Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu Không được “lợi dụng tôn giáo” để xúc phạm danh dự cá nhân, tổ chức khác

Không được “lợi dụng tôn giáo” để xúc phạm danh dự cá nhân, tổ chức khác

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tác giả: Tuệ Lâm

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Khong Duoc Loi Dung Ton Giao De Xuc Pham Danh Du Ca Nhan To Chuc Khac 1

Thời gian gần đây, chúng ta thấy xuất hiện hiện tượng đáng báo động, đó là một nhóm tín đồ phật tử của một Tự Viện đã lợi dụng danh nghĩa Phật giáo có hành vi, lời nói “xúc phạm, vu khống, gây xung đột chia rẽ” tôn giáo và xã hội. Họ kịch liệt lên án nội dung liên quan đến chủ đề “chữa lành và yêu thương mình” bằng những ngôn từ quy chụp, thiếu căn cứ, thiếu tính thuyết phục và thậm chí mang tính xúc phạm những cá nhân, tổ chức đang hoạt động trong cơ sở tôn giáo, trong ngành tâm lý học.

Từ trước đến nay, chúng ta vẫn được nghe nhiều bài giảng, những quyển sách, những câu chuyện nói về đề tài “yêu thương bản thân, chữa lành những tổn thương”, khi đọc và suy ngẫm, chúng ta đều cảm nhận những ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đúng tâm lý, đúng đạo lý, khắc phục được những bế tắc, trầm cảm bi quan cho nhiều người, người giảng chỉ chú tâm vào việc cải thiện và phát triển nhân cách, tâm lý con người chứ không mang tính chia rẽ dân tộc, không có hành vi lời nói vi phạm pháp luật.

Khi mỗi công dân phát triển tốt về thể chất, sức khỏe, tinh thần thì càng mang đến nhiều giá trị lợi ích cho xã hội, thế nhưng thời gian qua và cụ thể những ngày gần đây, nhóm phật tử này đã có hành vi quá khích khi liên tục đả kích, bẻ cong ý nghĩa tốt đẹp này bằng những lời lẽ không rõ ràng, quy kết phiến diện, ngôn từ mang tính vu khống, xúc phạm những người thuyết giảng về chủ đề “chữa lành và yêu thương mình”, trong đó bao gồm cả tăng, ni, nhà văn, giáo viên, những người đang công tác trong ngành Tâm lý học…

Hành vi xúc phạm, vu khống người khác được một số phật tử thực hiện bằng hình thức liên tục đăng tải, chia sẻ những nội dung với lời lẽ công kích, quy chụp, bịa đặt thiếu căn cứ như “tà sư, những kẻ phá hoại đất nước, nước ngoài cài cắm, ăn tiền tổ chức nước ngoài, thú vật, ích kỷ, ác quỷ, khốn nạn…” hoặc “có người nghe giảng chữa lành tâm lý thì bị tâm thần”, họ còn đồng loạt lan truyền một câu chuyện như sau: “người trẻ đi du học nước ngoài là lính Pháp qua đây xâm lược Việt Nam, rồi bị Việt Minh bắn chết, một thời gian sau đầu thai vào gia đình Việt Nam, lớn lên tìm cách quay lại nước cũ”. Họ hù dọa các bậc cha mẹ có con đi du học và làm việc ở nước ngoài “coi chừng đứa con mình đẻ ra là lính xâm lược đầu thai để lớn lên bỏ xứ đi về nước cũ. Nó chỉ mượn chỗ để được sinh ra, vì linh hồn nó không đủ sức vượt chặng đường xa tìm về bên kia để đầu thai được”.

Có thể nói, đây là những lời quy chụp, bịa đặt vô căn cứ, vu khống, xúc phạm người khác một cách trắng trợn, tuyên truyền tà kiến, gây chia rẽ tôn giáo, ảnh hưởng uy tín, danh dự nhiều người vô tội khác.

Trong khi bản thân mỗi công dân đều có quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc, điều này đã được pháp luật quy định, họ được lựa chọn cuộc sống cho riêng mình, chỉ cần điều đó không vi phạm pháp luật, không vi phạm đạo đức, không vi phạm thuần phong mỹ tục, và nếu họ vẫn chấp hành tốt mọi quy định pháp luật thì không cá nhân, tổ chức nào được quyền ngăn cản hay lên án họ.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Khong Duoc Loi Dung Ton Giao De Xuc Pham Danh Du Ca Nhan To Chuc Khac 2

Những việc làm của nhóm phật tử này dù đã bị nhiều người lên tiếng góp ý và giải thích nhưng họ vẫn ngoan cố và bác bỏ, họ vẫn thách thức dư luận, tiếp tục hành động lan truyền đăng tải bài viết quy chụp, áp đặt người khác với những lý lẽ phiến diện, ác ý và mang tính bịa đặt vu khống, vi phạm quyền con người.

Việc một nhóm phật tử có hành vi sân si, bát nháo, phát ngôn cẩu thả trên mạng xã hội (MXH) trong những ngày qua, có thể kể đến việc họ xúc phạm và đả kích Sở GD & ĐT Thanh Hóa khi ra đề thi môn Văn có nội dung “yêu thương mình”. Khi đó nhóm phật tử này đã có hành vi cuồng nộ trên MXH với những lời lẽ gây ảnh hưởng đến uy tín cơ quan nhà nước khi cho rằng người ta “ăn tiền nước ngoài” nên mới ra đề thi như vậy, mặc dù nội dung trong đề thi là đề mở và không có gì là sai về ý nghĩa.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Khong Duoc Loi Dung Ton Giao De Xuc Pham Danh Du Ca Nhan To Chuc Khac 3

Ngoài ra, nhóm tín đồ tự viện này còn có những lời lẽ mang tính xung đột, miệt rủa người khác như “Ai cho rằng trước khi thành Phật, đức Phật cũng là phàm phu bình thường, người này sẽ trôi thêm vài nghìn kiếp phàm phu tầm thường tiếp tục. Ai tin rằng trước khi thành Phật, đức Phật thực sự rất thanh tịnh cao siêu, người này sẽ sớm thoát khỏi đời sống thế tục tầm thường.”

Là người học Phật, chúng ta đã từng được nghe các bậc chư tôn giảng dạy “chúng sinh trải qua rất nhiều kiếp luân hồi, trong Kinh sách có ghi lại: khi Phật trú ở thành Xá Vệ (Sàvatthi), nhiều vị tăng đến ngồi bên cạnh, hỏi ngài rằng: “Bạch Đức Thế Tôn, Người đã đi qua bao nhiêu kiếp sống?”.

Đức Phật không đưa ra con số cụ thể, Ngài chỉ cho biết những kiếp sống mà mỗi người trải qua đều nhiều đến không thể đếm hết”.

Các bài giảng của Ngài là tình yêu thương, bình đẳng, “Ta thành Phật thì con người chúng sinh cũng sẽ thành Phật” cho thấy tất thảy không phân biệt là chúng ta đã từng là ai, là giai cấp nào, chỉ cần tinh tấn tu tập, nuôi dưỡng Phật tính thì sẽ trở thành bậc giác ngộ, điều đó giúp chúng ta hiểu rằng “mỗi chúng sinh khi sinh ra, không phải là tự nhiên thành Phật mà phải trải qua tu dưỡng và chuyển hóa để trở nên cao thượng hơn, tốt đẹp hơn”.

“Phàm phu” không phải là sự phỉ báng hay nghĩ xấu về ai đó mà “phàm” tức là một người phàm ở cõi trần tục, chưa đắc bậc Thánh, ngay cả những người tu hành giáo phẩm Thượng tọa, khi thuyết pháp cũng tự nhận mình là “phàm phu” thì những nghiên cứu và kinh điển Phật giáo dẫn chứng trước khi thành Phật, Ngài cũng là một người phàm thì không có gì là sai cả.

Việc tín đồ phật tử mang danh xưng là tín đồ của một cơ sở tôn giáo mà lan truyền những lời lẽ mang tính đàn áp tinh thần, miệt rủa, chỉ trích những ai nói khác quan điểm của mình cho thấy sự sân hận, tham chấp, không giống như người học Phật! Thiết nghĩ, một người thấm nhuần tư tưởng Phật giáo đều hiểu rằng “mỗi người hiểu về đạo Phật theo nhiều cách khác nhau vì ngữ nghĩa Kinh điển Phật giáo vô cùng rộng lớn, bản thân mỗi phật tử chỉ cần bày tỏ quan niệm, suy nghĩ của mình về nội dung nào đó theo cách hiểu của mình là quyền tự do, người phật tử không nên chèn thêm những lời lẽ đe dọa, nguyền rủa người khác khi họ khác với quan niệm của mình.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Khong Duoc Loi Dung Ton Giao De Xuc Pham Danh Du Ca Nhan To Chuc Khac 4

Việc thuyết giảng pháp từ xưa đến nay, vẫn thường có những quan điểm không đồng nhất, như trong thời gian gần đây, chúng ta thấy có những tranh luận về việc “thờ Phật thì nên thờ ở đâu?”

Có người thì cho rằng “thờ Phật chỉ được thờ tầng cao nhất, nếu ở chung cư Penthouse thì chỉ tầng trên cùng mới được thờ Phật còn tầng bên dưới thì không được thờ, nếu thờ sẽ bị mang tội”.

Có người thì không đồng tình trước những quan niệm đó vì người ta cho rằng “Phật không phân biệt, tầng nào thờ cũng được, nếu chỉ có người ở tầng trên cùng mới được thờ Phật thì thiệt thòi cho người bên dưới quá! Vì không ai được thờ Phật trong nhà mình”.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Khong Duoc Loi Dung Ton Giao De Xuc Pham Danh Du Ca Nhan To Chuc Khac 5

Thế nhưng điều đáng nói ở đây là: “nhóm tín đồ của tự viện nói trên đã có hành vi lan truyền thông tin trên mạng xã hội mang tính “áp đặt, đe dọa” người khác bằng những câu chuyện, những hình ảnh có nội dung “thờ Phật tầng dưới là bị cháy nhà, làm ăn lụn bại, bị tai nạn…và họ mang “nhân quả” để đe dọa những ai làm khác với suy nghĩ của họ. Thiết nghĩ, một khi những nhận định chỉ mang tính “tùy biến” thì chúng ta không thể dùng “suy tưởng” để khẳng định nó là “đúng, sai” theo cách bất di bất dịch. Việc mang những lời lẽ, hình ảnh tà kiến, mang Phật ra để áp đặt và dọa dẫm người khác của nhóm tín đồ đã làm cho nhiều người vì không biết nên sợ bị mang tội, từ đó người ta bỏ thờ Phật khi ở tầng dưới, khiến tín ngưỡng tôn thờ Phật bị xa rời, làm hạn chế đi quyền tự do tín ngưỡng của nhiều phật tử, có người thì than trách, chỉ trích “đạo Phật không có tính từ bi”. Điều này là vô cùng nguy hại!

Việc tín đồ và người thuyết giảng lạm dụng khái niệm “nhân quả” một cách tùy tiện, phi lý để quy chụp, dọa dẫm người khác trong thời gian qua đã khiến nhiều người cảm thấy bức bối, tù túng, có người đã phát ngôn những lời không hay khi nghĩ rằng đến với Phật thì chỉ toàn nhận “quả báo”, và những tín đồ này, trong suốt thời gian dài đã lan truyền tràn ngập trên MXH những lời lẽ bịa đặt, vu khống, họ tự vẽ ra những “tội lỗi” hão huyền để quy chụp lên cho người khác, có thể nói đây là những việc làm trái với tinh thần bi mẫn nhà Phật, trái quy định pháp luật, làm cho nhiều người có cái nhìn sai lệch, ác ý với nhà Phật.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Khong Duoc Loi Dung Ton Giao De Xuc Pham Danh Du Ca Nhan To Chuc Khac 6

Không những vậy, họ còn dùng lời lẽ biện xảo cho hành động “cực đoan” của mình bằng cách đưa ra những khẩu hiệu sai lệch với đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật nhà nước như: “nhân dân yêu dân tộc, yêu triều đình, yêu Đảng cực đoan mới có thể bảo vệ đất nước”. Đây là một luận điệu xuyên tạc, nguy hiểm chưa từng có xuất phát từ một cộng đồng tín đồ tôn giáo, khiến cho dư luận lên án, đảng viên không đồng tình và góp phần làm cho những thế lực xấu dựa vào đó để công kích, bôi nhọ tổ chức Đảng.

Như chúng ta biết, “chủ nghĩa cực đoan là trạng thái ủng hộ một sự vật, sự việc, phe phái, … một cách thái quá dẫn tới vi phạm tiêu chuẩn đạo đức xã hội. Ngày nay, thuật ngữ này được dùng chủ yếu ở ngữ cảnh chính trị hay tôn giáo, đề cập đến một hệ tư tưởng có khác biệt rất lớn với các thái độ chính thống xã hội”.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Khong Duoc Loi Dung Ton Giao De Xuc Pham Danh Du Ca Nhan To Chuc Khac 7

Có thể nói, đây là hành vi lợi dụng tôn giáo, lợi dụng chính trị, lợi dụng lãnh tụ để tạo một lớp rào chắn nhằm đe dọa, trấn áp người có quan điểm khác mình.
Trước tình hình an ninh chính trị trong nước, nhóm đệ tử tự danh xưng là người của tự viện nọ tiếp tục có những lời quy chụp vô căn cứ, suy diễn và vu khống người khác bằng những lời lẽ hoàn toàn không có cơ sở, đây được xem là những việc làm mang tính “lợi dụng mạng xã hội, lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân”.

Dưới góc độ nhà Phật, người phật tử phải học được tính từ bi, hỷ xả, tâm phải an thì mới có cái nhìn sâu và đúng đắn, người học Phật phải tự rèn giũa cho mình những kiến thức từ chân lý, chiêm nghiệm sâu sắc lời dạy của đức Phật chứ không hô hào bè phái một cách hời hợt bề ngoài. Không dùng lời lẽ cuồng ngôn, ác ý để chỉ trích người có quan điểm khác. Nếu người tu tập mà không dẹp bỏ được tính tham chấp, hơn thua, vẫn cuồng nộ, cố chấp thì đã đi sai chính pháp.

Về mặt xã hội, một công dân phải có ý thức trách nhiệm với lời nói của mình, phải nhìn nhận và hiểu về sự vật hiện tượng một cách tường tận, khi phát ngôn phải có cơ sở, phải nhìn dưới nhiều góc độ, phải thấy được cái đúng cái sai, phải tôn trọng quyền tự do cá nhân, quyền sống của người khác, không được phép lên án người khác từ những quan niệm “suy diễn” một chiều. Những hành vi lợi dụng đám đông để xúc phạm, vu khống gây ảnh hưởng uy tín, danh dự, tâm lý người khác cần phải bị lên án.

Thời gian qua, nhóm phật tử này đã lợi dụng mạng xã hội để xuyên tạc vu khống người khác và gây bất ổn trên không gian mạng, ảnh hưởng đến đời sống xã hội. Đây là một hành vi lặp đi lặp lại nhiều lần từ nhóm tín đồ phật tử, tạo nên sự hỗn tạp trong tín ngưỡng tôn giáo.

Trước những biến động xã hội, việc giữ gìn an ninh trật tự, giữ gìn sự ổn định trong và ngoài nước là điều hết sức cần thiết hiện nay, tôn giáo càng phải đề cao tinh thần hòa bình, hướng con người đến với lòng từ bi, bác ái, chân thiện mỹ, không tham sân si, giữ tinh thần kham nhẫn và rỗng lặng, tránh tạo ra những xung đột giữa người với người, giữa tổ chức với tổ chức, việc lợi dụng tôn giáo để gây chia rẽ, kích động thù hằn dù dưới bất kỳ hình thức nào, lý do nào cũng tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn.

Có thể nói, nếu hiện tượng này vẫn tiếp tục tái diễn mà không có sự can thiệp hay quản lý nào thì sẽ là ngòi nổ nguy hiểm từ những tín đồ lợi dụng tôn giáo để bóp méo sự thật, tự do hóa tổ chức cá nhân, tự cho mình cái quyền vượt ra khỏi phạm vi kiểm soát của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, của các cơ quan quản lý để tự do truyền bá những nội dung thất thiệt, gây ảnh hưởng đến uy tín cá nhân, tập thể, ảnh hưởng đến cả tổ chức chính trị.

Từ những sự việc trên, thiết nghĩ Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các cơ quan chức năng nhà nước cần phải có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời, không để nhóm tín đồ phật tử, tự viện lợi dụng mạng xã hội để vu khống, xúc phạm cá nhân tổ chức, lợi dụng quyền tự do ngôn luận xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước. Hành vi lợi dụng đám đông tuyên truyền, bịa đặt vu khống xúc phạm người khác là những việc làm cần phải bị lên án, tránh để xảy ra nguy cơ lợi dụng tôn giáo để kích động thù hằn, gây chia rẽ trong và ngoài nước.

Tác giả: Tuệ Lâm

***
Chú thích: Quan điểm giáo dục con người là biết yêu thương chính mình, biết đóng góp, giúp ích cho xã hội và cộng đồng luôn được đề cao trong Phật giáo, được các tổ chức Phật giáo, Trường học, các nhà Tâm lý học ứng dụng đã mang lại những giá trị tích cực cho nhiều người, mang lại giá trị tốt đẹp cho cộng đồng xã hội. Dưới đây là một số link bài viết:
https://soyte.namdinh.gov.vn/home/hoat-dong-nganh/giao-duc-suc-khoe/ban-co-thuc-su-yeu-ban-than-minh-bi-quyet-de-yeu-ban-than-va-hanh-phuc-hon-2885
https://giacngo.vn/thuong-minh-post45578.html
https://www.facebook.com/thiensuthichnhathanh.vn/posts/pfbid06DniS4MMzdticMp4TGczY2FSUVUv51RMArWgKv2PEF66nJVF2j3TJW4XPDB9Wj1Nl

Muốn hạnh phúc, hãy biết thương mình!


https://phatgiao.org.vn/yeu-ban-than-chinh-minh-quan-trong-nhu-the-nao-d47308.html

Làm thế nào để thương yêu chính mình?


https://emdep.vn/triet-ly-song/athien-su-thich-nhat-hanh-va-nhung-bai-hoc-ve-cach-yeu-thuong-20220125093650543.htm
https://www.nguoiduatin.vn/duc-phat-day-hay-yeu-chinh-nguoi-a101000.html

Ta thương yêu bản thân ta nhất


https://vietnamnet.vn/hay-yeu-ban-than-minh-truoc-khi-yeu-nguoi-khac-2012496.html
https://tuoitre.vn/phu-nu-nen-hoc-cach-yeu-thuong-ban-than-20220304094407248.htm

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

0 bình luận

Hộ Cư Pháp Sĩ 18/07/2023 - 07:40

Có những sự thật, phải mất 30 năm mới biết được. Không biết tác giả Tuệ Lâm này có hiềm khích gì với lối sống Từ Bi của Phật dạy hay không ? Mà lại đi ủng hộ tư tưởng “Yêu chính mình ” của mấy vị thiền đăng thế kia ? Đáng tiếc. Đáng tiếc

Trả lời

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường