Tác giả: Thích Đạt Ma Chí Hải Học viên lớp Thạc sĩ khoá III, Học viện PGVN tại Tp.HCM
Phật giáo du nhập vào Việt Nam trải qua những giai đoạn thăng trầm của lịch sử. Các thiền phái lần lượt xuất hiện tại Việt Nam như thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, thiền phái Vô Ngôn Thông, thiền phái Thảo Đường. Đến thế kỷ XIII, sự dung hợp ba thiền phái này hình thành một thiền phái mang màu sắc dân tộc, đó chính là thiền phái Trúc Lâm vào thời nhà Trần.
1. Những vị thiền gia và thiền sư khai sáng và phát triển
thiền phái Trúc Lâm Yên Tử
Theo Việt Nam Phật giáo sử luận, Nguyễn Lang viết rằng: “Vào đầu thế kỷ mười ba, ba thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường dần dần nhập lại thành một. Do ảnh hưởng lớn lao của Trần Thái Tông và Tuệ Trung Thượng sĩ, sự sáp nhập của ba thiền phái trên đây vào nhau đã đưa tới sự phát triển lớn của thiền phái Yên Tử thành thiền phái Trúc Lâm; tức là thiền phái duy nhất đời Trần”[1, tr.205]. Trong đó, thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi do thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi, người ở xứ Nam Thiên Trúc, ngộ đạo với ngài Tăng Xán, rồi sang Việt Nam đến chùa Dâu (chùa Pháp Vân) truyền đạo từ thế kỷ VI (năm 580).
Thiền phái Vô Ngôn Thông do thiền sư Vô Ngôn Thông, người Quảng Đông (Trung Quốc), ngộ đạo với thiền sư Bách Trượng Hoài Hải, sang Việt Nam đến chùa Kiến Sơ truyền đạo từ thế kỷ IX (năm 820).
Thiền phái Thảo Đường do ngài Thảo Đường (Trung Quốc) sáng lập từ thời Lý năm 1069.
Ngoài Trần Thái Tông và Tuệ Trung Thượng sĩ, theo Thích Phước Đạt cho rằng Trần Thánh Tông cũng là người có công trong việc đặt nền móng cho sự hình thành thiền phái Trúc Lâm bằng việc gửi con trai Trần Nhân Tông theo tu học với Tuệ Trung Thượng sĩ (tức Trần Quốc Tung). Chính điều đó, Thượng toạ đã nhận định về ba vị thiền gia như sau: “Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng sĩ, Trần Thánh Tông chính là những người đã đặt nền móng tư tưởng để sau đó Trần Nhân Tông khai sáng ra thiền phái Trúc Lâm” [2, tr.48-58].
Tuy nhiên, nếu xét ở góc độ sâu xa cho việc dung hợp các dòng thiền để hình thành thiền phái Trúc Lâm (Giáo hội Phật giáo Nhất Tông), chúng ta phải kể đến thiền sư Thường Chiếu, một vị thiền sư thuộc thiền phái Vô Ngôn Thông, trụ trì chùa Lục Tổ của thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi và từng học đạo với thiền sư Quảng Nghiêm của thiền phái Thảo Đường.
Nguyễn Lang đã nhận định rằng: “Thiền sư Thường Chiếu có thể được gọi là người khởi đầu cho sự tổng hợp giữa ba thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường, và cũng là gạch nối giữa Phật giáo đời Lý và Phật giáo đời Trần. Địa vị của ông rất quan trọng” [3, tr.206].
Thiền sư Hiện Quang (đệ tử của ngài Thường Chiếu) đã lên núi Yên Tử (Quảng Ninh) khai sơn chùa Hoa Yên làm nơi tu hành. Ngài là vị Tổ đầu tiên của phái Yên Tử, đặt nền mống cho sự hình thành thiền phái Trúc Lâm đời Trần: “Thiền sư Hiện Quang khai sơn núi Yên Tử, mở đầu cho Phật giáo Trúc Lâm, nền Phật giáo thống nhất thời Trần… Hiện Quang thiền sư được xem như là người đích thực sáng lập truyền thống Yên Tử. Truyền thống này sau lấy trên là Trúc Lâm. Trần Nhân Tông thuộc thế hệ thứ sáu của phái Yên Tử, lấy hiệu là Trúc Lâm đầu đà” [4, tr.208-214].
Ba vị thiền gia thời Trần đã tác động mạnh đến tác động đến Sơ Tổ Trần Nhân Tông thành lập thiền phái Trúc Lâm đó chính là vua Trần Thái Tông, vua Trần Thánh Tông và ông Trần Tung (Tuệ Trung Thượng sĩ). Mặc dù ở ngôi vị cao sang nhưng Trần Nhân Tông đã rất hâm mộ Phật pháp từ thuở nhỏ. Ông từng vượt thành lên núi Yên Tử tu hành nhưng “Thánh Tông sai quần thần đi tìm khắp bốn phương, bất đắc dĩ vua phải trở về” [5, tr.18]. Ông thường luận đạo với các thiền sư, tham học với Tuệ Trung Thượng sĩ, và ngộ đạo qua câu “phản quang tự kỷ bổn phận sự bất tùng tha đắc” (nghĩa là: Hãy quay về xem xét lại chính mình, ấy là bổn phận chính mình, không phải từ nơi khác mà được). Ông là một vị vua anh minh, đức độ, lấy ý dân làm gốc, cùng nhân dân đại phá giặc Nguyên Mông xâm lược, chinh phạt Ai Lao,… giữ gìn giang sơn Đại Việt [6, tr.66].
Năm 1299, Trần Nhân Tông đã lên núi Yên Tử, cầu Quốc sư Huệ Tuệ thế phát xuất gia. Ngài phát nguyện tu hành 12 hạnh đầu đà, đắc đạo chốn sơn dã và viết nên bài Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca. Ngài đã “đi khắp xóm làng, dạy dân chúng phá bỏ các dâm từ và thực hành thập thiện” [7, tr.20], khuyến tấn người dân sống và tu tập đúng chính pháp, bài trừ nạn mê tín dị đoan. Chín năm sau, ngài truyền y bát cho thiền sư Pháp Loa (Đồng Kiên Cương) làm nhị Tổ của thiền phái Trúc Lâm. Suốt quảng đời hành đạo, Sơ Tổ đã thuyết giảng kinh điển, chứng minh lễ hội và biên soạn nhiều kinh sách như Thiền Lâm thiết chuỷ ngữ lục, Trúc Lâm hậu lục, Đại Hương Hải ấn thi tập, Tăng già toái sự,… ; nhưng hiện nay chỉ tìm được 35 bài thơ phú, 2 bài giảng, 2 bài ngữ lục, 1 bài văn xuôi và 22 văn thư ngoại giao [8, tr.311-417].
Nhị Tổ Pháp Loa làm thị giả cho Sơ Tổ, được nghe giảng về Truyền đăng lục, và được Sơ Tổ truyền y bát vào năm 1307. Đầu năm 1308, Sơ Tổ “đem chùa Siêu Loại của sơn môn Yên Tử giao cho Sư, bảo phải kế thế trụ trì, làm Tổ thứ hai thiền phái Trúc Lâm. Lại đem 100 hộp kinh sử ngoại điển và 20 hộp Đại tạng kinh cỡ nhỏ viết bằng máu trao cho Sư để mở mang sự học nội và ngoại điển” [9, tr.40-41]. Sau khi Sơ Tổ viên tịch vào cuối năm 1308, ngài Pháp Loa lãnh đạo Giáo hội Trúc Lâm, tiếp tăng độ chúng, hướng dẫn phật tử tu học.
Ngài Pháp Loa về chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang), trụ sở của Giáo hội Trúc Lâm, lập sổ bộ tăng tịch để kiểm tra số lượng tăng, ni toàn quốc. Sau đó, Ngài cho mở đại giới đàn, đúc tượng và xây sửa chùa tháp: “Sư đã tạo hơn 1.300 tượng Phật lớn nhỏ, hai bộ tượng sơn mài, hơn trăm tượng bằng đất, dựng hai cảnh chùa lớn và năm ngôi tháp, lập hơn 200 tăng xá, độ hơn 15.000 tăng ni…” [10, tr.54]. Năm 1319, Ngài “kêu gọi tăng chúng và cư sĩ chích máu in Đại tạng kinh hơn 5.000 quyển, để tại Viện Quỳnh Lâm” [11, tr.47]. Ngài đã trước tác, chú giải và biên tập rất nhiều tác phẩm Phật học như Thạch thất mị ngữ niêm tụng, Tham thiền yếu chỉ, Pháp Hoa kinh khoa sớ, Lăng Già kinh khoa sớ, Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục, … [12, tr.317-318].
Tiếp nối sự nghiệp của nhị Tổ Pháp Loa là tam Tổ Huyền Quang. Ngài Huyền Quang đã hoá độ rất nhiều nam nữ phát tâm quy y Tam bảo. Đạo hạnh của ngài được Sơ Tổ Trúc Lâm tán thán, giao cho biên soạn nhiều tác phẩm như Ngọc Tiên tập, Chư phẩm kinh, Công văn tập, … và khen rằng: “Phàm sách đã qua tay Huyền Quang biên soạn thì không thể thêm hay bớt một chữ nào nữa” [13, tr.81].
2. Những tư tưởng chính của thiền phái Trúc Lâm thời Trần
Trong bài viết “Thiền Trúc Lâm”, tác giả Đinh Quang Mỹ đã nêu ra ba tư tưởng chính của thiền phái Trúc Lâm: 1.Cư trần lạc đạo; 2.Đối với quốc gia và đạo pháp; 3.Tinh thần đồng quy và nhất tâm.
Trước hết nói về tư tưởng cư trần lạc đạo, Sơ Tổ Trần Nhân Tông từng nói:
“Ở đời vui đạo hãy tuỳ duyên Đói cứ ăn đi, mệt ngủ liền Trong nhà có báu, thôi tìm kiếm Đối cảnh vô tâm, chớ hỏi thiền” [14].
Theo Đoàn Thị Thu Vân trong bài “Tuệ Trung Thượng sĩ với thiền phong đời Trần” đã minh chứng tư tưởng này qua bốn quan điểm như sau: 1.Sống hoà minh với đời, không câu chấp; 2.Hành động tuỳ duyên, tức là làm việc cần làm, đúng lúc phải làm và không trái quy luật tự nhiên; 3.Tự tin vào mình, khơi dậy tiềm lực chính mình, không cầu mong tha lực; 4.Không nô lệ vào bất cứ cái gì, dù thiền hay Phật. Chính sự xuất phát từ tinh thần “tuỳ tục” của thiền sư Thường Chiếu, rồi đến “biện tâm” của thiền gia Trần Thái Tông, sang đến “hoà quang đồng trần” của thiền gia Tuệ Trung Thượng sĩ đã hun đúc nên tinh thần “cư trần lạc đạo” của Trần Nhân Tông: “Trần tục mà nên, phúc ấy càng yêu hết tấc. Sơn lâm chẳng cốc, hoạ kia thực cả đồ công” [15, tr.346].
Chính nhờ tinh thần này đã khơi dậy tinh thần đoàn kết toàn dân chống giặc bảo vệ đất nước. Bên cạnh đó, triều đình ủng hộ Phật giáo phát triển, sự tương tác hài hòa giữa Phật giáo và triều đình để đào tạo nhân tài, nhân dân trên dưới thuận hòa. Thiền phái Trúc Lâm đã phát triển mạnh tinh thần nhập thế tích cực, độc lập tự chủ, thiền giáo nhất trí, vô ngã vị tha, viên dung nhất quán, tự tín tự cường,… Nguyễn Công Lý đã nhận xét về sự đóng góp của thiền phái đối với nền văn học chữ Nôm Đại Việt lúc bấy giờ: “Thiền phái Trúc Lâm đã Việt hoá, dân tộc hoá tư tưởng thiền tông, sáng tạo một số tư tưởng cụ thể, thích hợp với hoàn cảnh đất nước bấy giờ, phần nào đáp ứng được yêu cầu của xã hội” [16, tr.101].
Thứ ba về tinh thần đồng quy và nhất tâm, theo Hoà thượng Thanh Từ nhận định về sự khéo léo của các thiền sư và thiền gia trong việc thống nhất các thiền phái đã truyền vào Việt Nam, chủ trương tam giáo đồng nguyên, đem đạo pháp giúp ích cho cuộc đời, thành lập nếp sống tăng đoàn và thống nhất thiền giáo đồng hành. Chính vì thế, thiền phái Trúc Lâm luôn hướng hàng xuất gia và tại gia hun đúc tâm đức và trí đức trên lộ trình tu tập giác ngộ. Các nhà tư tưởng của thiền phái Trúc Lâm đã có một cuộc sống giải thoát cho tự thân, làm nền tảng cho công cuộc giáo hoá mọi người. Chính vì thế, các tư tưởng như tuỳ duyên bất biến, Phật tại tâm, cư trần lạc đạo, hộ quốc an dân,… là những vấn đề cốt yếu trong việc tu học của thiền phái Trúc Lâm, hướng đến xây dựng nền Phật giáo Nhất Tông vững mạnh, góp phần kiến thiết quốc gia Đại Việt hưng thịnh.
Tóm lại, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, dòng chảy thiền phái Trúc Lâm đã ra đời, phát triển rồi quy ẩn trước sự suy yếu của quốc gia và suy vong của Phật giáo nước nhà. Mãi cho đến cuối thế kỷ XVII – đầu thế kỷ XVIII, nhờ công lao của thiền sư Minh Châu Hương Hải và Chân Nguyên Tuệ Đăng đã từng bước phục hưng lại nền Phật giáo đời Trần. Đến cuối thế kỷ XIX, Hoà thượng Thanh Từ đã xiển dương và phát triển thiền phái Trúc Lâm trong xu hướng phát triển hiện nay.
Tác giả: Thích Đạt Ma Chí Hải Học viên lớp Thạc sĩ khoá III, Học viện PGVN tại Tp.HCM ***Chú thích và tài liệu tham khảo: [1]. Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Văn học, Hà Nội. [2]. Thích Phước Đạt (2013), “Giá trị tư tưởng thiền học trong tác phẩm Cư trần lạc đạo phú” trích trong Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308) – Con người và sự nghiệp, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội. [3]. Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận, Sách đã dẫn. [4]. Sách đã dẫn. [5]. Thích Phước Sơn (dịch và chú giải, 1995), Tam Tổ thực lục, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. HCM. [6]. Hoàng Văn Lâu (dịch, 2004), Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội. [7]. Thích Phước Sơn (dịch và chú giải, 1995), Tam Tổ thực lục, Sách đã dẫn. [8]. Lê Mạnh Thát (2010), Toàn tập Trần Nhân Tông, Nxb. Phương Đông, TP. HCM. [9]. Thích Phước Sơn (dịch và chú giải, 1995), Tam Tổ thực lục, Sách đã dẫn. [10]. Sách đã dẫn. [11]. Sách đã dẫn. [12]. Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận, Sách đã dẫn. [13]. Sách đã dẫn. [14]. Đinh Quang Mỹ, “Thiền Trúc Lâm”, Thư viện Hoa Sen trích từ nguồn: https://thuvienhoasen.org/images/file/N8-XjJ1G0QgQAKM-/thien-truc-lam-dinh-quang-my.pdf [15]. Lê Mạnh Thát (2010), Toàn tập Trần Nhân Tông, Sách đã dẫn. [16]. Nguyễn Công Lý (2003), Văn học Phật giáo thời Lý – Trần: diện mạo và đặc điểm, Nxb. Đại học Quốc gia TP. HCM.
Bình luận (0)