Các tu sĩ Phật giáo tại Vương quốc Bhutan sắp có cơ hội tiếp cận chatbot AI tiên tiến mang tên “BuddhaBot Plus”, được thiết kế bởi các chuyên gia Nhật Bản nhằm hỗ trợ nghiên cứu và thảo luận sâu về triết học Phật giáo.

Dự án này được chính thức khởi động vào đầu tháng này thông qua sự hợp tác giữa Giới tăng sĩ Bhutan và Đại học Kyoto, Nhật Bản.

Dự án AI BuddhaBot Plus là sáng kiến ​​chung giữa Cơ quan tu viện trung ương Bhutan, Đại học Kyoto và Teraverse Co.  (Ảnh: kuenselonline.com)
Dự án AI BuddhaBot Plus là sáng kiến ​​chung giữa Cơ quan tu viện trung ương Bhutan, Đại học Kyoto và Teraverse Co. (Ảnh: kuenselonline.com)

Trong vòng ba năm tới, khoảng 200 tu sĩ thuộc Zhung Dratshang - Hội đồng Tăng đoàn Trung ương Bhutan - sẽ được sử dụng BuddhaBot Plus. Công cụ này do nhóm nghiên cứu từ Đại học Kyoto phối hợp cùng công ty công nghệ Nhật Bản Teraverse Co. phát triển.

 “Chúng tôi đã chọn sinh viên của các học viện như Tango Buddhist College và Viện Khoa học Tâm để triển khai thí điểm. Sau sáu tháng thử nghiệm, nếu thành công, dự án sẽ được mở rộng đến các cơ sở giáo dục Phật giáo khác”. Ông Choten Dorji, Thư ký Hội đồng Quản lý và Phát triển Bhutan cho biết (Kuensel)

Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo trong việc học Phật

Theo thỏa thuận hợp tác giữa Zhung Dratshang, Đại học Kyoto và Teraverse Co., BuddhaBot Plus sẽ được thử nghiệm và hoàn thiện phiên bản tiếng Anh. Tăng đoàn Bhutan sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục và Phát triển Kỹ năng Bhutan để mở rộng phạm vi ứng dụng trên toàn quốc vào năm 2027.

Nếu dự án thành công, BuddhaBot Plus có thể được phổ biến rộng rãi đến cả cư sĩ, góp phần hồi sinh sự quan tâm đến Phật giáo trong giới trẻ Bhutan. Đồng thời, công nghệ này cũng có thể mở ra cánh cửa để phật tử tại các quốc gia khác tiếp cận giáo lý nhà Phật theo một cách thức mới.

Theo GS. Seiji Kumagai, Viện Nghiên cứu Tương lai Con người và Xã hội, Đại học Kyoto: “Chatbot này sẽ giúp mọi người có thêm cơ hội tiếp cận và tương tác với giáo lý nhà Phật theo những cách thức hiện đại và dễ tiếp cận hơn”.

BuddhaBot Plus - Nâng cao khả năng phân tích kinh điển

BuddhaBot Plus được xây dựng trên nền tảng AI học sâu (deep-learning), có khả năng tạo ra những câu trả lời chất lượng cao dựa trên dữ liệu kinh điển Phật giáo.

“Phiên bản trước đây của BuddhaBot chỉ cung cấp văn bản kinh điển nguyên bản, đôi khi không thể giải thích chi tiết. Tuy nhiên, BuddhaBot Plus đã khắc phục hạn chế này bằng cách tạo ra câu trả lời rõ ràng và đầy đủ hơn, đồng thời vẫn giữ nguyên tinh thần giáo lý của đức Phật” - GS. Seiji Kumagai (Kuensel).

BuddhaBot ban đầu được phát triển vào năm 2021, sử dụng bản dịch tiếng Nhật của Kinh Sutta Nipata - một phần quan trọng trong Tạng Kinh Pali, bao gồm những bài thuyết giảng cổ xưa nhất của đức Phật.

Sau đó, nhóm nghiên cứu đã tích hợp công nghệ ChatGPT của OpenAI, nâng cấp lên BuddhaBot Plus, giúp chatbot này có thể diễn giải sâu hơn các giáo lý trong Sutta Nipata. Năm 2024, Tăng đoàn Bhutan đã đề xuất phát triển phiên bản tiếng Anh để phù hợp hơn với hệ thống giáo dục Phật giáo tại nước này.

Tashichho Dzong, trụ sở truyền thống của Druk Desi, người đứng đầu chính quyền dân sự Bhutan, ở Thung lũng Thimphu (ảnh: Craig Lewis)
Tashichho Dzong, trụ sở truyền thống của Druk Desi, người đứng đầu chính quyền dân sự Bhutan, ở Thung lũng Thimphu (Ảnh: Craig Lewis)

Về độ tin cậy và tính chính xác của dữ liệu, BuddhaBot Plus chỉ sử dụng nguồn tư liệu kinh điển gốc, tránh các vấn đề thường gặp của các mô hình AI ngôn ngữ lớn (LLM).

 “BuddhaBot Plus không chỉ giúp nghiên cứu phật pháp mà còn có thể đóng vai trò cầu nối trong đối thoại liên tôn giáo. Công cụ này có thể thay đổi cách chúng ta truyền tải và chia sẻ tri thức”. - GS. Seiji Kumagai

Ứng dụng rộng rãi hơn tại Nhật Bản

Tại cuộc họp báo ngày 03/02/2025, GS.Kumagai cũng cho biết BuddhaBot Plus có thể giúp người dân Nhật Bản tiếp cận phật pháp trong bối cảnh số lượng người đến chùa ngày càng giảm.

 “BuddhaBot Plus có thể giúp nhiều người tiếp nhận giáo lý nhà Phật, đặc biệt là tại Nhật Bản, nơi số lượng phật tử đến chùa ngày càng ít”. - GS. Seiji Kumagai (The Japan Times)

Bhutan - Thành trì cuối cùng của Kim Cương Thừa

Bhutan - vương quốc nhỏ bé nằm giữa hai cường quốc Ấn Độ và Trung Quốc, được coi là quốc gia cuối cùng vẫn duy trì truyền thống Phật giáo Kim Cương thừa (Vajrayana). Phật giáo không chỉ là tôn giáo chính của Bhutan mà còn là nền tảng văn hóa, xã hội và chính trị của quốc gia này.

Khoảng 85% dân số theo Phật giáo, phần lớn người dân Bhutan thuộc hai trường phái chính: Drukpa Kagyu và Nyingma. Từ thế kỷ thứ 8, Phật giáo đã bén rễ tại đây nhờ công đức của Đại sư Liên Hoa Sinh (Padmasambhava).

Nhận định dưới góc nhìn Phật học

Việc áp dụng AI vào nghiên cứu Phật học đặt ra những câu hỏi quan trọng: Liệu một trí tuệ nhân tạo có thể thay thế được sự tu tập cá nhân? BuddhaBot Plus có thể mang lại lợi ích gì cho Phật giáo?

Trong Kinh Tăng Chi Bộ, Đức Phật từng dạy: “Này các Tỳ-kheo, hãy tự mình làm ngọn đèn cho chính mình, hãy nương tựa chính mình, chớ nương tựa vào ai khác. Hãy lấy Chánh pháp làm ngọn đèn, hãy lấy Chánh pháp làm nơi nương tựa, chớ nương tựa vào một gì khác”. (Tăng Chi Bộ Kinh, 4.50)

Điều này nhấn mạnh rằng AI có thể hỗ trợ việc học Phật, nhưng sự thực hành và giác ngộ vẫn phải đến từ tự thân mỗi người. BuddhaBot Plus có thể giúp con người tiếp cận giáo lý dễ dàng hơn, nhưng trí tuệ thật sự chỉ có thể đạt được qua tự quán chiếu và hành trì thực tiễn.

Tóm lại, BuddhaBot Plus là một bước tiến công nghệ quan trọng, giúp tăng sĩ và cư sĩ có thêm công cụ nghiên cứu phật pháp. Tuy nhiên, để đạt được sự giải thoát, mỗi cá nhân vẫn cần thực hành Giới - Định - Tuệ - như Đức Phật đã dạy trong vô số kinh điển.

Theo: Buddhistdoor Global

Chuyển ngữ và biên tập: Thường Nguyên