Trang chủ Văn hóa Tư tưởng Bát Nhã – Sắc Không trong Quốc Âm Thi Tập của Danh nhân Văn hóa Nguyễn Trãi

Tư tưởng Bát Nhã – Sắc Không trong Quốc Âm Thi Tập của Danh nhân Văn hóa Nguyễn Trãi

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Đọc Quốc âm thi tập, chúng ta dễ dàng nhận ra cảm hứng về dân tộc, về Phật giáo bàng bạc trong thơ. Bài viết này chúng tôi tập trung nghiên cứu về tư tưởng bát nhã – sắc không trong các bài thơ viết về Phật, về thiền của Quốc âm thi tập.

Tác giả: HVCH Thích nữ Huệ Niệm & TS Thích Hạnh Tuệ

1. Tác gia Nguyễn Trãi

Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi là một bậc anh tài xuất chúng, là sự tụ hội tinh hoa văn hóa ngàn năm hiếm có của dân tộc Việt Nam. Có thể gọi ông là nhà văn hóa, nhà chính trị, nhà quân sự, nhà ngoại giao, anh hùng dân tộc, nhà thơ, nhà văn vĩ đại.

Ông sinh năm 1380, mất năm 1442, thọ 62 tuổi, quê gốc ở làng Chi Ngại, huyện Phượng Sơn, lộ Lạng Giang (nay thuộc Chí Linh, Hải Dương). Ông là con trai của Nguyễn Phi Khanh và bà Trần Thị Thái, là cháu ngoại của Trần Nguyên Đán.

Thi đỗ Thái học sinh năm 1400, Nguyễn Trãi từng làm quan dưới triều Hồ. Sau khi Việt Nam bị rơi vào sự cai trị của nhà Minh, Nguyễn Trãi tham gia vào cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo chống lại sự đô hộ, bảo vệ đất nước. Ông trở thành nhà quân sự tài ba của nghĩa quân Lam Sơn trong việc bày tính mưu kế cũng như soạn thảo các văn thư ngoại giao với quân Minh. Ông là khai quốc công thần và là văn thần có uy tín ở thời đầu nhà Hậu Lê (còn gọi là thời Lê Sơ). Tuy nhiên, năm 1442, toàn thể gia đình Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc trong vụ án Lệ Chi Viên. Năm 1464, vua Lê Thánh Tông xuống chiếu giải oan cho ông.

Nguyễn Trãi là một trong những tác gia lớn nhất của dân tộc nói chung, văn học Phật giáo Việt Nam nói riêng, đã để lại cho nền văn học Việt Nam một khối lượng thơ văn đồ sộ, về cả thơ chữ Hán lẫn thơ chữ Nôm. Về chữ Hán, tác phẩm đầu tiên phải kể đến là Ức Trai Thi Tập, bao gồm hơn 105 bài thơ thất ngôn hoặc ngũ ngôn, các tác phẩm khác như Bình Ngô đại cáo (1427), Lam Sơn Vĩnh Lăng thần đạo bi ký (1433), Băng Hồ di sự lục (Băng Hồ là hiệu của ông ngoại Nguyễn Trãi tức Trần Nguyên Đán), Chí Linh sơn phú, Lam Sơn thực lục, Dư địa chí và Quân Trung từ mệnh tập. Tác phẩm Hán văn này phần lớn đều do Trần Khắc Kiệm sưu tầm thời Hồng Đức (Lê Thánh Tông), bao gồm các thư gửi cho tướng nhà Minh và các tướng sĩ của ta. Đó là một tài liệu quan trọng về mặt ngoại giao, chính trị, quân sự đời hậu Lê. Về sáng tác chữ Nôm, tác phẩm tiêu biểu nhất là Quốc âm thi tập, nó được xem là tập thơ chữ Nôm phong phú nhất. Quốc âm thi tập gồm 254 bài thơ Nôm tác phẩm này được đánh giá là những áng văn chương mẫu mực, có giá trị khai mở và đặt nền móng cho nền văn học Nôm Việt Nam.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Quoc Am Thi Tap Nguyen Trai 1

2. Tác phẩm Quốc âm thi tập

Quốc âm thi tập là tập thơ được viết bằng chữ Nôm, được xem là “tập thơ tiếng Việt xưa nhất còn lại trong lịch sử văn học” Việt Nam. Tập thơ hiện nay gồm 254 bài thơ có công sưu tập của Trần Khắc Kiệm vào những năm 60 – 70 của thế kỷ XV và Dương Bá Cung ở thế kỷ XIX, tập hợp trong Ức Trai di tập in năm 1868. Quốc âm thi tập được chia thành 4 mục: 1-Vô đề (192 bài), 2-Thời lệnh môn (21 bài), 3-Hoa mộc môn (34 bài), 4-Cầm thú môn (7 bài). Trong “Vô đề” lại chia ra: Ngôn chí 21 bài, Mạn thuật 14 bài, Trần tình 9 bài, Thuật hứng 25 bài, Tự thán 41 bài, Tự thuật 11 bài; Bảo kính cảnh giới (Gương báu răn đe) 61 bài. Như vậy, có thể thấy rằng tập thơ này có rất nhiều đề tài phong phú, ý tứ dồi dào.

Đọc Quốc âm thi tập, chúng ta dễ dàng nhận ra cảm hứng về dân tộc, về Phật giáo bàng bạc trong thơ. Bài viết này chúng tôi tập trung nghiên cứu về tư tưởng bát nhã – sắc không trong các bài thơ viết về Phật, về thiền của Quốc âm thi tập.

3. Tư tưởng Bát nhã – sắc không trong Quốc âm thi tập

Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi là một khai quốc công thần được vua Lê tín nhiệm, tin dùng. Thế nhưng, với tính cách “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất[1]” của mình, ông chưa bao giờ thoái lui trước những khó khăn, nhưng cuộc đời làm quan của ông phải chịu nhiều uất ức, trong triều không ai đồng quan điểm với ông. Một mình Nguyễn Trãi phải đối mặt với những quan lại tham ô, tàn ác, chỉ biết ích kỷ hưởng lợi cá nhân, cuối cùng ông bị cô lập giữa triều đình, vì thế mà ước nguyện của ông không thực hiện được. Hơn nữa, ông thấy được sự hiểm nguy của chốn quan trường hiểm hốc giữa thiện và bất thiện. Càng nghĩ ông càng thấy được sự ảo hóa, huyễn mộng của cuộc đời, có đó rồi mất đó, nó chỉ là một giấc mộng nhiêu khê. Đó là cái thấy tuệ giác, cái thấy của người học đạo nên không có cái tâm phân biệt cao thấp, tốt xấu, dở hay, sướng khổ, tùy duyên, tự tại. Ông hiểu được đời chỉ là vô thường, lầm lẫn trong bụi trần chỉ thêm khổ mà thôi, ông say mê sự thanh tĩnh yên bình nơi chốn tùng lâm và muốn trở về với cõi vô tâm, muốn sống một đời sống tự do tự tại, vượt ra ngoài sự trói buộc của dòng đời nghiệt ngã đau thương “Ít nhiều tiêu sái lòng ngoài thế; Năng một ông này đẹp thú này[2]”.

Chân lý giải thoát của Phật giáo là chân lý chung của nhân loại, đức Phật là người chứng ngộ chân lý ấy và truyền dạy phương pháp tu hành để đạt đến giải thoát, ai giác ngộ thì đều như nhau, ai biết thức tỉnh là người giác ngộ bởi “Như Lai chính là pháp thường trụ, không phải pháp biến đổi, không phải pháp phai mờ tiêu diệt; yên ổn diệu lạc, khéo hiểu rõ chúng sinh, từ đó phân biệt mỗi mỗi hạng người có Như Lai tính, mở mang  khắp cả cho mọi người[3]”. Nguyễn Trãi là một người có tâm hồn rộng lớn yêu cái thiện và ghét cái ác, thích sự thanh bạch an bần. Chính vì thế khi gặp Phật pháp, tâm ông như thể hòa mình vào cõi Niết bàn tịch tĩnh, thoát  khỏi vòng danh lợi. Đây có thể là lẽ sống riêng của Nguyễn Trãi “tiêu sái lòng ngoài thế”, nó được kết nối với cái thanh tịnh an nhiên của nhà Phật. Nguyễn Trãi đã chuyển tải tâm mình qua ngôn ngữ Thiền là năng lượng lớn nhất để ông tìm về với chính ông, hợp lưu với bản ngã của mình, chính vì thế mà “năng một ông này đẹp thú này”. Khi đã hiểu được đạo rồi thì ngôn từ chỉ còn là phương tiện diễn đạt trình bày cảm nhận chân lý của mình qua một lối sống mới:

Có thân thì cóc khá làm sao

Lửng vửng công hư, tuổi tác nào

Người ảo hoá khoe thân ảo hoá

Thuở chiêm bao thốt sự chiêm bao[4].

Dẫu biết rằng trong tâm hồn của Ức Trai tiên sinh luôn cuồn cuộn những cơn sóng dạt dào, cùng với sự trăn trở, dằn vặt giữa lạc thú cá nhân và con người đầy trách nhiệm với quốc gia xã hội, nhưng những ngày tháng, những khoảnh khắc ngắn ngủi của kiếp người, đốn ngộ bằng thiền Phật giáo, hiển hiện trong thơ là một Ức Trai khác, một Ức Trai thanh thản đến kỳ lạ, lòng thơ như mở ra cánh cửa bao la, hòa điệu cùng toàn thể vô tận đất trời, lấy mây trắng nắng vàng làm bầu bạn láng giềng tâm sự, xem trùng trùng non núi rừng xanh là khách lữ trong cuộc giao tình tương đắc tương tri.

Triết lí thơ sâu sắc, quá đặc biệt, thi nhân biết lắng nghe đến tận đáy hồn vạn vật, biết cảm nhận sâu xa, dù chỉ là một đoá hoa dại vô danh bên hồ nước lung linh, giống như Quách Thoại, khi thấy một bông thược dược đứng lẻ loi bên hàng rào thưa vắng, bỗng phát hiện một điều gì vi diệu nên sửng sốt giật mình, vội quỳ xuống cúi lạy thẳm sâu:

Em đứng bên hàng dậu

Mỉm cười nụ nhiệm mầu

Lặng nhìn em kinh ngạc

Vừa thoáng nghe em hát

Lời ca em thiên thâu

Ta sụp lạy cúi đầu[5]

Thi sĩ Ức Trai, đã trải qua cuộc khủng hoảng về nhận thức cũng như tình cảm, ông bàng hoàng như trong một cơn mộng dữ “Lòng người Man Xúc nhọc đua hơi[6]” Trong tình thế bất như ý của cuộc đời, tác giả đã suy nghĩ rất nhiều về số phận, về cuộc đời “Bèo dạt mây trôi của mình”, cuối cùng cũng chỉ là hư ảo. Vì là hư ảo, nên nó mới nổi như bèo, tan nhanh như bong bóng nước “Tưởng thân hư ảo nổi bằng bèo, Chí cũ công danh, vẫn rã keo[7]”. Mồ côi mẹ khi còn nhỏ Nguyễn Trãi phải sống với ông ngoại là quan Tư Đồ Trần Nguyên Đán tại Côn Sơn. Khi trưởng thành ra làm quan, thì nhà Hồ mất, cha bị địch bắt, đất nước loạn lạc. Trong kháng chiến cùng với nhân dân “nếm mật nằm gai”, rong ruổi khắp các chiến trường, khi đất nước thái bình ông đã tự ví mình như con ngựa già còn kham rong ruổi: “Như ngựa già muôn trùng còn vượt[8]” (Biểu trần tình với vua Lê Thái Tông), ông muốn đem hoài bão của mình ra giúp nước, nhưng không được toại nguyện. Một con người đa tài, giàu phẩm chất nhưng số phận trớ trêu, bi đát. Nhìn lại quãng đường đời khó nhọc đã qua, đau lòng bất giác mà thốt lên rằng: “Vẫn sinh lẩn thẩn mỗ già; Mọi sự đều nên thuấn nhã đa[9]”. Theo từ Phật học Hán Việt “Thuấn nhã đa” có nghĩa là hư vô, hư không, đã là hư không thì có gì đâu để mà hư hoại. Như vậy danh nhân Nguyễn Trãi đã thấu rõ được bản chất của cuộc đời là huyễn hóa đúng như những gì trong kinh Kim Cang Bát Nhã đã chép “Hết thảy pháp hữu vi; Như mộng ảo, bọt nước; Như sương sa, điện chớp; Nên quán sát như vậy[10]”, chi bằng rèn luyện cái tâm của mình cho cứng cỏi như Kim Cương.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Quoc Am Thi Tap Nguyen Trai 2

Bức chân dung Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi trưng bày tại Bảo tàng Cách Mạng Việt Nam.

Nguyễn Trãi tự nhắn nhủ, răn đe với bản thân, phú quý cũng cần thiết nhưng phú quý nơi cái danh thơm tiếng tốt không bằng phú quý nơi lòng, chi bằng để cho ta tự tại thảnh thơi, tiền bạc cũng chỉ là phương tiện giống như những lá sen mọc ngoài mặt hồ kia tô điểm cho mặt hồ thêm tươi sáng, vàng chẳng qua cũng giống những bông cúc ta trồng khi nở rồi nó sẽ nhanh chóng tàn phai

Phú quý lòng hơn phú quý danh,

Thân hòa tự tại thú hòa thanh.

Tiền sen tích để bao nhiêu thúng,

Vàng cúc đam cho biết mấy bình[11]

Đời người mấy ai sống được bảy tám mươi tuổi “Bảy tám mươi bằng một bát tay”[12]. Xưa kia một dinh cơ lộng lẫy nổi tiếng giàu có tột bậc như Thạch Sùng rồi cũng trở thành vườn hoang, nhà trống làm chỗ cho các loài côn trùng, dế trũi sinh sống, ẩn thân “Kim cốc vườn hoang, dế cày[13]”. Sự biến hóa khôn lường của vũ trụ xảy ra trong từng sát na, bãi biển xanh cũng có ngày hóa nương dâu, cục đá tuy cứng nhưng sự mềm mại, uyển chuyển, luồng lách của dòng nước kia cũng sẽ bị mòn theo năm tháng “Thương hải hay khao thiết thạch mòn[14]”.

Người ta mỗi khi đã chứng ngộ rồi thì ở đâu cũng được, rõ được sắc thân rồi thì nơi nào cũng là cảnh giải thoát, niết bàn, không cần phải nương vào cảnh nữa mà cảnh tự theo mình. Các bậc kỳ nhân ngày xưa đâu cần vào núi nhưng vẫn là ẩn sĩ đó sao:

Kẻ thì nên Bụt kẻ nên Tiên,

Tượng thấy ba thân đã có duyên.

Ta nếu ở đâu vui thú đó,

Người xưa ẩn cả lọ lâm tuyền[15].

Sau một thời gian dài Nguyễn Trãi cũng đã tỉnh giấc mộng kê vàng, thấy được lợi danh như mây nổi, thế quyền tựa phù du. Ông đã đạt đến cảnh giới siêu thoát, vượt lên những cái tầm thường nhỏ bé, từ bỏ những vọng động si mê. Chân tâm ông hốt nhiên đại ngộ. Lúc này ngòi bút Nguyễn Trãi dường như dồn hết tất cả cho Phật – Thiền, ông như một thiền gia sống tự tại trong cõi trần ai này và ngộ ra lẽ “sắc”, “không” qua bài thơ Hoa mộc cận:

Ánh nước hoa in một đóa hồng,

Vện nhơ chẳng bén, Bụt làm lòng.

Chiều mai nở, chiều hôm rụng,

Sự lạ cho hay tuyệt sắc không.[16]

Đề tài là vịnh hoa râm bụt (hoa dâng Bụt) soi bóng dưới nước, mà nhà thơ đã nhìn thấy hết đạo lý sắc không ở trong đó. Nhìn cánh hoa bình thường không hương, sớm nở tối tàn, mà nhà thơ nhận chân được sự vô thường trong cuộc đời “sự lạ cho hay tuyệt sắc không”. Đây chỉ có thể là cái nhìn của một thiền gia ngộ đạo, tư tưởng giữa cái có và cái không này được thiền sư Đạo Hạnh thiền Phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi thể hiện sâu sắc trong bài Hữu không (Có và không) “Có thì có tự mảy may; Không thì cả vũ trụ này cũng không; Vừng trăng vằng vặc in sông; Chắc cho có có, không không mơ màng[17]” Bài Mộc cận như gợi ta nhớ đến triết lý Sắc – Không trong bài thơ Thị đệ tử của thiền sư Vạn Hạnh thời Lý:

“Thân như điện ảnh, hữu hoàn vô,

Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô.

Nhậm vận, thịnh suy vô bố uý,

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô”[18].

(Thân người như bóng chớp, có rồi lại không; Như cây cối, mùa xuân tốt tươi, mùa thu khô héo; Mặc cho vận đời thịnh hay suy đừng sợ hãi; Vì sự thịnh suy (cũng mong manh) như giọt sương đầu ngọn cỏ).

Đến đây hình ảnh của một đại túc Nho không xuất hiện nữa mà thay vào đó là hình ảnh của một thiền sĩ. Phải chăng câu thơ thể hiện vẻ đẹp tư tưởng của một nhà văn hóa lớn hay thể hiện sự trải nghiệm sâu sắc của một kẻ sĩ trong cuộc dâu bể chính trị đương thời. Bông bụt trong con mắt thanh tịnh của Nguyễn Trãi, là hoa Pháp, là hoa Phật. Đã là Pháp, Phật thì không thể nghĩ bàn, vì vượt khỏi sự tới lui của ngôn ngữ và sự khởi lên của tư tưởng:

Pháp đó trụ ngôi pháp

Tướng thế gian thường còn[19].

Nguyễn Trãi đã chạm đến được cái bản chất của ngôn ngữ, của cả lịch sử. Bản chất của ngôn ngữ và của lịch sử là bản chất của một bông bụt chiều mai nở, chiều hôm rụng. Bản chất đó là cái vô sinh, cái vĩnh cửu, ông không cần lịch sử minh oan cho cái chết của mình như vua Lê Thánh Tông đã làm. Thấu hiểu được vậy là nhà thơ Ức Trai đã thấy được thực tại vô ngã của nhân sinh, thực tướng vô tướng của vạn hữu, nên mỉm cười niêm hoa vi tiếu, một nụ cười vô sự giữa dòng đời luân lưu cuộn trào vô quái ngại “Ngẫm hay sự thế nhẹ bằng lông; Ăn uống chăng nài bổng Vệ Công[20]”

Theo Trang Tử “Vật sinh rồi chết, đừng trông cậy nó thành tựu vì vật có lúc đầy lúc vơi, không có hình thể bất biến. Tuổi không lùi lại được, thời gian không thể ngừng lại được. Có tăng thì có giảm, có đầy có vơi, có chung thì có thuỷ. Có thể coi đó là xu hướng của Đạo, tình lí của vạn vật. Đời vạn vật qua mau như ngựa chạy, không có cái động nào mà không biến, không lúc nào là không chuyển[21]”. Có thể thấy quan điểm về sự biến đổi vạn vật của Trang Tử giống như quan điểm sắc không của nhà Phật. Sự biến đổi, lưu chuyển ấy diễn ra trong từng sát na, mọi sự vật hiện tượng cứ lần lượt tiêu hao rồi sinh trưởng, như mặt trời đứng bóng rồi lại xiên lệch, mặt trăng tròn rồi lại khuyết, Nguyễn Trãi diễn tả sự biến đổi đó như sau “Tiêu trưởng doanh hư một phút dời[22]”

4. Lời kết

Từ xưa đến nay, kinh điển, tư tưởng triết lý Phật giáo luôn là nguồn cảm hứng bất tận của thi ca, có khả năng làm thức tỉnh lương tri của con người ở mọi thời đại. Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi, vốn là người bác học đa tài quán thông kim cổ, cho nên những gì là tinh hoa của nhân loại, di sản của tiền nhân ông đều học hỏi, nghiền ngẫm. Cho nên văn hóa tư tưởng Phật giáo nói chung, tư tưởng thiền học, Phật học Lý Trần đã được ông tiếp thu và thể hiện trong sáng tác của ông là điều dễ hiểu. Đáng chú ý là tư tưởng bát nhã, sắc không uyên áo của nhà Phật được chuyển tải một cách tài tình qua những vần thơ thấm đẫm tình đời, ý đạo của Quốc âm thi tập.  Qua những trang thơ đậm tính dân tộc viết về thiền học, Phật học cho thấy ông am hiểu sâu sắc triết lý tư tưởng tính Không của kinh văn Bát nhã, tư tưởng nhất thừa của kinh Pháp Hoa. Từ những lý giải trên có thể khẳng định rằng, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi không chỉ là một bậc chân Nho mà còn là một thiền gia đã có thực hành, am hiểu sâu sắc về thiền, về Phật.

Tác giả: HVCH Thích nữ Huệ Niệm & TS Thích Hạnh Tuệ

***

CHÚ THÍCH:
[1] Thích Đồng Bổn (2014), Phật giáo thời Hậu Lê, Nxb. Tôn giáo, tr.112.
[2] Mai Quốc Liên (2014) chủ biên, Quốc âm thi tập Ngôn chí 10, Nxb.Văn học, tr.90.
[3] Thích Tịnh Hạnh (2000), Kinh Đại Bát Nê Hoàn – Quyển IV – Phẩm 9: Bốn Hạng Người Để Nương Tựa, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc – Taiwan ấn hành, tr.12.
[4] Mai Quốc Liên (2014) chủ biên, Quốc âm thi tập Thuật hứng 2, Nxb.Văn học, tr.175.
[5] Truy cập ngày 16/4/2023 https://www.chuahoangphap.com.vn/tin-tuc/chi-tiet-ben-hang-dau-thua-872/
[6] Mai Quốc Liên (2014) chủ biên, Quốc âm thi tập Tự thán 15, Nxb.Văn học, tr.269.
[7] Mai Quốc Liên (2014) chủ biên, Quốc âm thi tập Mạn thuật 10, Nxb.Văn học, tr.136.
[8] Bùi Văn Nguyên (1980), Nguyễn Trãi, Nxb. Văn hóa, tr. 313.
[9] Mai Quốc Liên (2014) chủ biên, Quốc âm thi tập Tự thuật 3, Nxb.Văn học, tr.339.
[10] Đoàn Trung Còn – Nguyễn Minh Tiến việt dịch và chú giải (2010), Kinh Kim Cang, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 85.
[11] Mai Quốc Liên (2014) chủ biên, Quốc âm thi tập Tự thán 13, Nxb.Văn học, tr.265.
[12] Mai Quốc Liên (2014) chủ biên, Quốc âm thi tập Trần tình 9, Nxb.Văn học, tr.170.
[13] Mai Quốc Liên (2014) chủ biên, Quốc âm thi tập Trần tình 9, Nxb.Văn học, tr.170
[14] Mai Quốc Liên (2014) chủ biên, Quốc âm thi tập Thuật hứng 4, Nxb.Văn học, tr.181
[15] Mai Quốc Liên (2014) chủ biên, Quốc âm thi tập Tự thán 33, Nxb.Văn học, tr.314.
[16] Mai Quốc Liên (2014) chủ biên, Quốc âm thi tập Lão hạc, Nxb.Văn học, tr.585.
[17] Viện văn học (1977), Thơ văn Lý – Trần tập 1, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.345.
[18] Viện văn học (1977), Thơ văn Lý – Trần tập 1, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 218
[19] Thích Trí Tịnh (2022), Kinh Pháp Hoa phẩm Phương tiện, Nxb. Tôn giáo, tr.101.
[20] Mai Quốc Liên (2014) chủ biên, Quốc âm thi tập Lão hạc, Nxb.Văn học, tr.605.
[21] Nguyễn Hiến Lê (1994), Trang Tử Nam Hoa Kinh, Nxb. Văn hóa, tr.273.
[22] Mai Quốc Liên (2014) chủ biên, Quốc âm thi tập Tự thán 34, Nxb.Văn học, tr.316.

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường