Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu Tư tưởng đạo đức của các Triết gia lỗi lạc thời kỳ Hy Lạp cổ đại

Tư tưởng đạo đức của các Triết gia lỗi lạc thời kỳ Hy Lạp cổ đại

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tác giả: Thích nữ Thánh Diệu
Chùa Kiều Đàm, số 1 đường 138, Khu phố 2, P.Tân Phú, Thủ Đức, Tp.HCM

Các nhà triết học thời kì đầu tập trung sự quan tâm của mình vào thiên nhiên, vũ trụ. Dần dần các nhà triết học chuyển mối quan tâm của mình sang lĩnh vực con người, những vấn đề liên quan trực tiếp tới hành vi con người. Lí do của sự chuyển đổi này là do các nhà triết học thời kì đầu không thành công trong việc đạt tới một quan niệm đồng nhất, những lối giải thích thiếu nhất quán về tự nhiên và vũ trụ.

Sự phát triển của khoa học và kĩ thuật đã làm thay đổi một số quan niệm xưa cũ.

Triết học thời cổ đại gồm nhiều lĩnh vực như thẩm mỹ, logic, triết học tự nhiên, đạo đức, chính trị, nghệ thuật…trong đó đạo đức học ra đời song song với triết học. Tuy nhiên đạo đức học chưa trở thành một hệ thống riêng biệt mà còn tản mạn, nằm lẫn trong các tư tưởng triết học của các triết gia.

Triết học Hy Lạp cổ đại không coi con người là biệt lập, mà coi đời sống xã hội của con người và thế giới sống của các cá nhân trong những mối quan hệ mật thiết và liên quan lẫn nhau.

Thời kỳ này có rất nhiều triết gia với nhiều trường phái khác nhau. Trong phạm bài viết này chỉ đề cập đến những triết gia có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống của người dân thời kì Hy Lạp cổ đại cũng như ngày nay. Cụ thể là Socrates, “người đầu tiên đã triệu triết học từ trời xuống, xếp nó vào các thành phố, đưa nó vào tận nhà của con người và làm cho nó phải học hỏi cuộc sống, đạo lí cùng những điều thiện và ác”[1]. Tiếp nối là Platon, thầy của Aristotle, và cuối cùng là “bộ óc bách khoa toàn thư” Aristotle. Những tư tưởng triết học nói chung, đạo đức học nói riêng của Socrates, Platon và Aristotle đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Tư tưởng đạo đức học của Socrates

Socrates, nhà triết học vĩ đại của Hy Lạp cổ đại, người thầy của Platon, ông được xem là tâm điểm của lịch sử tư tưởng cổ đại. Ở ông hội tụ những quan điểm phát triển trước đó và mở ra những xu hướng phát triển mới cho những tư tưởng sau này.

Ông không quan tâm đến vấn đề gì khác ngoài triết học. Lối sống giản dị, khiêm nhường, say mê theo đuổi sự thật, tri thức. Ông trở thành người mẫu lí tưởng về nhà thông thái và nhà triết học đối với thời đại sau này.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Socrates 1

Tượng triết gia Socrates

Điểm nổi bật ở ông là ông thường dùng biện chứng pháp hay nghệ thuật tranh luận để giúp người đối diện có nhận thức đúng đắn. Việc chất vấn, đặt ra những câu hỏi khiến cho đối phương tự nhận ra điểm sai lầm hoặc “đỡ đẻ” cho đối phương, tức là giúp đối phương tự “ngộ” ra chân lý.

Phương pháp này cũng được đức Phật sử dụng để đối phó với ngoại đạo. Từ những lập luận đưa ra giúp cho người đối diện vượt qua mọi sai lầm, định kiến, có nhận thức đúng đắn, xác định đúng bản chất của sự vật hiện tượng. Đây cũng là công đoạn thiết yếu để tìm ra nhân đức là gì, sự thiện là gì?

Theo Ông khi được trang bị những kiến thức đúng đắn thì sẽ hành động đúng đắn, đó là cơ sở để thiết lập đạo đức học. Ông chủ trương “tri thức là nhân đức” và đồng hóa “tri thức với hành động”. Ông cho rằng những người không thể sống nhân đức chỉ bởi vì họ không có một khái niệm, một định nghĩa hay một ý tưởng tổng quát về yếu tính của nhân đức, nếu họ có thể tri thức được nhân đức nói chung hay từng nhân đức một cụ thể như công chính, tiết độ, dũng cảm… thì đương nhiên họ sẽ sống nhân đức, công chính, tiết độ, dũng cảm. Do đó “không ai có thể cố tình làm điều ác” hay “người ta không thể muốn điều ác nếu người ta có tri thức chính xác về sự thiện”.

Copleston cho rằng “Lý thuyết của Socrate hiểu như sự liên quan giữa tri thức và nhân đức là đặc tính của đạo đức theo Socrate, tri thức và nhân đức là một, theo nghĩa rằng người khôn ngoan là người tri thức cái gì hợp lí và cũng hành động theo cái gì hợp lí. Nhưng cần phải biết cái gì là hợp lí, Copleston tiếp tục phân tích “Một hành động hợp lí là hành động phục vụ cho lợi ích đích thực của con người, tức là theo nghĩa nó cấu tạo nên hạnh phúc đích thực cho họ”[2] .

Trong cuộc đời của Socrates ông luôn luôn dạy rằng “hãy tự biết mình”. Theo ông, khi hiểu được chính mình thì mới hiểu được thế giới. Ông đề cao lối sống tiết độ, sự kiềm chế, kỷ luật tự giác… nếu không thì sẽ sa đà vào những khoái lạc trong ăn uống, ngỉ ngơi, tình dục…học được tự kiềm chế sẽ học được cách điều tiết chính mình và cuộc sống của mình. Chính lối sống của ông là một bằng chứng cho những gì ông tuyên thuyết.

Nói tóm lại tri thức theo Socrates không phải là một tri thức trên lý thuyết mà là tri thức thực tiễn, ông chỉ muốn đưa ra một khái niệm nhân đức với mục đích là kêu gọi mọi người thực hiện nhân đức ấy trong cuộc sống, đưa con người đến với cái thiện, cái hạnh phúc.

Tuy nhiên lý luận của ông còn nhiều sơ hở vì trong thực tế có những người biết việc đó là ác nhưng vẫn làm. Sự hiểu biết và hành động là hai phạm trù khác nhau, sự hiểu biết mang đặc điểm chung còn hành động thì tùy thuộc riêng từng cá thể.

Aristotle không đồng tình với chủ trương của Socrates, Ông cho rằng tri thức và hành động không đồng tính, biết điều tốt không hẳn sẽ làm điều tốt. Ovide cũng phát biểu một ý kiến tương tự “Tôi nhìn thấy và công nhận những điều tốt, nhưng khổ thay tôi lại cứ theo con đường tà”[3].

Tuy rằng Aristotle không đồng tình với chủ trương của Socrates nhưng sự triển khai của lý thuyết các khái niệm đã được Aristotle lấy làm cơ sở để xây dựng triết học của mình. Forest E. Baird đã nhận định về Socrates rằng “Socrates đã vạch ra hướng đi cho triết học đạo đức trong lịch sử văn minh Phương Tây. Tư tưởng của ông đã được Plato, Aristotle và các nhà thần học Kitô giáo sửa đổi, nhưng nó luôn là truyền thống trí tuệ đạo đức vượt trội mà các biến thể khác được khai triển xoay quanh nó”[4].

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Plato 1

Bức tượng bán thân của nhà triết học Plato

Tư tưởng đạo đức học của Plato

Plato, người học trò xuất sắc của Socrates, triết học của ông bao gồm nhiều lĩnh vực như chính trị – xã hội, đạo đức, nghệ thuật, thẩm mỹ… sự hình thành tư tưởng triết học của ông ảnh hưởng bởi đời sống và lời giảng của Socrates. Ông kế thừa có phát triển tư tưởng đạo đức học của Socrates. Ông cho rằng “tri thức là đức hạnh và khai triển khái niệm này bằng cách thêm vào hai yếu tố chính là khái niệm về linh hồn và lý thuyết về đức hạnh như một chức năng của linh hồn”.[5]

Triết học đạo đức của Ông dựa trên học thuyết về linh hồn. Ông cho rằng cơ thể và linh hồn là hai bộ phận tách biệt, cở thể chỉ là một phần chết, là trở ngại cho linh hồn là nguyên nhân của sự ngu dốt, linh hồn mới là phần hoạt động và “linh hồn là bất tử và có thể là tái sinh nhiều lần và vì linh hồn đã thấy mọi sự cả về thế giới này, nên nó đã học được mọi sự. vì vậy chúng ta không phải ngạc nhiên nếu linh hồn có thể nhớ lại sự hiểu biết về nhân đức hay bất cứ điều gì khác mà nó đã có lần chiếm hữu”[6].

Ông mô tả linh hồn gồm hai phần: phần lý tính và phần phi lý tính. Phần phi lý tính gồm có hai bộ phận: tinh thần và dục vọng. Để có cuộc sống an lạc, hạnh phúc thì phần lý tính và phi lý tính phải kết hợp hài hòa và trong sự hài hòa này lý trí phải điều khiển tinh thần và các dục vọng. Khi dục vọng thắng lý trí, làm mất sự cân bằng thì cái ác hay thói xấu sẽ xảy ra. Do đó ông đồng ý với quan điểm của Socrates rằng “Cái ác là kết quả của sự ngu dốt”.

Tri thức là đức hạnh nhưng đức hạnh không có nghĩa là hiểu biết tất cả mọi luân lý mà chính là làm tròn chức năng của nó. Theo ông nếu lí trí, dục vọng, tinh thần làm tròn chức năng của nó thì con người sẽ có một đời sống tốt lành.

Để làm được điều đó thì dục vọng phải được giữ trong giới hạn và sự chừng mực, tránh sự thái quá thì sẽ đạt được nhân đức tiết độ. Khi ý chí thuộc phần tinh thần của linh hồn giữ được mức trung dung tránh hành động nông nổi, thô thiển thì sẽ đạt được đức hạnh dũng cảm, đức hạnh này phù hợp với người bảo vệ, chiến binh, chiến sĩ. Lý trí không để bị khuấy động bởi dục vọng và làm chủ được tinh thần thì sẽ đạt được đức hạnh khôn ngoan. Khi ba đức tính này giữ vững và hoàn thành chức năng riêng biệt của mình thì con người sẽ đạt được đức hạnh tổng hợp là công bằng.

Từ những quan điểm về đạo đức cá nhân Platon mở rộng ra đời sống cộng đồng hay mô hình nhà nước. Ông cho rằng cá nhân như thế nào thì cộng đồng như thế ấy, cá nhân tốt thì cộng đồng sẽ tốt và ngược lại. Nhân đức công bằng là nhân đức quan trọng trong mô hình nhà nước, nó là yếu tố chính của một nhà nước lý tưởng. Nhân đức ấy phải là nhân đức tổng hợp của những nhân đức đặc sắc của ba giai cấp trong xã hội. Đó là nhân đức tiết độ của giai cấp thương gia, thủ công, nông phu, nô lệ với công việc chính là chăm lo sản xuất. Nhân đức can đảm của giai cấp đấu tranh là những binh lính với công việc là bảo vệ. Nhân đức khôn ngoan, thông minh thuộc về những vị lãnh đạo, những triết gia với quyền năng chính trị chăm lo việc cai trị. Như thế một xã hội công chính là xã hội mà các giai cấp hoàn thành tốt các chức năng của mình.

Tóm lại quan niệm đạo đức của Plato là con người cần có những phẩm chất như: tiết độ, dũng cảm, thông thái và quan trọng nhất là công bằng, là nhân đức tổng hợp. Con người muốn có cuộc sống tốt đẹp hạnh phúc thì cần phải cân bằng cả ba nhân đức ấy và mỗi nhân đức cần phải hoàn thành tốt chức năng của mình. Về quan niệm cái thiện, ông cho rằng cái thiện là một ý niệm và con người không thể đạt được trong thế giới hữu hình mà chỉ đạt được khi trí khôn vươn lên tới thế giới duy lý.

Aristotle đặt quan điểm của mình đối nghịch với Plato. Nếu như Plato cho rằng linh hồn tách biệt với thể xác, mọi sự hoạt động của con người đều do linh hồn điều khiển, thể xác là chướng ngại cho linh hồn, lý trí thống trị tình cảm thì theo Aristotle linh hồn với thể xác là một, cho nên các hành vi của con người là tự do. Do đó con người phải có trách nhiệm với những hành vi của mình. J.A.Smith nhận xét rằng Aristotle phản đối nhận thức của Platon về điều tốt phải là mục đích của toàn bộ vũ trụ, hoặc ít nhất là ông lại bỏ nó ra khỏi truy vấn của ông vì không liên quan. Điều tốt mà toàn nhân loại mưu cầu và các hoạt động thực tiễn đều hướng tới phải là một thứ thích hợp với bản chất và hoàn cảnh đặc biệt của con người. Trong lý thuyết về hành vi con người của Aristotle không hề có dấu vết từ một “Thế giới phi phàm của Plato và ông cũng mang lý tưởng đạo đức trong ngôn từ của Bacon xuống với đúng trái đất, gần hơn với thực tế và vấn đề của con người thực sự rất nhiều”.[7]

Về quan niệm cái thiện nếu như Plato cho rằng khó có thể đạt được trong thế giới hữu hình thì Aristotle cho rằng chúng được ghi tạc trong lòng mỗi người và nhờ nghiên cứu bản chất cốt yếu của loài người chúng ta có thể khám phá ra và nó đạt được qua hành vi cư xử thực tế trong cuộc sống hằng ngày.

Là một học trò xuất sắc và chịu ảnh hưởng không nhỏ từ người thầy Plato, những tư tưởng của Platon đã được Aristotle tiếp thu có chọn lọc và phát triển, có khi đối nghịch nhưng không thể phủ nhận rằng những gì Platon dạy đã khai mở cho Aristotle.

Tư tưởng đạo đức của Aristotle có thể điểm qua một số điểm sau:

+ Để trở thành người có đạo đức và sống hạnh phúc con người phải thực hành những đức hạnh. Ông phân định ra hai phẩm hạnh, phẩm hạnh trí tuệ, cái có được thông qua học tập và giảng dạy và phẩm hạnh tính cách, có được thông qua kỷ luật. Phẩm hạnh tính cách tạo nên “tính cách”, tính cách tốt hay xấu lại do thói quen. Do đó để có được tính cách tốt đòi hỏi phải có kỷ luật và định hướng từ bên ngoài cộng với sự kiểm soát bản thân. Để hành động một cách đúng đắn thì cần phải có sự can thiệp của lí trí nhưng ông không đồng nhất đức hạnh với lí trí như Socrates.

+ Học thuyết “Trung đạo”, ông cho rằng hành động sai là do làm nhiều hoặc ít hơn so với cái trung đạo được xác định trong hoàn cảnh đó. Tuy nhiên cái trung đạo không thể đúng trong mọi trường hợp, nó có giới hạn của chính nó, nó có sự đa dạng và mức độ chính xác thì tùy từng trường hợp cụ thể. Ông đưa ra một danh sách những đức hạnh, bên cạnh nó là những sựu bất cập và sự thái quá. Tuy nhiên không phải lúc nào chúng ta cũng có thể chọn được trung đạo để hành động, có khi phải nghiêng về phía bất cập hoặc thái quá. Một số hành động không có trung đạo mà tự bản thân nó đã là xấu xa nên cần phải tránh những hành động như vậy

+ Phẩm hạnh quan trọng nhất là công chính, phẩm hạnh này được hình thành bằng kỉ luật từ nhỏ hoặc bằng thói quen. Ông cho rằng giáo dục là con đường tốt nhất để hướng con người đến điều thiện và hạnh phúc, con người hạnh phúc là con người có giáo dục và không phải là con người sống cô độc mà là con người sống trong thành bang. Con người là một động vật có tính xã giao, chỉ có sống trong xã hội con người mới có thể hành động đức hạnh và hạnh phúc.

Sau khi sau khi đã đưa ra một số định nghĩa về các đức hạnh mà người ta có thể đạt được và cách thức thực hiện, “Triết gia đề nghị với chúng ta một đức hạnh siêu nhân, mà người ta chỉ có thể lên tới trong mức độ mà người ta sẵn có nơi mình một cái gì thiêng liêng”[8].

Thời kì Hy Lạp cổ đại, các triết gia đã quan tâm đến các giá trị đời sống, giá trị đạo đức mà sau này có ích cho sự phát triển của các ngành khoa học, tâm lí học, đạo đức học hiện đại, giúp cho xã hội cải tạo lại các giá trị nhân văn, các khái niệm đạo đức, hướng tới một đời sống chân, thiện, mỹ.

Tác giả: Thích nữ Thánh Diệu
Chùa Kiều Đàm, số 1 đường 138, Khu phố 2, P.Tân Phú, Thủ Đức, Tp.HCM

***

[1] Stanley Rosen, Nguyễn Minh Sơn, Lưu Văn Hy, Nguyễn Đức Phú (Biên dịch), (2004), “Triết học nhân sinh”, Nxb Lao Động – Hà Nội, Tr.9
[2] Lê Tôn Nghiêm, (2000), “Lịch sử triết học Tây Phương”, Nxb Thành Phố Hồ Chí Minh, tr.15
[3] Lê Tôn Nghiêm, (1975), “Socrate”, Nxb Ca Dao, Tr. 40
[4] Forrest E. Baird, Đỗ Văn Thuấn, Lưu Văn Hy (Việt Dịch), (2006), “Tuyển tập danh tác triết học từ Plato đến Derrida”, Nxb Văn Hóa Thông Tin, Tr. 42
[5] Samuel Enoch Stumpf, (2007), “Lịch sử triết học và các luận đề”, Nxb Lao Động, Tr.57
[6] Forrest E. Baird, Đỗ Văn Thuấn, Lưu Văn Hy (Việt Dịch), (2006), “Tuyển tập danh tác triết học từ Plato đến Derrida”, Nxb Văn Hóa Thông Tin, Tr. 50
[7] Aristotle, Lê Duy Nam, Nguyễn Thế Anh, Lê Thúy Ái, Minh Hùng, Nguyễn Minh Tuấn (dịch), (2020), “Luân Lý Học”, Nxb Đà Nẵng, Tr.18
[8] Aristotle, Lê Duy Nam, Nguyễn Thế Anh, Lê Thúy Ái, Minh Hùng, Nguyễn Minh Tuấn (dịch), (2020), “Luân Lý Học”, Nxb Đà Nẵng, Tr.18

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường