Tác giả: Thích Nữ Bảo Giác Học viên Ths Khóa IV, Học viện PGVN tại Tp.HCM
A. DẪN NHẬP
Phật giáo từ khi du nhập vào đất Việt, như một sự hòa quyện nhịp nhàng đến rất đỗi gần gũi, thân thương qua lời kể của bà, của mẹ, trong những câu chuyện cổ tích Tấm cám, Thạch sanh, Cây Khế...
Chẳng biết từ bao giờ, thiện ác vẫn luôn là hai mặt tách rời nhau, được phân định rõ ràng, in hằn trong tâm khảm người dân Việt. Hình ảnh ông Bụt, bà Tiên luôn là sự cứu rỗi cuối cùng cho một câu truyện kể cần hồi kết. “Thiện” là điểm cuối cùng, mà cả một hệ thống dân tộc đều gửi gắm đến, để rồi Tấm được hạnh phúc, mẹ con Cám bị trừng phạt, Lý Thông phải trả giá...
Thời đại mới ngày nay, với khoa học kỹ thuật dần khiến cho nhận thức con người có phần thay đổi, tuy không hoàn toàn bỏ đi truyền thống hiền thiện của một dân tộc, nhưng đồng thời cũng tiếp nhận văn hóa phương Tây mà tạo nên một vài tư duy mới cần suy ngẫm.
Giữa bối cảnh đó, lịch sử Phật giáo cũng kế thừa tầm ảnh hưởng mới, mang tính thời đại. Đó là cái nhìn một vấn đề theo hướng đa chiều và toàn diện đầy khách quan. Mọi nhận thức truyền thống của xã hội dần hội nhập với một thế giới mới, diện mạo mới với cái tên “thế giới phẳng”. Có chăng, điều này cũng đã được bàng bạc trong giáo điển của đức Phật, qua những bài kinh mà bao hàm ý nghĩa sâu xa, cần có thời gian nghiền ngẫm, áp dụng cuộc sống, để Đạo không xa với đời. Cùng tìm hiểu về nhân vật Đề Bà Đạt Đa, so sánh giữa hai bối cảnh xưa và nay, đặt để trong một không gian phẳng nhìn nhận, để hiểu ra lời dạy thâm áo của đức Thế Tôn.
B. NỘI DUNG
1. Đề Bà Đạt Đa - khởi xướng ly giáo
Lịch sử đức Phật, khi nhắc tới là có vô số đầu sách đã kể, nhưng hầu hết đều tuân thủ sự chân thật, mang giá trị thời gian đáng trân trọng. Vốn lẽ, từ khi đức Phật xuất thế với những bước chân đi ngược dòng đời, chỉ ra lộ trình riêng khác biệt với ngoại đạo, nên vấp phải không ít sự chỉ trích, chê bai cho đến hãm hại. Dưới lăng kính Phật giáo, mọi sự vật hiện tượng đều được nhìn nhận ở mọi mặt để đưa tới sự toàn vẹn nhất. Ba la đề mộc xoa còn có tên là biệt giải thoát, kinh điển chỉ dạy tu phần nào được an vui từng đó, như ba xe cứ đi cũng sẽ đến, như cơn mưa nhuần thấm đều đem đến sự nuôi dưỡng cho cây, bất kể lớn nhỏ, như dược thảo cứ cứu sống thân mạng là thuốc hay... cho đến rốt ráo quả Phật mới được gọi là toàn mỹ, vi diệu. Đề Bà Đạt Đa cũng vậy, một nhân vật chịu danh kẻ ác, được ấn định qua vô số việc làm bất thiện trong con mắt hậu thế, được lưu lại trong hầu hết Tam tạng.
“Đề Đà Đạt Đâu (提婆達兜), tên thường đọc là Đề Bà Đạt Đa. Pāli: Devadatta”[1] dù tên gọi có khác những bản chất, phẩm tính của nhân vật vẫn cố hữu tồn tại trong khái niệm “ác”.
“Thưa Tôn giả, Devadatta có khởi lên ý muốn như sau: “Ta sẽ lãnh đạo chúng Tăng”[2]. Thời Phật tại thế, trong mười hai năm đầu, chúng Tăng vô sự, dưới sự dìu dắt trí tuệ của Phật mà có người đệ tử như Đề Bà, muốn thay Phật thống lĩnh là điều hy hữu, ngạc nhiên. Nếu điều đó đối với một phàm nhân thì không có gì đáng lưu tâm, nhưng với Phật - Bậc Toàn Tri, Toàn Giác lẽ nào không biết tương lai mọi sự sẽ có ngày như vậy?
Vì xuất thân dòng dõi vua, là anh em với Phật nên cũng đủ biết phúc đức, việc đầu thai của ông trong vương cung, không phải chuyện dễ luận bàn, sự phát tâm Bồ đề ban đầu khiến ông tinh tấn. Nhưng chỉ bởi đó chưa phải là cứu cánh giải thoát, vẫn còn bị buộc ràng của sinh tử, luân hồi, lại chưa thật sự điều phục được tâm, vẫn bị thức sai khiến, giữa ngổn ngang của tham, sân, si: “Đề Bà Đạt Đa (Devadatta) thân có ba mươi hai tướng mà không nhẫn phục tâm mình, chỉ vì ham được lợi dưỡng cúng dường mà gây tội lớn, nên phải sa vào địa ngục trong khi đang còn sống”[3].
Ngoài trích đoạn Kinh điển thì Luật tạng cũng có vài điều lệ được đặt ra, nguyên nhân bắt nguồn cũng từ ông: “Điều saṅghādisesa đến vị Tỳ khưu chia rẽ hội chúng và không chịu dứt bỏ với sự nhắc nhở đến lần thứ ba đã được quy định tại đâu? - Đã được quy định tại thành Rājagaha.
Liên quan đến ai? - Liên quan đến Devadatta.
Về sự việc gì? - Trong sự việc ấy, Devadatta đã ra sức cho việc chia rẽ hội chúng hợp nhất”[4].
Dưới con mắt của Bậc Chính Biến Tri, mọi điều khúc mắc đều được giải đáp, chỉ tùy theo mức độ nhận, hiểu của chúng sinh mà Ngài phương tiện chỉ dạy. Như trong Kinh Lăng Nghiêm, đức Phật đưa cánh tay lên, chúc tay xuống để ví dụ, thế gian đảo điên nên có phân biệt, còn Phật, sống cùng bản thể, căn nguyên của tất thảy, nên gọi là “tri kiến Phật”.
Xuyên suốt cả bảy quyển Kinh Pháp Hoa, đều thể hiện tâm nguyện của đức Thế Tôn khi đau đáu chỉ một lòng “khai - thị - ngộ - nhập” cũng không ngoài mục đích.
2. Tiền đề cho Phật giáo tương lai
Câu chuyện nhỏ, đạo lý lớn, hay đọc chuyện xưa, tỏ chuyện nay, đều có những ý nghĩa sâu sắc, mà tác giả muốn gửi gắm đến hậu thế. Thế gian còn vậy, thì Phật giáo lẽ nào lại chỉ bàn suông ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai mà không có thực chứng, thực nghiệm.
Ngang qua vài trích lược trong kinh điển ghi chép về hoa báo và kết quả của Đề Bà không sai chạy “Đề Bà Đạt Đa vì phóng dật nên sẽ bị đọa lạc rất cực khổ, chắc chắn đến chỗ ác, sinh vào địa ngục, ở đấy trọn kiếp, không thể cứu vớt”[5]. Giai đoạn khủng hoảng khoa học kỹ thuật ngày nay, Phật giáo có hiệu ứng lan tỏa rộng, rất nhiều hình ảnh đại diện Phật giáo ở mọi hình thức đã và đang được “kích hoạt” để câu view. Chùa tháp khi xưa là nơi thể hiện lòng tôn kính, thì giờ lại được mang ra để bôi nhọ vì những hành động của một số trường hợp mạo danh Thích tử.
Đức Phật dạy “Có năm hạng người xuất gia sống Phạm hạnh cùng một tâm nguyện giải thoát khỏi khổ đau, vượt ngoài sự chi phối của sinh già chết”[6]. Vị trí thống lĩnh Tăng đoàn mà Đề Bà đòi Phật giao cho, có thể với ông là quyền lực, tòa cao nhưng đức Phật trước khi nhập Niết Bàn cũng chỉ một lòng khuyên bảo chúng đệ tử: “Các người hãy tự thắp đuốc lên mà đi...Nhưng những ai có chút thông minh và hiểu biết hơn, hãy dè dặt và đừng tự thỏa mãn hoặc tự kiêu hãnh một cách mù quáng”[7]. Không thể kiếm tìm một nền giáo dục vô cùng hòa bình, an lạc nào khác ngoài giáo pháp. Mọi quyền lực, thế lực, tài vật đều phải cúi đầu trước sự từ bi và trí tuệ của Bậc “chiến thắng chính mình”.
Trong đời sống, sự nghiệp, những chướng ngại, khó khăn chẳng phải chính là những bậc thầy tôi luyện nên ý chí sắt đá, tâm hồn mạnh mẽ, kiên cố trước sóng gió, phong ba. Con đường tu hành gian truân vất vả, đã là gì khi đọc đến câu:
Vui trong tham dục, vui là khổ. Khổ để tu hành, khổ ấy vui.
Bậc Chủng Trí xác quyết, Đề Bà là “thiện tri thức” trên con đường thành đạo, nếu không có Đề Bà, thì những hạnh nguyện, những kiên cố của Phật lấy gì để hiển bày. Cho nên, thiện ác chỉ là hai mặt của một hiện tượng, như con số nằm ngang, người nhìn ra số “6” hay người nhìn ra số “9” không thể vì chỗ thấy biết của mình mà khởi lên tranh cãi bất dứt. Nếu đặt mình ở vị trí người khác, thì có phải mọi sự biện bác, ganh ghét hơn thua đều sẽ không còn quan trọng hay không? Áp dụng trong đời sống, thì hình ảnh nhân vật có khắp mọi nơi, ở mọi chỗ, với chính mỗi người chúng ta, chứ không riêng gì Phật giáo. Ảnh hưởng truyền thông ngày nay, trước những vấn nạn đó, đều đã được đức Thiện Thệ chỉ dạy, giải đáp từ hơn 2000 năm trước, nhưng hiện tại, dùng tri kiến nào, lại là việc của những người tu hành Thích tử nên chọn lựa. Sự a dua mang tính si mê, ba phải cũng cần lên án, bởi tự hỏi chính bản thân đã đủ định tĩnh chưa; hay đổi lại là sự nóng vội, làm anh hùng bàn phím, đòi quyết đấu một phen, trên báo chí, mạng internet, có thật sự là giải pháp tốt nhất?: “Này các Tỳ kheo, nếu có người hủy báng Ta, hủy báng Pháp hay hủy báng Tăng, các người chớ có vì vậy sinh lòng công phẫn, tức tối, tâm sinh phiền muộn. Này các Tỳ kheo, nếu có người hủy báng Ta, hủy báng Pháp hay hủy báng Tăng, và nếu các ngươi sinh lòng công phẫn, tức tối, tâm khởi phiền muộn, thời như vậy sẽ có hại cho các ngươi”[8].
Nhân quả rõ ràng không thể vì duyên lý gì có thể che đậy, chạy trốn, không vì quyền thế, danh lợi, tiền tài mua chuộc, vậy cớ sao, chúng ta ngày nay lại cứ tự lạm thay nhân quả để phê phán, chỉ trích. Ẩn thân dưới hình thức tốt, đại diện công lý, trừng trị kẻ ác không phải việc mà phàm phu có thể hiểu thấu, thay vào đó hãy tự kiểm điểm, kiềm chế bản thân, tĩnh lặng, an nhiên trước những biến cố cuộc đời.
“Nếu nói Đề Bà Đạt Đa đã tạo việc ác trong vô lượng kiếp thì phải chịu quả báo ở địa ngục suốt vô lượng kiếp, vậy tại sao lại được cùng ở chung một chỗ với Như Lai? Nếu cùng ở chung một chỗ với Như Lai thì nên biết đấy chẳng phải là người xấu ác. Nếu Đề Bà Đạt Đa thật sự là người xấu ác, thế tại sao lại được hòa hợp cùng với Như Lai”[9]? Lật ngược vấn đề khi bàn về nhân vật, trong kinh điển Đại thừa, đã phần nào trả lời những câu hỏi mà Nikaya hay A hàm chưa đề cập đến. Phật giáo không nói tới những cao xa, huyễn hoặc mà tập trung lấy con người làm chủ thể trung tâm, vì sự giải thoát khổ đau nên trung đạo về thiện - ác. Chuyển hóa là có thể, nhưng ác chiêu mời ác, thiện cảm đến thiện hay thiện ác cân phân, cùng tồn tại không tách rời như câu nói “mây tầng nào gặp mây tầng đó”.
Ngày nay, khi được đi ngắm nhìn Tứ động tâm, mấy ai không ước vọng được sinh vào thời đức Phật tại thế để được ngay một đời tu tập thành tựu, được đích thân Phật thụ ký. Nên biết có thể đó là hạnh nguyện hộ trì của riêng Đề Bà Đạt Đa chính là một vị đại trượng phu. Từ khía cạnh này, Đề Bà là hiện thân nghịch cảnh, thử thách sự kiên định của chúng Tỳ kheo trước những cám dỗ vật chất, hay lời mời gọi của những kẻ báng phá Phật pháp cũng chính là sự cảnh tỉnh cho hậu thế. Chỉ với nhân vật Đề Bà cũng đã đủ nói lên về những hiện tượng ngày nay, điển hình nổi cộm như Tịnh thất Bồng Lai dưới hình thức tu sĩ, nhưng không tuân thủ giới đức, cho rằng không cần thụ giữ Ngũ giới mà chỉ cần yêu thương, chia sẻ và giúp đỡ. Sự khuôn phép thiền gia được coi là thanh quy chốn tùng lâm được thay thế bằng một hệ thống gia đình có truyền nối khiến chúng ta cùng nhìn lại về lịch sử Phật giáo. Đức Phật thành đạo, mới về quê hương độ cho quyến thuộc phát tâm xuất ly, mong cầu giải thoát chứ không vì lợi dưỡng, cúng dường mà lôi kéo thân nhân. Giác ngộ như Phật còn cẩn trọng khi thụ ký cho Tỳ khiêu ni Ma Ha Ba Xà và Da Du Đà La. Hình ảnh Đề Bà là lời cảnh tỉnh vô cùng sâu sắc, từ lời nói, việc làm, tiếp biến nội tâm cho thế hệ Tăng, Ni trẻ, khi đứng trước thời kỳ phát triển để cho thấy từ việc khởi xướng ly giáo đến vai trò “hộ pháp” của ông đối với Phật giáo cần được làm rõ.
Dù là đệ tử xuất gia hay tại gia, đều nhân danh phật tử, một thái độ hòa bình luôn được tán dương, không phân biệt, đều là chúng sinh cần giúp đỡ, phù trợ. Tất cả mọi bàn tính của nhân vật đã được Phật hóa giải trong phút chốc, từ sự thống lĩnh Tăng đoàn đến việc thành lập giáo hội riêng, giới luật nghe qua tưởng chừng ưu việt hơn cả hệ thống giáo điều mà đức Phật đã chế định. Phật giáo càng tĩnh lặng giữa biến động thịnh suy, càng cho thấy sự thẳm sâu của biển pháp. Những việc có hại đến lợi ích chung, đức Phật luôn thẳng thắn không câu nệ vì đó là kẻ thân người sơ. Với trí thông minh sẵn có, ông ta xoay qua một mưu toan có vẻ hòa bình hơn, tức yêu cầu đức Phật ban hành thêm năm điều giới luật nữa cho người xuất gia gồm:
1. Tỳ kheo phải sống trọn đời trong rừng. 2. Tỳ kheo trọn đời phải đắp y phấn tảo (Pamsukùla y may bằng những mảnh vải lượm ở các đống rác hoặc ở nghĩa địa). 3. Tỳ kheo trọn đời phải ngủ dưới gốc cây. 4. Tỳ khưu phải sống đời du phương khất thực, không được nhận sự cúng dường. 5. Tỳ kheo trọn đời không được ăn thịt cá.
Thấy điều này, Ngài đã từng giảng đúng sai cho các Tỳ kheo nghe rồi, sẽ không ai hành theo yêu cầu của Devadatta, và với lòng từ bi, đức quảng đại khoan dung bao la, Đức Phật tuyên bố rằng: “Các đệ tử được tự do hành động về năm điều này, ai muốn áp dụng theo Đề Bà Đạt Đa hay theo Ngài cũng được. Cuối cùng không vị nào theo, về sau trước khi nhắm mắt, ông ta vô cùng ăn năn hối cải và mong muốn yết kiến đức Phật. Nhưng rốt cuộc đã không còn cơ hội nhân duyên được gặp một lần cuối cùng, nên Đề Bà Đạt Đa đọc câu kinh quy y Phật. Điều này cho chúng ta thấy, đối với những người chống đối, mưu toan phá hoại, đức Phật dùng phương pháp giáo dục hữu hiệu để họ quay về với Tam bảo mà không bị thương tích”[10].
Hy sinh làm kẻ ác, chịu người đời phỉ báng chê bai để chúng nhân thấy được giáo pháp Từ bi, Trí tuệ là phương cách Đề Bà Đạt Đa đã làm, vừa mang nghĩa cảnh tỉnh đời sau, Thích tử nếu không nhất nhất vì sự giải thoát có thể cũng sẽ sơ chân, sảy bước đi lạc lối mà chiêu vời ác báo khổ đau, vừa gửi gắm đến thế gian một quan kiến mới về sự viên mãn vượt không gian thời gian chỉ có thể tìm được ở đạo Phật. Thế giới bao hàm nơi hạt cải thì trong mỗi sự đều soi bóng có Ta, như nhìn nhân vật Đề Bà phá Phật, tự giương oai, lập hội riêng cũng chính là hành động của bản thân chúng ta trong đời sống tu tập.
C. KẾT LUẬN
Phật giáo kiện toàn từ những điều đơn giản. Mỗi chi tiết trong cuộc đời đức Thích Ca đều chỉ lối cho nhân sinh quay về nẻo thiện. Mục đích xuất hiện nơi thế gian vì khai thị ngộ nhập nhận thức của chư Phật, thay chỗ cho chấp niệm ngu si. Không buộc ràng tư tưởng xấu ác của nhân vật Đề bà - Đạt đa thì chúng ta sẽ có cơ hội nhìn thấy khía cạnh ứng hợp với tương lai thế giới.
Chỉ dừng lại hình ảnh Đề bà ở một mệnh đề ly giáo, phá hòa hợp tăng, chia rẽ chúng nhân, thì tội không nhỏ, nghiệp không lường, nhưng điều đó đã là việc của nhân quả không tới lượt hậu nhân phán xét. Điều đức Thế tôn muốn chỉ dạy ở đây là ý nghĩa nhân vật như duyên để hành giả thực tu có cái nhìn sáng suốt, trí tuệ, không chấp mắc nơi ngôn từ, hình thái. Từ nhân vật, một mẫu hình thiện tri thức mới ra đời, xóa nhòa đi cột mốc phân tranh thiện – ác đưa đến một vai trò không nhỏ cho thế hệ sau hiểu đúng. Qua đó, có những ứng dụng đời sống phù hợp trước những biến cố xấu tốt đều có thể là điều cần xảy đến để nhắc nhở, cảnh tỉnh, khai thị của vô sư trí muốn gửi bức thông điệp đến tự thân.
Tác giả: Thích Nữ Bảo Giác Học viên Ths Khóa IV, Học viện PGVN tại Tp.HCM ***[1] Tiểu Tạng Thanh Văn - Dịch Việt: Thích Đức Thắng - hiệu chính và chú thích: Tuệ Sỹ, Tăng Nhất A Hàm tập 1, 11. Ph 1 Bất Hoàn, trang 139. [2] Thích Minh Châu dịch, Kinh Tăng Chi Bộ 2, chương V Năm Pháp X. Phẩm Kakudha, trang 508. [3] Thích Thiện Siêu, Luận Đại Trí Độ 1, Giải Thích Phẩm Tựa Đầu - Chương 24: Giải Thích Sằn Đề Ba La Mật & Giải Thích Sằn Đề BaLaMật Pháp Nhẫn, trang 567. [4] Tỳ kheo Indacanda, Tập Yếu Tập 1, Đại Phân Tích - 1. Phần Quy Định Tại Đâu, trang 16. [5] Hán Dịch: Tam Tạng Tăng Già Đề Bà, Việt dịch: Tuệ Sỹ, Kinh Trung A Hàm Tập 1, 112. Kinh A Nô Ba, trang 833. [6] Thích Minh Châu, “Đạo đức Phật giáo & Hạnh phúc con người”, Đại kinh ví dụ lõi cây, trang 214 [7] Thích Minh Châu, “Đức Phật - nhà đại Giáo dục” , Giải phóng và giải thoát, trang 172 [8] Thích Minh Châu dịch, Kinh Trưng Thí - 2013, 1. Kinh Phạm Võng, trang 16. [9] Thích Tịnh Hạnh, Đại Tập 49 - Bộ Niết Bàn III - Số 376 ->396, Kinh Đại Phương Đẳng Vô Tưởng - Quyển IV - Phần I: Đại Vân, trang 1033. [10] Ban Giáo Dục Tăng Ni TW, Hội Thảo Khoa Học: Giáo dục Phật giáo - Định hướng & Phát triển, Giáo dục PG: Nền giáo dục hoàn thiện nhân loại, trang 71.
TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Thích Minh Châu dịch (1996), Kinh Tăng Chi Bộ 2, chương V Năm Pháp X. Phẩm Kakudha, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh. 2. Thích Minh Châu dịch (2013), Kinh Trường Bộ - 2013, 1. Kinh Phạm Võng, Tôn giáo, Hà Nội. 3. Thích Minh Châu (2002), Đạo đức Phật giáo & Hạnh phúc con người, Đại kinh ví dụ lõi cây, Tôn giáo, Hà Nội. 4. Thích Minh Châu (2005), Đức Phật - nhà đại giáo dục, Giải phóng và giải thoát, Tôn giáo, Hà Nội. 5. Thích Nguyên Chứng biên soạn (2011), Pháp Diệt Tránh, III. Đề Bà Đạt Đa, Phương Đông. 6. Tỳ kheo Indacanda (2014), Tập Yếu Tập 1, Đại Phân Tích - 1. Phần Quy Định Tại Đâu, Tôn Giáo, Hà Nội. 7. Thích Tịnh Hạnh (2000), Đại Tập 49 - Bộ Niết Bàn III - Số 376 ->396, Kinh Đại Phương Đẳng Vô Tưởng - Quyển IV - Phần I: Đại Vân, Hội văn hóa giáo dục Linh Sơn Đài Bắc - Taiwan. 8. Thích Tịnh Hạnh (2000), Đại Tập 49 - Bộ Niết Bàn III - Số 376 - 396, Kinh Đại Phương Đẳng Vô Tưởng - Quyển IV - Phần I: Đại Vân, Hội văn hóa giáo dục Linh Sơn Đài Bắc - Taiwan. 9. Thích Nữ Diệu Không, Luận Đại Trí Độ Tập I, Quyển 11. Phẩm thứ nhất Tiếp theo: - Xá Lợi Phất - Đàn Ba La Mật (Bố Thí Ba La Mật). a- Nghĩa của Bố thí Ba La Mật. b- Tán thán nghĩa Bố thí Ba La Mật c- Tướng của Bố thí Ba La Mật d- Pháp thí Ba La Mật. 10. Hòa thượng Giới Nghiêm (2010), Mi Tiên vấn đáp, 232. Về cây đại thụ, Văn Học - Hà Nội. 11. Thích Thiện Siêu (2001), Luận Đại Trí Độ 5, Giải thích thẩm ba Tuệ thứ 70, Viện nghiên cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh. 12. Thích Thiện Siêu (1997), Luận Đại Trí Độ 1, Giải Thích Phẩm Tựa Đầu - Chương 24: Giải Thích Sằn Đề Ba La Mật & Giải Thích Sằn Đề Ba La Mật Pháp Nhẫn, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh. 13. Thích Phước Sơn (2010), Một số vấn đề giới luật, 7. Giới Luật có thể thay đổi được không?, Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh. 14. Thích Trí Tịnh (2007), Kinh Diệu Pháp Liên Hoa - Quyển thứ tư - Phẩm Đề Bà Đạt Đa thứ 12, Tôn giáo, Hà Nội. 15. Thích Chơn Thiện (2006), Tăng già thời Đức Phật, Chương 10: Tổng luận, Tôn giáo, Hà Nội. 16. Dịch Việt: Thích Đức Thắng (2011) - hiệu chính và chú thích: Tuệ Sỹ, Tăng Nhất A Hàm tập 1, 11. Phẩm Bất Hoàn, Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh. 17. Thích Chơn Thiện (2006), Tăng già thời Đức Phật, Chương 10: Tổng Luận, Tôn Giáo, Hà Nội. 18. Tam Tạng Tăng Già Đề Bà, Việt dịch: Tuệ Sỹ, Kinh Trung A Hàm Tập 1, 112. Kinh A Nô Ba, Tôn Giáo, Hà Nội. 19. Ban Giáo Dục Tăng Ni TW, Hội Thảo Khoa Học: Giáo dục Phật giáo - Định hướng & Phát triển, Giáo dục PG: Nền giáo dục hoàn thiện nhân loại, Lưu hành nội bộ, 2012. 20. Thích Huệ Mẫn (2020), Việt dịch: Thích Vạn Lợi, Giáo dục Phật giáo tại Đài Loan, 3. An lành và điều trị cho người cao tuổi, Cộng đồng Tịnh độ (năm 1998, 44 tuổi), Nxb Dân Trí.
Bình luận (0)