La Sơn Phúc Cường dịch
Bản khảo sát về chỉ số Hạnh phúc Quốc gia (GNH) và Phúc lợi Con người (SWB) tại Bhutan đã chỉ ra rằng, cộng đồng Phật giáo có đời sống hạnh phúc và an lạc hơn nhiều so với tất cả các nhóm dân số khác trong xã hội.
Dữ liệu từ báo cáo khảo sát đã được Trung tâm Nghiên cứu Bhutan và GNH (CBS) công bố vào tháng 08 vừa qua. Khảo sát dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau, trong đó đối với cộng đồng tự viện Phật giáo cho kết quả thang điểm chỉ số GNH là 0,856, điểm số Thịnh vượng (FS) là 7,17, điểm số hài lòng với đời sống là 7,23 và điểm số hạnh phúc, an lạc là 7,6. Các số liệu này, được đánh giá trên dựa thang điểm từ 0 đến 10. Khảo sát cho thấy cộng đồng tự viện Phật giáo có điểm số cao trong mỗi tiêu chí đo mức độ hạnh phúc và an lạc của con người. Điểm số cao chỉ ra rằng các thành viên trong các cộng đồng tự viện Phật giáo đang có đời sống viên mãn và an lạc.
Phát triển con người là một khái niệm đang ngày càng được chú ý trên toàn cầu và có nhiều cách khác nhau để đo lường. Trong bản báo cáo "Sự phát triển con người trong các cộng đồng tự viện Phật giáo ở Bhutan", CBS đã khảo sát bằng ba chỉ số chính bao gồm: chỉ số GNH, chỉ số FS và SWB.
Báo cáo do Quỹ từ thiện Templeton World tài trợ, đã phỏng vấn 1612 cá nhân đang tu học các cơ sở tự viện trên khắp cả nước, bao gồm chư Tăng chiếm 83,3%, chư Ni chiếm 9,8% và các Gomchen (Hành giả Mật thừa không phải Tăng ni) chiếm 7%. (Về Gomchen, tham khảo thêm tại: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/truyen-thong-hanh-gia-cu-si-tai-vuong-quoc-phat-giao-bhutan.html).
Chỉ số SWB đề cập đến thang đo mức độ hài lòng và hạnh phúc trong đời sống, thang đo này yêu cầu một người đánh giá đời sống của mình theo thang điểm từ 0 đến 10, trong đó điểm 0 biểu thị đời sống bất mãn cùng cực và rất khổ đau, điểm 10 biểu thị cho đời sống hài lòng và hạnh phúc viên mãn.
Dữ liệu sau khi khảo sát cho thấy hơn 92,2% đối tượng khảo sát đạt hài lòng với đời sống ở mức độ trên thang điểm 5.
Liên quan tới những câu hỏi quan trọng về hệ thống giáo dục tại tự viện, điều đáng chú ý là những người tham gia đánh giá tiêu chí này cho điểm trung bình thấp nhất (6,8 điểm) với những vấn đề về rèn luyện trí tuệ liên quan đến năng lực sáng tạo, khả năng phán đoán, thúc đẩy động cơ học tập và khích lệ các quan điểm đa chiều.
Giáo dục hiện đại cao là một tiêu chí quan trọng chỉ số phát triển con người cả ở mức độ cá nhân và cộng đồng.
Một phát hiện thú vị khác trong bản khảo sát này là các Gomchen giành nhiều thời gian ngủ hơn so với tăng, ni. Chư ni giành thời gian ngủ trung bình ít nhất.
Về thời gian giao tiếp xã hội, dữ liệu thu thập các hành vi tương tác xã hội của chư tăng, ni thông qua việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội.
Các nền tảng truyền thông xã hội được sử dụng rộng rãi nhất, theo thứ tự tỷ lệ sử dụng, là Facebook (80,8%), Messenger (79,8%), YouTube (66,4%), WeChat (60,5%), Telegram (58,4%), TikTok (40,5%), Instagram (29,4%) và WhatsApp (27,8%).
Chư Tăng tham gia nhiều nhất trên các nền tảng này, tiếp theo là các gomchen. Hơn một nửa số người được hỏi dành hơn một giờ cho mạng xã hội mỗi ngày (54%). Gần 30% mỗi người dành từ 30 phút đến một giờ trên mạng xã hội mỗi ngày (28,8%).
Đối với vấn đề sức khỏe, tỷ lệ khoảng 1/10 mỗi người phản hồi tình trạng sức khỏe bản thân là kém hoặc trung bình. Tuy nhiên, khoảng 1/4 số người được hỏi phản hồi đang trải qua những căn bệnh như: viêm dạ dày, tăng huyết áp, béo phì hoặc tiểu đường.
Tỷ lệ viêm dạ dày ở chư ni cao hơn, chiếm 25,3%. Báo cáo cũng khuyến nghị nên thúc đẩy thay đổi lối sống rèn luyện thể chất trong các cộng đồng tự viện Phật giáo. Có 30% số người được hỏi không tham gia hoạt động rèn luyện thể chất, trong đó hơn chư ni chiếm tới hơn 50%.
Chỉ có khoảng 3/10 người chiếm 30,4% đang tu học tại tự viện ăn chay trường, so với mức trung bình toàn quốc là 13,9%. Tỷ lệ chư ni chay trường là 51,9%, chư tăng là 28,7% và Gomchen là 17,9%. Việc thực hành triết lý Phật giáo đã ảnh hưởng lớn tới lựa chọn thực phẩm của mỗi người.
Những thông tin về chính trị, xã hội được cập nhật cho chư tăng, ni chủ yếu thông qua internet và truyền hình. Hơn 70% cộng đồng tự viện không sử dụng báo chí hoặc radio. Hơn một nửa chư tăng, ni (57,1%) sử dụng internet hàng tuần và giao tiếp với mọi người xung quanh.
Khoảng 9% số người được hỏi đã từng bị phân biệt đối xử trong xã hội, đặc biệt chư ni từng trải bị phân biệt đối xử ở mức cao (10,8%).
Bản khảo sát đã khuyến cáo giáo hội, nhà nước nên có thêm các giải pháp cho vấn đề này, đặc biệt có thêm các biện pháp hỗ trợ tu sĩ trẻ tuổi của cộng đồng tự viện.
Trong nỗ lực phân tích thái độ xã hội của cộng đồng tự viện, cuộc khảo sát phát hiện ra rằng một tỷ lệ đáng kể người trả lời (71,2%) không muốn người nghiện ma túy sống gần nơi mình tu học và gần hai phần ba (65,3%) trả lời như vậy về những người nghiện rượu nặng.
Điều này có thể là do người tu tập Phật giáo lo ngại nguy cơ những hành vi tiêu cực do người nghiện ngập và say xỉn gây ra, sẽ ảnh hưởng xấu tới quá trình rèn luyện của mình. Khoảng 43% chia sẻ rằng các vị không muốn những người theo tôn giáo ở gần nơi mình tu học, tỷ lệ tương ứng là 38,2% đối với người đồng tính, 27,3% đối với bệnh nhân HIV/AIDS và 23,5% đối với người nhập cư sống.
Chư ni trong khảo sát nói chung chấp nhận vấn đề đồng tính trong xã hội nhiều hơn chư tăng. Trong khi chư tăng lại thể hiện sự khoan dung hơn với những vấn đề cha mẹ đánh con khi dạy bảo chúng và ít khoan dung hơn với vấn đề ly hôn, mại dâm và chồng ngược đãi vợ so với thái độ của chư ni và các Gomchen. Các Gomchen chấp nhận vấn đề ly hôn, mại dâm và đàn ông đánh vợ nhiều hơn một chút so với chư tăng, ni.
Đối với vấn đề sức khỏe tâm thần, báo cáo cho thấy rằng khoảng 91% cộng đồng chư tăng, ni có “sức khỏe tâm thần bình thường”.
Chỉ có khoảng 2% rơi vào nhóm “căng thẳng tâm lý nghiêm trọng” và 6,7% thi thoảng mới rơi vào tình trạng “đôi chút căng thẳng”.
Kết quả này được đánh giá do sự tu tập triết lý Phật giáo, hành thiền, tụng kinh chú, dù tần suất ở mức độ khác nhau, dẫn tới niềm an lạc trong đời sống tinh thần.
La Sơn Phúc Cường dịch
Nguồn: Yangchen C Rinzin, Monastic communities lead better and flourishing lives: A survey report, Kuensel, 2024. Human flourishing in the monastic communities, CBS, 2024.
Bình luận (0)