác quỷ thì chư Tăng Ni, Phật tử, tri thức, sinh viên,… là đại diện cho cái thiện, sự chân thành, tỉnh thức, giác ngộ, giải thoát; còn là biểu trưng cho thế giới tinh thần của nhà thơ Đinh Hùng. Bởi thế cho thấy Phật giáo là một loại vũ khí lợi hại và siêu việt đánh đuổi giặc ác, bảo vệ cái thiện, gìn giữ những giá trị cao đẹp nhất. Người có niềm tin với Phật pháp dù ở trong hoàn cảnh tốt hay xấu, bần cùng hay giàu sang cũng được giáo lý đức Phật chỉ lối và chính pháp dẫn đường.
Giá như thế gian không có mâu thuẫn thì con người sẽ không gây chiến tranh. Những mâu thuẫn giữa con người với con người trong chiến tranh nhà thơ Duy Nghiệp lập đi lập lại hai từ “con người” sáu lần trong ba câu thơ:
“có những khi con người căm thù con người có những khi con người chém giết con người có những khi con người không còn là con người ôi vô cùng, vô cùng!”[10]
Sau những hình ảnh con người trong chiến tranh là câu cảm thán của tác giả “ôi vô cùng, vô cùng!” Thể hiện sự chua xót tận đáy lòng. Con người vì xung đột nên xảy ra chiến tranh, từ đó dẫn đến tranh quyền đoạt vị, tham si mê chấp, ái dục bủa vây, vì ham danh quyền quý mà mất đi lòng yêu thương đồng loại, không phân biệt được đâu là đúng, đâu là sai. Chỉ vì chút hư danh, vì chút tham vọng mà tạo bao tội ác. Nhà thơ đã đặt ra những câu hỏi “biết thương đồng loại sao đành giết nhau? Đã gợi mở đến độc giả, chứa đựng bao nhiêu nỗi niềm:
“Thuyền đời quằn quại sông mê Tìm đâu bến ghé thấy bờ hồi sinh? Máu xương uống biết hôi tanh, Biết thương đồng loại sao đành giết nhau?”[11]
Ngày nào còn chiến tranh thì ngày đó đất nước không được bình yên. Trước những hình ảnh xác chết chất chồng lên nhau vì đói khát, vì bom đạn, vì hận thù, v.v. nhà thơ đặt ra câu hỏi “Biết thương đồng loại sao đành giết nhau?” Cho nên biểu tượng con người chết là biểu tượng của chiến tranh; bởi cái ác; bởi lòng tham vô tận của con người. Ngoài ra tác giả đã sử dụng kết nối các biểu tượng thuyền- sông vào việc tái tạo mô hình thế giới thì cũng đồng thời tước bỏ bớt hiện tượng môi giới, trung gian theo “nguyên tắc logic”, khiến cho biểu tượng trở nên lung linh, huyền ảo, bất định, hư vô.
Giữa toàn cảnh đất nước thiếu việc làm; thất học, đói khổ,… đã khiến không ít người rơi vào tình trạng tha hóa, chạy theo cám dỗ, có người suy nghĩ tiêu cực, họ không tìm thấy lối thoát, niềm tin hay niềm hy vọng. Cho nên không còn nhân tính của con người trong con người, thì họ sống cũng như đã chết.
Trong tác phẩm Tôi là Bêtô của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã viết rằng: “Con người ta có thể sống bằng nhiều cách. Và cũng có thể chết bằng nhiều cách. Có những người chết ngay lúc còn đang sống.”[9]
Những biểu tượng về con người trong thơ ca như là biểu tượng người mẹ, người anh, người em, người chiến sĩ, v.v. được nhắc đến trên tạp chí Vạn Hạnh. Qua những hình ảnh con người nhỏ bé, lam lũ nhưng mang trong mình ý chí kiên cường trong chiến tranh thể hiện giá trị nhân văn cao cả.
Biểu tượng người mẹ nhà thơ Nguyễn Phố- Tuệ Hải đã viết:
“Đã hơn hai mươi mùa xuân Lửa đốt hoang tàn quê mẹ.” [11]
Từ xưa đến nay đã có rất nhiều nhà văn tốn không ít giấy mực để miêu tả về mẹ bằng hai từ thiêng liêng “quê mẹ” nhưng “quê mẹ” trong bài thơ này toàn “lửa đốt hoang tàn” trong cuộc chiến tranh chống Mỹ đã diễn ra đằng đẵng 20 năm với bao niềm chua xót, tang thương, máu lửa, bạo tàn nhưng vẫn chưa chấm dứt. Người mẹ đại diện cho quê hương, cho sức sống trường tồn của dân tộc, của lòng bao dung, sự hy sinh và là người duy trì huyết mạch cho non sông đất nước.
Làm người ai cũng sợ chết nhưng từ xưa đến nay đã có rất nhiều những vị anh hùng dám hy sinh cả tính mạng của mình vì lý tưởng, vì đạo Pháp, vì đất nước, vì sự sống... sự hy sinh của họ đã thắp cháy ngọn lửa cho đạo pháp được trường tồn và cho đất nước được hồi sinh.
Trong những bài thơ trên tạp chí Vạn Hạnh sẽ không khó để bắt gặp những biểu tượng người anh hùng khoác trên mình mảnh áo cà sa, dù không cầm súng bắn kẻ thù nhưng cũng làm kẻ thù đầu hàng, bởi không chỉ là người lính ra trận mà còn là người nông dân, công dân, y tá, bác sĩ, thầy cô giáo, người xuất gia và nhiều ngành nghề khác, v.v. họ ý thức được vai trò quan trọng của Phật giáo để “hôm nay? Muôn lòng người như một/ Hướng về nguồn mở lối khai tâm”.
Biểu tượng con người giải thoát: Đức Phật, Bồ tát, Ngài, tăng, ni, phật tử
Biểu tượng thơ ca Phật giáo ở đây có tính đa nghĩa vừa nói đến những bậc đã giác ngộ như chư Phật, chư Bồ tát và những bậc thánh hiền, đã nhập Niết Bàn đồng thời con người giải thoát đây cũng chính là kết quả của công phu tu tập, thành quả tu tập bao đời. Nhà nghiên cứu Phật học Thái Đạo Thành đã từng nhận xét trong bài Tinh thần nhân chủ xã hội Phật giáo, được in trên tạp chí Vạn Hạnh số 5 như sau: “Điểm đặc biệt của đạo Phật là ở chỗ lấy con người làm căn bản trước khi giác- ngộ vũ-trụ, nhân- sinh và nhân tử. Cái tinh- thần nhân- chủ đó muôn đời bất dịch, vì mọi sự mọi việc trong vũ- trụ có là do cái biết (giác ngộ) của con người.”
Thi sĩ Vũ Hoàng Chương (1915-1976) là một nhà thơ mang sắc thái Đông Phương, quê ông ở xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Từ nhỏ nhà thơ học tại trường Nam Định, lớn lên học sáng tác thơ, viết kịch làm việc tại Hà Nội, Hải Phòng rồi về Nam Định. Đến năm 1954 Vũ Hoàng Chương di cư vào miền Nam, tại thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục dạy học và sáng tác, nhà thơ đã có cống hiến nhiều trong tạp chí Vạn Hạnh, bài thơ đầu tiên với tự đề Lễ Phật Đản, được đăng ở số 1 của tạp chí Vạn Hạnh cũng là bài thơ do Vũ Hoàng Chương sáng tác:
“Bước chân Di Lặc thoáng gần xa Điềm báo rồi chăng buổi Thái- hòa?”[12]
Tiếp nối mạch thơ thiền cha ông vào dòng thơ hiện đại, vượt qua mọi không gian và thời gian thơ thiền vẫn sống mãi. Bài thơ đã chuyển tải niềm tin về Phật pháp cũng như tin vào tương lai thông qua hình ảnh Phật Di Lặc- biểu tượng Phật tương lai sẽ ra đời đồng với việc tin vào nước ta sẽ được Thái-hòa. Niềm tin là hương thơm ngào ngạt tỏa khắp muôn phương, chúng ta hãy để niềm tin của mình luôn được tỏa sáng, hãy cho nó một giá trị và ý nghĩa vĩnh hằng thì cuộc sống này mới trở nên trọn vẹn.
Con người ai cũng có ước mơ và ước mơ giải thoát đã được thể hiện trong bài thơ Lễ Phật Đản là ước mơ chính đáng. Trong cuộc sống chiến tranh, con người mang ước mơ, hoài bão thoát khỏi ách chính trị tàn bạo của Đế quốc Mỹ là một điều rất đỗi tự nhiên. Bài thơ Lễ Phật Đản với nhịp thơ nhẹ nhàng, chứa chan tình yêu hòa bình, đề cao từ bi- bình đẳng của con người và mong muốn đất nước được thái bình thịnh trị, dân chúng được an cư lạc nghiệp.
Người giải thoát là người không còn đắm chấp vào tham, sân, si, danh lợi, vinh hoa, phú quý, thoát ra khỏi những ràng buộc của khổ đau thế tục, tự do trong mọi hoàn cảnh, là kết quả tu tập và hành trì Giới Luật. Nhà thơ Nguyễn Phố đã truyền tải thông điệp Phật giáo qua biểu tượng con người giải thoát và chỉ con đường đi đến giải thoát trong bài thơ Trường ca nước.
“Rửa sạch tiền căn- rực sáng Niết Bàn Hơn hai ngàn trăm: Xuân, Hạ, Thu, Đông, Một miên trường còn muôn triệu nghìn năm Người vẫn soi đường xua bóng tối. Mở rộng vòng tay xóa dần tội- lỗi Lòng rộng hơn trời Đức sau hơn bề Đem yêu thương thuyết phục bạo- tàn Người gieo sức sống nhân gian, Trồng cây trí tuệ, bắt giàn Từ-bi.”[13]
Trong quyển sách Giải Mã Thiền Định và Giải thoát mới được xuất bản gần đây của Ni sư Thích Đỗng Hằng là một vị học giả tiêu biểu tại Đài Loan vừa được xuất bản đã viết rằng: “Tu chứng thiền, giải thoát và Niết bàn có mối quan hệ mật thiết với nhau.”[14 ] Cho nên chúng ta có thể hiểu biểu tượng giải thoát cũng là những biểu tượng Niết bàn.
Đức Phật đã nhập Niết bàn cách đây hơn 2500 năm nhưng chánh pháp của Ngài vẫn tồn tại, soi sáng con đường, gieo yêu thương cảm hóa hận thù. Con người giải thoát là con người biết buông bỏ, buông bỏ những ham mê chất chứa; những thói hư tật xấu; những sân hận si mê; những oán hờn tranh chấp và trong nhà Phật có một câu được lưu truyền đó là “buông bỏ đồ đao, lập tức thành Phật”.
Nhà thơ Phố đã thông qua hình ảnh nhân hóa để nói về biểu tượng giải thoát. Con người có trí tuệ và từ bi trong bài thơ được thể hiện một cách độc đáo, tác giả đã sử dụng phép ẩn dụ để nói về “trí tuệ” được “gieo trồng” sẽ lớn lên từng ngày, và “từ bi” được “bắt giàn” để có thể lan tỏa lòng từ bi ngày một đâm chồi nảy lộc. Quả thật bài thơ đã sử dụng nghệ thuật một cách độc đáo, qua đó cho thấy giáo lý của Phật giáo không phải là những tư tưởng rập khuôn, cổ hữu, khó hiểu và lỗi thời, mà trong mỗi thời đại cũng có thể lấy Phật pháp để ứng dụng thiết thực vào cuộc sống.
Với tiêu đề Hướng Về Chân Như nhà thơ Phổ Đức đã hướng về cuộc đời đức Phật Thích Ca. Tuy nhiên toàn bộ bài thơ không hề nhắc đến tên Ngài nhưng qua danh xưng “người” cũng làm cho người đọc hiểu được đối tượng mà nhà thơ đang miêu tả là đức Phật.
“Người còn trường-cửu với thời gian Thoát khỏi luân hồi Vượt dòng nghiệp-chướng Người đã đi tìm chân hướng cuộc đời Lìa lầu son, điện ngọc Bỏ lợi danh- vương nợ- vông hầu Xa vợ, rời con- trần lụy khổ đau Người đã lên đường tìm chân lý Quyết thoát vòng kiềm- tỏ của thời gian Mặc gian nguy, Mặc nắng sớm mưa tàn, Mặc núi thẳm, rừng sâu, Mặc yêu tinh cám dỗ. Ý nguyện người lật ngược càn- khôn Khai phóng sinh ly- dựng tạo linh hồn Giả sầu lớn nổi chìm bao thế hệ Như: buồn, vui, hờn, giận, ghét, thương, yêu… Ảo – vọng cuộc đời vây bốn hướng trăm chiều.”[15]
Bài thơ Hướng Về Chân Như viết theo thể tự do, có câu dài, câu ngắn khác nhau. Từ đoạn thơ trên không có từ nào nói về tên đức Phật, nhưng cũng làm cho người đọc hiểu được đối tượng “người” biểu tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Trong thời kỳ Đức Phật Thích Ca còn tại thế, xã hội phân chia ra thành bốn giai cấp: Bà-La-Môn, Sát-Đế-Lợi, Phệ-Xá và Thủ-Đà-La, bốn giai cấp ấy có sự phân biệt giữa các giai cấp một cách rõ rệt và cho đến ngày nay bốn giai cấp ấy vẫn còn tồn tại.
Đức Phật thấu rõ nỗi khổ của chúng sinh, nên muốn “lật ngược càn- khôn/ Khai phóng sinh ly- dựng tạo linh hồn/ Giải sầu lớn nổi chìm bao thế hệ”. Điều đó được thể hiện trong lịch sử ghi lại về cuộc đời Đức Phật, từ nhỏ Ngài đã thể hiện tình yêu thương tất cả mọi loài, không phân biệt giai cấp, trong tăng đoàn của Ngài gồm có cả bốn giai cấp, điều đó cho thấy đức Phật chủ trương bình đẳng giữa con người và con người, như là một tư tưởng cách mạng văn hóa đương thời.
Nhà thơ Phổ Đức qua việc sử dụng danh từ “người” mà không phải là những danh từ nhân xưng như là Như Lai, đức Phật, Thế Tôn, Ngài, v.v. để nói về đức Phật vì nhà thơ muốn kết nối khoảng cách không gian tâm linh với không gian trữ tình; thời gian trần thuật với thời gian giải thoát; con người bình thường với con người đã giác ngộ.
Đức Phật sinh ra là một vị Hoàng tử, người kế vị ngôi báu, đã có vợ đẹp, con thơ. Ấy vậy, nhưng Ngài đã từ bỏ tất cả để vào rừng sâu học đạo. Đức Phật đã đi tìm con đường giác ngộ và sau khi giác ngộ Ngài dạy rằng: “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành, bởi vì đức Phật thấy chúng ta có đủ sức, có đủ khả năng để chuyển vật y như Ngài, tức là chúng ta có tâm chuyển và có ý thức chuyển.”[16. tr 294] Qua đó cho thấy tất cả chúng sinh ai cũng có thể thành Phật. Mỗi người điều có sức mạnh của riêng mình nhưng muốn giải thoát trước phải phá ngã chấp vào “buồn, vui, hờn, giận, ghét, thương, yêu…”
Biểu tượng con người giải thoát cũng được nói đến trong bài thơ Kỷ niệm Thành Đạo của thi sĩ Nguyễn Phố, với toàn bài thơ nói về ngày đức Phật thành đạo, ở hai câu thơ cuối cùng đã gửi lời khấn nguyện:
“Xin người lại một lần thương xót Độ chúng sinh theo hướng Niết Bàn.” [17]
Bởi vì tác giả có niềm tin bất diệt với đức Phật nên cầu xin đức Phật thương xót hóa độ chúng sinh, một lòng tâm nguyện theo dấu chân Ngài với tâm thành kính tin Phật, Pháp, Tăng. Nên đã thể hiện tâm trạng trước thực trạng xã hội đầy nỗi xót xa, nhưng con người vẫn nuôi hy vọng giải thoát.
Biểu tượng con người giải thoát trong thơ ca trên tạp chí Vạn Hạnh cũng giống như tư tưởng giải thoát trong nhà Phật, không chỉ nói về những con người đạt được cảnh ngộ giải thoát mà còn mang ý nghĩa giải thoát trong phút giây hiện tại, giải thoát ngay trong cõi Ta bà này; sống giữa bạo động nhưng tâm vẫn bất động; sống giữa tàn ác nhưng tâm vẫn hướng thiện... Cũng lấy cảm hứng từ con người giải thoát, nhà thơ Đức Thuận đã cho ra đời bài thơ có tựa đề là Giác ngộ:
“Ước vọng của tình thương ấp ủ Niềm vui tràn ngập tựa xưa, sau… GIÁC NGỘ- một mùa hoa sáng lánh Vương hương giải thoát ý nhiệm mầu.” [18]
Cảm xúc trong bài thơ mang khoảng lặng, trầm buồn, nhà thơ đã sử dụng một loạt từ ngữ để miêu tả niềm ước vọng về tình thương mang tính biểu tượng như: “GIÁC NGỘ- một mùa hoa sáng lánh” mà mùa hoa này “Vương hương giải thoát nhiệm màu”, rồi từ đó “xa tội lỗi buồn đau…/ Lòng từ bi được mở rộng cao siêu” để con người xích lại gần nhau, mới tìm ra bình an trong cuộc sống chiến tranh; hy vọng vượt qua phong ba bão tố; thức tỉnh người lầm đường lạc lối; kim chỉ nam giúp con người thoát khỏi kiếp nạn và hướng về kỷ nguyên mới của lịch sử.
Biểu tượng con người cộng đồng: Chúng ta, người mẹ, người anh, người em
Ý thức hệ thời kỳ phong kiến là ý thức hệ Nho giáo. Trong sách Trung Dung có viết: “Mệnh trời ban cho gọi là tính, noi theo tính gọi là đạo, tu đạo gọi là giáo”[19] nên ông cha ta ngày xưa quan niệm tính của con người phụ thuộc vào mệnh trời, mang tính cá nhân. Nguyễn Công Trứ cũng ảnh hưởng ý thức hệ Nho giáo trong thơ: “Đã mang tiếng trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông”.
Đối với nhà triết học Mác quan niệm về “tính người của con người bao hàm cả mặt tự nhiên và xã hội, là cái xã hội với nghĩa bao hàm trong nó cái tự nhiên, được tạo thành và thể hiện ra trước hết trong quá trình đối tượng (khách thể) hóa chủ thể và chủ thể hóa khách thể, tức là trong thực tiễn, lao động.” [20]
Theo nhận thức luận của Phật giáo thì vũ trụ do nhân duyên hợp thành: “Các pháp đều do nhân duyên sinh khởi”. Đức Phật có dạy trong Kinh Lăng Nghiêm: “Nhân duyên hòa hợp, hư vọng hữu sinh/ Nhân duyên biệt ly, hư vọng danh diệt.”[21] Vạn vật trên thế gian không phải do đất trời hay một vị chúa tể nào sáng tạo thành mà do nhân duyên hòa hợp. Trong kinh A Hàm có nói đến nhân duyên là: “Cái này có thì cái kia có. Cái này không thì cái kia không. Cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt”. Do vậy triết học Phật giáo quan niệm về con người với con người; con người với thiên nhiên; con người với động vật, thực vật, v.v. có mối liên hệ cộng sinh, nếu một bên bị suy vong thì bên còn lại bị xáo trộn, biến đổi và cũng dẫn đến đoạn diệt.
Nhận thấy thơ ca trên tạp chí Vạn Hạnh con người được xưng với những danh xưng như: chúng ta, dân tộc ta, giống nòi, tăng, ni, phật tử, người, v.v. là nền tảng phát huy cho quan niệm về con người với bậc giác ngộ; con người với con người,… có mối quan hệ mật thiết với nhau. Con người không phân biệt giai cấp, thứ bậc, nòi giống, thân phận, giàu nghèo, giới tính làm tiêu chuẩn mà lấy niềm tin, hòa hợp, v.v. làm chuẩn mực cho tính biểu tượng con người cộng đồng trong thơ Phật giáo.
“Dân- tộc ta không thể nào thua! Đạo pháp ta đời đời sán- lạn! … Chúng ta may còn sống Lẽ nào chưa xúc động? … Ức triệu người, hôm nay lòng sáng rực, Sai ba năm nguyện Nối Từ Bi. Giòng trôi mưa nắng kể chi, Lửa dâng cao, gió Huyền- Vi sang mùa! … Đạo Phật ta vẫn đời đời sán- lạn, Dân Việt ta vẫn không thể nào thua!” [22.tr.5]
Mỗi nhà thơ đều có quan niệm riêng, đó là đứa con của lịch sử và thời đại. Cũng từ lịch sử và thời đại đó mới ra đời hai câu thơ: “Đạo Pháp ta đời đời sán- lạn/ Dân Việt ta vẫn không thể nào thua!” Nhà thơ muốn khẳng định nếu như Đạo Phật được lưu giữ muôn đời thì nền dân tộc không thể nào thua quân thù mà sẽ giành thắng lợi và đem lại hòa bình cho non sông đất nước.
Thể hiện biểu tượng con người cộng đồng nhà thơ Tâm Minh Trần Tuấn Khải đã thể hiện tình yêu quê hương đất nước, tình yêu nhân loại bằng danh xưng “ta” qua bài thơ Ta yêu:
“Ta yêu non nước Lạc Hồng Ta yêu nòi giống Tiên Rồng Ta yêu bao tuổi trẻ trung Ta yêu bao bậc anh hùng … Lòng ta yêu không lúc nào ngơi Lòng ta yêu yêu suốt trong đời Lòng ta yêu khôn tả nên lời Lòng ta yêu yêu lắm ai ơi???” [23]
Tình yêu con người trong thơ Tâm Minh Trần Tuấn Khải là tình yêu cội nguồn qua biểu tượng “Lạc Hồng” và “Tiên Rồng” thể hiện niềm tự hào dân tộc; tình yêu tuổi trẻ, yêu những bậc anh hùng. Đây là tình yêu biểu tượng con người cộng đồng, chứ không phải tình yêu đôi lứa, tình yêu cá nhân, tình yêu vị kỷ. Qua tình yêu cội nguồn được nói đến trong bài thơ Trường ca nước cũng thể hiện con người cộng đồng, ra đời vào tháng 5- 1965 của nhà thơ Nguyễn Phố.
“Văn minh Hồng Lạc, tình người sắt son Nối Hồng sắt đá bừng uy vũ Giống Lạc không sờn lửa đầu tranh.”[24]
Trong cuộc sống của con người không thể thiếu tình thương và mỗi người muốn có tình yêu thương thì trước tiên phải có tâm từ bi. Từ có nghĩa là lành; bi có nghĩa là thương xót, yêu thương, tha thứ, bao dung, v.v. Từ bi chính là tinh thần chủ đạo trong đạo Phật. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã dạy rằng: “Nếu bạn muốn người khác hạnh phúc, luyện tập từ bi. Nếu bạn muốn chính mình hạnh phúc, luyện tập từ bi.” Từ đó cho thấy tâm từ bi có sức mạnh rất lớn, có thể truyền tải thông điệp lành mạnh, đưa con người gắn kết với nhau, yêu thương nhau. Nhờ tình yêu mà con người có thể hóa giải hận thù, đoạn trừ khổ đau.
Nhà thơ Minh Tâm Trần Tuấn Khải đã sử dụng nghệ thuật biểu tượng về con người qua danh xưng “ta” chung là biểu tượng của con người cộng đồng. Chữ “ta” được lập đi, lập lại nhiều lần trong bài thơ, muốn nhấn mạnh tình yêu của con người cộng đồng, tình yêu đó không thể nào ngơi; không thể tả hết bằng lời; và tình yêu đó còn kết thúc bằng câu cảm thán “Lòng ta yêu yêu lắm ai ơi” để bộc bạch nỗi niềm, ước muốn tình yêu đó không bao giờ dứt, vượt qua thời gian và không gian rồi thắp lên sức mạnh “Mở rộng vòng tay xóa dần tội lỗi… Đem yêu thương thuyết phục bạo tàn.”
Tình yêu thương có sức mạnh vĩ đại, tình yêu thương có sức mạnh mở rộng trái tim cứu lấy kẻ thù; tình yêu thương để chạm sâu vào trái tim thù hận; tình yêu thương chặt đứt xiềng xích phiền não; dùng lòng yêu thương nương tựa lẫn nhau đi qua giông bão. Tình yêu thương khi được gieo vào đất của lớp lớp anh hùng dùng máu hy sinh để tương lai con em được đơm hoa kết trái.
Ngoài ra thơ tạp chí Vạn Hạnh thường lấy danh xưng là “người anh”, “người em” để nói về biểu tượng con người trong cộng đồng. Có rất nhiều bài thơ lặp đi lặp lại biểu tượng “người em”- đại diện cho thế hệ trẻ, nhi đồng, thanh thiếu niên, mà trong thời chống Mỹ ở miền Nam các em đã biết đứng lên cứu Tổ quốc lâm nguy, cứu pháp nạn Tôn giáo.
Bài thơ Trái tim hồng ngọc của nhà thơ Đinh Hùng có dung lượng rất dài như một bài trường ca, gồm 37 khổ, mỗi khổ có 4 câu miêu tả về người em có tâm hồn hồn nhiên, trong sáng của những thanh thiếu niên tham gia gia đình Phật tử, tuy tuổi còn nhỏ nhưng đã ý thức được sự sống còn của dân tộc ta, qua biểu tượng con người nhà thơ gửi niềm mong ước đến một cuộc sống thanh bình tự do và đạo pháp mãi trường tồn.
Con người cộng đồng còn được thể hiện qua câu thơ. “Từ trái tim em, huyết mạch anh.” Thể hiện tình anh em tương thân tương ái, như câu nói: “Dòng máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn”. Theo đạo Phật, mọi mối quan hệ giữa con người với con người có sự tương quan lẫn nhau. Cho nên người “anh” và “em” thể hiện tình người. Dù là người nào khi chứng kiến cảnh mất mát, đau thương, chết chóc, bon đạn cũng không thể không đau lòng, không thể không yêu thương và bảo vệ lẫn nhau.
Trước những hiện thực xã hội năm 1965-1975 đầy dẫy những bất công, cơ cực, túng thiếu, thì ngôn ngữ trong thơ không thể không mang nỗi đau thương và nội tâm con người chứa bao nỗi dằn vặt, trăn trở, băn khoăn, buồn vui, căm giận. Đây là kết quả của quá trình lắng nghe, chiêm nghiệm, quan sát, cảm thấu và đồng cảm với nỗi đau của bao kiếp nhân sinh. Những biểu tượng về con người trong tạp chí Vạn Hạnh đã được những nhà thơ chọn lọc một cách tinh tế, đã thể hiện tài năng sử dụng nghệ thuật biểu tượng về con người trong thơ đã để lại rất nhiều ấn tượng cho người đọc.
Biểu tượng con người được thể hiện trong những bài thơ trên tạp chí Vạn Hạnh mang tính tập thể. Bởi vì, các nhà thơ chịu sự chi phối của ngôn ngữ, xã hội, văn hóa, tâm lý, quan niệm dân tộc trước tình hình đất nước Việt Nam những năm 1965-1975 sục sôi máu lửa, cho nên những ước mơ, khát vọng được thể hiện trên những bài thơ trên Tạp chí Vạn Hạnh không phải là ước mơ, khát vọng mang tính cá nhân mà là ước mơ, khát vọng của cả đồng loại, cả thời đại.
Kết luận
Thơ ca mang tính chất ngắn gọn, cô đọng. Có thể dùng ít lời mà chuyển nhiều ý, nên nghệ thuật biểu tượng trong thơ trên Tạp chí Vạn Hạnh được những nhà thơ sử dụng một cách linh hoạt. Nhà thơ thông qua ngôn ngữ có thể thăng hoa trong sáng tạo nghệ thuật, phản chiếu tâm hồn, mà tạo ra những tác phẩm ý nghĩa. Nhờ nghệ thuật biểu tượng đã giúp bài thơ trở nên sinh động, cụ thể, đa nghĩa, gợi hình, gợi cảm.
Với việc sử dụng nghệ thuật biểu tượng trong các bài thơ trên tạp chí Vạn Hạnh đã nói lên những tâm tư tình cảm dung chứa cùng những thông điệp mang tính triết lý nhân sinh của tác giả. Nhờ đó người nghệ sĩ thể hiện tình yêu tổ quốc, yêu non sông đất nước, yêu con người… thông qua những hình tượng thân quen như mây, núi, sông, cây tre, dòng sông, v.v. mang tính biểu tượng cốt cách của người dân Việt Nam.
Qua bài nghiên cứu chúng tôi có thể khẳng định thơ ca trên Tạp chí Vạn Hạnh đã tạo nên nét nghĩa hai mặt cho các biểu tượng, buồn nhưng không bi quan; chán nản nhưng không tuyệt vọng; thua cuộc nhưng cũng không lùi bước. Tiêu đề Biểu tượng con người trên thơ Tạp chí Vạn Hạnh cho thấy vai trò to lớn của những sáng tác trên Tạp chí Vạn Hạnh đối trong tiến trình phát triển của văn học của dân tộc giúp người đọc có thể tĩnh lặng hiểu sâu vào thế giới tâm linh, trải nghiệm qua nhiều thế hệ và tái tạo biểu tượng trong ngôn ngữ thơ ca.
Tác giả: Thích nữ Thuần Niệm (Nguyễn Thị Thúy) - Trung tâm Biên phiên dịch tư liệu Phật giáo Quốc tế ***Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, NXB Hồng Đức 2. Lê Bá Hán- Trần Đình Sử- Nguyễn Khắc Phi, Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo dục 3. Phạm Thùy Linh, Biểu tượng trong truyện Kiều của Nguyễn Du, NXB Đại Học Quốc Gia Hà Nội. 4. Hoàng Phê, Từ điển Tiếng Việt, NXB Hồng Đức 5. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên, tái bản 2009), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội 6. Trần Đình Sử, Tính Mơ Hồ, đa nghĩa của văn học ,Tạp chí Văn học số 1 7. Phanxicô, Các biểu tượng giáo huấn, TGP Sài Gòn 8. Đinh Hùng, Vết chữ trăng sao, tr3, tạp chí Vạn Hạnh, NXB Huệ Quang 9. Nguyễn Nhật Ánh, Tôi là Bêtô, NXB Trẻ 10. Duy nghiệp, Lịch sử, tạp chí Vạn Hạnh, NXB Huệ Quang 11. Nguyễn Phố, Lịch sử, tạp chí Vạn Hạnh, NXB Huệ Quang 12. Vũ Hoàng Chương, Lễ Phật Đản, tạp chí Vạn Hạnh, NXB Huệ Quang 13. Nguyễn Phố, Trường ca nước, tạp chí Vạn Hạnh, NXB Huệ Quang 14. Ni sư Thích Đỗng Hằng, ĐĐ Thích Vạn Lợi và Đặng Ngọc Diệp dịch, Giải Mã Thiền Định và Giải thoát, NXB Dân Trí. 15. Phổ Đức, Hướng Về Chân Như, tạp chí Vạn Hạnh, NXB Huệ Quang. 16. Thích Thiện Siêu, (2003) Hư Tâm Học Đạo, Nhà xuất bản: Tôn Giáo - Hà Nội 17. Nguyễn Phố, Kỷ niệm Thành Đạo, tạp chí Vạn Hạnh, NXB Huệ Quang 18. Đức Thuận, Giác ngộ, tạp chí Vạn Hạnh, NXB Huệ Quang 19. Phạm Văn Chung, Khả thể của một đức Nho giáo trong sách tứ thư, NXB Tri Thức. 20. https://luatminhkhue.vn/tim-hieu-ve-ban-chat-con-nguoi-theo-tu-tuong-nho-giao. 21. Thích Mật Thể dịch, Kinh Lăng Nghiêm, NXB Tôn Giáo 22. Vũ Hoàng Chương, Nối lửa từ bi, tạp chí Vạn Hạnh, NXB Huệ Quang 23. Tâm Minh Trần Tuấn Khải, Ta yêu, tạp chí Vạn Hạnh, NXB Huệ Quang 24. Nguyễn Phố- Tuệ Hải, Trường ca Nước, tạp chí Vạn Hạnh, NXB Huệ Quang
Bình luận (0)