Thiền sư Từ Đạo Hạnh (?-1117), một nhân vật xuất chúng thời Lý, tinh thông nhiều lĩnh vực. Hành trạng của Ngài được ghi chép trong minh văn và sử sách, như: Thiên Phúc tự hồng chung minh văn (1109), Việt điện u linh (1329), An Nam chí lược (1333), Thiền uyển tập anh (1337), Đại Việt sử ký toàn thư (1479)... Công hạnh của Ngài luôn hiển hiện trong tâm thức dân tộc Việt và còn mãi với thời gian.

Ngài đã dùng đạo lực và kiến thức của mình cống hiến cho đời qua một số lĩnh vực, như: chữa bệnh cho dân, dạy dân cách phòng chống lụt, quai đê lấn bãi, dạy dân vui chơi, sáng tác thơ (kệ)… Đáng kể nhất về những ảnh hưởng của Ngài trên một số lĩnh vực sau:

Về y thuật

Trong thời gian hành đạo tại chùa Thầy (Thiên Phúc tự), thiền sư Từ Đạo Hạnh đã dạy cho dân trong vùng rất nhiều nghề và sử dụng các cây thuốc Nam để chữa bệnh cho mọi người. Bởi vậy, sau này để tri ân và tán thán công đức của Ngài, người dân trong vùng gọi chùa Ngài tu là “chùa Thầy”, làng Ngài ở là “làng Thầy”. Thậm chí cả tổng nơi Ngài tu cũng gọi là “Tổng Thầy”. Và chắc hẳn Quốc sư Minh Không trong thời gian làm thị giả ngài Từ Đạo Hạnh đã được truyền dạy nhiều bài thuốc và những kinh nghiệm quý báu về y thuật nên sau khi ngài Từ Đạo Hạnh thác sinh, Quốc sư đã trở về vùng Gia Sinh - Gia Viễn - Ninh Bình ẩn tu và trồng rất nhiều loại cây thuốc để chữa bệnh cho dân. Đồng thời, có thể ngài Minh Không đã sử dụng những cây thuốc được trồng ở đây để chữa bệnh cho vua Lý Thần Tông. Hiện ở khu vực trước cửa chùa Bái Đính cổ còn di tích thung Sinh Dược, tương truyền là nơi ngài Minh Không trồng các cây thuốc.

Theo nhân dân thôn Bình Lương, xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên thì trong thời gian tu hành tại chùa Ông (Bản Tịch tự), Thiền sư Từ Đạo Hạnh đã có công đem “một số cây thuốc dược liệu và cây Mã Đề về phổ biến cho nhân dân trồng, từ đó nên xã Tân Quang có nghề truyền thống làm cây dược liệu”. (Trích theo đơn đề nghị của nhân dân; đại diện Chính quyền, Mặt trận, Ban bảo vệ Di tích thôn Bình Lương ngày 10-4-1995) [7, tr. 580]. Hiện nay, thôn Nghĩa Trai, xã Tân Quang vẫn duy trì nghề trồng thuốc Nam.

Vùng đất Thư Trì xưa, nay thuộc huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, là vùng đất trũng, xa trung tâm, dân trí thấp nên người dân thường hay mắc bệnh. Vì vậy, trong thời gian tu hành ở chùa Phượng Vũ (thuộc đất Thư Trì) ngài Từ Đạo Hạnh đã dùng cây thuốc Nam và sự gia trì của thần chú, tạo ra những thang thuốc chữa bệnh cho dân rất hiệu nghiệm. Hiện nay ở chùa Phượng Vũ và nhiều nơi khác còn lưu truyền những giai thoại về y đức của Ngài.

Về nông nghiệp

Theo lịch sử chùa Múa (Phượng Vũ tự) thì đê sông Hồng đoạn chảy qua vùng Thư Trì về mùa mưa thường hay bị tràn, gây ngập úng, khiến cho việc cày cấy gặp rất nhiều khó khăn, mất mùa liên tục. Thấy vậy, trong thời gian ở đó tu hành, ngài Từ Đạo Hạnh đã vận động và hướng dẫn nhân dân cơi đê chống lụt, nhờ vậy mà việc cấy cày không bị ngập úng, mất mùa. Không những vậy, Ngài còn dạy dân chúng cách dùng vôi bột và bồ hóng bếp để chữa bệnh đạo ôn và sâu đục thân cho lúa. Đồng thời, quai đê lấn bãi để tận dụng những bãi bồi màu mỡ ven sông trồng dâu nuôi tằm, nhờ đó mà đời sống nhân dân ngày một ấm no, hạnh phúc. Nhiều nơi có sông Hồng chảy qua, hay bị ngập úng đã học tập kinh nghiệm cơi đê, lấn bãi của Ngài.

Việc làm trên của thiền sư Từ Đạo Hạnh đã giúp cho đời sống nhân dân vùng Thư Trì bớt khó khăn và góp phần tích cực vào sự phát triển nông nghiệp ở thời Lý.

Về văn hóa nghệ thuật

Các tài liệu cho biết ngay từ nhỏ, thiền sư Từ Đạo Hạnh đã bộc lộ tố chất yêu thích văn hóa nghệ thuật. Thiền Uyển Tập Anh viết: “Sư thường kết bạn với nhà Nho Phí Sinh, đạo sĩ Lê Toàn Nghĩa và nghệ sĩ phường chèo Vi Ất. Đêm, sư khổ công đọc sách, ngày thì thổi sáo, đánh cầu, đánh bạc làm vui” [15, tr.275]. Vì vậy, sau này khi thâm nhập vào dân gian hành đạo, Ngài đã sáng tác, dạy bảo dân nhiều trò chơi bổ ích, tiêu biểu là trò múa rối nước, (múa rối cạn?).

Thật vậy, múa rối nước Việt Nam, thủy Tổ của môn nghệ thuật là thiền sư Từ Đạo Hạnh? Ngài không chỉ hướng dẫn mọi người tu học theo lời Phật dạy, chữa bệnh cho dân, dạy dân cách phát triển nông nghiệp mà Ngài còn dạy họ nghệ thuật múa rối nước để biểu diễn, vui chơi trong dịp nông nhàn, nhằm xua đi những nỗi mệt nhọc của thân tâm sau những tháng ngày vất vả. Nội dung của các màn múa rối nước phản ánh những đề tài cơ bản trong đời sống xã hội, như: múa rồng, rước kiệu, đấu vật, chọi trâu, đi cày... Hay trích đoạn truyện cổ tích cổ; Thạch Sanh, Tấm Cám ...

Các phường rối nước đều tôn thiền sư Từ Đạo Hạnh là Thủy tổ của môn nghệ thuật này. Đồng thời, cho rằng bài Giáo trò và nhân vật chú Tễu là do chính Tổ sư Từ Đạo Hạnh tạo ra. Điều này được chứng minh thông qua những cứ liệu sau:

Một, vua Lý Thái Tông đã cho tuyển chọn hơn một trăm ca nữ, nhạc kỹ để lập thành Ban nhạc chuyên phục vụ những dịp khánh tiết của triều đình. Các vua tiếp theo của nhà Lý vẫn duy trì Ban nhạc này và tạo điều kiện để nó ngày càng phát triển. Cha ngài Từ Đạo Hạnh khi đó là một vị quan trong triều nên thông qua cha, ít nhiều Ngài cũng biết về việc này.

Hai là, trong phần hành trạng của thiền sư có nói ngay từ nhỏ Ngài đã kết thân với kép hát Vi Ất, một nghệ nhân hát múa nổi tiếng thời đó. Điều này, chứng tỏ Ngài là một người rất yêu thích văn hóa nghệ thuật.

Ba là, tượng thiền sư thờ trong khám được làm giống như người thật, từ làn da cho đến mạch máu, nếp nhăn. Đặc biệt, hơn cả là tượng của Ngài được thiết kế giống như những tượng dùng để múa rối nước, chân tay có thể co duỗi, người có thể đứng lên ngồi xuống được [11, tr. 7]. Phải chăng đây là cách hàng hậu thế tưởng nhớ đến bậc thủy Tổ của nghệ thuật này?

Theo sự nhận định của các nhà nghiên cứu, nghệ thuật rối nước cổ truyền của dân tộc Việt xuất hiện rất sớm, là một thành công độc đáo của văn hóa dân gian, chứng tích còn để lại là ngôi Thủy đình (Buồng trò) giữa hồ Long Trì. Trong văn bia niên đại Đại Chính năm thứ bảy (1536) đời Mạc Đăng Doanh, của chùa Cao (Đính Sơn tự) thuộc khu thánh tích chùa Thầy, có ghi việc tu sửa ngôi Thủy đình này.

Theo đà phát triển của xã hội, nhiều nơi ở nước ta có đoàn múa rối nước. Điển hình là tại Thủ đô Hà Nội có 3 trung tâm biểu diễn múa rối lớn, đó là: Nhà hát múa rối Thăng Long, Nhà hát múa rối Việt Nam, Không gian văn hóa Việt - Múa rối nước Bông Sen. Đặc biệt, múa rối cạn thì nhiều nước trên thế giới có nhưng múa rối nước chỉ riêng Việt Nam có. Vì vậy, múa rối nước Việt Nam đã đi biểu diễn ở nhiều quốc gia trên thế giới và được đánh giá cao, khiến cho nền văn hóa dân gian của dân tộc ngày càng được tôn trọng giữa thế giới hiện đại. Điều đó càng nói lên công lao to lớn của ngài Từ Đạo Hạnh đối với bộ môn nghệ thuật này.

Tinh thông tam giáo

Căn cứ vào các tài liệu liên quan chúng ta biết thiền sư Từ Đạo Hạnh là một người hiếu học, chăm chỉ tu luyện. Từ việc hiếu học, khổ tu đã khiến Ngài trở thành một bậc tinh thông Tam giáo:

Tinh thông Nho học: khiến Ngài làm tròn đạo hiếu, có kiến thức về nhiều lĩnh vực, am hiểu phong tục tập quán của nhiều vùng miền.

Tinh thông về Phật học: khiến Ngài nắm được yếu chỉ của giáo lý đạo Phật, căn cốt của sự tu hành.

Tinh thông Đạo giáo: khiến Ngài trở thành vị Thánh của dân tộc Việt.

Trong quá trình hành đạo thiền sư đã sáng tác bốn bài thơ/ kệ, hiện còn chép đầy đủ trong Thiền Uyển Tập Anh, gồm: 1. Kệ trình chân tâm/ 2. Kệ Hữu - Vô/ 3. Kệ Thất châu/ 4. Kệ Tiễn biệt. Điều này đã góp phần khiến cho nền văn học viết thời Lý - Trần thêm phong phú, độc đáo.

Sự tái sinh thành vua Lý Thần Tông của thiền sư Từ Đạo Hạnh đã trở thành một truyền thuyết lưu truyền rộng rãi trong xã hội từ xưa đến nay. Với dân tộc Việt truyền thuyết có một tác dụng nhất định đối với vận mệnh quốc gia và đời sống xã hội. Vì vậy, truyền thuyết thác sinh của ngài Từ Đạo Hạnh cùng với các truyền thuyết khác như: truyền thuyết về vua Hùng, về Sơn Tinh - Thủy Tinh, về cây gạo ở chùa Minh Châu của thiền sư Vạn Hạnh... đã góp phần tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc Việt, đủ sức chống lại sự tàn phá của thiên nhiên, sự đồng hóa của các thế lực xâm lược, ổn định đời sống chính trị - xã hội.

Với những phẩm chất trên, chúng ta thấy thiền sư Từ Đạo Hạnh là một con người có tâm hiếu đễ, có ý chí, có tình thương yêu đồng loại, có trách nhiệm với quốc gia xã tắc. Vì vậy, ngay từ khi còn tại thế Ngài đã nhận được sự yêu mến, kính trọng của mọi người từ vua quan cho đến thứ dân, tiêu biểu như trong Thiên Phúc tự hồng chung minh văn đã nhận định: “Thầy ở đủ sáu năm, ân huệ ban rộng khắp. Các hoàng tử ngựa xe ồn ào, người khắp nước hương hoa kính lễ. Ngự thư ban chiếu, vua dự tiệc chay. Ban áo báu xếp ngang bực thầy, lên xe Phật sánh cùng Tứ quả” [8, tr. 23]. Sau khi Ngài nhập diệt thì sự yêu mến, kính trọng đó đã được chuyển thành niềm tin kính tâm linh sâu sắc, kết hợp với các yếu tố văn hóa dân gian đã khiến Ngài nghiễm nhiên trở thành bậc Thánh của dân tộc, được từ trong đến ngoài triều ngưỡng vọng, tiêu biểu như: vua Lý Anh Tông đã tôn phong Ngài là “Thượng đẳng tối linh thần”. Vua Trần Anh Tông, năm 1314 đã ra Thánh chỉ ban cấp thêm ruộng đất cho chùa Thiên Phúc (chùa Thầy). Đến thời Lê thì hành trạng của Ngài được biên chép vào chính sử với tư cách là một bậc cao tăng có nhiều đóng góp đối với lịch sử dân tộc.

Theo Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, qua việc khảo sát 25 chùa ở vùng châu thổ Sông Hồng, gồm các tỉnh - thành: Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên cho thấy trong 25 ngôi chùa thờ Thánh (Từ Đạo Hạnh, Dương Không Lộ, Nguyễn Giác Hải, Nguyễn Minh Không) thì có 14/25 ngôi thờ ngài Từ Đạo Hạnh và khi phối thờ với thiền sư Dương Không Lộ, Nguyễn Giác Hải, bao giờ tượng của Ngài cũng ngồi giữa [4, tr. 521].

Kết luận

Xuất phát từ một con người hiếu học, nỗ lực rèn luyện, tu hành Thiền sư Từ Đạo Hạnh đã trở thành một vị thiền sư tinh thông Tam giáo, có sự thực chứng tâm linh tôn giáo sâu sắc và có kiến thức uyên thâm về nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, như: kiến trúc, y thuật, nông nghiệp, văn học, văn hóa nghệ thuật, tinh thần hòa hợp dân tộc nên được triều đình và xã hội ngưỡng vọng.

Thật vậy, Ngài đã để lại di sản Thiên Phúc tự (chùa Thầy), ngày nay đã trở thành một bảo tàng thời trung đại thu nhỏ, nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau. Với sự dung thông Tam giáo, Ngài đã để lại một bài học lớn về tinh thần hòa hợp tôn giáo, đoàn kết dân tộc. Với việc để lại bốn bài thơ (kệ), Ngài đã góp phần khẳng định vị thế, vai trò của nền văn học viết thời Lý - Trần. Với việc dạy dân cách phòng chống lũ lụt, chữa bệnh cho lúa, Ngài đã để lại những bài học quý về việc phòng chống thiên tai, phát triển nông nghiệp. Với việc dạy dân cách sử dụng cây thuốc Nam để chữa bệnh, Ngài đã để lại những kinh nghiệm quý đối với phương châm “Nam dược trị Nam nhân”. Với việc để lại cho hậu thế nghệ thuật múa rối nước, (múa rối cạn ?) Ngài đã góp phần tích cực vào việc khẳng định sự phong phú và độc đáo của nền văn hóa dân gian Việt Nam.

Căn cứ vào các dẫn chứng trên, chúng ta thấy ảnh hưởng của Thiền sư Từ Đạo Hạnh đối với đời sống xã hội nước ta là rất rõ và rất lớn.

Tác giả: Thích Minh Thuận, Chùa Bảo Ngạn, xã Sông Lô, Tp.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 1/2020

----------------------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. Thích Đồng Bổn (2011), “Đóng góp thêm các bản dịch mới về bài kệ của Thiền sư Từ Đạo Hạnh”, Văn học, Phật giáo với 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, Nxb. Văn hóa - Thông tin. 2. Minh Chuyên (2015), Thiền sư Từ Đạo Hạnh - Vua Lý Thần Tông – chùa Phượng Vũ, Nxb. Tôn giáo. 3. Thích Viên Đức dịch (1996), Bộ Mật Tông, Nxb. TP. Hồ Chí Minh. 4. Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (2013), “Thiền sư Từ Đạo Hạnh trong tâm thức và trong ứng xử của người Việt”, Kỷ yếu Hội thảo: Chùa Thầy và Chư Thánh Tổ sư, Nxb. Văn hóa - Thông tin. 5. Ngô Sĩ Liên, Ngô Đức Thọ - Hoàng Văn Lâu (dịch) (2017), ĐVSKTT, Nxb. Văn học. 6. Nguyễn Minh Ngọc (2013), “Thiền sư Từ Đạo Hạnh và thần chú Đại bi”, Kỷ yếu Hội thảo: Chùa Thầy và Chư Thánh Tổ sư, Nxb. Văn hóa - Thông tin. 7. Nguyễn Ngọc Nhuận (2013), “Thiền sư Từ Đạo Hạnh và ngôi chùa Ông tại thôn Bình Lương, Tân Quang, Hưng Yên”, Kỷ yếu Hội thảo Chùa Thầy Và Chư Thánh Tổ Sư, Nxb. Văn hóa - Thông tin. 8. Nguyễn Thị Dung - Trường Phong (2013), “Chùa Thầy và thiền sư Từ Đạo Hạnh qua di văn Hán Nôm thời Lý - Trần”, Kỷ yếu Hội thảo Chùa Thầy Và Chư Thánh Tổ Sư, Nxb. Văn hóa - Thông tin. 9. Lê Đình Phụng (2013), “Đại thánh Từ Đạo Hạnh - Một hiện tượng văn hóa Việt Nam”, Kỷ yếu Hội thảo Chùa Thầy và Chư Thánh Tổ sư, Nxb. Văn hóa - Thông tin, Hà Nội. 10. Thích Trí Quảng (2008), Phật giáo nhập thế và phát triển, Nxb. Tôn giáo. 11. Thích Viên Thành (1998), Danh thắng chùa Thầy, Sở Văn hóa - Thông tin Hà Tây. 12. Lê Mạnh Thát (1999), Nghiên cứu về TUTA, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh.