Tác giả: Thích Tịnh Đạo Tăng sinh Hệ cử nhân Phật học tại HVPGVN tại Tp.HCM
A. Dẫn nhập
1. Lý do chọn đề tài
Hệ thống triết lý của Đạo Phật mang một giá trị vô cùng lớn lao với đời sống. Trong đó những quan điểm của Phật giáo về con người và xã hội có vai trò như kim chỉ nam cho những ai muốn tìm về hạnh phúc. Lịch sử phát triển của tư tưởng trong xã hội gắn liền với sự phát triển mức độ nhận thức của con người về bản thân và thế giới xung quanh. Xét trên phương diện lịch sử, sự ra đời của Phật giáo ở xứ Ấn Độ cách đây hơn 2500 năm cũng là hệ quả tất yếu của sự phát triển đó. Việc nghiên cứu Phật học song song với các hệ thống tư tưởng khác tại thế gian góp phần làm rõ, làm nổi bật vai trò của Phật giáo đối với nhân sinh.
Theo dòng lịch sử triết học thế giới nói chung và triết học Ấn Độ nói riêng, có một thời đại mà con người dường như phó mặc đời sống tâm linh và sự phát triển của mình vào một quyền năng nào đó bên ngoài bản thân.
Phương Tây thì ở trong “đêm trường trung cổ” cho tới thế kỷ V-XV mới bắt đầu sụp đổ và chuyển qua thời kỳ phục hưng, họ có nhiều mâu thuẫn về lý trí và đức tin, đấng tối cao là thượng đế và vị trí của con người không được đề cao.
Ở xứ Ấn Độ trước khi Phật giáo ra đời, con người cũng tin vào đấng sáng tạo tối cao tạo ra con người cho tới khi sự bùng nổ triết lý tự ngã (atman – self individual) thay cho tư tưởng đại ngã (Brahma); cùng với sự ra đời của hệ tư tưởng Phi Bà la môn (Non-Bramana: Nastika - Sa môn: Sramana- samana) trong đó có Phật giáo, đối kháng với hệ tư tưởng Veda (Brahmana: astika). Sự phát triển này của lịch sử nhân loại tạo nên một thời kỳ mới, thời kỳ mà con người dần khẳng định vị trí của bản thân và tự quyết định chính mình cho ra đời chủ nghĩa nhân văn ở phương Tây và Phật giáo với sự tu tập nhấn mạnh khuynh hướng nhân bản, tự trách nhiệm (self-responsibility) thay thế cho thuyết định mệnh (fatalism) trước đó.
Sự ra đời của chủ nghĩa trên là nền tảng cho sự phát triển vượt bậc của thế giới trong khoảng thời gian đó. Chính vì tầm quan trọng này, người viết chọn trình bày đề tài “Tư tưởng Phật giáo trong kinh tạng Pali về chủ nghĩa nhân văn và giáo dục pháp hành Phật giáo trên nền tảng tư tưởng phật giáo về chủ nghĩa nhân văn” để làm rõ một số điểm quan trọng của tư tưởng Phật giáo về chủ nghĩa nhân văn cũng như cách vận dụng chúng vào giáo dục con người.
2. Mục tiêu nghiên cứu
Trong khuôn khổ đề tài, người viết tập trung nghiên cứu khái quát về Chủ nghĩa nhân văn của phương Tây đồng thời làm rõ tư tưởng của Phật giáo về chủ nghĩa Văn thông qua kinh tạng Pali. Sau khi làm rõ những tư tưởng trên, người viết nhấn mạnh tính khả thi của tư tưởng Phật giáo về chủ nghĩa nhân văn trong việc giáo dục con người, nêu lên một số phương pháp giáo dục dựa trên nền tảng những tư tưởng đó, từ đó nói lên vai trò của tư tưởng này đối với sự phát triển con người và xã hội.
3. Giới hạn đề tài
Đề tài nghiên cứu gói gọn trong một số tư tưởng nổi bật của phương Tây về chủ nghĩa nhân văn từ sau TK XIV cho tới nay.
Đối với tư tưởng Phật giáo về chủ nghĩa nhân văn, đề tài tập trung vào hệ thống kinh tạng Pali thông qua một số bài kinh tiêu biểu có liên quan đến chủ nghĩa nhân văn cũng như giải thích về con người.
Về phương pháp giáo dục, đề tài nói một cách phổ quát các hướng giáo dục khả thi dựa trên nền tảng của tư tưởng được nhắc đến phía trên. Từ đó nêu bật vai trò của tư tưởng Phật giáo về chủ nghĩa nhân văn đối với giáo dục con người và xã hội.
4. Phương pháp nghiên cứu
Đề tài sử dụng phương pháp luận dựa trên khung khái niệm của hệ kinh tạng Pali về con người cũng như cách vận hành của đời sống con người. Thông qua đó làm rõ lý do tại sao con người được xem là quan trọng trong chủ nghĩa nhân văn.
Phương pháp được vận dụng trong đề tài là nghiên cứu sử liệu liên quan đến chủ nghĩa nhân văn phương Tây, văn bản kinh Pali. Sau đó so sánh, đối chiếu để nêu lên nét đặc trưng của Phật giáo về chủ nghĩa nhân văn. Sau khi tìm ra được nét đặc trưng, những điểm cơ bản của tư tưởng, người viết dùng phương pháp nghiên cứu dựa trên các văn bản liên quan đến giáo dục nói chung và giáo dục Phật giáo nói riêng, từ đó tìm ra giá trị của tư tưởng đã nghiên cứu đối với giáo dục Phật giáo.
B. Nội dung
Chương I: Chủ nghĩa nhân văn và tư tưởng Phật giáo về chủ nghĩa nhân văn
1. Chủ nghĩa nhân văn là gì?
Chủ nghĩa nhân văn (CNNV) là một nhánh triết học luân lý lớn cũng như một thế giới quan chuyên chú vào lợi ích, giá trị và phẩm cách của con người, cổ xúy giáo dục nhân văn, tôn trọng giá trị con người. Theo CNNV, bao dung, bất bạo động và tự do lương tâm là những nguyên tắc quan trọng cho sự cộng sinh của nhân loại.
Chủ nghĩa nhân văn hay còn gọi chủ nghĩa nhân đạo tìm chân lý và đạo đức bằng các phương tiện của con người nhằm phục vụ chính mình. Chủ nghĩa này đề cao khả năng tự quyết của loài người và bác bỏ những biện hộ siêu nhiên.
2. Nguyên nhân hình thành chủ nghĩa nhân văn
Về mặt ngôn ngữ, khái niệm Humanism được sử dụng lần đầu trong Anh ngữ là khoảng năm 1806. Khái niệm này được chuyển ngữ từ khái niệm Humanismus (gốc Latin) trong tiếng Đức. Khái niệm Humanismus được sử dụng phổ biến ở Đức từ những năm 1806 để nói về chương trình giáo dục các phẩm chất Người của con người trong các nhà trường Đức. Từ đó, năm 1856, nhà ngữ văn và lịch sử người Đức là Georg Voigt đã sử dụng khái niệm Humanism để nói về phong trào văn hóa thời kì Phục hưng (Renaissance) ở phương Tây (thế kỉ XIV - XVI).[1]
Ở phương Tây, CNNV hồi sinh ở TK 14 cho rằng giáo dục nghệ thuật tự do, văn chương Hy Lạp cổ từ đó phát triển tinh thần trách nhiệm cá nhân, tinh thần chân nghĩa tự do thời kì Trung cổ. Ý tưởng nhân văn được nảy mầm và phát triển qua các tạp chí của những nhà tư tưởng Châu Âu.
CNNV nổi bật thời kỳ phục hưng, nó thể hiện sự phản ứng mạnh mẽ chống lại thần quyền và tôn giáo; đòi quyền sống tự do, quyền hưởng thụ tự nhiên cho con người; khẳng định vẻ đẹp của con người trần thế với những khả năng vô tận như tự do, thoát khỏi trói buộc của con người trong thời kỳ Trung cổ.
CNNV giúp các học giả thời kì phục hưng thoát khỏi truyền thống cổ điển làm nền tảng cho sự ra đời khoa học hiện đại và ảnh hưởng trên con đường CNNV phát triển sau này.
Sự phát triển của thuật ngữ Humanism cho đến ngày nay đã hàm chứa một nội dung khá rộng thường được hiểu với hai ý nghĩa. Nghĩa hẹp là để chỉ “trào lưu triết học, văn hoá, nghệ thuật tiến bộ thời kì Phục hưng ở Châu Âu (thế kỉ XIV - XVI) hướng đến việc giải phóng cá tính con người khỏi những ràng buộc và sự trì trệ của tư tưởng phong kiến, chủ nghĩa kinh viện và thần học Kitô giáo. Theo nghĩa rộng, khái niệm Humanism dùng để chỉ bất kì học thuyết, trào lưu tư tưởng, văn hoá, nghệ thuật nào công nhận và lấy “con người là thực thể cao nhất đối với con người” (K.Marx). Từ đây, khái niệm này được sử dụng rộng rãi và được xem như là một hệ giá trị, một tiêu chuẩn phổ biến ở nhiều lĩnh vực thuộc nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới.
3. Tính chất đặc trưng của chủ nghĩa nhân văn
CNNV khẳng định quyền tự chủ của con người, vị thế của con người, nguồn gốc của sự thật, sự đúng đắn. Đây cũng chính là đặc điểm có sự tương đồng lớn nhất với tư tưởng của Phật giáo, đề cao vị trí trung tâm và quyền tự chủ của con người.
Kinh nghiệm con người như là quan thẩm phán cuối cùng và duy nhất. CNNV có một số thuộc tính của những gì được gọi là tinh thần khoa học. Đặc trưng này được cải tiến bởi tính tự do thế thường.
4. Tư tưởng Phật giáo về chủ nghĩa nhân văn.
Đạo Phật lấy con người làm trung tâm, đề cao vai trò của con người trong muôn trùng duyên khởi, con người tự quyết định chính con đường và thành quả của mình. Vì vậy, những lời dạy của Phật về con người là rất quan trọng trong hệ thống tư tưởng phật giáo. của Phật giáo về chủ nghĩa Tìm hiểu về nhân sinh quan Phật giáo cũng chính là làm sáng tỏ tư tưởng nhân văn đồng thời giải thích nguyên cơ Phật giáo cho con người là trung tâm của vũ trụ.
4.1.Nhân sinh quan phật giáo
Nhân sinh quan Phật giáo là hệ thống quan điểm, quan niệm của đạo Phật về nguồn gốc, bản chất và cấu tạo con người, định hướng mục tiêu, thái độ sống và giá trị của con người nhằm hướng đến giải thoát con người khỏi bể khổ trầm luân.
4.1.1.Nguồn gốc, bản chất và cấu tạo con người
Theo quan điểm của Phật giáo trong kinh tạng Pali(Kinh Khởi Thế Nhân Bổn, Trường Bộ Kinh tập 2), nguồn gốc hình thành của thế giới con người khởi nguyên từ cõi trời Quang Âm, ở tại cõi trời này sự sống của chúng sinh được miêu tả là có đời sống với nhiều ưu điểm hơn: “những loại chúng sinh này do ý sinh, nuôi sống bằng hỷ, tự chiếu hào quang, phi hành trên hư không, sống trong sự quang vinh”[2]. Sau một thời gian, do khởi lên ý muốn nếm vị ngọt của đất rồi sinh lòng tham ái mà hình dạng trở nên thô xấu, hào quang biến mất, thế giới xuất hiện nhật nguyệt và thời gian, con người cũng dần hình thành với những hình dạng sai biệt. Bản kinh còn mô tả về các loại thức ăn khác nhau, mỗi lúc làm cho sắc đẹp của mỗi con người trở nên sai biệt nhiều hơn, tính nam và nữ hình thành kéo theo sự hình thành ham muốn tính dục: “Về phái nữ, nữ tính xuất hiện; về phái nam, nam tính xuất hiện. Phái nữ nhìn phái nam hết sức kỹ lưỡng, phái nam nhìn phái nữ hết sức kỹ lưỡng. Vì họ nhìn nhau kỹ lưỡng như vậy nên tình dục khởi lên, ái luyến đối với thân thể bắt đầu. Do sự ái luyến, họ làm các hạnh dâm.”[3] Vậy, đứng về góc độ tư tưởng mà nói, con người xuất hiện là do tham ái. Tham ái(taṇhā) theo kinh Chánh Tri Kiến(Trung bộ I) có ba loại là dục Ái, hữu Ái và vô hữu Ái. Cúng chính vì lý do này mà Đức Phật dạy “Ái diệt là Niết – bàn” mà người viết sẽ nói sâu hơn ở những phần sau.
Ái chính là một trong 12 chi phần nhân duyên, 12 chi phần nhân duyên này giải thích sự có mặt của các pháp, trong đó có con người. Mười hai chi phần nhân duyên nói đến sự liên quan mật thiết của các pháp, cái này có mặt do cái kia có mặt, cái này diệt thì cái kia cũng diệt, chính bản thân tham ái cũng chỉ là một mắt xích trong chuỗi nhân duyên này, vì thế có thể nói rằng con người chính là một hiện hữu duyên sinh.
Trong 12 chi phần Duyên Khởi này, có một mắt xích là Danh sắc, Đức Phật định nghĩa Danh sắc trong Kinh Tương Ưng như sau: “Và này các Tỳ kheo, thế nào là danh sắc? Thọ, tưởng, tư, xúc, tác ý; đây gọi là danh. Bốn đại chủng và sắc do bốn đại chủng tạo ra; đây gọi là sắc. Như vậy đây là danh, đây là sắc. Đây gọi là danh sắc.”[4] Đây cũng chính là Năm uẩn của con người, con người được cấu tạo từ Năm uẩn, bao gồm:
Sắc uẩn(rūpa-khandha): Có nghĩa là cơ thể vật lý của con người và thế giới vật lý xung quanh được cấu thành từ Tứ đại. Trong Trung Bộ Kinh,28. Ðại kinh Dụ dấu chân voi, giảng rõ về tứ đại bao gồm Địa, Thủy, Hỏa, Phong. Địa chính là chất rắn: “Cái gì thuộc nội thân, thuộc cá nhân, thô phù, kiên cứng, bị chấp thủ; như tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, bao tử, phân, và bất cứ vật gì khác thuộc nội thân, thuộc cá nhân, thô phù, kiên cứng, bị chấp thủ. Chư Hiền, như vậy gọi là nội địa giới. Những gì thuộc nội địa giới và những gì thuộc ngoại địa giới đều thuộc về địa giới.”[5] Thủy đại chính là những gì thuộc chất lỏng trong cơ thể như máu mủ, chất dịch… tức nội thủy giới và nước ở ngoài tự nhiên là ngoại thủy giới. Hỏa địa chính là hơi ấm trong và bên ngoài cơ thể. Còn Phong đại chính là những gì thuộc chất khí bên trong và bên ngoài cơ thể.
Thọ uẩn (vedanā-khandha): Ở kinh Tương Ưng, Phật dạy về Thọ có ba loại: “Này các Tỳ kheo, có ba thọ này. Thế nào là ba? Lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Đây, này các Tỳ kheo, là ba thọ.”[6] Vậy thọ chính là những cảm giác (sensation) dễ chịu, khó chịu hay không dễ chịu cũng không khó chịu của con người. Thọ phát sinh từ nơi sự tiếp xúc của các căn trần thức được chia thành 6 loại: “Chư Hiền, có sáu loại thọ này: thọ do nhãn xúc sinh, thọ do nhĩ xúc sinh, thọ do tỷ xúc sinh, thọ do thiệt xúc sinh, thọ do thân xúc sinh, thọ do ý xúc sinh. Từ tập khởi của xúc, có tập khởi của thọ; từ đoạn diệt của xúc, có đoạn diệt của thọ”[7]
Tưởng uẩn (saññā-khandha): Trong Kinh Tưng Ưng Bộ 3, Phật dạy về Tưởng uẩn như sau: “Và này các Tỳ kheo, thế nào là tưởng? Này các Tỳ kheo, có sáu tưởng thân này: sắc tưởng, thanh tưởng, hương tưởng, vị tưởng, xúc tưởng, pháp tưởng. Này các Tỳ kheo, đây gọi là tưởng. Do xúc tập khởi nên tưởng tập khởi. Do xúc đoạn diệt nên tưởng đoạn diệt.”[8] Đây chính là sự nhận diện, đánh giá của tâm trí dựa trên tri giác. Tưởng là khả năng kinh nghiệm của sáu giác quan và sáu đối tượng của giác quan. Sự nhận biết đối tượng có hai loại: một là nhận biết đối tượng bên ngoài, hai là khả năng nhận biết đối tượng bên trong, tức là các đối tượng tâm lý như những khái niệm, hồi tưởng ký ức. Hành uẩn (Sankhàra-khandha): Hành uẩn các hiện tượng tâm lý mang tính chất tạo tác nghiệp(cetana), có năng lực đưa đến quả báo của nghiệp, nói cách khác là tạo động lực tái sinh. Hành uẩn cũng có sáu loại do sự tiếp xúc giữa sáu giác quan và sáu đối tượng. Tất cả những hiện tượng tâm lý, sinh lý hiện tại là kết quả của hành trong quá khứ, nghĩa là hành tạo nên một năng lực tiềm ẩn điều khiển thúc đẩy ở trong chiều sâu tâm thức.
Thức uẩn (Vinnãna-khandha): Thức là có khả năng rõ biết, phản ánh thế giới hiện thực. Khi giác quan tiếp xúc với đối tượng, thực nhận biết sự có mặt của đối tượng, thức không nhận ra đối tượng ấy là gì, là cái gì, màu gì... đó là chức năng của tri giác (tưởng); thức chỉ nhận biết sự hiện diện của đối tượng giống như tấm gương phản chiếu tất cả những hình ảnh đi ngang qua nó. Thức có sáu loại: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức. Thức là nền tảng của thọ, tưởng, hành. Thức uẩn là nền tảng của các hiện tượng tâm lý.
Năm uẩn trên cấu thành cá thể con người, đây là yếu tố quan trọng khẳng định việc mỗi người đều có tính bình đẳng trong tu tập, mỗi người đều không phải sinh ra từ bất kỳ đấng tối cao nào. Quy luật vận hành của đời sống con người cũng có giá trị trong việc thể hiện những tư tưởng nhân văn của Phật giáo cũng như nền tảng cho giáo dục con người.
4.1.2.Quy luật vận hành đời sống con người
Qua nguồn gốc và cấu tạo của con người, ta thấy con người là do duyên sinh và được cấu thành từ 5 uẩn. Vậy quy luật vận hành của đời sống con người cũng chính là quy luật vận hành của 12 nhân duyên và 5 uẩn.
4.1.2.1. Sự vận hành của 12 nhân duyên
Mười hai chi phần duyên khởi bao gồm Vô minh, Hành, Thức, Danh sắc, Lục Nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu, Sinh, Lão tử làm nhân làm duyên cho nhau. Như vậy, Vô Minh là khởi đầu cho một đời sống con người và chính vô minh cũng do nhân duyên mà sinh chứ không có bất cứ gì là nguyên nhân đầu tiên. Do Vô minh mà con người có tư duy hữu ngã, những ảo tưởng về sự tồn tại của một tự thể vĩnh hằng nào đó như cái “tôi’ hay “của tôi”. Chính vì không biết mọi sự đều do nhân duyên mà sinh(vô minh), nên với tà kiến và tà tư duy, làm nền tảng cho những nhân tố tham, sân, si khổ đau trong thân hành, khẩu hành, ý hành.
Sau hai chi phần đó là sự có mặt và vận hành của Thức, tức sự nhận biết. Sự nhận biết cần phải có chủ thể nhận biết(Thức) và đối tượng được nhận biết(Danh sắc, Lục nhập) và sự gặp gỡ của những yếu tố trên tức Xúc. Khi Xúc có mặt thì Thọ liền sinh khởi. Vậy một sự kiện tâm lý của con người bao gồm sự có mặt của các chi phần Vô minh, Hành, Thức, Danh sắc, Lục nhập, Xúc, Thọ. Khi Thọ có mặt thì con người sẽ có phản ứng đó là Ái, Thủ. Từ sự chấp thủ đó mà có mặt(Hữu) rồi có Sinh, Lão tử. Như vậy, quay lại nhân tố đầu tiên, ta thấy chỉ cần có tư duy hữu ngã thì sự vận hành của 12 chi phần duyên khởi liền xuất hiện và sinh ra sự có mặt của khổ đau.
Như vậy, tư duy hữu ngã hay vô ngã quyết định sự chấm dứt khổ đau của con người, đây là một đặc điểm rất có giá trị với giáo dục Phật giáo mà người viết sẽ nói đến ở chương II. Sự vận hành của 5 uẩn cũng dựa trên nền tảng của duyên sinh, nhưng người viết sẽ chú trọng bởi 5 uẩn cấu tạo nên con người, sự vận hành của 5 uẩn chính là quy luật vận hành của tâm lý con người.
4.1.2.2. Sự vận hành của 5 uẩn
5 thủ uẩn là những yếu tố được nhắc đến trong phần Danh sắc của 12 nhân duyên, 5 thủ uẩn này cùng có mặt và nương vào nhau tồn tại, không tách rời nhau. Chính vì 5 thủ uẩn cũng là một thành phần của 12 chi phần nhân duyên, nên sự vận hành của 5 thủ uẩn cũng bắt đầu từ vô minh tức tư duy hữu ngã. Xét trên phương diện cá nhân con người, 5 thủ uẩn vận hành theo tiến trình:
Sắc tức những yếu tố vật lý của con người, tồn tại được là do sự sinh khởi của thực phẩm, sự tồn tại của sắc uẩn phụ thuộc vào sự tồn tại của thực phẩm nuôi dưỡng. Thực phẩm nuôi dưỡng vốn dĩ cũng chính là ngoại sắc, sự tồn tại của chúng cũng phụ thuộc vào nhân duyên. Sắc cũng chính là yếu tố cơ bản của con người, theo 12 chi phần duyên khởi ta cũng sẽ thấy, Sắc diệt thì mọi thứ khác cũng bị diệt.
Thọ uẩn xuất hiện cùng lúc khi mà căn trần thức gặp nhau, “sự đoạn diệt và sinh khởi của Thọ là chính sự đoạn diệt và sinh khởi của các uẩn kia, hay của các chi phần Duyên Khởi. Nói cách khác sự vận hành của Cảm thọ thực sự là sự vận hành của Vô minh, và sự hiện hữu của Cảm thọ chỉ là sự hiện hữu của Vô minh, hay của tư duy hữu ngã. Nếu một người qua sự thực hành thiền quán lãnh hội được sự vận hành này, thì hẳn người ấy sẽ đi tìm kiếm trí tuệ thay vì tìm kiếm “vị ngọt” của Cảm thọ. Nếu không thì người ấy sẽ bị đắm chìm vào cảm thọ.”[9] Cũng như vậy đối với Tưởng Uẩn và Hành uẩn, sự vận hành của chúng cũng nương vào nhân duyên của nhau và có mặt, một hoạt động tâm lý của con người bắt nguồn từ bất lỳ lý do gì cũng là những ảo tưởng về cái tôi đang hoạt động, chính sự bám víu và chấp thủ vào cái thường thay đổi mà cho là của mình thường hẳng không thay đổi tạo nên khổ đau. Chỉ khi diệt trừ tư duy hữu ngã thì sự vận hành đưa đến khổ đau liền chấm dứt.
4.1.2.3. Học thuyết nghiệp và đời sống con người
Như đã trình bày ở trên, con người sinh ra và tồn tại không phụ thuộc vào một đấng sáng tạo nào. Sự tái sinh của con người vào một kiếp sống bất kỳ phụ thuộc vào năng lực của Nghiệp, Nghiệp quá khứ tạo điều kiện cho tái sinh ở hiện tại, Nghiệp của hiện tại phối hợp cùng với Nghiệp quá khứ lại tạo điều kiện cho tái sinh trong tương lai. Và như sự phân tích về vận hành của 12 nhân duyên và 5 uẩn, tư duy hữu ngã là khởi nguồn cho Nghiệp, khi không còn tư duy hữu ngã, không có hành động thiện ác và chủ thể hành động thiện ác, chấm dứt tái sinh. Vậy nghiệp là gì?
Nghiệp(Kamma), là những hành động có sự tác ý dù là ý nghĩa, lời nói hay hành động. Đức Phật dạy Nghiệp là tất cả Tư(cetanā, cố ý): “Này các Tỳ kheo, Ta tuyên bố rằng suy tư là nghiệp: sau khi suy tư, tạo nghiệp về thân, về lời, về ý”[10]. Khác với các tôn giáo thời bấy giờ chủ trương Nghiệp quá khứ chi phối hoàn toàn đời sống, hay định mệnh được quy định với một đấng sáng tạo, con người không thể thay đổi; Phật giáo chủ trương con người là chủ nhân và là thừa tự của Nghiệp.
4.1.2.4. Con người là chủ nhân và thừa tự của nghiệp
Đây là một yếu tố cơ bản, mở ra sự thật về con đường diệt khổ của con người; chỉ có việc tự làm chủ được Nghiệp của mình thì mới chỉ ác hành thiện, cho đến tu tập đạt tới vô ngã, không có nghiệp và không có người tạo nghiệp, như chư Phật và chư vị Vô Sinh. Đức Phật dạy trong kinh Tăng chi bộ IV rằng: “Này các Tỳ kheo, các chúng sinh là chủ của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, là sinh căn của nghiệp, là bà con của nghiệp, là chỗ nương tựa của nghiệp. Phàm họ làm nghiệp gì, thiện hay ác, họ là những kẻ thừa tự của nghiệp ấy.” [11] Như vậy, con người là chủ nhân của nghiệp, từ đó có thể chủ động thay đổi cuộc sống của mình ở hiện tại cũng như tương lai.
4.2. Vị trí của con người, sự bác bỏ ngoại quyền
Dựa trên những phân tích về thế giới quan của Phật giáo về con người và một số quy luật vận hành cơ bản về 5 uẩn cũng như giáo lý về nghiệp và chủ nhân của nghiệp như trên, Phật giáo khẳng định vị trí của con người chính là trung tâm của vũ trụ.
Thông qua giáo lý Duyên khởi và Ngũ uẩn, lý giải chặt chẽ sự hình thành và cấu tạo của con người, từ đó bác bỏ mọi chủ thuyết sai lầm về nguồn gốc của con người như con người là do Thiên chúa tạo nên( Kito giáo), con người từ Brahma (Phạm Thiên) tạo nên( Ấn độ giáo), và rất nhiều những chủ thuyết về con người khác công nhận một yếu tố thần thánh tạo nên con người.
Trong bản kinh Tevijja( Trường Bộ I) Đức Phật đã bác bỏ sự tồn tại của Brahma thông qua cuộc đối thoại chỉ ra rất nhiều điều phi lý về sự tồn tại cũng như những niềm tin sai lầm. Hầu hết các giáo phái Ấn Độ đương thời đều tôn sùng Phạm thiên là một đấng sáng tạo toàn năng, Đức Phật đã dùng chính danh từ Brahma nhưng với một cách giải nghĩa hoàn toàn khác, xem đó như là một thể tính không dục ái, sân hận, nhiễm ô, hoàn toàn tự tại và trình bày con đường đi đến trạng thái đó qua Tứ vô lượng tâm.
Thông qua giáo lý về nghiệp, Đức Phật nhấn mạnh con người là chủ nhân của nghiệp, có khả năng tự do quyết định chính mình, tự do lựa chọn hành động và tự chịu trách nhiệm với hành động đó, không có một đấng nào có thể thưởng phạt. Từ đó cho thấy, Đức Phật đã bác bỏ những triết thuyết đương thời về định mệnh. Ở kinh Devadaha(Kinh Trung Bộ 2) có nói đến một quan điểm điển hình cho niềm tin về định mệnh của một số giáo phái thời bấy giờ, đó là quan điểm của đạo Jain: “Phàm cảm giác gì con người này lãnh thọ, như lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ, tất cả đều do nhân các nghiệp quá khứ; với sự đốt cháy, đoạn diệt các nghiệp quá khứ, với sự không tạo tác các nghiệp mới, sẽ không có diễn tiến đến tương lai. Do không có diễn tiến đến tương lai, nghiệp được đoạn diệt; do nghiệp đoạn diệt, khổ được đoạn diệt; do khổ đoạn diệt, cảm thọ được đoạn diệt; do cảm thọ đoạn diệt, tất cả khổ sẽ được diệt tận?”[12] và Phật bằng nhiều câu hỏi và ví dụ đã chỉ ra điều phi lý và bác bỏ niềm tin này.
Việc bác bỏ định mệnh mà nhấn mạnh vai trò của con người trong việc sự chọn lựa cuộc sống của chính mình là một quan điểm nhân văn quan trọng. Con người có thể tự kiểm soát ý chí, hành động, từ đó tạo ra thiện nghiệp, giảm thiếu ác nghiệp, từ đó có một người sống an lành, hạnh phúc ngay hiện tại và cao cả hơn là mục tiêu giải thoát tối thượng.
4.3. Không có chính trị, chủ nghĩa cực đoan hay phân biệt chủng tộc trong Phật giáo
Đức Phật chưa bao giờ trực tiếp giảng nói về chính trị, những lời dạy của ngài đều đặt trên nền tảng đem lại hạnh phúc cho con người chứ không hề phục vụ cho sự quản lý quyền lực của bất kỳ giai cấp nào hay thỏa mãn tham vọng của bất kỳ nhà chính trị nào. Chính vì thế mà trong tạng kinh Pali, có nhiều đoạn Phật dạy những yếu tố của bậc lãnh đạo quốc gia hay những điều kiện của một quốc gia thịnh trị, những điều này nếu được áp dụng vào chính trị quốc gia thì thật tuyệt vời.
Đạo Phật có giá trị trong mọi khía cạnh của đời sống nói chung và chính trị nói riêng, song không phải vì vậy mà ta nói Đạo Phật bàn về chính trị mà chính xác là chính trị quốc gia có thể mượn giáo lý của Phật để ứng dụng cho chính mình. Song các quan điểm chính trị đó nếu như áp dụng chỉ đem lại an lạc cho toàn dân, không phải là một công cụ quản lý hay phán quyết con người.
Không những về mặt chính trị, mà Phật giáo còn không công nhận bất kỳ một chủ nhân nào khác bên ngoài có quyền phán quyết về giá trị con người hay thân phận con người. Đạo Phật không mang trong mình bất kỳ màu sắc nào của chủ nghĩa cực đoan cũng như phân biệt chủng tộc, như sự phân biệt giai cấp dựa vào nơi sinh ra từ thân thể Phạm Thiên của hệ thống kinh điển Veda; hay con người là một tổ hợp hoàn toàn những bất thiện nghiệp ở quá khứ mà chúng ta không có quyền thay đổi. Sự phán quyết có giá trị về bản thân mỗi người chính là thực nghiệm cá nhân của mỗi người.
4.4.Kinh nghiệm luận Phật giáo
Kinh nghiệm luận của Phật giáo mang một ý nghĩa to lớn trong việc bác bỏ các tư duy giáo điều và lòng tin mù quáng từ đó sáng suốt chấp nhận và thực hiện những điều mang đến hạnh phúc an vui cho mình cho người.. Sự chọn lựa con đường đúng đắn của mỗi cá nhân đều được Đức Phật dạy phải được xác nhận dựa trên thực nghiệm.Trong kinh Kālāma, khi những người thuộc dòng họ Kālāma nhận thấy rất nhiều những nhà truyền giáo của những giáo phái khác đều nói giáo lý của họ là cao thượng nhất, họ phân vân không biết lựa chọn vào đâu. Đức Phật không dạy họ phải tin vào ngài hay bất kỳ một đấng siêu nhiên nào khác, đây cũng chính là một yếu tố thể hiện tính phi giáo điều, không có sự phán xét bên ngoài và rất nhân văn của Đức Phật. Phật dạy trong bản kinh này là: “Này các Kàlàmà, chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì nghe người ta nói; chớ có tin vì được Kinh Tạng truyền tụng; chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình; chớ có tin vì đúng theo một lập trường; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền, chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc Đạo Sư của mình.”[13]
Những nền tảng của niềm tin trong đoạn kinh trên đều được Đức Phật khuyên không nên dựa vào. Nền tảng để niềm tin dựa vào và thiết lập được chính tín – bước đầu của lộ trình giải thoát, đó là khi mỗi người tự biết: “Các pháp này là thiện; các pháp này là không có tội; các pháp này được các người có trí tán thán; các pháp này nếu được thực hiện, được chấp nhận đưa đến hạnh phúc, an lạc”, thời này các Kàlàmà, hãy chứng đạt và an trú.”[14] Như vậy, con người phải an trú và đặt niềm tin vào những gì mà bản thân có thể thấy được đó là thiện và đem lại lợi lạc, phải tin vào những người nào mà những biểu hiện của họ là bậc trí, lìa bỏ tham, sân, si, là bậc giác ngộ. Đức Phật không dạy họ phải tin vào những giáo lý của ngài ngay mà phải tự thấy được đó là con đường đúng đắn và đem lại hiệu quả thiết thực trong việc diệt trừ tham, sân, si thì mới được an trú và thực hành.
Ngoài Kinh Kalama còn có các bản Kinh Sangarava (Trung Bộ, số 100), Kinh Canki (Trung Bộ, số 95), Tăng Chi (IV, 173), Pháp Cú (195, 254), Kinh Đại kinh bốn mươi (Trung Bộ, số 117), Kinh Thân hành niệm (Trung Bộ, 119), Kinh Chánh tri kiến, Kinh Mật hoàn (Trung Bộ, 18), Kinh Phạm Võng (Trường Bộ, số 1),v.v... Đức Phật đều đề cập khi nhận thức phải dựa trên thực nghiệm và kết quả chứng thực có giá trị. Thông qua các bản kinh nêu trên, nhận thức Phật giáo được Đức Phật nhấn mạnh vượt ra ngoài những niềm tin và những nhận thức thường tình của thế gian, ngài không chỉ nói mà tự chứng minh thông qua kinh nghiệm giải thoát của chính bản thân và đưa ra con đường để người thực hành cũng được giải thoát giống ngài. Đây cũng chính là một đặc điểm quan trọng của tính nhân văn trong Phật giáo, người tu tập có thể chứng được quả vị giải thoát giống Phật; chứ không phải như những giáo phái khác chỉ khuyến khích tín đồ tu tập cuối cùng cũng chỉ hướng đến mục đích cộng trú với các đấng thần linh. Bất kỳ ai tu tập và thực hành đúng con đường đều có thể giải thoát chứ không thiên vị một người nào hay có sự phân biệt giai cấp, mọi người đều bình đẳng.
4.5. Nhấn mạnh tính bình đẳng của con người
Tính bình đẳng của Đạo Phật được thể hiện rất rõ trong rất nhiều bài kinh trong kinh tạng Pali. Sự thể hiện bình đẳng dễ nhận thấy là thông qua cuộc đời tu tập và sự giáo hóa của Đức Phật. Phật giáo hóa và nhận mọi tầng lớp trong xã hội Ấn Độ thời bấy giờ, từ vua chúa cho đến nô lệ, từ trí thức cho đến tướng cướp.
Chính những việc làm trên của Phật đã phản bác rõ ràng những việc làm và những lý thuyết của Bà-la-môn giáo thống trị xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ. Xã hội Ấn Độ tồn tại bốn giai cấp. Trong đó, giai cấp Bà-la-môn sinh ra từ miệng Phạm Thiên (Brahma), giai cấp Sát-đế-lỵ được sinh ra từ hai tay Phạm Thiên, giai cấp Phệ-xá sinh ra từ bắp chân Phạm Thiên, giai cấp Thủ-đà-la được sinh ra từ lòng bàn chân của Phạm Thiên. Các giai cấp được quy định bởi những nơi mà Phạm Thiên sinh ra họ, giai cấp đó tồn tại theo các thế hệ của gia đình và không thể thay đổi. Khi Phật ra đời, ngài đã giảng dạy về sự phân biệt một người hà tiện hay cao quý không phải ở gia đình họ sinh ra mà do hành mà một người cao quý hay bần tiện:
“Bần tiện không vì sinh, Phạm chí không vì sinh, Do hành thành bần tiện, Do hành thành Phạm chí.” [15]
Thông qua giáo lý về 5 uẩn, 12 nhân duyên và nghiệp, Phật lý giải một cách tường tận về con người sinh ra do nhân duyên gì và cái gì quyết định đời sống của họ. Ai sinh ra cũng như nhau, mặc dù nghiệp cũ của họ có thể khác nhau và cho mỗi người một đặc điểm khác nhau về hình tướng và tâm lý, nhưng bình đẳng dựa trên nhân quả. Ai cũng có thể làm cho mình an vui hạnh phúc nếu tạo thiện nghiệp và ai cũng chịu hậu quả khổ đau do những ác nghiệp. Và sự phân biệt giai cấp cùng việc cao ngạo tự tin của Bà – la – môn về dòng giống, sự tự ti của những giai cấp thấp đều được Đức Phật xóa bỏ. Tính bình đẳng được thiết lập dựa trên một hệ thống giáo lý vô cùng chặt chẽ đã nhấn mạnh tư tưởng nhân văn của Phật giáo.
Tính bình đẳng này thể hiện rõ ràng nhất qua hệ thống tăng đoàn của Phật giáo và sự dân chủ của Đức Phật trong việc ngài hướng dẫn tăng đoàn. Ngài chưa từng thừa nhận mình là bậc giáo chủ và thống trị tăng đoàn: “Này Ànanda, Như Lai không có nghĩ rằng: “Ta sẽ là vị cầm đầu chúng Tỳ kheo hay Chúng Tỳ kheo chịu sự giáo huấn của Ta.”[16] Đức Phật luôn dạy chúng Tăng luôn hãy là ngọn đèn soi sáng cho chính mình, lấy pháp và luật làm nơi nương tựa: “hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một điều gì khác. Dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chính pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một gì khác.”[17] Tính dân chủ được thể hiện một cách tuyệt vời khi mà mọi người trong tập thể đều tự là chủ nhân của mình, tự kiểm soát ý chí và hành động của mình, không có duy nhất một đấng quyền lực tối cao nào cả. Giới luật Phật chế cũng chỉ nhằm cho mỗi con người kiểm thúc thân khẩu ý nghiệp, từ đó tịnh hóa mỗi cá nhân và góp phần tịnh hóa Tăng đoàn. Mặc dù vẫn có sự phân xử, nhưng những pháp Yết ma đều hoàn toàn dựa trên dân chủ, tự nguyện, người vào xuất gia cũng tự nguyện giữ lấy giới luật, không bị bất kỳ cưỡng chế nào, chính mỗi cá nhân vẫn đóng vai trò tối cao trong nhận thức bản thân và lựa chọn những gì tối ưu cho mình.
Tăng đoàn của Phật không phân biệt bất kỳ ai, ngài nhận tất cả những người có nhân duyên hóa độ vào tăng đoàn. Từ những người xuất thân trong dòng dõi Vua chúa như ngài A-nan cho đến người làm việc gánh phân như ông Ni Đề (Nidà), từ những người xuất thân trí giả như ngài sāriputta cho đến tướng cướp khét tiếng như Angulimāla.
4.6. Chủ nghĩa nhân văn của Đạo Phật thực tế giải quyết những điều bất như ý của con người.
Đức Phật chỉ quan tâm đến vấn đề nguồn gốc của khổ đau và phương cách diệt khổ, tránh xa khuynh hướng lý luận triết lý đơn thuần của các giáo phái khác ở xứ Ấn Độ lúc bấy giờ. Có những vấn đề siêu hình không phải Đức Phật không biết nhưng khi được hỏi ngài đều từ chối trả lời. Trong Kinh Trung Bộ, 63. Tiểu Kinh Māluṅkya nói về các câu hỏi đó là: “Có một số vấn đề này, Thế Tôn không trả lời, bỏ một bên, loại bỏ ra: ‘Thế giới là thường còn, thế giới là vô thường, thế giới là hữu biên, thế giới là vô biên; sinh mạng này và thân này là một, sinh mạng này và thân này là khác; Như Lai có tồn tại sau khi chết, Như Lai không có tồn tại sau khi chết, Như Lai có tồn tại và không có tồn tại sau khi chết. Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết.”[18] Phật luôn hướng dẫn chúng Tăng lúc nào cũng không được tập trung vào vấn đề siêu hình, những lý luận và suy đoán vô bổ mà phải tập trung vào những vấn đề thực tiễn, nỗ lực để đạt được kết quả thực tế giải quyết nỗi khổ đau. Việc tập trung vào các vấn đề siêu hình như trên được Phật ví dụ như kẻ bị bắn mũi tên độc, không chịu rút ra và chữa trị mà lại đi hỏi những vấn đề xung quanh như ai bắn mũi tên? Loại độc ở trong mũi tên là gì? Người bắn mũi tên là người như thế nào? Như vậy sẽ chết trước khi biết những câu trả lời trên.
Giáo pháp của Phật chú trọng thực hành để đạt kết quả giải thoát, đó là “đưa đến sự thanh tịnh cho chúng sinh, vượt khỏi sầu bi, diệt trừ khổ ưu, thành tựu Chính lý, chứng ngộ Niết-bàn”[19]. Con đường Đức Phật giảng dạy dựa trên trải nghiệm giải thoát thực tiễn của riêng bản thân ngài, thấy rõ được bản chất của các pháp là Vô thường, Khổ, Vô ngã, từ đó mà xả ly mọi chấp trước, hướng tới an vui hạnh phúc thiết thực hiện tại. Đây là yếu tố thể hiện tinh thần nhân văn cao tột của Phật giáo.
4.7. Những nguyên tắc đạo đức cơ bản của Đạo Phật
Khích lệ con người không làm tổn thương bất kì chúng sinh. Kết hợp 2 nguyên tắc này là nguyên tắc lòng Từ Bi (karuna), Hỷ (mudita) và Tĩnh lặng (upekka), làm cho nguyên tắc đạo đức của đạo Phật khoan dung và hòa bình.
Chương II: Giáo dục thực hành Phật giáo trên nền tảng tư tưởng Phật giáo về chủ nghĩa nhân văn
1. Giáo dục Phật giáo
1.1. Khái niệm, nguồn gốc của giáo dục Phật giáo
Khái niệm giáo dục phổ thông là quá trình được tổ chức có ý thức, hướng tới mục đích khơi gợi hoặc biến đổi nhận thức, năng lực, tình cảm, thái độ của người dạy và người học theo hướng tích cực, nghĩa là góp phần hoàn thiện nhân cách người học bằng những tác động có ý thức từ bên ngoài, góp phần đáp ứng các nhu cầu tồn tại và phát triển của con người trong xã hội đương đại.
Giáo dục Phật giáo được xây dựng trên tinh thần “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác” cũng chính là trên nền tảng thực tế giải quyết những vấn đề bất như ý của con người( một trong những giá trị nhân văn đã nêu ở phần trên). Giáo dục Phật giáo nói trên phương diện nguyên thủy là hệ thống những lời dạy của Đức Phật ở Kinh tạng Pali bao gồm Kinh và Luật. Cho đến bây giờ, hệ thống giáo lý Kinh, Luật, Luận của đạo Phật đã phát triển và lưu truyền với nhiều tư tưởng nổi bật nhằm góp phần xây dựng xã hội con người trên nhiều phương diện.
Giáo dục Phật giáo áp dụng những nguyên tắc đạo đức nhằm phát huy những điều thiện, loại bỏ những bất thiện trong tâm thức để trở thành con người thánh thiện hay chuyển từ phàm sang thánh, giải thoát khỏi sinh tử luân hồi. Từ đó xây dựng một xã hội lý tưởng.
1.2. Đặc trưng của giáo dục Phật giáo
Từ những tư tưởng của Phật giáo về Chủ nghĩa nhân văn được nêu ở phần 4 chương 1, ta có thể thấy, giáo dục Phật giáo cũng căn cứ trên cơ sở lấy con người và sự giải thoát làm căn bản, từ đó suy ra một số đặc trưng sau:
Giáo dục Phật giáo tránh xa truyền thống, chủ nghĩa giáo điều. Đức Phật tìm ra còn đường giải thoát và ngài hướng dẫn con người những gì mình chứng nghiệm để làm sáng tỏ những điều phi lý của một số tôn giáo thời bấy giờ, đồng thời đưa ra một hệ thống bài dạy thực hành thực tiễn.
Những bài dạy thực tiễn trên nhằm đạt đến trí tuệ cứu cánh hay trí tuệ chân thật, giúp con người thoát khỏi sự đau khổ. Đây là một đặc trưng cao thượng của giáo dục Phật giáo mà chưa có bất kỳ một nền giáo dục nào đạt được. Những gì Đức Phật dạy trong 45 năm(49 năm) đều có giá trị tìm ra cái nguyên nhân của khổ và con đường diệt khổ, đạt tới giải thoát tối thượng.
Trên nền tảng về vị trí trung tâm của con người và sự bình đẳng, giáo dục Phật giáo có đặc điểm giúp mọi cá nhân trong xã hội đều có cơ hội như nhau trong việc tự nỗ lực và kiên trì thành tựu mục tiêu trí tuệ.
Việc tự nổ lực của cá nhân được coi trọng thể hiện cho việc tự chủ của con người trong việc quyết định đời sống của họ, không nương tựa thái quá vào bất kỳ gì bên ngoài hay đặt trọn cái gọi là số phận của mình cho đấng sáng tạo. Nỗ lực cá nhân cũng giúp con người thoát khỏi ý chí tự ti, tin vào định nghiệp và an phận thủ thường không phấn đấu.
2. Giáo dục thực hành trên nền tảng tư tưởng Phật giáo về Chủ nghĩa nhân văn
Giáo dục Phật giáo có rất nhiều phương pháp thực tế, nhưng ở khuôn khổ đề tài, người viết chỉ dựa trên nền tảng về chủ nghĩa nhân văn để trình bày một số phương pháp tiêu biểu, căn bản của giáo dục Phật giáo. Dựa trên nền tảng đó, người viết nêu ra một số phương pháp thực hành của giáo dục Phật giáo theo kinh tạng Pali nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho con người và xã hội. Giáo dục Phật giáo có thể nói là thuần về thực hành, cho dù là những lý thuyết và triết lý cao siêu được bàn luận thế nào đi nữa, Đức Phật sau cùng cũng chú trọng việc tự bản thân mỗi người thực hành để đạt được giải thoát sinh tử luân hồi.
2.1. Thực hành trên nền tảng nguồn gốc và cấu tạo con người
Như đã trình bày ở các phần 4.1 và 4.2 thuộc chương 1, con người có cấu tạo từ 5 uẩn và do duyên sinh. Đức Phật dạy hai giáo lý trên nhằm giúp con người thấu rõ bản thân của chính mình, hiểu được bản chất của các Pháp là Vô thường, Khổ, Vô Ngã. Một phương pháp thực hành để đạt được trí tuệ thấu rõ bản chất các pháp như trên đó là Thiền Vipassana, được Phật dạy trong kinh “Đại niệm xứ” thuộc Kinh Trường Bộ 2 và được nhắc lại ở nhiều bản kinh khác, đây là một phương pháp tuyệt vời đang được áp dụng ở rất nhiều truyền thống Phật giáo trên thế giới kể cả Tâm lý học trị liệu của phương Tây.
Đức Phật nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hành thiền quán trong bản kinh Đại niệm xứ như sau: “Này các Tỳ kheo, đây là con đường độc nhất, đưa đến thanh tịnh cho chúng sinh, vượt khỏi sầu bi, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chính lý chứng ngộ Niết bàn.”[20] Con đường độc nhất (Ekāyano) có nghĩa là không có con đường nào khác con đường này hay không có con đường thẳng nào khác con đường này, ai đi theo con đường này chắc chắn sẽ đạt được sự giải thoát cao thượng. Chúng ta thường nghe đạo Phật có tám vạn bốn ngàn pháp môn, tuy nói vậy là phù hợp với từng căn cơ của mỗi chúng sinh và đưa ra pháp tu hiệu quả nhất, nhưng dường như không có con đường nào mà không đi qua con đường này cả, hay nói cách khác, như nước trăm sông đều đổ về biển cả, con đường nào đi đến Niết Bàn đều phải ngang qua con đường này.
Về kỹ thuật Vipassana, hành giả trải qua hai quá trình cơ bản. Ban đầu là sự quan sát các yếu tố xuất hiện, là các pháp sinh diệt trong từng sát na. Vipassana khác với thiền định ở chỗ, hành giả không chuyên tâm vào một đề mục nào đó mà chỉ ghi nhận tất cả những gì xuất hiện trên thân và tâm trong suốt quá trình hành thiền. Ở bước đầu này, hành giả dần quan sát thấy rõ những gì hiện lên trên bề mặt tâm thức cũng như sảy ra cho thân thể. Biết rõ đâu là danh, đâu là sắc, đặc điểm của chúng ra sao.
Ban đầu, chỉ là sự hiểu biết thông qua khung khái niệm có sẵn, những gì hành giả đã học hoặc được biết trước đó về hiện tượng xảy ra và có thể gọi tên cũng như nhận diện sự có mặt của chúng, cái thấy đó có thể là cái thấy được cộng tướng thông qua tỷ lượng, ở giai đoạn này, việc quan trọng chính là nhận diện được sự có mặt của các pháp đang hiện hữu trong từng sát na gian. Lâu dần, hành giả bắt đầu nhận biết sự vật hiện tượng theo đúng bản chất của chúng, không thông qua khung khái niệm và nhìn thẳng vào sự hiện diện như chúng đang là, cái thấy dần vi tế và rõ ràng, chi tiết hơn. Đây có thể là thấy được tự tướng (Svalakṣana) của các pháp thông qua hiện lượng. cái thấy này là một yếu tố quan trọng. “Cái biết như vậy về danh sắc được gọi là biết qua khía cạnh bản tướng thực tính(sabhāvalakkhaṇa)”[21]
Bước thứ hai trong quá trình hành thiền Vipassana chính là nhìn thấy Tam Tướng (samannalakkhana) hay Tam pháp ấn trong danh sắc.[22]Dựa trên nền tảng của sự thấy rõ bản chất thật sự của Danh Sắc là gì và sự xuất hiện của chúng, hành giả tiếp tục quán sát để thấy rõ bản chất Vô thường, Khổ, Vô ngã của danh sắc. Sự thấy rõ đó chính là việc thấy được sự sinh diệt đến đi của các pháp như một điều hiển nhiên không thể thay đổi, sự sinh diệt vô thường này chính là bản chất bất toàn, không thường hằng( dukkha) của các pháp. Vì danh sắc là vô thường nên chúng cũng vô ngã, sự quán sát để thấy rõ bản chất như vậy là trọn vẹn của Vipassana. Sự thiền quán này đặt đối tượng trên 4 Niệm xứ, đó là :
“Thế nào là bốn? Này các Tỳ kheo, ở đây vị Tỳ kheo sống, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chính niệm, để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán thọ trên các thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chính niệm, để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chính niệm, để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chính niệm, để chế ngự tham ưu ở đời.”[23] Chữ Niệm- xứ (satipaṭṭhāna) có ý nghĩa là nơi an trú của niệm (ở đây là Thân, Thọ, Tâm, Pháp) , thiết lập niệm dựa trên Thân, Thọ, Tâm, Pháp. Từ sự niệm này làm nền tảng cho hai bước thực hành được nêu ở trên để hành giả hiểu được bản chất của các pháp, từ đó đạt được cái thấy vô ngã, thoát khỏi tư duy hữu ngã đưa đến khổ đau.
Từ những cá nhân có tư duy vô ngã, Phật giáo hình thành một xã hội vô ngã, vị tha.Tư tưởng động cơ và hành động ích kỷ đều được xoá bỏ. Xã hội mà đức Phật muốn đưa ra là xã hội "vì sự lợi lạc cho nhiều người và hạnh phúc cho nhiều người" phù hợp với nguyên tắc chính pháp của đạo Phật. Đạo Phật nhắm vào việc xây dựng một xã hội không có quyền lợi riêng tư.
2.2. Giáo dục trách nhiệm cá nhân và niềm tin vào bản thân
Mỗi cá nhân là một nhân tố của xã hội, và chính trong mỗi cá nhân cũng là một vũ trụ thu nhỏ, hay nói cách khác mọi thứ trên đời đều xuất hiện thông qua lăng kính của cá nhân. Phật dạy mỗi cá nhân phải tự có trách nhiệm trên con đường của chính mình, tự mình làm ngọn đèn và nơi nương tựa cho chính mình.
Kinh Trung Bộ I, trang 303)càng nhấn mạnh sự vô ích của cầu xin mà không tự mình thực hành. Nếu hành Phạm hạnh không chính đáng, không làm sao đạt được quả vị. Hành Phạm hạnh không chính đáng ở đây có nghĩa là theo tà tri kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định. Vì cớ sao? Vì đây không phải phương pháp để đạt được quả vị.
Rồi Ðức Phật ví dụ người đi tìm dầu, sau khi đổ cát vào thùng, tiếp tục rưới nước ép cát cho ra dầu, thời dẫu người ấy có ước nguyện tìm cho ra dầu cũng không được toại nguyện. Vì cớ sao? Vì đây không phải là phương pháp tìm ra dầu. Ðức Phật dùng một ví dụ nữa, ý nghĩa hơn, là một người đi tìm sữa, đến một con bò cái, lại nắm lấy cái sừng con bò cái mà vắt sữa, thời dẫu có ước nguyện hay không ước nguyện, nó cũng không lấy được sữa.
Trái lại, nếu có vị sa môn hay Bà la môn nào, có chính kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mạng, chính tinh tấn, chính niệm, chính định, dù có ước nguyện hay không ước nguyện, hành Phạm hạnh sẽ đạt được quả vị. Vì cớ sao? Vì đây là phương pháp đạt được quả vị. Ví như một người đi tìm dầu, sau khi để những hạt dầu vào thùng, tiếp tục rưới nước rồi ép các hạt dầu cho ra dầu.
Dù người ấy có ước nguyện hay không ước nguyện, cũng sẽ lấy được dầu. Vì cớ sao? Vì biết phương pháp làm ra dầu. Cũng ví như người đi tìm sữa, đến con bò cái, vắt sữa từ nơi vú con bò mới sinh con, thời dù có ước nguyện hay không ước nguyện cũng tìm ra được sữa.
Niềm tin vào bản thân tức tin vào những gì tốt đẹp, thiện lành mà tự mình có thể thực hiện, tự bản thân chứ không do người khác. Với chủ trưởng Nhân bản, lấy con người làm gốc, làm trung tâm để phục vụ, thăng hoa, hướng thượng và tiến đến chân thiện mỹ. Đức Phật quan niệm: con người và tất cả chúng sinh đều có chung một bản thể bình đẳng thanh tịnh, có đủ khả năng chứng đạo thành Phật – Phật là danh hiệu chung cho tất cả chúng sinh có công phu tu hành và giải thoát giác ngộ, chứng quả Niết bàn. Tuy nhiên, con người phải tự lực tự cường và tự đi bằng đôi chân của chính mình để đạt đến, chứ không ai đi thế và cũng không do ai ban rải hạnh phúc tối thượng đó. Như Đức Phật đã dạy: “Các ngươi hãy tự nỗ lực để tiến đến giải thoát giác ngộ. Đức Như Lai chỉ là người dẫn đường.”
Từ phần 4.1.2.3. và 4.1.2.4 thuộc chương 1, ta thấy ‘Nghiệp’ là một hành động có tư tâm sở, tức là một hành động tự ý mình làm, tự mình quyết định làm, không ai xúi giục, không do ai sai bảo. Vì đã là hành động tự mình ý thức làm, tự mình quyết định làm, nên đức Phật xác định chúng ta là chủ nhân của Nghiệp (Kammassako) chúng ta là thừa tự của Nghiệp (Kamma-dàyadà), chúng ta vừa chịu trách nhiệm những hành động của chúng ta, chúng ta vừa tự mình chịu kết quả các hành động của chúng ta làm. Kinh Pháp Cú nêu rõ:
"Ðiều ác tự mình làm, Tự mình sinh, mình tạo, Nghiền nát kẻ ngu si, Như kim cương ngọc quý". (Pháp Cú 161) Một câu kệ nữa xác định rõ ràng hơn: "Tự mình, điều ác làm, Tự mình làm nhiễm ô, Tự mình ác không làm, Tự mình làm thanh tịnh, Tịnh, không tịnh, tự mình, Không ai thanh tịnh ai". (Pháp Cú 165) "Tự mình chỉ trích mình, Tự mình dò xét mình, Tỳ kheo tự phòng hộ, Chính niệm trú an lạc". (Pháp Cú 379)Biết Nghiệp vận hành và chúng ta có thể quyết định Nghiệp của chính mình, từ đó phải tu tập, sửa đổi ba Nghiệp thân, khẩu, ý. Thân khẩu ý phải thường xuyên được kiểm thúc, phòng hộ không cho ác nghiệp xuất hiện, và gieo trồng nhiều thiện nghiệp. Như vậy, trách nhiệm cá nhân và niềm tin vào bản thân luôn được Phật nhấn mạnh, đó là yếu tố then chốt trên lộ trình giải thoát của mỗi người. Trong thời đại hiện nay, khi mà con người quá phụ thuộc vào những yếu tố hạnh phúc bên ngoài, việc có niềm tin vào hạnh phúc chân thật nơi chính bản thân và con đường mình tự đi tìm hạnh phúc chân thật là một yếu tố cần được giáo dục nói chung và giáo dục Phật giáo nói riêng nhấn mạnh.
2.3. Giáo dục trên nền tảng tứ vô lượng tâm
Từ vô lượng tâm
Tâm từ là lòng yêu thương vô ngã vị tha xuất phát từ trái tim chân thật không sân hận. Một tình thương rộng lớn chân thành ước mong tất cả nhân sinh đều sống thật sự an lành hạnh phúc. Nếu mọi người trong xã hội đều có tâm từ thì không có bạo động, không có chiến tranh, không có đói nghèo, con người cùng nhau chia sẻ một niềm hạnh phúc vô hạn. Đức Phật dạy chỉ có tâm từ mới dập tắt được lòng sân hận, ác ý, thù oán. Không những dập tắt được lòng sân, tâm từ còn diệt được các mầm tư tưởng bất thiện. Nhìn thái độ của loài người đối với hận thù, Ðức Phật đưa ra nhận xét là tình thương sẽ chinh phục được lòng sân hận. Ðể giảng hòa một cuộc tranh chấp giữa hai tiểu bang đang giành nhau nước dưới con sông làm ranh giới, Ðức Phật dạy:
“Ở ngay giữa đám nhân sinh Dù người hờn oán, nếu mình thảnh thơi Sống không thù hận cùng người Thật là sung sướng, cuộc đời thơm hương.” (Pháp Cú 197)
Bi vô lượng tâm
Bi là sự thương xót, cảm thông vô hạn; là liều thuốc chữa bệnh hung bạo độc ác. Định nghĩa là động lực làm cho tâm người tốt rung động trước sự đau khổ của kẻ khác, hy vọng sẽ giúp chúng sinh thoát khỏi đau khổ. Trong kinh Pháp cú, Phật dạy rằng:
“Lấy từ bi, lấy ôn hòa Thắng cơn nóng giận bùng ra thét gầm Lấy hiền lành, lấy thiện tâm Thắng lòng hung ác bất nhân khó lường Lấy tâm bố thí cúng dường Thắng hàng keo kiệt, thắng phường tham lam Lấy chân thật để đập tan Những trò hư ngụy, dối gian ở đời.” (Pháp Cú 223)
Hỷ vô lượng tâm
Là tâm hoan hỷ, vui vẻ trước thành công của người khác. Đó là trạng thái bình tĩnh và hạnh phúc của tâm, loại trừ lòng ganh tỵ, đố kỵ để sống tốt và tôn trọng mọi người xung quanh. Người có tâm hỷ sẽ trực tiếp hưởng nhiều lợi ích do tâm ấy đem lại cho mình hơn cả người khác. Nếu so sánh với tâm từ và tâm bi, tâm hỷ lại càng khó thực hiện. Muốn có tâm hỷ, phải có ý chí mạnh mẽ và hết sức cố gắng. Để tạo sự an vui, hạnh phúc trong đời sống cá nhân cũng như tập thể và vươn mình lên sống đời trong sạch, cao thượng, người Phật tử nên thực hành tâm hỷ. Kinh Pháp cú dạy rằng:
“Do lòng tin, bởi niềm vui Người người bố thí, nơi nơi cúng dường Kẻ mà tâm xấu buông lung Thấy ai được hưởng, trong lòng ghét ganh Ngày đêm sẽ mãi quẩn quanh Không hề an tịnh tâm mình được lâu.” (Pháp Cú 249)
Xả vô lượng tâm
Lòng buông xả, không câu chấp bám chặt vào bất cứ điều gì. Tâm xả bình thản trước sự coi thường, phỉ báng, và thản nhiên trước sự thăng trầm của cuộc sống. Người cao thượng luôn giữ tâm bình thản trước sự khinh rẻ, phỉ báng, nguyền rủa. Giữa cuộc thăng trầm của thế gian đó, Đức Phật dạy ta nên luôn bình thản, hành tâm xả, vững chắc như tảng đá sừng sững giữa trời, vững như voi, như mãnh hổ. Ví như gió thổi ngang màn lưới mà không bị vướng trong lưới, tuy sống giữa chợ người mà ta không luyến ái những lạc thú hão huyền và vô thường của cuộc đời. Như hoa sen từ bùn nhơ nước đục vươn lên, chúng ta cũng vượt lên bao nhiêu quyến rũ của thế gian để sống trong sạch, tinh khiết, luôn luôn bình tĩnh và an vui. Trong Kinh Pháp Cú Phật cũng dạy rất nhiều về Tâm Xả:
(Pháp Cú 253) “Nếu ta thấy được lỗi người Tâm ta nóng giận tức thời dễ sinh Tăng thêm phiền não thật nhanh, Xa lìa an tịnh, quẩn quanh muộn sầu, Lỗi người chẳng để tâm lâu Còn chi sầu muộn, còn đâu não phiền.” (Pháp Cú 81) “Gió nào lay núi đá cao Và người trí lớn khác nào núi kia Tiếng đời trần tục khen chê Tán dương, phỉ báng, dễ gì động tâm.”Trên việc thực hành Tứ Vô Lượng Tâm giúp con người trở nên toàn thiện và có lối sống của bậc thánh, hoàn thiện Từ Vô Lượng Tâm trong kiếp hiện tại cũng chính là giải thoát ngay hiện tiền, đây là một cơ sở quan trọng để biến đổi người thường ra bậc siêu nhân, phàm ra thánh.
C. Kết luận
Chủ nghĩa Nhân văn quả thật là một bức tiến lớn trong tư tưởng nhân loại, mang lại những giá trị thiết thực trong việc công nhận con người, tạo niềm tin cho con người vào những gì tốt đẹp, tự làm chủ và phát triển xã hội. Những lời dạy của Phật trong kinh tạng Pali cũng có rất nhiều điểm tương đồng. Khi soi sáng chủ nghĩa nhân văn của thế tục dưới góc nhìn Phật giáo, ta thấy Phật giáo quả thật là một tôn giáo rất nhân văn, rất thực tế. Dường như mọi khía cạnh của đời sống con người khi được soi sáng bởi những lời dạy của Đức Phật đều đi về một hướng cao thượng, giải thoát khỏi sinh tử luân hồi.
Chính những tư tưởng rõ ràng của Phật về con người, đời sống và cách vận hành đã làm nổi bật vai trò của tự thân con người trong vũ trụ và đối với sự an lạc giải thoát của chính họ. Từ những cá nhân mang hạt giống của an lạc, hạnh phúc, giải thoát...sẽ hình thành lên một xã hội với nhiều điều tốt đẹp.
Những tư tưởng chủ đạo trên làm nền tảng cho việc giáo dục con người, hình thành một nhân cách, lối sống hoàn thiện trên mọi phương diện mà tối cao là giải thoát và an lạc cho chúng sinh. Giáo dục Phật giáo đưa con người về với bản nguyên thanh tịnh, trong sạch vốn sẵn nơi mỗi người bằng nhiều con đường khác nhau phụ thuộc vào căn cơ mỗi người. Đi bằng con đường nào hay phương pháp nào rồi cũng dẫn chúng sinh về chung một mục đích cuối cùng là thoát khỏi khổ đau. Một xã hội lý tưởng, một con người lý tưởng sẽ được xây dựng một cách trọn vẹn dựa trên giáo dục Phật giáo.
Như đã trình bày ở những phần trên, giáo dục Phật giáo luôn chú trọng pháp hành, mỗi người phải tự hành động và chỉ có hành động thì mới có kết quả. Vì thế, xã hội loài người cần chú trọng học tập và thực hành theo giáo pháp của đức Phật, bởi lẽ càng tiệm cạnh với lý tưởng của Đạo Phật bao nhiêu, hạnh phúc của con người càng chân thật và dài lâu bấy nhiêu.
Tác giả: Thích Tịnh Đạo Tăng sinh Hệ cử nhân Phật học tại HVPGVN tại Tp.HCM *** CHÚ THÍCH:[1] Nguyễn Đăng Hai (2015), khái niệm Chủ nghĩa nhân văn và Chủ nghĩa nhân đạo (humanism) trong khoa nghiên cứu văn học ở việt nam từ 1945 đến nay, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, số 39. [2] Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường Bộ 2, 27. Kinh Khởi Thế Nhân Bổn, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1991, Trang 395. [3] Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường Bộ 2, 27. Kinh Khởi Thế Nhân Bổn, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, Tp. Hồ Chí Minh, 1991, Trang 400. [4] Nguyên Bản: Pāli - Việt Dịch: Hòa Thượng: Thích Minh Châu, Kinh Tương Ưng Bộ 2013 - Tập I, Tập II: Thiên Nhân Duyên, Chương I: Tương Ưng Nhân Duyên, I. Phẩm Phật Đà, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2013, Trang 373. [5] Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ 1, 28. Đại Kinh Dụ Dấu Chân Voi, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2012, Trang 237. [6] Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương Ưng 4 Thiên Sáu Xứ, Chương II Tương Ưng Thọ Phần I. Phẩm Có Kệ, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, Tp. Hồ Chí Minh, 1991, Trang 331. [7] Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ 1, 9. Kinh Chánh Tri Kiến, Tôn Giáo, Hà Nội, 2012, Trang 80. [8] Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương Ưng 3 Thiên Uẩn, Chương I Tương Ưng Uẩn B. Năm Mươi Kinh Ở Giữa I. Phẩm Tham Luyến, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1991, Trang 114. [9] Thích Chơn Thiện, Lý thuyết Nhân tính qua tạng Kinh Pàli, Nxb Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, Trang 168. [10] Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Kinh Tăng Chi Bộ 3, Chương VI Sáu Pháp VI. Đại Phẩm, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2005, Trang 218. [11] Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Kinh Tăng Chi Bộ 4, Chương X Mười Pháp XXI. Phẩm Thân Do Nghiệp Sinh, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1997, Trang 613. [12] Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ 2, 101. Kinh Devadaha,Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2012, Trang 271. [13] Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Kinh Tăng Chi Bộ 1, Chương III Ba Pháp VII. Phẩm Lớn, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1996, Trang 338. [14] Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Kinh Tăng Chi Bộ 1, Chương III Ba Pháp VII. Phẩm Lớn, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1996, Trang 344. [15] Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Kinh Tiểu Bộ 1, Kinh Tập - Chương Một: Phẩm Rắn Uragavagga, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam,TP. Hồ Chí Minh, 1999, Trang 506. [16] Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương Ưng 5 Đại Phẩm, Chương III Tương Ưng Niệm Xứ I. Phẩm Ambapàli, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1991, Trang 239. [17]Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương Ưng 5 Đại Phẩm, Chương III Tương Ưng Niệm Xứ I. Phẩm Ambapàli, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1991, Trang 240. [18] Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ 1, 63. Tiểu Kinh Māluṅkya,Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2012, Trang 521. [19] Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường Bộ 2, 22. Kinh Đại Niệm Xứ, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1991, Trang 216. [20] Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường Bộ 2, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1991, Trang 185. [21] Nhiều tác giả, Giác Nguyên dịch ra tiếng Việt, Kinh nghiệm tuệ quán qua các dòng thiền Miến Điện, Nxb Hồng Đức, 2017, trang 182 [22] Nhiều tác giả, Giác Nguyên dịch ra tiếng Việt, Kinh nghiệm tuệ quán qua các dòng thiền Miến Điện, Nxb Hồng Đức, 2017, trang 182 [23] Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường Bộ 2, 22. Kinh Đại Niệm Xứ, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1991, Trang 186.
Tài liệu tham khảo 1.Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường Bộ 2, 27. Kinh Khởi Thế Nhân Bổn, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1991. 2.Nguyên Bản: Pāli - Việt Dịch: Hòa Thượng: Thích Minh Châu, Kinh Tương Ưng Bộ 2013 - Tập I, Tập II: Thiên Nhân Duyên, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2013. 3.Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ 1, 28. Đại Kinh Dụ Dấu Chân Voi, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2012. 4.Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương Ưng 4 , Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, Tp. Hồ Chí Minh, 1991. 5.Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương Ưng 3 Thiên Uẩn, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1991. 6.Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Kinh Tăng Chi Bộ 3, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2005. 7.Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Kinh Tăng Chi Bộ 4, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1997. 8.Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ 2, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2012. 9.Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Kinh Tăng Chi Bộ 1, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1996. 10.Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Kinh Tiểu Bộ 1, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam,TP. Hồ Chí Minh, 1999. 11.Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương Ưng 5 Đại Phẩm, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1991. 12.Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường Bộ 2 , Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1991. Thích Chơn Thiện, Lý thuyết Nhân tính qua tạng Kinh Pàli, Nxb Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh. 13.Nhiều tác giả, Giác Nguyên dịch ra tiếng Việt, Kinh nghiệm tuệ quán qua các dòng thiền Miến Điện, Nxb Hồng Đức, 2017. 14.BHIKKHU BODHI, Wisdom Publications – 2005, Việt dịch : Nguyên Nhật Trần Như Mai, Hợp tuyển lời Phật dạy từ kinh tạng Pali, Nxb Hồng Đức, 2015. 15.Thích Minh Châu, Dàn ý Kinh Trung Bộ & Tóm tắt Kinh Trường Bộ, Nxb Tổng hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh, 2011. 16.Nhiều tác giả, Giác Nguyên dịch ra tiếng Việt, Kinh nghiệm tuệ quán qua các dòng thiền Miến Điện, Nxb Hồng Đức, 2017. 17.Nguyễn Đăng Hai (2015), khái niệm Chủ nghĩa nhân văn và Chủ nghĩa nhân đạo (humanism) trong khoa nghiên cứu văn học ở việt nam từ 1945 đến nay, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, số 39. 18.Ban Giáo Dục Tăng Ni TW, Hội Thảo Khoa Học: Giáo Dục Phật Giáo - Định Hướng & Phát Triển, HT Thích Trừng Khiết, Giáo dục Phật Giáo Định Hướng Tương Lai, Lưu hành nội bộ, 2012.
Bình luận (0)