Là một trong chín thành viên sáng lập nên Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay, tông Thiên Thai giáo quán dù bắt nguồn từ vị sơ tổ sáng lập tông này tại Long An, Việt Nam nhưng hiện đang phát triển rộng khắp với khoảng 200 ngôi tự viện, tập trung nhiều trên các vùng miền của Việt Nam

SC.ThS. Lạc Diệu Nga Tịnh Viện Bát Nhã, xã Tân Hòa, thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu; Tốt nghiệp thủ khoa Thạc Sĩ Phật học tại Đại Học Nalanda, Rajgir, Ấn Độ tháng 05/2020. Tham luận tại hội thảo về chủ đề: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 40 năm hội nhập và phát triển cùng đất nước” vào ngày 04-11-2021 tại Tp.HCM

Tóm tắt: Tông Thiên Thai giáo quán (C. tiāntāi-zong; J.tendai-shū) là một tông phái của đạo Phật có nguồn gốc từ tông Thiên Thai, còn gọi là tông Pháp Hoa, vốn được đặt tên theo ngọn núi nơi thường trú của vị tổ khai sáng tông Thiên Thai giáo quán là Đại sư Trí Khải (538-597), một nhà tư tưởng và triết học lớn. Tại Việt Nam, vị tổ thứ 20 được coi là khai sáng tông này là Thiền sư Hiển Kỳ, pháp danh là Nhiên Công, thế danh là Trần Quốc Lượng, quê ở Long An. Ngài Thích Liễu Thiền (1885-1956) được cho là vị sơ tổ thứ 21 truyền thừa tông Thiên Thai giáo quán ở Việt Nam vào đầu thế kỷ XX. Tông Thiên Thai giáo quán khác với tông Thiên Thai thiền giáo mà vị sơ tổ tại Việt Nam là Cố Hòa thượng Thích Huệ Đăng. Bài viết này chỉ giới thiệu về tông Thiên Thai giáo quán.

***

I. GIỚI THIỆU VỀ TÔNG THIÊN THAI (C.T’IENTAI, J.TENDAI-SHŪ, K.CH’ONT’AE CHONG)1

Là một trong những tông phái chính của Phật giáo Đông Á; đôi khi còn gọi là tông “Pháp Hoa” do điểm nhấn của tông này là Kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Thiên Thai là chỉ trụ sở chính của tông này trên núi Thiên Thai, ngày nay là tỉnh Triết Giang nằm ở vùng biển phía đông Trung Hoa. Mặc dù khi truy lại nguồn gốc của tông này xuất phát từ ngài Huệ Văn (Huiwen, nổi tiếng từ năm 550-577) và ngài Nam Nhạc Huệ Tư (515-577), là những vị mà tông này coi như là vị tổ đầu tiên và tổ thứ hai, nhưng người thật sự sáng lập tông này lại là Ngài Đại sư Trí Khải (Zhiyi/Chih-I), còn được biết là Thiên Thai Trí Giả (528-597). Vị này đã sáng tạo ra một hệ thống toàn diện về các giáo lý và thực hành của đạo Phật mà ngày nay chúng ta gọi là tông Thiên Thai. Ngài Trí Khải ủng hộ thuyết ba sự thật hay ba sự đánh giá:

i. Sự thật về tánh không (quán không), nghĩa là, tất cả mọi thứ đều không có sự tồn tại bản chất và tánh không trong bản chất của chúng.

ii. Sự thật về tạm thời là thật có, nghĩa là, tất cả mọi thứ là sản phẩm của một tiến trình nhân quả tạo cho chúng một thực tế có nguồn gốc từ nhân quả.

iii. Sự thật về phương tiện, nghĩa là, mọi thứ, trong thật tế tuyệt đối của chúng, không phải thật có cũng không phải không thật có, mà chỉ đơn giản là như thế.

Ngài Trí Khải mô tả thật tế theo quan niệm Chỉ Quán (Yian Sanquian): một niệm duy nhất gồm ba ngàn thế giới mà thể hiện rằng vào bất kỳ niệm-khoảnh khắc nào bao gồm hoàn hảo toàn bộ thật tế; đồng thời, một hiện tượng bao gồm tất cả các hiện tượng khác, nghĩa là, cả những khía cạnh tốt và xấu của mười thành phần (dhātu) hay là năm giác quan và những đối tượng của chúng và ba cõi hiện hữu đều được bao hàm trong bản chất gốc của tất cả hữu tình. Căn cứ trên quan điểm này về thật tế, ngài Trí Khải tuyên bố độc đáo về tánh Phật và thiền quán: ngài lập luận rằng không chỉ các đức Phật mà ngay cả những chúng sanh trong những hiện hữu tổn thương như súc vật, ngạ quỷ và cư dân địa ngục cũng có khả năng đạt đến quả vị Phật; cũng thế, các đức Phật cũng có đặc điểm của tất cả các khía cạnh của ba cõi hiện hữu chưa giác ngộ. Do vậy, những đối tượng của quán chiếu, nên là vô số hiện tượng mà là nguồn gốc của hữu lậu, không phải là tâm thanh tịnh tiềm ẩn. Sự tổng hợp vĩ đại của ngài Trí Khải về tư tưởng và thực hành đạo Phật được xây dựng quanh một hệ thống thứ lớp về an tịnh/chỉ và tuệ giác/quán mà tổ chức rất nhiều các kỹ thuật thiền định thành một hệ thống giải thoát toàn diện. Ngoài ra Ngài Trí Khải còn đóng góp hệ thống phân loại giáo lý theo Thiên Thai được gọi là Năm thời kỳ và Tám giáo lý mà sau này vị tăng người Triều Tiên thời Cao Ly (Koryo) tên là Đế quán (Ch’egwan) đã chi tiết theo hình thức định nghĩa trong tác phẩm Bốn học thuyết của tông Thiên Thai (K. Ch’ont’ae Sagyo ui, C. Tiantai sijiao yi). Hệ thống này phân loại tất cả giáo lý đạo Phật theo năm thời kỳ theo niên đại, bốn nội dung và bốn hình thức chuyển đổi. Kế thừa Ngài Trí Khải là ngài Quán Đỉnh (Guanding) (561-632), là vị đã biên soạn các tác phẩm của thầy mình, đặc biệt là ba tuyệt tác: Pháp Hoa Huyền Nghĩa (Fahua Xuanyi), Chú giải Kinh Pháp hoa (Fahua Wenju) và Ma Ha Chỉ Quán (Mohe Zhiguan). Trong suốt triều đại nhà Tăng thì tông này bị suy thoái, bị che mờ bởi các tông mới hơn là tông Hoa Nghiêm (Huayan) và Thiền (Chan). Vị tổ thứ chín của tông Thiên Thai là ngài Kinh Khê Trạm Nhiên (Jingxi Zhanran) (711-782) đã tái sinh lại tông này, vị này khẳng định tính cao quý của tông phái này so với tông Hoa Nghiêm bằng cách điều chỉnh các khái niệm và thuật ngữ của tông Hoa Nghiêm với tông Thiên Thai. Các vị tăng sĩ Triều Tiên triều đại Cao Ly chẳng hạn như ngài Đế Quán và Nghĩa Thông (Uit’ong) (972-988) đã đóng vai trò chủ đạo trong việc hồi phục tông Thiên Thai bằng cách giúp chuyển các bản kinh Thiên Thai đã thất lạc về Trung Hoa. Trong triều đại nhà Tống, các vị Ngộ Ân (Wu’en) (912-988), Yuanqing, Zhiyuan (976-1022) và các đệ tử của các vị này mà sau này bị phái đối thủ của họ miệt thị gọi là phái Xuống núi/Sơn ngoại (Shanwai), đã dẫn đầu cuộc hồi sinh truyền thống Thiên Thai bằng cách đưa những khái niệm của tông Hoa Nghiêm vào tư tưởng và thực hành của tông Thiên Thai: họ lập luận rằng bởi vì tâm thật sự vốn thanh tịnh về bản chất, sản sinh ra tất cả hiện tượng theo các nhân duyên, những hành giả nên quán chiếu tâm thật sự, hơn là tất cả các hiện tượng. Tin rằng ý tưởng này là một mối đe đọa cho tông Thiên Thai, ngài Pháp Trí Tri Lễ (Siming Zhili) (960-1028) và các đệ tử của mình, mà tự xưng họ là phái Lên núi/Sơn gia (Shanjia), đã chỉ trích một quan niệm về tâm thanh tịnh như thế khi liên quan đến nguyên tắc riêng rẽ/tách rời, bởi vì nó bao gồm chỉ có sự thanh tịnh mà loại trừ sự nhiễm ô, nên đã dẫn đầu chiến dịch loại bỏ các yếu tố của Hoa Nghiêm mà họ cảm thấy là thay thế giáo lý Thiên Thai chân thật. Mặc dù các ngài Renyue (992-1064) và Congyi (1042-1091), mà sau này người ta gọi là phái “Hậu xuống núi” đã chỉ trích ngài Tri Lễ và đã chấp nhận một số quan điểm của phái Xuống núi, phái Lên núi cuối cùng đã chiếm ưu thế và hợp pháp hóa các quan điểm của ngài Tri Lễ. Tính chính thống của quan điểm của ngài Tri Lễ được thể hiện trong tác phẩm Fozu Tongji (Lịch Sử Toàn Diện về Các Đức Phật và Các Vị Tổ), trong đó soạn giả Zhipan (1220-1275) chính là một vị tăng tông Thiên Thai, đã liệt kê ngài Tri Lễ là vị tổ cuối cùng trong sự truyền pháp kể từ thời đức Phật (Thích Ca). Các học thuyết và thực hành của tông Thiên Thai cực kỳ ảnh hưởng trong sự phát triển tư tưởng và thực hành của tông Thiền (Chan) và tông Tịnh độ (Pure Land).

Sự ảnh hưởng này đặc biệt đáng lưu tâm trong các tổ chức an cư/ tu tập hoa sen trắng đã được các vị tăng sĩ Thiên Thai như là ngài Tri Lễ và ngài Zunshi (964-1032) tổ chức trong triều đại nhà Tống và bởi các vị tăng Triều Tiên triều đại Cao Ly. Sau triều đại nhà Tống, tông Thiên Thai lại suy thoái và không bao giờ phục hồi lại được sự phổ biến như trước kia nữa. Các giáo lý và thực hành của tông Thiên Thai đã được các vị tăng Triều Tiên như là ngài Hyon’gwang và ngài Yon’gwang (thịnh hành thế kỷ VI), cả hai vị đều đi đến Trung Hoa và nghiên cứu dưới sự giảng dạy của các giảng sư tông Thiên Thai, truyền sang Hàn Quốc trong thời kỳ Ba Vương Quốc/Tam Quốc. Tuy nhiên, mãi đến nhiều thế kỷ sau, một tông phái tương tự như tông Thiên Thai Trung Hoa của Triều Tiên đã được thành lập như một tông Phật giáo độc lập. Sự sáng lập tông Thiên Thai (Ch’ont’ae) của Triều Tiên theo truyền thống được cho là xảy ra năm 1907 nhờ những nỗ lực của vị tăng Triều Tiên tên là Nghĩa Thông/Nghĩa Thiên/Nghĩa Định (Uich’on) (1055-1101). Ngài Nghĩa Thông ban đầu là một vị tăng theo Hwaom nhưng vị này tìm cách sử dụng truyền thống Thiên Thai nhằm hòa giải sự căng thẳng lâu đời trong Phật giáo Triều Tiên giữa Giáo lý (Kyo) và Thiền định (Sŏn). Trong đầu thế kỷ XIII, vị tăng tông Thiên Thai Triều Tiên/quốc sư tên là Wonmyo Yose (1163-1245) đã tổ chức Hiệp hội Hoa Sen Trắng (paenghyon Kyolsa) mà đạt được sự phổ biến rất lớn đặc biệt giữa những người dân thường. Sau ngài Yose thì Ngài Ch’on’in (1205- 1248) và ngài Ch’onch’aek (1206) đã lãnh đạo tông này. Mặc dù vị tăng tông Thiên Thai tên là Chogu (1395) đã được chỉ định là quốc sư (Guoshi) trong triều đại Triều Tiên (Chosun) ban đầu, hệ phái Thiên Thai đã suy thoái và cuối cùng sau này biến mất trong triều đại này. Tông Thiên Thai hiện nay là tăng đoàn Triều Tiên hiện đại đã được thành lập năm 1966, không có quan hệ trực tiếp gì với tông Thiên Thai đã do ngài Nghĩa Thông sáng lập.

Hòa Thượng Thích Huệ Đăng (1873-1953)

Tại Nhật Bản, ngài Saicho (Tối Trừng/Truyền Giáo) (767-822) được cho là sáng lập nên tông Thiên Thai Nhật Bản (Tendai-shū) mà pha trộn giữa các yếu tố Thiên Thai và Mật tông. Sau Ngài Saicho, các vị tăng Thiên Thai Nhật Bản như là Thiền sư Viên Nhân (Ennin) (793-864), Thiền sư Viên Trân (Enchin) (814-891) và Thiền sư An Nhiên (Annen) đã hệ thống hóa các giáo lý Thiên Thai Nhật Bản và đã phát triển những hình thức độc đáo của tông này mà người ta thường gọi là Taimitsu (Những Lời Dạy Bí Truyền của tông Thiên Thai Nhật Bản). Kể từ đầu thế kỷ IX, khi triều đình ban cho tông Thiên Thai Nhật Bản sự công nhận chính thức là một tông độc lập, thì tông Thiên Thai Nhật Bản đã trở thành một trong những tông chính của Phật giáo tại Nhật Bản và đã được hưởng sự bảo hộ của hoàng gia và quý tộc trong nhiều thế kỷ. Trụ sở chính của tông Thiên Thai Nhật Bản tại núi Tỷ Duệ (Hieizan) đã trở thành một trung tâm Phật học quan trọng của Nhật Bản: những nhà sáng lập của cái được gọi là các tông Phật giáo mới của thời đại Kiếm Thương (Kamakura), như là ngài Pháp Nhiên (Honen) (1133-1212), ngài Thân Loan (Shinran) (1173-1263), ngài Nhật Liên (Nichiren) (1222-1282) và Thiền sư Đạo Nguyên (Dogen Kigen) (1200-1253), tất cả đều học hỏi ban đầu tại núi Tỷ Duệ như là các vị tăng phái Thiên Thai Nhật Bản. Mặc dù tông Thiên Thai Nhật Bản đã không còn phổ biến và mất sự bảo trợ bởi sự tồn tại của các tông Thiền (Zenshū), Tịnh độ và tông Nhật Liên, hiện nay nó vẫn còn tồn tại như là một lực lượng tích cực trên bình diện toàn cảnh Phật giáo Nhật Bản.

II. TRIẾT LÝ CỦA TÔNG THIÊN THAI2

Nguồn gốc của giáo lý tông Thiên Thai bắt nguồn từ thuyết tánh không của ngài Long Thọ. Do vậy, triết lý của tông này căn cứ trên giáo lý căn bản của Đại thừa về tánh không rằng tất cả mọi thứ đều vô thường, không có thực thể. Bởi vì kinh điển chính của tông này là Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, nên tông Thiên Thai đôi khi còn được biết là tông Pháp Hoa.

Ngài Huệ Văn nhấn mạnh tầm quan trọng của thiền định miên mật để đạt Giác ngộ. Người ta cho rằng có lần ngài Huệ Văn giác ngộ sự thật “khi ngài khám phá một vần kệ của Trung quán trong cả hai tác phẩm của ngài Long Thọ là Luận Trung Quán (Madhyamika Śastra) và chú giải liên quan đến từ “tuệ giác” trong Luận Đại Trí Độ (Mahāprajñāparamitā Śāstra)3. Luận điểm của ngài Huệ Văn là Lý Duyên Khởi (Pratīyasamutpāda) là một đồng nghĩa của tánh không (śūnyatā) và là tên tạm thời cho Trung Đạo.

Luận điểm của ngài Trí Khải là đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã giảng dạy giáo lý của Ngài theo thứ lớp, tùy thuộc vào khả năng tâm thức của những người nghe pháp. Theo tông Thiên Thai, Kinh Pháp hoa bao hàm toàn bộ giáo lý của đức Phật. Do đó, nó được cho là một khung sườn thống nhất để tổng hợp lại tất cả những lời dạy khác nhau của đức Phật được tìm thấy trong các kinh văn Tiểu thừa và Đại thừa. Chính những lời dạy của ngài Trí Khải được coi như kinh điển trong tất cả truyền thống Thiên Thai sau này. Chính tín đồ của tông Thiên Thai xem ba tuyệt tác của ngài Trí Khải (Pháp Hoa Huyền Nghĩa, Chú Giải kinh Pháp Hoa và Ma Ha Chỉ Quán) là những chân lý có thẩm quyền.

Cốt lõi của triết lý Thiên Thai Nhật Bản là thúc đẩy mọi người đạt đến Giác ngộ bằng cách thực hiện ba điều giới là:

i. Không làm các việc ác.

ii. Hãy làm các việc lành.

iii. Hãy tử tế với tất cả các vua.

Theo Thiên Thai Nhật Bản, giáo lý của đức Phật được phân loại thành năm thời kỳ và tám học thuyết. Thời kỳ thứ nhất là thời kỳ của Hoa Nghiêm (Kegon). Giáo lý mà đức Phật thuyết trong thời kỳ này được giới hạn trong những gì mà Ngài đã nhận thức trong thời gian giác ngộ của Ngài, thế nhưng các đệ tử của ngài không thể hiểu nổi giáo lý này. Thời kỳ thứ hai là lúc đức Phật giảng thuyết tại Vườn Nai. Tại đây Ngài giảng thuyết Kinh A-hàm để phù hợp với người dân có trình độ tâm thức thấp. Thời kỳ phát triển là thời kỳ thứ ba khi đức Phật thuyết Kinh Phương đẳng để chuyển những người theo Tiểu thừa sang Đại thừa. Thời kỳ thứ tư là thời kỳ của trí tuệ (Bát-nhã) hay thời kỳ khám phá và hợp nhất các giáo pháp. Đức Phật đã thuyết Kinh Đại Bát-nhã để giải thích thuyết Tánh không mà giải thích rằng mọi thức rốt sau đều là tánh không. Thời kỳ thứ năm là thời kỳ của Kinh Pháp hoa và Kinh Niết-bàn. Thời kỳ này đại diện cho sự khám phá và thống nhất nhiều giáo lý khác nhau do đức Phật tuyên thuyết. Trong số này, Kinh Pháp hoa được chọn là giáo lý rốt ráo và cao thượng trong số tất cả các lời giảng dạy của đức Phật, trong khi đó Kinh Niết-bàn được tán thán là điển hình hoàn hảo của điều mà đức Phật đã giảng thuyết.

Việc phân chia thành năm thời kỳ thể hiện rằng lời dạy của đức Phật được sắp xếp ở đây theo thứ tự thời gian4. Nhưng đức Phật trong khi thuyết giảng sẽ sử dụng năm thời kỳ này ngay tức thì khi cần thiết. Do đó, nhằm để biết được bản chất của lời dạy của đức Phật, chúng ta phải sắp xếp chúng đúng đắn. Sự phân chia thành tám học thuyết nhằm để đáp ứng mục đích này.

Trong số tám học thuyết, bốn học thuyết đầu tiên liên quan đến phương pháp giảng dạy của đức Phật:

i. Học thuyết Đốn Ngộ bao gồm điều mà đức Phật đã hiểu mà không sử dụng bất kỳ phương tiện nào trong thời gian giác ngộ của ngài; đây là thời kỳ của Hoa Nghiêm.

ii. Học thuyết Thứ Lớp quan trọng là học thuyết trong đó đức Phật dẫn dắt người ta từng bước đến tư tưởng sâu sắc hơn; sử dụng tất cả các phương pháp; đây là thời kỳ ở Vườn Nai, của sự phát triển và trí tuệ.

iii. Học thuyết Bí Ẩn. Thực tế nó là một học thuyết không xác định (tùy duyên) và bí ẩn. Nhờ thần thông của đức Phật, mỗi người nghe pháp nghĩ rằng chính đức Phật đang thuyết giảng chỉ cho chính mình. Do đó, tất cả đều nghe riêng biệt và khác nhau. Sự không xác định như thế tồn tại từ thời kỳ Hoa Nghiêm cho đến thời kỳ trí tuệ.

iv. Học thuyết Tùy Duyên/Bất Định mô tả một học thuyết bất định không bí ẩn. Mặc dù tất cả người nghe pháp đều nghe cùng một học thuyết mà đức Phật giảng, họ nghe nó một cách khác nhau và hiểu nó một cách khác nhau tùy thuộc vào bản chất của cá nhân đó.

Bốn học thuyết này nhằm trưởng dưỡng khả năng của người học, do đó, được áp dụng trước khi tuyên thuyết Kinh Pháp hoa. Phương pháp học như thế không có ích trong Kinh Pháp hoa bởi vì sự giảng thuyết của Kinh Pháp hoa không phải đốn ngộ cũng không phải thứ lớp, không phải bí ẩn cũng không phải bất định. Nghĩa là, thời kỳ của Hoa Nghiêm sẽ bao gồm các học thuyết đốn ngộ, bí ẩn và bất định trong khi những thời kỳ của Vườn Nai, phát triển và trí tuệ bao gồm các học thuyết thứ lớp, bí ẩn và bất định.

Bốn học thuyết trên lại được phân loại thành bốn loại theo bản chất của lời dạy:

i. Học thuyết hàm chứa trong Tạng kinh: Nó bao gồm các kinh A-hàm và tất cả học thuyết Tiểu thừa được tìm thấy trong văn học của trường phái Tỳ-ba-sa (Vaibhāsika).

ii. Học thuyết Thông dụng cho mọi người: Một học thuyết phổ biến cho ba thừa khác và là học thuyết cơ bản của Đại thừa. Ở đây, một vị bồ tát ở giai đoạn thấp theo những thực hành giống như người theo ba thừa trong khi vị Bồ-tát ở giai đoạn cao tiếp tục tiến lên tìm kiếm hai bước sau.

iii. Học Thuyết Khác Biệt: Một học thuyết thuần Đại thừa được các bồ tát thực hành nghiêm ngặt. Nó khác biệt bởi vì nó vượt ngoài hai học thuyết đầu tiên (chỉ dạy Tánh không một bề) và dạy con đường trung đạo.

iv. Học thuyết Hoàn Thiện hay Tròn Trịa/Viên Mãn: Nó nâng cấp Con Đường Trung Đạo từ Con Đường Trung Đạo (độc lập và riêng biệt, là một phương tiện riêng biệt đơn giản), lên Con Đường Trung Đạo của sự thẩm thấu hoàn thiện và nhận dạng hỗ tương. Do đó, nó không còn là Con Đường Trung Đạo riêng lẻ, một bề. Nó công nhận Con Đường Trung Đạo, như là lý tánh và hài hòa hoàn hảo cả về lý thuyết lẫn thực tế. Thế nên, “tròn trịa” nghĩa là một yếu tố bao hàm tất cả các yếu tố, nghĩa là nó minh họa nguyên tắc rằng “một là tất cả và tất cả là một”.

Do vậy, rõ ràng là giáo lý Thiên Thai như đã phát triển ở Nhật Bản đã hấp thu nhiều yếu tố bản xứ đa dạng, đã xa rời những nguyên lý cơ bản của tông Thiên Thai theo nhiều phương diện. Theo thời gian, nó lại phân chia hơn nữa và phân chia nhánh nhỏ thành nhiều phái mà đôi khi dựa trên những diễn giải giáo lý nhỏ nhặt.

Bây giờ nếu chúng ta xem xét năm thời kỳ thuyết giảng này trong tương quan với bốn học thuyết theo bản chất của lời dạy, chúng ta có kết quả sau đây:

i. Thời kỳ của Hoa Nghiêm thì không thuần là “tròn trịa” bởi vì nó bao gồm cả Học thuyết khác biệt.

ii. Thời kỳ Vườn Nai (A-hàm) chỉ một bề vì nó chỉ dạy những quan điểm Tiểu thừa.

iii. Thời kỳ Phát Triển (Phương đẳng) giảng dạy tất cả bốn Học Thuyết cùng nhau và do đó nó vẫn tương đối.

iv. Thời kỳ Trí Tuệ/Bát-Nhã chủ yếu dạy học thuyết hoàn thiện và chưa được nối kết với những học thuyết phổ biến và khác biệt. Do vậy, nó không hoàn toàn hoàn thiện hay đầy đủ.

v. Chỉ thời kỳ của Pháp hoa là thuần “tròn trịa” và tuyệt vời nhất khi mục đích của sự Đản sinh của đức Phật trên trái đất này được thể hiện đầy đủ và hoàn hảo.

Tông Thiên Thai thừa nhận sự hiện hữu của duy nhất một Thừa (Ekayāna) để truyền tải tất cả chúng sanh vượt qua biển cả sinh tử, mặc dù nó cũng thừa nhận sự hiện hữu tạm thời của ba Thừa (Triyāna), nghĩa là Thanh Văn (đệ tử Phật), Độc Giác (tự giác ngộ) và bồ tát (Phật sẽ thành). Vì phương tiện, nên ba Thừa này được giảng dạy nhưng rốt sau tất cả chúng đều được đưa trở lại với một Phật thừa (Buddha-yāna) chân thật. Tông Thiên Thai diễn giải “trạng thái chân thật” (tất cả đều khổ) là “không trạng thái” hay “không sự thật”, nhưng nó không có nghĩa là nó là giả dối; “không có sự thật” hay “không trạng thái” ở đây nghĩa là đó không phải là một sự thật hay trạng thái được thiết lập bởi luận điểm hay tư tưởng nhận thức mà nó vượt ngoài tất cả lời nói và tư tưởng. Lại nữa, tông Thiên Thai giải thích nó như là “một sự thật” (eka-satya) nhưng “một” ở đây không phải là con số “một”, nó có nghĩa là “tuyệt đối”. Chỉ có đức Phật có thể giác ngộ trạng thái chân thật này của tất cả pháp; nghĩa là, tất cả pháp được hình thành như thế, có bản chất-như thế, căn cứ-như thế, có nguyên nhân-như thế, được kích hoạt-như thế, có hoàn cảnh-như thế, có hiệu lực-như thế, được đền đáp-như thế và bắt đầu-kết thúc-hoàn thành-như thế.

Nguyên lý của giáo lý Thiên Thai đặt trọng tâm trên trạng thái chân thật này của tất cả yếu tố. Toàn bộ triết lý của tông Thiên Thai căn cứ trên Ba sự thật mà ban đầu do ngài Huệ Văn truyền bá, chính ngài Trí Khải tích cực xiển dương chúng. Ba sự thật này được tóm lược như sau:

i. Tất cả mọi thứ/tất cả pháp đều không có thực tế bản thể học.

ii. Tuy thế, chúng cũng có sự hiện hữu tạm thời.

iii. Chúng đồng thời không có thật và tạm thời hiện hữu.

Ba sự thật này được coi như bao hàm lẫn nhau và mỗi sự thật hàm chứa trong hai sự thật kia. Bởi vì sự hiện hữu luôn thay đổi, thế giới hiện tượng được cho là giống với thế giới như nó thật sự là.5 Do đó, khi lập luận của chúng ta dựa trên tánh không, chúng ta phủ nhận sự hiện hữu của cả tạm thời và ở giữa, bởi vì chúng ta coi tánh không như vượt ngoài tất cả. Thế nên, cả ba sẽ đều là tánh không. Cũng giống như trường hợp khi chúng ta lập luận bằng sự thật tạm thời và sự thật ở giữa. Do vậy, khi một là tánh không, tất cả đều là tánh không; khi một là tạm thời, tất cả đều là tạm thời; khi một là ở giữa, tất cả đều là ở giữa. Chúng còn gọi là tánh không giống nhau, tạm thời giống nhau và ở giữa giống nhau. Người ta cũng cho đó là ba sự thật hài hòa hoàn hảo hay ba sự thật tuyệt đối. Lưu ý rằng dù ở đây từ “tánh không” được sử dụng, nó không có nghĩa là “không có gì cả” mà là “không có bất kỳ tư tưởng hay cảm giác” hay “không dính mắc”. Ngay cả ý tưởng tánh không cũng bị phủ định; nó hoàn toàn là một sự phủ định. Thế nên bất kỳ sự hiện hữu nào phải là tạm thời bởi vì tất cả pháp được “thiết lập” trong tâm hay tồn tại theo nhân duyên kết hợp. Chúng chỉ hiện hữu theo danh tên, không phải trong thực tế; nghĩa là, chúng là “sự hiện hữu danh xưng”. Bất kỳ sự hiện hữu vĩnh viễn nào nên được phủ định, nhưng nên thừa nhận sự hiện hữu tạm thời. Rằng tất cả mọi thứ là tánh không và tạm thời là sự thật ở giữa, nghĩa là, sự tuyệt đối.

Sự thật được giảng dạy trong tông Thiên Thai là Tánh Như/Chân Như (Tathatā), không phải là sự thật này (tattva). Tánh Như/Chân Như nghĩa là trạng thái chân thật của sự vật trong chính chúng, thế giới hiện tượng là trạng thái của sự vật biểu thị trước mắt chúng ta. Trạng thái chân thật của sự vật không thể được nhìn thấy trực tiếp hay ngay lập tức. Chúng ta phải xem xét nó trong các hiện tượng mà luôn luôn biến đổi và trở thành. Do đó trạng thái chân thật là năng động. Chính các hiện tượng giống với chân thật của sự vật. Trạng thái chân thật của sự vật là Tánh Như/Chân Như, nghĩa là, sự vật như chúng được biểu thị, cũng như những làn sóng chuyển động không khác với những làn sóng yên tĩnh. Chúng ta thường đối chiếu nước tĩnh lặng với những làn sóng chuyển động, nhưng dù chuyển động hay đứng yên, chúng đều là sự biểu lộ của một và cùng một thứ nước. Điều được biểu thị hay thể hiện bên ngoài không ngoài chính sự vật đó. Không có sự khác biệt giữa hai thứ này.

Đây là thuyết của trạng thái chân thật của tất cả pháp; nghĩa là, tất cả yếu tố được biểu thị là các yếu tố trong trạng thái của chính chúng (sarva-dharma-svalakṣaṇa-tā). Hay là, sử dụng một thành ngữ khác là “trạng thái thế giới là thường còn” (lokalakṣaṇa-niyatā). Theo như thuyết của tông Thiên Thai, bất kỳ pháp nào thể hiện chính nó trong cả ba sự thật. Tất cả sự hiện hữu do đó thẩm thấu lẫn nhau trong tất cả ba sự thật.

Ngoài ra, tông Thiên Thai còn giới thiệu khái niệm “ba ngàn thế giới”. Khái niệm này không chỉ sự rộng lớn về con số mà thể hiện sự tương quan lẫn nhau của tất cả pháp và sự thống nhất tột cùng của toàn vũ trụ. Từ cơ sở của “ba ngàn thế giới” này, tông Thiên Thai nêu ra hệ thống thế giới gồm mười cõi. Nghĩa là, thế giới của hữu tình được chia thành mười cõi trong đó gồm bốn cõi thánh cao hơn và sáu cõi phàm phu thấp hơn:

i. Cõi của các vị Phật: một vị Phật không nằm trong vòng tròn của mười, nhưng khi Ngài đản sanh giữa loài người để thuyết giáo pháp của Ngài thì lúc bấy giờ Ngài thuộc một phần của mười cõi.

ii. Một bồ tát: một đức Phật sẽ thành.

iii. Một vị độc giác Phật: một vị Phật cho chính bản thân vị ấy, không giảng dạy người khác.

iv. Một vị Thanh văn: một đệ tử trực tiếp của đức Phật. Bốn cõi trên được phân loại là các tầng thánh.

v. Cõi trời: họ là những siêu nhân, họ không thể giác ngộ hoàn toàn nếu không có lời dạy của đức Phật.

vi. A-tu-la: những linh hồn đánh nhau. Dù họ có một phần thuộc cõi trời, nhưng họ được đặt ở phần nữa dưới của cõi thấp.

vii. Cõi người: trung hòa về bản chất.

viii. Ngạ quỷ: là những người chết, còn gọi là “những linh hồn đói khát”.

ix. Súc vật: ngây thơ về bản chất, bao gồm cả vương quốc loài vật.

x. Những người bị đọa lạc: “chúng sanh địa ngục” là ở cõi thấp nhất.

Mười cõi này có tính nội tại hỗ tương và bao hàm lẫn nhau, mỗi cõi có trong nó chín cõi kia. Chẳng hạn như, cõi người sẽ bao gồm chín cõi khác từ cõi Phật cho đến Địa ngục và bất kỳ một cõi nào trong mười cõi cũng như vậy. Thậm chí cõi Phật cũng bao hàm bản chất của địa ngục và tất cả cõi còn lại, bởi vì một đức Phật, mặc dù chính Ngài không xấu xa nhưng có ý định cứu vớt những chúng sanh khủng khiếp hay bị đọa lạc và do đó trong tâm Ngài ấy có địa ngục. Theo nghĩa này, cõi Phật cũng bao hàm chín cõi còn lại.

Tính nội tại này của mỗi cõi trong mười thế giới trong tất cả chúng tính khoảng 100 thế giới. Hơn nữa, mỗi cõi này có mười đặc điểm khác nhau là hình dạng, bản chất, vật chất, lực, hành động, nguyên nhân, hòa cảnh, hiệu quả, sự đền đáp và trạng thái tột cùng. Đây cũng là mười đặc điểm của Tánh Như/Chân Như. Bằng cách khám phá mười đặc điểm này trong 100 thế giới, tông Thiên Thai đưa ra thuyết 1000 cõi.

Ngoài ra, mỗi cõi bao gồm ba phân loại: loài hữu tình, loài của vùng không gian hay nơi sinh sống và loài năm uẩn được tách riêng khỏi hữu tình, hình thức, cảm thọ, ý tưởng, hành (ý chí) và nhận thức. Do đó có ba ngàn cõi, bao gồm toàn thể thực tế được biểu thị.

Trong đạo Phật, thuật ngữ “ba ngàn” thường liên hệ đến đại thiên thế giới gồm 1.000 thế giới nhỏ, 1.000 thế giới vừa và 1.000 thế giới lớn. Tuy nhiên, đối với tông Thiên Thai, không phải là hệ thống thế giới như thế mà là vũ trụ của tất cả chúng sanh và sự vật, nghĩa là, toàn thế giới của sự trở thành năng động. Ở đây tông Thiên Thai trở về với thuyết thể hiện nó theo cách khác. Người ta nêu là một giây hay một niệm có 3.000 thế giới nội tại trong nó. Đây là một thuyết đặc biệt với tông này và được gọi là “ba ngàn có sự nội tại ban đầu”, hay là “ba ngàn nội tại về nguyên tắc”, hay là “ba ngàn nội tại về bản chất” hay đôi khi là “ba ngàn nội tại hoàn hảo”. Tính nội tại, hoặc là ban đầu, lý thuyết, tự nhiên hay hoàn hảo đều truyền tải một và cùng một ý tưởng, nghĩa là một niệm chính nó là 3.000 thế giới. Lưu ý rằng một niệm không sinh ra 3.000 thế giới vì sự sinh ra là khởi đầu của một sự chuyển động dài lâu, nghĩa là sự sinh ra đúng thời và cũng không có nghĩa là 3.000 thế giới được bao gồm trong một niệm bởi vì sự bao gồm là một sự hiện hữu chéo, nghĩa là hiện hữu trong không gian. Rằng thế giới nằm trong một niệm là triết lý của tính nội tại, hiện tượng đồng nhất với hành động có ý thức.

Thuyết đại diện của Ba thân Phật là một khái niệm khác mà tông Thiên Thai giới thiệu là quả vị Phật. Mỗi đức Phật hoàn toàn giác ngộ được cho là có ba thân là Pháp thân, Báo thân và Hóa thân. Pháp thân giống với Sự thật con đường Trung đạo, là nguyên tắc hay chính sự thật mà không có sự hiện hữu cá nhân. Báo thân là con người hiện thân với tuệ giác thật sự, nghĩa là thân đạt được là giá trị của hành động nhân quả lâu dài. Nó gồm hai khía cạnh: (i) một thân để tự hưởng thụ, nghĩa là con người khi vị ấy tận hưởng chính sự giác ngộ của mình; (ii) thân biểu thị vì lợi lạc cho người khác, nghĩa là các Bồ-tát trên giai đoạn cơ bản của sự hoàn thiện của bậc thánh. Hóa thân là thân xuất hiện khác nhau để cứu người. Thân này cũng có hai đặc điểm: (i) Thân độc quyền cho các Bồ-tát của giai đoạn đầu, nghĩa là, một thân cao quý của hóa thân; (ii) Thân cho những ai trước giai đoạn đầu. Báo thân là phần thưởng cho nỗ lực lâu dài trong khi hóa thân thì tùy ý nhằm đáp ứng nhu cầu của người khác và thế giới. Người ta còn phân chia ba thân này của vị Phật thành bốn, năm, sáu hay mười nhưng ba thân Phật trên của tông Th n Thai có thể được coi như là thuyết cơ bản của quả vị Phật.

III. SƠ NÉT VỀ TÔNG THIÊN THAI GIÁO QUÁN TẠI VIỆT NAM

Là một trong chín thành viên sáng lập nên Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay, tông Thiên Thai giáo quán dù bắt nguồn từ vị sơ tổ sáng lập tông này tại Long An, Việt Nam nhưng hiện đang phát triển rộng khắp với khoảng 200 ngôi tự viện, tập trung nhiều trên các vùng miền của Việt Nam như TP.Hồ Chí Minh (chùa Pháp Hội, chùa Pháp Võ, chùa Pháp Giới,...), Long An (chùa Bồ Đề, chùa Pháp Minh,...), Vĩnh Long (chùa Pháp Hoa,…), Bắc Ninh và Hà Nội. Sau đây xin giới thiệu sơ về các bậc danh Tăng là các vị Tổ và Tông trưởng của tông Thiên Thai giáo quán tại Việt Nam.

3.1. Tổ thứ 20 của tông Thiên Thai giáo quán (1863-1936)

Tại Việt Nam, vị tổ thứ 20 được coi là sáng lập tông này là Hòa thượng thượng Hiển hạ Kỳ, pháp tự là Nhiên Công, thế danh là Trần Quốc Lượng, quê ở Cần Giuộc, Gia Định (nay là TP. Hồ Chí Minh). Hòa thượng từng có pháp danh là Đắc Chân khi Hòa thượng còn tu đạo Minh Sư (đạo Tiên với giáo lý kết hợp ba giáo lý của đạo Khổng, đạo Lão và đạo Phật). Ngài là đệ tử truyền thừa của tổ Tam Trác Đế Nhàn, đời thứ 48 tông Thiên Thai, thuộc thế hệ thứ 18 dòng Ngọ Đình, đời thứ 20 của chi phái Cao Minh Tự.

Hòa thượng ăn chay trường từ nhỏ, lớn lên từng tu học tại các tỉnh Gia Định, Thủ Dầu Một, Biên Hòa và Long An. Cuối thế kỷ XIX, Hòa thượng sang Quảng Châu tu học với các trưởng lão Lưu Đạo Nguyên và tổ sư Trương Đạo Dương và đã được suy tôn làm trưởng môn phái đạo Minh Sư khi hai bậc trưởng lão này thị tịch.

Đến năm 1922, duyên lành đã chín nên Hòa thượng nương tựa nơi ba ngôi báu và chính thức trở thành đệ tử của đại sư thượng Đế hạ Nhàn là đời thứ 47 tông Thiên Thai. Đến ngày vía đức Quán Thế Âm (19.2 âm lịch), Hòa thượng thọ đại giới với pháp danh Nhiên Công, pháp hiệu Hiển Kỳ.

Hòa thượng cùng với các Hòa thượng thượng Phạt hạ Khả, Hòa thượng Thượng Diệu hạ Tham, Hòa thượng thượng Kỷ hạ Tu đã mở Đại giới đàn truyền giới từ năm 1925 và các Hòa thượng này chính là bốn lão Hòa thượng được hàng cư sĩ tại gia và giới tử kính cẩn tôn là “Bốn cánh buồm của đạo Phật”. Đến năm 1928, có ba người Việt Nam sang Hương Cảng thọ đại giới gồm hai vị Tăng là các ngài thượng Liễu hạ Đàn và thượng Liễu hạ Học và một vị Ni là cháu ruột của Hòa thượng là Ni trưởng thượng Liễu hạ Tướng. Năm 1933, lại có thêm ba vị Tăng người Việt Nam thọ cụ túc là các vị thượng Liễu hạ Thiền (tổ thứ 21 của tông Thiên Thai giáo quán), thượng Liễu hạ Lạc và thượng Liễu hạ Chứng. Hai đại giới đàn này đều do Hòa thượng làm Đàn đầu. Vị tên là thượng Liễu hạ Tức là người Việt Nam cuối cùng thọ đại giới tại Trung Hoa, lần này Hòa thượng làm Yết-ma A-xà-lê. Như vậy là có tất cả bảy vị sư người Việt Nam được thọ đại giới tại Trung Hoa và đều trở về Việt Nam hoằng dương tông Thiên Thai giáo quán. Cụ thể như sau:

1. Hòa thượng thượng Liễu hạ Đàn (1887-1951) sáng lập chùa Pháp Hoa ở huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long.

2. Hòa thượng thượng Liễu hạ Học (1874-1951), sáng lập chùa Pháp Giới, quận Tân Bình, tỉnh Gia Định.

3. Hòa thượng thượng Liễu hạ Thiền (1885-1956), sáng lập chùa Bồ Đề, huyện Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn. Đây là vị tổ thứ 21 nối pháp Tông Thiên Thai giáo quán.

4. Hòa thượng thượng Liễu hạ Lạc (1879-1937), sáng lập chùa Pháp Minh, huyện Đức Hòa, tỉnh Gia Định.

5. Hòa thượng thượng Liễu hạ Chứng (1883-1946), sáng lập chùa Vĩnh Long, huyện Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn.

6. Hòa thượng thượng Liễu hạ Tức (1915-1978), trụ trì chùa Vĩnh Long, huyện Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn.

7. Ni trưởng thượng Liễu hạ Tướng (1890-1976), sáng lập chùa Pháp Võ, huyện Nhà Bè, tỉnh Gia Định.

Lúc còn sinh thời, Hòa thượng sơ tổ tông Thiên Thai giáo quán là người giỏi văn chương chữ nghĩa. Bạn thâm tình của Hòa thượng là các văn sĩ nổi tiếng ở Hương Cảng như Trạng nguyên Quỳnh Sơn Lâm, Trần Bá Đào, các thi sĩ như Hàn Quốc Quân, Huỳnh Bá Xuyên, Bằng Quan Nghiêu,... có cả hạm trưởng hải quân là cư sĩ Hạ Đức. Sách Thanh Sơn Thiền Viện Đại Quán gồm các bài ký nói về chùa Thanh Sơn (chùa này do Hòa Thượng sơ tổ trụ trì) như Hiển Kỳ Trụ Trì Sự Lược, 60 bài thơ của chính Hòa thượng viết, và cư sĩ Hạ Đức sáng tác 4 bài thơ từ biệt chùa Thanh Sơn. Đây chính là tác phẩm do Quỳnh Sơn Lâm sưu tập và Trần Bá Đào viết đề mục.

Đến ngày 26 tháng 3 năm 1936, biết cỗ xe thân xác nơi cõi Ta bà đã mòn, Hòa thượng dặn dò lần cuối cho hàng đệ tử rồi chú tâm tĩnh lặng, chuyên một lòng niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà, đức Quán Thế Âm, đức Đại Thế Chí và an nhiên thị tịch tại Thiền Viện Thanh Sơn ở Hương Cảng, Trung Quốc, hưởng thọ 74 tuổi.

3.2. Tổ thứ 21 - vị truyền thừa tông Thiên Thai giáo quán tại Việt Nam (1885-1956)

Hòa thượng thượng Liễu hạ Thiền, còn gọi là thượng Liễu hạ Thoàn, được cho là vị sơ tổ thứ 21 truyền thừa tông Thiên Thai ở Việt Nam vào đầu thế kỷ XX. Thế danh của Hòa thượng là Nguyễn Văn Đo, sinh ra trong một gia đình vốn theo đạo Minh Sư (sinh hoạt theo Tam giáo: thờ Phật Thích Ca Mâu Ni, thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, tu Tiên (Thái Thượng Lão Quân), sinh hoạt theo Nho giáo (Khổng Tử) ở huyện Cần Đước, tỉnh Long An.

Hòa thượng Liễu Thiền (1885 – 1956)

Từ lúc lên tám, Hòa thượng đã được theo học với các danh nho trong làng. Là người cần cù lại thông minh nên chỉ trong vòng ba năm mà ngài đã tinh thông các bộ kinh Nho giáo như Tứ Thư, Ngũ Kinh, Minh Tâm. Vốn là người đạo đức, “trên kính dưới nhường”, Ngài hiếu thuận với cha mẹ và hòa đồng với bạn bè trang lứa. Do trải nghiệm cảnh đau thương chết chóc của một cơn bão lụt tàn phá Cần Đước và Cần Giuộc năm 1904, ngài giác ngộ sự vô thường của thế gian nên phát tâm xuất gia theo đạo Minh Sư với Ông Lão Tiễn ở chùa Vĩnh Nguyên. Sau hơn hai mươi năm khổ luyện dụng công, Ngài đã được điểm đạo và trở thành Ông Lão.

Đầu năm 1933, Hòa thượng cùng với bảy người Việt sang Trung Quốc thọ giới Phật pháp với tổ thứ 20 tông Thiên Thai giáo quán - ngài thượng Hiển hạ Kỳ ở chùa Thanh Sơn. Sau mười lăm ngày được đắc giới và học giới, Hòa thượng chính thức được Tổ Hiển Kỳ ban pháp hiệu Liễu Thiền và là vị kế thừa đời thứ 21 của tông Thiên Thai giáo quán, truyền sang Việt Nam. Theo thỉnh cầu của ông Cả Tiệm, tháng 4/1933, Hòa thượng tiếp nhận và quản lý chùa Tôn Thạnh cổ kính ở Long An do tổ Viên Ngộ sáng lập năm 1807. Một năm sau, Hòa thượng cung thỉnh chư tôn thiền đức khai mở giới đàn truyền giới cho hơn 300 Tăng Ni và trong suốt 20 năm từ 1934 đến năm 1954, ngoài việc mở giới đàn vào ngày 17,18, 19 Âm Lịch, hằng năm Hòa thượng đều mở khóa an cư kiết hạ. Chùa Tôn Thạnh trở thành nơi quy tụ ngày càng đông Tăng Ni về tu học.

Là người tụng Kinh Pháp Hoa và Kim Cang ngày ba thời, chuyên trì giới luật, đức độ, không ăn quá ngọ, không uống sữa bò, không đi xe do ngựa kéo, có thể nói Hòa thượng là bậc pháp khí nổi bật của Phật giáo Việt Nam nói chung và tông Thiên Thai giáo quán nói riêng. Hòa thượng từng là bạn thâm giao với hai vị cao tăng là Hòa thượng thượng Trí hạ Tịnh và Hòa thượng thượng Th n hạ Hòa, đã từng lưu trú tại chùa Tôn Thạnh để tịnh tu, nghiên cứu kinh, luật, yểm trợ Phật sự với Hòa thượng. Ngoài việc giảng dạy Luật tạng và kinh Đại thừa, Hòa thượng còn được cung thỉnh làm Chứng minh cho Liên Hải Phật học đường, Hội Phật học Nam Việt, Hội Lưỡng Xuyên Phật học, Giáo hội Phật giáo Tăng Già, Phật học đường Nam Việt.

Về phương diện giáo hóa, Hòa thượng đề cao pháp môn Tịnh độ niệm Phật cầu vãng sanh. Hòa thượng cũng đã đào tạo thế hệ Tăng, Ni tài giỏi có thể “thiệu long thánh chủng, chấn nhiếp ma quân”. Các vị danh Tăng, Ni này đều có pháp hiệu chữ “Đạt” (đệ tử của các vị này thì có pháp hiệu chữ “Tắc”), một số vị nổi bật như sau:

1. Hòa thượng thượng Đạt hạ Đồng (1923-2015), trụ trì tổ đình Tôn Thạnh ở Cần Giuộc, Long An. Vị này chính là đời thứ 22 tông Thiên Thai giáo quán, người nối pháp của sơ tổ - Hòa thượng thượng Liễu hạ Th n. Hiện nay trụ trì của tổ đình này là vị Phó tông trưởng - Hòa thượng thượng Tắc hạ Phi.

2. Hòa thượng thượng Đạt hạ Hương, viện chủ chùa Linh Phong ở Tân Hiệp, Tiền Giang.

3. Hòa thượng thượng Đạt hạ Hảo, viện chủ chùa Pháp Quang ở Q.8, TPHCM.

4. Hòa thượng thượng Đạt hạ Pháp, trụ trì chùa Bồ Đề ở Cần Giuộc, Long An.

5. Ni trưởng thượng Đạt hạ Lý, viện chủ chùa Long Nhiễu ở Thủ Đức.

6. Ni trưởng thượng Đạt hạ Cung, viện chủ chùa Pháp Đàn ở Gò Đen.

7. Ni trưởng thượng Đạt hạ Thuận, trụ trì chùa Linh Sơn ở Bình Chánh.

Năm 1955, Hòa thượng khởi công xây dựng chùa Bồ Đề, là tổ đình cho tông Thiên Thai giáo quán, tọa lạc ở huyện Cần Giuộc, Long An. Hoàn thành tâm nguyện, Hòa thượng đi viếng thăm các trú xứ nơi ngài từng lưu trú và gác bỏ vạn duyên, chuyên tâm niệm Phật. Đến ngày 21 tháng 4 năm 1956, Hòa thượng thị tịch, hưởng thọ 71 tuổi, 23 hạ lạp. Hiện nhục thân của Hòa thượng vẫn được lưu giữ trong một tháp tại chùa Bồ Đề.

3.3. Tông trưởng đời thứ 22 tông Thiên Thai giáo quán (1922-2014)

Hòa thượng thượng Đạt hạ Pháp, thế danh là Võ Văn Thượng, sinh ra tại Cần Giuộc, Long An trong một gia đình có truyền thống kính tin Tam bảo.

Ngài được vị Tổ thứ 21 là Hòa thượng thượng Liễu hạ Thiền, thế phát năm 1945, lúc mới 23 tuổi, đặt pháp danh là Tánh Vân và pháp hiệu là Đạt Pháp. Năm 26 tuổi, Hòa thượng được thọ giới Sa di và năm 30 tuổi, ngài thọ cụ túc giới. Ngoài việc trụ trì chùa Phước Hòa (cơ sở của Hội Phật học Nam Việt), cố vấn giáo hạnh cho gia đình Phật tử chánh đạo, hành nghề y, ngài còn tham dự các lớp học Giáo lý, Khóa Như Lai Sứ Giả, lớp học ngoại ngữ Anh, Pháp và Hoa văn.

Từ năm 1957-1967, ngài trụ trì chùa Xá Lợi và thường xuyên cùng chư tôn đức tiếp các phái đoàn Phật giáo quốc tế. Cũng năm 1967, ngài xuất dương du học tại các nước Thái Lan, Ấn Độ và Tích Lan với sự ủng hộ của Hội Phật học Nam Việt. Ngài trở lại Việt Nam năm 1970 sau khi học hai cổ ngữ Sanskrit và Pāli.

Năm 1971, ngài là thành viên sáng lập Giáo Hội Phật giáo Thiên Thai Giáo quán, giữ chức vụ Trị sự phó Kiêm trưởng Ban Hoằng Pháp và ủy viên Tăng sự.

Năm 1971-1972, ngài trụ trì chùa Thiên Ân ở Bình Dương.

Năm 1974-2014, ngài được chư tôn đức trong Thiên Thai giáo quán tông mời về trụ trì Tổ đình Bồ Đề.

Tháng 11 năm 1981, với cương vị là Tông trưởng Thiên Thai giáo quán tông, ngài làm trưởng đoàn đại biểu Hệ phái Thiên Thai dự Đại hội Đại biểu Lần thứ 2 Phật giáo toàn quốc tại chùa Quán Sứ, thủ đô Hà Nội. Ngài đại diện Thiên Thai giáo quán tông ký vào Văn kiện thống nhất Phật giáo toàn quốc, thành lập Giáo hội Phật Giáo Việt Nam. Cũng năm này (1981), tại Đại hội Đại biểu thống nhất Phật giáo toàn quốc, ngài được cử là ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Suốt 70 năm xuất gia tu học, giữ các chức vụ trong GHPGVN, chứng minh và dự vào hàng Tam Sư cho nhiều Đại giới đàn, ngài đã là bậc danh Tăng Việt Nam làm tấm gương hun đúc chí nguyện của bậc xuất trần thượng sĩ, thượng cầu Phật đạo; xuất dương du học nghiên tầm giáo điển uyên thâm, tham gia Giáo hội xuyên suốt từ khi đất nước còn trong thời kỳ chiến tranh đến khi hòa bình lập lại, luôn giữ tinh thần Bồ Tát đạo hoằng pháp lợi sinh. Bao thế hệ Tăng Ni được thấm nhuần ơn giáo dưỡng của Ngài từ các trường Phật học, các Đại giới đàn. Ngài là bậc danh Tăng Việt Nam nói chung và bậc danh Tăng Long An của thế kỷ XX, XXI mà nhiều thế hệ Tăng Ni, Phật tử hiện tại và mai sau hướng về đảnh lễ, noi gương.

Ngài đã viên tịch vào lúc 17 giờ ngày 21/8/2014, trụ thế 92 năm, hạ lạp 62 năm. Nhục thân của Ngài được nhập bảo tháp trong khuôn viên chùa Bồ Đề.

3.4. Đương vị Tông trưởng đời thứ 23 tông Thiên Thai giáo quán6

Hòa thượng thượng Tắc hạ Lãnh, thế danh là Nguyễn Văn Bành, sinh năm 1945, là đệ tử của cố Hòa thượng thượng Đạt hạ Hảo, Viện chủ chùa Pháp Quang, Q.8, TP. HCM.

Hòa thượng thọ giới Sa di năm 16 tuổi và năm 20 tuổi thọ đại giới tại Giới đàn Phật học Huệ Nghiêm. Ngày 19/03/2018, tất cả Tăng Ni hệ phái tông Thiên Thai giáo quán suy tôn Hòa thượng làm Trưởng môn phong. Hiện nay, Hòa thượng là Viện chủ chùa Châu Hưng, Thủ Đức, TP. HCM kiêm Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, quận Thủ Đức.

Theo thống kê của Đại hội Khoáng Đại lần thứ nhất năm 1972, có khoảng 72 chùa trên toàn quốc thực hành theo tông Thiên Thai giáo quán với hơn 512 vị Tăng Ni được cấp thẻ và 785 Phật tử. Năm 1981, tông Thiên Thai giáo quán chính thức trở thành thành viên sáng lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đến năm 20157, tông Thiên Thai giáo quán có hơn 200 tự viện, tập trung nhiều ở Hà Nội, Bắc Ninh, TP. Hồ Chí Minh và Long An. Có thể nói sự hiện diện và đóng góp của tông Thiên Thai giáo quán tạo nên bức tranh muôn sắc đầy ý nghĩa cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

SC.ThS. Lạc Diệu Nga Tịnh Viện Bát Nhã, xã Tân Hòa, thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu; Tốt nghiệp thủ khoa Thạc Sĩ Phật học tại Đại Học Nalanda, Rajgir, Ấn Độ tháng 05/2020. Tham luận tại hội thảo về chủ đề: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 40 năm hội nhập và phát triển cùng đất nước” vào ngày 04-11-2021 tại Tp.HCM

***

CHÚ THÍCH

1 Robert E. Buswell Jr. and Donald S. Lopez Jr. (eds.), The Princeton Dicionary of Buddhism, Princeton University Press, 2014, trang 2227-2229. 2 C.S. Ranasinghe, G.P. Malalasekera (ed.), Encyclopaedia of Buddhism vol.VIII (Từ điển Bách Khoa Phật Giáo quyển 8), 2007, tr. 296-300. 3 Juniro Takakusu, The Essentials of Buddhist Philosophy, Bombay, 1978, tr. 134. 4 Ibid, tr.138-147. 5 The New Encyclopaedia Britannica (Từ điển bách khoa Britannica mới, quyển 9), U.S.A., 1982, tr. 1002. 6 Tư liệu này do đương vị Ni Trưởng chùa Bồ Đề, Cần Giuộc, Long An cung cấp. 7 Rất tiếc dù đã liên hệ với tổ đình Tôn Thạnh và chùa Châu Hưng (đệ tử thị giả của Đương vị tông trưởng Thiên Thai giáo quán) nhưng không xin được số liệu mới nhất về tông này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

HT. Thích Thiện Hoa, Sự truyền thừa của tông phái Thiên Thai: từ Trung Quốc sang Việt Nam, 02-11-2017. HT. Thích Minh Thiện, Quá trình hình thành và phát triển Thiên Thai Giáo quán tông tại Long An, Các hệ phái Phật giáo và Tôn giáo mới tại vùng Nam bộ, Nxb Hồng Đức năm 2020. http://chuaxaloi.vn/thong-tin/hoa-thuong-thich-hien- ky-18631937/2449.html, truy cập ngày 03/05/2021. HÒA THƯỢNG THÍCH HIỂN KỲ (1863-1936) - Chùa Phật học Xá Lợi (chuaxaloi.vn) http://chuaxaloi.vn/thong-tin/hoa-thuong-thich-lieu- thien-1885-1956/2358.html https://www.phatsuonline.com/long-an-huyen-can-giuoc-to- dinh-bo-de-trang-nghiem-to-chuc-le-huy-ky-ht-thich-dat- phap/ Brook A. Ziporyn, Emptiness and Omnipresence-An Essential Introduction to Tiantai Buddhism, Indiana University Press, 2016. Junjiro Takakusu, Chapter 9: The Tendai School, The Essentials of Buddhist Philosophy, First Indian Edition, P.S. Jayasinghe, 1956, tr.132-147. G.P. Malalasekera (ed.), Encyclopaedia of Buddhism vol.VIII, 2007, tr.296-300. Robert E. Buswell Jr. and Donald S. Lopez Jr. (eds.), The Princeton Dicionary of Buddhism, Princeton University Press, 2014, tr. 2227-2229. The New Encyclopaedia Britannica, Vol.ix, U.S.A., 1982, tr.1002.