Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu Tư tưởng và pháp tu của Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh

Tư tưởng và pháp tu của Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 5.2021 Tu tuong phap tu Lam Te Chuc Thanh 1

Phật giáo Việt Nam đã đồng hành cùng dân tộc, góp phần không nhỏ trong tiến trình khai quốc, định quốc, vệ quốc và kiến quốc trong suốt chiều dài của lịch sử Việt Nam. Vì thế, chẳng phải ngẫu nhiên mà lịch sử Phật giáo Việt Nam đặc biệt ghi nhận dấu ấn tồn tại, phát triển của Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh do ngài Minh Hải Pháp Bảo sáng lập tại chùa Chúc Thánh- Quảng Nam trong tiến trình lịch sử dân tộc Đại Việt. Từ tông phái Lâm Tế khởi nguyên tại Trung Hoa thế kỷ IX, do Thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền đời thứ 38 của dòng truyền thừa lịch sử Thiền tông Ấn- Hoa lập nên. Đến thế kỷ XVII, thông qua công đức du hóa của các vị Thiền sư Trung Hoa như thiền sư Viên Văn Chuyết Chuyết, Minh Châu Hương Hải, Nguyên Thiều, Minh Hải Pháp Bảo…đến lãnh thổ Đại Việt để hành đạo với cát cứ buổi đầu tại Đàng Ngoài và Đàng Trong, nghiễm nhiên tư tưởng và triết lý tu tập của Thiền phái Lâm Tế tại Trung Hoa có điều kiện, cơ duyên được phát tích sâu rộng tại đây. Cụ thể là chi phái Thiền Lâm Tế Chúc Thánh do ngài Minh Hải Pháp Bảo biệt kệ lập nên tại chùa Chúc Thánh – Quảng Nam từ thiền phái Lâm Tế. Từ đó góp phần mang đến nhiều dấu ấn mới trong việc thực thi các triết lý sống của Phật giáo Đại Việt được phổ cập đến quần chúng.

Thực tế lịch sử cho thấy, kể từ giai đoạn Doãn Quốc Công Nguyễn Hoàng (1558- 1613) được triều đình chúa Trịnh chấp thuận trở vào vùng đất Thuận Hóa để trấn thủ và mở rộng cương giới đất nước. Có thể thấy, các chúa Nguyễn buổi đầu đều tích cực thực thi các chính sách Phật giáo để bình ổn đời sống cư dân tại đây. Các cơ sở thờ tự của Phật giáo được các chúa Nguyễn chủ trương phục dựng các chùa cũ, tạo lập các chùa mới, ban sắc tứ cho nhiều chùa tại Đàng Trong, song với đó là kiến tạo trai đàn, làm lễ bố thí, bản thân các chúa trở thành phật tử cũng quy y Phật pháp, thọ Bồ tát giới,… Từ đó mà vai trò và vị thế của Phật giáo đã được chú trọng và phục hưng phát triển hơn trước. Đặc biệt, các chúa Nguyễn còn tạo các điều kiện thuận lợi để các Thiền sư Trung Hoa sang hoằng hóa tại Đàng Trong thế kỷ XVII với một thái độ sùng thượng và tôn kính. Qua đó, Phật giáo được cơ duyên phổ hóa và tạo dấu ấn rộng rãi trong đời sống tâm linh của dân tộc Đại Việt ở Đàng Trong. Nhất là sự ra đời của Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh do ngài Minh Hải Pháp Bảo (1670- 1746), người Phúc Kiến, Trung Quốc, thuộc đời truyền thừa thứ 34 của dòng Lâm Tế đến vùng đất Hội An của Quảng Nam để hoằng hóa, sau đó khai sơn chùa Chúc Thánh lập nên chi phái thiền Lâm Tế Chúc Thánh với bài kệ truyền thừa của Tổ Minh Hải Pháp Bảo như sau: “Minh Thiệt Pháp Toàn Chương/Ấn Chơn Như Thị Đồng/Chúc Thánh Thọ Thiên Cửu/Kỳ Quốc Tộ Địa Trường/Đắc Chánh Luật Vi Tông/Tổ Đạo Giải Hành Thông/Giác Hoa Bồ Đề Thọ/Sung Mãn Nhơn Thiên Trung”. (Hiểu thấu pháp chân thật/ Ấn Chân Như hiện tiền/Cầu Thánh quân tuổi thọ/Chúc đất nước vững bền/Giới luật nêu trước tiên/Giải và hạnh nối liền/Hoa nở cây giác ngộ/ Hương thơm lừng nhân thiên)(1).

Tư tưởng của Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh

Các nhà nghiên cứu uy tín về lịch sử Phật giáo Việt Nam đều công nhận rằng, một trong những xu hướng tư tưởng quan trọng của Phật giáo Việt Nam là tinh thần dung hợp, thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh cũng không đi ra ngoài quy luật này. Căn cứ những gì còn lưu lại của các bậc tổ sư, thiền sư, đại sư và sinh hoạt thiền môn trong các tự viện thuộc hệ thống truyền thừa của thiền phái này, có thể thấy rằng những đặc điểm tư tưởng chính của thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh.

Tư tưởng ngộ thiền đắc pháp: Tư tưởng này hoàn toàn phù hợp với tông chỉ ngộ tâm xuyên suốt của Tổ sư Thiền của Thiền tông Trung Hoa. Do đó có thể thấy rằng ít nhiều trong vấn đề tu chứng, ngộ đạo của Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh cũng chịu sự ảnh hưởng nhất định quan điểm tư tưởng cũng như tiến trình tu chứng từ tông Lâm Tế. Tinh thần thiền học này, chúng ta dễ dàng nhận thấy ngay nơi bài kệ truyền thừa của ngài Minh Hải “Hiểu thấu pháp chân thật/Ấn chân như hiện tiền”, rõ ràng so với triết lý Thiền “bất lập văn tự, trực chỉ chân tâm, kiến tính thành Phật”, do Tổ Bồ Đề Đạt Ma chủ trương lập nên và ngài Huệ Năng kế thừa có sự tương đồng không khác. Làm thế nào để nhận chân bản tánh giác ngộ sẵn có ở nơi mỗi chúng sinh, khi biết hồi quan, phản chiếu vào bên trong tâm ý của chính mình, thì sẽ thấy được tánh mà thành Phật. Do đó, tánh ở đây chính là trí tuệ sáng suốt, trí tuệ của bát nhã, làm chủ thân tâm của tự thân mà thành tựu chứng ngộ. Vì thế, việc hành thiền chính là đạt được Phật tính, thấy được tâm Phật ở ngay nơi tâm mình, là chủ thể của nhận thức và đương nhiên phương tiện nhận thức cũng chính là tâm. Chính vì thế, quá trình ngộ thiền đắc pháp là quá trình trực giác, nằm ngoài mọi giáo lý căn bản, lời nói và tư duy phân biệt, chỉ cốt yếu thể nhập nơi sự thiền cơ lý thiền mà có được giác ngộ. Điều này đã được các vị Thiền sư trong thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh kế thừa tiếp nối không ngừng tư tưởng chính yếu này như Minh Hải Pháp Bảo, Toàn Nhật Quang Đài, thời kỳ cận đại có Thiền sư Thanh Từ, Duy Lực… đều là những bậc ngộ đạo và công lao truyền bá tinh thần thiền học này.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 5.2021 Tu tuong phap tu Lam Te Chuc Thanh 2

Tư tưởng dung hợp Thiền Tịnh Giáo Luật Mật: Thế kỷ XVII, Phật giáo Đại Việt với xứ Đàng Trong, dòng thiền Lâm Tế được truyền vào vùng đất Thuận Hóa thông qua các vị Tăng từ Trung Hoa sang theo sự thỉnh cầu các chúa Nguyễn. Các vị Thiền sư như Viên Văn Chuyết Chuyết, Nguyên Thiều Siêu Bạch, Minh Hải Pháp Bảo,… được xem như những nhân vật có công đem tư tưởng, triết lý của thiền phái Lâm Tế bén rễ và định hình tại xứ Đàng Trong. Đặc biệt, với tư tưởng “Lâm Tế thống khoái”, ngay từ buổi đầu các vị Thiền sư thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh đều tích cực chủ trương tinh thần dung hợp giữa các hệ tư tưởng, triết lý đưa đến ngộ đạo trong Phật giáo. Các hành giả tu Mật tông thì bàn bạc về hữu- vô nhiều hơn trì chú, các vị thiền sư thì cũng không hề có sự kỳ thị Mật tông hay Tịnh độ, trước hoặc sau mỗi thời thiền định đều có tổ chức tụng kinh, niệm Phật hoặc thuyết pháp(2). Đó chính là sự kết hợp đan xen giữa các yếu tố Thiền định, Tịnh độ, Giáo lý, Luật nghi và Mật chú để phù hợp với bối cảnh, điều kiện xã hội bấy giờ. Đặc biệt, với tinh thần chủ trương tu tập như thế của Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, hệ quả tích cực chẳng những thích ứng được với tâm ý của những cư dân bấy giờ tại vùng đất Quảng Nam mà còn làm xuất hiện thêm các hệ thức tín ngưỡng mới trong sinh hoạt tôn giáo của cư dân tại đây như tín ngưỡng Di Đà, quy kính Tịnh Độ,…

Bên cạnh đó, việc truyền dạy cho các đệ tử của Thiền phái, cũng như vấn đề hoằng hóa trong đời sống tâm linh của cư dân, các phương thức truyền đạt, giáo hóa đều chỉ mang tính chất thuần túy về Phật giáo cơ bản như: dung hợp tư tưởng Thiền và Tịnh độ, tổ chức các giới đàn truyền giới, thuyết giảng, dịch kinh, lấy pháp niệm Phật để tu hành cầu sinh Tịnh độ. Ở phương diện đời sống tự thân thì các vị Thiền sư “ngày ăn một bữa, xa lìa tài sắc, không màng đến chuyện thế sự, thường xem kinh luật, tinh tấn cầu đạo, tụng chú Đại Bi một tạng, đảnh lễ Tam Thiên, Vạn Phật, Hồng Danh mỗi loại năm lần, đem thiện căn này cầu cho tội chướng tiêu trừ, sớm thành Phật đạo”(3), bên cạnh đó các Ngài còn viết sách, dịch kinh để hoằng truyền Phật pháp.

Tiêu biểu như Thiền sư Pháp Chuyên Luật Truyền Diệu Nghiêm (1726- 1798) với tác phẩm Đại phương tiện Phật báo ân hiếu nghĩa, Địa Tạng Bồ tát bản nguyện kinh yếu giải, ngài Toàn Nhật Quang Đài (1757- 1834) với tác phẩm Tam giáo nguyên lưu ký, ngài Bích Liên, ngài Khánh Anh, với nhiều trước tác, dịch thuật khác nhau bằng chữ Hán, chữ Nôm, thời cận đại có thiền sư Thanh Từ, thiền sư Duy Lực… đó đều là minh chứng cụ thể. Đặc biệt, việc các Thiền sư trong sự hành đạo, giáo hóa đồ chúng tu học qua các phương thức truyền đạt tư tưởng triết lý, hầu hết đã không còn mang yếu tố thuần túy về triết lý thiền của Thiền tông, cụ thể là dòng thiền Lâm Tế với các pháp tham công án, thoại đầu đều là các phương thức tu niệm truyền thống và chính yếu trong tông Lâm Tế tại Trung Quốc nhưng không được các vị Thiền sư Lâm Tế Chúc Thánh nhắc đến và tổ chức tu hành trong giới đệ tử. Chủ yếu chỉ là sự truyền thừa trao kệ tiếp nối Thiền phái cho đệ tử và đặt pháp danh, pháp hiệu cho đệ tử theo thứ tự các chữ trong bài kệ truyền pháp, không còn được diễn ra đúng theo phương thức truyền tâm ấn tâm nữa. “Minh Thiệt Pháp Toàn Chương/Ấn Chơn Như Thị Đồng/Chúc Thánh Thọ Thiên Cửu/Kỳ Quốc Tộ Địa Trường/Đắc Chánh Luật Vi Tông/Tổ Đạo Giải Hành Thông/Giác Hoa Bồ Đề Thọ/Sung Mãn Nhơn Thiên Trung”. Và rõ ràng, bài kệ truyền thừa của Thiền phái bao gồm có 40 chữ với 8 câu và chia làm hai phần. Phần đầu gồm 4 câu đầu được dùng để đặt pháp danh và phần 4 câu sau dùng đặt pháp tự trong vấn đề truyền thừa tiếp nối tư tưởng của Thiền phái Chúc Thánh từ lúc sáng lập cho đến tận ngày nay nhất quyết đều thể theo truyền thống này của Thiền phái.

Tinh thần dung hợp Phật- Nho: Hòa trong xu hướng dung hợp, giao thoa với sự tương tác giữa Phật và Nho, có thể thấy rằng Phật giáo Đàng Trong thời các chúa Nguyễn chính là sự kết hợp nhuần nhuyễn, tạo nên một phong cách đặc biệt trong giới cầm quyền lãnh đạo cũng như biểu hiện trong quần chúng nhân dân. Đặc biệt, quan điểm này chúng ta dễ dàng nhận thấy qua cuộc đời học đạo và tu đạo của các vị Thiền sư trong thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, đa phần các vị thiền sư ngoài sự tinh thông về Tam tạng giáo điển Phật giáo, các Ngài còn thông thuộc chữ Hán; nhờ đó hầu hết các vị đều viết sách, dịch kinh….Tiêu biểu như Thiền sư Pháp Chuyên Luật Truyền Diệu Nghiêm (1726- 1798) với tác phẩm Đại phương tiện Phật báo ân hiếu nghĩa, Địa Tạng Bồ tát bản nguyện kinh yếu giải, ngài Toàn Nhật Quang Đài (1757- 1834) với các tác phẩm Hứa Sử truyện vãn,Tống Vương truyện, Lục Tổ truyện diễn ca, Xuất gia tối lạc tỉnh thế tu hành vãn, đặc biệt tác phẩm Tam giáo nguyên lưu ký do Ngài trước tác, chính là sự mô tả rất chân thật tinh thần tương quan, dung hợp của Phật- Nho trong con người của vị Thiền sư: Ta xưa cũng dự Nho gia/Mười hai tuổi học đến ba như rày/Hỏi thăm năm bảy ông thầy/Không ai tỏ đặng tánh trời huyền môn/Tông nguyên uẩn áo thánh nhân/Cũng là chân lạc hạo nhiên để truyền/Sau ta học phép thiền/Thuở ba mươi tuổi vậy liền xuất gia(4).

Bên cạnh đó chúng ta thấy sự dung hòa tư tưởng giữa Phật- Nho còn được thể hiện qua lối kiến trúc thờ tự trong các ngôi chùa, tự viện thuộc môn phái của Lâm Tế Chúc Thánh. Cụ thể như chùa Diệu Giác ở Quảng Ngãi, ngoài gian chính ở giữa thờ đức Phật A Di Đà đang ngồi thiền định,bên phải là Đại Thế Chí, bên trái là tượng Quan Âm Bồ Tát. Có một án thờ Đức Khổng Tử, một pho tượng bằng gỗ, phía hữu thờ Quan Công, Chu Thượng và Quan Bình cùng ngựa xích thố,… Đó đều là những hình ảnh tiêu biểu cho tinh thần dung hợp giữa hai tôn giáo bấy giờ trong quan điểm tư tưởng để hưng thịnh phát triển thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh của các vị Thiền sư.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 5.2021 Tu tuong phap tu Lam Te Chuc Thanh 3

Tư tưởng Phật giáo bình dân: Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh chú trọng cách phát triển Phật giáo bình dân đại chúng, được thể hiện rõ nét nhất ở nơi hình ảnh các vị Thiền sư cùng với cư dân chung tay khai vỡ đất hoang, tạo lập cuộc sống, tu bổ nhà chùa, hoằng dương Phật pháp, giúp người dân vượt qua khó khăn hoạn nạn, góp phần ổn định cuộc sống. Cụ thể, một Phật giáo bình dân được thực thi trong đời sống cư dân, chẳng câu nệ lễ nghi, hình tướng, bởi Họ cần trước hết là những bài học về đạo đức làm người, cụ thể, giản dị và sinh động chứ không phải là sự nghiền ngẫm thiên kinh vạn quyển với vô số triết lý cao siêu. Và, Phật giáo với đội ngũ các nhà tu hành nhiệt huyết nhập thế một cách tích cực đã mau chóng đáp ứng điều này. Ở đâu có đất mới được mở ra là ở đó có chùa mới dựng. Tiếng chuông chùa và tiếng tụng kinh chẳng khác gì lời ru êm ái đối với một xã hội lầm lũi(5). Và đương nhiên, nhu cầu cần có thầy cầu an khi đau ốm và cầu siêu khi qua đời là một đòi hỏi bức bách của lưu dân. Tín ngưỡng Phật giáo đã đáp ứng được nhu cầu ấy và tạo tiền đề để đẩy mạnh hơn nữa sự phát triển nhanh chóng của nhiểu ngôi chùa lúc bấy giờ(6). Đó đều là sự thiết lập cần thiết cho sự có mặt của Phật giáo với ý nghĩa đồng hành cùng cư dân tích cực xây dựng, ổn định đời sống về vật chất lẫn yếu tố nhu cầu tinh thần trong giai đoạn này. Thiền sư Toàn Nhật trong Hứa Sử truyện vãn, khi mô tả về cuộc sống xuất gia “thầy sãi” đã dùng những hình ảnh vô cùng gần gũi đời thường Mà ta thảy thảy bỏ đi/Chịu phần thầy sãi cơ nguy bần hàn/Ăn thời rau cháo tương dưa/Hằng ngày hành khất thôn hương trong người/Bố thô áo mới tả tơi/Bạ đâu ở đó như người khất thân(7). Và đương nhiên, với cuộc sống như thế rõ ràng đã tạo cho Thiền sư Toàn Nhật một cuộc sống có điều kiện để gần gũi nhân dân, thể nghiệm được những giá trị của cuộc sống tự do mang lại, chẳng vướng bận lo toan, lòng chỉ hướng và lý hội những ý nghĩa thực thụ của cuộc sống, mà sau này thơ văn của Ngài trước tác đều ẩn chứa tư tưởng triết lý đời thường như thế.

Còn nữa…

Thích Tâm Chánh
Tạp chí Nghiên cứu Phật học

——————-

CHÚ THÍCH:
(1) Nguyễn Lang (2009), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập II, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr. 245.
(2) Dẫn lại Phạm Thị Thu Loan (2019), Tư tưởng Thiền tông thời đại Lý- Trần trong xã hội hiện đại trong Nghiên cứu Phật học, Viện Văn học, Hà Nội, tr. 98.
(3) Lê Mạnh Thát (2005), Toàn tập Toàn Nhật Quang Đài, Tập 1, Nxb. Tổng Hợp Tp. HCM, tr. 31.
(4) Sđd, Toàn tập Toàn Nhật Quang Đài, tr.18, tập 1, Nxb. Tổng Hợp Tp. HCM.
(5) Nguyễn Khắc Thuần (2005), Đại cương Lịch sử văn hóa Việt Nam, Tập II, Nxb. Giáo dục, tr.156.
(6) Trần Hồng Liên (2004), Góp phần tìm hiểu Phật giáo Nam bộ, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.15.
(7) Lê Mạnh Thát (2005), Toàn tập Toàn Nhật Quang Đài, tập 1, Nxb. Tổng Hợp Tp. HCM, tr. 32.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường