Trang chủ Bài viết nổi bật Tôn giáo và vai trò của đồng bào tôn giáo trong xây dựng đất nước

Tôn giáo và vai trò của đồng bào tôn giáo trong xây dựng đất nước

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VII nêu rõ: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Đảng và Nhà nước ta tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của nhân dân, thực hiện bình đẳng, đoàn kết lương giáo và giữa các tôn giáo….”

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VII nêu rõ: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Đảng và Nhà nước ta tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của nhân dân, thực hiện bình đẳng, đoàn kết lương giáo và giữa các tôn giáo….”

PGs.Ts Triết học Nguyễn Đức Diện
Hội đồng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Phật học

Tóm tắt: Tín ngưỡng tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận quần chúng nhân dân. Ở nước ta, đồng bào tôn giáo là một bộ phận không tách rời của dân tộc và đã có những đóng góp nhất định vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay, tôn giáo đang là vấn đề lớn liên quan đến chính sách của Đảng và Nhà nước. Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta chỉ có thể thành công trên cơ sở lấy chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, đồng thời phải xuất phát từ hoàn cảnh cụ thể của đất nước, của thời đại.
Từ khóa: Đảng Cộng sản, dân tộc, tôn giáo, Đại hội.

1. Mở đầu:

Tôn giáo ra đời, phát triển và sẽ cùng tồn tại với xã hội loài người trong thời gian khó đoán định. Trong quá trình tồn tại và phát triển, tôn giáo ảnh khá sâu sắc đến các mặt của đời sống: chính trị, văn hóa, xã hội, tâm lý, tập quán, thói quen của nhiều dân tộc trên thế giới. Trong lịch sử, tôn giáo luôn được các giai cấp thống trị sử dụng như một công cụ áp bức tinh thần một phương tiện cùng cố địa vị thống trị của mình. Điều đó cho thấy, nhận thức và ứng xử với tôn giáo là một trong những vấn đề quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bài viết khẳng định quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam: tôn giáo và vai trò của đồng bào tôn giáo trong xây dựng đất nước.

2. Nội dung:

2.1. Quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về tôn giáo

Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác- Lênin, con người tạo ra tôn giáo, cho nên, nguồn gốc ra đời của tôn giáo phải tìm trong các quan hệ xã hội có áp bức giai cấp. Khi xã hội phân chia thành giai cấp, những người bị trị, bị áp bức, bóc lột nghèo đói, bế tắc trong cuộc sống nên đã đánh mất mình một lần nữa rồi tìm đến tôn giáo. V.I.Lênin cho rằng: “Sự bất lực của giai cấp bị bóc lột trong cuộc đấu tranh chống bọn bóc lột đã đẻ ra lòng tin vào cuộc đời tốt đẹp hơn ở thế giới bên kia, cũng giống như sự bất lực của người dã man trong cuộc đấu tranh chống thiên nhiên đẻ ra lòng tin vào thần thánh, ma quỷ, vào những phép màu”1. Ảnh hưởng của yếu tố tâm lý con người đối với sự ra đời và tồn tại của tôn giáo cũng đã được các nhà vô thần cổ đại đề cập đến, trong đó thi sĩ Latin Lucrêce (thế kỷ I trước Công nguyên) người đầu tiên đưa ra luận điểm: “sự sợ hãi sinh ra thần thánh”. Sau này M.Bertrand2 Bertrand Arthur William Russell (1872-1970) cho rằng, tôn giáo và lối suy nghĩ tôn giáo làm cản trở tri thức, nuôi dưỡng sự sợ hãi và phụ thuộc, và phải chịu trách nhiệm cho phần lớn các cuộc chiến tranh, đàn áp và đau khổ trên thế giới.

Không chỉ tiếp cận từ nguồn gốc ra đời của tôn giáo, chủ nghĩa Mác- Lênin còn nhấn mạnh đến tính chính trị, tính quần chúng của nó. Mặc dù, tôn giáo không phải là chính trị, nhưng từ khi xã hội hình thành giai cấp đến nay, tôn giáo chưa bao giờ tách rời chính trị, nó hoặc là công cụ của đấu tranh chính trị, hoặc lợi dụng chính trị để phục vụ mục đích của bản thân. Việc sử dụng tôn giáo như một thủ đoạn để đạt được mục đích chính trị đã từng xẩy ra ở nhiều nơi, nhất là thế kỷ XX. Kitô giáo đã từng bị Hitle lợi dụng như thế nào, võ sĩ đạo đã trở thành trụ cột tinh thần của phát xít Nhật ra sao, Islam giáo đã bị một số nước lợi dụng làm công cụ chinh phục tôn giáo như thế nào. Hiện nay, những quốc gia có bối cảnh văn hóa tôn giáo là chủ đạo, thì rất khó phân biệt rạch ròi lĩnh vực nào thuộc tôn giáo, lĩnh vực nào thuộc Chính phủ. Chẳng hạn, nước Mỹ, có mục sư tiến hành hoạt động phục vụ tôn giáo, nước Đức, thuế tôn giáo vẫn do nhà nước thu thống nhất, kinh phí hoạt động của Giáo hội do chính phủ cấp trực tiếp.

Tôn giáo là một hiện tượng xã hội phản ánh sự bất lực, bế tắc của con người trước tự nhiên và xã hội, nhưng tín ngưỡng, tôn giáo lại thể hiện khát vọng của những con người bị áp bức, ước muốn về một xã hội tự do, bình đẳng, không có áp bức. Trong tác phẩm Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Heghen, Mác viết: “Sự nghèo nàn của tôn giáo vừa là biểu hiện của sự nghèo nàn hiện thực, vừa là sự phản kháng chống lại sự nghèo nàn hiện thực ấy. Tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức, là trái tim của thế giới không có trái tim, cũng giống như nó là tinh thần của những trật tự không có tinh thần. Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”3. Quan điểm của Mác cho thấy, lực lượng sản xuất kém phát triển (sự nghèo nàn hiện thực) chính là cội nguồn của mọi tín ngưỡng, tôn giáo, cho nên, cần phải cải tạo “sự nghèo nàn hiện thực ấy” (phát triển khoa học kỹ thuật, nâng cao đời sống con người). Tuy nhiên, luận điểm “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân” đã bị nhiều người ngộ nhận và hiểu sai cho rằng, Mác bài xích tôn giáo, coi tôn giáo là thuốc độc, nhưng thực tế hoàn toàn không phải như vậy. Thuốc phiện mà Mác nói tới ở đây chỉ là thứ thuốc giảm đau, giảm nhẹ. Thuốc giảm đau không thể chấm dứt cơn đau nhưng lại giúp con người vơi bớt phần nào và cảm thấy thoải mái hơn. Mác coi tôn giáo như là “thuốc phiện” của nhân dân với ý coi tôn giáo như một liều thuốc có tác dụng xoa dịu nỗi đau trần thế của con người. Theo tôi, M.Bertrand đã đúng, khi lưu ý chúng ta rằng, ở thế kỷ XIX, thuốc phiện dùng phổ biến trong các hiệu thuốc để làm thuốc giảm đau (analgésique) chứ không phải như ma túy sau này. M.Bertrand còn cho biết, trước Mác, nhà triết học Imanuen Cantơ (1724 – 1804) đã ví tôn giáo với thuốc phiện, với ý nghĩa là tôn giáo xoa dịu nỗi đau. Bởi vậy, không nên hiểu lầm Mác, cũng như lý thuyết mácxít về vấn đề tôn giáo. Lịch sử cho thấy, trước Mác, nhà triết học Cantơ và sau này M.Bertrand đều có cùng quan điểm coi tôn giáo như một liều thuốc có tác dụng xoa dịu nỗi đau trần thế của con người. Tuy coi tôn giáo chỉ là sự đền bù hư ảo, là những “bông hoa giả” tô điểm cho một cuộc sống hiện thực đầy xiềng xích, nhưng chính Mác lại cho rằng, nếu không có những “bông hoa giả” ấy thì cuộc sống của con người chỉ còn lại “xiềng xích” mà thôi. Và, nếu không có thứ “thuốc giảm đau” ấy thì con người sẽ phải vật vã đau đớn trong cuộc sống hiện thực với đầy rẫy những áp bức, bất công và bạo lực. Do đó, nếu gạt hoàn toàn tôn giáo ra khỏi đời sống con người, sẽ làm cho sự phát triển của bản thân con người và xã hội mất đi ngọn nguồn của văn hóa và lịch sử, từ đó bộc lộ những tình trạng thái quá không toàn diện. Đó chính là lý do để Mác yêu cầu chấm dứt sự phê phán tôn giáo như phái Hêghen trẻ đã làm mà hướng tới “sự phê phán cái biển khổ”, tức phê phán đời sống hiện thực đầy bất công của xã hội tư bản. Điều kiện tiên quyết để khắc phục tôn giáo như một hình thái ý thức có tính tiêu cực là phải xóa bỏ nguồn gốc xã hội của nó, nghĩa là phải tiến hành một cuộc cách mạng xã hội triệt để nhằm cải tạo cả tồn tại xã hội và ý thức xã hội. Bằng hoạt động thực tiễn của mình, quần chúng không những cải tạo xã hội mà còn cải tạo bản thân, giải phóng ý thức của mình khỏi những ảo tưởng tôn giáo. Điều đặc biệt là không kích động, gây căm thù có liên quan đến tôn giáo, hoặc tuyên truyền chống lại quyền tự do tín ngưỡng đối với mọi công dân.

2.2. Đóng góp của đồng bào tôn giáo trong dựng nước và giữ nước

Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo với 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo (chiếm 27% dân số) được công nhận tư cách pháp nhân. Mặc dù, số lượng tôn giáo và tín đồ khá nhiều, nhưng đồng bào tôn giáo đã có những đóng góp nhất định trong lịch sử dựng nước và bảo vệ Tổ quốc. Lịch sử dân tộc ta từ thời dựng nước đã chứng kiến nhiều sự kiện, nhân vật tiêu biểu trong đồng bào tôn giáo có tinh thần yêu nước nồng nàn, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Suốt thời kỳ Bắc thuộc, nhiều nhà sư, các tín đồ đạo Phật đã thực sự tham gia vào cuộc vận động, đấu tranh giành độc lập cho dân tộc. Lý Công Uẩn (974-1028) người mở đầu triều đại Lý đã trưởng thành từ trong nhà chùa đã có những đóng góp to lớn đối với sự phát triển của đất nước. Năm 1010, Lý Công Uẩn đã ban bố Chiếu dời đô (Thiên đô chiếu) – một Văn kiện chính trị, lịch sử, văn hóa có ý nghĩa quan trọng trên nhiều phương diện chính trị, sử học, địa lý, văn học. Trong đó tư tưởng chính trị cốt lõi là độc lập dân tộc gắn liền với chủ quyền quốc gia, định hướng cho sự phát triển lâu dài của dân tộc đã định hình. Nếu thời Lý, “ý dân, lòng dân” là mục tiêu của các chủ trương quyết sách lớn, thì thời Trần quan niệm nhân dân là cơ sở để tiến hành cuộc đấu tranh giữ nước. Quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của bọn phong kiến phương Bắc, cũng như trong xây dựng nhà nước độc lập tự chủ, giai cấp phong kiến Việt Nam đã thấy được vai trò của dân (trong đó có đồng bào tôn giáo) vừa là cơ sở, vừa là gốc để giải quyết việc đời cũng như việc đạo. Quan niệm trên là sản phẩm của triết lý vì dân, thân dân của Phật giáo Việt Nam. Triết lý này hoàn toàn không có trong giáo lý nhà Phật, cũng không có trong Phật giáo Ấn – Trung. Đúng như tác giả Sự khác biệt giữa Phật giáo Việt Nam với Phật giáo Ấn Độ và Phật giáo Trung Quốc viết: “Phật giáo Trung Quốc tập trung sự giải thoát cho cá nhân, Phật giáo Ấn Độ thoát ly thế giới trần tục, thì Phật giáo Việt Nam lại hướng đến giải thoát cho mọi người, đạo gắn với đời. Triết lý ấy giúp cho Phật giáo Việt Nam khắc phục sự xa lánh của con người với hiện thực đất nước”4. Triết lý giác ngộ “đạo hòa quyện với đời” đã trở thành đường hướng hành động cho các vị vua anh minh sau này.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc HT Thich The Long

Hòa thượng Thích Thế Long (trụ trì tại chùa Cổ Lễ, Nam Định). Ảnh: St

Đóng góp của đồng bào tôn giáo không chỉ diễn ra thời kỳ phong kiến, mà còn cả trong cuộc kháng chiến chống đế quốc thực dân bảo vệ Tổ quốc. Cuối năm 1946, khi giặc Pháp tấn công chiếm đóng: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” hiệu triệu toàn dân tộc đứng lên chống giặc ngoại xâm cứu nước. Trước việc đất nước đang ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Hòa thượng Thích Thế Long (trụ trì tại chùa Cổ Lễ, Nam Định) đã làm lễ “giải pháp y”, thành lập đội nghĩa sĩ phật tử, cho các tăng ni tạm rời cửa thiền ra chiến trường đánh giặc”. Ngày 27/2/1947, nhà chùa đã làm lễ “cởi áo cà sa khoác chiến bào” cho 27 nhà sư tham gia kháng chiến chống Pháp. Tiếp đó, ni cô Thích Đàm Nhung (có tài liệu viết là Đại đức Thích Pháp Lữ) đã đọc lời phát nguyện: “Cởi áo cà sa khoác chiến bào/Tuốt gươm, bồng súng diệt binh đao/Ra đi quyết rửa thù cứu nước/Vì nghĩa quên thân hiến máu đào”. Sư nữ Đàm Thanh xúc động đã họa lại bài thơ trên: “Gậy thiền quét sạch loài xâm lược/Theo gót Trưng Vương tỏ nữ hào”5. Phong trào tăng ni phật tử tham gia kháng chiến chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc, và sự kiện 27 nhà sư chùa cổ Lễ “Cởi áo cà sa, khoác chiến bào” là dấu ấn đặc biệt, có ý nghĩa sâu sắc trong lịch sử chiến tranh cách mạng Việt Nam nói chung và lịch sử Phật giáo Viêt Nam nói riêng. Đó là minh chứng sống động của tôn giáo đồng hành cùng Dân tộc, của ý Đảng hợp lòng dân.

Trong thời đại Hồ Chí Minh, đồng bào tôn giáo đã thể hiện tinh thần yêu nước qua các hoạt động thiết thực, thành lập các tổ chức tiến bộ, yêu nước như: “Các phật tử đã có Hội Phật giáo cứu quốc, các giáo dân đã có Hội Công giáo kháng chiến. Người Cao Đài thành lập Hội Cao Đài cứu quốc”6. Ghi nhận tinh thần yêu nước của đồng bào tôn giáo trong công cuộc kháng chiến cứu quốc, Hồ Chí Minh cho rằng, một số giáo dân là những người mà lòng yêu Nước và kính Chúa hòa quyện với nhau tạo thành sức mạnh tinh thần, giúp họ dấn thân vào con đường kháng chiến kiến quốc gian nan mà vẫn làm tròn bổn phận của một giáo dân. Ngày 14/10/1945, Tòa Giám mục và đồng bào Công giáo địa phận Vinh đã gửi thư cho Chủ tịch Hồ Chí Minh có đoạn viết: “Dù phải hy sinh xương máu để kiến thiết một Nhà nước tự do hạnh phúc hoàn toàn, thì chúng tôi sẵn sàng không ngần ngại”7. Trong thư cảm ơn Tòa Giám mục và đồng bào Công giáo địa phận Vinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Câu nói nhiệt thành đó tỏ rõ rằng các vị là những người chân chính yêu nước, đồng thời cũng là những chân chính tín đồ của đức Giê Su. Đức Giê Su hy sinh vì muốn loài người được tự do hạnh phúc, đồng bào ta cả lương và giáo cũng vì tự do hạnh phúc cho toàn dân mà hy sinh phấn đấu”8. Vì vậy, ngay sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã ban hành chính sách đối với tôn giáo.

Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, một trong sáu công việc cấp bách của đất nước đã được đưa ra bàn tại hội nghị có vấn đề về tôn giáo. Tại cuộc họp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố: “Thực dân và phong kiến tìm cách chia rẽ đồng bào lương với đồng bào giáo để cai trị, tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết”9. Hiến pháp đầu tiên (năm 1946) của nước Việt Nam đã khẳng định quyền tự do tín ngưỡng là một trong năm quyền cơ bản của công dân. Điều 7 Hiến pháp năm 1946 ghi: “Quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do đi lại trong nước và đi ra nước ngoài”. Hiến pháp năm 1946 đã tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện chính sách đối với tôn giáo trong phạm vi cả nước. Cùng với việc khẳng định những nguyên tắc cơ bản đối với tôn giáo trong Hiến pháp, Nhà nước đã thể chế hóa quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo qua Sắc lệnh 234/SL, ngày 14/6/1955 – sắc lệnh của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa Về vấn đề tôn giáo do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành. Ngày 28/9/1964, Hội nghị đại biểu Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam họp tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư thăm hỏi động viên các đại biểu và phật tử: “Các tăng ni và tín đồ Phật giáo trước đây đã có công với kháng chiến, nay thì đang góp sức cùng toàn dân xây dựng miền Bắc giàu mạnh và thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà…Đồng bào Phật giáo cả nước, từ Bắc đến Nam, đều cố gắng thực hiện lời Phật dạy là: “Lạc lợi quần sinh, vô ngã vị tha” (Đem lại lợi ích và vui sướng cho mọi người, quên mình vì người khác)10. Hồ Chí Minh cho rằng, người có tôn giáo không phải là thoát tục, rồi bỏ lao động sản xuất, xa lánh công việc xã hội mà cần sự hài hòa giữa tình yêu Tổ quốc với đức tin tôn giáo.

Người có tôn giáo giữ niềm tin tôn giáo trong cõi tâm linh tinh thần và hoạt động tôn giáo, còn trong đời sống xã hội thì phải làm tròn nghĩa vụ công dân. Tiếp đó, ngày 11/11/1977 Hội đồng Chính phủ đã có Nghị quyết Về một số chính sách đối với tôn giáo. Có thể nói, mỗi giai đoạn của cách mạng, chính sách đối với tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta luôn đổi mới cho phù hợp với đời sống thực tiễn, với nhu cầu tín ngưỡng của đồng bào có đạo.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo điều hành của Nhà nước, chính sách đối với tôn giáo (trước thời kỳ đổi mới) đã đạt được những kết quả rất quan trọng.

Thứ nhất, động viên được các tín đồ, chức sắc tôn giáo đoàn kết cùng các tầng lớp nhân dân hoàn thành Cách mạng Tháng Tám (năm 1945), …

Thứ hai, hướng dẫn, giúp đỡ một số tổ chức tôn giáo xây dựng đường hướng hoạt động gắn bó với lợi ích dân tộc như: giúp Giáo hội Phật giáo Việt Nam với đường hướng: “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, Hội đồng Giám mục (Công giáo) Việt Nam với đường hướng “Sống phúc âm giữa lòng Dân tộc”, Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) với đường hướng “Kính Chúa và yêu nước”, “Nước vinh đạo sáng” của Cao Đài…. Những đường hướng này phù hợp với giáo lý, với truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam…Bên cạnh những kết quả quan trọng nói trên, việc thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước đối với tôn giáo thời kỳ này cũng bộc lộ một số hạn chế: Một mặt, do yêu cầu của nhiệm vụ chính trị là giải phóng miền Nam nên chúng ta chưa có điều kiện để thực hiện tốt chính sách đối với tôn giáo. Mặt khác, cũng phải thừa nhận những hạn chế trong nhận thức và định kiến đối với tôn giáo theo hướng giáo điều chủ nghĩa Mác- Lênin về tôn giáo: kinh sách tôn giáo hầu như không được xuất bản, nhiều cơ sở thờ tự không được sửa chữa, đóng cửa hoặc bị trưng dụng,… Những tồn tại trên có nguyên nhân từ nhận thức và vận dụng thiếu sáng tạo khi tiếp thu quan điểm của chủ nghĩa Mác- Lênin về tôn giáo.

Khắc phục những hạn chế nêu trên và ứng xử vấn đề tôn giáo phù hợp với thực tiễn, ngày 01/10/1981, Đảng ta đã có Nghị quyết số 40/NQ-TW, Về công tác đối với các tôn giáo trong tình hình mới. Nghị quyết nêu rõ: “Đảng của giai cấp công nhân có trách nhiệm giải phóng quần chúng lao động khỏi mọi áp bức xã hội và áp bức tinh thần, trong đó có việc giải phóng quần chúng khỏi áp bức của tôn giáo”11. Vào thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã chú ý những tồn tại về nhận thức và giải quyết vấn đề tôn giáo, trong đó đặc biệt chú ý “Cần khắc phục nhận thức thiển cận đối với tôn giáo và thái độ thành kiến phân biệt đối xử với người có đạo” (Nghị quyết 24-NQ/TW, ngày 16/10/1990 Về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới),… Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VII nêu rõ: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Đảng và Nhà nước ta tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của nhân dân, thực hiện bình đẳng, đoàn kết lương giáo và giữa các tôn giáo….”12. Qua thực tiễn xây dựng đất nước thời kỳ đổi mới, Đảng ta ngày càng nhận thức rõ hơn, đầy đủ hơn vai trò của đồng bào có tín ngưỡng tôn giáo. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ rõ: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật. Chăm lo phát triển kinh tế, văn hóa, nâng cao đời sống của đồng bào. Đồng bào theo đạo và các vị chức sắc tôn giáo có nghĩa vụ làm tròn trách nhiệm công dân đối với Tổ quốc, sống “tốt đời đẹp đạo”, phát huy những giá trị tốt đẹp về văn hóa, đạo đức của tôn giáo… Nghiêm cấm lợi dụng các vấn đề dân tộc, tín ngưỡng tôn giáo, để hoạt động trái pháp luật và chính sách của Nhà nước, kích động chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, gây rối, xâm phạm an ninh quốc gia”13. Sự nhất quán trong chính sách đối với tín ngưỡng, tôn giáo tiếp tục được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X khẳng định: “Chúng ta thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo tôn giáo của công dân, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo pháp luật. Đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác nhau, đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo. Đấu tranh ngăn chặn các hành vi lợi dụng các vấn đề dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động trái pháp luật, kích động, chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, tôn giáo làm phương hại đến lợi ích chung của đất nước”14. Kế thừa các chính sách đối với tôn giáo trong thực tiễn xây dựng đất nước và bài học rút ra từ vấn đề ứng xử với tôn giáo, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (năm 2016). Điểm đặc biệt của Luật là đã ghi rõ Trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Việc ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có ý nghĩa rất lớn: một mặt, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo, mặt khác, khẳng định chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta về tôn giáo trong tình mới.

Sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, Đảng ta không chỉ tiếp thu quan điểm của các Đại hội trước, mà còn tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Văn kiện Đại Đảng lần thứ XIII ghi rõ: “Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp với quan điểm của Đảng trong giai đoạn mới của đất nước, tôn trọng những giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp của các tôn giáo, động viên chức sắc, tín đồ, các tổ chức tôn giáo sống tốt đời, đẹp đạo, tham gia đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”15. Bàn về Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội, Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người theo quy định của pháp luật. Phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo vào giữ gìn và nâng cao đạo đức truyền thống xã hội, xây dựng đời sống văn hóa ở các khu dân cư, góp phần ngăn chặn các tệ nạn xã hội”16. Chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta đã thu hút được đông đảo chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo ủng hộ, tích cực tham gia công việc kiến quốc, phát triển đất nước. Biểu hiện sinh động của sự ủng hộ đó là, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các tổ chức tôn giáo Việt Nam đã kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn các tổ chức tôn giáo trực thuộc thực hiện nghiêm các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, của các cấp, các ngành trong hoạt động phòng, chống dịch. Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam ban hành văn bản số 071/CV-HĐTS ngày 27/3/2020 về việc thực hiện nghiêm Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chung tay cùng toàn xã hội trong những ngày cao điểm chống đại dịch COVID-19 đã viết: “Tăng ni, các chùa, cơ sở tự viện tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện các bài giảng, hướng dẫn nghi lễ, sinh hoạt Phật pháp bằng hình thức trực tuyến, online, tránh tập trung đông người”17. Trong lời phát biểu của đại biểu đạo Cao Đài đã trích dẫn câu nói của Chưởng pháp Cao Triều Phát trước đây kêu gọi các tôn giáo đoàn kết cùng Chính phủ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược là: “Bàn thờ tôn giáo có nhiều, nhưng bàn thờ Tổ quốc chỉ có một” để gửi đến Thủ tướng Chính phủ thông điệp các tôn giáo ở Việt Nam dù có nhiều tổ chức khác nhau nhưng đồng bào tôn giáo vẫn thống nhất một lòng vì quê hương, vì đất nước, vì Tổ quốc”18. Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam), Chi hội Sài Gòn trong Thông bảo khẩn ngày 26/3/2020 về việc tạm ngừng sinh hoạt của Hội thánh đã viết: “Việc bất đắc dĩ đóng cửa nhà thờ, tạm dừng các sinh hoạt, thờ phượng Chúa hằng tuần của Hội thánh là một quyết định khó khăn, nhưng vì lợi ích chung của Hội thánh và của cộng đồng xã hội, rất mong tôi con Chúa cảm thông và tuân thủ”19. Tòa Giám mục Bùi Chu ban hành Thông báo ngày 28/3/2020 viết: “Ngay tại Rô Ma và biết bao giáo phận trên toàn thế giới, các vị chủ chăn đã phải quyết định ngừng mọi thánh lễ và các sinh hoạt mục vụ có tập trung đông người”20. Ngày 01/4/2020, Hội thánh Cao Đài Ban Chỉnh đạo đã ban hành Đạo thư số 225/ĐT-HT viết: “Để góp phần cùng Chính phủ và toàn dân trong việc phòng, chống dịch, Hội thánh kêu gọi toàn thể chức sắc, chức việc, đạo tâm lưỡng phái nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức với cộng đồng, các dân tộc trong lúc “chống dịch như chống giặc” tích cực tham gia ủng hộ…”21. Trước những vấn đề mới, một lần nữa đặt ra câu hỏi, chúng ta phải vận dụng sáng tạo phương pháp tiếp cận của chủ nghĩa Mác- Lênin và không giáo điều của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tôn giáo. Hồ Chí Minh từng nói: “Dù sao cũng không cấm chúng ta bổ sung “cơ sở lịch sử” của chủ nghĩa Mác- Lênin bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà ở thời đại mình Mác không thể có được. Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng là lịch sử nào? Lịch sử châu Âu là gì? Đây không phải toàn thể nhân loại”22. Đó cũng chính là lý do khi Hồ Chí Minh nói với một nhà báo: “Học thuyết Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giê su có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm của nó là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm của nó là chính sách của nó thích hợp với điều kiện nước ta. Khổng Tử, Giê su, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng có những ưu điểm chung đó sao? Họ đều muốn mưu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội. Nếu hôm nay họ còn sống trên đời này, nếu họ họp lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy”23. Làm sáng tỏ quan điểm nêu trên, tác giả xin dẫn hai câu của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về đạo Phật (một tôn giáo có số lượng tín đồ và cơ sở thờ tự nhiều nhất nước ta): Câu thứ nhất: “Tôn chỉ mục đích của đạo Phật nhằm xây dựng cuộc đời thuần mỹ, chí thiện, bình đẳng, yên vui và lo ấm”. Câu thứ hai: “Đức Phật là đại từ bi cứu khổ cứu nạn. Muốn cứu chúng sinh ra khỏi khổ nạn, Người phải hy sinh tranh đấu, diệt lũ ác ma”24. Nhà cách mạng vĩ đại Hồ Chí Minh đã viết như vậy về đạo Phật, cho chúng ta thấy rằng, Phật giáo có khả năng đi với cách mạng, và ngược lại, cách mạng có khả năng đi cùng Phật giáo. Theo cách nói của Hồ Chí Minh, ta hiểu: sự nghiệp cách mạng của Đảng ta và Phật giáo đều có một cái đích là xây dựng một thế giới hạnh phúc, thì việc có thể cùng nhau đi tới các đích đó là điều dễ hiểu. Mặc dù, cách mạng và tôn giáo khác nhau về phương pháp thực hiện, song, quá trình ấy đều hướng đến cái đích là xây dựng một thế giới hạnh phúc cho con người. Nói về quan hệ giữa Phật giáo và cách mạng, chúng ta không thể không nhớ đến câu nói của Mâu Tử (tín đồ Phật giáo ở Việt Nam vào khoảng cuối thế kỷ thứ II sau Công nguyên): “Xe và thuyền không đi cùng một lối, nhưng đều đưa người tới chốn”…“vàng và ngọc không gây tỳ vết cho nhau, bích ngọc và mã não để chung nhau cũng không sao cả”25. Bàn về vấn đề này, một tác giả đã viết: “Sự nghiệp giải phóng con người không dừng lại sau khi giải phóng dân tộc, mà còn phải tiếp tục giải thoát con người khỏi những niềm đau, nỗi khổ khác của cuộc đời, cắt đứt cái nguồn gốc của các niềm đau khổ ấy. Và, hạnh phúc của con người không ở quyền uy, phú quý”26. Điều này cho thấy, có lẽ không phải giữa cách mạng và Phật giáo chỉ gần nhau ở mục tiêu hay lý tưởng. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói được điều cơ bản của Phật giáo: “đức Phật là bậc đại từ bi cứu khổ cứu nạn”. Cứu khổ cứu nạn cùng là, hay cũng phải là công việc của cách mạng, nếu nó muốn tự biểu hiện là chân chính. Thực tiễn đã chứng minh, trong khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, đồng bào các tôn giáo đã phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, gắn bó đồng hành cùng dân tộc. Đông đảo các chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo tình nguyện đăng ký tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch,…

Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc cho thấy, hầu hết đồng bào có đạo luôn thể hiện tình yêu quê hương đất nước, lòng trung thành với Tổ quốc, đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết. Tác giả Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam đã viết: “Trong bảng hệ giá trị cao đẹp của dân tộc ta, tinh thần yêu nước là một giá trị cốt lõi hàng đầu, là “sợi chỉ đỏ xuyên qua toàn bộ lịch sử Việt Nam từ cổ đại đến hiện đại”27. Tinh thần yêu nước không chỉ là động lực nội sinh to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế, văn hóa Việt Nam mà còn là cơ sở, nền tảng định hướng việc hình thành, phát triển lối sống truyền thống giàu bản sắc dân tộc. “Tinh thần yêu nước được hun đúc trong từng người dân Việt Nam trong đó có một bộ phận đồng bào tôn giáo đã góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Lịch sử dân tộc từ khi dựng nước đến nay đã chứng kiến nhiều sự kiện, nhân vật tiêu biểu trong đồng bào tôn giáo có tinh thần yêu nước nồng nàn, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc”28. Thành công trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 cũng là tiếp nối truyền thống “Cởi áo cà sa, khoác chiến bào” năm xưa! Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng đất nước, quan hệ giữa tôn giáo với cách mạng vẫn còn những điều ngộ nhận. Có tín đồ tôn giáo cho rằng, lãnh đạo một số địa phương đã sử dụng hệ thống các quy định pháp lý để trì hoãn, phủ nhận tính hợp pháp và gây khó khăn cho hoạt động tôn giáo. Song, cũng có những người hẹp hòi, chỉ nhìn vào những hiện tượng, những nhân vật phản dân, phản đạo, mà đánh giá thấp vị trí, vai trò của các tôn giáo đối với cách mạng. Chúng tôi cho rằng, sự phân hóa người tốt, người xấu là một sự bình thường, không chỉ trong các tôn giáo mà trong đội ngũ những người cách mạng cũng có. Điều này đã được Đảng ta chỉ ra: “…trong hàng ngũ những người cách mạng, đã xuất hiện những kẻ cơ hội, một số biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống,…”. Vì vậy, nhận thức và vận dụng sáng tạo vấn đề tôn giáo qua mẫu mực thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là bổ sung và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin.

3. Kết luận:

Đồng bào các tôn giáo là một bộ phận không tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Để hiện thực hóa mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, chúng ta tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự điều hành của Chính phủ và sự đồng thuận của toàn dân, của đồng bào các tôn giáo. Thiết nghĩ, người cách mạng cần nhìn vào lịch sử dân tộc, cần nhận thức đúng đắn và phát huy giá trị đạo đức, văn hóa của tôn giáo, coi tôn giáo là nguồn lực xã hội đóng góp cho sự ổn định và phát triển của đất nước.

PGS TS Triết học Nguyễn Đức Diện – Hội đồng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Phật học

***

Tài liệu tham khảo:
[1]. V.I.Lênin (1979). Toàn tập, t.12, Nhà xuất bản Tiến bộ Matxcơva, tr.169-170.
[2]. Bertrand Arthur William Russell (1872-1970) là một triết gia, nhà lôgic học, nhà toán học người Anh của thế kỷ XX.
[3]. C.Mác-Ph.Ăngghen (1995). Toàn tập, t.20, Nhà xuất bản. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội. tr. 438-439.
[4]. Nguyễn Đức Diện (2017). Sự khác biệt giữa Phật giáo Việt Nam với Phật giáo Ấn Độ và Phật giáo Trung Quốc, số 7, tr.3.
[5].https://dantri.com.vn/xa-hoi/nhung-tang-ni-coi-ao-ca-sa-khoac-chien-bao-ra-tran-20150909101318763.htm
[6, 28]. Phan Văn Hoàng (2001). Cao Triều phát nghĩa khí Nam Bộ, Nhà xuất bản, Trẻ TP. HCM, tr.140.
[7]. Viện Nghiên cứu tôn giáo. Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia (1998), Hồ Chí Minh về vấn đề Tôn giáo tín ngưỡng, Nhà xuất bản. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.140.
[9]. Nguyễn Thanh Xuân (2020). Tiếp cận và thực hiện quan điểm Mác-Lênin về tôn giáo của một số nước xã hội chủ nghĩa và Việt Nam trước đây. Tạp chí CTTG số 3.
[11]. NQ số 40/NQ-TW (ngày 01/10/1981) Về công tác đối với các tôn giáo trong tình hình mới.
[12]. Đảng Cộng sản Việt Nam (1991). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nhà xuất bản. Sự thật. Hà Nội, tr.78.
[13]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nhà xuất bản. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.128.
[14]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2006). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nhà xuất bản. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.42-43.
[15]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nhà xuất bản. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.51.
[16]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.1, Nhà xuất bản. Chính trị quốc gia. Sự thật, Hà Nội. tr.50.
[8, 10, 17, 18, 19, 20, 21]. Đinh Quang Tiến (2020). Bàn thờ tôn giáo có nhiều, bàn thờ Tổ quốc chỉ có một”- Lời hiệu triệu đồng bào tôn giáo chung sức cùng đồng bào chống “giặc” COVID-19. Tạp chí Công tác Tôn giáo, số 4, tr.22-24.
[22]. Hồ Chí Minh (2002). Toàn tập, tập 1, Nhà xuất bản. Chính trị quốc gia, Hà Nội. tr.465.
[23]. Trần Dân Tiên (1949). Hồ Chí Minh truyện- Thượng Hải. Nhà xuất bản Tam Liên, tr.91.
[24, 25]. Hà văn Tấn (2020). Phật giáo với cách mạng, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 6, tr.6-8.
[26]. Lê Sĩ Thắng (1994). Vấn đề giải phóng và giải thoát con người trong tư tưởng hai vua Trần. Tạp chí Triết học, số 1.
[27]. Trần Văn Giàu (1980). Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam. Nhà xuất bản. Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, tr.100.

BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ:

Một số khái niệm về nhà nước nhìn từ góc độ tôn giáo (tapchinghiencuuphathoc.vn)

Chính sách của các chúa Nguyễn đối với một số tôn giáo ở Đàng Trong (tapchinghiencuuphathoc.vn)

Tôn giáo và vấn đề “bảo vệ nền dân chủ” (tapchinghiencuuphathoc.vn)

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường