Phật giáo là một tôn giáo minh triết vừa xuất thế vừa nhập thế, ra đời trên 2600 năm qua vì con người và để phụng sự con người. Giáo lý Phật giáo đã đem đến cho nhân loại những phương pháp sống đẹp, sống thiện, sống chân và sống hướng thượng.
Một trong những phương diện trong kho tàng giáo pháp đồ sộ mà đức Phật đã giảng thuyết và sau này các Thánh đệ tử trùng tuyên và tiếp tục quảng diễn, cho cả hàng tại gia cư sĩ, góp phần xoa dịu nỗi đau cho nhân loại và góp phần làm cho gia đình được an vui hạnh phúc, xã hội được phồn vinh thịnh vượng là những lời dạy về xây dựng hạnh phúc gia đình.
Do đó, trong buổi nói chuyện hôm nay, chúng tôi xin chia sẻ đề tài “XÂY DỰNG HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH THEO QUAN ĐIỂM PHẬT GIÁO”.
1. Chung thủy với nhau
Một gia đình có hạnh phúc bền vững, hiển nhiên, lệ thuộc vào nhiều yếu tố, song yếu tố chung thủy, theo nhà Phật là yếu tố tiên quyết để có được một hạnh phúc bền vững. Từ xưa cho đến nay, biết bao gia đình có điều kiện vật chất, nhà lầu xe hơi, tiện nghi đầy đủ, quyền cao chức trọng, nhưng đôi khi bên trong gia đình ấy lại thiếu vắng tiếng cười và cuộc sống trở nên ngột ngạt vì chồng hoặc vợ của gia đình ấy đã có hình ảnh “người thứ ba” xen vào.
Để ngăn chặn, hạn chế những khổ đau có thể gây ra cho gia đình, nhiều nhà tôn giáo đã đưa ra giới điều, khuyên răn, ngăn cấm người đệ tử tại gia có “nhị tâm”, ngược lại nên sống hết lòng chung thủy trước sau với người phối ngẫu của mình.
Đức Phật, bậc minh triết giác ngộ ở Ấn Độ khi xưa đã dạy người cư sĩ tại gia phải giữ năm giới cấm, trong đó có giới thứ ba là “không tà dâm”, nghĩa là không được phép quan hệ tình dục với người không phải là vợ hoặc chồng của mình.
Điều này đã trở thành một giới điều căn bản của một người cư sĩ tại gia, dù theo truyền thống Nam hay Bắc tông Phật giáo, hay bất cứ tông phái nào thuộc Phật giáo xuất hiện sau Phật nhập Niết-bàn.
Giới thứ ba “cấm tà dâm” này nếu một khi vi phạm thì 4 giới còn lại có thể được xem là bị tổn hại. Vì một khi vợ hoặc chồng không còn chung thủy thì người kia đã vi phạm giới thứ tư “không nói dối”, hay nói cách khác là không còn chân thật. Một khi vi phạm giới thứ ba “cấm tà dâm” cũng có nghĩa là người ấy phạm giới “cấm trộm cắp” thứ hai, vì người ấy đã đánh cắp tình yêu và tình nhân của ai đó mà vốn là mình không được quyền hưởng.
Một khi vi phạm giới thứ ba cũng có nghĩa là vi phạm giới thứ năm “cấm uống rượu và sử dụng các chất gây nghiện”, vì vụng trộm trong tình dục là một thứ nghiện ngập, mà rất ít người đủ tỉnh táo thoát ra trước sự cám dỗ mê hoặc của nó. Một khi vi phạm giới thứ ba “cấm tà dâm” này cũng có nghĩa là vi phạm giới thứ nhất “cấm sát sinh”, vì người ấy đã vô tình làm cho vợ/ chồng (người yêu thương của mình) bị tổn thương, và có thể dẫn đến cái chết, chết dần chết mòn vì khổ đau, hoặc phải tự tử quyên sinh.
Do đó, một người vi phạm giới thứ ba “cấm tà dâm” cũng có nghĩa là người ấy đánh mất nhân cách của mình, đánh mất lương tri và phá vỡ mọi thứ tốt đẹp nhất mà xã hội tôn trọng. Vì vậy, người phật tử phải tuyệt đối sống chung thủy với vợ hoặc chồng của mình, không nên vì sự yêu thích nhất thời mà đánh mất nhân phẩm và tương lai của mình.
2. Kính trọng lẫn nhau
Kính trọng lẫn nhau là một nhân phẩm cần phải có để nuôi dưỡng hạnh phúc gia đình. Thông thường, sống chung lâu ngày, vợ/ chồng sẽ phát hiện ra nhược điểm của nhau, và do đó sinh tâm ỷ lại, đánh mất lòng tôn kính đối với người hôn phối của mình.
Trong Kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt (số 31) thuộc Trường Bộ Kinh, đức Phật dạy cho cư sĩ Thi-ca-la-việt (Singala), người chồng đối với vợ và vợ đối với chồng trong mọi ứng xử, phải biết tương kính nhau. Người chồng thường có tâm lý xem nhẹ nhân phẩm phụ nữ, và chính vì vậy, đức Phật nhấn mạnh đến việc tương kính trong mối quan hệ tình cảm này. Đây là điểm hết sức độc đáo trong cái nhìn của đức Phật về mối quan hệ bình đẳng giữa nam và nữ.
3. Có trách nhiệm với nhau
Trách nhiệm với nhau là một phạm trù đạo đức nhân văn. Mỗi người đều có những bổn phận trách nhiệm nhất định phải hoàn thành để cuộc sống gia đình được ổn định, thịnh vượng và hạnh phúc. Người ra ngoài tạo kinh tế cho gia đình thì người ở nhà phải giáo dục con cái,..chăm lo mái ấm gia đình.
Đó là nếp sống của ngày xưa. Ngày nay, vợ và chồng hầu như đều đi làm để tăng nguồn thu nhập, do đó, khối lượng công việc của vợ và chồng ở công ty và ở nhà hầu như đồng đẳng, và thực tế hiện nay có trường hợp người vợ có năng lực hơn người chồng, nên công việc tại cơ quan nhiều hơn.
Vì vậy, người vợ hoặc chồng nên quan tâm thời gian và công việc của nhau để trợ giúp trong điều kiện có thể. Không nên nghĩ rằng việc bếp núc, giặt giũ áo quần, dọn dẹp nhà cửa là công việc dành riêng cho người vợ, của người nội trợ. Người chồng lý tưởng là người chồng biết san sẻ công việc, sướng khổ có nhau, dù đó là nấu cơm, rửa bát, quét nhà... Có làm những việc như vậy, vừa làm gương giáo dục con cái, mà cũng là cách thiết lập mối quan hệ tình cảm giữa vợ và chồng mặn nồng và sâu sắc hơn.
4. Thấu hiểu và cảm thông
Có thấu hiểu mới cảm thông. Có cảm thông, ắt sẽ có thấu hiểu. Hai phẩm chất này hòa quyện thành một thể thống nhất. Bộ não rất cần trái tim, và trái tim cũng rất cần bộ não để cân đối cho nhau. Nếu một trong hai người (vợ hoặc chồng) không cảm thông và thấu hiểu người bạn đời của mình, thì tình yêu và hôn nhân rất mong manh, dễ đổ vỡ. Ngược lại, có thấu hiểu để cảm thông cho những bất toàn của nhau, ắt hẳn cuộc sống sẽ tươi mát và nhẹ nhàng hơn.
Có thấu hiểu, người chồng hoặc người vợ mới biết những nhu cầu của đối phương, dù đó là vấn đề tâm lý hay sinh lý. Ví dụ, mua sắm và trang điểm là một trong những sở thích mà hầu hết người phụ nữ đều có. Người đàn ông không nên quá keo kiệt, không tạo điều kiện cho người vợ của mình mua sắm đồ trang sức khi cần thiết.
Do đó, khi xưa đức Phật rất tâm lý khi dạy cho gia chủ Thi-ca-la-việt là một nam cư sĩ ở gia đình nên biết sắm sửa những trang sức và mỹ phẩm cho người vợ thân yêu của mình khi cần thiết (Kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt, số 31), nhờ đó hạnh phúc được bền vững lâu dài.
Không những vậy, khi chưa đến với nhau, họ chỉ thấy những chiều kích tốt đẹp của đối phương. Khi về nhà sống chung, họ phát hiện ra những bất toàn của nhau. Nếu không biết cảm thông cho những bất toàn của người phàm phu, luôn lấy mình làm hệ quy chiếu, ắt hẳn sẽ tạo nên sự bức bách và khổ đau cho nhau. Do đó, thấu hiểu để tha thứ và cảm thông; cảm thông để thấu hiểu hơn đối phương của mình, ắt sẽ tạo dựng hạnh phúc lớn lao cho gia đình lâu dài.
5. Chồng không gia trưởng, vợ luôn nhẹ nhàng
Gia trưởng là một tính cách tiêu cực của người đàn ông, nhưng lại rất phổ biến. Họ tự cho mình có quyền quyết định mọi vấn đề hoặc phần lớn vấn đề trong gia đình. Họ không cần hỏi ý kiến của người bên cạnh, nhất là người vợ từng chia ngọt sẻ bùi. Điều này dẫn đến không những họ thiếu tôn trọng vợ mà còn đánh mất cơ hội tham khảo ý kiến phản biện thông minh của người vợ.
Từ ngày xưa, đức Phật đã thấy rõ khả năng nhận thức, tiềm năng lãnh đạo và quản lý của người phụ nữ, nên Ngài dạy cho Thi-ca-la-việt là người chồng nên biết “giao quyền cho vợ”. Nếu một người đàn ông có đức tính này, ắt hẳn sẽ không bao giờ độc tài, gia trưởng, và càng không bao giờ bạo hành đối với phụ nữ.
Ngày nay, nạn bạo hành trong gia đình xuất phát từ sự khinh rẻ người phụ nữ, hoặc tính khí gia trưởng của người đàn ông do ảnh hưởng nền văn hóa trọng nam khinh nữ của Trung Hoa dẫn đến nhiều vấn nạn gia đình và xã hội đáng tiếc đã xảy ra.
Đối với người phụ nữ, đức Phật khuyên nên mềm mỏng, nhẹ nhàng, dịu ngọt (ái ngữ) đối với người đàn ông (Kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt, số 31). Sự dịu dàng của người vợ đối với chồng vừa là thể hiện nữ tính vốn cần có của một người phụ nữ nói chung, và người vợ nói riêng. Dĩ nhiên, sự dịu ngọt (ái ngữ) này không chỉ người phụ nữ mới cần có, mà cần có trong mọi đối tượng. Tuy nhiên, người vợ đối với chồng lại cần hơn ai hết, vừa thể hiện được nhu mì, nhẫn nại, khôn khéo mà còn là nghệ thuật “hạ nhiệt” đối với “tính hỏa” của giới mày râu.
Ngày nay do áp lực công việc và thiếu học hỏi xây dựng nhân cách bản thân và hạnh phúc gia đình, nhiều người đàn ông vẫn có thói gia trưởng đối với vợ và con, và người vợ đôi khi lại thể hiện tính khí tự ái, hoặc “bản lĩnh” cứng rắn thái quá của mình. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến đổ vỡ hạnh phúc gia đình.
6. Nuôi nấng và dạy dỗ con cái đúng cách
Khi lập gia đình, phần lớn đều có con cái. Con cái dù gái hay trai đều là hoa trái của tình yêu. Đừng vì quá thích con trai, đừng vì nối dõi tông đường mà xem nhẹ hoặc bỏ bê con gái, đánh mất hạnh phúc gia đình. Phật dạy con nào cũng được, miễn là chúng hiếu thảo đối với cha mẹ, là một người con đúng nghĩa.
Đức Phật không hề có quan niệm “trọng nam khinh nữ” như quan niệm của Trung Quốc “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” ảnh hưởng bởi truyền thống Nho giáo hoặc như các khối Trung Đông thời Trung Cổ chuộng con trai vì tương lai họ là những chiến binh, phục vụ cho các cuộc xâm lăng tranh giành lãnh thổ.
Một đứa con được sinh ra, ắt hẳn là niềm vui lớn của mẹ cha. Từng ngày tháng chúng lớn khôn là từng ngày tháng niềm vui của cha mẹ được nhân lên. Tuy nhiên, theo thời gian, chúng bị ảnh hưởng tác động bởi xã hội và tập nhiễm thói hư tật xấu. Chúng trở nên bắt đầu khó dạy và thể hiện cái tôi, tính cách ngang bướng... Trong trường hợp này, bậc làm cha mẹ phải kiên nhẫn và từ ái, tìm các biện pháp thích hợp để dạy dỗ con cái vượt qua giai đoạn nửa trẻ nhỏ nửa người lớn này. Đó là một giai đoạn cực kỳ khó khăn đối với trẻ.
Nếu gia đình có một đứa con hư hỏng, chắc chắn gia đình ấy không thể có hạnh phúc, an vui. Thay vì nhất thời nóng nảy, la rầy, mắng chửi hoặc đánh đập con cái, chúng ta nên bình tâm tìm phương cách giảng dạy và nhắc bảo cho hợp tình, hợp lý, hợp thời để cảm hóa. Không nên dạy con trước mặt bạn đồng lứa, gây tổn thương lòng tự trọng, để lại sang chấn tâm lý mặc cảm cho con trẻ. Đó là cả một nghệ thuật kỳ vĩ mà bậc làm cha mẹ đều phải để tâm mới có thể thực hiện tốt vai trò của mình.
Kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt (Trường Bộ Kinh, số 31), đức Phật dạy bậc làm cha mẹ phải có 5 bổn phận đối với con cái: “Ngăn chận con làm điều ác; khuyến khích con làm điều thiện; dạy con nghề nghiệp, cưới vợ xứng đáng cho con; đúng thời trao của thừa tự cho con”. Đây là 5 điều căn bản của bậc làm cha mẹ đối với con cái, chúng không phải là tất cả, nhưng chúng có thể được xem là tiêu chuẩn tối thiểu để bậc cha mẹ dựa vào đó làm thước đo cho cuộc sống của mình.
Nói đến cách dạy con, cha mẹ phải là người có lý trí và thương con mới dạy con nên người. Tùy vào trường hợp của mỗi trẻ mà cha mẹ có cách giáo dục khác nhau. Có cháu ngoan hiền, dễ dạy; có cháu hiếu động ngang bướng, v.v... Nói cách khác, bất cứ điều nào có thể gây sự tổn hại cho con về sức khỏe và tinh thần đều cần phải ngăn chận, điều nào có lợi cho con về phương diện sức khỏe và tinh thần thì tích cực “truyền lửa” và hỗ trợ.
Không những vậy, cha mẹ cần hướng nghiệp cho con đúng với sở thích, sở trường của các cháu để đảm bảo cuộc sống vật chất và niềm vui khi làm việc.
Trong bổn phận làm cha mẹ này, Phật còn dạy cha mẹ phải “cưới vợ / chồng xứng đáng cho con”. Trong một nghĩa bao quát, “cưới vợ/ chồng xứng đáng” là tìm người có phẩm chất đạo đức để gia đình của con có được cuộc sống bình yên và hạnh phúc lâu dài. Điều cuối cùng của 5 bổn phận này là “chọn đúng thời điểm giao gia sản cho con cái” để chúng gìn giữ và phát triển làm ăn.
Nói tóm lại, con cái là tài sản vô giá đối với cha mẹ, là kết quả hoa trái của tình yêu. Nếu gia đình chỉ đạt được những chỉ số về vật chất mà quên đi sự thành tựu con cái, gia đình ấy chắc chắn không thể hạnh phúc.
Để có được một gia đình trong ấm ngoài êm, lớn nhỏ đều hạnh phúc, không những cha mẹ biết cách giáo dục con cái nên người, mà đức Phật còn dạy cho gia chủ Thi-ca-la-việt về phận làm con cái cũng nên thực thi 5 bổn phận để cha mẹ được hạnh phúc:
1) Người con phụng dưỡng cha mẹ;
2) Người con làm những công việc, bổn phận trong gia đình chu đáo;
3) Người con bảo vệ gia đình và truyền thống quý báu của gia đình;
4) Thừa tự tài sản của cha mẹ một cách chính đáng;
5) Làm tang lễ đúng cách khi cha mẹ qua đời
(Kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt, số 31 thuộc Trường Bộ Kinh).
Nói tóm lại, cha mẹ được hạnh phúc an vui không những tùy thuộc vào cha và mẹ trong mối quan hệ trực tiếp, mà con cái góp phần không nhỏ cho hạnh phúc gia đình thêm bền vững.
7. Sống hòa ái trong đại gia đình
Ngày xưa, tình trạng “mẹ chồng nàng dâu” hoặc “em chồng chị dâu” thường là một vấn đề “đau đầu” của xã hội. Biết bao gia đình sống dở chết dở vì tình trạng mẹ chồng nàng dâu không thuận thảo, hoặc em chồng chị dâu có những mâu thuẫn trong quá trình cọ xát của cuộc sống.
Đôi khi vì nghiệp ái sâu xa, người mẹ hoặc người chị, người em đã cảm thấy hụt hẫng khi người con trai cưng/anh trai/em trai quý của mình lập gia thất. Trong sâu thẳm ấy, nàng dâu là người “đánh cắp vật báu” của gia đình, từ đó âm thầm sinh ra mâu thuẫn, bất hòa trong gia đình không có lời giải và không có hồi kết.
Không những vậy, một khi đã về nhà cha mẹ chồng, có thể có những trường hợp bất đồng chánh kiến và bất đồng về cách sống trong gia đình chồng, từ đó nảy sinh mâu thuẫn, dẫn đến “chiến tranh” bằng binh khí “miệng lưỡi” hoặc “chiến tranh lạnh” trong gia đình bé nhỏ chỉ với 4-5 thành viên, hoặc trong một đại gia đình 20-30 thành viên trở lên.
Trong trường hợp này, vợ chồng nên tìm cách ra riêng để tự giải thoát những mối quan hệ trói buộc phức tạp này. Nếu không có cách nào khác, người vợ trong gia đình ấy nên học cách nhẫn nhịn để “lùi một bước trời cao bể rộng” hoặc “một câu nhịn chín câu lành” và tìm cách hóa giải bằng tình thương yêu, hy sinh, tận tụy.
Theo quan điểm nhà Phật, quá trình mâu thuẫn, xung đột xảy ra ắt có nguyên nhân. Người trí đi tìm nguyên nhân ấy và giải quyết tận gốc rễ của nó. Cách tốt nhất để giải quyết mâu thuẫn và bất hòa này là tự thân của người trong cuộc nên học chữ “nhẫn nhịn” và “hòa ái”. Luôn có thái độ khiêm cung, nhã nhặn và tử tế dù trong hoàn cảnh nào.
Quá trình “nhẫn nhịn” có khi bức bối khó nhịn nổi, nhưng vì tình cảm và hạnh phúc cả đời đối với gia đình của mình, người vợ/chồng nên biết chấp nhận. Sau những nỗ lực hòa giải bằng thân hành từ ái, khẩu hành từ ái, ý hành từ ái, tức là hành động, lời nói, và ý nghĩ của người vợ hoặc chồng trong gia đình luôn luôn thể hiện sự hiền hòa, mát mẻ, nhẹ nhàng và hiểu biết, cuối cùng hy vọng sẽ có cục diện tốt đẹp hơn.
8. Cùng một niềm tin và nhận thức
Đối với cặp đôi có cùng tín ngưỡng, cùng một tôn giáo, cùng một quan điểm, cùng một chủ nghĩa, khuynh hướng nhận thức tương đồng thì rất thuận lợi trong quá trình xây dựng hạnh phúc gia đình. Nếu chồng bảo A mà vợ nói B, với thời gian chẳng bao lâu, chắc chắn sẽ có mâu thuẫn trong gia đình.
Ví dụ, ngày cô vợ đi tham dự một lễ lạc thuộc một truyền thống tôn giáo nào đó, chồng không ủng hộ hoặc ngược lại, chắc chắn âm thầm sẽ gây nên sự bất hòa và dần dần đi đến tình cảm bị đổ vỡ hoặc nguy cơ bị thay thế bởi hình ảnh và tình cảm khác.
Do đó, trước khi đến với nhau, nên tìm hiểu cho kỹ về niềm tin và nhận thức của đối phương để xác định cặp đôi có thể hòa hợp với nhau về lâu dài hay không?
Kinh Phật dạy, có sáu phương diện hòa hợp, đó là hòa hợp về hành động (thân hòa đồng trú), hòa hợp về lời nói, ngôn luận (khẩu hòa vô tránh), hòa hợp về ý chí (ý hòa đồng duyệt), hòa hợp về kỷ luật, nguyên tắc sống (giới hòa đồng tu), hòa hợp về quan điểm (kiến hòa đồng giải), và hòa hợp trên lợi tức (lợi hòa đồng quân). Nếu thực hiện được sự hòa thuận trên sáu nguyên tắc vàng này, ắt hẳn cuộc sống sẽ ấm êm, hạnh phúc biết bao.
Do đó, việc hòa hợp về niềm tin và quan điểm là điều hết sức cần thiết. Trong trường hợp, nam nữ thương nhau mà khác truyền thống tôn giáo, tự thân nên có sự thương thảo quan điểm và nên bày tỏ quan điểm một cách rõ ràng trước khi đến với nhau. Hai bên nên tôn trọng tín ngưỡng của nhau, không nên cưỡng ép cách này hoặc cách khác, bắt người khác theo tín ngưỡng của mình, khiến cho lòng tự trọng và niềm tin bị tổn thương, dẫn đến khả năng có thể chia tay.
Trong trường hợp, hai người vì thương nhau mà vượt lên trên rào cản của tôn giáo và quan điểm sống của gia đình, thì sau khi đến với nhau nên tôn trọng quan điểm của nhau. Không nên cho rằng tôn giáo mình có quyền nắm giữ chân lý và hãy để người bạn đời của mình có quyền suy tư và niềm tin về đường lối mà vị ấy đang theo.
9. Làm ăn chân chính và có cùng nghề nghiệp
Mỗi cặp vợ chồng nếu có công ăn việc làm ổn định, đời sống kinh tế vững vàng, thì dễ tạo điều kiện cho niềm vui hạnh phúc gia đình được thăng hoa, mặc dù vật chất chỉ là dịch vụ tạo nên sản phẩm hạnh phúc, tự thân nó không phải là hạnh phúc. Tuy nhiên, nếu quá nghèo khổ và túng thiếu, hạnh phúc sẽ dễ đổ vỡ.
Do vậy, để đảm bảo hạnh phúc, hai bên đều phải nỗ lực tạo ra tài sản, để duy trì và phục vụ cho những nhu cầu tối thiểu của ăn, mặc, ở, bệnh. Nhưng nếu quá trình tạo ra của cải tài sản vật chất mà vi phạm pháp luật hoặc gây những tội ác, ắt hẳn cuộc sống gia đình không thể hạnh phúc, vì chồng hoặc vợ có thể bị vào tù ra tội, hoặc bị nghiệp báo bủa vây với những tai bay họa gió...
Nếu một trong hai người có nghề nghiệp bất chánh, có nguy hại cho gia đình và xã hội như như buôn bán hàng quốc cấm, buôn bán xì ke, ma túy, thuốc lắc, vũ khí,... hoặc làm các nghề tổn hại đến sự sống của chúng sinh như đồ tể, đao phủ, giết tù nhân; hoặc làm các nghề gây tổn hại đến hạnh phúc gia đình của người khác như kinh doanh nhà thổ, thanh lâu... hoặc gian tham, bòn rút tiền bạc của nhà nước, hoặc tiền của có được do hối lộ tham ô... hoặc bảo kê, đâm thuê chém mướn của những băng đảng xã hội đen...
Các hình thái nghề nghiệp này tự thân chúng tạo nên một xung lực bất thiện đến bản thân, mà còn gây khổ báo cho thân nhân gia đình trong hiện tại và tương lai.
Chúng ta có thể khẳng định, một trong những yếu tố góp phần không nhỏ cho hạnh phúc gia đình là nghề nghiệp ổn định và lành mạnh, và trong điều kiện cho phép, hai vợ chồng đều làm chung ở một nơi để dễ cảm thông và chia sẻ nặng nhọc cho nhau, ắt sẽ tạo nên tình cảm thắm thiết hơn.
Ngày nay, xã hội phát triển, nam nữ trước khi đến với nhau có thể làm các ngành nghề khác nhau, do đó tuy đã thành hôn rồi, nhưng vì do tính chất công việc, nên mối quan hệ giao tiếp và thời gian làm việc có khác biệt, dẫn đến tình trạng dễ tha hóa về mặt đạo đức thủy chung, “ông ăn chả, bà ăn nem” là một thực trạng phổ biến đáng lưu ý và đáng buồn của xã hội ngày nay.
Do đó, nhà Phật dạy một người cư sĩ tại gia nên chọn cho mình một nghề chân chính, dù nghề đó có lam lũ, nhưng là chân chính vì chính bàn tay và khối óc của mình tạo ra của cải vật chất. Đồng thời, hai vợ chồng nên làm chung một công việc hoặc cùng một công ty, cùng một khu vực làm việc, từ đó dễ tạo nên sự cảm thông và bảo vệ hạnh phúc cho nhau.
10. Vài lời kết
Ngày nay xã hội biến động với muôn hình vạn trạng sắc thái khác nhau trong hôn nhân: Chồng hoặc vợ ngoại tình, chồng ngoại tình khi vợ mới sinh con, chồng thất nghiệp và bạo lực, chồng hoặc vợ đam mê cờ bạc hoặc nghiện ngập, chồng có thói gia trưởng, chồng/ vợ có máu “hoạn thư”, chồng/ vợ tự ty mặc cảm khi thất bại và bệnh tật, chồng/ vợ lập quỹ đen, chồng/ vợ không thỏa mãn nhu cầu tình dục, ly hôn rồi hợp hôn, tái hôn v.v... đã trở thành vấn nạn của xã hội.
Biết bao gia đình tưởng chừng như hạnh phúc chắp cánh bay xa và bay cao, nhưng rồi cánh gãy cành lìa, cuộc sống tan vỡ và khổ đau từng phút, sống còn khổ hơn chết.... Tất cả đều xuất phát từ lòng ích kỷ cá nhân, tham dục không giới hạn, không biết cách tự kiềm chế và điều tiết bản thân, không biết sống vì chồng/ vợ, con cái và người thân.
Không những vậy, một số vấn nạn khác như áp lực công việc, áp lực của các mối quan hệ đối tác trong xã hội trong quá trình làm ăn, tình trạng con trẻ khi sinh ra bị bệnh tật, bệnh down, bệnh tự kỷ, con bỏ nhà đi bụi, cha mẹ quá chạy theo danh vọng mà không còn thời gian chăm sóc cho con, con cái bị ảnh hưởng bởi những thói hư tật xấu của xã hội, bị áp lực trong khi thi cử, bị mặc cảm khi bị thua sút với bạn bè...
Tất cả những điều đó làm nên mối bất an trong cuộc sống gia đình từ lúc vừa cưới với nhau đến khi tuổi bóng xế về chiều.
Trong phạm vi bài nói chuyện hôm nay, chúng tôi chỉ nêu ra 9 điểm then chốt nhất mà thiết nghĩ gia đình nào cũng nên quan tâm để tạo dựng hạnh phúc cho bản thân, gia đình và xã hội. Mỗi người trong gia đình được hạnh phúc, gia đình mới được hạnh phúc. Mỗi gia đình được hạnh phúc, xã hội mới được an vui. Được như vậy, đất nước mới được thái hòa, thịnh trị.
Cầu chúc cho tất cả chúng ta và chúng sinh luôn sống trong sự an bình và hạnh phúc của thiện nghiệp, chân chính và giải thoát.
(Bài chia sẻ tại Tọa đàm với chủ đề: “Gia đình là nền tảng hạnh phúc gia đình” tại Học viện Thánh Anphongsô của Tỉnh Dòng chúa Cứu thế, Bình Quới, Bình Thạnh, TP. HCM, ngày 20/5/2017).
Tác giả: TK Giác Hoàng Nguồn link: https://daophatkhatsi.vn/phat-giao-cac-nganh/phat-giao-va-dao-duc-hoc/xay-dung-hanh-phuc-gia-dinh-theo-quan-diem-phat-giao.html Để cập nhật những thông tin, kiến thức Phật giáo nhanh và chính xác nhất, theo dõi Tạp chí Nghiên cứu Phật học trên các nền tảng Facebook, Website, Youtobe
Bình luận (0)