Tư tưởng về con người của Khổng Tử - “Cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu” mở ra nhiều tầng ý nghĩa, mang đến nhiều bài học mà dù là hành giả học Phật hay không chúng ta đều nên tìm hiểu và ứng dụng hành trì.
Tác giả: Thích nữ Hiển Liên ThS Khóa V Học viện Phật giáo Việt Nam
DẪN NHẬP
Một trong những nền văn minh rực rỡ của thế giới chính là nền văn minh Trung Hoa. Triết học Trung Quốc là nên triết học lâu đời và vô cùng phức tạp. Ở đó, những nguyên lý của vũ trụ, mối quan hệ giữa con người với con người, con người với xã hội, con người với tự nhiên,... đều được thể hiện rõ, đem lại những bài học ứng dụng có giá trị trong cuộc sống.
Tìm hiểu và học tập về triết học Trung Quốc không chỉ đem lại cái nhìn độc đáo mới mẻ mà con tìm hiểu được những giáo lý có giá trị, có tính ứng dụng mà mỗi người chúng ta đều phải suy tư đặc biệt là hành giả tu học Phật giáo. Hơn thế trong thời kì phát triển của xã hội, việc đưa giáo lý của Phật Đà đến gần với xã hội sẽ dễ dàng hơn khi ta tiếp cận thêm những nền triết học mới, để Phật giáo mang hơi thở hòa quang đồng trần.
Kinh Dịch là một hệ thống tư tưởng huyền diệu trong triết học Trung Quốc. Bên cạnh sự ảo diệu thâm sâu của nó, kinh Dịch còn được biết đến rộng rãi quả những đạo lý về sự tương quan của vũ trụ, sự tương quan của vật chất. Trong đó hiện tượng: “Cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu” là một trong những tư tưởng, nhận định có sức mở, cũng như tính ứng dụng vô cùng cao.
Nếu tìm hiểu sâu và phân tích kĩ về vấn đề này ta sẽ nhận thấy sự tương quan của Phật giáo và Chu Dịch về nguyên lý vật hành của vật chất và sự sống. Thông qua Nguyên lý này hiểu thêm về lời Phật dạy, tìm được ưu khuyết để ứng dụng vào đời sống cũng như tu hành chính là nguyên nhân chính thúc đẩy người viết nghiên cứu về đề tài này.
Chương 1: SƠ LƯỢC VỀ NHO GIA KHỔNG TỬ KINH DỊCH
1.1. Sơ lược về Nho giáo
Cơ sở của Nho giáo được hình thành từ thời Tây Chu, đặc biệt với sự đóng góp của Chu Công Đán, còn gọi là Chu Công. Đến thời Xuân Thu, xã hội loạn lạc, Khổng Tử phát triển tư tưởng của Chu Công, hệ thống hóa và tích cực truyền bá các tư tưởng đó. Chính vì thế mà người đời sau coi Khổng Tử là người sáng lập ra Nho giáo.
Thời Xuân Thu, Khổng Tử đã san định, hiệu đính và giải thích bộ Lục kinh gồm có Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Dịch, Kinh Xuân Thu và Kinh Nhạc. Về sau Kinh Nhạc bị thất lạc nên chỉ còn năm bộ kinh thường được gọi là Ngũ kinh.
Sau khi Khổng Tử mất, học trò của ngài tập hợp các lời dạy để soạn ra cuốn Sách Luận ngữ. Học trò xuất sắc nhất của Khổng Tử là Tăng Sâm, còn gọi là Tăng Tử, dựa vào lời thầy mà soạn ra Sách Đại học. Sau đó, cháu nội của Khổng Tử là Khổng Cấp, còn gọi là Tử Tư viết ra cuốn Sách Trung Dung. Đến thời Chiến Quốc, Mạnh Tử đưa ra các tư tưởng mà sau này học trò của ông chép thành Sách Mạnh Tử.
Bốn sách sau được gọi là Tứ Thư và cùng Ngũ Kinh hợp lại làm 9 bộ sách chủ yếu của Nho giáo và còn là những tác phẩm văn chương cổ điển của Trung Quốc. Từ Khổng Tử đến Mạnh Tử hình thành nên Nho giáo nguyên thủy, còn gọi là Nho giáo tiền Tần (trước đời Tần), Khổng giáo hay "tư tưởng Khổng-Mạnh".
Từ đây mới hình thành hai khái niệm, Nho giáo và Nho gia. Nho gia mang tính học thuật, nội dung của nó còn được gọi là Nho học. Nếu xem Nho giáo như một tôn giáo thì Văn Miếu trở thành nơi dạy học kiêm chốn thờ phụng và Khổng Tử trở thành giáo chủ, giáo lý chính là các tín điều mà các nhà Nho cần phải thực hành.
Tuy nhiên, Nho giáo về cơ bản không được xã hội xem như một tôn giáo bởi Nho giáo không trả lời những câu hỏi cần thiết mà một tôn giáo có thể trả lời. Cho tới hiện nay, Nho giáo liệu có phải là một tôn giáo chính thức hay không vẫn là một đề tài tranh luận.
1.2. Sơ lược về Khổng Tử
Khổng Tử (孔子), tên là Khâu (丘), tên tự là Trọng Ni (仲尼), sinh năm 551 trước công nguyên (Chu Linh vương năm thứ 21 và Lỗ Tướng Công năm thứ 22), mất năm 479 trước công nguyên (Chu Kính Vương năm thứ 11 và Lỗ Ai công năm thứ 16).
Ông là nhà triết học, nhà chính trị và là nhà giáo dục nổi tiếng ở Trung Quốc cổ đại. Tổ tiên ông là người nước Tống, nước Tống là hậu duệ của Ân Thương, nên Khổng Tử cũng tự xưng mình là người nước Ân. Họ của Ân Thương, nên Khổng Tử được sinh ở ấp Trâu làng Xương Bình nước Lỗ - nơi bảo tồn nhiều di sản văn hóa nhà Chu.
Khổng Tử được 3 tuổi thì mồ côi cha. Ông là người thông minh, lớn lên trong thời loạn lạc, các nước chư hầu luôn gây họa binh đao, tranh giành binh quyền, chiến tranh liên miên nhiều thế kỷ khiến trăm họ lầm than, điêu đứng. Từ đó, ông ôm mộng an bang tế thế, lập chí nguyện giúp nước, cứu đời, thực thi những hoài bảo của mình.
Song tới năm 35 tuổi, ông không được vua các nước chư hầu tin dùng, nên trở về quê hương mở trường dạy học. Học trò khắp nơi đến theo học lễ của bậc đại quân tử “Tiến vi quan, đạt vi sư”. Họ kính cẩn gọi ông là tiên sư, học trò của ông đã có lúc lên đến 3000 người, trong đó có 72 người nổi tiếng trong lịch sử (thất thập nhị hiền). Đây là một con số hiếm thấy trong lịch sử giáo dục thời cổ đại.
Khổng Tử có 4 năm làm quan tại nước Lỗ với các chức vụ: Đại Tư Khấu, Nhiếp Tướng Sự. Nhưng vua nước Lỗ hoang dâm, mê đắm tửu sắc, không màng đến chính sự. Từ đó, ông đã nhìn thấy kết cục chẳng có gì tốt đẹp ở nhà vua, nên từ quan về quê dạy học và toàn tâm nghiên cứu, biên tập và viết sách.
Ông cũng chỉnh lý lại các bản nhạc nước Lỗ khiến cho nhạc nhã và nhạc tụng mỗi loại có vị trí thích đáng của nó. Có thể nói Khổng Tử là người thầy tư nhân chuyên thu nhận học trò đầu tiên trong lịch sử giáo dục Trung Quốc. Trước thời ông, trường học hoàn toàn là của triều đình và thường chỉ thu nhận con em của gia đình quý tộc. Khổng Tử sáng lập ra trường học tư, thu nhận nhiều đồ đệ bất kể xuất thân sang hèn, đưa giáo dục mở rộng cho bình dân, đem tri thức văn hóa truyền bá cho dân gian, có cống hiến thật to lớn đối với giáo dục thời cổ đại.
Mùa Xuân năm Lỗ Ai Công thứ 14 (481 TCN), tương truyền người nước Lỗ đi săn bắt được một con kỳ lân què chân trái phía trước. Đức Khổng Tử đến xem rồi bưng mặt khóc, ông than rằng: "Đạo của ta đến lúc cùng”[1]. Sách Xuân Thu chép đến đây thì hết, nên đời sau còn gọi sách Xuân Thu là Lân kinh. Năm Nhâm Tuất đời Lỗ Ai Công thứ 17 (479 TCN), một hôm Khổng Tử chống gậy đi tản bộ trước nhà, vừa đi vừa hát: "Núi Thái sơn đổ ư! Cây gỗ tốt hư hoại ư! Triết nhân mòn mỏi ư!”[2]. Học trò của ông là Tử Cống liền đến hỏi thăm, ông nói: "Ta biết mình sắp chết".
Đến ngày Kỷ Sửu, tức là ngày 18 tháng 2 năm Nhâm Tuất (tháng 4 năm 479 TCN) Khổng Tử tạ thế, hưởng thọ 73 tuổi. Trước khi mất Khổng Tử cảm thán "Chim phượng hoàng không bay đến, sông Hoàng Hà không xuất hiện đồ thư, một đời ta thế là hết". Mộ của ông ở bên bờ sông Tứ Thủy, cực Bắc nước Lỗ, nay gọi là Khổng Lâm, thuộc huyện Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông.
1.3. Sơ lược về Kinh Dịch
Khắp thế giới có lẽ không có bộ sách nào kỳ dị như bộ Kinh Dịch. Nó là một trong ba bộ kinh cổ nhất của Trung hoa, sau Kinh Thi và Kinh Thư, nhưng nguồn gốc của nó - tức bát quái - thì có thể sớm hơn vào cuối đời Ân, 1.200 năm trước Tây Lịch.
Cứ như Tiên nho từ thời Hán nho đến Minh nho, đã nói thì Kinh Dịch ban đầu ra đời từ vua Phục Hy, một ông vua về đời thần thoại trong sử Tàu, cũng có gọi Bảo Hy, không biết cách đây mấy nghìn hay mấy vạn năm. Lúc ấy Hoàng Hà có con Long mã hiện hình lưng nó có khoáy thành đám, từ một đếm đến chín, vua ấy coi những khoáy đó mà hiểu được lẽ biến hóa của của vũ trụ mới đem vạch đó vẽ thành đường nét. Từ thời Phục Hy đến cuối nhà Thương, kinh Dịch vẫn là một mớ vạch liền vạch đứt chưa có tên hiệu chữ nghĩa gì cả.
Sang đầu nhà Chu (trước lịch Tây độ hơn nghìn năm), Văn Vương mới đem những quẻ của Phục Hy mà đặt từng tên và diễn thêm lời dưới mỗi quẻ để nói về lành dữ của cả quẻ. Kế đó, Cơ Đán, tức Chu công con trai thứ Văn Vương, lại theo số vạch mà chia ra mỗi quẻ làm ra sáu phần, mỗi phần gọi là một hào và dưới mỗi hào đều có thêm một hoặc một vài câu để nói về sự lành dữ của từng hào.
Cuối cùng Khổng Tử lại soạn ra sau thứ nữa là: Thoán truyện, Tượng truyện, Văn ngôn, Hệ từ truyện, Thuyết quái, Tự quái, Tạp quái. Thoán truyện có hai thiên: Thượng Thoán và Hạ Thoán; Tượng truyện có hai thiên: Thượng Tượng và Hạ Tượng; Hệ từ cũng có hai thiên: Thượng Hệ và Hạ Hệ; tất cả mười thiên, Tiên Nho gọi là “Thập dực” (mười cánh).
Sáu thứ đó tuy đều tán ý cho ý nghĩa của Kinh Dịch rộng thêm, nhưng mỗi thứ có một tính cách. Thoán truyện thích hình tượng của các quẻ và các hào, tức là những câu chữ “dưới lời tượng nói rằng”; thích chung cả quẻ gọi là đại tượng, thích riêng từng chữ gọi là tiểu tượng. Văn ngôn chuyên thích hai quẻ Kiền và Khôn. Hệ từ nói về đại thể, phàm lệ của Kinh Dịch và công phu cùng ý nghĩa trong việc làm Kinh Dịch của Văn Vương Chu Công.
Những thiên của Khổng Tử trước vẫn tách riêng, không phụ hẳn vào lời quẻ, lời hào của Văn Vương Chu Công. Đến đời nhà Hán, Phi Trực mới đem Thoán truyện, Tượng truyện và Văn Ngôn thuộc về quẻ Kiền hợp với kinh Dịch của Văn Vương Chu Công, để thay vào lời chú thích. Rồi Trịnh Huyền lại sáp nhập nốt những câu Văn ngôn của quẻ Khôn và Thoán truyện, tượng Truyện của các quẻ kia. Từ đó bảy thiên Thoán truyện, Tượng truyện,
Văn ngôn mới xem vào trong quẻ. Còn ba thiên kia thì để phụ riêng ở cuối sách. Tới đời Tống, Chu Hy làm sách Chu dịch ban nghĩa đã sắp đặt lại như cũ, nhưng mà người ta không theo. Bản thịnh hành vẫn là thể tài của Phí Trực và Trịnh Huyền.
Nay nói chính Kinh Dịch, tức gồm cả: vạch quẻ và Phục Hy, lời quẻ của Văn Vương, lời hào của Chu Công và Thoán truyện, Tượng truyện, Văn ngôn, Hệ từ truyện, Thuyết quái, Tự quái và Tạp quái của Khổng tử.
1.4. Kinh Dịch qua các góc nhìn
Hệ từ nói: “Thánh nhân nhờ Dịch mà biết được sâu và xét được tinh vi”.[3] Xuất phát điểm đây chỉ là một cuốn sách bói toán, tới cuối đời Chu thành những tư tưởng về vũ trụ quan, nhân sinh quan được phát triển dựa trên nền tảng cuốn sách ấy. Qua đời Hán nó bắt đầu có màu sắc tượng số học, muốn giải thích vũ trụ bằng biểu tượng và số mục, tới đời Ngũ Đại nó được dùng trong môn lý số đời Tống nó thành lý học.
Ngày nay một số nhà bác học phương Tây như C.G Jung tâm lý gia nổi danh của Đức và Raymond de Becker (Pháp) muốn dùng nó để phân tích tiềm thức con người, coi nó là một phương pháp phân tâm học.
Qua Kinh Dịch, con người diễn đạt được tất cả các quan niệm về vũ trụ, về nhân sinh, từ những hiện tượng trên trời dưới đất, những luật thiên nhiên tới những đồ dùng, những công việc thường ngày như trị nước, ra quân, trị nhà, cưới hỏi, ăn uống, xử thế...
Hệ tư tưởng và lý luận đó, khiến người phương Tây ngạc nhiên và có người Âu (J.Lavier) đã dùng một vài quẻ để giải thích một vài hiện tượng khoa học, sự tiến triển của khoa học.
Bên cạnh đó, tư tưởng xuyên suốt của Chu Dịch còn có nhưng nét tương đồng với giáo lý của Đạo Phật. Phật giáo cho rằng vạn pháp nương nhau mà thành, luôn vận động biến chuyển, không giây phút nào ngừng thì Chu dịch bàn đến sự phát triển, sự vận động mà Chu Dịch khái quát luôn diễn ra liên tục theo một chu trình tuần hoàn. Hệ từ thượng truyện viết: “Thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái.” [4]
Trong Chu dịch, tư tưởng về mối liên hệ phổ biến được thể hiện ở các chữ “giao cảm” , “tương ứng”, “tương cầu”. Có cảm thì mới có giao, có tương ứng thì mới có tương cầu, tương hỗ; có tương đồng mới có tương hợp. Đó là những tác động qua lại, hoà quyện vào nhau của các sự vật, hiện tượng có tương tác, hấp dẫn. Sự vật, hiện tượng ngoài việc tự sinh, tự hoá, còn có tương sinh, tương hoá.
Đến đây ta có thể liên tưởng đến lời dạy về pháp Ngũ Uẩn trong giáo lý của Phật Đà. Tùy về ngôn tự và cách diễn giải khác nhau nhưng nhìn chung tại điểm này cả Chu Dịch và Ngũ Uẩn đều đưa ra được mối quan hệ tương quan qua lại giữa vạn vật, giữa vạn vật với con người.
Giáo lý này còn có sự tương đồng nhất định với giáo lý Duyên khởi của Phật giáo. Sự hòa quyện của hiện tượng, sự tương tác qua lại của vạn vật trên thế giới đều được thể hiện rõ trong giáo lý này.
Sự tương quan giao cảm, tự điều này dẫn dến điều kia đã thể hiện trong Chu Dich có mối tương đồng với giáo lý nhân qua của Phật giáo. Tuy nhiên Chu Dịch chỉ dừng lại ở chỉ ra sự tương đối, hài hòa của thế giới vạn vật mà chưa tìm sâu và hiểu tận như Phật Giáo, cũng chưa đưa ra cách ứng dụng hành trì triệt để như Phật giáo.
Chương 2: “CÙNG TẮC BIẾN, BIẾN TẮC THÔNG, THÔNG TẮC CỬU”
2.1. Nguồn gốc câu nói
“Cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu” được trích từ Hệ Từ Hạ truyện do Khổng Tử viết. Nguyên văn: “Thần Nông thị một, Hoàng đế, Nghiêu Thuấn thị tác, thông kỳ biến, sử dân bất quyện, thần nhi hoá chi, sử dân nghi chi. Dịch cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu. Thị dĩ tự nhiên hữu chi cát, vô bất lợi. Hoàng đế, Nghiêu, Thuấn thùy y thường nhi thiên hạ trị, cái thủ chư Càn, Khôn.”[5] Dịch:
Họ Thần Nông mất rồi các họ Hoàng đế, Nghêu, Thuấn, nổi lên tiếp tục sự biến đổi, khiến cho dân không buồn chán (về những việc cũ); cách biến đổi của các ông ấy thần diệu. Khiến cho dân vui lòng thích nghi. Đạo dịch là đến lúc cũng tất phải biến, đã biến thì thông, nhờ thông mà được lâu dài. Thế là tự trời giúp cho, tốt, không có gì là chẳng lợi. Vua Hoàng Ðế, vua Nghiêu, vua Thuấn rũ áo (ngồi yên trên ngôi, không làm gì cả) mà thiên hạ được trị, là lấy tượng ở quẻ Càn, quẻ Khôn.[6]
2.2. Điển tích Thần Nông Nghiêu Thuấn
Trong đoạn trích trên có đề cập đến Họ Thần Nông, Hoàng đế, Nghiêu và Thuấn. Thần Nông (3220 TCN—3080 TCN), còn được gọi là Thần Nông thị (神農氏 thường được biết với tên gọi Viêm Đế (炎帝). Theo người Hoa, Thần Nông là một vị thần huyền thoại của các dân tộc chịu ảnh hưởng của nền Văn minh Trung Hoa, một trong Tam Hoàng và được xem là một Anh hùng văn hóa Trung Hoa.
Đại Việt sử ký toàn thư xem Thần Nông là Thủy tổ của người Việt, Vương quốc của ngài bao trùm cả sông Dương Tử lẫn một phần sông Hoàng Hà và kéo dài xuống phía Nam tới khu vực mà hiện giờ là đồng bằng sông Hồng của Việt Nam.
Theo truyền thuyết, Thần Nông sống cách đây khoảng 5.000 năm và là người đã dạy dân người Việt nghề làm ruộng, chế ra cày bừa cũng như phát triển nghề làm thuốc trị bệnh, cho nên trong dân gian có câu Thần Nông thường bách thảo, giáo nhân y liệu dữ nông canh (神農嘗百草, 教人醫療與農耕; Thần Nông nếm trăm cây thuốc, dạy người chữa bệnh với cày cấy). Dưới sự cai trị của Thân Nông, cuộc sống của người dân có được lương thực thuốc men, cuộc sống ổn định.
Đế Nghiêu (帝堯), là một vị vua huyền thoại của Trung Quốc thời cổ đại, một trong Ngũ Đế. Trong thư tịch cổ, Đường Nghiêu thường được ca tụng là một vị vua tài giỏi và đạo đức, lòng nhân từ và sự cần cù của ông được coi là kiểu mẫu cho mọi bậc Đế vương khác của Trung Quốc. Dưới thời cai trị của Đế Thuấn dân chúng an cư lạc nghiệp. Gần cuối đời, ông lại không truyền ngôi cho con mình mà tìm kiếm nhân tài và sau khi biết được Ngu Thuấn là hiền tài, bèn truyền ngôi cho.
Đế Thuấn (帝舜), cũng gọi Ngu Thuấn (虞舜), là một vị vua huyền thoại thời Trung Quốc cổ đại, nằm trong Ngũ Đế. Ông được khắc họa qua sự tích Thiện nhượng (禪讓) đầu tiên trong lịch sử. Cùng với các Đế Nghiêu và Đại Vũ, Đế Thuấn được Nho giáo coi là một trong những vị Quân vương kiểu mẫu, và là những tấm gương đạo đức trong văn hóa Trung Hoa.
Khi hoang sơ lập nước, lúc bấy giờ nhu cầu quan trọng nhất của con người là lương thực, dược phẩm,... Làm thế nào để có được một cuộc sống ấm no là nhiệm vụ hàng đầu. Ứng với nhu cầu của thời thế, cách trị nước của họ Thần Nông đã giúp đỡ cho con người lúc bấy giờ có được phương thức để sinh sống, tồn tại, chống lại đói rét bệnh tật.
Trải dài theo thời gian, nhu đầu của con người thay đổi, không đơn cử chỉ là lương thức, thuốc thang,... mà trở nên phức tạp hơn với các mối quan hệ giữa người với người, giữa các thành viên trong gia đình và giữa mỗi một thành viên trong xã hội và giữa con người với thế giới tự nhiên.
Cách cai trị của họ Thần Nông không còn thích nghi với nhu cầu sống của người dân lúc bấy giờ. Khi sự thay đổi về nhu cầu lên đến đỉnh điểm, sẽ diễn ra sự biến hóa trong cách cai trị và quản lý của người đứng đầu mà ở đó vua Nghiêu vua Thuấn đã làm rất tốt vai trò của mình. Sự thay đổi ấy đáp được ứng được tiến trình phát triển của con người và đưa xã hội lúc bấy giờ trở nên thịnh trị.
Không thể nói Thời Viêm Đế sự phát triển không bằng vua Nghiêu Thuấn. Ứng với mỗi giai đoạn sự biểu hiện của sự phát triển đều không giống nhau. Không thể chối bỏ đi sự an bình thịnh trị dưới thời của Viêm Đế, càng không thể không ca ngợi sự ấm no hạnh phúc của con người thời vua Nghiêu Thuấn. Cho đến bây giờ, sự hạnh phúc an bình đã từng tồn tại trong sử sách ấy vẫn là niềm hy vọng của người dân Trung Quốc ngày nay.
Hệ từ hạ truyện còn khẳng định: “Thế là tự trời giúp cho, tốt, không có gì là chẳng lợi. Vua Hoàng Ðế, vua Nghiêu, vua Thuấn rũ áo (ngồi yên trên ngôi, không làm gì cả) mà thiên hạ được trị, là lấy tượng ở quẻ Càn, quẻ Khôn”. Đúng vậy, thuận theo cái đạo tự nhiên thì tuy không vận dụng binh quyền chèn ép, không vắt óc suy nghĩ kế sách mà cuộc sống của dân chúng ấm no và hạnh phúc. Rũ áo mà thiên hạ được trị chính là thuận theo sự vận hành của tự nhiên, cũng là hành vi của bậc minh quân vậy.
2.3. Ý nghĩa “Cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu”
Sách Luận ngữ có chép: “Phu tử đứng trên sông nhìn nước chảy, than “Cứ chảy mãi như thế này ư, ngày đêm không bao giờ ngưng!”[7]. Điều này đã nói rõ quy luật biến đổi của sự vật, sự vật lúc nào cũng biến đổi, cuộc sống luôn biến đổi như dòng sông cuồn cuộn chảy không bao giờ ngừng.
Hệ Từ – Hạ truyện viết: “Cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu”. Triết lý của Dịch cho rằng, quy luật của sự vật khi phát triển đến cùng cực thì sẽ biến hóa, khi đã biến hóa thì sẽ thông suốt, khi đã thông suốt thì sẽ lâu bền. Tuy nhiên, khi chuyên chẻ câu nói ra nhiều hướng và nhiều tầng nghĩa khác nhau thì ta sẽ phát hiện ra đạo lí thâm sâu và nhiều bài học được ẩn dấu trong đó. Tìm hiểu, thông suốt và ứng dụng thực hành sẽ đem lại nhiều lợi ích cho cuộc sống cũng như tu hành, cho tất cả mọi người trong đó cho cả xuất gia học Phật.
2.3.1. Cùng tắc biến
“Cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu”. Theo Dịch thì có cùng mới có biến, có biến mới có thông, có thông mới có thể lâu dài. Chữ cùng do và chữ cung tức là thân bị đè nên phải co rút lại như bị dồn vào một cái hang, đó là do sự việc bị dồn về tuyệt lộ. Nhưng sự vật khi bị dồn về “cùng đường” tất phải tìm con đường đi ra. Theo Dịch, điều đáng lo nhất là chữ “cùng”.
Câu “Cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu” không chỉ định nghĩa một cách rõ ràng về ý nghĩa của dịch mà còn thể hiện được tinh thần của dịch. Biến dịch không những tự sinh, tự hóa mà còn là một sự tương sinh tương hóa. Nói dễ hiểu, biến dịch là tự phát sinh trong lòng sự vật hiện tượng, tự biến hóa dẫn đến sự thay đổi liên tục không ngừng nghỉ. Nhưng biến dịch cũng nương nơi các điều kiện bên ngoài mà biến hóa nên gọi là tương hóa. Chẳng hạng lúa nảy mầm, trưởng thành và kết hạt là sự biến hóa tự bên trong của hạt lúa, cây lúa nhưng cũng là sự tương quan giữa lúa và môi trường xung quanh. Quy luật này tuy mẫu thuẫn nhưng hoàn toàn hợp lí.
Kinh Dịch nói biến mà cũng nói hóa, có khi tách riêng ra, có khi nhập chung thành một. Như thế, phải có sự biến hóa thì mới có sự thay đổi từ cũ thành mới. “Ngày một mới, là đức thịnh; sinh rồi lại sinh, gọi là dịch” .
Đức thịnh ở đây ý nói đến sự biến đổi phải đạt đến độ cực thịnh, lớn nhất thì sự biến đổi mới được diễn ra. Hai chữ sinh sinh đã bao hàm chữ tử tử, vì có sinh là có tử mà đã có tử thì sớm muộn cũng phải có sinh. Người ta còn dùng chữ hóa để chỉ cho sự chết. Cái mà chúng ta gọi là chết thật ra chỉ là cái biến hóa rõ ràng bên ngoài hình thái, như cội cây vào mùa thu thay lá vốn chẳng ảnh hưởng đến thân cây. Sự sống lại đến vào mùa xuân. Học Dịch chúng ta không nên quá chú trọng đến từ mà phải để ý đến tượng, phải dùng một cái nhìn tổng quan để tránh đi phần phiến diện khi hiểu nghĩa.
Luật biến động của Dịch là “cùng tắc biến” nhưng biến cách nào? Biến trở thành cái trước. Không có cái gì đi mà không trở lại. Biến hóa tức là cái hiện tượng tiến rồi lui. Tiến rồi lui, lên rồi xuống.. qua qua lại lại mãi không thôi, như cái dòng đưa lại như con thoi dệt vải. “Cùng tắc biến” là luật quan trọng nhất của đạo dịch, mà nó cũng được đề cập trong học thuyết của Lão-Trang: “Hễ cùng thì trở lại, hết rồi lại bắt đầu: đó là tình trạng mà vật nào cũng có”[8]. “Chấp chứa cái mềm lâu rồi, thì thành cứng, chấp chứa cái yếu lâu rồi, thì thành mạnh; cứ nhìn vào chỗ chấp chứa ấy để mà biết cái họa cái phúc”[9].
Cùng tắc biến, khi bất kì một sự vật hiện tượng phát triển đến cùng cực tất nhiên sẽ dẫn đến sự biến đổi. Đây chính là quy luật của tự nhiên, của vũ trụ. Khi sự thay đổi này được diễn ra, sự vật hiện tượng cũ được chuyển sang một thể trạng mới, một hình thức mức đáp ứng được những nhu cầu lúc bấy giờ, giải tỏa đi những bức bách ngay tại đó. Ở trạng thái mới này, khi mà những vấn đề được giải đáp một cách thông suốt không còn vướng mắc thì trạng thái này sẽ được tồn tại một cách lâu dài.
Trạng thái này sẽ tiếp tục nếu những yêu cầu mới được đặt ra. Khi những yêu cầu lên đến đỉnh điểm thì đòi hỏi có sự biến đổi để tiếp tục tồn tại. Đây là quy luật tất yếu của tự nhiên. Tuy nhiên, “cùng tắc biến” này không có nghĩa là phải đợi đến cùng cực nó mới phải biến, mà là sự thực, ngay trong thời kỳ sinh thành và thịnh vượng, sự vật cũng đã ngấm ngầm chứa đựng mẫu thuẫn đang âm thầm phá hoại bên trong rồi
Tuy nhiên, lẽ biến dịch cũng cần có điều kiện. Có câu: “Vì hai khí Âm Dương có giao cảm nhau thì vạn vật mới hóa sinh; vạn vật sinh rồi lại sinh nữa cuộc biến hóa mới trở thành vô cùng vô tận”. Hai chữ “giao cảm” đóng vai trò then chốt trong quá trình biến hóa của vạn vật. Giao cảm ở đây chính là “cầu” và “ứng”. Cầu và ứng nếu thiếu một trong hai đều không thể phát sinh sự giao cảm cho được.
“Biến” là biến đổi một cách từ từ, khó nhận thấy được một cách rõ ràng; còn “hóa” là cuộc chuyển biến đã được hoàn thành, đã trở thành hiển nhiên. Hay nói cách khác biến là “tiệm biến” còn hóa là “đột biến”.
Xét về phương diện hình thức bên ngoài thì thấy là im lìm bất biến, mà kỳ thực bên trong không một giây phút nào mà không có sự biến đổi. Sự biến đổi ngay hiện tại không phải ngay lúc đó mới xảy ra, mà điều đó là một quá trình biến hóa dài, tích lũy qua năm tháng và đến lúc đó khi đạt đến điểm cùng thì biến đổi.
“Động” và “tịnh” tuy thấy là hai việc khác nhau, kỳ thực chỉ là một. Không có cái động nào mà không có cái tịnh làm điều kiện tất yếu. Giống như thả diều vậy, diều lên cao nhờ gió là động, những nếu không có sợ dây buộc chặc nó ở bên dưới, không có sự trì giữ của sợi dây là tịnh thì diều không thể bay lên cao được. Nên mới nói “cao dĩ hạ vi cơ”, cao lấy thấp làm nền, động lấy tịnh làm nên.
2.3.2. Biến tắc thông
Hệ từ thượng có câu: “Một đóng một mở, gọi là biến; qua rồi lại, lại rồi qua, qua lại không cùng, gọi là thông”[10]. Đạo của Dịch là biến mãi, biến động không ở yên một nơi nào cả, chu lưu khắp, lên xuống không chừng, cứng mềm thay đổi lẫn nhau, cho nên không thể lấy cái gì làm điển hình chủ yếu mà chỉ biến để thích ứng hay thích nghi mà thôi.
Như trên đã phân tích, biến là sự thay đổi diễn ra bên lòng hiện tượng, không giờ không phút nào là không xảy ra. Tuy nhiên, cái biến ấy, xảy ra âm thầm, tích lũy dần dần nhằm đáp ứng cho sự thay đổi tổng thể trong tương lai. Khi biến nhỏ tích lũy đã đủ thì toàn bộ sự vật sẽ được chuyển đổi sang một dạng mới hoàn toàn khác. Dưới hình thức mới này, sự vật thích nghi hơn. Cũng có thể nói, hình thức mới đáp ứng được nhu cầu thay đổi của hiện tượng, chính nhờ như vậy mới có “thông”.
Vạn vật trên thế giới này đều phải có sự biến đổi. biến đổi để thích nghi với môi trường xung quanh và cũng là thích nghi với nhu cầu phát sinh chính trong lòng của chúng. Rất nhiều tài liệu nghiên cứu gọi đây là “tiệm biến”, có chỗ gọi là “tích”. Cả hai khái niệm này nhìn qua thì khác nhau nhưng thật ra là một, đều là đang nói đến sự thay đổi dần dần bên trong sự vật, khi đủ sẽ biến và khi biến có thể thích nghi được với trạng huống hiện tại gọi là thông.
Du Diễm - Chu dịch tập thuyết viết: "Đến thời biến, thì phải biến, nếu không biến sẽ cùng, đó là đạo có biến tất có thông của Dịch. Có biến sẽ có thông, tức là tùy theo thời.” Quả thật là như vậy, sự thông của sự vật nếu không có biến sẽ không thể diễn ra. Biến thì phải tùy thời, tuy mọi thời mọi lúc sự vật đều thay đổi tuy nhiên phải hội tụ đủ các điều kiện, đáp ứng đủ nhu cầu cả về trong lẫn ngoài thì sự vật mới có thể biến.
“Cùng tắc biến” nếu biến thì sẽ thông, nếu không biến sẽ cùng và dẫn đến diệt vong.
Đó là quy luật tất yếu. Thế mới nói biến đổi là quy luật của tự nhiên, là nguyên tắc mà vạn vật phải tuân theo.
2.3.3. Thông tắc cửu
Có thể hiểu nôm na, “thông tắc cửu” chính là nói đến sự vật khi thuận theo tự nhiên sẽ đạt được trạng thái bền chắc. cửu ở đây không phải chỉ đến việc cứ duy trì trạng thái sau khi thay đổi, thích nghi. Cửu là nói đến sự vĩnh hằng trong sự thay đổi. Cũng có thể nói, trạng thái vĩnh cửu chính là trạng thái thay đổi của vạn vật. Dễ hiểu hơn là khi vạn vật thay đổi để đáp ứng lại nhu cầu của thế giới và nhu cầu của chính nó thì nó sẽ được duy trì dù là dưới dạng này hay dạng khác. Trang tử cũng có chủ trương này: “Muôn biến hóa mà chưa bao giờ cùng”. Ông lại nói: “Vật sinh ra, biến đổi thình lình, hoặc mau hoặc chậm, không có một cái động nào mà không có biết, không một lúc nào là không đổi dời.” Chủ trương này của Trang tử với Dịch là một.
Sinh và hóa là hai hiện tượng không thể làm chủ. Sinh sinh hóa hóa không phải chỉ diễn ra ở nơi vật mà ngay nơi bản thân, nơi nội tâm ta đây, luật “sinh sinh hóa hóa” vô thường cũng nhận thấy được rõ ràng một cách công khai hay tiềm ẩn.
“Thông tắc cửu” còn có thể hiểu là bất dịch vì sự biến hóa ở mọi vật, bao giờ cũng diễn biến theo vòng trật tự, theo một quy luật bất di bất dịch. cái luật bất di bất dịch ấy, dịch gọi là luật thường nghĩa là thường trụ bất biến. Dịch truyện có câu: “Động tịnh hữu thường. động hay tịnh đều bị cái luật “thường” chi phối.”. tất cả các sự vật trên thế gian đều rất động, nhưng nhờ quy luật thường này, hay “thông tắc cữu” mà động không loạn.
Tất cả sự vật đều quy về một mối nhưng mỗi vật lại tự đi theo con đường riêng. Tuy riêng nhưng lại chung một mối đó gọi là mọi sự vật đều phải trở về. Nhìn thì “thông tắc cửu” quy luật này không làm gì cả, nhưng nó lại chi phối tất cả mọi thứ, nó bắt buộc không có sự vật gì đến thái quá hay bất cập, nghĩa là, hễ “dư thì nó bù, thiếu thì nó thêm”[11] đây là quy luật quân bình. Khổng Dĩnh Đạt – Chu Dịch chính nghĩa viết: “Đạo của Dịch khi cùng thì tùy theo thời mà biến đổi, khi đã biến đổi thì có sự khai thông, khai thông thì được lâu bền, cho nên nói “thông” tất “bền” vậy.”
Đạo Đức kinh của Lão tử cũng có nói “Vật cực tất phản”. Sự vật khi phát triển đến đỉnh cao, sẽ chuyển sang hướng ngược lại. Sự vật cũ diệt vong, vật mới xuất hiện. Đó là quy luật phát triển của vũ trụ. Quan điểm này nhìn có sẽ mâu thuẩn với Hệ từ truyện nhưng nếu xét kĩ đến chi tiết thì hai quan điểm này hoàn toàn tương đồng nhau. Khi sự vật phát triển đến cực điểm, hay “vật cùng” đều là một trạng thái mà ở đó đòi hỏi sự biến đổi để thích nghi. “Phản” ở đây được giải thích là sự vật này diệt vong sự vật khác phát triển, tuy nhiên chúng ta cũng có thể giải thích vật mới được sinh ra từ trong lòng của vật cũ, hay nói cách khác, vật cũ biến chuyển thành vật mới. Và ở trạng thái mới này, vật sẽ tồn tại với thời gian, gọi là “cửu”. “Cửu” không phải là vĩnh viễn nhưng cũng chính là vĩnh viễn. Không vĩnh viễn vì vật sẽ tiếp tục phát triển đến một lúc nào đó sẽ đạt đến điểm “cùng” rồi “biến”. Vĩnh viễn là vì dù có “biến” đến bao nhiêu lần thì sự vật mới luôn là một dạng tồn tại khác của vật cũ, hay cũ chính là mới, mới chính là cũ vậy. Đây chính là đạo tự nhiên, quy luật của vũ trụ.
Chương 3: QUAN NIỆM “BIẾN – THÔNG – CỬU”
Quy luật cơ bản của tự nhiên dưới sự thể hiện của Chu Dịch mang đậm màu sắc huyền bí, nói ra có vẻ mâu thuẫn, nhưng nó không có gì mâu thuẫn. Khi mà nền khoa học phát triển rực rỡ con người luôn muốn giải thích tất cả hiện tượng tự nhiên, trong khi đó những tư tưởng nơi Chu Dịch có phần khó hiểu và khó giải thích. Tuy nhiên, ngày nay phần những lý luận được đề cập nơi Chu Dịch đã được đề cập chứng minh và giải thích dưới cái nhìn của khoa học. Đồng thời những tư tưởng mang màu sắc nho gia ấy cũng có rất nhiều điểm tương đồng với Phật giáo.
3.1. “Biến – Thông – Cửu” dưới góc nhìn khoa học
Theo như khoa học hiện tượng ngày nay, thì “cùng tắc biến” chính là hiện tượng hiện tượng thay đổi lượng dẫn đến sự thay đổi về chất. Mỗi sự vật, hiện tượng đều tồn tại mối quan hệ giữa lượng và chất trong một chỉnh thể. Chúng tác động qua lại lẫn nhau một cách biện chứng. Sự thay đổi về lượng sẽ có thể dẫn tới sự thay đổi về chất[12]. Ta có thể hiểu khi muốn chất thay đổi thì lượng phải thay đổi tới mức cần thiết. Ngược lại nếu không đạt đến đủ sự thay đổi về lượng thì chất không thể nào thay đổi. Quá trình này được tuân theo quy luật tự nhiên và ở đó, khi sự thay đổi diễn ra thì sự vật hiện tượng đó sẽ được tiếp tục tồn tại dưới dạng một hình thức khác, đặc biệt hơn và lâu dài hơn.
Chẳng hạn như hạt lúa, khi chúng tiếp nhận sự tác động của nước, không khí, đất,... chúng sẽ biến đổi từ bên trong, trải qua thời gian khi sự thay đổi đủ lớn thì hạt lúa sẽ nả mầm, phát triển thành mạ và trở thành cây lúa. Dưới hình thức của một cây lúa, hạt lúa sẽ tồn tại lâu hơn trong tự nhiên để tiếp tục cho sự biến đổi kế tiếp.
Khoa học nguyên tử ngày nay của Tây Phương xác nhận cái thuyết “hình hóa khí”, “khí hóa hình” là đúng khi các nhà khoa học nguyên tử tuyên bố (vật chất là khí đọng lại mà thành hình; khi là vật chất tan ra mà thành khí). Hay nói cách khác: người ta có thể nói rằng khí lực và vật chất là một hoặc là hai bộ mặt của một thực thể.
Các nhà nghiên cứu nguyên tử học ngày này đã khẳng định, nhìn vật chất giống như đứng yên, thực chất bên trong nó là sự di chuyển của các hạt vật chất không một giây nào ngững nghỉ. Chính sự di chuyển biến động đó mới tạo thành thế cân bằng cho cách hạt vật chất, cấu thành vật chất nhìn có vẻ như đang đứng yên đó.
Cũng theo quy luật đó, quy luật tiến hóa của Darwin cũng minh chứng rất rõ cho “cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu”. Sự phát triển của giới tự nhiên trong đó có con người trải qua hàng ngàn năm. Sự thay đổi của các loài sinh vật để thích nghi vô cùng đa dạng và phong phú. Đơn cử như sự tiến hóa của thực vật. Lịch sử tiến hóa của thực vật là kết quả của việc gia tăng sự phức tạp của cấp tiến hóa từ bè tảo qua rêu, thạch tùng, dương xỉ đến thực vật hạt trần và thực vật hạt kín ngày nay. Quá trình này chứng mình sự tiến hóa thông qua sự biến đổi dưới tác động của môi trường và chính nhu cầu thích nghi của bản thân sự vật để tồn tại hay còn gọi là đạt được trạng thái “thông” khi mâu thuẫn phát sinh và “cửu” về lâu về dài.
Đừng nói đến sự biến đổi hiển nhiên của sự vật hiện tượng. Dù sự tác động của một niệm trong suy nghĩ nếu đủ lớn cũng sẽ làm thay đổi thế với vật chất bên ngoài. Nói đến đây không thể không nhắc đến chính là thí nghiệm nước biết nói của tiến sĩ Masaru Emoto khi tác động lên tinh thể nước một ý niệm đủ lớn, chúng sẽ biến đổi và cho ra tác động tương đồng với ý niệm ấy. sự biến đổi này phản ánh đúng quy luật của tự nhiên mà ở đó, sự thay đổi về lượng hay “cùng” đóng vai trò chủ chốt.
Quy luật này còn nói đến sự tác động qua lại của con người với tự nhiên. Nhất cử nhất động của con người đều sẽ ảnh hưởng đến đại tự nhiên và chính đại tự nhiên sẽ tác động lại con người như một quy luật tất yếu của sự sống.
Quy luật này không khó hiểu nhưng dường như con người cố tình không hiểu và gây ra nhiều hệ lụy đáng tiếc. Ngày nay để đáp ứng lại sự phát triển về kinh tế, con người ta luôn cố gắng thúc đẩy nhanh quá trình phát triển, đi ngược lại sự tiến hóa của tự nhiên để nhanh thu được nguồn lợi về kinh tế.
Theo như kinh nghiệm sống được đúc kết của cha ông ta và được chứng minh dưới khoa học tiến tiến ngày nay thì thực phẩm có tác động trực tiếp đến con người. Thực phẩm cách xa 4000 dặm không nên dùng, trái cây nghịch mùa không nên dùng. Có câu: khí hậu dưỡng nhân. Thật vậy ứng với mỗi thời tiết, mỗi vùng miền, thích hợp với mỗi loại thức ăn riêng biệt.
Nay chúng ta đi ngược lại tự nhiên, cưỡng ép cây trái kết quả ngược mùa, thúc ép quá mức động thực vật để phục vụ cho nhu cầu ăn uống, chưa kể tới chính là dùng các biện pháp hóa học cang thiệp để nhanh có sản phẩm. Trái cây trong một đêm là chín, rau qua nửa ngày là thu hoạch, thúc ép động vật tăng trọng quá mức,... sự bức bách để thay đổi đó dẫn tới thực phẩm không còn là để dưỡng sống con người mà là đầu độc con người. Đây không phải là sự biến đổi tự nhiên, càng không phải nhu cầu thay đổi bên trong lòng sự vật, điều đó sẽ gây ra những ảnh hưởng vô cùng lớn. Chính sự đi ngược lại quy luật tự nhiên như vậy, lâu dần, sức khỏe của con người cũng biến đổi theo, những căn bệnh lạ, nhưng sự phát triển đi ngược lại với tự nhiên,...
Đại tự nhiên trải qua hàng năm tiến hóa, với quy luật tự nhiên ổn định như vậy, nhưng đến thời điểm này, chính sự bức hại, khai thác đến vô độ của con người làm chúng phải biến đổi. Sự thay đổi khí hậu thiên nhiên thất thường đến khắc nghiệt chính là minh chứng cụ thể nhất cho điều đó.
Quy luật “cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu” đã được chứng minh dưới góc nhìn của khoa học và biểu hiện cụ thể qua trạng huống thế giới ngày nay. Những điều đó như tiếng chuông cảnh báo cho hiện thực đáng ngại ngày nay cũng như đặt ra cho con người nhiều câu hỏi, trong đó câu hỏi về sự hòa hợp với thiên nhiên và sự trường tồn của thế giới vốn là câu hỏi mang tính thời đại làm cho con người ta phải suy tư.
3.2. “Biến – Thông – Cửu” dưới góc nhìn xã hội
“Cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu” không chỉ đúng với thế giới vật chất, mối tương quan giữa con người với đại tự nhiên, mà còn hoàn toàn đúng với xã hội loài người hay nói cách khác là mối tương quan giữa con người với con người.
Lịch sự nêu tên hai giai đoạn tăm tối của lịch sử nhân loại chính là thế chiến thứ nhất và thế chiến thứ hai. Khi tìm hiểu về lịch sử thế giới ta thường bị những con số thông kê thu hút mà quên mất bản chất vấn đề. Sự thật điểm chung của cả hai cuộc chiến tranh này là sự thay đổi về lợi ích hoặc cụ thể hơn là sự mong muốn thay đổi về lượi ích nhận được các nước. Nhưng nhu cầu ấy manh nha, âm thầm trong mỗi nước, diễn biến rộng hơn trên phạm vi toàn thế giưới sau đó phát triển mạnh dưới hình thức chiến tranh và tạo nên cục diện thế chiến. Đây là trạng thái “cùng tắc biến, biến tắc thông”.
Kết cục của thế chiến là sự phân cực của thế giới. Hiện trạng thế giới vẫn duy trì đến ngày nay, đó là trạng thái “thông tắc cửu”. Tuy hiện này, sự phân tranh, sự thay đổi của thế giới vẫn đang diễn ra mỗi ngày nhưng về cơ bản lần biến đổi trước khá đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Ngày nay, xã hội vẫn đang thay đổi và quá trình đó vẫn tiếp tục như một điều tất nhiên của cuộc sống.
Ngày nay, khi nhắc đến cuộc sống hiện đại, con người luôn tự hào cho rằng thế giới đang ngày một phát triển. Tuy nhiên, có thật sự thế giới đang phát triển hay không?
Nền văn mình Trung Hoa, đặc biệt là nho học cho rằng, quan hệ giữa người với người gồm tam cương ngũ thường, trong đó các mối quan hệ vua - tôi, cha - con, anh - em, vợ - chồng, bạn bè cũng như các đức tính Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín được xem trọng. Ở Việt Nam những lễ nghĩa khuôn phép giữa trưởng bối và hậu bối, những lễ nghĩa với mọi người luôn được đề cao. Tất cả những điều đó tạo nên thế cân bằng hòa hợp cho xã hội.
Ngày nay con người chúng ta coi những tư tưởng trên là bó buộc, là những hủ tục cần phá bỏ. Xu hướng ngày nay là tập trung phát triển vượt bậc kinh tế. Sự thay đổi theo chiều hướng vật chất ngày càng nhiều đến đỉnh điểm tạo nên trạng thái quyết liệt như ngày nay. Sự thay đổi trong tư tưởng dẫn đến sự thay đổi trong phong khí xã hội. Kèm theo sự phát triển của kinh tế, chủ nghĩa vật chất là sự lơ là đến xuông cấp về đạo đức, về những giá trị nhân văn của xã hội. Ta có thể khẳng định, thế giới ngày nay không phải đang phát triển, chỉ là đang phát triển về kinh tế một cách khập khiểng mà thôi.
3.3. “Biến – Thông – Cửu” dưới góc nhìn của Phật giáo
Như đã đề cập ở trên, kinh Dịch và Phật giáo có rất nhiều điểm tương đồng. Thông qua kinh Dịch ta có thể hiểu thêm nhiều phương diện của cuộc sống, dưới góc nhìn của Phật giáo, kinh Dịch dễ dàng đi vào cuộc sống hơn, đem lại nhiều ứng dụng và mở thông nhiều vấn đề.
“Cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu” của Nho gia có rất phù hợp với hệ thống giáo lý của Phật Đà. Kết hợp tư tưởng của hai Nhà ta có được cái nhìn tổng quát về sự biến đổi, vận động của thế giới tự nhiên đến cả nội tại bên trong của con người, mở ra những đường lối sống, cách thức tu tập để đạt được nhiều lợi ích cho con người đặc biệt là hành giả tu học.
3.3.1. Luật nhân quả
Dưới cái nhìn của Phật Giáo thì “Biến – Thông – Cửu” có thể hiểu là sự vận hành của luật nhân quả của Phật giáo. Khi sự vật đạt đến cùng cực sẽ gây ra biến đổi từ hình thái đến căn bản bên trong, thì theo luật nhân quả cũng vậy, khi tích tụ hành nghiệp đủ nhiều sẽ tạo nên một nguồn năng lượng dẫn cá thể ấy đi đến kết quả tương ứng với hành nghiệp mình đã tạo ra.
Theo kinh Dịch khi có sự biến đổi xảy ra thì sẽ được thông suốt hay nói cách khác là vật sẽ được thích nghi và duy trì dưới trạng thái mới đó. Dưới lăng kính của Phật giáo điều này được giải thích là khi nhân chín thì trổ quả, và khi quả hiển hiện là lúc nhân được tương thích với quả nhất.
Nói ngược lại, chẳng hạn như, khi tâm tính của một người biến chuyển theo chiều hướng không phải là con người, với những hành nghiệp như vậy, trong hình thái là con người sẽ gây ra nhiều mâu thuẩn, chỉ khi nghiệp chín trổ quả, tùy theo hành nghiệp người ấy chuyển luân vào cõi tương thích thì hành nghiệp và kết quả mới có sư thống nhất với nhau. Sự “tiệm biến”, Dịch truyện gọi là “tích”, nghĩa là sự chấp chứa lâu dài: “Điều thiện mà không chấp chứa lâu thì không đủ để thành việc thiện; điều ác mà không chấp chưa lâu thì không đủ để hại thân”[13].
Ở đây nói về sự tích lũy của hành nghiệp. Không phải ngày một ngày hai mà đạt được trạng thái hiện tại, đó là nói đến sự chuyển biến lâu dài từ trong tâm thức, sự thay đổi trong hành động, tích tụ mà thành. Dù là việc làm thiện hay việc làm ác, dù là quả thiện hay là quả ác thì đều là quá trình biến đổi lâu dài tạo nên.
Tuy nhiên Chu Dịch chỉ dừng lại ở mức giải thích hiện tượng tự nhiên thì luật nhân quả của Phật giáo còn đi sâu hơn nữa với những giáo lý cụ thể. Nếu tích tụ những hành nghiệp xấu ác sẽ dần dẫn đến kết cục đọa lạc thì ta có thể chuyển hóa tâm tính, tích tụ hành nghiệp tốt.
“Cùng tắc biến” khi nghiệp tốt tích lũy ngày một nhiều sẽ đến lúc biến đổi trạng thái hiện tại nhận được kết quả tốt hơn trong tương lại và ngay cả hiện tại. Như dòng nước liên tục chảy vào một chiếc bình nước bẩn, đến một lúc nào đó cáu bẩn sẽ thông qua việc trào ra ngoài và được loại bỏ, nước trong bình sẽ đạt được trạng thái sạch trong.
3.3.2. Vạn vật đều có mỗi tương quan
“Cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu” còn khẳng định rõ sự tương quan qua lại giữa vật và vật. Khi sự vật mới được hình thành từ trong lòng của sự vật cũ qua quá trình thay đổi, khi tình thế mới được hình thành từ tình thế cũ khẳng định sự tương quan này.
Điều này đúng với tương quan Ngũ uẩn của Phật giáo. Ở đó Phật giáo khẳng định mọi sự vật hiện tượng đều được cấu thành từ ngũ uẩn. Trong thế giới có ta, trong ta có thể giới vì vậy chúng ta là một cá thể cũng là một tập thể.
Không chỉ đưa ra sự tương quan này, tiến trước một bước Phật giáo còn chỉ ra điểm cụ thể trong mối tương quan và gióng lên hồi chuông cảnh báo cho sự tàn hại của con người hiện nay với sự thay đổi của đại tự nhiên.
3.3.3. Tùy duyên không tác ý
Du Diễm – Chu dịch tập thuyết viết: “Đến thời biến, thì phải biến, nếu không biến sẽ cùng, đó là đạo có biến tất có thông của Dịch. Có biến sẽ có thông, tức là tùy theo thời. Dân hãy còn hăng hái, chưa thấy mệt mỏi chán ghét, Thánh nhân không được bắt họ từ bỏ cái chí hăng hái đó; dân chưa được yên ổn Thánh nhân không được bắt buộc họ phải hăng hái làm việc. Chỉ đến khi số đã cùng, thời đã biến, lúc đó Thánh nhân nhân đó mà biến thông thúc đẩy, có như vậy dân mới không mệt mỏi. Nếu không dân sẽ cảm thấy phiền nhiễu, chán ghét, làm sao không mệt mỏi được ? Cứ như vậy mà thuận theo, không cần biết lý do tại sao, như vậy là “thần”; thuận hành dần dần biến cải, không cần câu thúc vào ngôn từ để hướng dẫn hành động, như vậy là “hóa”. Theo đạo “thần hóa”, đó là đạo dạy dân, dưỡng dân của Thánh nhân đấy, nếu không theo đạo đó, tất dân không chịu theo.”
Đến thời thế biến thì phải biến, chưa đến thời thế biến thúc đẩy sự biến đổi chỉ làm dân chán ghét và mệt mỏi, thuận theo đạo tự nhiên thì dân sẽ được hăng hái và yên vui đó là tinh thần của “Cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu”.
Nhà Phật cũng nếu cao tinh thần này bằng hai chữ “tùy duyên”. Phật chỉ độ người hữu duyên. Cho dù nói Pháp, Phật cũng vẫn dụng trí quán sát đoán biết căn cơ, thời thế mới tuyên thuyết pháp mầu. Chế giới cũng là tùy phạm tùy chế chưa từng cưỡng ép, ép buộc mà chế ra giới pháp.
Hay điển hình như thời kì đầu Phật giáo du nhập vào Trung Quốc. Từ một đất nước xem trọng tín ngưỡng và tôn giáo như Ấn Độ phải làm thế nào để Phật Giáo có thể phát huy mạnh mẽ đạt được lợi ích vốn có của nó ở một đất nước xem trọng lễ giáo như Ấn Độ là cả một sự trí tuệ của chư Tổ thời bấy giờ.
Nếu Phật giáo không biến đổi về hình thức, không kết hợp với Nho giáo và không thay đổi hiện trạng bề mặt của mình để thích nghi với Trung Quốc thời bấy giờ thì rất có thể Phật giáo sẽ không thể nào tiến vào đất nước Trung Hoa thời bấy giờ. Sự biến đổi ở đây là biến đổi về hình thức, biến đổi về cách thức truyền bá, tuy nhiên bản chất của Phật giáo vẫn không hề có sự thay đổi. Thế mới thấy được sự từ bi và trí tuệ của chư Phật chư Tổ thời bấy giờ.
Tùy duyên mới có thể đưa đạo pháp lại gần người dân, giúp cho bài pháp đạt được giá trị cao nhất. Không chỉ riêng trong tu hành giác ngộ, giáo hóa chúng sinh mà trong cuộc sống hằng ngày đạo lý thuận theo tự nhiên hay còn gọi là tùy duyên cũng đem lại sự an vui và tự tại cho những ai hiểu và thực hành nó.
Ngay nay, con người phần nhiều là coi thường những đạo lý này cho là lạc hậu mê tín, tùy tâm sở dục muốn làm gì thì làm ấy không câu nệ. Không chỉ làm tổn hại đến đại tự nhiên mà còn làm cho sự tương quan giữa người với người trở nên nghẹt thở. Khi tác ý cưỡng cầu đạt được thì lo lắng âu sầu sợ mất đi, không đạt được thì không cần phải nói đau khổ đến cùng cực. Một khi đã mất đi cái tự tại tùy duyên thì cuộc sống con người khó mà an vui cho được.
Chương 4: ỨNG DỤNG “BIẾN – THÔNG -CỬU”
Dù là Phật giáo hay là Nho giáo, những giáo lý, đạo lý được truyền dạy luôn là để ứng dụng vào sinh hoạt, sự tu tập và chuyển hóa của bản thân, ứng dụng vào cuộc sống. Cũng vậy, học và hiểu về quá trình vận hành và biến hóa cũng như duy trì của sự vật thông qua nguyên tắc “Cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu” rồi, bên cạnh đó còn được mở rộng ra dưới cái nhìn của nhiều lăng kính khác nhau đặc biệt là lăng kính của Phật giáo, việc kế tiếp và cũng vô cùng quan trọng là đem đạo lý ứng dụng, để những điều ta học hiểu được phát huy hết giá trị thực của nó.
4.1. Tùy duyên cho mình và người
Khi hiểu được quy luật biến đổi của vạn vật và hiện tượng, ta như hiểu ra được sự vô thường của kiếp này, chuẩn bị cho mình một tâm thế tự tại nhẹ nhàng đối diện với tất cả là bài học đầu tiên ta nhận được khi biết đến “Biến – thông – cửu”.
Dưới mỗi sự biến đổi đều có nguyên nhân thực sự của nó, nếu cố gắng chống lại chẳng những không đạt được lợi ích gì mà còn làm cho cả thân và tâm của chúng ta gặp nhiều phiền phức và tràng đầy mệt mỏi.
Chúng ta phải hiểu rằng, thái quá sẽ đem lại hậu quả ngược. Quá yêu thích, quá mong cầu, quá chấp giữ đều đem đến nhiều chướng ngại, mà hệ lụy của nó là đem đến đau khổ cho bản thân trong cả hiện tại và tương lai. Thế nên, hiểu được quy luật biến hóa của sự sống, ta bớt được nhiều đau khổ trong quá trình chấp giữ và mong cầu.
Trong cuộc sống dù muốn hay không chúng ta vẫn sẽ gặp phải nhiều khó khăn cản đường. Dù là trong công việc hay trong đời sống cá nhân và cả đến những quan hệ giữa người với người khó khăn cản trở là điều không thể tránh khỏi.
Khi hiểu được quá trình biến hóa của vạn vật chúng ta hiểu được những hoàn cảnh hiện tại chỉ là sự giả tạm, khi tâm lý chấp giữ nhẹ bớt, sự tùy duyên thuận cảnh được nhiều thêm, thì dù trong cuộc sống có xảy ra bất cứ chuyện gì cũng không thể ảnh hưởng đến trạng thái an lạc tự tại của bản thân mình.
Không chỉ đối với bản thân, đối với người khác chúng ta phải luôn giữ một tâm thế tùy duyên. Chúng ta rất dễ thông cảm đối với người lạ, nhưng dường như lại có phần khắc khe và cố chấp với những người thân dùng quanh, đó là cha mẹ, con cái, anh chị em, vợ chồng, bạn bè và cả người yêu,... Những thân phận này giống như cho phép chúng ta đối với cuộc sống của họ có quyền yêu cầu và quyết định.
Tuy nhiên, sự biến đổi là quy luật tự nhiên, nếu chuyện gì cũng chấp chặc không chỉ gây ra khổ sở cho bản thân mà còn gây ra nhiều khó khăn cho cuộc sống của người khác. Đã là người học Phật, chúng ta phải đặt tâm thế tùy duyên lên đầu để có được cuộc sống tự tại cho chính bản thân và mọi người xung quanh.
4.2. Tích lũy để thay đổi
Như đã đề cập ở trên, khó khăn trở ngại trong cuộc sống và trong tu hành là điều không thể nào tránh khỏi. Ngoài một tâm thế tùy duyên, nhìn cuộc sống dưới sự bao dung nhẹ nhàng, chúng ta còn phải cố gắng thay đổi hoàn cảnh không tốt hiện tại để tiến đến một cuộc sống tốt đẹp. Nghe có vẻ như mâu thuẩn với tâm lý không mong cầu và chấp trước đã đề cập ở trên. Tuy nhiên, sẽ hoàn toàn hợp lý nếu chúng ta nắm được căn bản, thay đổi một cách tích cực cuộc sống từ bên trong dựa theo nguyên lý “Cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu”.
Sự biến hóa như chúng ta đã biết, nó diễn ra trong lòng một sự vật hiện tượng, một cách từ từ chậm rãi, đến khi đủ chúng thể thay thế hoàn toàn sự vật cũ bằng sự vật mới để đáp ứng với nhu cầu của hoàn cảnh và bản thân sự vật. Chính là nói khi sự thay đổi về lượng đủ sẽ dẫn đến sự thay đổi về chất.
“Điều thiện phải tích chứa lâu ngày mới thành việc thiện; điều ác mà không chấp chúa lâu cũng không thể thành điều ác hại thân.”[14] Nếu hiểu được quy luật của sự biến hóa rồi, chúng ta sẽ có niềm tin hơn trong quá trình thay đổi hoàn cảnh hiện tại. Từng bước từng bước tích lũy những hạt nhân tốt, từng bước từng bước thay đổi những từ những thói quen nhỏ của bản thân, khi lượng thay đổi đủ, thì chất sẽ thay đổi và hoàn cảnh khó khăn của chúng ta hiện tại sẽ được cải thiện.
Trong cuộc sống như vậy, trong sự tu tập theo giáo lý của Phật Đà càng như vậy. Chúng ta phải hiểu rằng, trạng thái tâm của hiện tại là kết quả của quá trình luân hồi sinh tử từ nhiều kiếp. Nay chúng ta gặp Phật, tu học theo chính Pháp là điều vô cùng hạnh phúc. Tuy nhiên, “dục tốc bất đạt”, chúng ta không thể cưỡng ép chính bản thân mình phải loại bỏ hạt giống xấu trong tâm, lập tức “thay thai hoán cốt” trở thành hoàn thành thanh tịnh và chứng đắc được.
Quá trình tu học là một quá trình dài và gian nan. Mỗi hành giả chúng ta phải chuẩn bị cho mình một tâm lý thật vững vàng và một ý chí thật vững chãi. Tu hành giống như quá trình đổ nước sạch vào bình dơ vậy, phải kiên nhẫn và nỗ lực, đến một ngày trong bình chỉ có nước sạch, trong tâm chúng ta chỉ còn lại hạt giống thanh tịnh mà thôi.
Không chỉ với cuộc sống và quá trình tu tập của bản thân mà đối với người khác, đối với quá trình hoằng pháp cũng như vậy. Tối kị nhất ở đây là nôn nóng. “Băng đông ba thước không phải do một ngày đông”, cũng vậy, chúng ta kiên nhẫn với bản thân ra sao thì phải kiên nhẫn với người khác nhiều hơn như thế. Chỉ có sự bao dung, kiên nhẫn được đặt dưới dẫn lối của chính pháp mới có thể làm một người hồi đầu hướng thiện, mới có thể hoằng dương Phật Pháp.
Hệ từ hạ truyện có viết: “Đức mỏng mà ngôi cao, trí nhỏ mà mưu việc lớn, sức yếu mà gánh việc nặng, khó mà thành công. Lại còn nguy hiểm đến bản thân, luôn cho xã hội xung quanh là khác.”[15] Thế mới thấy, học hiểu đạo lý và ứng dụng tu hành cho bản thân đã khó, việc đem hạt giống thiện lành lan tỏa, cảm hóa, thay đổi người lại càng khó hơn. Trên con đường tu học và truyền bá đạo mầu sẽ còn gặp nhiều chông gai, mỗi người chúng ta khi đã phát tâm đi trên con đường nay nên ý thức được điều đó và vững tâm hơn trên con đường mình đã chọn.
Lưu ý, muốn đạt được thay đổi chúng ta phải đi đôi cả về sự thay đổi bên trong và bên ngoài thì mới có thể đạt được lợi ích. Nếu chỉ chăm chăm thay đổi về hình thức thì chỉ mang danh suống không có ý nghĩa gì. Nhưng nếu chỉ lo chuyển hóa bên trong mà quên đi hình thức thì rất khó để bản thân thực hành cũng như khiến người tin phục. Chúng ta biết đến “thời thế tạo anh hùng”, những nếu là anh hùng vẫn có thể tạo nên thời thế. Đây là quy luật chung cho bất cứ hoàn cảnh và trạng huống nào. Từ đó chúng ta như mở ra được phương hướng để phát triển hoàn thiện bản thân và đưa chính pháp vào đời.
4.3. Tinh thần học tập
Ta phải hiểu rằng: “Họa là chỗ dựa của phúc, phúc là chỗ núp của họa.”[16] Nếu chỉ biết giữ yên vị trí, học vấn và sở tu của mình ngay hiện tại mà yên tâm rằng không bao giờ bị mất đi, hoặc nghĩ rằng bản thân đã an ổn, điều đó đem lại rất nhiều hệ lụy, có thể nói là nguy hiểm.
Cho là mình đã an ổn rồi buông thả bản thân, không phòng giữ đạo đức, cũng không gắng giữ giới thân, không học hỏi cũng không tu tập sẽ dẫn đến loạn. Khi vạn vật đều thay đổi, dù là trong sự sống cũng tồn tại cái chết một cách từ từ, thế nên, đang yên ổn thì mầm mống của sự nguy hiểm cũng ẩn chứa trong đó. Mọi chuyện đều thay đổi nên hoàn cảnh tốt có thể biến thành xấu, xấu có thể chuyển thành tốt là điều tất nhiên.
“Đường học vấn như chèo thuyền ngược nước không tiến tắc lùi”. Hiểu được rõ điều này, mỗi hành giả chúng ta không được hài lòng vào sở học, sở tu hiện tại của bản thân mà càng phải nỗ lực hơn nữa. Kiến thức là vô tận, biển Phật Pháp chưa bao giờ vơi cạn nếu hành giả muốn học hỏi và tìm hiểu. Học tập và tích lũy mỗi ngày là cách để bản thân loại trừ đi những hạt giống xấu, không phù hợp, phát triển và tăng trưởng những hạnh lành, để bản thân được an vui ngay hiện tại và giải thoát trong tương lai.
Chưa kể thế giới ngày một phát triển, việc học hỏi không chỉ dừng lại ở việc học những cái cũ mà còn phải vượt lên để mở rộng ra những điều mới mẻ. Đây cũng là cách để bản thân có thể hòa vào nhịp thở của thời đại, lồng ghép đạo lý, chân lý vào cuộc sống, đưa giáo lý đến gần với cuộc đời bằng chiếc áo mới thích hợp hơn. Đây là những bài học mà khi muốn hoằng dương chính pháp chúng ta buộc phải học và thực hành.
Học ở đây không phải chỉ dừng trên văn tự. Học là phải hiểu rõ bản chất. Khi truyền đạt cũng vậy, chấp chữ bỏ nghĩa là tối kị của quá trình hoằng pháp. Hành giả chúng ta, khi nghiên cứu, khi tu hành và cả khi truyền bá đều phải biết cách thoát ly văn tự, hóa theo thời thế để phát dương chính pháp.
Tóm lại, dưới góc nhìn của kinh Dịch, hay câu nói “Cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu” ta như nhận ra được nguyên lý cơ bản của sự sống, từ đó phát triển trên con đường học vấn và tu tập cũng như ứng dụng vào cuộc sống để mỗi ngày được sống là mỗi ngày nhẹ nhàng và ý nghĩa nhất.
C. KẾT LUẬN
“Cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu” mở ra nhiều tầng ý nghĩa, mang đến nhiều bài học mà dù là hành giả học Phật hay không chúng ta đều nên tìm hiểu và ứng dụng hành trì.
Hiểu về sự thay đổi của thế giới, hiểu được tầm quan trọng của sự thay đổi cũng như hiểu về giá trị mà sự thay đổi đem lại với thế giới, với bản thân và với cộng đồng, ta sẽ trân trọng hơn thế giới này, cũng như nỗ lực hơn nữa trong thế giới này. Câu nói ấy một lần nữa nhấn mạnh bản chất của thế giới, bản chất của vạn vật, cũng là sự khích lệ và động viên, lời nhắc nhở đến với mỗi chúng ta.
Học vấn là con đường dài, với nhiều gian nan và khó khăn. Mỗi người chúng ta khi đã xác định bước đi trên con đường này thì cần chuẩn bị cho mình một tâm thế sẵn sàng, một tinh thần vững chãi. Học làm sao để thấy rõ bản thân, tu làm sao để giải thoát được bản thân và hoằng làm sao để thế giới thấm nhuần giáo lý là một loại học vấn càng là một loại trí tuệ mà mỗi chúng ta cần phải nỗ, lực tinh tấn mới có thể đạt được.
Bài viết này dựa trên tư tưởng kinh Dịch là chủ yếu, tham khảo thêm các tài liệu tư tương Nho gia, lại đặt chúng dưới nhiều lăng kính khác nhau đặc biệt là Phật giáo để có thể đưa ra được cái nhìn đa chiều mà lại đúng với giáo lý và chính pháp nhất, từ đó đưa ra được những lợi ích và bài học có thể ứng dụng cho mỗi cá nhân và cho cả xã hội. Có thể nói “Cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu” tuy chỉ là một câu nói nhưng lại mở ra cho chúng ta biết bao suy tư về kiếp người, về vũ trụ và về sự tu tập giải thoát của mỗi hành giả chúng ta.
Tác giả: Thích nữ Hiển Liên ThS Khóa V Học viện Phật giáo Việt Nam ***
Bình luận (0)