Nếu như nhà nước thần quyền dựa vào tôn giáo thì nhà nước vô thần dựa vào học thuyết vô tôn giáo, và cả hai đều là nền tảng tư tưởng cho quyền lực của nhà nước. Do đó, cách đối diện với vấn đề công nhận tôn giáo là trái ngược nhau ở hai hình mẫu này.

ThS. Đậu Công Hiệp Khoa Pháp luật Hành chính – nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội

Tóm tắt: Bài viết trình bày một số khái niệm về nhà nước được nhìn từ góc độ tôn giáo như: nhà nước thần quyền, nhà nước vô thần, nhà nước thế tục. Qua đó, bài viết lý giải cách tiếp cận tôn giáo học về nhà nước, từ đó làm rõ thêm một góc nhìn liên ngành giữa khoa học pháp lý và khoa học tôn giáo.

Abstract: This article describes some notions of the state from the religious aspect, namely: religious state, atheism state and secular state. Throughly, the article explains the religious study access on the state, then clarifies an interdisciplinary view between legal science and study of religion.

Từ khóa: Nhà nước, Tôn giáo, Hiến pháp, Khái niệm.

Key words: State, Religion, Constitution, Notion.

Dẫn nhập: Tôn giáo học xem xét nhà nước với tư cách một chủ thể có mối liên hệ nhất định với các hiện tượng tôn giáo, mà ở đó nhà nước có thể bị tôn giáo chi phối, hóa thân vào tôn giáo nhưng cũng có thể ứng xử một cách trung lập với tôn giáo hay thậm chí là bài tôn giáo, chỉ chấp nhận chủ nghĩa vô thần. Từ đó mà có những khái niệm như nhà nước thần quyền, nhà nước thế tục và nhà nước vô thần[1]. Để xác định một nhà nước đang thực sự nằm ở trạng thái nào trong số đó, người ta không chỉ cần nghiên cứu về các chính sách, quan điểm về tôn giáo của nhà nước đó, cả về mặt văn tự lẫn thực thi; mà còn cần nghiên cứu về bối cảnh lịch sử, văn hóa, chính trị, dân tộc, kinh tế để định hình nên trạng thái đó của nhà nước.

Thực tế, nhà nước không chỉ là đối tượng nghiên cứu của riêng ngành khoa học pháp lý mà nó còn được xem xét bởi các ngành khoa học khác, đặc biệt là trong khối xã hội và nhân văn. Điều này có thể giải thích là do vai trò và vị trí ưu việt của nhà nước trong kiến trúc thượng tầng[2]. Cụ thể, nhà nước tác động tới tất cả các yếu tố khác trong đời sống xã hội theo những xu hướng khác nhau. Sự tác động ấy là đáng kể và đôi khi làm thay đổi một cách sâu sắc sự vận động nội tại của các hiện tượng, sự vật trong một lĩnh vực cụ thể nên các ngành khoa học tương ứng cũng dành sự quan tâm tới đối tượng này. Chẳng hạn, trong lĩnh vực kinh tế học, căn cứ vào cách thức, mức độ, xu hướng can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế, người ta có thể đặt ra các khái niệm như[3]: Nhà nước tối thiểu, nhà nước phúc lợi, nhà nước chỉ huy, nhà nước kiến tạo phát triển.v.v. Trong lĩnh vực tôn giáo học, nhà nước không chỉ phải đặt trong mối liên hệ với các giáo hội mà còn được nhìn nhận với tư cách một chủ thể bảo đảm và thúc đẩy quyền tự do tôn giáo, trong đó có cả quyền lập ra một tôn giáo mới. Vì thế, các khái niệm về nhà nước mà tôn giáo học nghiên cứu phản ánh những mức độ liên hệ khác nhau giữa hai đối tượng: nhà nước và tôn giáo. Cụ thể là gồm một số khái niệm như nhà nước thần quyền, nhà nước thế tục, nhà nước vô thần. Các khái niệm này phản ảnh một góc nhìn hay một hệ quy chiếu tương đối đặc biệt so với lĩnh vực pháp lý[4] nên trước khi đi cụ thể vào nhà nước thế tục, chúng ta cũng cần nghiên cứu về các khái niệm khác để có một cái nhìn tổng quát về nhà nước xét từ góc độ tôn giáo.

1. Nhà nước thần quyền

Khái niệm “Nhà nước thần quyền” thể hiện mối liên hệ chặt chẽ giữa tôn giáo và nhà nước, trong đó quyền lực nhà nước và quyền lực tôn giáo gắn bó và hòa nhập với nhau ở mức độ sâu sắc. Nhà nước thần quyền có thể hiểu là một hình mẫu mà ở đó quyền lực tối cao thuộc về các chức sắc tôn giáo, chính quyền là trung gian quản lý các công việc hàng ngày dựa trên những định hướng của thần linh[5]. Tuy vậy, cách hiểu này có phần bó hẹp và chưa phản ánh một thực tế là không phải mọi nhà nước thần quyền đều thực thi nguyên tắc quyền lực nhà nước đồng nhất với quyền lực tôn giáo mà vẫn có một số quốc gia có sự phân tách nhất định giữa hai loại quyền lực này và kể cả thừa nhận tự do tôn giáo[6]. Như vậy, có thể hiểu rằng bên cạnh những quốc gia thần quyền tuyệt đối thì cũng có những quốc gia thần quyền ở mức độ thấp hơn.

Chẳng hạn, thành quốc Vatican có thể coi là một quốc gia[7] thần quyền tuyệt đối điển hình. Tính tuyệt đối thể hiện ở chỗ, quốc gia này được điều hành bởi Tòa Thánh La Mã mà đứng đầu là Giáo hoàng với quyền lực không chỉ để quản lý thành quốc này về mặt hành chính mà còn có thẩm quyền đối với đời sống thiêng liêng của toàn bộ Hội Thánh Công giáo hoàn vũ[8]. Bên cạnh đó, những thành phần quan trọng nhất bộ máy nhà nước Vatican[9] hoàn toàn được vận hành bởi các chức sắc tôn giáo và thông qua giáo luật. Một quốc gia thần quyền tuyệt đối khác có thể kể tới là Cộng hòa Hồi giáo Iran. Hiến pháp Iran năm 1979[10] không chỉ xác định quyền lực tối cao của đất nước thuộc về Thiên Chúa duy nhất (Allah) (tại Điều 2) mà còn thiết lập một bộ máy nhà nước nằm dưới sự lãnh đạo của một giáo sĩ đứng đầu Hội đồng Thông thái (tại Điều 5 và 107). Về mặt pháp luật, ở Iran, Kinh Koran và Sunna (lời dạy của Nhà tiên tri Mohammed) được cho là ý chí của Thượng đế, là luật tối cao và tất cả các nguồn luật khác (Jima, Quias) đều phải dựa trên sự giải thích các văn bản này[11]. Bên cạnh Iran, nhiều quốc gia Hồi giáo khác cũng duy trì chế độ thần quyền với những mức độ tách biệt giữa tôn giáo và chính trị.

Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới các quốc gia thần quyền tương đối, trong đó mặc dù thừa nhận một quốc giáo nhưng lại có sự tách biệt nhất định giữa chính quyền dân sự với giáo hội. Chẳng hạn, Hiến pháp Thái Lan[12] quy định rằng Phật giáo, mà cụ thể là Phật giáo Tiểu thừa (Theravada) là quốc giáo (Điều 67) và nhà vua phải là một Phật tử (Điều 7). Tuy Hiến pháp quy định quyền lực của nhà vua khá mạnh mẽ nhưng mục đích chính chỉ là nằm ở vấn đề xây dựng hình ảnh một vị vua có khả năng đoàn kết, quy tụ dân tộc[13]. Vai trò của tôn giáo trong bộ máy nhà nước Thái Lan không rõ nét cả về mặt nhân sự lẫn chức năng. Biểu tượng tôn giáo duy nhất trong bộ máy nhà nước là nhà vua thì không có vai trò lớn về mặt thực tế[14]. Một ví dụ đặc sắc khác là ở nước Anh, mặc dù là một quốc gia Châu Âu tiên tiến với những quy định bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo[15] nhưng lại có một tôn giáo chính thức (Anh giáo) và một giáo hội được thiết đặt quyền lực (Giáo hội Anh)[16]. Anh giáo về bản chất là một nhánh của Kitô giáo tách ra từ thời vua Henri VIII (năm 1534) và vẫn bảo lưu nhiều tín điều của tôn giáo này trừ việc đáng kể nhất là không thừa nhận quyền lực của Giáo hoàng ở Rôma[17]. Màu sắc thần quyền ở vương quốc Anh thể hiện ở chỗ Hoàng đế Anh vừa là nguyên thủ quốc gia lại vừa là lãnh đạo Giáo hội Anh, thủ tướng Anh có quyền bổ nhiệm một số chức sắc trong Giáo hội, các chức sắc lớn trong Giáo hội được tham gia Cơ mật viện và Thượng viện Anh[18]. Mặc dù vậy, cùng với những biến đổi của thời gian, tôn giáo dần không còn được quá quan tâm ở Anh và quyền lực cũng như vai trò của Giáo hội Anh cũng giảm dần dù vẫn được thừa nhận là quốc giáo[19].

Đại lễ Vesak 2019 tại chùa Tam Chúc, Hà Nam. Ảnh: St

Tóm lại, khái niệm nhà nước thần quyền có thể được hiểu tương đối rộng, bao hàm cả các chính thể quân chủ cũng như cộng hòa, với những mức độ tách biệt giữa quyền lực tôn giáo và quyền lực nhà nước khác nhau. Điểm chung giữa chúng là sự công nhận một tôn giáo là quốc giáo và dù có thừa nhận cũng như thực thi tự do tôn giáo ở mức độ nào thì trong nội tại xã hội vẫn có một tôn giáo chính thống đóng vai trò là dòng chủ lưu. Mặc dù sự giải thích nguồn gốc quyền lực nhà nước từ các thế lực siêu nhiên không còn thuyết phục và nền dân chủ đã được thiết lập tương đối rộng rãi ở một số quốc gia thần quyền, việc duy trì một quốc giáo duy nhất còn có nhiều ý nghĩa về mặt truyền thống, văn hóa, lịch sử.

2. Nhà nước vô thần

Đối lập một cách toàn diện với nhà nước thần quyền chính là nhà nước vô thần. Trước hết, có thể hiểu một cách đơn giản nhà nước vô thần có một chế độ chính trị dựa trên chủ nghĩa vô thần[20]. Đặc trưng của chủ nghĩa vô thần có thể khái quát ở điểm: không công nhận đấng siêu nhiên, với hình thức có thể mang tính khẳng định (lập luận, chứng minh, phản bác sự tồn tại của thần thánh) nhưng cũng có thể mang tính bất khả tri (không thể hiểu, nói, tin vào sự tồn tại của thần thánh). Chủ nghĩa vô thần có cơ sở triết học và xuất hiện gần như song hành với các dòng tư tưởng thần quyền. Chẳng hạn từ rất sớm tại Ấn Độ đã có trường phái Lokàyata phủ nhận sự tồn tại của các thần Bà-la-môn[21]. Gần đây, các dòng tư tưởng mang tính vô thần đáng kể phải nói tới Chủ nghĩa Hiện sinh và Chủ nghĩa duy vật biện chứng với những ảnh hưởng lớn của chúng[22]. Mặc dù đứng trên lập trường không thừa nhận sự tồn tại của đấng siêu nhiên nhưng cách hành xử của nhà nước vô thần đối với vấn đề tôn giáo có thể có sự khác nhau. Cũng giống như ở nhà nước thần quyền, các nhà nước vô thần có thể chia ra thành hai khuynh hướng, đầu tiên là chống lại tôn giáo một cách tuyệt đối, nghiêm cấm mọi sinh hoạt tôn giáo; hai là vẫn cho phép tự do tôn giáo, thực hành niềm tin tôn giáo trong khi xác lập một chế độ chính trị dựa trên hệ tư tưởng vô thần. Các khuynh hướng này được thể hiện một cách rõ nét trong lịch sử như sau:

Đối với những quốc gia có khuynh hướng bài tôn giáo, dễ thấy rằng tư tưởng này có điểm trái ngược với những tiêu chuẩn quốc tế về tự do tôn giáo thời hiện đại.

Vì vậy, những minh chứng về các quốc gia bài tôn giáo chỉ có thể tìm thấy trong quá khứ. Cụ thể, tại nước Pháp[23] trong giai đoạn hậu cách mạng (từ 1789 đến 1801) đã xuất hiện trào lưu bài tôn giáo được thực hiện bởi chính quyền của Robespierre. Mặc dù Điều 6 và 10 của Tuyên ngôn dân quyền và nhân quyền 1789 khẳng định quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo nhưng chính quyền lúc bấy giờ lại thực hiện nhiều chính sách chống lại Kitô giáo, là quốc giáo của Pháp vào thời kỳ trước cách mạng.

Cuộc đàn áp tôn giáo này bao gồm nhiều biện pháp, từ tịch thu tài sản của nhà thờ, hủy bỏ quyền thu thuế của giáo hội cho đến trục xuất, tử hình nhiều giáo sĩ. Những chính sách chống lại Kitô giáo không đơn thuần chỉ là sự tấn công vào giới tăng lữ vốn được coi là kẻ thù của cách mạng mà thực tế đã phản ánh những tư tưởng mang tính vô thần. Cụ thể là nền tảng tư tưởng cho điều đó đến từ cao điểm của phong trào Khai sáng, với chủ nghĩa vô thần được đề cao và lý trí được coi trọng hơn đức tin.

Một ví dụ khác là tại Mexico[24] từ 1917 và cao điểm là 1924-1929 dưới thời Tổng thống Plutarco Elías Calles. Hiến pháp năm 1917 Mexico ngăn cấm quyền tự do tôn giáo và từ 1924, chính quyền Calles thực hiện rất nhiều chính sách chống lại giáo hội. Đặc biệt là Luật hình sự cải cách đã đặt giáo hội ngoài vòng pháp luật, tước mọi quyền tự do cá nhân của các giáo sĩ. Một lý giải được đưa ra là do Calles là thành viên của Hội Tam điểm cũng như chịu ảnh hưởng lớn từ chủ nghĩa Mác nên rất có thành kiến với đạo Công giáo. Nói chung, sự tồn tại của nhà nước vô thần theo khuynh hướng bài tôn giáo triệt để là không nhiều và không mang tính điển hình. Điều này cũng phần nào phản ánh tính hiện thực của tôn giáo, với sự cố kết lâu dài trong đời sống tâm linh cũng như văn hóa của người dân nên khó có thể phá bỏ trong một thời gian ngắn.

Một khuynh hướng khác mang tính ôn hòa hơn trong mối liên hệ giữa nhà nước vô thần với tôn giáo đó là vẫn chấp nhận tự do tôn giáo trên cơ sơ ý thức hệ vô thần. Đây là điều thường gặp ở các nước xã hội chủ nghĩa lấy học thuyết của chủ nghĩa Mác – Lênin làm nền tảng tư tưởng.  Về cơ bản thì quan điểm triết học của Mác mang màu sắc vô thần sâu sắc, với mệnh đề “tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân” và chủ trương xây dựng chủ nghĩa cộng sản “bắt đầu ngay lập tức từ chủ nghĩa vô thần”[25]. Tuy nhiên, sự vận dụng nội dung của chủ nghĩa Mác về tôn giáo vào thực tiễn các nước xã hội chủ nghĩa là có khác biệt, thậm chí là mềm mỏng hơn với mục đích tránh gây ra những xung đột chính trị. Điều này thể hiện trong quan điểm của Lênin: “Đấu tranh chống lại các thành kiến tôn giáo thì phải cực kỳ thận trọng. Trong cuộc hiến đấu ấy, ai làm tổn thương đến tình cảm tôn giáo, người đó sẽ thiệt hại lớn”[26]. Vì vậy, thực tế các nước xã hội chủ nghĩa hầu hết[27] vẫn thể hiện quyền tự do tôn giáo từ rất sớm, chẳng hạn ở Điều 124, Hiến pháp 1936 của Liên Xô[28], Điều 86 Hiến pháp 1954 của Trung Quốc[29], Điều 11 Hiến pháp 1948 của Triều Tiên[30]. Dù vậy, trên thực tế thái độ của các nhà nước xã hội chủ nghĩa đối với tôn giáo kể từ thời kỳ Stalin lại nhấn mạnh tính giai cấp trong tôn giáo, và đặc biệt đề cao chủ nghĩa vô thần, thậm chí đẩy lên tới mức coi việc giải quyết vấn đề tôn giáo là “một mất, một còn” của cuộc đấu tranh giai cấp. Điều này đã chi phối cả Quốc tế Cộng sản vào những năm ba mươi của thế kỷ XX và ảnh hưởng không nhỏ đến các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, châu Á và Mỹ -Latinh trong một thời gian nhất định[31].

3. Nhà nước thế tục

Một khái niệm có thể dễ dàng chấp nhận về nhà nước thế tục đó là một nhà nước dựa trên chủ nghĩa thế tục, ở đó nhà nước trung lập về tôn giáo không ủng hộ cho cả tôn giáo lẫn phi tôn giáo[32]. Như vậy, điểm mấu chốt cần phải làm rõ đó là chủ nghĩa thế tục, hay cụ thể hơn là khái niệm “thế tục”. Điều này sẽ còn được trình bày một cách kỹ lưỡng hơn ở mục sau, liên quan đến cơ sở triết học của nhà nước thế tục; tại đây chúng ta tạm hiểu một cách chung nhất rằng chủ nghĩa thế tục là một thế giới quan phát xuất từ phong trào thế tục hóa, quá trình tinh thần về sự chia cách giữa nhà nước và tôn giáo và các quá trình cụ thể về việc ban giao tài sản, quyền lực của các cơ sở tôn giáo cho nhà nước hay các thế lực trần tục. Nó đưa đến việc các chức năng chính trị, kinh tế, khoa học thoát ra khỏi ảnh hưởng của tôn giáo, tạo ra một nhà nước trung lập về niềm tin tôn giáo[33]. Về thuật ngữ thế tục, cách sử dụng trong tiếng Việt có sự khác biệt nhất định so với nước ngoài. Trong tiếng Anh, tính từ “thế tục” là “secular”, có bắt nguồn từ chữ “saecula” trong tiếng Latin, có nghĩa là “thuộc một thời đại, một thế hệ”. Do học thuyết Kitô giáo cho rằng Thiên Chúa tồn tại bên ngoài thời gian (vĩnh hằng, vô thủy, vô chung) nên từ “saecula” về sau (từ thời Trung cổ) được dùng để chỉ sự khác biệt giữa những vấn đề của cuộc đời với vấn đề của tôn giáo[34]. Còn trong tiếng Pháp, bên ngoài một từ tương đối gần với tiếng Anh là “Séculier” thì “thế tục” còn được dịch là “laïcié”, với tính từ là “laïc” có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp là “laikos”, có nghĩa là “thuộc về nhân dân”, trái nghĩa với từ “klerikos” nghĩa là “thuộc về giáo sĩ”[35]. Như vậy, trong thuật ngữ tiếng Anh và Pháp, nguồn gốc từ nguyên của chữ “thế tục” có phần phức tạp. Trong tiếng Việt, “thế tục” được hiểu đơn giản là “thói tục ở đời”[36], trong đó “tục” có nghĩa là “trần thế” và đối lập với tôn giáo[37]. So sánh với hai ngôn ngữ trên thì việc sử dụng từ “thế tục” trong tiếng Việt là trực tiếp về mặt ý nghĩa của từ gốc Hán hơn. Nói chung, dù về mặt từ ngữ có thể có những sai biệt nhưng cơ bản về thuật ngữ khoa học thì nhà nước thế tục cần đảm bảo đặc điểm quan trọng nhất là về sự công nhận tôn giáo. Cụ thể, nhà nước giữ vai trò trung lập, không thiết lập một tôn giáo nào là quốc giáo và cũng không dựa trên các chủ thuyết vô thần. Do đó, nhà nước tách rời với các giáo hội nhưng cũng không đứng trên nền tảng một tổ chức chính trị vô thần. Đây là điểm khác biệt rõ rệt nhất giữa nhà nước thế tục với nhà nước thần quyền và nhà nước vô thần.

Về quyền tự do tôn giáo, mặc dù không phải mọi nhà nước thần quyền cũng như vô thần đều không chấp nhận tự do tôn giáo nhưng đây vẫn là điểm nhấn thường được nhắc tới cùng nhà nước thế tục. Chẳng hạn như ở định nghĩa của Donald E. Smith: “nhà nước thế tục là nhà nước đảm bảo được sự tự do tôn giáo của cá nhân và các tổ chức, nhìn nhận mỗi cá nhân như là một công dân bất kể tôn giáo của anh ta là gì, không có sự liên kết về mặt thể chế  với một tôn giáo riêng biệt nào và cũng không thúc đẩy hoặc cản trở bất kỳ tôn giáo nào”[38]. Điểm quan trọng là đối với các nhà nước thế tục, quyền tự do tôn giáo được gắn chặt với cá nhân và bảo đảm một cách tuyệt đối. Mục đích của điều đó không nhằm để thỏa hiệp về mặt chính trị hay xây dựng một hình ảnh tốt đẹp về chính sách tôn giáo mà phải thực sự coi các quyền đó là gắn với nhu cầu, lợi ích của từng cá nhân. Hơn thế nữa, tự do tôn giáo còn được nhìn nhận như là một chiều cạnh của bình đẳng tôn giáo_ một khái niệm rộng hơn, đòi hỏi các yêu cầu khác, bên cạnh sự bảo đảm quyền tự do tôn giáo của cá nhân như: (1) Đối xử bình đẳng giữa các tôn giáo về quyền lợi và nghĩa vụ; (2) Không can thiệp vào nội bộ tôn giáo; (3) Khoan dung tôn giáo; và (4) Trong những hoàn cảnh đặc biệt, cần phải cân nhắc đến tính đặc thù của tôn giáo[39].

4. Kết luận

Như vậy, thông qua việc khảo sát ba khái niệm về nhà nước từ góc độ tôn giáo, bao gồm: nhà nước thần quyền, nhà nước vô thần và nhà nước thế tục, chúng ta có thể thấy: xét cho cùng, yếu tố tôn giáo chính là một phần làm nên quyền lực nhà nước ở cả nhà nước thần quyền lẫn nhà nước vô thần. Nếu như nhà nước thần quyền dựa vào tôn giáo thì nhà nước vô thần dựa vào học thuyết vô tôn giáo, và cả hai đều là nền tảng tư tưởng cho quyền lực của nhà nước. Do đó, cách đối diện với vấn đề công nhận tôn giáo là trái ngược nhau ở hai hình mẫu này. Mặc dù có thể chấp nhận sự đa dạng tôn giáo nhưng ở nhà nước thần quyền cũng như nhà nước vô thần, luôn có một nền tảng tư tưởng không thể thay thế, đó tương ứng là một tôn giáo chủ lưu và một học thuyết vô thần. Với nhà nước thế tục, nền tảng phi tôn giáo của nó cũng thể hiện ở sự tách rời giữa quyền lực nhà nước với các quan điểm tôn giáo. Điều này tạo nên tính trung lập và tách biệt giữa nhà nước thế tục với vấn đề tôn giáo và tạo nên đặc điểm rõ nét nhất của nhà nước thế tục.

Sự va chạm giữa các khái niệm trên cũng là một thực tế trong nghiên cứu bởi nếu chỉ lấy một vài tiêu chí như sự công nhận tôn giáo hay mức độ quy định về quyền tự do tôn giáo thì sẽ không thể nào phân định chính xác được. Vì vậy, việc xác định chính xác một nhà nước đương đại nào là thế tục hay vô thần hay thần quyền là rất khó khăn[40]. Thực tế cho thấy đã có nhiều quốc gia chọn những giải pháp dung hòa (không tuyệt đối thần quyền lẫn vô thần) để bảo vệ truyền thống và tạo nên sự đoàn kết dân tộc[41].

Vì vậy, mức độ thế tục hóa ở cả nhà nước vô thần và thần quyền đều trở nên đáng kể và có thể đặt ra những khái niệm nhỏ hơn để phân định chúng. Chẳng hạn, những nhà nước chỉ công nhận một tôn giáo và sử dụng luật tôn giáo là cao nhất (như Iran, Arab Saudi) có thể gọi là nhà nước thần quyền tuyệt đối. Với những nước tuy có một quốc đạo nhưng vẫn cam kết tôn trọng các tôn giáo khác thì có thể coi là ứng với mô hình dân tộc – tôn giáo. Các nước như vậy hiện nay khá nhiều, về mặt Phật giáo chủ lưu có thể nói đến Lào, Campuchia, Thái Lan, Bhutan, Miến Điện[42]; về mặt Hồi giáo chủ lưu có thể nói đến Indonesia, Malaysia, Ai Cập, Pakistan[43]; về mặt Kitô giáo chủ lưu có thể nói đến Argentina, El Salvador (Công giáo La Mã), Georgia, Hy Lạp (Chính thống giáo)[44].

Tóm lại, góc nhìn về tôn giáo cho chúng ta một cách tiếp cận khá đặc biệt về nhà nước. Nó không chỉ liên quan tới các chính sách cũng như quy định của pháp luật trong lĩnh vực tôn giáo mà còn liên hệ tới vấn đề nguồn gốc quyền lực nhà nước, vai trò của các giáo hội trong đời sống chính trị. Điều này cũng phần nào phản ánh thực tế sống động của hiện tượng nhà nước trong thực tế xã hội.

ThS. Đậu Công Hiệp Khoa Pháp luật Hành chính – nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội Bài viết này được thực hiện trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu khoa học: “Lý luận, thực tiễn về nhà nước thế tục trên thế giới và một số gợi mở cho Việt Nam” của Trường Đại học Luật Hà Nội.

***

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bộ Giáo dục và đào tạo, Giáo trình những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014, trang 138-140. 2. Đậu Công Hiệp. Nhà nước nhìn từ góc độ kinh tế học – một số khái niệm và lý thuyết cơ bản, Tạp chí Pháp luật và phát triển, sô 9-11/2019. 3. Webster's Encyclopedic Unabridged Dictionary of the English Language (1989 edition). 4. Đỗ Quang Hưng, Về xây dựng nhà nước pháp quyền về tôn giáo, Tạp chí Mặt trận, tháng 8/2018 5. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật so sánh, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2009, trang 337 6. Tô Văn Hòa, Hiến pháp các quốc gia ASEAN Lịch sử hình thành và phát triển, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2013, trang 222. 7. Vũ Dương Ninh, Lịch sử văn minh thế giới, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007, trang 297, 298 8. Trịnh Ngọc Minh, Đối thoại với các nền văn hóa - Vương quốc Anh, Nxb Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, 2013, trang 99-107. 9. Bullivant, Stephen; Lee, Lois (2016). A Dictionary of Atheism. Oxford University Press, p.74. 10. Trịnh Thanh Tùng, Triết học Ấn Độ cổ đại – nội dung, đặc điểm và ý nghĩa lịch sử, Luận án tiến sĩ Triết học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2019, trang 122. 11. Alberto M.Piedra, The Dechristianization of France during the French Revolution, The Institute of World Politics, 01/2018. 12. Herrera José María, Cristero War (1926–1929), in The Encyclopedia of War, Martel Gordon (Ed), Wiley-Blackwell Publishing house, Vol. 1, 2011 13. C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 42, trang 169. 14. V.I. Lênin, Toàn tập, tập 37, Nxb Tiến bộ, Matxcơva, 1977, trang 221. 15. Trương Ngọc Tuấn, Vai trò của chính quyền địa phương trong thực hiện chính sách tôn giáo ở Thanh Hóa hiện nay, Luận án Tiến sĩ chuyên ngành Chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, 2018, trang 33 16. Madeley, John T. S.; Enyedi, Zsolt (2003). Church and State in Contemporary Europe: The Chimera of Neutrality. Psychology Press. p. 14 17. Barry A. Kosmin and Ariela Keysar (Ed), “Secularism & Secularity: Contemporary International Perspectives”, Hartford, CT: Institute for the Study of Secularism in Society and Culture (ISSSC), 2007. 18. Zuckerman, Phil; Shook, John R. (2017). “Introduction: The Study of Secularism”. In Zuckerman, Phil; Shook, John R. (eds.). The Oxford Handbook of Secularism. New York: Oxford University Press. pp. 1–17. 19. Alain Rey (dir.), Dictionnaire historique de la langue française, éd. Le Robert, 1998, p. 1961. 20. Thanh Nghị, Từ điển Việt Nam, Thời Thế xuất bản, Sài Gòn, 1952, trang 1310. 21. Đào Duy Anh, Hán Việt từ điển giản yếu, Quyển hạ, Trường Thi xuất bản, Sài Gòn 1957, trang 318. 22. Donald E. Smith (1977), India as a Secular State, Princeton Press University, Princeton. 23. Nguyễn Hồng Dương, Bình đẳng tôn giáo – diễn trình và khái niệm; Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, số 6/2019. 24. Đậu Công Hiệp, Những giá trị cơ bản của Hiến pháp Bhutan và bài học đối với Việt Nam, Tạp chí Luật học, số 10/2017.

CHÚ THÍCH [1] Thậm chí có thể chia các xu hướng đối xử của nhà nước với tôn giáo nhỏ hơn thành: (1) Nhà nước đối kháng với tôn giáo; (2) Nhà nước phân tách hoàn toàn với tôn giáo; (3) Nhà nước vừa phân tách vừa thừa nhận; (4) Nhà nước vừa phân tách vừa hợp tác; và (5) Nhà nước thống nhất với giáo hội. Theo: Vương Xuân Tình, Quan hệ của Nhà nước với Tôn giáo trên thế giới, Tạp chí Dân tộc học, Số 4/2019. [2] Theo triết học Mác-Lênin, nhà nước là một trong những bộ phận quan trọng nhất của kiến trúc thượng tầng. Điều đó không chỉ thế hiện trong mối quan hệ đan xen và chi phối lẫn nhau gữa nhà nước với các bộ phận khác của kiến trúc thượng tầng mà còn ở chỗ nhà nước là yếu tố tác động trực tiếp và mạnh nhất tới cơ sở hạ tầng. Xem: Bộ Giáo dục và đào tạo, Giáo trình những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014, trang 138-140. [3] Xem thêm: Đậu Công Hiệp. Nhà nước nhìn từ góc độ kinh tế học – một số khái niệm và lý thuyết cơ bản, Tạp chí Pháp luật và phát triển, sô 9-11/2019. [4] Thường thì trong lĩnh vực pháp luật, các khái niệm về nhà nước thường được tạo thành từ việc nhìn nhận nhà nước dưới một số hệ quy chiếu như: Hình thức chính thể (nhà nước cộng hòa, nhà nước quân chủ), Hình thức cấu trúc (nhà nước liên bang, nhà nước đơn nhất), Hình thái kinh tế - xã hội (nhà nước chủ nô, nhà nước phong kiến, nhà nước tư sản, nhà nước xã hội chủ nghĩa). [5] Webster's Encyclopedic Unabridged Dictionary of the English Language (1989 edition). [6] Đỗ Quang Hưng, Về xây dựng nhà nước pháp quyền về tôn giáo, Tạp chí Mặt trận, tháng 8/2018. [7] Về tư cách quốc gia của thành quốc Vatican, Hiệp ước Lateran năm 1929 đã xác định đây là một quốc gia với chủ quyền riêng và được điều hành bởi Tòa Thánh. [8] Theo giáo lý Công giáo (Điều 781 và 857), Hội Thánh bao gồm toàn bộ thành phần dân Chúa, tức là tín đồ Công giáo trên toàn thế giới, và mặc dù thuộc về nhiều quốc gia khác nhau nhưng dân Chúa chịu sự lãnh đạo về mặt tinh thần của Giáo hoàng (Giám mục giáo phận Rôma), người đứng đầu Giám mục đoàn, được coi là đấng kế vị của Thánh Phêrô Tông đồ, mục tử tối cao của Hội Thánh. Xem: Ủy ban Giáo lý đức tin Hội đồng Giám mục Việt Nam, Sách giáo lý của hội thánh Công giáo, Nxb Tôn giáo, 2010. [9] Bộ máy quản lý công việc của thành quốc Vatican được gọi Giáo triều Rôma (Roma curia), đồng thời có quyền hướng dẫn đời sống thiêng liêng của tín đồ Công giáo. Giáo triều Rôma bao gồm các bộ phận văn phòng (Phủ quốc vụ), các Thánh bộ, các Tòa án, các Hội đồng tư vấn, cơ sở nghiên cứu, bộ phận giúp việc, quân đội. Xem thêm tại: https://www.britannica.com/topic/Roman-Curia, truy cập ngày 31/01/2022. [10] Xem tại: https://www.servat.unibe.ch/icl/ir00000_.html#A107_ truy cập ngày 31/01/2022. [11] Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật so sánh, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2009, trang 337. [12] Xem tại: https://www.constituteproject.org/constitution/Thailand_2017.pdf?lang=en truy cập ngày 31/01/2022. [13] Tô Văn Hòa, Hiến pháp các quốc gia ASEAN Lịch sử hình thành và phát triển, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2013, trang 222. [14] Thậm chí, theo Andrew MacGregor Marshall, nhà vua chỉ là “bù nhìn” của giới tinh hoa quân sự và kinh doanh. Nhà vua được nâng lên vị trí cao quý của ông một cách có chủ đích để các tầng lớp cầm quyền truyền thống có thể tiếp tục nắm giữ quyền lực trong khi từ chối dân chủ đúng nghĩa cho người dân Thái Lan. Xem thêm: Andrew MacGregor Marshall, A Kingdom in Crisis: Thailand’s Struggle for Democracy in the Twenty-First Century, Zed Books, 2015. [15] Điển hình nhất là tại Điều 9, Đạo luật nhân quyền 1998 của Anh. [16] https://www.parliament.uk/about/living-heritage/transformingsociety/private-lives/religion/overview/church-and-religion/ truy cập ngày 01/02/2022. [17] Xem: Vũ Dương Ninh, Lịch sử văn minh thế giới, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007, trang 297, 298. [18] https://vuongquocanh.com/ton-giao-o-vuong-quoc-anh/ truy cập ngày 01/02/2022. [19] Xem thêm: Trịnh Ngọc Minh, Đối thoại với các nền văn hóa - Vương quốc Anh, Nxb Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, 2013, trang 99-107. [20] Bullivant, Stephen; Lee, Lois (2016). A Dictionary of Atheism. Oxford University Press, p.74. [21] Trịnh Thanh Tùng, Triết học Ấn Độ cổ đại – nội dung, đặc điểm và ý nghĩa lịch sử, Luận án tiến sĩ Triết học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2019, trang 122. [22] Trào lưu hiện sinh (Existentialism) với những nhân vật như Nietzsche, Sartre có quan điểm nhấn mạnh sự hiện hữu của cá nhân với tư cách chủ thể tự có ý thức, tự quyết định số phận của mình. Xu hướng phản kháng tôn giáo của mỗi nhà triết học hiện sinh có thể khác nhau nhưng cơ bản đều xuất phát từ luận điểm trên. Xem thêm: Nguyễn Tiến dũng, Phan Thị Quý, Quan niệm vô thần của J.P-Sartre và ý nghĩa nhân sinh của nó, Tạp chí Khoa học Đại học Huế, chuyên san Khoa học Xã hội và nhân văn, số 6C, 2020. Chủ nghĩa duy vật biện chứng là được coi là nền tảng vững chắc để phủ nhận thần thánh với luận điểm chính là: “Trong thế giới, mọi hiện tượng đều vận động theo những quy luật tự nhiên khách quan, không có chỗ tồn tại cho những siêu nhiên”. Theo đó, chủ nghĩa vô thần dựa trên thế giới quan duy vật biện chứng được gọi tên là “chủ nghĩa vô thần khoa học” và được coi là đỉnh cao của chủ nghĩa vô thần. Xem: Nguyễn Hữu Vui, Trương Hải Cường, Chủ nghĩa vô thần khoa học, Nxb Sách giáo khoa Mác – Lênin, Hà Nội, 1985, trang 3, 4. [23] Phần này chúng tôi tham khảo chủ yếu tại: Alberto M.Piedra, The Dechristianization of France during the French Revolution, The Institute of World Politics, 01/2018. [24] Phần này chúng tôi tham khảo chủ yếu tại: Herrera José María, Cristero War (1926–1929), in The Encyclopedia of War, Martel Gordon (Ed), Wiley-Blackwell Publishing house, Vol. 1, 2011. [25] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập,  Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 42, trang 169. [26] V.I. Lênin, Toàn tập, tập 37, Nxb Tiến bộ, Matxcơva, 1977, trang 221. [27] Chỉ có một ngoại lệ là ở Hiến pháp 1976 của Albany, tại điều 37: “Nhà nước không công nhận bất cứ tôn giáo nào và ủng hộ truyền bá chủ nghĩa vô thân với mục đích khắc sâu thế giới quan duy vật khoa học vào người dân”. Như vậy có thể coi đây là một điển hình của nhà nước vô thần bài tôn giáo như một số nước đã đề cập ở đoạn trước. Xem tại: http://bjoerna.dk/dokumentation/Albanian-Constitution-1976.htm#Chapter%20I%20Social%20Order Truy cập ngày 02/02/2022. [28] Xem tại: http://www.departments.bucknell.edu/russian/const/36cons04.html#chap10 Truy cập ngày 02/02/2022. [29] Xem tại: http://www.lawinfochina.com/display.aspx?lib=law&id=14754&CGid Truy cập ngày 02/02/2022. [30] Xem tại: https://www.hrnk.org/uploads/pdfs/DPRK_Constitution.pdf Truy cập ngày 02/02/2022. [31] Theo: Trương Ngọc Tuấn, Vai trò của chính quyền địa phương trong thực hiện chính sách tôn giáo ở Thanh Hóa hiện nay, Luận án Tiến sĩ chuyên ngành Chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, 2018, trang 33. [32] Madeley, John T. S.; Enyedi, Zsolt (2003). Church and State in Contemporary Europe: The Chimera of Neutrality. Psychology Press. p. 14. [33] Barry A. Kosmin and Ariela Keysar (Ed), “Secularism & Secularity: Contemporary International Perspectives”, Hartford, CT: Institute for the Study of Secularism in Society and Culture (ISSSC), 2007. [34] Zuckerman, Phil; Shook, John R. (2017). “Introduction: The Study of Secularism”. In Zuckerman, Phil; Shook, John R. (eds.). The Oxford Handbook of Secularism. New York: Oxford University Press. pp. 1–17. [35] Alain Rey (dir.), Dictionnaire historique de la langue française,  éd. Le Robert, 1998, p. 1961. [36] Thanh Nghị, Từ điển Việt Nam, Thời Thế xuất bản, Sài Gòn, 1952, trang 1310. [37] Đào Duy Anh, Hán Việt từ điển giản yếu, Quyển hạ, Trường Thi xuất bản, Sài Gòn 1957, trang 318. [38] Donald E. Smith (1977), India as a Secular State, Princeton Press University, Princeton. [39] Nguyễn Hồng Dương, Bình đẳng tôn giáo – diễn trình và khái niệm; Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, số 6/2019. [40] Điều này đến từ nhiều yếu tố, bao gồm cả chính trị, pháp lý, văn hóa và đặc biệt là sức ép của toàn cầu hóa. Theo ý kiến của GS.TS. Đỗ Quang Hưng tại: http://daidoanket.vn/gs-do-quang-hung-noi-ve-doi-song-ton-giao-o-viet-nam-cai-can-co-va-cai-da-co-phan-1-439763.html [41] Chẳng hạn đất nước Bhutan là một điển hình trong việc bảo vệ các giá trị truyền thống Phật giáo và các giá trị nhân văn hiện đại như bảo vệ môi trường, hạnh phúc quốc gia. Xem thêm: Đậu Công Hiệp, Những giá trị cơ bản của Hiến pháp Bhutan và bài học đối với Việt Nam, Tạp chí Luật học, số 10/2017. [42] Xem: Điều 9, Hiến pháp Lào năm 1991; Điều 43, Hiến pháp Campuchia năm 1999; Điều 67, Hiến pháp Thái Lan năm 2017; Điều 3, Hiến pháp Bhutan năm 2018; Điều 361, Hiến pháp Myanmar năm 2008. [43] Xem: Điều 29, Hiến pháp Indonesia năm 2002; Điều 3, Hiến pháp Malaysia năm 2009; Điều 2, Hiến pháp Ai Cập năm 2014; Điều 2, Hiến pháp Pakistan năm 2010. [44] Xem: Điều 2, Hiến pháp Argentina năm 1949, Điều 3, Hiến pháp El Salvador năm 1983; Hiến pháp Georgia năm 1995; Điều 3, Hiến pháp Hy Lạp năm 1975.