Thích Duy Tuệ Học viên Cao học khóa V, Học viện PGVN tại TP.HCM Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 11/2022
Tóm tắt: Dưới tác động của hệ tư tưởng Sa-môn do đức Phật khởi xướng, một làn sóng xuất thế mạnh mẽ đã xuất hiện, vô số người tình nguyện từ bỏ đời sống thế tục, phát tâm xuất gia với mong muốn được đi trên con đường thánh thiện, giải thoát. Nếu như đức Phật được người đương thời gọi là Sa-môn Gô-ta-ma (samana Gotama) hay Thích-ca Mâu-ni (Sakyamuni), thì những người xuất gia, sống và tu tập dưới sự hướng dẫn của Ngài được gọi bằng danh xưng Sa-môn Thích tử. Từ khóa: Sa-môn, Sa-môn Thích tử, Gô-ta-ma…
1. Khái niệm và từ nguyên
1.1. Khái niệm Sa-môn
Trong Trung bộ kinh (Majjhima-nikāya), đức Phật định nghĩa Sa-môn là người “đã làm cho dừng lại các ác, các pháp bất thiện, những pháp này ô nhiễm, đưa đến tái sinh, đáng sợ hãi, đem lại khổ quả, đưa đến sinh, già, chết trong tương lai”(1).
Theo giải thích của từ điển, Sa-môn(2) (P.Samana, S. Śramana, C.沙門) là danh xưng phổ biến, được sử dụng rộng rãi làm tên gọi chung cho những người xuất gia ở xã hội Ấn Độ cổ đại. Thuật ngữ này có gốc là căn động từ √Śram, mang hai nghĩa chính là trở nên mệt mỏi (to be or become weary) và chán nản để làm bất cứ thứ gì (be tired of doing anything)(3). Trong từ điển Sanskrit, Śramaná là người tinh cần, nỗ lực (making effort, exertion) hay người thực hành những điều khổ hạnh, bậc khổ tu, tu sĩ (one who performs acts of mortification, ascetic, monk)(4). Ngoài ra, theo từ điển Pāli, Samana có nghĩa là một du sĩ hay ẩn sĩ (a wanderer, recluse)(5).
Như vậy, Sa-môn được hiểu là tên gọi chung dành cho những tu sĩ thuộc các tôn giáo ở Ấn Độ cổ đại, trong đó có Phật giáo.
1.2. Ý nghĩa danh xưng “Sa-môn Thích tử”
Sa-môn Thích tử (P. Sakyaputtiya samana, S. Sākyaputriya śramana, C. 沙門釋子) là tên gọi chỉ cho những tu sĩ xuất gia, sống và tu tập dưới sự hướng dẫn của đức Phật. Về mặt ngữ vựng, Sakyaputtiya là một tính từ, được cấu thành bởi Sakyaputta + iya, tạm dịch là “thuộc về con dòng họ Thích” (belonging to the son of the Sakyas)(6).
Dựa trên góc độ lịch sử, những người xuất gia trong xã hội Ấn Độ cổ đại đều có tên gọi chung là Sa-môn. Để tránh sự nhầm lẫn, danh xưng Sa- môn Thích tử ra đời nhằm mục đích phân biệt những tu sĩ đang sinh hoạt dưới sự hướng dẫn của đức Phật với tu sĩ thuộc các tôn giáo khác. Về mặt tư tưởng, danh xưng Sa-môn Thích tử phản ánh tinh thần bình đẳng do đức Phật khởi xướng. Trong kinh Tăng chi (Anguttara-nikāya) như sau: “Có bốn giai cấp: Sát-đế-lỵ, Bà-la-môn, Phệ-xá, Thủ-đà, sau khi từ bỏ gia đình, xuất gia trong Pháp và Luật được Như Lai tuyên bố, họ từ bỏ tên và họ của họ từ trước, và họ trở thành những Sa-môn Thích tử”(7).
Để trở thành một Sa-môn Thích tử chân chính, thì “lý tưởng xuất gia” được xem là nhân tố tiên quyết đưa đến sự thành tựu. Lý tưởng này phát xuất từ lòng tôn kính tam bảo, mong muốn xuất gia để đoạn tận phiền não, chấm dứt luân hồi sinh tử, chứ không phải xuất gia vì mong muốn có được đời sống an nhàn, để người khác cung phụng, hay vì mục đích mượn đạo tạo đời, như đức Phật có dạy: “Không phải vì y áo mà ta xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Không phải vì món ăn khất thực, không phải vì sàng tọa…Và ta đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, sau khi đoạn tận các dục vọng như vậy lại còn đeo đuổi các dục vọng như kia hay còn ác tệ hơn. Như vậy, thật không xứng đáng cho ta”(8).
Suy ngẫm từ đoạn kinh vừa trích, hành động xuất gia, cạo bỏ râu tóc, sống đời sống không gia đình chỉ là yếu tố về mặt hình thức. Việc hành trì giới luật và tinh tấn thực hành thiền quán để chuyển hóa nội tâm mới là điều mà một sa môn Thích tử cần phải làm, như trong kinh Pháp cú số 264 và 265, đức Phật đã dạy như sau:
“Đầu trọc không Sa-môn Nếu phóng túng nói láo Ai còn đầy tham dục Sao được gọi Sa-môn?”. … “Ai lắng dịu hoàn toàn Các điều ác lớn nhỏ Vì lắng dịu ác pháp Được gọi là Sa-môn” (9).
2. Các phận sự của Sa-môn Thích tử
2.1. Truyền bá chân lý Phật
Ý nghĩa của việc truyền bá chân lý Phật có hai nghĩa chính: Một là giữ cho Phật pháp được trường tồn. Hai là phụng sự xã hội, mang lại lợi ích và an lạc cho tất cả chúng sinh. Trên tinh thần đó, sau khi thành lập tăng đoàn, đức Phật đã khẳng định rõ vai trò hoằng pháp của người xuất gia qua đoạn kinh sau: “Này các Tỷ kheo, hãy du hành vì hạnh phúc cho quần chúng, vì an lạc cho quần chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư thiên và loài người. Chớ có hai người đi một chỗ. Này các Tỷ kheo, hãy thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn. Hãy tuyên thuyết Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh”(10).
2.2. Vượt qua ba điều khó để thành tựu Sa- môn hạnh
Trong nỗ lực hướng đến sự thành tựu các hạnh lành của bậc Sa-môn thì những khó khăn, thử thách luôn được xem là thước đo để đánh giá sự kiên trì và nỗ lực của các Sa-môn Thích tử. Trong kinh Tương ưng (Samyutta-nikāya), tôn giả Sariputta (Xá Lợi Phất) có dạy về ba việc khó, làm chướng ngại trên con đường tu tập của vị Sa- môn như: Xuất gia là khó, xuất gia nhưng không hoan hỷ trong đời sống xuất gia, thực hành đúng pháp và tùy pháp là khó(11). Hành động khước từ những thú vui thế tục, chọn lấy đời sống xuất gia với đầu tròn, áo vuông, sống đời sống không gia đình, tuân thủ giới luật là điều mà không phải ai cũng có thể thực hiện.
Để vượt qua, Sa-môn cần phải thực hành đúng pháp và tùy pháp. Pháp và tùy pháp (dhammānudhamma)(12) là một thuật ngữ kép, mang nội dung đề cao yếu tố tu tập theo đúng với lời dạy của đức Phật. Trong các bản kinh, thuật ngữ này thường đi chung với nhiều thuật ngữ khác, tạo nên một tiến trình tu học tuần tự, gồm các giai đoạn: Nghe pháp, học thuộc pháp, thọ trì pháp, quan sát ý nghĩa pháp được thọ trì, thực hành pháp và tùy pháp(13). Qua đây, chúng ta có thể nhận định rằng, việc thực hành đúng giáo pháp như lời Phật dạy, một mặt có thể mang lại nhiều sự an lạc và lợi ích cho hành giả; mặt khác, đây là điều kiện cần để cho giáo pháp tồn tại lâu dài ở thế gian khỏi sự hỗn loạn và biến mất(14).
2.3. Tăng thượng tam học (adhisikkhā)
Trên lộ trình tu tập hướng đến sự chứng đắc đạo quả, giới-định-tuệ được xem là con đường thẳng đưa đến sự thành tựu. Do vậy, làm tăng thượng giới học, định học và tuệ học chính là bổn phận quan trọng của vị Sa-môn Thích tử cần phải làm. Điều này đã được đức Phật khẳng định trong nhiều bản kinh, cụ thể: “Này các tỷ kheo, có ba hạnh Sa môn cần phải làm. Thế nào là ba? Thọ trì tăng thượng giới học, định học và tuệ học. Đây là ba hạnh của Sa môn cần phải làm…”(15).
Tăng thượng giới học
Theo định nghĩa của từ điển, giới (P.sīla, S. śīla, C. 戒) là quy tắc đạo đức, (code of morality) sự thực hành đạo đức hay chỉ cho đạo đức học Phật giáo (moral practice, Buddhist ethics)(16). Do vậy, tăng thượng giới (adhisīlasikkhā) là làm phát triển, lớn mạnh các phẩm chất đạo đức của giới như không làm các điều ác, siêng năng làm các việc thiện, giữ tâm ý trong sạch(17), nhằm huấn luyện thuần thục ba nghiệp thân khẩu ý để loại trừ mọi nhiễm ô và cấu uế, hướng ba nghiệp đến sự thanh tịnh.
Mặt khác, vì giới là nền tảng thăng tiến cho định và tuệ, nên giới cần được xây dựng một cách vững chắc thông qua việc tu tập làm chủ các giác quan, kết hợp với lối sống thiểu dục tri túc. Theo Thanh tịnh đạo (Visuddhimagga), muốn cho giới được viên mãn, vị sa môn cần phải thực hành Bốn pháp thanh tịnh (catupārisuddhi sīla), gồm:
Thanh tịnh giới bổn (pātimokkha sīla): Vị tỷ kheo phải giữ trọn vẹn giới pháp đã thọ, không cho sứt mẻ.
Căn thanh tịnh (indriyasamvara sīla): Vị tỷ kheo phải giữ chính niệm, tỉnh giác hộ trì sáu căn khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần.
Giới thanh tịnh sinh mạng (ājīvaparisuddhi sīla): Vị tỷ kheo phải tránh xa năm cách nuôi mạng tà ngụy: Giả dạng khổ hạnh, dùng lời ngon ngọt dụ dỗ để người khác bố thí, tỏ một số dấu hiệu kỳ lạ và bí ẩn để người khác tin theo, giúp người khác một việc gì đó để người khác giúp lại mình, sau cùng là lấy lợi câu lợi.
Giới thanh tịnh khi thọ lãnh bốn vật dụng (paccaya sannissita sīla): Vị tỷ kheo sống quán xét, thọ dụng bốn món vật dụng hàng ngày (thực phẩm, y phục, tọa cụ, thuốc men) một cách tri túc, biết đủ(18).
Tăng thượng định học
Định (samādhi) hay thiền định (P. jhāna, S. dhyāna, C. 禅定) là sự tập trung (concentration), là trạng thái tập trung của tâm trí (intent state of mind), là điều kiện cần thiết để đạt được trí tuệ và giải thoát(anecessaryconditiontotheattainment of higher wisdom and emancipation(19). Tăng thượng định hay còn gọi là tăng thượng tâm (adhicittasikkhā), nghĩa là sự phát huy tính tập trung cao độ của tâm, nhằm giúp hành giả đi vào các trạng thái thiền định từ nông đến sâu, qua bốn cấp độ gọi là: Sơ thiền, nhị thiền, tam thiền và tứ thiền. Trong kinh Tương ưng, đức Phật có dạy về pháp tu này như sau: “Ở đây, này các tỷ kheo, tỷ kheo ly dục, ly các pháp bất thiện, chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sinh, có tầm, có tứ; Làm tịnh chỉ tầm và tứ, chứng đạt và an trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sinh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm; Ly hỷ, trú xả, chính niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng đạt và an trú Thiền thứ ba; Đoạn lạc, đoạn khổ, chấm dứt hỷ ưu đã cảm thọ từ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh”(20).
Nhờ công phu hành thiền, bốn cấp độ thăng tiến của tâm thức được khai mở, cùng với đó là bốn cấp độ an lạc, sự thành tựu bốn thiền cũng là chìa khóa quan trọng giúp hành giả khai mở trí tuệ, hướng đến sự đoạn trừ tất cả phiền não và chấm dứt khổ đau.
Tăng thượng tuệ học
Tuệ hay trí tuệ (P.paññā, S. prajñā, C. 智 慧) nghĩa là thông minh (intelligence), trí tuệ (wisdom), kiến thức (knowledge) hay minh sát (insight)(21). Do vậy, tăng thượng tuệ học (adhipaññāsikkhā) nghĩa là làm phát huy năng lực sáng suốt, sắc bén của trí tuệ. Nói theo Thanh tịnh đạo, tăng thượng tuệ chính là làm phát sinh trí tuệ minh sát (vipassana-ñāna). Đây là loại trí tuệ đặc biệt, chỉ xuất hiện khi hành giả thực tập thiền quán (vipassanā).
Dựa trên lộ trình giới-định-tuệ được trình bày trong Thanh tịnh đạo, để làm phát sinh trí tuệ minh sát, hành giả trước tiên phải có nền tảng vững chắc của giới thanh tịnh (sīla-visuddhi), kết hợp với sự trong sáng và thuần tịnh của tâm (citta- visuddhi). Đây là hai nhân tố quan trọng giúp hành giả tuần tự đi vào bảy giai đoạn làm phát sinh 16 loại tuệ minh sát(22), chính tuệ minh sát này mới có công năng đoạn trừ tận gốc các phiền não (kilesa), kiết sử (samyojana), hướng đến thành tựu các tầng thánh đạo và thánh quả.
Tóm lại, giới-định-tuệ là pháp tu tối thắng bậc nhất trên lộ trình tu học hướng đến giác ngộ, giải thoát, là nơi nương tựa vững chắc và là nền tảng phát sinh cho mọi công đức. Ngoài ra, ba môn học vô lậu này còn đóng vai trò như tấm gương phản chiếu đời sống đạo đức của một tu sĩ. Do đó, dù hành giả tu theo bất kỳ pháp môn nào, hay ở bất kỳ hệ phái nào cũng cần lấy giới-định-tuệ làm kim chỉ nam cho đời sống tu tập.
3. Lợi ích của việc tu tập Sa-môn hạnh
Trong kinh Sa-môn quả (Sāmaññaphala sutta) thuộc Trường bộ kinh (Dīgha-nikāya), mười ba lợi ích thiết thực của việc tu hạnh Sa-môn được đức Phật thuyết giảng vô cùng chi tiết, Ngài đã trình bày những lợi ích này theo thứ tự từ thấp đến cao, từ quả hiệp thế cho đến quả siêu thế. Mười ba lợi ích của việc tu hạnh sa môn gồm có:
Nhận được sự kính trọng và cúng dường Giữ gìn trong sạch, trọn vẹn các tiểu giới, trung giới, đại giới Đạt được niềm tin vững chắc, đi tới đâu cũng không sợ hãi do có đời sống chân chính Luôn hộ trì các căn được thanh tịnh, không buông lung Có sự chính niệm, tỉnh giác trong các oai nghi Thiểu dục tri túc Đoạn trừ được năm triền cái: Tham dục, sân hận, hôn trầm thụy miên, trạo cử và hoài nghi. Đạt được hỷ lạc do đoạn trừ năm triền cái Chứng đắc bốn tầng thiền Có được chính trí và chính kiến Có khả năng hóa hiện một thân Đạt được năm thông: Thần túc thông, thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông và túc mạng thông. Giác ngộ Tứ đế, diệt trừ tận gốc tất cả lậu hoặc, chứng quả A-la-hán, đạt Lậu tận thông(23).
Sau cùng, những lợi ích của việc hành trì sa môn hạnh của các Sa-môn Thích tử là vô cùng tối thắng, vi diệu, không một trường phái Sa- môn nào có thể so sánh. Chính đức Phật cũng đã khẳng định điều này với vua Ajātasattu (A-xà- thế) như sau: “Này đại vương, không có một quả thiết thực hiện tại của Sa-môn nào vi diệu và thù thắng hơn quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa- môn này”(24). Đây là cơ sở để khẳng định rằng Sa- môn Thích tử là trường phái siêu việt trong các hệ tư tưởng Sa- môn.
Kết luận
Như nội dung bài viết đã trình bày, Sa-môn không phải là danh xưng do Phật giáo sáng tạo, mà trước đó nhiều trăm năm, danh xưng này đã được các tôn giáo ở Ấn Độ sử dụng để gọi chung cho những tu sĩ thời bấy giờ. Đến khi Phật giáo xuất hiện, danh xưng Sa-môn mới thật sự có ý nghĩa, khi phản ánh rõ giá trị thiết thực của đời sống Sa- môn là không chỉ đề cập đến hình thức “đầu tròn, áo vuông”, mà Sa-môn theo Phật giáo là những người có tu tập, tinh cần đoạn trừ các ác pháp để phát triển thiện pháp, hướng tới đời sống an lạc giải thoát cho mình và cho người. Ngoài ra, do sự khác biệt trong tư tưởng, cũng như phương pháp hành trì đã đưa Phật giáo vượt lên trên các tôn giáo cùng thời đại. Phật giáo không chấp nhận hai cực đoan của các tu sĩ thời bấy giờ là “khổ hạnh ép xác và hưởng thụ dục lạc”. Thay vào đó, Phật giáo đề ra con đường “Trung đạo” (Majjhimā patipadā). Nhờ thực hành “Trung đạo” mà các Sa-môn Thích tử thành tựu được nhiều sự an lạc và giải thoát.
Thích Duy Tuệ Học viên Cao học khóa V, Học viện PGVN tại TP.HCM Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 11/2022 ***CHÚ THÍCH: (1) Kinh Trung bộ, tập 1, Thích Minh Châu dịch, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2017, tr. 343-344. (2) Śramana, Hán dịch là Thất la mạt noa (室羅末拏), Xá ra ma noa (舍囉摩拏), Thất ma na noa (㗌摩那拏), Sa ca muộn nang ( 沙迦懣囊), Sa môn na (沙門那), Sa văn na (沙聞那), Ta môn (娑門), Tang môn (桑門), Táng môn(喪門); Ý dịch là cần lao (勤勞), công lao (功勞), cù lao (劬勞), cần khẩn (勤懇), tĩnh chí (靜志), tịnh chí (淨志), tức chỉ (息止), tức tâm (息心), tức ác (息惡), cần tức (勤息), tu đạo (修道), bần đạo (貧道), phạp đạo (乏道). Xem tại: Thích Nguyên Tâm, Từ điển Phật học tinh tuyển, Nxb. Phương Đông, TP. HCM, 2013, tr. 1181. (3) M. Monier-Williams, A Sanskrit-English Dictionary, Motilal Banarsidass Publishers, Delhi, 2002, p. 1096. (4) Ibid. (5) T.W. Rhys Davids & William Stede (ed.), Pali-English Dictionary, Motilal Banarsidass Publishers, Delhi, 2018, p. 682. (6) Ibid. p. 465. (7) Kinh Tăng chi bộ, tập 2, Thích Minh Châu dịch, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2016, tr. 328. (8) Kinh Tăng chi bộ, tập 1, Thích Minh Châu dịch, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2016, tr. 178. (9) Kinh Pháp cú, Thích Minh Châu dịch, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2008, tr. 73-74. (10) Kinh Tương ưng bộ, tập 1, Thích Minh Châu dịch, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2013, tr. 178. (11) Kinh Tương ưng bộ, tập 2, Thích Minh Châu dịch, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2013, tr. 322. (12) T.W. Rhys Davids & William Stede (ed.), Pali-English Dictionary, p. 37. (13) Kinh Tăng chi bộ, tập 1, tr. 765. (14) Sđd, tr. 765. (15) Sđd, tr. 260. (16) T.W. Rhys Davids & William Stede (ed.), Pali-English Dictionary, p. 712. (17) Kinh Pháp cú, tr. 54. (18) Thanh tịnh đạo, tập 1, Thích nữ Trí Hải dịch, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2020, tr. 39-40; Xem Tỳ kheo Giác Giới, Kho tàng pháp học, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2005, tr. 174-175. (19) T.W. Rhys Davids & William Stede (ed.), Pali-English Dictionary, p. 685. (20) Kinh Tương ưng bộ, tập 2, tr. 697. (21) T.W. Rhys Davids & William Stede (ed.), Pali-English Dictionary, p. 390. (22) Xem thêm tại: Kinh Trung bộ, kinh Trạm xe, Thích Minh Châu dịch, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2017; Thanh tịnh đạo, Thích nữ Trí Hải dịch, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2020. (23) Kinh Trường bộ, Thích Minh Châu dịch, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2016, tr. 55-87. (24) Sđd, tr. 86.
TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. Kinh Pháp cú, Thích Minh Châu dịch, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2008. 2. Kinh Tăng chi bộ, Thích Minh Châu dịch, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2016. 3. Kinh Trung bộ, Thích Minh Châu dịch, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2017. 4. Kinh Trường bộ, Thích Minh Châu dịch, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2016. 5. Kinh Tương ưng bộ, Thích Minh Châu dịch, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2013. 6. Monier-Williams, M., A Sanskrit-English Dictionary, Motilal Banarsidass Publishers, Delhi, 2002. 7. Rhys Davids, T.W. & William Stede (ed.), Pali-English Dictionary, Motilal Banarsidass Publishers, Delhi, 2018. 8. Thanh tịnh đạo, Thích nữ Trí Hải dịch, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2020. 9. Thích Nguyên Tâm, Từ điển Phật học tinh tuyển, Nxb. Phương Đông, TP. HCM, 2013
Bình luận (0)