Truyện kể về Từ Đạo Hạnh lấy nhân vật lịch sử và sự kiện lịch sử làm đối tượng phản ánh. Tuy nhiên, khi đi vào trong trang truyền thuyết, nhân vật này một mặt được thần thánh hóa theo quan niệm của dân gian, một mặt lại được tôn giáo hóa theo quan niệm Phật giáo.
Tác giả: TS.Nguyễn Huy Bỉnh - Viện Văn học
Chùa Thầy là tên gọi một ngôi chùa nhưng đồng thời cũng là tên của ngọn núi Thầy. Vì chùa nằm trên núi Thầy nên có tên là chùa Thầy. Đây là một quy luật gọi tên chùa ở nước ta, như chùa Dạm nằm trên núi Dạm, chùa Phật Tích nằm trên ngọn núi Phật Tích (Bắc Ninh)...Chùa Thầy còn có tên gọi khác là Thiên Phúc tự, chùa Phật Tích.
Trong lịch sử tồn tại hàng ngàn năm, chùa Thầy mang giá trị cả về mặt tôn giáo, lịch sử và văn hóa. Chính vì vậy, từ xưa chùa Thầy in hình khắc bóng trong đời sống tinh thần của người dân xứ Đoài. Dân gian còn lưu truyền câu ca dao:
Gái chưa chồng trông hang Cắc Cớ/Trai chưa vợ nhớ hội chùa Thầy
Chùa Thầy đã trở thành một điểm đến của biết bao thế hệ người dân đi lễ Phật cầu may, trở thành nơi tụ hội và gặp gỡ của các nam thanh nữ tú trong những ngày hội chùa.
Chùa Thầy gắn liền với tên tuổi của nhà sư nổi tiếng thời Lý là Từ Đạo Hạnh, và danh tính của nhà sư này cũng được lưu truyền cùng với sự tồn tại của ngôi chùa. Tìm hiểu truyền thuyết về Từ Đạo Hạnh, chúng tôi hướng đến làm rõ quan điểm của dân gian về nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn đến Phật giáo thời nhà Lý. Trên cơ sở sưu tầm các bản truyền thuyết về Từ Đạo Hạnh, chúng tôi thống kê được 5 bản kể khác nhau.
Bản kể thứ nhất[1] có thể tóm tắt như sau: Đạo Hạnh họ Từ tên là Lộ, ngay từ khi mới sinh đã có khí cốt tiên phật, lúc trẻ hay chơi bời phóng túng, nhưng có chí lớn, cách cử động ít người lường. Về sau, Từ Đạo Hạnh thi khoa Bạch Liên, đỗ thứ nhất, nhưng không chịu ra làm quan, ông ngày đêm nghĩ cách phục thù cho cha. Cha ông dùng pháp thuật phạm vào nhà ông Diên Thành Hầu. Nhà Hầu có vị pháp sư là Đại Điên dùng bùa trấn áp, giết chết vứt xác xuống sông Tô Lịch. Đạo Hạnh ở nhà thờ cha mẹ.
Một hôm rình Đại Điên đi ra đường, ông toan dùng pháp thuật, cầm gậy xông đến đánh, chợt nghe trên không có tiếng thét “Không được! Thôi ngay đi”, Đạo Hạnh liền bỏ về định sang bên Ấn Độ ở Tây Thiên học cho được thuật lạ để đánh Đại Điên. Đạo Hạnh cùng với Minh Không, Giác Hải cùng đi, đến nước Sỉ Man, thấy đường đi rất hiểm trở nên định quay về. Bỗng thấy một cụ già chèo chiếc thuyền nhỏ bên sông, cụ cho mượn chiếc thuyền và cây gậy, cứ chỉ về phía tây sẽ đến Tây Thiên ngay.
Đến Tây Thiên, Minh Không và Giác Hải học được pháp thuật nên về trước, còn Từ Đạo Hạnh gặp được một bà cụ già, ông đã học được nhiều phép thiêng, được cụ già trao cho phép rút đất và thần chú Đà ni. Khi trở về, Đạo Hạnh đến tu tại chùa Thiên Phúc (chùa Thầy). Trước chùa có hai cây thông cổ, người ta thường gọi là cây “Rồng”. Đạo Hạnh hằng ngày trông vào cây đọc chú, đọc tới ức vạn lần, cây thông rơi từng cành, rồi cả hai cây đều mất hết.
Biết rằng Quan Thế Âm đã ứng hộ, Đạo Hạnh càng gia tâm tụng kinh đọc chú, cầu cho thấu đến Thiên Đường. Một hôm có vị thần Tứ Trấn Thiên Vương đến theo hầu, Đạo Hạnh biết mình đã thông cả lục trí, có thể báo thù được cho cha, mới về làng An Lãng.
Một buổi, Đạo Hạnh ra cầu An Quyết trên sông Tô Lịch, ném cái gậy xuống sông, gậy dựng đứng trên mặt trước, chạy ngược dòng như bay, đến cầu Tây Dương thì dừng lại, Đạo Hạnh bèn tìm đến đánh chết Đại Điên, đem xác quẳng xuống sông Tô Lịch để trả thù trước. Trả thù xong, tâm trí nhẹ nhàng, Đạo Hạnh đi khắp nơi rừng sâu để cầu ấn quyết.
Bấy giờ, vua Lý Nhân Tông không có con trai, cầu tự mãi không được, em Nhân Tông là Sùng Hiền Hầu bèn mời Từ Đạo Hạnh đến nhà cầu tự cho mình để sau con mình sẽ được lập làm thái tử. Đạo Hạnh xin đầu thai để tạ ơn. Bấy giờ, Sùng Hiền phu nhân đang tắm trong phòng, bỗng thấy Đạo Hạnh hiện hình trong thùng nước. Đến ngày phu nhân sinh, Từ Đạo Hạnh dặn dò các đồ đệ, rồi đập đầu vào vách đá, nện chân nên bàn đá mà hóa.
Từ Đạo Hạnh thác sinh làm con trai Sùng Hiền Hầu, sinh ra chóng lớn, rất thông minh, người đẹp lại có tài. Vua Lý Nhân Tông cho vào cung lập làm thái tử. Đến khi vua mất, thái tử nối ngôi lấy tên hiệu là vua Thần Tông. Năm 21 tuổi, vua Thần Tông bị bệnh, khắp người mọc đầy lông lá, biến hình như con hổ. Các danh sư đến chữa rất nhiều nhưng không khỏi. Minh Không và Giác Hải nghe tin, biết là ứng với lời xưa bèn đặt ra câu ca dao cho trẻ em hát với nội dung muốn chữa khỏi bệnh cho vua, phải tìm đến Nguyễn Minh Không.
Triều đình cho người đi tìm Nguyễn Minh Không đến. Ông ta dùng lấy một cái vạc to đổ 12 cân dầu và bỏ 100 cái đanh vào vạc đun sôi lên rồi lấy cành hoa hòe vẩy dầu ấy lên khắp người vua, vua khỏi bệnh. Sau này vua mất, chùa Thiên Phúc hiện lên khí thiêng lạ thường. Khi Đạo Hạnh hóa, xác còn ở trong động, trải qua hàng tháng vẫn thơm tho. Khi quân nhà Minh sang ta, đến nơi vẫn thấy mùi hương thơm nức, tìm đến trong khám chân thân một vị đạo nhân, nét mặt tươi như lúc còn sống.
Bản thứ hai[2] có thể tóm tắt như sau: Từ Đạo Hạnh từ thuở thiếu niên đã có tài chí lớn, ham học, thích giao du hào hiệp; hành động, ngôn ngữ không ai có thể lường được. Sau dự kỳ thi tăng hương thí, đỗ khoa Bạch Liên. Cha ông dùng tà thuật làm phật ý Diên Thành hầu, nên bị Diên Thành sai Đại Điên thiền sư dùng phép đánh chết, vì thế Từ Đạo Hạnh quyết chí trả thù cho cha. Ông tu luyện phép thuật, đọc kinh đại bi đa la, đọc trọn mười vạn tám ngìn lần.
Một hôm, có thần nhân đến trước mặt nói rằng: “Kẻ đệ tử tức là Trấn Thiên Vương, cảm phục thầy có công trì kinh nên lại đây để thầy sai khiến”, Từ Đạo Hạnh biết là đạo pháp đã thành, bèn đi trả thù cho cha. Ông đến cầu An Quyết, cầm cây gậy chống ở tay, ném xuống dòng nước chảy xiết. Gậy đi ngược dòng nước tới cầu Tây Dương thì dừng lại. Ông tìm gặp và đánh Đại Điên khiến Đại Điên mang bệnh mà chết. Sau đó ông đi du ngoạn các miền rừng rú để tìm dấu Phật.
Về sau, phép lực ngày càng mạnh, duyên thiền càng kết. Các giống rắn núi, thú đồng đến quấn quýt quanh mình. Từ Đạo Hạnh có thể bấm đốt ngón tay cầu đảo, chú phép vào nước trị bệnh, không lúc nào không nghiệm. Khi nhà vua mở hội bảy ngày đêm cho Đại Điên đầu thai, Từ Đạo Hạnh dùng bùa phép ngăn cản nên bị nhà vua bắt, cho nên phải đầu thai để thoát nạn.
Từ Đạo Hạnh đến nhà Sùng Hiền Hầu đầu thai vào vợ ông ta. Hầu phu nhân bèn sinh con trai đặt tên là Dương Hoán. Khi lên ba, vua Nhân Tông nuôi ở trong cung, lập làm thái tử. Nhân Tông băng hà, thái tử tức vị. Đó là vua Thần Tông do Từ Đạo Hạnh thác sinh ra.
Sách Lĩnh Nam chích quái còn có đoạn kể về thiền sư Từ Đạo Hạnh trước khi hóa đã truyền dạy pháp thuật cho Nguyễn Minh Không. Sau này, Lý Thần Tông mắc bệnh lạ, tâm thần rối loạn, tiếng kêu đau đớn gầm rú rất đáng sợ. Các lương y trong thiên hạ đều không thể chữa trị. Nguyễn Minh Không chữa khỏi bệnh cho vua bằng cách lấy vạc dầu đun sôi, rắc vẩy lên khắp mình vua. Vua bèn phong Minh Không làm Quốc sư.
Bản kể thứ ba[3]có thể tóm tắt như sau: Vào đời vua Lý Nhân Tông, có ông Từ Vinh làm quan Đô án, thường lấy phép dối trá mà trêu ghẹo mọi người. Quan Thành hầu tức mình, mượn Đại Điên làm phép giết chết, vứt xác xuống sông Tô Lịch. Con ông ấy là Từ Lộ đem lòng oán thù, mới vào tu chùa Phật Tích mà dân gian còn gọi là chùa Thầy, đặt tên hiệu là Từ Đạo Hạnh, học thêm phép để báo thù cho cha.
Vài năm ông học được đủ phép, thư phù vào gậy sắt, rồi mới thả xuống sông Yên Quyết, trôi ngược đến nhà Đại Điên. Đại Điên nghe nói có hiện tượng lạ, ra xem, bị cái gậy ấy bật lên đánh chết. Tiếng đồn ông Từ Lộ báo thù được cho cha, tài nhất nước Nam bấy giờ.
Vua Nhân Tông muốn có con nối ngôi, lập đàn cầu tự suốt ba năm liền. Người dân đồn rằng có đứa bé lên ba tuổi có nhiều phép tài, vua đem đứa bé cho Từ Đạo Hạnh làm phép thác sinh. Từ Đạo Hạnh biết đứa bé đó là Đại Điên hiện thân nên làm phép khoán ngăn cản. Ông bị nhà vua bắt giam, bèn nghĩ kế đầu thai để thoát nạn. Đến khi vợ vị quan Sùng Hiền trở dạ, ông vào hang đá trong chùa, đập đầu mà hóa đi. Sau hang vẫn còn vết bàn chân với vết đập đầu.
Vợ Sùng Hiền sinh ra người con trai, ấy chính là ông Từ Lộ thác sinh, đặt tên là Dương Hoán. Khi lên ba tuổi, Dương Hoán được vua đem vào nuôi trong cung, dựng làm thái tử. Đến khi vua mất, Dương Hoán nối ngôi, miếu hiệu là Thần Tông. Ông ở ngôi được mấy năm thời phải bệnh, mình mẩy mọc lông lá, tiếng kêu gầm như hổ.
Các thầy phù thủy, thầy thuốc không có phép nào chữa khỏi. Các quan nghe trẻ con hát có ông Nguyễn Minh Không chữa được bệnh, thiên tử bèn sai sứ đi tìm. Ông Nguyễn Minh Không chữa được khỏi bệnh cho nhà vua, vua phong làm Lý triều Quốc sư.
Bản kể thứ tư[4] và bản kể thứ năm[5] có nội dung khá thống nhất với nhau, có thể tóm tắt như sau: Từ Lộ tự là Đạo Hạnh làm thầy cúng ở chùa Thiên Phúc. Lúc bé, Từ Đạo Hạnh chơi bời phóng túng nhưng lại có chí, ông cùng với Phí Sĩ, Phan Ất, Lê Hoàn kết bạn, đêm thì đọc sách, ngày thì đàn sáo đánh bạc làm vui.
Về sau, Đạo Hạnh thi khoa Bạch Liên, đỗ Tăng quan. Cha ông dùng tà thuật phản ông Diên Thành Hầu, nên Thành Hầu đã nhờ thầy phù thủy Đại Điên dùng phép đánh chết. Đạo Hạnh lấy làm tức giận, muốn sang Ấn Độ học phép để trả thù cho cha, nhưng đi qua núi Kim Xỉ hiểm trở nên phải trở về. Đạo Hạnh vào trong hang núi Phật Tích, kết thành hội Bạch Liên để học phép ngũ giáo. Ngày nào cũng tụng kinh “Đại bi tâm”.
Một hôm thần báo mộng là có Tứ trấn Thiên vương xin theo để Đạo Hạnh sai khiến. Đạo Hạnh biết đạo pháp của mình đã thành rồi, bèn tìm cách phục thù cho cha. Đạo Hạnh cầm cây gậy ném xuống dòng sông, nước chảy xuôi mà gậy trôi ngược, trông tựa con rồng. Đạo Hạnh dùng phép tàng hình đến thẳng chỗ Đại Điên chơi cầm cây gậy đánh khiến Đại Điên mang bệnh mà chết.
Trả thù xong cho cha, Đạo Hạnh đi khắp rừng núi, hỏi tìm ấn chứng. Phép thuật của ông ngày càng tinh thông, nội là rắn độc trên núi, hùm dữ trên rừng cũng có phép sai khiến được cả.
Bấy giờ vua Lý Nhân Tông chưa có con, vua lập đàn để đứa bé đầu thai làm con nhưng Từ Đạo Hạnh biết đó là Đại Điên muốn đầu sinh để báo thù nên dùng pháp thuật ngăn cản việc đầu sinh đó. Vua sai bắt Từ Đạo Hạnh, và cho ông được đầu sinh.
Từ Đạo Hạnh bèn đầu sinh vào vợ Sùng Hiền Hầu, từ đấy phu nhân có mang. Đến ngày sinh, Đạo Hạnh dặn dò học trò rồi lột xác ra mà hóa thành một đứa con trai nhà Sùng Hiền Hầu. Vua yêu mến đưa bé ấy, cho nuôi ở trong cung, lập lên làm thái tử, khi vua mất, thái tử lên ngôi, đó là vua Thần Tôn.
Ngoài ra, một số thư tịch khác cũng ghi chép lại nội dung của truyện kể về nhân vật Từ Đạo Hạnh, như các cuốn sách: Thiền uyển tập anh, An Nam chí lược, Đại Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư, Sài Sơn thi lục, Sài Sơn thực lục, Sài Sơn linh tích... Như vậy, việc ghi chép lại sự tích về Từ Đạo Hạnh có một tiến trình lâu dài, nó diễn ra ở các vương triều và các thời kỳ lịch sử khác nhau.
Điều này đã cho phép chúng ta khẳng định, Từ Đạo Hạnh là một nhân vật được nhiều nhà văn hóa cũng như các sử gia đặc biệt quan tâm. Đi sâu tìm hiểu và khảo sát các dị bản trong Việt điện u linh và Lĩnh Nan chích quái, chúng tôi nhận thấy, truyện về Từ Đạo Hạnh chủ yếu được ghi chép ở các phần Tân san, Hiệu tập, Tục biên… chứ không ghi chép ở phần nguyên tác.
Như vậy, có thể tác phẩm đã được thế hệ sau ghi chép nối tiếp. Nhà nghiên cứu Đinh Gia Khánh cho rằng: Truyện Từ Đạo Hạnh trong sách Việt điện u linh do Ngô Giáp Đậu (1853-?) biên soạn[6].
Việc Từ Đạo Hạnh xuất hiện trên thư tịch của nhiều tác giả và trải qua quá trình lịch sử khác nhau bởi ông vừa là một nhân vật lịch sử, nhưng đồng thời cũng là một nhân vật tôn giáo, văn hóa, ông có một hành trạng khá độc đáo và chịu ảnh hưởng của văn hóa dân gian bản địa và tôn giáo ngoại lai. Khảo sát các bản truyền thuyết kể về Từ Đạo Hạnh, có thể nhận thấy hai motif cơ bản là: motif quyền phép thần kỳ và motif hóa sinh đầu thai hoang đường.
Về motif quyền phép thần kỳ: Nhân vật Từ Đạo Hạnh được miêu tả là người tài chí và dày công luyện tập pháp thuật, sau khi cha ông bị Đại Điên giết hại, ông lấy làm căm phẫn, tìm mọi cách để trả thù. Tất cả các bản truyền thuyết đều có chi tiết kể Từ Đạo Hạnh đã tu luyện pháp thuật và trở thành một người có nhiều quyền phép.
Như ở bản kể 1, Đạo Hạnh sang nước Ấn Độ ở Tây Thiên học thuật lạ về đánh Đại Điên. Đến Tây Thiên, Từ Đạo Hạnh được một bà cụ truyền dạy cho mọi phép thiêng, lại trao cho phép rút đất và thần chú. Còn trong các bản kể 2, 3, 4, 5 không có chi tiết Từ Đạo Hạnh sang Ấn Độ tu luyện phép thuật, mà ông ở lại trên núi Phật Tích - nơi có ngôi chùa Thầy để tu luyện.
Motif quyền phép thần kỳ còn có chi tiết Từ Đạo Hạnh giết chết Đại Điên trả thù cho cha. Chi tiết này được các bản truyền thuyết kể khá thống nhất rằng, sau khi học được phép thuật, Từ Đạo Hạnh bèn thân đến cầu An Quyết, cầm cây gậy chống ở trên tay ném xuống dòng nước chảy xiết. Bản 1, 2, 4, 5 kể, cây gậy đi ngược dòng nước tới cầu Tây Dương thì dừng lại. Từ Đạo Hạnh đi tìm đánh Đại Điên khiến cho Đại Điên mang bệnh mà chết.
Bản 3 kể, Từ Đạo Hạnh học được đủ phép, thư phù vào gậy sắt, rồi mới thả xuống sông Yên Quyết, tên nôm là sông Cót, gậy trôi ngược đến nhà Đại Điên, Đại Điên nghe thấy có hiện tượng lạ, ra xem nên bị cây gậy bật lên đánh chết.
Nói đến khả năng quyền phép thần kỳ của nhân vật Từ Đạo Hạnh, trong truyền thuyết còn có chi tiết kể rằng, khi nhà vua định làm lễ hóa sinh, đầu thai cho đứa bé có tên là Giác Hoàng nguyên là hiện thân của Đại Điên thì Từ Đạo Hạnh đã dùng pháp thuật ngăn cản.
Các bản truyền thuyết đều kể rằng, Từ Đạo Hạnh nhờ chị ăn mặc giả làm sư, cầm giấu vài quả ấn pháp sư, giắt lên mái nhà chỗ đàn chay. Cúng được ba hôm, đứa bé phải bệnh bảo với mọi người là: Khắp thế giới chỗ nào cũng chăng lưới sắt, không có đường nào mà đầu thai được.
Như vậy, theo truyền thuyết thì phép thuật của Từ Đạo Hạnh đã vượt xa so với phép thuật của Giác Hoàng vốn nổi tiếng lúc đương thời. Về chi tiết này, sách lịch sử của nước ta cũng có ghi chép, Đại Việt sử lược có viết về Sùng Hiền Hầu nói với vua:“Giác Hoàng có thần lực thật đấy, mà bị Từ Lộ cản trở thì đó là Từ Lộ thắng Giác Hoàng, sự việc rõ ràng như thế thì không gì bằng cho Từ Lộ thác sinh”.
Về motif hóa sinh đầu thai: Các truyền thuyết đều có nội dung kể khá thống nhất rằng, Từ Đạo Hạnh dùng pháp thuật ngăn cản cuộc đầu thai của Giác Hoàng nên bị nhà vua bắt giữ, định xử tội nặng. Từ Đạo Hạnh nhờ được Sùng Hiền Hầu cứu giúp, ông hứa sẽ đầu thai làm con Sùng Hiền Hầu để trả ơn. Không riêng gì các bản truyền thuyết trên kể về sự đầu thai của nhân vật Từ Đạo Hạnh mà ngay cả sử sách cũng từng ghi lại khá tỉ mỉ, Đại Việt sử ký toàn thư có viết: “Tống Chính Hòa năm thứ 6.
Mùa hạ, nhà sư Từ Đạo Hạnh trút xác ở trên núi Thạch Thất. Từ Đạo Hạnh đến nơi núi ấy, thấy tảng đá trong hang núi có vết chân người, lấy chân ướm vào vừa đúng: tục truyền đó là chỗ Đạo Hạnh trút xác. Trước là phu nhân của Sùng Hiền Hầu là Đỗ Thị đã có mang, đến đây trở dạ mãi không đẻ. Hầu nhớ lời Đạo Hạnh dặn khi qua đời. Sau đó phu nhân sinh con trai, tức là Dương Hoán.
Người làng cho là việc lạ, để xác Đạo Hạnh vào trong khám để thờ. Nay núi Phật Tích tức là chỗ ấy. Hàng năm, mùa xuân, cứ đến ngày mùng 7 tháng 3, con trai, con gái hội họp ở chùa, là hội vui có tiếng một vùng. Người đời sau ngoa truyền là ngày giỗ của sư”[7].
Có thể lý giải motif quyền phép thần kỳ và motif hóa sinh đầu thai trong truyền thuyết Từ Đạo Hạnh từ góc nhìn văn hóa dân gian và từ góc nhìn Phật giáo. Chúng ta có thể nhận thấy một điều là hầu hết các thư tịch ghi chép về thiền sư Từ Đạo Hạnh thuộc về thời kỳ trung đại trong văn học Việt Nam.
Ở thời kỳ này, ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo đến các tác phẩm văn học, nhất là các truyện kể mang yếu tố chí quái là khá đậm nét. Về cơ bản, truyện kể về Từ Đạo Hạnh lấy nhân vật lịch sử và sự kiện lịch sử làm đối tượng phản ánh. Tuy nhiên, khi đi vào trong trang truyền thuyết, nhân vật này một mặt được thần thánh hóa theo quan niệm của dân gian, một mặt lại được tôn giáo hóa theo quan niệm Phật giáo.
Về xu hướng dân gian hóa trong truyện kể về Từ Đạo Hạnh có thể nhìn nhận từ phương diện cấu trúc tác phẩm truyền thuyết dân gian. Các truyền thuyết thường có cấu trúc hoàn chỉnh như sau: Sinh nở thần kỳ; trưởng thành kỳ diệu; lập chiến công phi thường và hóa thân kỳ ảo. Còn đối với các truyện được ghi chép trong Thiền uyển tập anh ngữ lục lại chú ý đến nhân vật thần kỳ ở ba phương diện là: Ra đời thần kỳ; pháp thuật tu luyện thần kỳ và tịch diệt thần kỳ.
Truyền thuyết Từ Đạo Hạnh nổi bật lên với hai motif là tu luyện quyền phép thần kỳ và hóa sinh đầu thai hoang đường. Từ các chi tiết kể về việc tu luyện thần kỳ đến việc có cây gậy hộ mệnh đầy phép thuật và chi tiết hóa sinh đầu thai đều có nguồn gốc từ văn hóa dân gian với sự biến hóa thần thông và có tài chí phi thường của nhân vật. Tương truyền Thần Tông là hậu thân của sư, còn Giác Hoàng là Đại Điên đã gợi mở những khả năng cho trí tưởng tượng bay bổng của dân gian.
Điều đó cho thấy tác phẩm này có mối quan hệ chặt chẽ với văn hóa dân gian, bị văn hóa dân gian chi phối và thấm đẫm chất dân gian. Nó biểu hiện rõ mối quan hệ giữa văn học viết và văn học dân gian, rộng hơn là giữa văn học viết và văn hóa dân gian.
Mặt khác, truyện kể về Từ Đạo Hạnh chịu ảnh hưởng rõ rệt của tư tưởng Phật giáo. Khi Phật giáo vào nước ta, các nhà truyền giáo đã khéo léo sử dụng và lợi dụng yếu tố tín ngưỡng văn hóa dân gian để truyền bá Phật giáo, đó là tín ngưỡng thờ thần tự nhiên như thần nước, thần đá, thần núi, thần cây; ngoài ra còn có các tín ngưỡng khác như tín ngưỡng thờ nữ thần, tín ngưỡng thờ mặt trời…
Do vậy, Phật giáo và tín ngưỡng bản địa có sự giao lưu văn hóa khá mạnh mẽ. Thể hiện rõ nhất của hiện tượng giao thoa văn hóa này là cách thực hành tôn Phật giáo theo tông phái Mật giáo. Chính Mật giáo đã vận dụng các yếu tố bùa chú, bùa phép nhằm hấp dẫn, gây dựng niềm tin cho các tín đồ Phật tử cũng như tất cả chúng sinh.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Sơn: “Trong rất nhiều trường hợp, yếu tố mật giáo dường như đã chuyển hóa, dung hợp trong tư duy và cốt truyện dân gian, trở nên sự đan xen hỗn hợp rất khó tách bạch, song rõ ràng đây là một thực tế không thể bác bỏ”[8].
Trong truyện kể về Từ Đạo Hạnh, yếu tố mật giáo biểu hiện qua một số tình tiết và motif cấu thành tác phẩm, đó là hình thức tu luyện phép thuật, thường chọn những địa danh yên tĩnh, huyền bí và phải dày công khổ luyện. Nhưng khi tu luyện xong thì pháp thuật của nhân vật đã đạt đến mức hoàn chỉnh có thể có sức mạnh hơn người và làm được những việc kỳ diệu mà người thường không thể làm được.
Việt điện u linh có đoạn kể về Từ Đạo Hạnh: Sau khi tu luyện trở về, Đạo Hạnh đến tu tại chùa Thiên Phúc (chùa Thầy). Trước chùa có hai cây thông cổ, người ta thường gọi là cây “Rồng”. Đạo Hạnh hằng ngày trông vào cây đọc chú, đọc tới ức vạn lần, cây thông rơi từng cành, rồi cả hai cây đều mất hết. Một hôm có vị thần Tứ Trấn Thiên Vương đến theo hầu, Đạo Hạnh biết mình đã thông cả lục trí, có thể báo thù được cho cha.
Một buổi, Đạo Hạnh ra cầu An Quyết trên sông Tô Lịch, ném cái gậy xuống sông, gậy dựng đứng trên mặt trước, chạy ngược dòng như bay, đến cầu Tây Dương thì dừng lại, Đạo Hạnh bèn tìm đến đánh chết Đại Điên, đem xác quẳng xuống sông Tô Lịch để trả thù trước. Qua sự miêu tả trên thì xung quanh nhân vật Từ Đạo Hạnh đã có vầng hào quang thần kỳ lấp lánh đan xen cùng con người hiện thực.
Sách Lĩnh Nam chích quái có đoạn kể: Phép thuật của ông ngày càng tinh thông, nội là rắn độc trên núi, hùm dữ trên rừng cũng có phép sai khiến được cả. Có thể nói, ban đầu, từ một nhân vật được miêu tả là gần gũi với con người trần gian thì sau khi tu luyện được phép, Từ Đạo hạnh mang dáng dấp của nhân vật thần thánh và có phần kỳ bí khác thường.
Đặc biệt, sự kỳ bí còn thể hiện qua motif hóa sinh đầu thai của nhân vật. Theo truyện kể, Từ Đạo Hạnh đã biết trước được số phận của mình phải đầu thai tái sinh lần nữa mới hoàn thành kiếp nghiệp, và nhân một lần phá bùa chú của Giác Hoàng, ông bị nhà vua bắt giam nên bày cách đầu thai để thoát nạn. Từ Đạo Hạnh đầu thai vào người vợ của Sùng Hiền Hầu, khi bà ta đến kỳ sinh, ông dặn dò đệ tử của mình rồi vào hang đá trong chùa, đập đầu mà hóa đi. Sau hang vẫn còn vết bàn chân với vết đập đầu.
Khi đứa bé được Từ Đạo Hạnh đầu thai lên làm vua thì một tình tiết thần kỳ nữa diễn ra, đó là vua Thần Tông mang bệnh, mình mẩy mọc lông lá, tiếng kêu gầm như hổ. Các thầy phù thủy, thầy thuốc không có phép nào chữa khỏi. Các quan nghe trẻ con hát có ông Nguyễn Minh Không chữa được bệnh thiên tử bèn sai sứ đi tìm.
Ông ta dùng lấy một cái vạc to đổ 12 cân dầu và bỏ 100 cái đanh vào vạc đun sôi lên rồi lấy cành hoa hòe vẩy dầu ấy lên khắp người vua, vua khỏi bệnh. Sau này vua mất, chùa Thiên Phúc hiện lên khí thiêng lạ thường.
Khi Đạo Hạnh hóa, xác còn ở trong động, trải qua hàng tháng vẫn thơm tho. Khi quân nhà Minh sang ta, đến nơi vẫn thấy mùi hương thơm nức, tìm đến trong khám chân thân một vị đạo nhân, nét mặt tươi như lúc còn sống... Tất cả các tình tiết ấy đều phản ánh một vấn đề là yếu tố mật tông cùng với Đạo giáo hòa quyện, đan xen vào nhau. Tác giả Hà Văn Tấn cho rằng: “Mật tông tiếp cận với Đạo giáo, chú trọng đến các nghi lễ tôn giáo thần bí… Sách Thiền uyển tập anh cho chúng ta biết nhiều về điều này”[9].
Việc phân tích các bản truyền thuyết kể về nhân vật Từ Đạo Hạnh cho thấy rõ đây là một hiện tượng khá phức tạp, tồn tại nhiều lớp văn hóa khác nhau. Chúng ta có thể nhận ra các yếu tố về lịch sử, văn học dân gian, các yếu tố mật tông của Phật giáo hay cả yếu tố của Đạo giáo. Như vậy, truyện kể về Từ Đạo Hạnh là một hiện tượng phức hợp, nó tổng hợp được nhiều yếu tố khác nhau của cuộc sống trong chiều dài lịch sử dân tộc.
Nhìn dưới góc độ văn học dân gian, đây là một truyền thuyết độc đáo, phản ánh nội hàm văn hóa của dân tộc trong những thời kỳ khác nhau, đặc biệt là thời Lý - Trần. Dưới góc nhìn tôn giáo học, truyện kể về Từ Đạo Hạnh thuộc về kiểu truyện các thiền sư với nhiều điều kỳ bí và hấp dẫn.
Tác giả: TS.Nguyễn Huy Bỉnh - Viện Văn học Nguồn link: https://chuaxaloi.vn/thong-tin/truyen-thuyet-thien-su-tu-dao-hanh/2827.html
***[1] Lý Tế Xuyên. Việt điện u linh.(Trịnh Đình Rư dịch, Đinh Gia Khánh bổ sung). Nxb Văn học, H, 1972.
[2] Vũ Quỳnh, Kiều Phú. Lĩnh Nam chích quái. Nxb. Văn học, H, 1999.
[3] Dẫn theo: “Sử Nam chí dị”. Tổng tập văn học dân gian người Việt, tập 4 (truyền thuyết). Nxb. Khoa học xã hội, H, 2004
[4] Phán Kế Bính. Nam Hải dị nhân. Nxb. Trẻ (tái bản), 2001.
[5] Tô Nguyệt Đình. Chuyện cổ tích. Xuất bản tại Sài Gòn năm 1963
[6] Lý Tế Xuyên. Việt điện u linh (Trịnh Đình Rư dịch, Đinh Gia Khánh bổ sung). Nxb.Văn học, H, 1972, tr .13.
[7] Ngô Sĩ Liên. Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb. Khoa học xã hội, H, 1985, tr 116.
[8] Nguyễn Hữu Sơn. Loại hình tác phẩm Thiền uyển tập anh. Nxb Khoa học xã hội, H, 2002, tr 225.
[9] Hà Văn Tấn. “Từ một cột kinh Phật năm 973 vừa phát hiện ở Hoa Lư”. Nghiên cứu Lịch sử, số tháng 7 năm 1965.
Bình luận (0)