Ý nghĩa cầu an đầu năm

Một năm cũ đi qua với bao vất vả, nặng nhọc, lo âu phiền muộn. Năm mới đến, lòng người tràn đầy ước mơ, hy vọng và chan chứa niềm tin vào cuộc sống mới mẻ hơn, sáng sủa hơn. Đó là tâm trạng chung của tất cả chúng ta khi đối diện với cuộc sống.

Thật vậy, không thời gian nào lòng người sâu lắng, nhẹ nhàng bằng những ngày đầu năm. Giờ phút ấy, tự bản thân của mỗi người quanh ta, từ suy nghĩ đến hành động của họ một mực giữ gìn không tạo ra những điều xấu, ác trong những ngày thiêng liêng ấy để người ta có một năm mới suông sẻ mọi điều.

Người Việt Nam chúng ta có truyền thống giữ gìn như thế, vô hình trung họ đã hiểu và thực hiện một cách rất tự nhiên về đạo lý nhân quả, nghiệp báo. Tránh suy nghĩ và hành động những điều xấu, ác để một năm mới gặp được những quả ngọt, điều lành cho cuộc sống bình an hạnh phúc.

Ý nghĩa cầu an đầu năm là gì?

Vấn đề cầu an, giải nghiệp trong đạo Phật đáp ứng những suy nghĩ và việc làm của người con Phật chân chính kể từ khi Phật giáo hiện hữu với dân tộc. Vậy vấn đề cầu an vào những ngày đầu năm là một sinh hoạt chính đáng và phù hợp với nhu cầu tâm linh trong cuộc sống đời thường của người phật tử.

Và trong những hoàn cảnh đặc biệt như gia đình có người gặp hoạn nạn, ốm đau hoặc phải đối phó với những khó khăn thì việc tiến hành lễ cầu an, cần có một nghi thức, làm một số Phật sự, một số việc thiện để mong đạt được những mục đích như được phúc, tránh họa, v.v… là điều cần thiết đối với mọi người.

Đạo Phật thuyết minh đạo lý nhân quả là định luật chi phối cuộc sống của mọi người. Nhưng đạo Phật cho rằng, quy luật nhân quả không diễn tiến một cách máy móc. Hành động thiện của từng cá nhân, và hành động thiện của tập thể; cộng với sức mạnh gia hộ của chư Phật, Bồ-tát, các vị thiện thần có thể đem lại kết quả tiêu trừ tai nạn, tội lỗi cho người mong cầu đạt được mục đích cầu an thực sự. Nhận thức về hiệu quả của nghi thức cầu an như vậy, không có gì mâu thuẫn với đạo lý nhân quả của Phật giáo.

Tất nhiên điều kiện tiên quyết cho một nghi thức cầu an có kết quả là đương sự, người xin cầu an và thân thuộc của đương sự phải có nhận thức đúng đắn về giáo lý nhân quả.

Nói về đạo lý nhân quả, kinh Phật có dạy:

“Giả sử bách thiên kiếp, sở tác nghiệp bất vong, nhân duyên hội ngộ thời, quả báo hoàn tự thọ”.

Như thế, tai nạn đến với gia đình, thân thuộc bà con của chúng ta không phải là một sự kiện ngẫu nhiên mà nó là kết quả tất yếu của một hành vi xấu, ác nào đó đã tạo trước đây trong cuộc sống hiện tại, hay trong nhiều kiếp trước giờ đây đã đến lúc chín muồi, chứ đâu phải do thần linh nào giáng xuống.

Vì vậy, chính đương sự và gia đình thành tâm sám hối, bỏ ác làm lành trong giờ phút cầu an ấy, khẩn thiết chí thành cầu sự gia hộ của chư Phật, Bồ-tát và các thiện thần; đồng thời làm nhiều việc tốt cho đời, cho đạo như phóng sanh, bố thí, cúng dường Tam bảo… và phát nguyện hồi hướng công đức của những thiện sự, Phật sự đó để cho đương sự và gia đình tai qua nạn khỏi và khả năng tiêu tai, giảm tội mới có hiệu quả chắc chắn.

Mỗi người trong chúng ta sinh ra đời là do nghiệp lực đã gây tạo. Nếu là nghiệp thiện thì thọ quả báo ở kiếp này có thân tướng đầy đủ, đời sống vật chất tương đối dồi dào, tinh thần thoải mái hạnh phúc. Nếu tạo nhiều nghiệp ác thì đời này có quả tướng không hoàn hảo, đời sống vật chất thiếu thốn, tinh thần không an ổn, kém hạnh phúc.

Nghiệp lực có sức chiêu cảm rất mạnh mẽ, lôi kéo, dẫn sinh vào thế giới an lạc hay khổ đau. Nghiệp lực của thời quá khứ định hình cho cuộc sống hiện tại của mỗi người. Chính sức mạnh của nghiệp ác quá khứ đã đem lại tai nạn cho bản thân hay gia đình trong hiện tại. Thế nhưng, các việc làm hiện nay như Phật sự, lễ cầu an đều là nghiệp thiện, lành có sức mạnh tiêu tội lỗi, giảm tai ương.

Đây là một câu chuyện cổ được ghi lại nhằm minh họa cho ý nghĩa này: có chú tiểu học đạo với thiền sư trên núi, mười mấy năm trời chăm chỉ công phu, tinh tấn tu hành. Một hôm, thiền sư, sau phút nhập định thấy được nghiệp nhân thọ mạng của chú tiểu không còn bao lâu nữa. Thiền sư bèn gọi chú tiểu vào bảo rằng sáng nay thầy cho phép con về nhà thăm cha mẹ, con hãy vâng lời thầy mau lên đường kẻo trễ.

Chú tiểu có phần ngạc nhiên, nhưng không thể không vâng lời thầy, bèn khăn gói xuống làng, thầy trò giã biệt. Còn lại một mình trên núi cao, thiền sư vừa thương xót, vừa thầm cầu nguyện cho người học trò vắn số, mà tuổi đời còn đang phơi phới kia.

Hết thời gian cho phép, chú tiểu sau khi về thăm cha mẹ và gia đình, lại khăn gói trở về am, vào vái chào vị Thầy khả kính. Thiền sư lấy làm ngạc nhiên. Qua mấy phút hỏi han thân tình, ngài vào nhập định như thường ngày. Sau giờ tọa thiền, gọi đệ tử lại với vẻ vui mừng, thiền sư bảo: “Từ nay con hãy tinh tấn hơn nữa, căn mạng con đã chuyển hóa, thọ mạng rất lớn”.

Thì ra trong thiền định, thiền sư thấy được trên đường xuống núi, chú tiểu đã cứu sống đoàn kiến hàng vạn con đang bị dòng nước cuốn trôi. Nhờ đó mạng sống của chú tiểu đã vượt qua yểu mệnh, tuổi thọ tăng trưởng.

Ở trên, có đề cập đến sự gia hộ của chư Phật, Bồ-tát và các vị thiện thần. Nói như vậy có mâu thuẫn với chủ thuyết của đạo Phật hay không?

Nên hiểu rằng, đạo Phật nói không có một đấng thần linh tối cao, sáng tạo ra thế giới vũ trụ nầy, định vị ý hướng của mình qua mọi việc trong thế gian này… đạo Phật bác bỏ quan niệm về một đấng thần linh tối cao như vậy, nhưng đạo Phật thừa nhận có chư Phật và Bồ-tát là những bậc đã giác ngộ và giải thoát, thường xuyên gia hộ cho chúng sanh, hướng dẫn chúng sanh bỏ ác làm lành, tiến lên con đường giác ngộ giải thoát.

Đồng thời, đạo Phật cũng thừa nhận có nhiều vị thiện thần che chở, gia hộ cho những người quy y tam bảo, tinh tấn trong việc giữ giới mà mình đã thọ, những người thường xuyên làm việc lành, việc thiện. Nhìn vào đời sống thường ngày trong xã hội, chúng ta có thể liên tưởng được điều đó.

Ở đời, những người sống chuẩn mực nghiêm túc, đúng với đạo lý, những người thường cứu giúp kẻ khác, làm những việc hữu ích cho xã hội thì luôn được xã hội trọng thị, thương kính và bảo vệ. Kinh Phật còn nói một cách cụ thể rằng với những người đã quy y tam bảo, làm điều lành, việc thiện thường xuyên có 25 vị thiện thần hộ trì, che chở.

Nói tóm lại, quả báo ác mà ta phải gánh chịu là do chính ta tạo nhân từ quá khứ. Cho nên cầu an hay nói cho đủ là cầu an giải nghiệp, hay cầu an đoạn nghiệp, chủ yếu của nghi thức này là chính đương sự và cả gia đình phải thành tâm sám hối, nguyện bỏ ác làm lành, nguyện làm theo nhiều Phật sự và thiện sự như phóng sanh, bố thí, cúng dường… hồi hướng công đức ấy cho được tai qua nạn khỏi.

Trong kinh Phật thường dạy:

“Tội từ tâm khởi

Vận tâm mà sám hối

Tâm đã sám hối rồi

Tội kia liền tiêu tan

Tội tiêu, tâm tịnh thảy đều không

Ấy mới thật là chơn sám hối”

Và đức Phật thường dạy: “Nếu vì vui mà bố thí, sau quyết định được an vui”, tâm niệm này đã đi vào truyền thống sinh hoạt trong dịp lễ hội, nhất là Tết, ngày xuân của người Phật tử nói riêng và người dân Việt Nam ta nói chung, thường chuẩn bị tiền mới, tiền mệnh giá nhỏ để bố thí cho những người kém may mắn hơn ta trong đời thường.

Thường tình không hiểu đạo lý nhân quả, nghiệp báo của đạo Phật, người ta tin rằng mạng sống của mình do thần linh đặt để, định đoạt theo ý của thần, nên mỗi người mang sẵn một vì sao chiếu mạng do thần sai sử, nên đầu năm thường lo sợ, xin dâng sao giải hạn. Đạo Phật như trên đã trình bày, bác bỏ thuyết định mệnh và thuyết túc mệnh.

Đạo Phật lấy thuyết nhân quả nghiệp báo giải thích về quan niệm nhân sinh và vũ trụ. Nhận thức về sức mạnh dẫn dắt của nghiệp do tâm tạo tác, nên một khi giải trừ được nghiệp, đoạn trừ được nghiệp do tâm ăn năn sám hối thì tai họa sẽ vơi đi hoặc được tiêu tan.

Cầu an giải nghiệp đầu năm có một ý nghĩa vô cùng sinh động và thực sự lợi lạc, vì ngoài tự thân của mỗi người cầu an lắng lòng sám hối những nghiệp ác của mình mà họ còn được sức gia hộ độ trì của chư Phật, Bồ-tát, chư Tăng, của các thiện thần và toàn thể pháp hội mà trong kinh Phật gọi những gia lực này là bất khả tư nghì, nghĩa là công năng, uy lực của nó là không thể nghĩ bàn hay luận giải được.

Lễ cầu an đoạn nghiệp được tổ chức vào đầu năm tại các chùa, là nơi có cảnh trí yên tĩnh càng tăng thêm tính hiệu quả cho nội dung tổ chức lễ nghi. Đức Phật Dược Sư Quang Vương Như Lai với hạnh nguyện cứu khổ độ sanh, giải trừ ách nạn, tật bệnh cho chúng sanh, nên đàn cầu an đầu năm cũng gọi là đàn Dược Sư.

Đầu năm mới, với niệm mong cầu an lạc cho mọi người con Phật, tôi xin nhắc nhở toàn thể Phật tử chúng ta luôn luôn tâm niệm điều này: đạo Phật quý nhất ở chỗ tâm, miễn là giữ được tâm thiện, lòng thành thì việc cầu an đoạn nghiệp mới đem lại hiệu quả mong muốn. Còn như tâm đã không thiện, lòng đã không thành thì kết quả chẳng bao giờ có được như mong muốn.

Thực hiện đúng như thế, chúng ta sẽ tạo được một môi trường nhân văn đúng với tinh thần Phật giáo, sao cho cuộc sống tâm linh ngày một tiến bộ, chóng đạt đến giác ngộ và giải thoát. Đó là phương châm đúng đắn nhất để góp phần xây dựng một môi trường sống lành mạnh và tốt đẹp như đức Phật đã dạy.

Tôi xin nhắc lại bài 121 và 122 của kinh Pháp cú để kết thúc một cách vô cùng ý nghĩa và mong Phật tử ghi nhớ:

“Chớ coi thường điều ác

Cho rằng chưa đến mình

Như nước nhỏ từng giọt

Rồi bình cũng đầy tràn

Người ngu chứa đầy ác

Do chất chứa từ từ

Theo Phatgiao.org.vn