Trang chủ Văn hóa Ý nghĩa của hoa sen và hình ảnh người quân tử trong tác phẩm “Ái Liên Thuyết”

Ý nghĩa của hoa sen và hình ảnh người quân tử trong tác phẩm “Ái Liên Thuyết”

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tác giả: Thích nữ Thiện Tánh
Học viên Ths Khóa V, Học viện PGVN tại Tp.HCM

Cổ ngữ có câu: “Văn để truyền tải Đạo”. “Cổ văn quan chỉ” có thể nói là một tác phẩm mẫu mực của “văn để truyền tải Đạo”. Đây là một bộ sách cổ do hai chú cháu Ngô Sở Tài và Ngô Sở Hầu biên soạn vào những năm Khang Hy đời nhà Thanh.

Bộ sách “Cổ văn quan chỉ” gồm 222 bài tản văn từ các bài tản văn cổ đại của Trung Quốc, các tác phẩm có nhiều phong cách khác nhau, nhiều trường phái khác nhau và nhiều đề tài khác nhau. Đồng thời lấy thời đại làm mạch dọc, lấy các tác phẩm, các tác giả các thời đại làm mạch ngang để biên tập sắp xếp, có nhiều loại đề tài như luận, tán, truyện, ký, thư, biểu, tự, phú, chiếu, sớ, bi chí (văn bia). Từ nhiều góc độ mà tác phẩm đã triển hiện ra sự rộng lớn thâm sâu của văn hóa truyền thống, chứa đựng những tri thức lịch sử phong phú, vừa có ý hay đẹp của văn học, lại vừa có tính giáo dục triết lý. Những bài văn đọc lên vần điệu rất dễ ghi nhớ và dễ đọc. Mỗi bài văn đều có ngụ ý rất thâm sâu, khiến người đọc được mở rộng tư duy. Nó không chỉ dạy con người làm việc như thế nào mà quan trọng hơn là làm người như thế nào. Có thể nói mỗi bài văn là một bài học khuyên răn về làm người và làm việc, thật xứng với cái tên “quan chỉ”.

Các bài văn lựa chọn trong tác phẩm lấy tư tưởng chính thống và đạo đức luân lý văn hóa truyền thống làm tiêu chuẩn, đã thể hiện ra chức năng xã hội của văn học là và các tư tưởng truyền thống tôn lễ, trọng đức, kính Thần, trọng dân và tư tưởng Nho gia “tu thân tề gia trị quốc bình thiên hạ”. Có thể nói đó là đặc điểm nổi bật của bộ sách này.

Cũng trong bộ cổ văn này, với cách dùng bút pháp tinh luyện, Chu Đôn Di đã tạo nên một thiên tản văn hàm ý thì sâu xa mà văn tự thì ưu mĩ. Thành tựu nghệ thuật này không thể tách rời nhân phẩm cao thượng của tác giả qua tản văn “Ái liên thuyết” để thể hiện chính nhân cách của một người quân tử qua thiên tản văn này. Đây cũng chính là lý do người viết xin chọn tác phẩm “Ái liên thuyết” để phân tích và cảm nhận được hình ảnh của người quân tử thể hiện qua biểu tượng hoa sen.

1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm và trường phái ẩn dật trong văn hoá Trung Hoa

1.1. Về tác giả Chu Đôn Di (周 敦 頤)

Chu Đôn Di (周 敦 頤) (1017 – 1073, có sách nói sinh năm 1016), vốn tên là Đôn Thực (敦 實), nhưng vì kỵ huý vua Anh Tông (英 宗) nhà Tống nên đổi thành Đôn Di (敦 頤). Tên khác Chu Nguyên Hạo (周元皓), nguyên danh Chu Đôn Thực (周敦实), tự Mậu Thúc (茂叔), là một triết gia của đời Tống, tôn xưng là Chu Liêm Khê, người Đạo huyện, tỉnh Hồ Nam[1]. Ông mồ côi cha mẹ từ nhỏ, ở với cậu là Trịnh Hướng làm quan Long Đồ Các Đại học sĩ. Hành trạng của ông, không thấy chép rõ trong sử sách, chỉ biết rằng ông đã từng giữ các chức quan như: Chủ bạ, Phán quan, Thông phán, Tri huyện,… sau thời gian lặn lội ở những vùng núi cao, đèo sâu, ông cáo bệnh về Lư Sơn làm nhà ở Liên Hoa Phong, phía trước có suôi róc rách nên đời sau xưng tụng là Liêm khê tiêm sinh. Về phẩm chất đạo đức, ông đã được Phan Bội Châu khen là từ Xuân Thu đến giờ ngoài Khổng Tử ra chỉ có ông là đức hạnh vẹn toàn. Nếu Vương An Thạch là người khơi nguồn thì Chu Đôn Di xứng đáng là bậc khai sơn của trường phái Lý học Tống Nho.

Về tác phẩm: ông có Thái cực đồ thuyết (太 极 圖 說) (chỉ hơn 250 chữ), Thông thư (通 書), đời sau biên tập thành bộ Chu Tử toàn thư (周 子 全 書) . Về quan điểm triết học, Chu Đôn Di đã dựa vào Dịch truyện và thuyết Trung Dung, các kinh điển của Nho gia, có tham bác một phần tư tưởng của Đạo gia và Vô cực đồ của Trần Đoàn lão tổ (tự là Đồ Nam, hiệu là Hi Di) một đạo sĩ thời Ngũ đại mà đề ra một hệ thống lý thuyết mới có hệ thống, rõ ràng khúc chiết, đơn giản cho Lý học Tống Nho. Ông dùng quan điểm của Đạo gia sáng tạo ra học thuyết vũ trụ sinh thành với quan điểm Vô cực nhi thái cực, ông cho rằng 5 loại vật chất như Kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ là từ hai khí âm dương sinh ra, âm dương sinh ra hai mặt đối lập nhưng thống nhất với nhau ở thái cực. Thái cực là Lý, tức tinh thần khách thể nhưng thái cực lại được sản sinh từ Vô, nghĩa là từ trong hư vô sinh ra hữu. Ông cũng kế thừa quan điểm tư tưởng Thành do Tử Tư và Mạnh Tử đề xuất, tư tưởng Thành là sự thể hiện bản thể vô cực, lại là bản tính chí thiện của con người, là căn bản của của đức tính nhân, nghĩa, lễ, trí, tín trong con người. Từ đó, ông quy bản thể của vũ trụ, nhân tính trong đạo đức con người có tiên nghiệm và luân lý đạo đức phong kiến vào một chữ Thành, trở thành nguyên lý cao nhất mà lý trời nắm giữ. Theo Chu Đôn Di, muốn đạt đến Thành, người ta phải chủ ở Tĩnh (Chủ tĩnh 主 靜), tức không hề có ham muốn vật chất tầm thường, phải yêu mến yên tĩnh ở tâm, không vọng động, tức là phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt trật tự lễ giáo phong kiến, thấu được cái lý. Qua đó có thể thấy tư tưởng triết học của Chu Đôn Di, về thực chất là phục vụ cho lợi ích và địa vị của giai cấp thống phong kiến đương thời.

1.2. Ái Liên Thuyết (愛蓮說)

Thuyết (说): một thể tài văn nghị luận thời cổ, trực tiếp nói rõ sự vật hoặc luận thuật đạo lí, mượn vật hoặc mượn việc để luận về đạo lí.

Theo GS. Đặng Thiều Ngọc, trong Cổ văn giám thưởng từ điển nhận xét: “bài văn Ái Liên Thuyết là một trong những danh tác tản văn thời Tống, nó không chỉ ẩn hàm tư tưởng sâu sắc, nghệ thuật độc đáo. Toàn văn chỉ có 119 chữ. Nó bộc bạch về phẩm cách của các loài hoa. Đối với hoa sen, bài văn đã miêu tả khá chi tiết về phẩm cách của nó trong sự đối ứng với tính cách người quân tử và luận bàn về tình cảm yêu mến hoa sen của người quân tử. Do đó, nó có nội dung trữ tình thú vị, hấp dẫn, chủ đề tư tưởng rất minh bạch. Trong bài văn tác giả sử dụng thủ pháp nhân hoá để minh hoạ cho các phẩm cách cao khiết của người quân tử, mượn hoa để nói người. Ẩn dật, phú quý, quân tử, tác giả sử dụng 3 hình ảnh này để tỷ dụ cho 3 loài hoa Cúc, Mẫu đơn, Liên. Điều đó biểu lộ khí tượng chân chính của con người, ca tụng sự kiên trinh của bản thân và giới thuyết cho hệ thống tư tưởng của mình”[2].

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Tac Pham Ai Lien Thuyet 1

2. Về trường phái ẩn sĩ trong văn hoá Trung Hoa

Trong một cuốn khảo luận khá công phu dưới một cái tên điềm đạm là “Trung Quốc cổ đại đích ẩn sĩ” tác giả Hàn Triệu Kỳ có định nghĩa: “Ẩn sĩ còn gọi là u nhân, dật nhân, cao vĩ vân vân. Những người vốn có đạo đức tài năng có thể làm quan nhưng vì lý do khách quan hay chủ quan nào đó không bước vào hoạn lộ. Hoặc đang làm quan rất thuận lợi nhưng cũng vì lý do khách quan hay chủ quan nào đó mà rời bỏ quan trường tìm nơi để ẩn”[3].

Trong các thư tịch cổ Trung Hoa, người xưa thường dùng các khái niệm ẩn sĩ, u nhân, dật nhân, cao sỹ,…để ám chỉ những người có tư tưởng xuất thế, xa lánh chốn quan trường, vui thú điền vương, không vướng nợ công danh…Trong Hậu Hán thư (后 漢 書) có Dật dân liệt truyện, Tấn thư, Đường thư, Tống sử, Minh sử …cũng có Ẩn dật truyện, Nam Tề thư có Cao dật truyện, bộ Thanh sử cảo có mục Di dật truyện. Kê Khang, Hoàng Phủ Mật (Tấn 晉 代) có viết Cao sỹ truyện, Viên Thục viết Chân ẩn truyện… tất cả những tác phẩm này tuy có tên gọi khác nhau nhưng có chung một nội dung phản ánh, có cùng một đối tượng thể hiện, đó là ẩn sỹ. Vậy ẩn sỹ là gì? Theo Hậu Hán Thư, Dật dân liệt truyện, ẩn sĩ là những ngời có đạo đức, tài năng, vốn có thể trở thành quan lại nhưng vì một lý do nào đó họ không muốn làm quan. Họ có thể chủ động rời bỏ quan trường hoặc không tham gia quan trường, tìm về nơi thôn dã dựng lều quy ẩn. Họ lấy việc tu thân, tác thi, trước thuật làm niềm vui an lạc, ít quan tâm đến thế sự đương thời[4]. Sách Cao sĩ truyện của Hoàng Phủ Mật cho rằng, Sào Phủ, Hứa Do là những ẩn sĩ đầu tiên của Trung Hoa. Đến cuối thời Thương Ân có 3 ẩn sĩ nổi tiếng là Khương Thượng, Bá Di, Thúc Tề. Trong Luận ngữ có nhắc đến 3 nhân vật là Trường Thư, Kiệt Nịch và Sở Cuồng Tiếp Dư. Thời Xuân Thu, Giới Tử Thôi (có khi gọi là Giới Chi Thôi) là 1 ẩn sĩ nổi tiếng. Đoàn Can Mộc sống vào thời Nguỵ Văn Hầu cũng là một ẩn sĩ hữu danh. Nhan Xúc thời Chiến Quốc và các học giả theo trường phái Lão Trang cũng là những u nhân nổi tiếng. Lão Đam, Trang Chu trong trước tác của mình đã phát biểu khá nhiều luận điểm liên quan đến vấn đề này nên được hậu nhân tôn xưng là ông tổ của trường phái ẩn dật. Thời Tần mạt, Hán sơ, ẩn sĩ trung hoa nổi tiếng là Dĩ thượng lão nhân và Thương sơn tứ hạo,… Về ẩn sĩ, theo Đông Phương Sóc (東 方 朔) có thể phân làm hai loại: Kẻ trốn vào trong núi (sơn lâm 山 林) là tiểu ẩn, vì không thắng được những cám dỗ về vật chất nên mới trốn vào núi. Còn những người ở lại kinh thành (triều thị 朝 巿) là đại ẩn. Họ tự có công phu tu dưỡng rất tốt nên chẳng sợ những thứ cám dỗ bình 56 thường. Đại diện cho loại đại ẩn có Trúc lâm thất hiền do Kê Khang, Nguyễn Tịch chủ trương thành lập. Đến đời Đường Tống, các ẩn sĩ ngày càng được triều đình trọng vọng như Điền Nham Du, Vương Hi Di, Tư Mã Thừa Trinh, Trần Đoàn,… Trong bộ Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung (Minh) đã miêu tả khá chi tiết cuộc sống ẩn dật của Tư Mã Đức Tháo, Từ Thứ, Gia Cát Lượng ở Ngoạ Long Cương. Nhìn chung, con đường trở thành 01 ẩn sĩ trong xã hội phong kiến Trung Hoa rất phức tạp, đa dạng. Mỗi triều đại, mỗi hoàn cảnh lịch sử đã tạo ra những động lực khác nhau, quan niệm khác nhau về ẩn sĩ và chủ nghĩa ẩn dật. Tuy nhiên, dù quan niệm nào, dù thật hay giả, dù đại ẩn hay tiểu ẩn thì tất cả cũng đã góp phần làm nên diện mạo phong phú cho văn hoá ẩn dật Trung Hoa.

3. Phiên âm, dịch nghĩa tác phẩm “Ái liên thuyết”

Chính văn: 愛 蓮 說 水 陸 草 木 之 花 可 愛 者 甚 蕃. 晉 陶 淵 明 獨 愛 菊. 自 李 唐 來, 世 人 甚 愛 牡 丹. 予 獨 愛 蓮 之 出 淤 泥 而 不 染, 濯 清 漣 而 不 妖, 中 通 外 直, 不 蔓 不 支, 香 遠 益 清, 亭 亭 淨 植, 可 遠 觀 而 不 可 褻 玩 焉. 予 謂: “菊, 花 之 隱 逸 者 也. 牡 丹, 花 之 富 貴 者 也. 蓮, 花 之 君 子 者 也.” 噫! 菊 之 愛, 陶 後 鮮 有 聞. 蓮 之 愛, 同 予 者 何 人? 牡 丹 之 愛, 宜 乎 眾 矣. (周 敦 頤)

Phiên âm: ÁI LIÊN THUYẾT

Thuỷ lục thảo mộc chi hoa, khả ái giả thậm phiền. Tấn Đào Uyên Minh độc ái cúc. Tự Lý Đường lai thế nhân thậm ái mẫu đơn. Dư độc ái liên chi xuất ứ nê nhi bất nhiễm, trạc thanh liên nhi bất yêu, trung thông ngoại trực, bất mạn bất chi, hương viễn ích thanh, đình đình tịnh thực. Khả viễn quan nhi bất khả tiết ngoạn yên. Dư vị: “Cúc, hoa chi ẩn dật giả dã. Mẫu đơn, hoa chi phú quý giả dã. Liên, hoa chi quân tử giả dã”. Y! Cúc chi ái. Đào hậu tiển hữu văn, liên chi ái đồng dư giả hà nhân? Mẫu đơn chi ái nghi hồ chúng hỹ. (Chu Đôn Di)

Dịch nghĩa: NÓI VỀ VIỆC YÊU HOA SEN

Hoa của các loài cây cỏ dưới mặt nước, trên mặt đất, loại đáng yêu rất là nhiều. Ông Đào Uyên Minh đời Tấn chỉ yêu riêng một mình hoa cúc. Từ thời nhà Đường của họ Lý, người đời lại rất yêu hoa mẫu đơn. Ta chỉ yêu một mình hoa sen mà mọc lên từ chốn bùn lầy nước đọng nhưng không hề bị nhiễm bẩn, gội con sóng trong mà chẳng hề có cái đẹp lả lơi, bên trong thì thông suốt, bên ngoài thì thẳng thuốm, không cành không nhánh, mùi hương tỏ xa càng thêm thơm mát, đứng dong dỏng cao khiết. Chỉ có thể đứng xa mà nhìn không thể bỡn cợt nó được. Ta cho rằng: “Cúc là loài hoa của sự ẩn dật. Mẫu đơn là loài hoa phú quý. Còn hoa sen là loài hoa quân tử vậy”. Ôi! Sự yêu hoa cúc, sau ông Đào Uyên Minh ít nghe nói tới, sự yêu hoa sen cùng ta là ai? Sự yêu hoa mẫu đơn thì thích hợp với mọi người vậy.

4. Phân tích ý nghĩa hoa sen và hình ảnh người quân tử trong tác phẩm

Danh từ “hoa sen”, người Trung quốc không chỉ đọc theo âm Phạn của Ấn Độ cổ đại, mà còn gọi sen là (liên hoa 莲花) tức “hà hoa” 荷花, còn có biệt xưng “phù cừ” 芙蕖, “phù dung” 芙蓉, “hàm đãm” 菡萏 …

Từ “sen” là một từ Hán Việt cổ, bắt nguồn từ cách phát âm trong tiếng Hán thượng cổ của một từ tiếng Hán được viết bằng chữ Hán là “蓮”[5].

Chữ Hán “蓮” có âm Hán Việt hiện hành là liên. William H. Baxter và Laurent Sagart phục nguyên cách phát âm trong tiếng Hán thượng cổ của từ “蓮” là *k.[r]ˤe[n][6].

Trong Thi kinh có câu:

彼泽之陂

有蒲菡萏

(Bên bờ đầm kia,

Có cây lác và hoa sen.)[7]

(Trần phong – Trạch  bi 陈风 – 泽陂)

Đại thi nhân Khuất Nguyên 屈原 trong Ly tao 离骚 cũng đã cao ngâm:

制芰荷以为衣兮

集芙蓉以为裳

Chế kị hà dĩ vi y hề

Tập phù dung dĩ vi thường

(Hái sen súng, cắt manh áo đẹp,

Cắt phù dung may nếp xiêm dài)[8].

Trong một số lượng lớn thơ ca ngâm vịnh hoa sen của các đời, bài Ái liên thuyết của Chu Đôn Di là nổi tiếng nhất.

Bài văn ngắn này có thể chia làm 2 đoạn. Đoạn thứ nhất tác giả miêu tả hoa sen, nói rõ nguyên nhân mà tác giả yêu thích, điểm minh cho ý của đề bài. Bài văn mở đầu với câu “Thuỷ lục thảo mộc chi hoa, khả ái giả thậm phiền”, trước tiên điểm xuất chữ “ái” trong đề mục, nghĩa là yêu, yêu thích. Sau đó trong số các loài hoa của cây cỏ, tác giả nêu ra hai loại danh hoa là cúc và mẫu đơn để làm nền cho hoa sen. Cúc lăng sương ngạo lập, độc bão u hương, được thi nhân đời Tấn là Đào Uyên Minh ưa thích. Mẫu đơn màu sắc tươi đẹp, ung dung hoa quý, từ nhà Đường trở về sau được người đời sùng thượng. Khi tác giả điểm xuất hoa cúc và mẫu đơn đã tiếc mực như vàng, chỉ một bút lướt qua, bao nhiêu còn lại đều đổ dồn vào hoa sen mà tác giả yêu thích.

Hoa sen mọc lên từ bùn mà không nhiễm bẩn, thân tắm gội trong nước trong, đẹp nhưng không lả lơi, ngoại hình trong rỗng ngoài thẳng, không bò lan, không đâm cành, mùi hương thanh khiết thấm nhập tâm can, từ trong nước mọc lên dong dỏng cao, người ta chỉ có thể từ xa ngắm nhìn thưởng thức chứ không thể đến gần nâng niu sờ mó. Ở đây tác giả dùng liền 7 câu, miêu tả phẩm cách đáng quý của hoa sen từ các phương diện và đặc tính khác với những loài hoa khác, có thể nói là hình thần kiêm bị, khác nào như vẽ.

Nếu bút mực của tác giả chỉ nói bao nhiêu đó, thế thì bài văn không thể nào gọi là một áng thiên cổ mĩ văn. Đoạn thứ hai, ngòi bút đã chuyển, lấy hoa để ví người, thâm hoá sự lập ý của văn chương. Tác giả vẫn lấy hoa cúc, hoa mẫu đơn so sánh với hoa sen, đồng thời khoác lên chúng phẩm cách của con người. Theo cách nhìn của tác giả, hoa cúc ngạo sương riêng nở, dường như có ý tránh đời, cho nên gọi cúc là “ẩn dật giả”, chẳng trách hoa cúc được Đào Uyên Minh – người mà được cho là “thiên cổ ẩn dật thi nhân chi tông” yêu thích.

Còn mẫu đơn ung dung hoa quý, thích hợp sống ở những gia đình giàu sang, “nhất tùng thâm sắc hoa, thập hộ trung nhân phú” (Bạch Cư Dị: Mãi hoa), nghĩa là giá tiền một khóm mẫu đơn tươi đẹp, tương đương với tiền thuế một năm của 10 hộ thuộc loại trung bình[9], bách tính bình thường không thể nào với tới, xứng với cái tên “phú quý giả” trong số các loài hoa. Riêng hoa sen là hoá thân của quân tử, kí thác nhân cách lí tưởng của tác giả. Đoạn đầu của bài văn, miêu tả tường tận hoa sen chính là lấy đó làm nền, “Xuất ứ nê nhi bất nhiễm”, đặc tính hoa sen mọc lên từ bùn mà không vấy bẩn, trong Phật giáo tượng trưng cho thanh tịnh. Phật giáo lấy bùn để ví phiền não sinh tử, lấy hoa sen để ví Phật tính thanh tịnh. Sau khi Phật giáo truyền vào Trung Quốc, ý nghĩa tượng trưng thanh tịnh của hoa sen cũng được mọi người tiếp nhận một cách phổ biến.

Như trong Đại Đường tam tạng Thánh giáo tự của Đường Thái Tông có câu: “Liên xuất lục ba, phi trần bất năng ô kì diệp”

(Hoa sen mọc lên từ sóng nước trong, bụi bay không thể làm bẩn lá).

Trong tác phẩm này, Chu Đôn Di đã ví hoa sen như người quân tử giữ vững tiết tháo, không chịu ô uế cùng thế tục. Giống như khi xưa, Mạc Đĩnh Chi khi đứng trước vua Trần Anh Tông đã thể hiện rõ phẩm chất của mình qua bài phú “Ngọc tỉnh liên” (Hoa sen trong giếng ngọc). Bài phú có đại ý vì hoa sen vốn có tiết tháo, thanh cao, không hoa nào sánh được, tuy gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Mặt khác sen được trồng trong giếng ngọc thì càng cao quý.

Mạc Đĩnh Chi như bông hoa sen, dù có phải ở vào hoàn cảnh ô trọc thế nào thì cũng vẫn giữ khí tiết thanh cao.

Tiếp đến là “Bất yêu”, ở đây tác giả ví như tính tình của quân tử không xu mị với đời, người quân tử là người chính trực, ngay thẳng, không vì lợi mình mà xu nịnh với thói đời, dù cho tiền bạc bao nhiêu vẫn không mua được hay sánh bằng bản chất thanh liêm và trong sáng của người, trong Quốc âm thi tập, Nguyễn Trãi đã có bài tự thán rằng:

“Phú quý lòng hơn phú quý danh

Thân hoa tự tại thú hòa thanh

Tiền sen tích để bao nhiêu thúng

Vàng cúc đem cho biết mấy bình”[10].

(Tự thán 13)​

Rồi cho đến, “Trung thông ngoại trực, bất mạn bất chi”, nghĩa là mình nên rỗng ở trong, thẳng ở ngoài, không có sợi ác, không có cành queo. Khắc hoạ tấm lòng thẳng thắn vô tư, không xu phụ quyền thế. “Hương viễn ích thanh”, ví danh tiếng của quân tử vang xa. “Đình đình tịnh thực”, ví quân tử trác việt siêu quần.“Khả viễn quan nhi bất khả tiết ngoạn yên”, khắc hoạ hình tượng “quân tử chi giao đạm như thuỷ” quân tử qua lại với nhau như nước.

Những đặc tính sinh học tự nhiên ấy của sen được ví với những đức tính tốt đẹp cao quý của người quân tử: Ở trong đời mà không nhiễm ô uế của đời, cô đơn mà không bám víu a dua, ngay thẳng, không tham lam, không quỵ lụy, không bè phái, khiêm tốn, liêm khiết, là người đáng tin cậy và có thể giao du lâu dài.

Ở Việt Nam, sen là loài hoa phổ biến thân thuộc, đặc tính “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” cùng hương thơm thanh khiết khiến sen cũng được các quân tử yêu mến, bởi hình ảnh của sen dầu ít được nói đến song vẫn khắc họa rất rõ khí phách của người quân tử. Như Nguyễn Trãi  đã ngợi ca sen rằng:

“Lấm nhơ chẳng bén tốt hòa thanh

Quân tử kham khuôn được thửa danh

Gió đưa hương đêm nguyệt tĩnh

Trinh làm của có ai tranh”[11].

Tác giả lấy hoa sen ví quân tử, tuy chịu ảnh hưởng Phật giáo lấy hoa sen để ví, nhưng cách mượn vật để nói chí này cũng chính là đã kế thừa truyền thống tỉ hứng kí thác “hương thảo” “mĩ nhân” trong thi ca cổ điển Trung Quốc. Cuối cùng từ 3 loài hoa, tác giả liên hệ 3 hạng người yêu hoa, cảm thán rằng: sau Đào Uyên Minh, rất ít nghe nói đến người yêu hoa cúc, ý nói muốn trở thành kẻ sĩ ẩn dật chân chính rất khó, trên đời có không ít người mượn tiếng ẩn sĩ để mua danh cầu tước, tìm con đường tắt để tiến thân. Quân tử yêu hoa sen, trong bài tác giả cũng chính là muốn hỏi đồng đạo của mình ở đâu? Hạng người nhiều nhất trên đời là hạng yêu hoa mẫu đơn, từ đó có thể thấy thói đời tham phú quý, đuổi theo danh lợi. Ý xem thường giàu sang phú quý của tác giả đã thể hiện rất rõ nét trong tác phẩm.

Bút pháp bài văn tinh luyện, chỉ với 119 chữ đã cấu thành một thiên tản văn hàm ý thì sâu xa mà văn tự thì ưu mĩ. Thành tựu nghệ thuật này không thể tách rời nhân phẩm cao thượng của tác giả. Chu Đôn Di một đời điềm đạm vô vi, chán ghét danh lợi thế tục, người đương thời khen ông là “hung trung sái lạc, như quang phong tễ nguyệt”[12], tấm lòng tự nhiên cởi mở, như gió mát trăng trong. Điển hình quân tử mà hoa sen tượng trưng chính là sự thể hiện nhân cách lí tưởng của tác giả vậy.

KẾT LUẬN

Hoa sen là một loài hoa thân thảo, với củ sen được vùi dưới bùn đất, nảy mầm, mọc xuyên qua nước và nở hoa, ra lá ngay trên mặt hồ. Hoa sen không hề bị hút mật bởi các loài ong bướm mà có thể tồn tại riêng biệt từ lúc hoa nở cho đến khi hoa tàn.

Ái Liên Thuyết của nhà Nho đời Tống Chu Đôn Di, Trong bài văn nói về nguyên nhân mà ông yêu thích hoa sen, vì hoa sen mọc nơi bùn lầy mà không nhiễm, đẹp trong sáng mà không yêu mị, còn thân sen trong thông suốt bên ngoài ngay thẳng không bám leo không nhiều cành, hương thơm từ xa càng thanh tịnh chỉ có thể nhìn xa mà không thể bỡn cợt, có phong thái của người quân tử.

“Hoa của thảo mọc trên bờ dưới nước, có nhiều loại để yêu thích. Đào Uyên Minh đời Tấn chỉ yêu hoa cúc, từ thời Đường người đời lại rất yêu mẫu đơn, còn ta chỉ yêu hoa sen vì hoa sen sinh ra từ bùn lầy mà không nhiễm, trong sạch thanh thoát mà không lòe loẹt, bên trong thông suốt bên ngoài thẳng thắn, không rườm rà, hương thơm tỏa ra xa mà nhẹ nhàng, mọc thẳng vút cao mà trong sạch, có thể ngắm từ xa mà không thể khinh nhờn chơi đùa”.

Ông dùng hoa cúc để tượng trung cho ẩn sĩ, dùng mẫu đơn để ví về người giàu sang còn dùng hoa sen để tượng trưng cho người quân tử. Các văn nhân nhã sĩ của Trung Quốc gọi hoa sen là quân tử trong các loài hoa.

Thân sen ngay thẳng từ bùn mà vươn cao khỏi mặt nước, nở hoa tỏa sáng cả một vùng. Khác chi người tu hành cũng phải sửa thân và tâm cho ngay thẳng, “trực tâm tức thị đạo tràng”, nghĩa là giữ tâm ngay thẳng thì dù ở nơi chợ búa ồn ào cũng vẫn thấy như thành đạo tràng thanh tịnh.

Hoa sen tuy thân ngay thẳng nhưng ruột thì trống rỗng. Người quân tử dù thấy nhiều, nghe nhiều nhưng không để ở trong lòng, tâm vô vi thanh tĩnh an nhiên trước mọi thị phi, phiền lụy người đời. Kinh Phật thường dùng hoa sen để ví với các vị Thánh, Phật và Bồ Tát tuy sinh nơi thế gian uế tạp nhưng vô nhiễm với bụi phàm.

Hoa sen thanh thuần trên mặt nước như bậc Thánh giả đã siêu xuất khỏi thế gian ô trọc. Mọi xáo động bon chen người đời như giọt nước trôi tuột trên lá sen không hề đọng lại. Vẻ đẹp trong ngần, làn hương thanh tao sinh ra từ bùn đất. Người tu luyện sống ở thế gian nhưng không dính mắc chấp trước danh lợi tình, trong xã hội người thường lắm điều xấu xa, vẫn giữ gìn giới luật, tu dưỡng phẩm hạnh, nên thân tâm trong sạch, thanh tịnh.

Tác giả: Thích nữ Thiện Tánh
Học viên Ths Khóa V, Học viện PGVN tại Tp.HCM

***

Chú thích
[1] https://vi.wikipedia.org/wiki/Chu_%C4%90%C3%B4n_Di
[2] Theo GS. Đặng Thiều Ngọc (鄧 韶 玉), Cổ văn giám thưởng từ điển (古 文 鋻 賞 辭 典), Thượng Hải Từ Thư xuất bản xã, tr. 1255.
[3] Hàn Triệu Kỳ – bản dịch Cao Tự Thanh, “Trung Quốc cổ đại đích ẩn sĩ”  – NXB Trẻ, tr. 11.
[4] Phạm Diệp soạn, Hậu Hán Thư- Quyển 83 Dật dân liệt truyện 73, Trung Hoa thư cục, thế kỷ V.
[5] William H. Baxter và Laurent Sagart, Old Chinese: A New Reconstruction, Oxford University Press, 2014. ISBN 9780199945375, tr. 163.
[6] William H. Baxter và Laurent Sagart, Old Chinese: A New Reconstruction, sđd, tr. 163.
[7] https://www.thivien.net/Kh%E1%BB%95ng-T%E1%BB%AD/Tr%E1%BA%A1ch-bi-3/poem-2twGNW13USotToYWI4soKg
[8] https://www.thivien.net/Khu%E1%BA%A5t-Nguy%C3%AAn/Ly-tao/poem-lRoe60dlSbBq5oc1ZRJWhQ
[9] https://www.thivien.net/B%E1%BA%A1ch-C%C6%B0-D%E1%BB%8B/T%E1%BA%A7n-trung-ng%C3%A2m-k%E1%BB%B3-10-M%C3%A3i-hoa/poem-_4gk5x-gykPP-i6yeC1YUQ
[10] Nguyễn Trãi, Quốc Âm thi tập, tham khảo tại: https://baithohay.com/nguyen-trai-voi-tap-tho-quoc-am-thi-tap-tap-tho-nom-bat-hu-p1.html. Truy cập ngày 5/9/2022.
[11] Nguyễn Trãi toàn tập, Hoa sen,  NXB Khoa học Xã hội, 1976.
[12] Câu này của Hoàng Đình Kiên 黄庭坚 thời Bắc Tống khen tặng Chu Đôn Di.

Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Trãi toàn tập, Hoa sen, NXB Khoa học Xã hội, 1976.
2. Theo GS. Đặng Thiều Ngọc (鄧 韶 玉), Cổ văn giám thưởng từ điển (古 文 鋻 賞 辭 典), Thượng Hải Từ Thư xuất bản xã, tr. 1255.
3. Hàn Triệu Kỳ – bản dịch Cao Tự Thanh, “Trung Quốc cổ đại đích ẩn sĩ” – NXB Trẻ, tr. 11.
4. Phạm Diệp soạn, Hậu Hán Thư- Quyển 83 Dật dân liệt truyện 73, Trung Hoa thư cục, thế kỷ V.
5. https://www.thivien.net/Kh%E1%BB%95ng-T%E1%BB%AD/Tr%E1%BA%A1ch-bi-3/poem-2twGNW13USotToYWI4soKg
6. https://www.thivien.net/Khu%E1%BA%A5t-Nguy%C3%AAn/Ly-tao/poem-lRoe60dlSbBq5oc1ZRJWhQ
7. https://www.thivien.net/B%E1%BA%A1ch-C%C6%B0-D%E1%BB%8B/T%E1%BA%A7n-trung-ng%C3%A2m-k%E1%BB%B3-10-M%C3%A3i-hoa/poem-_4gk5x-gykPP-i6yeC1YUQ
8. Nguyễn Trãi, Quốc Âm thi tập,
Tham khảo tại: https://baithohay.com/nguyen-trai-voi-tap-tho-quoc-am-thi-tap-tap-tho-nom-bat-hu-p1.html. Truy cập ngày 5/9/2022.
9. https://vi.wikipedia.org/wiki/Chu_%C4%90%C3%B4n_Di

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường