Trang chủ Chuyên đề Tổ Như Trừng Lân Giác và Sơn môn Liên Phái trong lịch sử Phật giáo Việt Nam

Tổ Như Trừng Lân Giác và Sơn môn Liên Phái trong lịch sử Phật giáo Việt Nam

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

HT.Thích Gia Quang
– Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN,
– Trụ trì chùa Liên Phái, Hà Nội

Nhân duyên do sự thỉnh mời của nhân dân, tín đồ, phật tử chùa Liên Phái, và Phật định ngôi bổ xứ, con về trụ trì chùa Liên Phái từ năm 1992. Từ đó đến nay đã hơn 30 năm, con đã làm được một số việc nho nhỏ để kế đăng tục diệm Chư tổ Hòa thượng Thích Thanh Tuệ sau khi Ngài viên tịch. Với sự trợ duyên của nhân dân phật tử, đặc biệt là Tập đoàn VinGroup và chính quyền địa phương, con đã xây dựng, trùng tu lại chùa, mở mang cảnh quan và con đường từ cổng làng Liên Phái kéo dài từ phố Bạch Mai vào đến cổng chùa.

Một vài việc nhỏ mọn trong việc di dân giải phóng mặt bằng, trả lại cảnh quan cho di tích, tôn tạo chùa cảnh con đã làm được để mong tiếp tục giữ gìn di sản do các thế hệ chư tổ tiền bối để lại, nhưng để xiển dương truyền thống về một ngôi chùa được mệnh danh là di tích lịch sử, lưu giữ những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể qua mấy thể kỷ của vùng đất kinh kỳ giàu truyền thống văn hóa này thì con quả thực đang còn nhiều việc cần phải cố gắng.

Để tìm hiểu lịch sử và các văn bản, khảo cứu nội dung văn vật của chùa Liên Phái và các di tích liên quan đến chùa Liên Phái, Tổ Như Trừng Lân Giác và các bậc cao tăng truyền thừa qua bao thế hệ là những công việc không thể không làm.

Năm 1992 con về trụ trì chùa Liên Phái, lúc đó còn bộn bề biết bao công việc, con tập trung vào việc di dân, kiến thiết, dọn dẹp cảnh quan và tu bổ chùa cảnh.

Dsc 0211

Tháp Cứu Sinh tại chùa Liên Phái, Hà Nội. Ảnh: Minh Minh

Năm 2009 với sự dày công nghiên cứu, sưu tầm, khảo cứu của Giáo sư Nguyễn Tá Nhí, Giáo sư và con (Thượng tọa Thích Gia Quang) đã chủ biên và xuất bản cuốn sách mang tên “Chùa Liên Phái danh lam nổi tiếng Hà thành”.

Cuốn sách lần đầu tiên tập hợp và hệ thống các tư liệu đang có của chùa Liên Phái tính đến thời điểm đó.

Tháng Chạp năm Nhâm Dần (2022), chùa Liên Phái đã cùng Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện HLKHXH Việt Nam tổ chức đoàn các nhà khoa học, các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực đi điền dã và tìm hiểu về chùa Hàm Long ở Bắc Ninh. Sau đó một số nhà nghiên cứu đã đi khảo sát chùa Hộ Quốc ở Hà Nội, chùa Lân và chùa Quỳnh Lâm ở Quảng Ninh cũng như một số địa danh khác có liên quan đến Tổ Như Trừng Lân Giác và sơn môn Liên Phái.

Đặc biệt Trung tâm Tư liệu Phật giáo Việt Nam thuộc Phân viện NCPHVN tại Hà Nội do Thượng tọa Thích Tiến Đạt làm Giám đốc đã dày công thực hiện việc số hóa, hệ thống lại các nguồn tư liệu hiện có để phục vụ cho việc bảo quản, tái bản và cung cấp tư liệu cho các nhà nghiên cứu trong việc nghiên cứu, tra cứu về Tổ Như Trừng Lân Giác và Sơn môn chùa Liên Phái.

Về cuộc đời và sự nghiệp tu hành của Tổ và quá trình xây dựng và phát triển của chùa Liên Phái qua các thời kỳ lịch sử, con xin được sơ lược.

Tổ Như Trừng Lân Giác (1696-1733), thế danh là Trịnh Thập. Ngài là đời thứ 37 tông Lâm Tế. Ngài sinh trưởng trong gia đình quý tộc họ Trịnh tại kinh thành Thăng Long, triều vua Lê Hy Tông. Ngay từ thuở nhỏ, Ngài tỏ rõ là người thông minh, học rộng biết nhiều. Khi trưởng thành, lại hội đủ tài, đức nên vua Lê Hy Tông đã gả con gái cho Ngài và cấp một khu đất rộng ở tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương, phủ Phụng Thiên.

Một lần, Ngài sai người đào gò đất trong khu đất được vua cấp để làm ao thả cá thì thấy bông sen lớn, Ngài cho là điềm xuất gia. Sau đó, Ngài đã cải gia vi tự – đổi nhà làm chùa, đặt tên là Liên Hoa (nay là chùa Liên Phái, Hà Nội). Sau đó, ngài xin vua Lê Hy Tông xả tục xuất gia và được nhà vua chấp thuận.

Ngài đến chùa Long Động, núi Yên Tử, Đông Triều theo Thiền sư Chân Nguyên học đạo, ngày đêm nghiên cứu Tam tạng kinh điển. Ít lâu sau, Thiền sư Chân Nguyên thấy đệ tử đã đầy đủ uy nghi và có mật hạnh bèn cho thụ Cụ túc giới và truyền tâm pháp. Ngài trở về trụ trì chùa Liên Hoa và thu nhận học trò, phát triển thành phái riêng, hiệu là Liên Tông (tông thiền liên hoa). Đồng thời chùa cũng đổi tên thành chùa Liên Tông, thời gian sau, chùa Liên Tông lại trùng tên nhà Vua Hy Tông nên chùa lại đổi thành chùa Liên Phái cho đến ngày nay. Chùa Liên Phái là nơi in khắc kinh lục nổi tiếng thời bấy giờ, và trở thành chi phái Phật giáo phát triển không chỉ ở Thăng Long – Hà Nội mà còn ở Bắc Ninh và nhiều vùng khác ở miền Bắc.

Chùa Liên Phái trải qua nhiều thăng trầm vẫn giữ được giá trị lịch sử, giá trị văn hóa và giá trị tôn giáo độc đáo, riêng biệt và lan tỏa suốt 300 năm nay.

Sinh thời, Tổ Như Trừng Lân Giác đã độ được nhiều đệ tử, dựng được nhiều ngôi chùa. Ngài dựng chùa Hộ Quốc ở Hà Nội, chùa Hàm Long ở Bắc Ninh, cho Đệ tử Tính Dược trụ trì chùa Liên Tông, Đệ tử Tính Ngạn trụ trì chùa Hàm Long.

Để nghiên cứu tìm hiểu làm rõ hơn thân thế, hành trạng của Tổ, những đóng góp của Tổ đối với Phật giáo Việt Nam, đồng thời, nghiên cứu các giá trị lịch sử, văn hóa Sơn môn Liên Phái trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, Phân Viện NCPHVN tại Hà Nội phối hợp với Viện NCTG và chùa Liên Phái tổ chức Hội thảo khoa học “Tổ Như Trừng Lân Giác và Sơn môn Liên Phái trong lịch sử Phật giáo Việt Nam”. Đây cũng là hoạt động có ý nghĩa nhằm kỷ niệm 290 năm ngày viên tịch của Tổ, 327 năm ngày sinh của Ngài và 297 năm chùa Liên Phái được xây dựng.
Hội thảo tập trung vào các chủ đề chính như sau:

Chủ đề 1: Tổ Như Trừng Lân Giác: Cuộc đời và Đạo nghiệp;
Chủ đề 2: Sơn môn Liên Phái trong lịch sử Phật giáo Việt Nam;
Chủ đề 3: Đóng góp của chư Tổ và Sơn môn Liên Phái cho Phật giáo Việt Nam;
Chủ đề 4: Giá trị lịch sử, văn hóa, tôn giáo…của Sơn môn Liên Phái;
Chủ đề 5: Phát huy giá trị Di sản Sơn môn chùa Liên Phái

Hy vọng Hội thảo ngoài việc cung cấp thêm những tư liệu mới mà các học giả, nhà nghiên cứu dày công khảo cứu, tìm tòi, phát hiện qua lao động khoa học sẽ góp phần trả lời một số những nội dung mà các tài liệu có những chi tiết đề cập có sự khác nhau.
Sách Đại Nam Thiền uyển Kế đăng lục, Hà Thành linh tích cổ lục v.v…xếp Tổ Như Trừng là Đệ nhất Tổ, nhưng bia Trùng hưng Liên Phái dựng năm 1872 ghi vị Đệ nhất Tổ là Hòa thượng Chân Nguyên?

Hoặc một số chi tiết khác như Tổ Như Trừng là con trai thứ 11 của Tấn Quang Vương hay con trai thứ 16 như một số tài liệu có đề cập đến?

Một số bản thảo các cuốn sách, khoa cúng, bài cúng, tác phẩm Phật học như Ngũ giới quốc âm, Thập giới quốc âm, Kiến đàn giải uế nghi, Phật tâm luận, Mãn tâm tạ quá nghi… Trong đó, hai quyển Ngũ giới quốc âm và Thập giới quốc âm được ngài Như Trừng Lân Giác soạn viết bằng thơ Nôm là do Tổ Như Trừng ấn tống hay chính Tổ là tác giả chắp bút biên soạn, hiệu đính, chú giải?

Ngoài ra, cần có những nguồn tư liệu về thân thế, gia đình của Tổ. Giai đoạn, khi Tổ Như Trừng viên tịch việc đám hiếu cho Ngài là do các đệ tử đảm nhiệm hay do mẹ Ngài lo liệu? Các Đệ tử nối truyền sau này đã kế nghiệp như thế nào? Vv…vv

Nếu thời Trần có Sơ tổ Trần Nhân Tông là người đã khai sáng ra thiền phái Trúc Lâm thì vào thời hậu Lê có thiền sư Như Trừng Lân Giác lập ra phái Liên Tông. Bắt nguồn từ giai thoại về hình tượng hoa sen thanh khiết đã thức tỉnh Công tử Trịnh Thập “cải gia vi tự”, phát tâm xuất gia tu học với thiền sư Chân Nguyên.

Thời gian tu học, tuổi thọ của Ngài không cao nhưng Tổ đã để lại những di sản vật thể và phi vật thể đóng góp cho nền Phật giáo Việt Nam. Thụ nhận và liễu ngộ được phật pháp, Tổ đã nhiệt thành đem chính pháp hoằng truyền khắp nơi, phát triển đạo pháp và lợi lạc hữu tình cho chúng sinh bằng những liệu pháp “cứu sinh” thiết thực có vai trò an tâm dưỡng đạo, lợi lạc cho cuộc sống của tha nhân.

Công hạnh tu tập và hoằng pháp của Tổ Như Trừng Lân Giác là bài học kinh nghiệm cho hàng hậu học sơn môn Liên Phái nói riêng và hàng xuất gia nói chung noi theo và tiếp bước làm rạng ngời ngôi nhà Phật giáo trong lòng dân tộc Việt Nam hôm nay và mãi mãi về sau.

Nam mô Bản sư Thích ca Mâu Ni Phật!

Nam mô Tổ sư Lân Giác Thượng sĩ hoằng nguyện độ sinh Như Như Trừng Trừng Viên Giác Cao Thiền Hòa thượng Đại tuệ Thiền sư Bồ tát!

HT.Thích Gia Quang
– Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN,
– Trụ trì chùa Liên Phái, Hà Nội

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường