Trang chủ Đời sống Tu tập theo hạnh nguyện Quán Thế Âm Bồ tát

Tu tập theo hạnh nguyện Quán Thế Âm Bồ tát

“Quán Thế Âm Bồ Tát có sức uy thần chẳng thể nghĩ bàn, trong quá khứ vô lượng kiếp về trước, đã thành Phật, hiệu là Chính Pháp Minh Như Lai. Do Nguyện Lực Đại Bi là làm an vui cho chúng sinh, cho nên hiện làm Bồ Tát.” Cho nên chúng ta thương xưng danh hiệu “Nam mô Đại Từ Đại Bi năng cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm Bồ Tát.”

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Quán Thế Âm Bồ Tát có sức uy thần chẳng thể nghĩ bàn, trong quá khứ vô lượng kiếp về trước, đã thành Phật, hiệu là Chính Pháp Minh Như Lai. Do Nguyện Lực Đại Bi là làm an vui cho chúng sinh, cho nên hiện làm Bồ Tát.” Cho nên chúng ta thương xưng danh hiệu “Nam mô Đại Từ Đại Bi năng cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm Bồ Tát.”

Thượng tọa Thích Thiện Hạnh
Phó Viện trưởng Phân viện NCPHVN tại Hà Nội

Hàng năm 19/9 Âm lịch, là ngày kỷ niệm Bồ Tát Quán Thế Âm xuất gia. Chúng ta nguyện một lòng noi theo, thực hành hạnh nguyện cao đẹp của Ngài, để làm vơi bớt nỗi khổ niềm đau cho nhân thế. Bằng sức mạnh của sự phát tâm Bồ Đề và thực hành học theo hạnh nguyện của Ngài“Xả thân cầu đạo, cứu khổ chúng sinh” dấn thân vào đời, thực hiện công hạnh của mình một cách tự tại, an nhiên, vô quái ngại.

Cho nên, đức Quán Thế Âm mang đến cho đời, một Thông điệp chính là chất liệu của tình thương, lòng nhẫn nãi và sự tỉnh thức từ nội tâm, để quay về với con người thật của chính mình. Nếu cuộc đời không có những chúng sinh đau khổ, không còn những tâm hồn chơ vơ, thì có lẽ Bồ Tát cũng không cần dùng đến nghìn tay, nghìn mắt. Tâm từ, hạnh kiên nhẫn, khả năng lắng nghe và một trái tim đồng cảm, không chỉ có ở đức Quán Thế Âm, mà nó còn tiềm ẩn trong tim của mỗi người. Chính vì vậy mà chúng ta nguyện một lòng, dắt dẫn chúng sinh ra khỏi chìm đắm trong sáu nẽo luân hồi, tiến về mục đích giải thoát và giác ngộ.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Ly tuong Bo tat 2

Hạnh nguyện lòng Đại Bi

Tất cả hạnh nguyện của Ngài đều phát sinh ở lòng đại bi. Ngài còn hiện thân giáo hoá khắp mười phương thế giới, đủ các thân hình, từ địa ngục lên đến các cung trời, từ Ta bà sang Cực Lạc, tùy trường hợp và cơ cảm khác nhau nên phương tiện của Ngài cũng vô lượng. Ngài là hiện thân của từ bi, ở đâu có chúng sinh đau khổ kêu cầu là ở đó có Ngài thị hiện.

Hạnh nguyện của Bồ Tát Quán Thế Âm được đề cập rất nhiều trong các kinh điển Đại Thừa. Đặt biệt nhất là kinh Đại thừa diệu Pháp Liên Hoa phẩm Phổ môn, chúng ta hàng ngày thường đọc tụng, trong đó có ghi lại 12 lời thệ nguyện của Bồ tát Quán Thế Âm, kế đó là kinh Ngũ Bách Danh với hạnh nguyện ứng hiện ra 500 hóa thân để tùy duyên tế độ… Đức Phật Thích ca Mâu ni, ca ngợi hạnh nguyện riêng của Bồ Tát Quán Thế Âm, như là một nguồn năng lượng chói sáng, siêu việt những đối đãi để lắng nghe, và hóa giải những thanh âm thống thiết của cuộc đời. Như câu kệ nói lên hạnh nguyện của Ngài là:

“Từ năng dữ nhất thiết chúng sinh chi lạc,

Bi năng bạt nhất thiết chúng sinh chi khổ”.

Trong lộ trình phát triển tâm linh. Một vị Bồ-tát cần phải lấy “Thập độ ba-la-mật”.[1] Theo tinh thần của Phật Giáo Đại thừa, công hạnh Bồ Tát nói chung là “ban vui, cứu khổ”. Tùy theo hạnh nguyện riêng của mình, mà mỗi vị Bồ Tát có cách ban vui cứu khổ khác nhau. Như Bồ Tát Địa Tạng phát nguyện, cứu độ tất cả chúng sinh trong địa ngục. Nếu địa ngục vẫn còn một chúng sinh nào bị đọa đày trong ấy, thì Ngài nguyện chưa chịu thành Phật (Địa ngục vị không, thệ bất thành Phật). Bởi vì cõi Ta Bà, địa phủ là nơi đầy dẫy những nhiễu nhương và đau khổ, người đau khổ và chịu những nhiễu nhương là đối tượng cứu độ của Bồ Tát Quán Thế Âm. Tùy theo sở cầu của mỗi người, mà Ngài có thể hiện thân cứu độ cho chúng sinh ấy, đạt đến chỗ an vui, mãn nguyện, như ý.

Bồ-tát trải qua con đường tu tập phần lớn thông qua thực hành pháp bố thí ba-la-mật để đưa tâm thoát khỏi sự sợ hãi, khiếp nhược ngay cả nếu phải hy sinh đầu, mắt, chân, tay hay những bộ phận thân thể khác của mình, mục đích vì lợi ích của chúng sinh hữu tình. Cho nên trong kinh có dạy:“Tâm đó lấy đại bi làm đầu, trí tuệ tăng lên, làm phương tiện giúp đỡ, trực tâm và thâm tâm hoàn hảo, lượng đồng với Phật lực, quyết định trọn vẹn chúng sinh lực và Phật lực. Hướng đến trí vô ngại, thuận theo trí tự nhiên, có thể nhận lấy tất cả Phật pháp, dùng trí tuệ giáo hóa rộng lớn như pháp giới, rốt ráo như hư không đến tận đời vị lai. Bồ-tát phát tâm như vậy, tức thời vượt qua khỏi địa vị phàm phu, nhập vào quả vị Bồ-tát, sinh ra trong nhà của Đức Phật, dòng họ tôn quý, không thể chê trách hiềm nghi, vượt qua tất cả đạo thế gian, vào đạo xuất thế gian, ở trong pháp Bồ-tát, thuộc hàng những Bồ-tát, bình đẳng vào trong chủng tính Như Lai ba đời, nhất định rốt ráo Vô thượng Bồ-đề. Bồ-tát trụ ở pháp như vậy thì gọi là trụ ở địa Hoan hỷ bằng pháp bất động”.[2] Đối với tín ngưỡng nhân gian của người dân đất Việt, thì từ lâu hình ảnh Mẹ hiền Quán Thế Âm, là tiếng gọi thân thương, đầy lòng bi mẫn, với dáng vẻ thướt tha hiền dịu, luôn gần gũi, và hiện hữu mọi lúc mọi nơi. Ở bất cứ nơi đâu, hễ có chúng sinh nào đau khổ, niệm danh hiệu Ngài, lễ bái Ngài và khẩn thiết cầu Ngài cứu giúp, thì Ngài liền xuất hiện (thiên xứ hữu cầu, thiên xứ ứng).

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 3.2022 Phat giao Dai thua va vai tro cua Bo tat trong kinh Hoa Nghiem 2

Bởi vì chúng ta từ khi mới sinh ra và lớn lên, ta quen rồi lối sống chạy theo duyên trần, đam mê dục lạc, càng chạy theo sự hấp dẫn của ngũ dục, tâm chúng ta càng không bao giờ thấy thỏa mãn, như người khát uống nước biển, càng uống càng khát thêm. Lâu dần làm cho mình mệt mỏi với cách sống, tư duy và hành động một cách hẹp hòi, ích kỹ, khổ đau chồng chất bởi ta thu gom rác thải quá nhiều chứa vào trái tim nhỏ bé của mình, nên lòng ta khó có thể tiếp nhận, sẻ chia và thấu hiểu được người khác. Vì vậy chúng ta cần thực hiện bốn điều:“Thứ nhất, hãy đặt mình vào vị trí của người khác, đó gọi là ‘Vô ngã’. Thứ hai, đặt vị trí người khác vào vị trí của mình, đây gọi là ‘Từ Bi’. Thứ ba, phải thấy người khác là chính họ, đây chính là ‘Trí tuệ’. Và cuối cùng hãy thấy bản thân mình là chính mình, đây gọi là ‘Tự tại’.”

Chúng ta như những kẻ lữ hành đang đi trên đường xa vạn dặm, nếu mang vác hành lý càng nhiều thì sẽ làm mình thêm mệt mỏi, và không thể tiếp tục cuộc hành trình tu tập, đang trên lộ trình tiến về mục đích, giải thoát và giác ngộ, hãy buông dần bao tâm niệm tham lam giận hờn, đố kỵ, ganh tỵ, chấp thủ, tâm bám víu vào của cải, vật chất, tình cảm. Vì tất cả những thứ này, càng cố nắm giữ thì chúng ta càng mệt mỏi và đau khổ mà thôi. Khi đã buông bỏ được thì tâm sẽ thanh thản, nhẹ nhàng, trống rỗng, lúc đó tâm có thể chứa đựng và yêu thương tất cả mọi người. Cho nên, chúng ta là những người sống theo con đường hướng thiện và hướng thượng, luôn chí thành kính ngưỡng Bồ tát Quán Thế Âm, thì phải học và thực hành hạnh buông xả bằng một tâm thật sự, thì tất cả ý niệm nhân, ngã, bỉ, thử, tâm ích kỷ hẹp hòi của bản thân dần triệt tiêu, và lúc này chúng ta mở rộng trái tim, yêu thương, bao dung, tha thứ đến với những người xung quanh. Chính vì thế mà,“Trong cuộc sống và trong tu tập cũng thế, chúng ta càng cố sức nắm chặt mọi thứ bao nhiêu thì càng làm cho chúng ta thêm mệt mỏi và kiệt sức mà thôi”. Vì vậy mà chúng ta cần thực hành hạnh nguyện của mình, như Ngài đã phát ra mười hai lời thệ nguyện rộng lớn. Trong đó có lời nguyện thứ 6:“Nam mô Đại Từ Bi, năng Hỷ Xả, Quán Âm Như Lai thường hành bình đẳng nguyện”. Từ, Bi, Hỷ, Xả là bốn hành trang để một Bồ Tát đi vào đời độ sinh. Bốn tâm này được gọi là “Tứ vô lượng tâm”, là bốn tâm không ngăn mé, không thể so lường. Vì chúng sinh vô biên, nên tâm Bồ Tát cũng phải vô lượng. Ngài là hình tượng biểu trưng cho lòng từ bi, thương yêu, bảo bọc và che chở cho tất cả mọi loài. Hình tượng cùng với những hạnh nguyện của Bồ tát Quán Thế Âm đã in sâu vào lòng người dân Việt, nhất là những người Phật tử.

Vẻ đẹp Ngài Quán thế Âm bồ Tát

Vẻ đẹp của Ngài Quán Thế Âm, được khắc họa là một phụ nữ, có vẻ đẹp thánh thiện, hiền hậu, tay trái cầm bình ngọc Thanh tịnh chứa nước Cam lộ, tay phải cầm nhành dương liễu, ngồi hoặc đứng trên một đóa sen hồng, nhưng thực chất Ngài còn có 33 Ứng hóa thân, hồng danh khác nhau.[3] Trong kinh Diệu Pháp Liên hoa phẩm Phổ Môn có nói rằng: “Bồ tát Quán Thế Âm không phải nam, cũng không phải nữ. Ngài hiện thân tùy theo nhu cầu thiết yếu của chúng sinh muốn được cứu độ, nếu là đồng nam, cầu cứu thì Quán Thế Âm Bồ tát hiện thân đồng nam, nếu là đồng nữ, cầu cứu thì ngài hiện thân đồng nữ. Và ngài còn nhiều hiện thân khác, tùy duyên thị hiện để cứu độ tất cả.” Với người Việt từ xưa, đến nay, người cha thường gắn với hình tượng nghiêm trang, nghiêm khắc, nên cha thường được gọi là nghiêm phụ. Còn người mẹ dịu dàng, khi dạy dỗ con thường khuyên răn con nhỏ nhẹ, không đánh mắng, nên người mẹ được gọi là từ mẫu. Với lòng từ rộng lớn, không nỡ để chúng sinh chìm đắm trong biển sinh tử, nên Bồ-tát đi vào cuộc đời để hóa độ và tu hành. Ngoài ra, Bồ-tát cần có Tứ nhiếp pháp (bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự), giáo hoá và làm lợi ích cho chúng sinh.

Cho nên Hoà Thượng Thích Thành Từ nói rằng:“Cha thì nghiêm, mẹ thì từ. Bồ tát Quán Thế Âm tu hạnh từ bi, thường cứu khổ chúng sinh, nên người ta thường xưng tán ngài là Đại từ Đại bi Quán Thế Âm Bồ tát. Hạnh đại từ bi của ngài là lúc nào cũng an ủi, nhắc nhở, khuyên lơn, đem lại nguồn an vui cho tất cả chúng sinh. Ở đâu có tiếng than, có nỗi khổ, ngài đều đến để cứu vớt. Vì vậy ngài tượng trưng cho tâm hạnh từ bi. Hạnh từ bi thì gần với tình thương của người mẹ, nên người ta tạc tượng ngài là nữ. Đó là hình ảnh biểu trưng cho hạnh từ bi, chớ không phải ngài thật là người nữ”. Về hình tượng Bồ tát Quán Thế Âm tay trái cầm bình cam lộ, tay phải cầm cành dương liễu, trong kinh Phổ Môn có câu:“Nam mô thanh tịnh bình thùy dương liễu Quan Âm Như Lai cam lộ sái tâm nguyện”. Trong đó, “thanh tịnh bình” là bình thanh tịnh, “thùy dương liễu” là cành dương liễu rủ xuống, “Quan Âm Như Lai cam lồ sái tâm” là nước cam lộ của đức Quan Âm rưới lên tâm.

Thế nên, ở dân gian có câu:“Đầu cành dương liễu vương cam lộ”. Vậy, Cành Thùy Dương liễu trên tay Quán Thế âm Bồ tát là hiện thân cho sự nhẫn nại, đức nhẫn nhục của Ngài. Cành Dương liễu tuy yếu, mềm nhưng lại dẻo dai và khó gãy, có thể lay động trong gió nhưng lại không thể gãy rụng trước gió. Vì vậy, cành Dương liễu biểu trưng cho đức nhẫn nhục, nhẫn nại trước vạn vật. Nếu chúng ta có lòng từ bi mà thiếu đức nhẫn nhục thì sẽ khó bảo vệ được Phật sự lâu dài. Cho nên chúng ta phải là một sự quyết tâm, lòng nhẫn nhục, đức hạnh chịu đựng gian khổ, khó khăn đến dường nào, mới có thể mang chân lý của Phật đến với chúng sinh, phổ độ chúng sinh.

Quán Thế Âm xuất gia

Vì vậy một trong những ý nghĩa, bình Cam Lồ và cành Dương liễu, đó là Bình thanh tịnh, biểu trưng cho người giữ giới nên tâm thanh tịnh, giống như chiếc bình luôn sạch sẽ. Như Phật tử giữ năm giới, nhờ giữ giới mà tâm trong sạch, thanh tịnh. Người không giữ giới, không bao giờ có tình thương chân thật hay lòng từ bi. Bình thanh tịnh, cũng tượng trưng cho nguồn an lạc vô biên, giúp cho chúng sinh, qua cơn nguy khốn và rưới tắt ngọn lửa phiền não đang thiêu đốt. Con người chúng ta cũng thế, thường ngộ nhận và nắm bắt những ảo tưởng mông lung, khiến sinh ra nhiều tham vọng đau khổ. Tâm chúng sinh có muôn vàn sai khác, do nghiệp chiêu cảm, mang vô lượng vô biên hình tướng và theo căn cơ trình độ tâm thức mỗi người.

Bồ Tát Quán Thế Âm qua Sự Giác Ngộ và Hóa độ của Ngài, vì lòng Từ bi tùy cơ ứng hiện vô biên thân để tiếp cận giáo hóa chúng sinh. Hình ảnh Ngài, biểu tượng một phụ nữ, dung nghi đoan trang từ ái, với tay cầm cành dương liễu (nhu hòa uyển chuyển), tay nắm tịnh bình (thanh tịnh bình đẳng) rưới nước pháp cam lồ, dập tắt lửa tham sân, phiền não, nghiệp chướng trong mỗi chúng ta. Cuộc sống muốn được an lành hạnh phúc, thế giới được hòa bình thực sự, chỉ khi nào con người sớm tỉnh thức, hiểu và thương nhau trong tinh thần Từ bi phụng sự, cứu khổ ban vui. Vì vậy chúng ta nên một lòng quy ngưỡng Bồ tát Quán Thế Âm.

Do đó, lòng từ bi được nuôi dưỡng từ những ai biết giữ giới đức và biết nhẫn nhục. Nếu không nhẫn nhục, thì từ bi rất khó được phát huy triệt để. Chính vì thế mà Bình thanh tịnh biểu hiện cho sự giới đức vẹn toàn. Một người giữ được giới đức, sẽ cảm thấy luôn an lạc và không điều gì gây phiền não, bận tâm.

Vì tâm hồn thanh tịnh an lạc mới chứa được nước cam lồ, một loại nước thanh mát, ngọt ngào, đó là lòng từ bi. Cho nên, người học đạo từ bi trước hết phải tập đức nhẫn nhục và khi nhẫn nhục được thuần rồi thì mới bắt đầu thực hành từ bi. Chưa tập được đức nhẫn nhục mà đã vội thực hành từ bi, chẳng những không làm được hạnh từ bi, mà chúng ta dễ dàng phát sinh sân hận.

Chính vì vậy mà phải có cành dương liễu, rồi sau mới nhúng nước cam lồ rưới mát chúng sinh. Lòng từ bi không nhất thiết chỉ có trong tâm của Bồ tát hay trong tâm những kẻ tu hành, mà nó còn ở trong lòng của tất cả chúng sinh. Cho nên, ai cũng có thể là bậc cứu khổ chúng sinh, nếu họ phát tâm từ bi. Nói một cách khác, từ bi không phải là gia bảo dành riêng cho các bậc tu hành, mà nó là của chung cho tất cả nhân loại. Dù ở trong hoàn cảnh nào, trường hợp nào, cũng có thể thực hiện từ bi được, nếu trong lòng chúng ta chứa sẵn từ bi.

Thấu rõ diệu lý

Quan Thế Âm là một vị Bồ Tát, hiện thân cho lòng từ bi của tất cả chư Phật. Ngài được miêu tả trong nhiều nền văn hóa khác nhau, với thân nam và thân nữ. Quan Thế Âm được tôn kính rộng rãi trong Phật giáo Đại thừa, cũng như không chính thức trong Phật giáo Nguyên thủy.

Theo Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, ngài mang tên gọi như vậy vì hạnh nguyện từ bi cứu khổ nạn. Mỗi khi chúng sinh bị khổ ách, nguy cấp, nếu niệm danh hiệu của bồ tát, Quan Thế Âm sẽ quán xét âm thanh đó và lập tức cứu họ thoát khỏi tai ách. Bởi vì, Lòng bi ngưỡng vô úy mà chúng sinh đã đánh mất, thay vào đó lòng sợ hãi. Chính vì lòng sợ hãi mà con người luôn ở trong tình trạng lo đối phó, nhưng đối phó với phương pháp chạy trốn thực tại, tìm cách né tránh với tương lai. Con người không dám nhìn thẳng vào thực tại, phần nhiều chỉ sống vị kỷ cho bản thân mình hơn vì người khác. Chấp thân này là Ta, các vật phụ thuộc trong đời sống là của ta, luôn luôn nuối tiếc dĩ vãng và hoài vọng tương lai; mà tương lai mãi mãi không bao giờ hiện thực.

Chính vì khổ nghiệp của chúng sinh đang vây khổn mà các đức Phật Thế tôn cùng các vị Bồ tát xuất hiện ra thế gian này, với hạnh nguyện đại từ, đại bi, ban vui cứu khổ cho mọi loài. Cùng ở trong hạnh nguyện đó, sự xuất hiện của Bồ tát Quán Thế Âm được các kinh công nhận là độc đáo nhất trong hạnh nguyện của các vị Bồ tát. Ngài đã chứng ngộ bằng âm thanh qua nhĩ căn viên thông, và lấy âm thanh là tiêu đích trong việc cứu khổ cứu nạn cho tất cả chúng sinh. Với danh hiệu Đại từ đại bi tầm thinh cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm Bồ tát, đã nói lên đầy đủ ý nghĩa hạnh nguyện đó.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Tuong Quan The Am chua Linh Ung

Tượng Bồ tát Quán Thế Âm tại Chùa Linh Ứng, Đà Nẵng. Ảnh: St

Cho nên mục đích xuất hiện giữa đời của Bồ-tát là vì lợi ích và hạnh phúc của số đông. Trước muôn vàn khổ đau cần lắng nghe, thấu hiểu và cứu giúp của chúng sinh, Bồ-tát thường hóa hiện nhiều hình tướng để phù hợp với vô số căn tính, hạnh nghiệp của chúng sinh qua những vùng miền văn hóa khác nhau: “Nếu có chúng sinh trong quốc độ nào đáng dùng thân Phật đặng độ thoát, thời Quán Thế Âm Bồ-tát liền hiện thân Phật mà vì đó nói pháp… Người đáng dùng thân đồng nam, đồng nữ đặng độ thoát, liền hiện thân đồng nam, đồng nữ mà vì đó nói pháp” (Kinh Pháp hoa).

Do lý tưởng bồ Tát, được xây dựng trên nền tảng Đại Bi, tức là người tu hành theo lý tưởng này phải phát Tâm Thệ Nguyện thành Phật, rồi chuyên chú gia công tu tập mọi công đức để hoàn thiện chính mình qua việc giúp ích cho chúng sinh. Từ ý nghĩa đó mà các bậc Đạo sư đã nhấn mạnh rằng: “Hết thảy chúng sinh, đều là ruộng phước, giúp cho người tu đạo Bồ Tát thực hiện viên mãn mọi công hạnh để mau chóng thực chứng Phật quả”. Cho nên Phật dạy: Tâm-Phật-Chúng sinh vốn đồng một thể. Vì vô minh che lấp nên gọi là chúng sinh, khi tỏ khai trí giác thì đó là Phật. Chúng sinh tức Phật, phiền não tức Bồ đề.

Chính vì Tâm Đại Bi là trọng tâm hoạt động giác ngộ của các Bậc Thánh Giải Thoát cho nên đức Quán Âm Bồ Tát tuy đã sớm thành Phật, hiệu là Chính Pháp Minh Như Lai, nhưng vì muốn tế độ tất cả chúng sinh, cho nên quay ngược thuyền Từ, thị hiện làm thân Bồ Tát, như trong Kinh “Thiên Thủ Thiên Nhãn Đại Bi Tâm Đà La Ni” nói rằng: “Quán Thế Âm Bồ Tát có sức uy thần chẳng thể nghĩ bàn, trong quá khứ vô lượng kiếp về trước, đã thành Phật, hiệu là Chính Pháp Minh Như Lai. Do Nguyện Lực Đại Bi là làm an vui cho chúng sinh, cho nên hiện làm Bồ Tát.” Cho nên chúng ta thương xưng danh hiệu “Nam mô Đại Từ Đại Bi năng cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm Bồ Tát.”

Kết luận

Chúng ta biết rằng trong giáo lý của đạo Phật, thương yêu được làm bằng một chất liệu gọi là hiểu biết. Khi hiểu biết thì không có sân hận oán thù. Mỗi khi từ bi hiện hữu là hẳn nhiên trí tuệ sẽ có mặt. Cho nên chúng ta học theo hạnh nguyện của Quán Thế Âm Bồ Tát là thực tập, luôn lắng nghe với sự chân thành không phán xét. Thực tập hành trì hạnh lắng nghe để mình và người luôn sống bình yên, hạnh phúc ngay trong giờ phúc hiện tại. Tất cả chúng ta đều có thể trở thành Bồ tát vào đời độ sinh. Theo đó, ta có thể dùng nhiều phương tiện đi vào cuộc sống, vừa tu tập và giúp bao chúng hữu tình quay về bờ giác. Vì chúng sinh khổ nên Bồ-tát tình nguyện dấn thân hóa độ, tận tụy, hy sinh lợi ích cá nhân để đem lại lợi ích tha nhân.

Như vậy mới đúng nghĩa, hàng ngày chúng ta học và thực hành hành nguyện của Ngài Quán Thế Âm, thì trí tuệ càng thêm sáng suốt, công đức lớn thêm. Nếu tâm sáng suốt, trang nghiêm thì dù ở xa cũng như ở gần Ngài. Còn tâm mình không thanh tịnh, có đối diện với Ngài cũng xa, cũng bị dời đi chỗ khác. Do đó tất cả đều từ tâm tịnh hay không thanh tịnh. Hiểu được ý nghĩa rồi thì thấy học Phật, tu Phật không xa lắm mà ở nơi ngay chính mình. Chỉ cần chuyển từ cái nhìn mê lầm thành cái nhìn giác ngộ, trí tuệ. Tu là chuyển cái nhìn, thay đổi cái nhìn thì cuộc đời mình thay đổi theo.

Thượng tọa Thích Thiện Hạnh – Phó Viện trưởng Phân viện NCPHVN tại Hà Nội

***

[1] 1. Biến hành độ; 2. Tối thắng độ; 3. Thắng lưu độ; 4. Vô nhiếp thụ độ; 5. Loại vô biệt độ; 6. Vô nhiễm tịnh độ; 7. Pháp vô biệt độ; 8. Bất tăng giảm độ; 9. Trí tự tại độ; 10. Nghiệp tự tại độ.
[2] Sa-môn Thích Tịnh Hạnh, kinh Đại Phương quảng Phật Hoa nghiêm, quyển 23 – phẩm 22:“Mười địa”, Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc -Taiwan, 2000, tr.731.
[3] Trong kinh, đức Phật gọi Quan Âm là “thiện nam tử”. Nhưng chúng ta thường thấy hình ảnh Ngài là một vị nữ nhân mặc áo trắng. Không ít người vẫn đang thắc mắc: Quan Thế Âm Bồ Tát là nam hay nữ? Ngài Quán thế Âm có thể là: thân Phật, Bích Chi, Thinh Văn, Phạm Vương, Đế Thích, Đại Tự Tại Thiên, Đại Tự Tại, Thiên Đại Tướng Quân, Tỳ Sa Môn, tiểu vương, trưởng giả, cư sĩ, tể quan, Bà-la–môn, tỳ kheo, tỳ kheo ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, phụ nữ, đồng nam, đồng nữ, thiên, long, dạ xoa, Càn-thát-bà, Ca-lâu-la, A-tu-la, Khẩn-na-la Ma-hầu-la-già, Nhân, Phi nhân Thần chấp Kim Cang.

Đức Phật Bà Quán Thế Âm Bồ Tát

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường