Tác giả: Văn Ngọc Sen

Trường Đại học Khánh Hòa

Tóm tắt

Bảo vệ môi trường có vai trò vô cùng quan trọng đối với cuộc sống con người, vì giữa con người và môi trường có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường được xuất phát từ nhiều nguyên nhân hiện nay vẫn đang diễn ra ngày một nghiêm trọng.

Thực trạng đó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống con người, để góp phần vào việc bảo vệ môi trường bền vững, dưới góc nhìn của lịch sử triết học Phật giáo.

Bài viết tập trung nghiên cứu thuyết duyên khởi đối với việc bảo vệ môi trường, với mong muốn, có thể góp phần tăng cường hơn nữa trách nhiệm xây dựng và bảo vệ môi trường từ trong nhận thức đến hành động của các tín đồ đạo Phật nói riêng và của con người nói chung.

Từ khóa: thuyết duyên khởi, môi trường, phật giáo.

1. Dẫn nhập

Có thể thấy rằng, con người từ quá khứ đến hiện tại và tương lai đều mong muốn có một môi trường sống trong lành. Khát vọng đó càng mạnh mẽ hơn đối với con người trong thời hiện đại khi mà môi trường sống đang ngày càng bị đe dọa. Tình trạng ô nhiễm môi trường tăng cao được xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính yếu nhất vẫn là từ sự tàn phá của bàn tay con người.

Thuyết duyên khởi là một trong những giáo lý quan trọng nhất của đạo Phật. Thuyết này cho rằng tất cả mọi sự vật, hiện tượng và cả tư duy đều nằm trong mối quan hệ, ràng buộc, thậm chí quy định nhau để cùng tồn tại, phát triển. Việc nghiên cứu thuyết duyên khởi không chỉ làm sâu sắc hơn về quan niệm của đức Phật về môi trường mà còn có giá trị đối với việc bảo vệ môi trường đối với xã hội ngày nay. 

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa (sưu tầm).
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa (sưu tầm).

2. Nội dung

2.1. Thuyết duyên khởi trong đạo Phật

Trong từ điển Phật giáo cho rằng, “sự vật chờ duyên mà nảy sinh. Tất cả các pháp hữu vi đều từ duyên mà khởi lên”[1]. Theo quan niệm này thì mọi sự vật, hiện tượng kể cả tư duy đều nằm trong mối quan hệ ràng buộc, thậm chí quy định lẫn nhau để cùng tồn tại và phát triển. Ở đó, kết quả của sự của sự vật, hiện tượng này sẽ được bắt nguồn từ nguyên nhân của sự vật hiện tượng khác.

Thế giới quan trong học thuyết duyên khởi của đạo Phật. Mọi sự vật hiện tượng trên thế giới đều chịu sự chi phối của quy luật nhân duyên. Với nhận thức, “hết thảy các pháp đều do nhân duyên hòa hợp mà sinh ra”[2], cả chủ thể nhận thức lẫn đối tượng nhận thức đều bị chi phối bởi duyên và duyên chính là nguồn gốc để hình thành nên thế giới. Yếu tố quan trọng nhất để tạo nên thế giới chính là duyên và duyên được luân chuyển từ quá khứ đến hiện tại và tương lai.

Con người với tất cả chúng sinh tồn tại đều có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, ràng buộc nhau. Cái này sinh ra sẽ tạo điều kiện cho cái kia sinh ra, cái này mất đi là điều kiện cho cái kia mất đi. Với cách giải thích đó, thuyết duyên khởi đã chỉ rõ giữa các sự vật, hiện tượng có mối quan hệ chằng chịt và ràng buộc lẫn nhau. Trên quan điểm mọi vật đều do duyên sinh ra, Phật giáo quan niệm thế giới này không phải được tạo ra bởi một lực lượng siêu nhiên đặc biệt nào, mà đó là do mối quan hệ nhân quả vốn có trong tự nhiên.

Mọi sự vật, hiện tượng tồn tại trong thế giới đều xuất phát từ những mối quan hệ nhân quả nối tiếp nhau tạo thành. Các sự vật, hiện tượng mà con người có thể thấy được đều do những nguyên nhân từ trước đó. Chính vì thế Phật giáo cho rằng, thế giới này vô thủy vô chung, không có khởi đầu, cũng không có kết thức mà đó là sự biến hóa luân hồi từ duyên tạo nên.

Bản thể luận trong thuyết duyên khởi của đạo Phật. Thuyết duyên khởi cho rằng, các sự vật, hiện tượng tồn tại trong sự quy định bởi vòng tuần hoàn với mười hai yếu tố. Thuyết duyên khởi khẳng định, không có một sự vật nào tồn tại, biến đổi và phát triển mà không phụ thuộc vào các sự vật, hiện tượng khác. “Duyên trong đạo Phật được xem là vô ngã”[3], nó là cái không thể do một đối tượng nào có thể tạo ra bởi nó vốn như vậy.

Duyên có trước con người và tồn tại trước khi vũ trụ tồn tại. Như vậy, “nói đến duyên là nói đến căn nguyên của mọi sự vật hiện tượng”[4]. Nhờ vào duyên nên các sự vật, hiệng tượng thay đổi không ngừng, nó biến chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác, từ hiện tượng này sang hiện tượng khác. Sự kết hợp giữa nhân và duyên trong các sự vật, hiện tượng làm cho các sự vật hiện tượng luôn biến đổi dẫn đến con người nhận thức về nó cũng phải tuân thủ các quy tắc về duyên. Nói cách khác, mọi sự vật hiện tượng đều do duyên mà sinh ra và do duyên mà tồn tại, cũng do duyên mà mất đi theo quan điểm “chư pháp duyên sinh”.

Trên quan điểm “hết thảy các pháp đều do nhân duyên hòa hợp mà sinh ra, vì vậy tuy do nhân duyên hiển hiện mà tồn tại, nhưng một khi khuyết duyên thì vĩnh viễn dừng lại ở vị lai, mà không được hiển hiện nữa”[5]. Duyên khởi được xem là nguyên nhân, là kết quả của các pháp và thể hiện tính vô ngã vốn có của nó. Trong thế giới này, các sự vật hiện tượng không có sự tồn tài một cách tuyệt đối mà nó chỉ mang tính tương đối theo mối quan hệ nhân quả. Xét trong mối quan hệ này hay mối quan hệ khác, dù trực tiếp hay gián tiếp thì nó vẫn phụ thuộc vào duyên sinh. Quá trình sinh ra và chuyển hóa của vạn vật đều tuân thủ theo nhân quả các pháp. Bản nguyên của thế giới này là do duyên, chi phối thế giới này cũng do duyên. Sự sinh ra và chi phối đó đã tạo ra một thế giới hết sức sinh động.

Nhận thức luận trong thuyết duyên khởi của đạo Phật. Sinh thời đức Phật đã giác ngộ được con đường giải thoát trong lúc ngồi suy tư dưới gốc cây bồ đề (pippala). Thuyết duyên khởi tập trung bàn về điều kiện phát sinh và mối quan hệ nhận quả, được xem nền tảng triết lý cho lời giáo huấn của đức Phật về sự sinh - tử. Đức Phật cho rằng, “thế giới là vô ngã, con người là vô ngã”, quan điểm này đã đánh dấu một bước chuyển lớn trong quá trình nhận thức về thế giới. Với quan điểm con người nhận thức được nguồn gốc phụ thuộc sẽ nhận thức được pháp, những người nhận thức được pháp sẽ nhận thức được sự phụ thuộc.

Do vậy “nguyên nhân nảy sinh của sự vật gọi là duyên khởi”[6]. “Do vô minh, có Hành sinh; do hành, có thức sinh; do thức có sắc sinh; do danh sắc, có lục nhập sinh; do lục nhập, có xúc sinh; do xúc, có thọ sinh; do thọ, có ái sinh; do ái, có thủ sinh; do thủ, có hữu sinh; do hữu, có sinh sinh; do sinh, có lão tử, sầu, bi, khổ, ưu, não sinh, hay toàn bộ Khổ uẩn sinh”[7].

Bởi cái này tồn tại nên cái kia mới tồn tại, cái này mất đi nên cái kia mất đi, tất cả các sự vật đều phụ thuộc vào nhau. Và khi chúng ta tìm hiểu về một sự vật hiện tượng, phải đặt nó trong mối quan hệ với các sự vật hiện tượng khác. Phật giáo cho rằng, con người là một pháp do duyên sinh nên cũng vô ngã. Từ thuyết duyên khởi đức Phật đã nhìn thấy con đường khổ đau là do vô minh và để hiểu rõ hơn chúng ta sẽ làm rõ ở 12 nhân duyên.

Khi 12 nhân duyên sinh thì đồng nghĩa với khổ uẩn khởi và 12 nhân duyên diệt thì đồng nghĩa với khổ uẩn diệt.

Vô minh là sự mê mờ cuồng si của tâm thức, sự không hiểu rõ tứ đế, duyên khởi. Sự vô minh là đầu mối dẫn đến đau khổ;

Hành là các hành động tạo tác của thân khẩu ý;

Thức là cái mà thông qua đó con người nhận biết được thế giới. Nó là suối nguồn của nhận thức, là một trong những thành tố của duyên khởi;

Danh và sắc, danh có thể theo âm thanh mà đến với vật thể, khiến người ta có thể hình dung, tưởng tượng ra được, nó được thể hiện ở thế giới nội tâm. Sắc là tứ đại và các pháp do tứ đại sinh ra;

Lục nhập là sáu căn (nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân, ý) với sáu cảnh (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) khi căn và cảnh gặp nhau thì thức xuất hiện; Xúc bao gồm nhãn xúc, nhĩ xúc, tỷ xúc, thiệt xúc, thân xúc và ý xúc, là biểu hiện của sự vô minh hay đau khổ;

Thọ là do nhãn xúc sinh ra và cũng chính là cội nguồn của tham, sân, si là nhân tố tạo nên sinh tử và khổ đau; Ái là sự khát khao để bám víu vào đối tượng ưa thích;

Thủ là nắm giữ, chấp trước đối với cảnh giới mà mình đang đối diện;

Hữu chỉ cảnh giới con người đang hiện hữu. Có ba loại đó là dục hữu, sắc hữu và vô sắc hữu;

Sinh có nghĩa là sự ra đời, sự tái tạo, sự xuất hiện;

Lão và tử. Lão là cái bị già, yếu, suy nhược, các căn chín muồi thì gọi là già. Tử là cái dùng để chỉ sự hủy hoại, sự tiêu tan, các uẩn tàn lụi trái với sự ham muốn đời thường của con người.

Nghiên cứu về thuyết duyên khởi không chỉ giúp con người nhận thức rõ hơn về quy luật nhân quả mà còn giúp con người loại bỏ được sự vô minh, đồng thời nâng cao nhận thức trong việc xây dựng và bảo vệ một môi trường xanh, sạch, đẹp.

Ảnh chỉ mnag tính chất minh họa (sưu tầm).
Ảnh chỉ mnag tính chất minh họa (sưu tầm).

2.2. Ý nghĩa đối với việc bảo vệ môi trường

Từ việc nghiên cứu thuyết duyên khởi cho thấy, trong học thuyết này đã trình bày một cách rõ nét những nhân tố cấu thành con người và thế giới. Sự tồn tại của con người gắn liến với vô minh và vô minh tồn tại là do duyên tạo nên.

Do vô minh, con người không nhận biết các pháp do duyên tạo ra. Và do vô minh dẫn đến con người không hiểu được giữa con người và vạn vật xung quanh chịu sự quy định lẫn nhau, tác động qua lại lẫn nhau. Muôn loài tồn tại thì con người tồn tại, muôn loài biến mất thì con người cũng biến mất.

Thuyết duyên khởi cho rằng, con người vô minh nên ảo tưởng về một tự ngã “tôi” và “cái của tôi”, tư duy này đã khuấy động tâm thức khiến con người đi tìm kiếm nguyên nhân đầu tiên, hình thành nên lòng tham ái, đây chính là nguyên nhân gây ra các hành động phản lại các quy luật vốn có của tự nhiên. 

Thuyết duyên khởi góp phần khẳng định chức năng của môi trường đối với con người. Suốt cuộc đời đức Phật sống gần gũi với tự nhiên. Ngài đã nhận thấy tự nhiên có một vai trò vô cùng quan trọng đối với con người. Trong thuyết duyên khởi cũng khẳng định “một mối duyên khởi của các loài hữu tình lưu chuyển trong ba cõi đời quá khứ, hiện tại, vị lai”[8]. Đây là một sự khẳng định giữa con người và thế giới vạn vật, luôn tồn tại trong mối quan hệ gắn bó với nhau không thể tách rời.

Môi trường là một không gian sống của con người cho nên cần phải xóa vô minh để xây dựng một môi trường trong sạch, khi môi trường trong sạch thì sức khỏe của con người sẽ được đảm bảo. Thuyết duyên khởi nhấn mạnh, môi trường có vai trò cung cấp nguồn tài nguyên cần thiết cho cuộc sống và các hoạt động sản xuất của con người. Đây là chức năng quan trọng, đảm bảo cho xã hội tồn tại và phát triển vì môi trường không chỉ là nơi lưu giữ mà còn là nơi cung cấp nguồn sống cho con người.

Bởi, hành động có thể là xấu, là tốt, hoặc trung tính đều xuất phát từ vô minh nên dẫn đến lời nói và hành động là hạt giống của nghiệp. Do vậy, khi con người có nhận thức tốt sẽ dẫn đến hành động tốt. Một trong những hành động tốt đó là bảo vệ môi trường. Khi nhận thức và hành động đều tốt, chính là lúc ngộ đạo, thực hiện đúng thuyết duyên khởi.

Thuyết duyên khởi cho rằng, môi trường cũng là nơi điều hòa không khí, là nơi điều hòa các chất thải trong quá trình sinh tồn mà con người tạo ra. Do vậy, con người cần phải có “tâm phân biệt, hiểu rõ được cảnh thì gọi là Thức”[9]. Việc xả thải ra môi trường để tham gia vào quá trình sinh địa hóa trước đây là một lẽ thường tình. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội và sự ngược đãi với môi trường của con người đã vượt quá ngưỡng cho phép, làm cho không gian sống của con người ngày một ô nhiễm nặng nề.

Trước thực trạng đó, con người cần phải phân biệt rõ tính quy luật và tính phản quy luật. Chúng ta cần nhận thức rằng, sự vận động của môi trường là nhân tố quan trọng dẫn đến sự tiến hóa của loài người và trong quá trình tồn tại của mình, con người cần đối xử với môi trường một cách trân trọng.

Thuyết duyên khởi góp phần nâng cao nhận thức đối với phật tử nói riêng và con người nói chung trong việc bảo vệ môi trường. Để có một môi trường tu tập tốt, trước hết phải làm cho phật tử hiểu rõ vai trò của môi trường đối với đạo Phật.

Đức Phật đã từng dạy, mọi sự vật hiện tượng đều nương vào nhau mà tồn tại. Cái này có dẫn đến cái kia có; cái này thay đổi thì tất cả cái kia cũng sẽ thay đổi theo. Như vậy, giữa con người với tự nhiên có mối quan hệ hữu cơ không thể tách biệt, hơn thế nữa con người chỉ là một bộ phận của giới tự nhiên. Do vậy, con người không thể vượt qua được quy luật tự nhiên vốn có.

Để làm đúng lời Phật dạy và xương minh Phật pháp cần phải nâng cao ý thức tăng, ni, phật tử trong việc tham gia bảo vệ môi trường. Giáo hội cần phải ra sức tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp. Không ngừng vận động các tín đồ tích cực tham gia các phong trào thi đua, thực hiện các cuộc vận động của các cơ quan đoàn thể trong các cuộc thuyết pháp. Nâng cao tính tự ý thức trong công việc hàng ngày của các tín đồ bằng những hành động cụ thể nhằm xóa vô minh đối với môi trường. Trong các khóa tu định kỳ cho tầng lớp thanh- thiếu niên và các gia đình phật tử cần phải có những buổi nói chuyện về môi trường nhằm giáo dục cho họ biết tôn trọng, giữ gìn. Bên cạnh đó cũng cần dạy kỹ năng sống, ý thức bảo vệ môi trường để mọi người biết thương yêu, san sẻ trách nhiệm đối với cộng đồng.

Thuyết duyên khởi góp phần vào việc xây dựng và bảo vệ môi trường. Để làm được điều này đòi hỏi những nhà truyền pháp cần phải kêu gọi tín đồ xây dựng và bảo vệ môi trường. Trong thuyết duyên khởi đã chỉ rõ, cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không, cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt. Đây chính là sự tồn vong của vũ trụ là nguồn gốc của sự tồn tại của muôn loài.

Con người và vạn vật trên thế giới tồn vong đều chịu sự chi phối lẫn nhau. Không chỉ nhận thức rõ về mối tương quan giữa con người và thế giới mà thuyết duyên khởi còn chỉ rõ việc thực hiện xây dựng và bảo vệ môi trường trong quá trình tu tập và hành đạo. Các tín đồ hiểu được việc tàn phá môi trường sống là trái với lời di huấn của đức Phật và pháp luật của nhà nước. Việc bảo vệ môi trường là xây dựng tâm yêu thương và tôn trọng sự sống của muôn loài.

Trong các khóa tu học phật tử không chỉ nghe mà còn phải được hành động theo những lời di huấn như trồng cây và làm sạch môi trường. Để làm được điều này thì Giáo hội cần phải kết hợp với chính quyền địa phương để lên kế hoạch hành động cho mỗi khóa tu tập. Thuyết duyên khởi rất có ý nghĩa đối với giới tự nhiên, gần gũi với con người nên quá trình thuyết pháp dễ khơi gợi được tinh thần tự giác của phật tử đối với việc bảo vệ môi trường.

Mười hai nhân duyên chính là sức mạnh kết nối yêu thương giữa con người với thiên nhiên, hướng đến xây dựng một môi trường sống tốt đẹp. Thuyết duyên khởi cho rằng, sự sống là sự tương hỗ giữa các loài trên thế giới. Một môi trường trong sạch chỉ được xuất phát từ những hành động nhỏ nhặt hàng ngày của mỗi con người. Chính vì thế mọi vật, mọi sự phát khởi là do những điều kiện cần và đủ mang chúng liên kết, cùng nhau tùy thuộc, cùng nhau sinh khởi.

Môi trường chi phối sự sống và tác động mạnh mẽ đến thể lực lẫn trí lực của con người. Theo quan điểm này cho thấy, con người không tồn tại trên thế giới một cách cô độc. Con người hiện thực là sản phẩm của chính mình, do vậy việc giải thoát phải được tìm kiếm ở trong xã hội hiện thực. Công cuộc tìm kiếm đó không phải ở đâu xa, mà ở ngay trong đời sống hàng ngày và bằng những việc nhỏ nhặt như trồng cây, thu gom rác thải, phân loại rác thải trong sinh hoạt,...

Trong mọi hành động hàng ngày nếu mỗi chúng ta đều nghĩ đến việc xây dựng môi trường thì chính là cách tốt nhất để thực hành thuyết duyên khởi. Khi con người đối xử với môi trường một cách trân trọng thì môi trường cũng mang lại cho con người một không khí trong lành.

Ngược lại, khi con người tìm cách hủy diệt môi trường thì cũng chính là lúc con người tự tìm cách hủy diệt chính mình.

Trong thế giới không có bất kì một sự vật, hiện tượng nào tồn tại tách biệt với các sự vật hiện tượng khác. Vì, giới tự nhiên và con người là một kết cấu cộng hưởng mà thuyết duyên khởi đã chỉ rõ trong phần “danh và sắc”[10]. Các yếu tố này được biểu hiện rõ thông qua mỗi giai đọan của con người, của hoàn cảnh và của môi trường. Cho nên, con người và giới tự nhiên có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, con người không thể tồn tại ngoài tự nhiên.

Việc xây dựng và bảo vệ môi trường không chỉ là công việc của mỗi cá nhân, mỗi dân tộc mà còn là công việc của toàn thể nhân loại. 

Thuyết duyên khởi góp phần vào việc xây dựng lối sống gần gũi với tự nhiên, tôn trọng tự nhiên. Với việc xây dựng một môi trường tự nhiên xanh, sạch, ở đó con người có thể hòa mình vào tự nhiên là một điều cần thiết hiện nay. Thuyết duyên khởi cho rằng, nếu tư duy của con người không bị chế ngự bởi chấp thủ tự ngã thì sự vận hành sẽ đi đến đoạn tuyệt với khổ đau. Bấy giờ, con người xuất hiện với cái nhìn vô ngã về sự vật và hạnh phúc trong hiện thực.

Trong thời đại ngày nay, con người không chỉ cố thủ cho những nhu cầu thiết yếu của bản thân, mà còn có nhu cầu thụ hưởng một bầu không khí trong sạch. Để góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, Phật giáo đồng hành tuyên truyền những chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong việc bảo vệ môi trường. Khi các phật tử đã thấm nhuần và hiểu được vai trò, vị trí của môi trường đối với con người thì cũng là lúc họ thấm nhuần tư tưởng từ bi với muôn loài và quy luật nhân quả từ trong giáo lý để hành đạo. Trách nhiệm của con người nói chung và của phật tử nói riêng là sống gần gủi với tự nhiên, tôn trọng tự nhiên. Việc thực hiện lời Phật dạy thông qua lối sống giản dị, thiểu dục, tri túc đó là cách bảo vệ môi trường và cân bằng hệ sinh thái. Nâng cao việc cân bằng hệ sinh thái là điều kiện để bảo vệ một cách toàn diện các loài, để các loài cùng nhau tồn tại.

Cần phải làm cho phật tử hoan hỷ đón nhận và biến mình thành một tấm gương sáng trong việc bảo vệ môi trường. Khi đó, lòng từ bi sẽ được lan tỏa và sự giác ngộ sẽ đạt đến cảnh giới tối cao nhất. Con người không chỉ đến với giới tự nhiên bằng cái của tôi, mà đến với tự nhiên bằng cái của chúng ta. Trong khuôn viên của các chùa phải được phủ kín cây xanh để có bóng mát và không khí trong lành. Sống chan hòa với tự nhiên và tôn trọng tự nhiên là một việc làm cần thiết đối với mọi phật tử hiện nay. Để làm được điều đó thì hàng ngày tăng, ni, phật tử phải thường xuyên nêu cao tinh thần trong việc xây dựng và bảo vệ môi trường sống của chính họ, đồng thời lan tỏa tinh thần đó đến những người xung quanh. Sinh thời đức Phật là một tấm gương sáng trong việc bảo vệ môi trường. Ngày nay, các tín đồ cần phải xem, việc yêu thương muôn loài, yêu thiên nhiên, môi trường là một việc làm bình thường, được diễn ra hàng ngày.

Kết luận

Theo thuyết duyên khởi, “cái này diệt, cái kia sẽ diệt”, do đó, môi trường bên ngoài bị ô nhiễm thì môi trường trong tâm con người cũng bị ô nhiễm. Nguyên nhân của sự ô nhiễm môi trường được bắt nguồn từ sự vô minh, không hiểu luật nhân quả dẫn đến chính con người phải gánh chịu những hậu quả nặng nề từ môi trường. Thuyết duyên khởi ra đời cách đây rất lâu nhưng vẫn có những giá trị nhất định đối với việc bảo vệ môi trường trong thời đại ngày nay.

Thuyết duyên khởi không chỉ thể hiện thế giới quan, bản thể luận và nhận thức luận một cách sâu sắc, mà còn chỉ ra được vai trò, vị trí và chức năng của môi trường đối với con người và thế giới tự nhiên. 

Tác giả: Văn Ngọc Sen - Trường Đại học Khánh Hòa

Chú thích:

[1] Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2012), Từ điển Phật học Hán Việt, Nxb. Khoa học xã hội Việt Nam, tr. 330.

[2] Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2012), Từ điển Phật học Hán Việt, Nxb. Khoa học xã hội Việt Nam, tr. 330.

[3] Dũng, V. V. (2012). Một số giá trị đạo đức Phật giáo và ý nghĩa của nó hiện nay. Tạp chí Khoa học Đại học Đồng Tháp, (1), 34-39.

[4] Dũng, T. V. V., Trang, T. Đ. T. T., & Thạnh, C. T. T. (2018). SO SÁNH SỰ GIAO LƯU-TIẾP BIẾN PHẬT GIÁO VÀ PHONG TỤC TẬP QUÁN Ở VIỆT NAM VÀ CAMPUCHIA VÙNG MÊ-KÔNG. Phật giáo vùng Mê-kông: Lịch sử và hội nhập, 245.

[5] Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2012), Từ điển Phật học Hán Việt, Nxb. Khoa học xã hội Việt Nam, tr. 330

[6] Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2012), Từ điển Phật học Hán Việt, Nxb. Khoa học xã hội Việt Nam, tr. 330.

[7] Nikaya Pali (), Tương ưng bộ kinh, tập II, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội. (Thích Minh Châu dịch), tr. 1-2.

[8] Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2012), Từ điển Phật học Hán Việt, Nxb. Khoa học xã hội Việt Nam, tr. 330.

[9] Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2012), Từ điển Phật học Hán Việt, Nxb. Khoa học xã hội Việt Nam, tr. 1310.

[10] Phuong, V. T., & Van Dung, V. (2023). Symbolic Language in Buddhist Philosophy. Synesis (ISSN 1984-6754), 15(3), 179-194. https://seer.ucp.br/seer/index.php/synesis/article/view/2593

Tài liệu tham khảo

Dũng, T. V. V., Trang, T. Đ. T. T., & Thạnh, C. T. T. (2018). SO SÁNH SỰ GIAO LƯU-TIẾP BIẾN PHẬT GIÁO VÀ PHONG TỤC TẬP QUÁN Ở VIỆT NAM VÀ CAMPUCHIA VÙNG MÊ-KÔNG. Phật giáo vùng Mê-kông: Lịch sử và hội nhập, 245.

Dũng, V. V. (2012). Một số giá trị đạo đức Phật giáo và ý nghĩa của nó hiện nay. Tạp chí Khoa học Đại học Đồng Tháp, (1), 34-39.

Nikaya Pali (), Tương ưng bộ kinh, tập II, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội. (Thích Minh Châu dịch).

Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2012), Từ điển Phật học Hán Việt, Khoa học xã hội Việt Nam.

Phuong, V. T., & Van Dung, V. (2023). Symbolic Language in Buddhist Philosophy. Synesis (ISSN 1984-6754), 15(3), 179-194. https://seer.ucp.br/seer/index.php/synesis/article/view/2593