Dòng chảy văn hóa Việt Nam từ xa xưa đã tồn tại hình bóng Ông Bụt (Buddha), Phật bà trong những câu chuyện kể dân gian, qua từng giọng hát câu hò, vốn đã ăn sâu trong ký ức người Việt.

Thiền sư Mãn Giác - tác giả bài thơ Nhớ chùa đã có lời đúc kết về hình tượng Phật giáo tồn tại trong lòng bao người con đất Việt với vẻ đẹp:

“ Mái chùa che chở hồn dân tộc,

     Nếp sống muôn đời của tổ tông”.

Ảnh: Internet

Qua đó có thể khẳng định, Phật giáo và dân tộc Việt Nam đã thăng trầm trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Những tư tưởng, giáo lý Phật giáo đã tồn tại trong suy nghĩ của người Việt với mối quan hệ gắn bó, mật thiết.

Phật giáo với những giá trị tinh thần to lớn như: Từ bi, bình đẳng, cứu khổ, cứu nạn sớm đi vào lòng người, bởi phù hợp với phong tục tập quán của người dân Việt Nam.

Nguồn gốc và sự du nhập của Phật giáo vào Việt Nam

Phật giáo là tôn giáo lớn trên thế giới, có nguồn gốc từ Ấn Độ. Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, khoảng thế kỷ thứ II, qua đường biển và đường bộ. Phật giáo có ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa, tư tưởng và đời sống tinh thần người Việt. Văn học Phật giáo, bao gồm cả văn học dân gian và truyền miệng, chứa đựng những giá trị lớn về trí tuệ, nhân văn và nghệ thuật.

Hình tượng Bụt trong truyện cổ dân gian là biểu tượng đại diện cho: lòng từ bi, bác ái, lòng nhân ái vô bờ bến. cùng với đó là sự thể hiện của sức mạnh siêu nhiên, khả năng giúp đỡ người nghèo khó, bất hạnh. Hành trình công lý, lẽ phải, trừng trị kẻ ác, bảo vệ người thiện.

Ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo tới văn học dân gian Việt Nam

Trong văn học dân gian Việt Nam, thường xuất hiện trong hình dáng một ông già (ông Bụt) hiền từ, phúc hậu. Đó là hình ảnh giản dị của đức Phật được hình tượng hóa trong đời sống nhân dân thời kỳ đầu khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam.  Hình tượng được miêu tả trong các tác phẩm một cách bình dị với những thần thông, khả năng biến hóa, luôn giúp đỡ người gặp khó khăn, hoạn nạn.

(Ảnh: Internet)

Một số truyện cổ dân gian tiêu biểu có hình tượng Bụt, trong truyện Tấm Cám. Bụt hiện lên giúp Tấm vượt qua khó khăn, thử thách. Bụt là biểu tượng của công lý, trừng trị mẹ con Cám độc ác. Hay trong chuyện Sự tích cây khế, Bụt hiện lên giúp người em nghèo khó, hiền lành có được cuộc sống ấm no. Bụt trừng trị kẻ tham lam, độc ác là người anh. Trong chuyện Thạch Sanh; Thánh Gióng... Bụt giúp Thạch Sanh có được sức mạnh, trí tuệ để chiến đấu chống lại cái ác. Bụt là biểu tượng của chính nghĩa, lòng dũng cảm.

Ý nghĩa của hình tượng Bụt trong truyện cổ dân gian

Hình tượng Bụt hay Phật bà thể hiện ước mơ của người dân Việt. Qua những câu chuyện, cho thấy người dân ước mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn, công bằng hơn. Ước mơ về xã hội công bằng, bình đẳng, nơi cái thiện thắng cái ác. Đặc biệt, Giá trị nhân văn mang lại cho người đọc ở những câu chuyện cổ tích là tinh thần đề cao lòng nhân ái, từ bi, giúp đỡ lẫn nhau. Khuyên con người sống hướng thiện, tránh xa điều ác. Để lại những bài học quý báu với nhiều thế hệ, từ đó dường như hình thành kim chỉ nam sống qua nhiều thế hệ: ở hiền gặp lành, ác giả ác báo. Sống, cần có lòng nhân ái, giúp đỡ người khác.

So sánh hình tượng Bụt trong truyện cổ dân gian với hình tượng Phật trong Phật giáo

Hình tượng Bụt trong truyện cổ dân gian là một biểu tượng đẹp, mang đậm giá trị nhân văn. Qua đó, chúng ta thấy được những ước mơ, khát vọng của người Việt về cuộc sống tốt đẹp hơn, góp phần giáo dục đạo đức, định hướng lối sống.

Hình tượng Bụt trong truyện cổ dân gian và hình tượng Phật trong Phật giáo đều thể hiện những giá trị về đạo đức và tinh thần tốt đẹp, nhưng khác nhau ở cách thể hiện, chức năng, góc độ ứng xử và bối cảnh văn hóa.

Bụt là một biểu tượng gần gũi, thân thiện, hiện diện trong văn hóa dân gian Việt Nam, trong khi Phật là hình ảnh thiêng liêng, biểu trưng cho cốt lõi các triết lý giác ngộ trong đạo Phật.

Tác giả: Đồng Thiện (Nguyễn Hữu Duyên)

Học viên cao học tại Học Viện Phật  Giáo Việt Nam tại Huế, Khóa 2 - chuyên ngành văn học Phật Giáo.

Tài liệu tham khảo:

[1]. Viện Văn học, Trung tâm KHXH&NV Quốc gia (2002), Tổng tập văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam, Truyện cổ dân gian, tập 2, NXB Đà Nẵng, Đà Nẵng.

[2]. Tạ Chí Đại Trường (2006), Thần, người và đất Việt, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội.

[3]. Lê Văn Siêu (1993), Nếp sống tình cảm của người Việt Nam, NXB Mũi Cà Mau, Cà Mau.

[4]. Thích Chơn Thiện (1999), Phật học khái luận, NXB Thành Phố Hồ Chí Minh.

[5]. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Ban Hoằng Pháp Trung Ương (2013), Phật học cơ bản (toàn tập), NXB Hồng Đức, Hà Nội.

[6]. Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Khoa học xã hội Việt Nam (2009), Tổng tập văn học dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam, tập 16: truyện cổ tích thần kỳ, truyền thuyết, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.

[7]. Viện nghiên cứu Văn hóa (2009), Tinh hoa văn học dân gian người Việt, Truyền thuyết dân gian người Việt 5 quyển, NXB Khoa học Xã hội.